cool hit counter

Phật Pháp Và Đời Sống

Ý NGHĨA PHẨM TỰA THỨ NHẤT KINH PHÁP HOA

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Bài giảng tại trường hạ Việt Nam Quốc Tự

Trước khi nói kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa là nói đủ cách, nên gọi là tùy bệnh mà cho thuốc để giúp mọi người sống đạo đức và có trí tuệ, tức Phật chữa lành bệnh cho thế gian và từ vị trí phàm phu, Phật chuyển hóa họ trở thành Hiền thánh.

Khi vô kinh Pháp hoa, các thầy thấy không giống như trước nữa. Lúc mới học kinh Pháp hoa, tôi nghĩ Phật nói kinh này ở núi Linh Thứu mà đi hành hương đến đây, chúng ta thấy khuôn viên của đạo tràng phải nói rất nhỏ hẹp. Nhưng trong kinh nói có 12.000 Tỳ-kheo, 80.000 Bồ-tát, hơn 70.000 chư Thiên, cũng có Long vương, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ca-lầu-la cùng nhiều quyến thuộc, vua A Xà Thế cùng với quần thần và những người hộ đạo tham dự pháp hội. Chúng hội đông như thế làm thế nào có đủ chỗ ngồi.

Và điều thứ hai mà tôi suy nghĩ là Phật nói kinh Pháp hoa trong 8 năm cuối cùng của cuộc đời Ngài. Trong lúc đó, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ba anh em Ca Diếp chết rồi thì Phật nói gì. Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi rằng thầy muốn học kinh Pháp hoa phải có niềm tin và căn lành thì thấy Phật bằng niềm tin và căn lành. Thấy Phật bằng mắt sẽ không thấy được, không hiểu được.

Mở đầu kinh Pháp hoa, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa; như vậy kinh Vô lượng nghĩa là cánh cửa mở ra cho chúng ta đi vào kinh Pháp hoa. Pháp hoa là tâm chúng ta như viên ngọc sáng, thân như hoa sen. Kinh Pháp hoa là Phật thừa. Phật thừa là thế giới chư Phật có từ Bồ Đề Đạo Tràng, tức Phật tu chứng được thì bấy giờ Phật Thích Ca thông được với tất cả Phật trong ba đời mười phương.

Ngày nay, tôi ví sự tương thông của Phật Thích Ca với chư Phật mười phương giống như chúng ta nối mạng, nó là dòng điện, dòng tư tưởng siêu tần không thấy bằng mắt, nhưng chúng ta có thể quan hệ khắp nơi trên địa cầu, xa là các hành tinh. Phật giáo gọi đó là Pháp giới.

Thành Phật, vô thế giới đó là thế giới mầu nhiệm của Phật, không cắt nghĩa được, nó lìa ngôn ngữ, lìa tư duy, lìa sự hiểu biết của chúng ta. Vì vậy, dùng ngôn ngữ, tư duy và hiểu biết đi vào thế giới Phật không được, điều này quan trọng nhất mà chúng ta phải nhận biết. Vào cánh cửa đó, chúng ta phải tắm rửa sạch sẽ, tức không còn phiền não, nghiệp chướng, trần lao mới vào thế giới Pháp hoa được. Và vô số phương tiện Phật mở ra cho chúng ta được sáng suốt.

Muốn vào cửa đạo thực sự dù xuất gia hay tại gia phải cắt đứt phiền não. Người còn kẹt thập triền thập sử không vào Pháp hoa được. Vì vậy, tôi thường nhắc các thầy gặp việc đáng buồn, đáng giận, đáng sợ, chúng ta không buồn, không giận, không sợ, vì buồn giận sợ là phiền não. Người tu tập cắt những tình cảm tiêu cực này.

Tụng kinh Pháp hoa, chỉ một câu là trước khi Phật nói kinh Pháp hoa, Ngài nói kinh Vô lượng nghĩa. Chúng ta phải hiểu kinh Vô lượng nghĩa là các pháp phương tiện, là thuốc chữa tất cả bệnh của chúng sanh. Nhận thức lý này, tôi tập thói quen trong lòng muốn ăn thì tôi không ăn, vì quan trọng đối với tôi là tâm.

Người tu không xả được tâm tham ăn, tham ngủ, nói chung tham ngũ dục giữ đủ nguyên thì chỉ có chiếc áo tu, không phải là người tu thực sự. Trong năm cái tham này, cái nào cắt được thì cắt bỏ lần, không còn chi phối ta để chuẩn bị con đường tiến lên Hiền thánh.

Thể hiện sự quan trọng của học kinh Vô lượng nghĩavà thực tập kinh này, Phật nói kinh Vô lượng nghĩa rồi Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội để cho chúng ta thấy vô định này được an lạc, mát mẻ khác với người không biết tu được ví như người khát uống nước muối thì càng uống càng khát, tức tham dục càng tăng.

Pháp của Phật chỉ dạy, mình thực tập phải thành công thì cuộc sống được an lạc vô cùng. Nghe tiếng bảng xuống trai đường, có gì ăn nấy. Tôi đã trải nghiệm pháp này. Trong khi huynh đệ không bằng lòng đời sống tri túc của người tu, họ cố làm kiếm tiền, nhưng kiếm bao nhiêu cũng không đủ để cung cấp cho cái miệng. Càng tham càng không có. Nhưng nếu các thầy cắt lòng tham liền nhận được quả đầu tiên là giải thoát vì không bận tâm với năm món dục, nên chữa được tâm bệnh thì thân theo đó được khỏe mạnh.

Được giải thoát trước tiên là tôi không quan tâm đến ăn; có thì ăn, không thì thôi. Tập được như vậy, cuộc sống rất thoải mái; nếu không, phải khổ vì suốt ngày bị cái ăn hành hạ, mà thực tế ăn được bao nhiêu, nghĩ đến nó làm chi cho khổ.

Phật nói kinh Vô lượng nghĩa và nhập định Vô lượng nghĩa chính là Phật thể hiện cho chúng ta thấy được ý nghĩa thực sự của câu mà Ngài đã nói: "Những gì Ta nói, Ta đã làm. Và Ta làm những gì Ta nói”. Còn chúng ta nói kinh, nhưng nhìn kỹ không có gì dính vô tâm chúng ta, dính vô việc làm của chúng ta.

Tôi đọc cuộc đời của Xá Lợi Phất ghi rằng Ngài muốn viên tịch trước khi Phật vào Niết-bàn. Ngài về vấn an mẹ và thuyết pháp cho mọi người nghe, rồi Ngài ngồi kiết-già nhập định. Tôi nghĩ Xá Lợi Phất làm như vậy, mình học Xá Lợi Phất để làm sao mình muốn chết thì chết.

Các thiền sư Nhật thường thực tập cái chết, vì tất cả mọi người đều phải chết. Và khi người tu chuẩn bị chết, chúng ta không tham lam gì, dễ được giải thoát. Một vị thiền sư bảo tôi rằng thầy hãy cố gắng thực tập ba cái chết.

Cái chết thứ nhất là tập nhịn ăn. Ba vị thầy mà tôi kính trọng đều bị bệnh ung thư gan là Hòa thượng Trí Hữu, Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Siêu. Tôi thấy ba vị này thường ăn chao.

Bác sĩ Dậu nhắc tôi đừng ăn chao, ăn mắm, ăn các thứ lên men, vì khi ủ có các loại meo là mốc xanh, mốc đỏ… và có một loại mốc gây ung thư.

Bác sĩ nói với Hòa thượng Trí Hữu nếu khối u không phát triển, Ngài sống thêm 3 năm, nếu nó phát triển thì sống thêm 3 tháng, nên phải chuẩn bị cái chết. Hòa thượng bắt đầu nhịn ăn, lúc mới Hòa thượng chỉ ăn cháo trắng. Một khoảng thời gian, Hòa thượng không ăn, chỉ uống nước.

Thiền sư Nhật dạy tôi tập nhịn ăn, tập nhịn lần lần, không phải nhịn liền, tập ăn ít, ăn nhẹ. Tôi tập ăn ít, chỉ ăn nửa chén cơm mỗi bữa trải qua mấy chục năm. Tập ăn ít như vậy quen rồi thì đến lúc nào cần là cắt luôn việc ăn uống sẽ không thấy khổ. Còn đang ăn ba bát cơm và ăn ba bữa một ngày, mà bảo các thầy tuyệt thực rất khó.

Tập chết, đầu tiên tập nhịn ăn, nhưng muốn nhịn ăn được phải có cái khác thay thế, là nhịn thực phẩm, thay bằng ăn cơm thiền, uống nước pháp. Vì vậy, siêng năng tụng kinh, lạy Phật, ham tu thì quên ăn, quên đói. Vào thiền thấy yên ổn, quên ăn, trong đạo gọi là thiền thực và pháp thực, đó là hai thức ăn của người tu. Có thức ăn này mới đắc đạo được. Còn thực phẩm khác ăn nhiều thì nợ nhiều. Hạn chế ăn để đỡ mắc nợ. Người đời ăn nhiều phải làm nhiều.

Người tu không ăn nhiều, thay bằng thiền, say mê nghiên cứu kinh điển, say mê thiền quán cho niềm vui kỳ diệu là có tự thọ dụng thân, không lệ thuộc vật chất, không lệ thuộc người khác.

Người đời cần thức ăn, cần bạn bè, cần tán gẫu, cần đi chơi để vui; nhưng sau những cái vui như vậy luôn là cái buồn tự đến.

Nhưng thực tập thiền, tu được, có niềm vui lâu dài và trọn vẹn, không bị mất. Vì ta nghĩ ra điều gì thì cái đó của ta. Vì vậy, người tu phải có thế giới quan riêng là thế giới thiền, thấy họ ngồi yên, không làm, nhưng có sinh hoạt nội tâm tốt đẹp. Không thực tu sẽ không gặt hái được kết quả.

Đức Phật nói khi Ngài nhập định Vô lượng nghĩa có hoa Mạn đà la, hoa Mạn thù sa rơi xuống. Nói cách nào đó, trong thực tế nếu có người nào tu, thực hành giáo pháp có kết quả tốt đẹp thì người xung quanh cũng tiếp nhận được niềm an lạc. Ý này được người xưa diễn tả là một cây nở hoa, cả rừng thơm hương.

Và trong hội Pháp hoa, đạo hạnh vô biên cùng tâm từ bi vô cùng của Đức Phật đã tác động mãnh liệt khiến đại chúng hoàn toàn an lạc một cách tự nhiên, thể hiện qua hai loại hoa Mạn đà la và Mạn thù sa. Hoa Mạn đà la làm cho người vui trong giải thoát, không phải vui nghe ca nhạc là cái vui chóng tàn phai để cái khổ tiếp nối theo. Cái vui của thiền định tác động thì dù cảnh bên ngoài mất, nhưng tâm không thay đổi, nên tâm đại chúng vẫn an vui. Hoa Mạn thù sa là thanh tịnh hoa, tức an vui mà thanh tịnh, không phải thanh tịnh là cảnh vắng vẻ, buồn bã.
 

 

Các thầy nên suy nghĩ kinh Vô lượng nghĩa và định Vô lượng nghĩa đi đôi với nhau, tức giáo lý và thực tập giáo lý để chứng ngộ. Và nhập định Vô lượng nghĩa mới có nội quán nghĩa là tu rồi, mình nhìn thẳng tâm mình, quan sát tâm mình diễn biến thế nào, thấy được trong tâm mình là con người thực của mình, tức thấy rõ cái nghiệp của mình.

Vì vậy, kinh Pháp hoa mới thấy sinh tử luân hồi khổ não vô lượng. Trong sáu đường sinh tử, khi ở trên trời, khi ở địa ngục, hay ở thế giới loài người, chúng ta đều thấy đủ. Và từ quan sát này cũng thấy có khác, là ta thấy Phật ra đời và nhìn kỹ thấy Phật Thích Ca là Phật ứng hiện trên cuộc đời, tức Ngài đã thành Vô thượng đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại thế gian này. Tôi suy nghĩ ý này rất nhiều. Vì Phật dạy rằng tất cả mọi người đều thành Phật, nhưng tại sao sau Phật Thích Ca, không có người thứ hai thành Phật.

Từ đó, các vị Thánh Tăng mới đưa thí dụ ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, tay cầm đồ hốt phân… Trong phẩm Tín giải thứ 4 nói rằng ông trưởng giả muốn gần người con phải giả dạng giống nó. Cũng vậy, Phật muốn cứu độ chúng sanh, Ngài mang thân người ngũ uẩn là Thái tử Sĩ Đạt Ta để giống con người mới nói chuyện với người được.

Và kế tiếp, chúng ta thấy kinh nói có các Bồ-tát tùy thuận chúng sanh, hiện các loại hình cứu khổ ban vui, thành tựu Lục độ vạn hạnh, trụ bậc bất thoái. Thật vậy, trước khi Phật vào Niết-bàn, Ngài đã nói rằng Xá Lợi Phất là Bồ-tát hiện lại. Vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, Cấp Cô Độc cũng là Bồ-tát hiện lại để trợ hóa Phật. Và thể hiện sự trợ hóa Phật, kinh thường nói "Nhứt Phật xuất thế, thiên Phật hộ” là một vị Phật ra đời thì có cả ngàn vị Phật hỗ trợ.

Người học kinh, thực tập kinh và chứng ngộ kinh, mới theo Phật tu, là mở đầu phẩm Tựa kinh Pháp hoa là cánh cửa phương tiện quan trọng mở ra cho chúng ta đi sâu hơn. Thật vậy, Tích môn là đi theo con đường lịch sử, từ Phật giáo Nguyên thủy tu tập, thể nghiệm giáo pháp giúp người ta có cái thấy đúng đắn mới phát huy lên. Sự kiện là một, nhưng vị trí đứng khác nên có cái thấy khác. Chính sự thấy biết thăng tiến mới kiết tập thành kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa.

Kinh Nguyên thủy ghi rằng khi Phật xuất gia chưa đắc đạo, Ngài chỉ mới chứng được pháp Tứ thiền và Bát định. Nhưng thời gian Ngài học và tu để đắc những pháp này rất ngắn, Ngài học với Kamala chỉ 6 tháng, trong khi đồng thời có rất nhiều người cũng học với Kamala nhưng không chứng đắc được pháp nào.

Từ thực tế đó, nhìn bằng mắt Đại thừa thấy khác, nghĩa là ai cũng mang thân người; nhưng nhìn theo Đại thừa, tức nhìn bằng mắt trí tuệ thấy có người từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sanh lại, có người từ cõi trời sanh xuống, có người từ A-tu-la tái sanh và có người từ quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, thậm chí là Phật hiện thân lại cuộc đời này.

Ở vị trí Hiền thánh, hay Bồ tát, hoặc Tổ sư sanh lại loài người và từ đó khởi tu lên thì các ngài đắc quả rất nhanh, vì đã đắc đạo rồi.

Có thể khẳng định Bồ-tát, A-la-hán thấy khác người thường. Người thường thấy bằng vô minh, nên việc làm thường sai lầm dẫn đến cái chết dễ dàng. Vì vậy, phải chuyển hóa ngũ uẩn theo Phật để minh sanh sẽ thấy khác, thấy đúng đắn. Khi tu phải thấy khác lúc chưa tu. Còn tu rồi mà không thấy khác người thường là mặc áo tu, nhưng tâm chưa vào đạo, còn vướng thế tục là còn tham lam, bực tức, si mê, nên thấy lệch lạc mới bực bội, buồn phiền.

Trên bước đường tu, phải thực tập lời Phật dạy, dù tu theo Nguyên thủy hay Đại thừa, phải thấy đúng sự thật của sự vật. Nhưng qua kinh Pháp hoa, Phật dạy cao hơn, chúng ta không phải thấy đúng theo bình thường, nhưng thấy đúng theo người trí.

Thấy theo trí của Phật khác với thấy theo trí thế gian. Thấy theo trí của Phật là thấy thật tướng các pháp thì chỉ Phật thấy đúng sự thật qua 10 khía cạnh gọi là thập như thị: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.

Chúng ta thấy sai lầm vì chỉ thấy tướng bên ngoài, chưa thấy bên trong. Tôi quan sát người, cố tìm hiểu tánh bên trong. Bên ngoài tướng hiền lành, dễ thương, nhưng quan sát kỹ thấy tánh bên trong đáng sợ, vì họ dễ tham, dễ nổi nóng. Ta tu, đừng đụng vô tánh nóng của người, chọc trúng cái nghiệp nóng là họ khác liền, mặc dù bình thường thấy họ hiền.

Tướng bên ngoài của con người sẽ thay đổi tùy theo tánh bên trong, hay chính xác hơn, tùy theo sự tác động của thập như thị. Quán tưởng như vậy, Trí Giả đại sư chứng được pháp Nhứt niệm tam thiên. Sở đắc này của Trí Giả phát xuất từ Trung quán của Bồ tát Long Thọ, nhưng từ đây, Ngài Huệ Tư là thầy của Trí Giả đã chứng được Tam trí tam quán. nghĩa là cái thấy của Thanh văn được nâng lên cái thấy của Duyên giác thì sẽ thấy khác và tiến lên hàng Bồ tát càng khác nữa. Vì vậy, tuy cùng một vật, nhưng ba trình độ khác nhau sẽ có ba cái thấy khác nhau.

Thanh văn thấy tất cả muôn sự muôn vật đều không thì được giải thoát, còn quán hữu là bị kẹt cứng, không có lối thoát. Thật vậy, người tu rồi, bỏ sự cố chấp sẽ thấy nhẹ.

Ngài Huệ Tư nói Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát trải qua từng chặng đường phát huy tuệ giác, có cái thấy khác.

Ngay như người thế gian có trình độ hiểu biết một chút, họ rất kỹ trong việc ăn uống. Người không biết thì ăn tạp khiến bệnh phải khổ. Người hiểu biết không ăn những thực phẩm độc hại.

Tôi có bạn là bác sĩ Dậu nhắc tôi hạn chế ăn chất bột là đừng ăn cơm nhiều. Ông cũng nói cần hạn chế những chất lên men. Ông nói thầy ăn tương chao chưa chắc là ăn chay. Vì dùng kính hiển vi soi thấy chao có vô số vi sinh. Ăn thịt bò nợ một sinh vật, nhưng ăn chao nợ nhiều vi sinh. Từ đó tôi không ăn chất lên men. Sức khỏe tôi đến nay 81 tuổi còn đi lại, thuyết pháp được.

Theo hình thức bên ngoài thấy bác sĩ này là người đời, nhưng Phật nói các Bồ-tát tùy chúng sanh mà hiện các loại hình cứu khổ ban vui. Ông bác sĩ này giúp tôi hiểu được những điều mà bình thường tôi không hiểu. Vì vậy, nhìn với mắt Đại thừa thấy khác, còn nhìn bằng mắt Tiểu thừa thấy các Phật tử thấp hơn mình. Nhưng quan sát kỹ coi chừng các đạo hữu đó là Bồ-tát hiện các loại hình đóng vai hộ đạo rất quan trọng.

Cái thấy của người tu thay đổi tương ưng với quả vị tu chứng. Vì vậy, dưới đôi mắt Đại thừa thấy khác và cái thấy của Phật càng khác hơn nữa, vì Phật thấy đúng hoàn toàn cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Phật nói trong thân tứ đại của mình là Pháp giới rồi. Vì vậy, Phật đã thấy trong thân này có ba đời mười phương Phật, ba đời mười phương Phật đều nằm trong thân này. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm nói trong các cực vi đầu sợi lông chứa được ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Và trong đầu sợi lông chứa vô số Phật, vô số Duyên giác, vô số Bồ-tát.

Chính vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta có tu thiệt sẽ bắt đầu thấy khác. Phật nói người đời nhìn thấy hoa đẹp, nhưng Phật thấy trong hoa này có đủ tất cả là Ngài thấy nhân duyên. Thấy nhân duyên là thấy tại sao có hoa, thấy gần là thấy từ hạt hoa chuyển biến thành cây hoa, cành hoa, nụ hoa…, thấy không sót quá trình sanh trưởng hoại diệt của các pháp gọi là bản mạt cứu cánh.

Phật dạy rằng những gì Ngài thấy không nói được. Ngài chỉ cách mình tu, giảm bớt cho đến hết sạch phiền não, nghiệp chướng, trần lao thì lần lần từng bước mình sẽ thấy đúng. Thâm nhập lý này, Trí Giả bảo nhứt niệm tâm khởi đã chứa đầy đủ 3.000 thế giới. Tại sao chỉ một niệm tâm khởi lên mà lại có đến 3.000 thế giới.

Ngài nói thập giới hỗ cụ, nghĩa là từ thế giới địa ngục đến thế giới Phật có 10 loại hình thế giới và 10 cảnh giới này tương quan tác động lẫn nhau. Vì vậy, trong tất cả mọi người đều có Phật tánh, có trí tuệ là Duyên giác và có đạo đức là Thanh văn. Trong thân Phật có Phật tánh, có trí tuệ và có đạo đức viên mãn.

Còn Thánh đức chúng ta cũng có, nhưng vì nghiệp trần quá nặng che mất Phật tánh. Thật vậy, có lúc chúng ta thật tốt, nhưng khi bị trần duyên tác động khiến tánh tốt biến mất.

Như vậy, trong một người đã có 10 cảnh giới và 10 cảnh giới này tác động lẫn nhau, nên 10 nhân cho 10 thành 100 và 100 kết hợp với 10 như thị thành 1.000. 1.000 kết hợp với ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai thành 3.000 cảnh giới trùng trùng duyên khởi trong một niệm tâm. Nói cách khác, trong một pháp, người tu chứng thấy tất cả các pháp.

Trí Giả quán một niệm tâm biết hết ba đời các Đức Phật là biết tất cả Pháp giới. Còn chúng ta chưa chứng được pháp này mà làm thì luôn luôn bị chướng ngại, khổ đau.

Chúng ta tu phải nhận ra rằng đắc định thì tâm trí sáng suốt, nhưng để vướng mắc với thế tục khiến tâm trí trở thành mờ tối.

Cái nhìn của Bồ-tát khác với cái nhìn của Thanh văn. Thanh văn buông bỏ hết để giữ tâm trống không là chánh niệm. Có chánh niệm sẽ an trụ chánh định và có huệ. Vì vậy, Thanh văn vô thiền, biết đúng nhiều việc, nhưng xả thiền thì không biết.

Chỉ có Vô lượng nghĩa xứ tam muội của Phật, lúc nào cũng ở trong định. Còn định của A-la-hán thì xả định không biết. Riêng chúng ta, nếu tâm anh em lắng yên sẽ thấy đúng. Tâm không yên là thấy sai liền.