Kiến Thức Phật Pháp
Sách Tấn Chỉ Đạo
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
|
TẠI CÁC TRƯỜNG HẠ 24 QUẬN HUYỆN, TP.HCM, NGÀY 18/6/2015 – 3/7/2015
Từ trước đến năm 2014, Phật giáo
thành phố Hồ Chí Minh chỉ tổ chức mỗi quận an cư tập trung tại hai điểm. Nhưng
theo quyết định của Ban Trị sự thành phố, từ năm nay, 2015 trở đi, không phải
chỉ có hai điểm an cư tập trung ở mỗi quận huyện. Những nơi nào có Tăng Ni đông
đều có thể mở nhiều điểm an cư tập trung. Vì hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có
gần tám ngàn Tăng Ni, nên cần có nhiều điểm an cư để Tăng Ni thành phố đều được
tập trung an cư.
An cư có hai dạng,
các vị an cư tập trung tập hợp một trụ xứ tu suốt ba tháng. Những trường hạ tập
trung, Ban Hoằng pháp cử giảng sư đến giảng dạy hàng tuần.
Dạng thứ hai, an cư tại chỗ cũng có hai dạng. Một là chư
Tăng, hay Ni có bốn Tỳ-kheo trở lên thường ở trong một trụ xứ có thể kiết giới
phát nguyện an cư ba tháng và bố-tát tại trú xứ. Dạng thứ hai là nhứt Tăng nhứt
tự không thể tập trung an cư được, có thể phát nguyện cấm túc an cư tại trú xứ
của mình. Tuy nhiên, khi an cư như vậy gọi là tâm niệm an cư, hay tùng hạ, cũng
phải theo quy định của Phật là không đi ra ngoài, trừ khi có một số Phật sự
khác như đi giảng dạy, hộ niệm cầu an, cầu siêu cho tín chủ gắn bó với chùa. Và
cũng có quy định chúng ta chỉ làm việc do Tăng sai. Làm xong việc, chúng ta phải
về chùa để chuyên tu. Và mỗi nửa tháng cũng phải về trụ xứ có Tăng Ni an cư tập
trung để tham gia bố-tát và học hạnh của các vị tôn túc.
Ngoài ra, năm nay, Ban Trị sự thành phố HCM cũng chủ
trương các trường Phật học phải ngưng dạy để Tăng Ni tập trung an cư.
Nghĩ lại thời xưa, Tăng Ni thiếu học, nhưng phần tu hành
nhiều. Vì vậy, học bao nhiêu, thực tập bấy nhiêu và có các vị cao đức dìu dắt,
nên thành tựu đạo lực, thuyết phục được quần chúng.
Ngày nay, chúng ta có hiểu biết rộng hơn Thầy Tổ, tầm
nhìn của chúng ta toàn cầu, mối quan hệ của chúng ta khắp năm châu, nhưng thực
tập giáo pháp để giải thoát thì ít người được. Thực tế cho thấy phần lớn Tăng
Ni ngày nay có học vị đại học và trên đại học, nhưng về phần tu chứng, sơ quả
cũng chưa đạt được.
Vì vậy, chúng tôi nhắc nhở Tăng Ni trong mùa an cư, cố gắngthực tập
tinh ba Phật pháp cho đạt được kết quả, để có thể giảng dạy đúng như pháp, làm cho Phật giáo
hưng thạnh.
Đối với Tăng Ni, từ sơ hạ đến năm hạ, ít nhất phải có an
cư tập trung, vì có an cư tập trung mới có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tu và thấy
sơ suất của pháp lữ đồng hành mà chỉ bảo cho nhau cùng sửa đổi, để cùng thăng
tiến trên bước đường tu. Đó chính là điều tốt đẹp của truyền thống an cư tập
trung.
Tôi thấy những người xuất thân từ Phật học viện và có an
cư thường làm nên đạo nghiệp. Người có học vị cao, nhưng không cùng chúng tu học
thường dễ phạm sai lầm và gây ảnh hưởng không tốt.
Tôi mong quý vị cấm túc an cư thực sự, thực tập giáo pháp
thực sự và đạt được giải thoát thực sự, tiêu biểu cho Tỳ-kheo ở thời đại mới,
có hiểu biết mới và việc làm mới, nhưng giải thoát nhất định phải có. Vì người
tu mà không giải thoát, không khác gì người thế tục, thì đạo Phật cũng không thể
tồn tại.
Mong rằng dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo quận và uy đức
của Hòa thượng Thiền chủ, quý vị thực tập giáo pháp được giải thoát, nhưng muốn
giải thoát, phải buông bỏ những gì không cần thiết trong việc tu hành, để thực
tập giáo pháp đúng nghĩa.
Ngày xưa, tôi học ở Phật học đường Nam Việt, dưới sự dìu
dắt của Hòa thượng Thiện Hòa , tôi không ra khỏi chùa Ấn Quang trong ba tháng
an cư, chỉ một lòng lễ sám, đọc kinh, thiền quán để tội chướng tiêu trừ, công đức
sanh ra, thì tiến tu dễ dàng. Trong thời gian đó, tôi ít tiếp xúc với tín đồ,
nhưng thực hành được giáo pháp, mọi người lại muốn thân cận. Vì vậy, mới thấy
công đức tu hành quan trọng. Mong chư tôn đức nương vào công đức của Hòa thượng
Thiền chủ, để hoàn thiện công đức của mình, sau này, gánh vác Phật sự Giáo hội
được thành tựu tốt đẹp.
Ba tháng an cư, Phật dạy chư Tăng tập hợp một trú xứ để
chia sẻ kinh nghiệm tu, giúp cho Phật giáo tồn tại trên thế gian. Tồn tại trên
thế gian không có nghĩa là tồn tại trên hình thức, nhưng quan trọng hơn, tồn tại
trong lòng người, trong sự tôn kính của quần chúng. Nếu chỉ tồn tại chùa và
hình thức nào mà quần chúng không tin tưởng đạo pháp, coi như Phật pháp suy đồi,
hoại diệt.
Lịch sử cho thấy có lúc chùa phát triển nhanh, Tăng Ni
đông là tồn tại hình thức lại trở thành đối tượng tranh chấp với xã hội, đó là
mầm mống suy đồi đưa Phật giáo đến hoại diệt. Cao nhất là ở Ấn Độ, Hồi giáo và Ấn
giáo đã tiêu diệt Phật giáo, không phải lúc đó Phật giáo suy đồi. Vì lịch sử chứng
minh lúc đó, chùa nhiều, Tăng Ni đông, nhưng là thời kỳ yếu nhất của Phật giáo,
vì quần chúng không quan tâm đến Phật giáo.
Thật vậy, gần nhất là dân Ấn đã quan tâm đến đạo Hindu là
tân Bà-la-môn giáo. Xưa kia, khi Phật xuất hiện, vua chúa, giới trí thức, trưởng
giả, Bà-la-môn phát tâm quy y Phật. Chưa có đạo Phật, nhưng vì có Phật, nên người
ta hướng về Phật, theo Phật giáo.
Nhưng đến thế kỷ VIII, Phật giáo lên đỉnh cao, chùa nhiều,
chư Tăng đông, lại xảy ra tranh chấp trong chùa, trong Tăng đoàn. Chùa lớn có
nhiều quyền lợi, làm Tăng Ni quên thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, chỉ thấy
quyền lợi, đạo đức Tăng Ni xuống cấp.
Lúc đó, xã hội đi lên, không phải xuống dốc, nhưng vì
Tăng Ni hướng về quyền lợi, quên tu. Phật giáo bắt đầu suy đồi, từ chùa tranh
chấp nội bộ đến hệ phái tranh chấp. Phật giáo tự suy đồi, tự hoại diệt. Người
dân không tin vào trí sáng suốt của tu sĩ Phật giáo và cựu Bà-la-môn giáo cũng
suy yếu. Từ ước mơ có đổi mới đã nảy sinh tân Bà-la-môn giáo, nay là đạo Hindu,
kết hợp giáo nghĩa Đại thừa và Bà-la-môn cũ. Bà-la-môn mới chống Bà-la-môn cũ
và chống cả hình thức tiêu cực của Phật giáo.
Phật giáo ở Trung Quốc cũng vậy, khi đến đỉnh cao, lại có
đàn áp Phật giáo, phá chùa, giết Tăng. Phật giáo Trung Quốc năm lần bị pháp nạn,
ba lần do vua Võ đàn áp, một lần do vua Chu và lần thứ năm là cách mạng đại văn
hóa của Mao Trạch Đông.
Trung Quốc có năm lần Phật giáo suy, nhìn kỹ là năm lần
Phật giáo thạnh, có nhiều quyền lợi nhất. Phải nói đời Đường, Phật giáo thạnh
nhất, có hai vị nổi tiếng là ngài Huyền Trang và Thanh Lương đại sư. Hai vị này
đề xướng pháp tánh của kinh Hoa nghiêm và pháp tướng của Duy thức. Kiến
giải của hai vị này vừa thu hút được quần chúng và cả Nho sĩ, đạo sĩ của Lão
giáo, Nho giáo.
Vì vậy, vua Đường Thái Tông rất kính trọng ngài Huyền
Trang và vua Đường Cao Tông kính trọng Thanh Lương đại sư. Hai vị chân tu nổi
tiếng làm vua chúa, quần chúng ngưỡng mộ, giới trí thức kính trọng nhà tu hành,
đưa Phật giáo lên đỉnh cao. Lúc đó, chùa lớn, chư Tăng đông, đàn việt cúng dường
nhiều, khiến người ta thấy vào chùa tu có nhiều quyền lợi, trước mắt được làm
thầy, còn ở ngoài, làm dân không xong. Thực chất người tu không có, mà người tu
lại quá nhiều.
Đường Võ Tông nhận thấy Tăng chúng hư hỏng, quần chúng
chán ghét, nên ông tuyên bố phá chùa, giết Tăng mà đọa địa ngục, trẫm cũng làm,
để cứu dân. Vua kiểm tra toàn bộ Tăng-già qua cuộc khảo thí. Nếu không tinh
thông giáo lý, bắt buộc hoàn tục, đi lao động. Đó là pháp nạn thời nhà Đường, mấy
chục ngàn Tăng sĩ phải hoàn tục, bao nhiêu chùa bị dẹp bỏ. Vua phế Phật, vì quần
chúng thấy quyền lợi tập trung cho chùa, đất hiến cúng chùa, từ đó người nghèo
tranh chấp quyền lợi với chùa.
Mặc dù người dân đã chiếm đất của chùa, nhưng họ cũng
chưa vừa lòng, cho rằng quyền lợi của nhà sư cũng còn nhiều so với quyền lợi của
người dân. Từ đây dẫn đến pháp nạn cuối cùng, cách mạng do Mao Trạch Đông cầm
quyền đã phá hủy rất nhiều ngôi chùa và kinh sách.
Phật giáo Việt Nam khác Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc một
chút, tức chúng ta không có chùa lớn, không có chư Tăng đông như họ. Nhưng Phật
giáo Việt Nam quan tâm đến sinh hoạt xã hội nhiều hơn, nên được dân chúng quý mến.
Và Phật giáo thịnh hành nhất vào thời kỳ Lý-Trần, nhưng không có những ngôi
chùa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn Tăng Ni học rộng, nghe nhiều,
tu hành có đạo đức, được kính nể.
Đọc văn thơ Lý-Trần, tuyển được 50
nhà văn thơ thời đó thì có đến 48 người là Thiền sư, hai người là Phật tử. Có
thể thấy người trí thức lúc ấy hầu hết ở trong giới tu hành, vì người tu không
phải làm việc như người đời phải cực khổ lo kiếm cơm, lo gia đình, lo cho xã hội.
Vì vậy, người tu có nhiều thì giờ tập trung cho việc học và tu. Học phải tới
nơi tới chốn và tu đạt đỉnh cao, mới có những bài thơ ngộ đạo. Dù có tu hay
không, người ta vẫn nhận ra văn thơ thời Lý-Trần ẩn chứa những ý nghĩa sâu xa
mà người đời khó đạt được. Đó là một trong những lý do đưa Phật giáo thời Lý-Trần
lên đỉnh cao.
Ngày nay, chúng ta muốn phục hưng Phật giáo như thời Lý-Trần, phải nâng
kiến thức lên cao và có tầm nhìn sâu sắc như ngài Khuông Việt, Vạn Hạnh, mới
xứng đáng làm thầy của vua, của mọi người, khả dĩ làm Phật giáo hưng thạnh.
An cư, nếu
Tăng Ni nỗ lực tu, đạt được kết quả cao, chắc chắn hiện tướng giải thoát và tâm
hồn cao thượng, cảm hóa được quần chúng kính ngưỡng, Phật giáo mới hưng thạnh.
Trước khi có
phong trào chấn hưng Phật giáo, miền Nam không có chư Ni. Ở miền Bắc, ngày xưa
còn có chư Ni, nhưng miền Nam là thuộc địa của Pháp, nên đạo Phật bị đẩy lùi
vào bóng tối. Vì vậy, vào thời kỳ đó, chư Tăng ít học, chỉ thuộc lòng kinh Di
Đà để hộ niệm đám tang là quý rồi.
Đến thời kỳ
chấn hưng Phật giáo, Tổ Khánh Hòa thấy Phật giáo suy đồi, ngài phát đại tâm,
bán chùa Tuyên Linh để thỉnh Đại tạng kinh giảng dạy chư Tăng. Lớp học
đầu tiên ra trường do ngài lãnh đạo là chư vị Hòa thượng: Thiện Hoa, Thiện Hòa,
Trí Tịnh và gầy dựng cho tới ngày nay, chúng ta có một tổ chức Phật giáo vững
mạnh cũng nhờ nền tảng căn bản tốt đẹp này.
Thời xưa,
nghĩ học là chính, vì chư Tăng thất học, nhưng khi vấn đề học lên cao quá, vấn
đề tu bị sụt giảm. Thật vậy, Phật giáo miền Nam có những vị muốn học hiểu trong
đạo và ngoài đời, chúng ta thấy người tu bắt đầu rơi rụng lần. Huynh đệ tôi có
bằng cấp tú tài, cử nhân ra làm Hiệu trưởng dạy học và cởi áo tu luôn, hoặc một
số người tham gia phong trào tranh đấu, hay làm Tuyên úy cũng không tu nữa. Đào
tạo người tu nhiều, nhưng thành công không được bao nhiêu.
Ngày nay,
kiến thức được đưa lên tầng cao ngang tầm thời đại, tu sĩ có học vị nhiều,
nhưng áp dụng giáo pháp đạt giải thoát không nhiều.
Vì vậy, chủ
trương của Giáo hội và Ban chỉ đạo an cư mỗi năm, Tăng Ni bắt buộc phải cấm túc
an cư và tất cả Tăng Ni thọ Cụ túc giới
rồi, phải có ba mùa an cư tập trung mới được tính lên giáo phẩm. Vì có an cư
tập trung, có cọ xát, thấy khiếm khuyết của người mà mình tự tránh, tự sửa đổi
và học những điều tốt đẹp của bạn.
Cấm túc an
cư, nương vào đức hạnh của Hòa thượng Thiền chủ và Duy na dìu dắt, đương nhiên
có khó khăn, nhưng biết sửa đổi, rèn luyện bản thân, sẽ giúp chúng ta thăng
tiến sau này. An cư, chúng ta có thì giờ suy nghĩ và ứng dụng mới quan trọng.
Ai mới phát
tâm xuất gia, thọ giới thường có quyết tâm cao. Phật dạy giữ được quyết tâm này
sẽ tiến lên Vô thượng Đẳng giác dễ dàng. Vì vậy, sơ tâm rất quan trọng, không
giữ gìn sơ tâm miên mật, dễ hư hỏng.
Trong sơ hạ,
quý vị tập hai chữ buông xả là bước một chân vào giải thoát. Ai làm gì bực mình
cũng bỏ qua. Tôi thường nghĩ bực là nghiệp của mình, người ta làm cái nghiệp
bực, không phải làm mình bực. Làm sao tách nghiệp ra khỏi con người mình. Tập
được pháp này, lần lần thanh thản. Nhờ sống chung với đại chúng trong mùa an
cư, mình khắc phục được nghiệp và trưởng thành trên đường đạo. Nếu không sống
chung với chúng, thì có ai làm bực, làm phiền; như vậy, nghiệp chướng, phiền
não, trần lao của mình còn giữ nguyên.
Ba tháng an
cư, thầy nào không bị phiền não xung quanh làm phiền là được giải thoát. Và
thực tập được pháp này, mãn hạ về, ta nhận ra được bạn đồng tu đã giúp đỡ mình
trưởng thành và cũng cám ơn người đã thẳng thắn phê bình mình, mong mùa an cư
sau được gặp lại bạn tốt như vậy để ta có thể tiến xa hơn.
Thiết nghĩ,
an cư thực sự, mỗi mùa an cư có tiến bộ và trải qua năm mùa an cư, mới trưởng thành, mới có thể dạy dỗ người
khác.
Riêng tôi
suy nghĩ không phải chỉ có ba mùa an cư tập trung, còn phải thêm bảy mùa an cư
nữa, mới có thể tiếp Tăng độ chúng. Vì không đạt được thành quả trải qua mười
mùa an cư, chưa độ được mình, mà độ người thì khó thành công.
Nhiều thầy
tới thăm tôi, nói có hơn một trăm đệ tử xuất gia. Tôi nghe vậy, lo sợ cho họ.
Mới tu, bản thân thầy như vậy thì học trò sẽ như thế nào. Tôi sợ cho Phật pháp
tương lai. Cần nỗ lực tu được giải thoát, mới làm cho người giải thoát; nếu
không, sẽ bị họ làm phiền và mình làm phiền họ, là xa rời đạo Phật.
Quý vị cần cố
gắng tu, cố gắng thực hành giáo pháp của Phật. Tuy giáo pháp nhiều, nhưng đều
nhằm mục tiêu làm chúng ta an lạc, giải thoát.
An cư là sống
an lạc, giải thoát, nghĩa là thoát ly ảnh hưởng của xã hội và thiên nhiên. Để
thoát ly ảnh hưởng xã hội, chúng ta hạn chế quan hệ xã hội để tâm hồn chúng ta
được yên tĩnh, vì suốt năm, chúng ta độ sanh, nên bận rộn nhiều thế sự, ít
nhiều bị ảnh hưởng của xã hội, khiến cho tâm bị dao động, nhiễm ô.
Vì vậy, ba
tháng cấm túc an cư nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức bằng cách lấy
giáo pháp rửa sạch lòng trần để tâm thanh tịnh, giải thoát. Việc thứ nhất,
trong mùa an cư, chúng ta buông xả thế sự, hạn chế công việc tối đa để không bị
việc ràng buộc, không bị xã hội chi phối.
Và bước thứ
hai, chúng ta còn có thân tứ đại, nên bị thân này chi phối, vì khi tứ đại không
điều hòa, khiến chúng ta mệt mỏi, bệnh hoạn. Làm sao không bị tứ đại chi phối.
Theo kinh
nghiệm riêng tôi, trong mùa an cư, tôi tập điều hòa cơ thể trước. Tôi tuổi lớn,
nhưng ít bệnh, nhờ thực tập điều này. Điều hòa bằng cách hạn chế lao động tay
chân và hạn chế ăn uống, giúp sức khỏe tương đối ổn định. Vì lao động nhiều thì
phải ăn nhiều và ăn nhiều thành bệnh là điều tất yếu. Có trường hạ, Tăng Ni
bệnh nhiều, vì không biết điều hòa cuộc sống, điều hòa ngủ nghỉ, ăn uống cho
thích hợp.
Mùa hạ, tôi
quan tâm lời Phật dạy rằng không ăn quá nhiều, không ăn quá ít. Và ngài Trí Giả
còn dạy rằng không ăn những gì không thích hợp với cơ thể, để không sanh bệnh.
Khi Phật tại thế, chư Tăng đi khất thực, được cúng dường thức ăn gì thì dùng
thức ăn đó và thời xưa, thực phẩm không có độc tố nhiều. Ngày nay, thực phẩm
chứa độc tố tràn lan. Tăng Ni thường ăn thực phẩm chế biến sẵn, đó là thứ có
nhiều độc tố khiến cho cơ thể bị xáo trộn, mệt mỏi, bệnh hoạn, ảnh hưởng đến
tâm linh. Ngày xưa mà ngài Trí Giả đã nghĩ đến điều này.
Quý vị nấu
ăn, nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và rau củ quả không sạch. Chùa Huê
Nghiêm tự trồng rau, bảo đảm đất, nước sạch. Nếu không tự sản xuất được, nên
mua thực phẩm sạch, không có chất độc. Còn ham rẻ và thích thức ăn nhanh, sanh
bệnh, chắc chắn khó tu.
Muốn được
giải thoát, phải có cơ thể khỏe mạnh, phải điều hòa ăn uống, ngủ nghỉ. Phật dạy
ăn một bữa là vừa. Đầu hạ, ăn nhiều, giữa hạ hạn chế, bớt ăn chiều.
Và điều hòa
được cơ thể ổn định rồi, không cần quan tâm đến nó, Tăng Ni cần phát huy đời
sống tâm linh bằng cách kiểm tra xem lòng chúng ta nghĩ gì. Phật dạy đối với
suy nghĩ thiện thì phát triển, suy nghĩ ác thì gạn lọc, dứt bỏ. Thiện đối với
tôi là làm người khác an vui, chấp nhận. Suy nghĩ ác là làm người khó chịu,
buồn phiền.
Trong ba
tháng an cư, làm sao đại chúng thương quý ta, là thiện. Trái lại, chưa mãn hạ
mà bị tẩn xuất, hay sang năm xin an cư, người ta không cho, là ác. Có người an
cư ra về, Ban Chức sự mong gặp lại là thiện, còn mãn hạ về, Ban Chức sự không
muốn gặp lại, là ác. Nói dễ hiểu là ta làm gì mà đại chúng chấp nhận và Ban
Chức sự bằng lòng.
Chúng ta điều
chỉnh thiện ác tương đối này rồi, bước thứ hai vượt qua thiện ác tương đối,
Phật dạy Tỳ-kheo thanh tịnh là thiện, động loạn là ác. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đúng
nghĩa là tâm thanh tịnh, nghĩa là không nghĩ thiện, không nghĩ ác.
Mới tu, nghĩ
thiện, nhưng nghĩ thiện thuần rồi, không tác ý nữa, tức không nghĩ thiện ác
nữa, tâm thành thanh tịnh. Và từ tâm thanh tịnh này khởi lên, kinh Hoa nghiêm
gọi là chân như duyên khởi. Từ tâm thanh tịnh, hay tâm chân như khởi lên, quan
hệ được với Phật, Bồ-tát, bước vào dòng Thánh, chứng quả Dự lưu.
Tóm lại, phát
tâm tu, không bị xã hội, thiên nhiên chi phối, không bị ăn uống, ngủ nghỉ ràng
buộc, chứng Sơ quả, dự vào dòng Thánh đệ tử và từ đây tiến tu lên.
Xưa kia, ngài
Ca Diếp lãnh y bát của Phật trao cho, ngài vào núi Kê Túc nhập định. Đến khi
ngài Di Lặc thành Phật, Ca Diếp mới xả định, trao y bát cho Di Lặc. Điều này
nói lên rằng Tỳ-kheo luôn sống trong chánh định, nếu không như vậy, không phải
là Tỳ-kheo.
Một Tỳ-kheo thực
sự an cư là bế quan, sáu giác quan đóng kín, vì còn nghe việc bên ngoài, khiến
ta khởi tâm, dù là khởi tâm thiện cũng làm ta động tâm. Bế quan, cắt đứt hoàn
toàn quan hệ xã hội trong mùa an cư, không bị thiện ác bên ngoài chi phối, để
tâm hoàn toàn yên tĩnh.
Chủ yếu của việc an cư tập trung một chỗ tu hành, không ra ngoại giới. Ở trường hạ tập trung, nương nhau tu, là học điều tốt của nhau và thấy lỗi của bạn để sách tấn nhau, cùng thăng hoa. Nhờ thân cận, được học với các vị tu cao, học rộng, truyền bá Phật pháp có kết quả, sau này chúng ta đi hoằng hóa dễ thành công.
Tôi từng sống thời học Tăng, nương vào các bậc cao đức như Hòa thượng Thiện Hoa, HT. Thanh Từ, HT. Huyền Vi là những vị giảng sư nổi tiếng, nên tôi phát triển việc hoằng pháp nhanh chóng.
Tăng Ni có năng khiếu truyền bá Phật pháp, nên thân cận, nghe các kinh nghiệm của các bậc đi trước, những việc không được, thì chúng ta tránh.
Kinh nghiệm của người trước mà tôi học được, là nơi có nghịch duyên, hay ngoại đạo quá khích, chúng ta tránh. Nếu có khả năng hàng phục họ, chúng ta đến đó; nếu không, đến sẽ bị hại.
Tôi còn nhớ Hòa thượng Thiện Hoa nói rằng có thầy Giải Ngạn ở miền Bắc vào Nam, đến tỉnh Đồng Tháp có cúng dường ngôi chùa lớn, đất rộng. Hòa thượng Thiện Hòa giao chùa này cho thầy Giải Ngạn xuống đó coi ở được hay không. Hòa thượng Giải Ngạn cùng sáu thầy xuống coi chùa. Hòa thượng Huệ Hưng dẫn đường, để sáu thầy này ở lại chùa. Hòa thượng Huệ Hưng về thăm chùa Tổ Kim Huê, nên ngài còn sống. Sáu thầy ở lại chùa, tối đó bị bắt đi mất tích.
Hòa thượng Thiện Hoa nhắc tôi phải biết rõ điều này, nếu chỉ nhiệt tình mà không suy nghĩ thì mất mạng. Hoặc tới vùng ngoại đạo hung dữ, không có bản lĩnh, không biết đối phó, sẽ bị hại.