Phật Pháp Và Đời Sống
THỰC TẬP PHÁP PHẬT
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Phổ Quang
Nếu học pháp Phật mà không thực hành, ví như người giới thiệu món ăn, không được ăn, phải đói. Nhưng người không học pháp Phật mà tu thì dễ rớt qua ngoại đạo, tà giáo, không thành Phật, mà thành ma quỷ, thường được ví như nấu cát muốn thành cơm.
Là đệ tử Phật, muốn mở mang trí tuệ, có hai giai đoạn, giai đoạn một là học hay tầm sư học đạo và giai đoạn hai, thực hành pháp Phật đã học được.
Vì vậy, thực tế cho thấy các Hòa thượng sau khi tốt nghiệp Phật học, thường dành thì giờ kiết thất ba năm, năm năm, hay mười năm để thực tập những gì đã học được, cho đến khi có các kết quả trong cuộc sống, mới đem thành quả này mà chia sẻ cho người khác. Đó là quá trình tu như vậy, nhưng khi chúng ta chia sẻ kết quả mà mình đã gặt hái được, nghĩa là tiếp cận với cuộc đời, thì lại phát sinh những điều mới, vì cuộc sống của con người luôn thay đổi không dừng.
Vì lý do này, Phật dạy trong một năm phải dành ba tháng mùa mưa ẩn cư để suy gẫm những gì mình đã gặp trên bước đường hành đạo và tìm cách hóa giải những điều gút mắc trong cuộc sống chúng ta, gọi là thực tập. Làm như vậy, thì tăng thêm trí tuệ, sau đó mới chỉ dạy người những thành quả mình đạt được.
Những người chưa thực tập pháp Phật, nhưng nói pháp thì phần lớn chỉ đúng với văn tự chữ nghĩa thôi, không đúng ý Phật. Như vậy, suốt đời hành đạo không mang kết quả cho ta và người theo trở thành thân tàn ma dại. Hiểu ý này, Tăng Ni, Phật tử nên cân nhắc những việc mình đã làm trong cuộc sống và coi kết quả đó như thế nào.
Phật đặt nặng vấn đề thực tập giáo pháp hơn ngoại đạo Bà-la-môn, họ đặt nặng lý thuyết, nên thường tranh cãi. Phật không tranh cãi, nên Phật khác ngoại đạo, Ngài mới được mọi người kính ngưỡng. Người ta hỏi Phật tại sao từ vua chúa, nhà trí thức, trưởng giả cho đến thường dân đều kính trọng Phật. Ngài nói rằng chỉ có thực tập giáo pháp.
Khởi đầu, Phật xuất gia, hay tầm sư học đạo là phát triển kiến thức. Ngài đi khắp nơi, đến những chỗ giảng dạy để tìm hiểu xem cái thấy của họ như thế nào. Nhưng nhìn lại, Ngài nhận thấy điều họ nói và việc họ làm khác nhau, thì không thể tin cậy và nương tựa được.
Cuối cùng, Phật chọn hai đại sư mà việc nói và làm của họ tương ưng với nhau. Trước tiên, ông Kamala nói với Phật rằng con người bị tình cảm và thiên nhiên chi phối, gọi là nghiệp chướng và trần lao. Vì vậy, muốn cầu giải thoát, chúng ta phải thoát khỏi sự ràng buộc của tình cảm con người, mà chính yếu là ham muốn.
Như vậy, bài pháp thực tập đầu tiên là cắt bỏ lòng ham muốn thì được giải thoát. Lời Phật dạy rất thực trong cuộc sống, chúng ta thấy rõ người ham nhiều sẽ khổ nhiều, ham ít thì khổ ít, không ham không khổ.
Tôi áp dụng pháp này. Phật tử hỏi thầy muốn gì. Tôi nói thầy cầu giải thoát, không cầu gì, vì cầu mong là chúng ta bị ràng buộc và Phật nói thọ là khổ, thọ nhiều khổ nhiều, không thọ không khổ.
Chúng ta tu, đầu tiên bằng mọi cách từ bỏ tâm ham muốn, ham muốn tiền tài, địa vị, sắc dục, vì nó làm chúng ta khổ. Phật dạy rằng con người khổ vì năm món dục là ham ăn, ham ngủ, ham tiền, ham danh, ham sắc.
Trên bước đường tu, giới tại gia đương nhiên còn nhiều ràng buộc khó thoát. Giới xuất gia đã tuyên bố rời bỏ thế gian, thì dứt khoát bỏ ham muốn ngũ dục. Đi tu mà còn kẹt ăn, ngủ chiếm hết thì giờ làm sao tu.. Tôi thấy Thiền sư tập một ngày ăn một bữa, hai ba ngày ăn một bữa, hoặc một tuần ăn một bữa và tập thêm, có gì ăn đó, không còn nghĩ đến thức ăn ngon dở. Thực tập được pháp này gọi là quên ăn, không kẹt việc ăn, nên sáng đi khất thực, quá giờ ngọ không có gì ăn thì nhịn đói.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, còn cảm giác đói là còn muốn ăn, và nên hóa giải nghiệp này, xóa bỏ nghiệp này bằng Thiền thực và pháp thực. Chúng ta ngồi yên, nhập định, không nghĩ thức ăn, không nghĩ gì thì không cảm giác đói. Tôi từng thực tập pháp này. Khi không nghĩ đến ăn không cảm giác đói, tôi phát hiện thêm rằng chúng ta đói con mắt, đói tâm, hay đói cơ thể.
Cơ thể chúng ta đói là các tế bào trong cơ thể đói, hay đói vì tâm tham ăn, muốn ăn là nằm trong ham muốn. Đó là đói vì tâm thì chúng ta đoạn cái tâm ham ăn là ma tham núp trong thân chúng ta. Dù tế bào chưa đói, chưa thiếu, nhưng con ma đói thúc giục chúng ta kiếm ăn.
Tại sao biết chúng ta chưa đói. Người mập có thể nhịn ăn một tháng, vì thừa mỡ, đâu phải cơ thể thiếu dinh dưỡng, nhưng chúng ta lo bổ sung, nên con ma này xúi chúng ta ăn để bổ sung. Như vậy là tâm bệnh phát sinh thì liền vào cảnh giới ma.
Tâm đói là tâm ác bắt thân chúng ta phải ăn, làm cho thân thành bệnh. Chúng ta trấn át con ma này, chống lại con ma tham này, là thực tập pháp bằng cách lấy Thiền chống nó, tức chúng ta thực tập Thiền quán, không nghĩ thiện ác, thậm chí quên cả thân thì thấy mầm trí tuệ bắt đầu sáng lên. Phật gọi đó là phá phần vô minh, chứng phần Pháp thân. Pháp thân hiện ra từ Thiền, nên Pháp thân chỉ đạo, không phải thân xác chỉ đạo. Pháp thân chỉ đạo nói thưa thầy con chưa đói là tế bào chưa đói, chưa cần ăn. Giải trừ được bệnh này của thân là trị được con ma tham ăn.
Người thực tập pháp này, nhịn đói, uống nước lạnh, chữa được nhiều bệnh. Thiền cũng để chữa bệnh là vậy. Vì Thiền có trí tuệ rồi, chúng ta nghe được thân này cần cái nào bổ sung, cái nào không cần.
Thực tập pháp này, Trí Giả dạy rằng không ăn quá nhiều, không ăn quá ít và không ăn những gì không hạp với cơ thể mình. Trí Giả nói với chúng ta cũng có nghĩa là Phật tánh trong ta nói với ta.
Trí Giả không phải là người khác, nhưng chính là Phật tánh trong ta nói với ta rằng đừng ăn nhiều sanh bệnh và nhịn lâu, thiếu dinh dưỡng thì trí tuệ nói nên ăn bổ sung. Ý này có được do thực tập Thiền, trí tuệ le lói trong lòng chỉ đạo chúng ta. Chúng ta thực tập có trí tuệ thì biết cái gì không nên ăn. Trí tuệ vô lậu phát sinh trong lòng mình, khiến thấy đúng.
Trí Giả dạy chúng ta và chúng ta thực tập có kết quả thì trí tuệ phát sinh. Như vậy, nghe phải suy nghĩ và thực hành. Chúng ta thực tập pháp này, kiểm soát được cơ thể chúng ta thiếu cái gì thì bổ sung cái đó, dư cái gì thì cắt. Tu đúng sẽ không bệnh.
Hòa thượng Trí Tịnh nói khi tôi còn là học tăng rằng phải thấy được mình và chữa được bệnh của mình. Mình là nghiệp. Phải xóa nghiệp, mới giảng dạy cho người. Diễn tả ý này, Phật nói rằng điều mà Ta thuyết, Ta đã thực tập và đã chứng.
Nghe người nói, ta kiểm chứng thấy họ làm đúng với điều họ nói, như vậy là họ đúng. Trước chúng ta chưa thực tập mà nói thì đó là ma nói. Nhưng chúng ta thực tập pháp có kết quả tốt, phát sinh trí tuệ thì trí tuệ nói, là đã cắt giảm được nghiệp.
Nhớ lại xưa kia Phật tu khổ hạnh, nhịn ăn đến mức da bụng dính với xương sườn, nhưng khi trí tuệ Ngài bừng sáng, nghe trí tuệ nói cơ thể Ngài suy dinh dưỡng cao, vì Ngài ép nó quá. Phật nói với chư Thiên rằng Ngài nhịn đói lâu, cơ thể hao mòn lần khiến Ngài cảm giác như trăm mũi dao nhọn đâm vào thân. Ngài mới uống bát sữa do cô gái chăn bò dâng cúng thì các tế bào nhận được dinh dưỡng, tỉnh lại, cơ thể bớt đau nhức. Ngài mới tới cội Bồ-đề ngồi suy tư Thiền định, chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác.
Lúc trước chưa chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, Ngài nói với năm anh em Kiều Trần Như rằng không nên nhịn đói đến mức cơ thể suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng, nhưng họ không nghe, vì nghĩ rằng Phật tu khổ hạnh không nổi, nên giở chứng.
Ngài biết đúng, nhưng nói họ không nghe, vì chưa đúng lúc. Phải đến khi Ngài đạt quả vị Toàn giác, nghĩa là thấy rõ cơ thể của mình, còn thấy quá khứ của mình từ vô lượng kiếp trước, gọi là Túc mạng minh. Và nửa đêm, Ngài chứng Thiên nhãn minh là thấy rõ mối quan hệ của Ngài với cuộc đời, thấy rõ mối quan hệ giữa Ngài với mọi người từ nhiều đời quá khứ, thấy người có duyên với Ngài, hay người chuyên gây khó khăn cho Ngài, thấy rõ chỗ nên đến, chỗ nên tránh. Và Ngài nghĩ thấy rõ như vậy, nhưng làm sao truyền sự hiểu biết cho người.
Bấy giờ, mười phương Phật mới xuất hiện, vì chứng Vô thượng Bồ- đề là Ngài và mười phương Phật thông nhau thành một cõi, nói cách khác, tâm thanh tịnh của Ngài và tâm thanh tịnh của mười phương Phật gắn liền nhau. Ý này ngày nay gọi là nối mạng, chia sẻ với nhau dễ dàng và nhanh chóng mà không cần tới với nhau bằng thân xác.
Phật cho biết chẳng những Ngài nối kết với người sống, mà còn nối kết với người đã vào Niết-bàn, nghĩa là kéo quá khứ về hiện tại là cốt tủy của kinh Hoa nghiêm dạy. Ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai thông lại thành một điểm tâm duy nhất. Lý này rất kỳ diệu, làm sao chia sẻ được, vì họ không thể hiểu, không thể nghe, không thể chấp nhận và không làm theo Phật được.
Biết rõ sự phân vân của Phật Thích Ca, mười phương Phật liền nhắc rằng Thích Ca nên mở phương tiện để biết người muốn gì, nghĩ gì và làm được gì thì theo đó mà độ sanh.
Đức Phật Thích Ca liền quán sát mối liên hệ về tâm giữa năm anh em Kiều Trần Như với Ngài, thì thấy rằng năm người này cùng dòng họ huyết thống với Ngài, ba người thuộc dòng họ cha và hai người có dòng họ mẹ. Nhưng không phải chỉ thấy nhân duyên như vậy trong hiện tại, mà còn có mối quan hệ quá khứ, mới dẫn đến tình thầy trò. Quan sát người ở hai mặt là do ân tình, hay do oán thù mà gặp lại, gọi là nghiệp gặp lại.
Phật thấy rõ nhân duyên như vậy, mới tìm độ năm anh em Kiều Trần Như, thì Phật nói pháp họ nghe được là Tứ Thánh đế, mà đầu tiên là Tứ niệm xứ quán. Nghe Phật dạy, các ông thực tập pháp này và phải nói rằng nhờ nương theo tuệ giác của Phật, các ông bừng sáng liền.
Ngày nay, các thầy Nguyên thủy thực tập pháp Tứ niệm xứ quán để tâm xa rời trần cấu, không bị tình cảm và thiên nhiên chi phối. Riêng tôi, thực tập Tứ niệm xứ quán, quán thân bất tịnh, tôi còn thấy có trăm ngàn sai khác nữa, không phải chỉ thấy giống nhau là thân bất tịnh thôi.
Thật vậy, quán thân bất tịnh, nhưng khi thực tập, tôi thấy bất tịnh, hay tịnh cũng thân này. Bất tịnh vì do nghiệp và phiền não tạo nên, nhưng nếu thân được tạo bằng trí tuệ và nguyện của Bồ-tát thì thân này là Pháp thân. Thực tế cho thấy cũng thân người, nhưng bị khinh ghét và có thân người được kính trọng.
Hoặc dễ hiểu hơn, chúng ta thấy khi Thái tử Sĩ Đạt Ta thành Phật cũng thân đó, nhưng là Phật thân, Pháp thân. Còn thái tử thân và Phật thân nếu nhìn bề ngoài là hai, nhưng nhìn kỹ thấy là một.
Vì vậy, thấy thân bất tịnh để nhàm chán, không dính mắc với nó, được giải thoát thì Phật dạy phải thực tập Tứ niệm xứ quán. Nhưng đối với Bồ-tát, Phật phải dạy khác.
Vì Phật Thích Ca đắc Vô thượng Bồ-đề, muốn Niết-bàn, thì mười phương Phật hiện ra nhắc rằng chư Phật cũng thương chúng sanh, nhưng các Ngài không tiếp cận được chúng sanh, vì không có thân người. Trong khi Phật Thích Ca có ưu thế hơn ở điểm Ngài có thân người.
Như vậy, có thể hiểu rằng thân này là dụng cụ của Phật, Bồ-tát dùng để cứu nhân độ thế. Còn thân này cũnglà dụng cụ của ma để hại đời. Khác nhau ở sự điều khiển bên trong của thân. Ý thức như vậy, chúng ta quán tưởng nếu sử dụng thân để hại người thì đó là ma điều khiển. Nếu sử dụng thân để làm lợi cho cuộc đời thì đó là Phật điều khiển.
Tóm lại, việc quan trọng Phật dạy chúng ta trên bước đường tu, cần thực tập giáo pháp không phải là nghe rồi để đó. Thực tập pháp Phật để chúng ta có việc làm, hành động, lời nói, suy nghĩ giống như Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng.
Bài viết cùng chủ đề:
- Kinh DƯỢC SƯ trong tạng Nguyên thủy
- Hạnh nguyện của ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
- Mùa xuân mãi cho ta cho người
- Kinh nghiệm HOẰNG PHÁP 2
- Đốt năm phần TÂM HƯƠNG
- NIỆM PHẬT A DI ĐÀ CẦU SIÊU BẠT ĐỘ CHƯ HƯƠNG LINH
- Ý NGHĨA PHẨM TỰA THỨ NHẤT KINH PHÁP HOA
- Ý nghĩa bài kệ ca ngợi kinh Pháp hoa
- Linh Sơn cốt nhục
- Xây dựng mối quan hệ hòa bình & hữu nghị với các tôn giáo trên thế giới
- Ý NGHĨA PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN KỆ
- Chuyển hóa nghiệp thức
- HẠNH LẮNG NGHE
- Ý NGHĨA CẦU AN
- NIỀM TIN & LÒNG THÀNH hướng về Phật Dược Sư
- Lòng từ bi & vấn đề công lý
- Ý NGHĨA SÁM HỐI
- Trên nền tảng vững vàng, Phật giáo thành phố hướng đến phát triển bền vững
- Tên bài Số lượt nghe
-
Noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên 366
-
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo phần 6 240
-
Ý Nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu 233
-
Cảm thức về Đại lễ Vu Lan 162
-
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo phần 5 154
- Tên bài Số lượt nghe
-
Nghi Lễ Cúng Phật Đại Khoa 19.934
-
Bổn Môn Pháp Hoa 20 19.257
-
Bổn Môn Pháp Hoa 30 14.982
-
Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - MS 127 14.903
-
Thiên Đường Trần Gian - MS 169 13.131