Nuôi dưỡng căn lành

Những người tu được là có kết quả tốt phần lớn nhờ căn lành của mình. Kinh Pháp hoa, Phật cũng nói căn lành rất quan trọng. Người có trồng căn lành ở chư Phật quá khứ rồi, đời này họ dễ gặp chân tu, dễ phát tâm Bồ-đề, từ đó, dễ hành đạo có kết quả.

Nếu không có căn lành mà có nghiệp ác nặng thì muốn tu nhưng không tu được, chỉ kết duyên mà thôi, vì nghiệp ác kéo họ đi.

Căn lành và nghiệp ác khác nhau điểm nào. Nghiệp ác là ma, căn lành là Phật. Người có căn lành mà chúng ta gọi là Phật tử, tuy chưa thành Phật, nhưng có Phật trong tâm mới tu được, tức con của Phật thì sau mới làm Phật được. Xá Lợi Phất nói ý này rằng tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần.

Vì vậy, có căn lành thấy Phật, nghe Phật thuyết pháp, chúng ta cảm thấy ta và Phật có sự gần gũi, gắn bó thân thương, đươc như vậy, chúng ta tu dễ đạt kết quả. Vì có sự cảm thông với Phật mới nhận được sức hộ niệm của Phật, nên căn lành của chúng ta mới lớn lên.

Riêng tôi, nhờ căn lành đời trước nên đời này mới 3 tuổi, gặp một tu sĩ mà tôi không biết, nghe ông cụ tôi kể lại. Vị này tới nhà tôi nói với ông cụ rằng chú bé này có căn lành, không cho quy y thì nuôi không được. Vì là con của Phật, nên Phật nuôi thôi. Ông cụ vội đưa tôi đến chùa làm lễ quy y. Tôi nghĩ đó là vị Bồ-tát hiện ra để nhắc nhở việc này, nên duyên của mình tu là như vậy.

Sau đó chiến tranh bùng nổ và ngôi chùa mà tôi quy y lúc nhỏ bị phá sập hết. Sau ngày đất nước giải phóng, tự nhiên trong lòng tôi cứ nghĩ đến ngôi chùa mình đã quy từ nhỏ, tôi tìm lại, thấy nơi đó là trường học. Tôi hỏi thầy hiệu trưởng có thấy còn di tích nào của ngôi chùa hồi xưa hay không. Ông nói từ khi về đây tới giờ là trường học rồi.

Tôi còn nhớ đó là chùa Hội Lâm mà ông hiệu trưởng cũng không biết. Vụt ông nhớ ra mới nói còn một tượng Phật mà ông thấy các học sinh lượm được, chơi ném nhau. Ông đã cất giấu trên mái trường, ông lấy đưa tôi.

Tôi nhớ ông cụ nói Hòa thượng trụ trì ngày xưa có tượng Phật đồng, nhỏ bằng ngón tay mà Ngài luôn đem theo, đi đâu cũng lấy tượng Phật này để ra bàn, tụng kinh. Tôi cảm nhận đó chính là pho tượng này đã trở về với tôi. Tôi cảm nhận tượng Phật này là hộ mạng của tôi, nên tôi giữ bên mình, thấy có Phật theo che chở, cảm thấy rất an lành.

Tượng không còn đẹp như xưa, vì trải qua hàng trăm năm chôn dưới đất, đồng bị gỉ, bị hư, nhưng mình biết trân quý, cảm thấy có sự linh thiêng, mầu nhiệm không nói được.

Tôi giữ tượng Phật này theo mình, từ thời đó đến bây giờ đã được hơn 40 năm. Và khi tôi đúc pho tượng Phật bằng đồng rất lớn cho Học viện, tôi nghĩ mình đã lớn tuổi, lấy tượng Phật mà mình cảm nghĩ thân thương nhất, có từ lâu xa nhất, để trong lòng tượng Phật lớn, để tạo linh khí cho pho tượng lớn và sau này hàng vạn Tăng Ni đến tu học, nhờ Phật hộ niệm để căn lành của họ lớn lên.

Tôi xây dựng chánh điện Học viện 150 tỷ và đúc pho tượng Phật bằng đồng lớn hơn pho tượng Phật chùa Huê Nghiêm. Tượng Phật chùa Huê Nghiêm cao 7 mét, tượng Phật Học viện cao 9 mét và đặt pho tượng Phật nhỏ trong lòng tượng Phật lớn. Tôi nói đây là căn lành của mình khiến mình có niềm tin, thấy Phật hộ niệm, che chở. Nghĩa là đối trước khó khăn, nguy hiểm, tôi cứ làm, cứ đi, không sợ. Lòng thanh thản, nghĩ có Phật che chở thì còn sợ gì, sống làm Phật sự, chết về Phật, mình có mục tiêu này rõ ràng.

Ai có căn lành đạt đến điểm này, có kết quả là gì? Là không sợ chết, tôi nhìn lại các bạn đồng học, đồng tu, đồng sự đã chết hết rồi. Tôi chưa chết, nhờ Phật hộ niệm, che chở, vượt qua tai nạn dễ dàng.

Người không có căn lành không nghĩ như vậy và không được kết quả. Nghe người nói cũng tu, nhưng mau chán vì tu không có kết quả. Mình tu có kết quả thiệt mới ham tu và có tiến bộ tâm linh rất quan trọng. Không có tiến bộ tâm linh thì khó đi xa. Tiến bộ tâm linh ảnh hưởng vào cuộc sống mình. Phật tử nghiệm điều này sẽ thấy lúc mới phát tâm tu, mình như thế nào và tu rồi, có diễn tiến thế nào.

Tôi tu từ năm 12 tuổi, đến nay 85 tuổi, trải qua 73 năm sống trong nhà Phật, thấy rõ diễn tiến tốt đẹp trên bước đường tu của mình, điều này rất quan trọng. Trước nhất, mình có niềm tin Phật rất kiên cố, không thay đổi, không sợ chết. Hòa thượng Thiện Hoa nói “Sơn cùng thủy tận” là hết đường sống sẽ thấy Phật.

Thật vậy, người thế gian thường nghĩ còn sống, còn làm được nhiều việc, nên họ không thể thấy Phật. Nhưng người có căn lành nghĩ mình bị cùng đường là chết rồi, gọi là sơn cùng thủy tận mà không sợ chết thì thấy Phật hiện ra và sau đó, còn sống. Nhiều người tu chia sẻ với tôi kinh nghiệm này.

Niềm tin rất quan trọng, kinh Hoa nghiêm dạy trải qua mười giai đoạn khác nhau, dần dần đi đến niềm tin kiên cố, không sợ gì là vượt được giai đoạn một là Thập tín. Không qua giai đoạn này vẫn tu trong sanh tử, nghĩa là mình sống còn tu, chết thì thôi, không tu nữa.

Vượt qua giai đoạn này, sống tu, chết cũng tu. Sống tu bằng gì? Đầu tiên tu bằng thân xác là đến chùa, tụng kinh, nghe pháp, đó là mới tu hình thức. Nhưng tu bằng thân này thì người có căn lành thấy động cơ thúc giục mình trong tâm quan trọng hơn. Vì vậy, tu hình thức nhưng tác động tâm bên trong. Thể hiện ý này, có Phật tử nói nếu không về chùa tu, họ cảm thấy thiếu cái gì đó và vô sở làm thì thấy bất an. Nhưng về chùa tu, cảm thấy yên tâm, vô sở làm gặp may mắn. Điều này là việc làm bên ngoài nhưng tác động bên trong tâm là chính.

Vì vậy, tu hình thức để tâm mình tu và khi tâm mình tu thì bắt đầu có điều lạ là ở chùa tu, về nhà cũng tu, đến sở làm cũng tu và trong giấc ngủ cũng tu. Lúc nào cũng tu là tâm tu, thân ở sở làm hay ở nhà, tâm vẫn tu.

Bắt đầu mượn hình thức là thân có lỗ tai nghe pháp được, không có thân làm sao nghe. Mình có năm giác quan và nghe bằng giác quan tác động lên tâm mình. Từ điều này, phát hiện rằng tu thân nhưng tâm không tu là ngồi nghe pháp nhưng tâm nghĩ chuyện khác, đó là nghiệp. Không phá nghiệp này, tu không được gì, còn bị đọa. Tai nghe pháp, nhưng chính yếu là đưa pháp vô tâm.

Ngài Trí Giả chia ra ba hạng người nghe pháp. Một là nghe mà không nghe, tức nghe bằng tai, nhưng không nghe bằng tâm. Hỏi họ có nghe pháp không, nói có nghe, hỏi nghe gì, họ nói không nhớ. Họ chỉ nghe tiếng, nhưng không nghe pháp, vì tâm không tập trung, nên pháp không tác động vô tâm.

Hạng người thứ hai, nhờ nghe tiếng đưa pháp vô lòng là có nghe bằng tâm. Vì vậy, Phật dạy các ông hãy lóng nghe và suy nghĩ kỹ. Người nghe pháp để tu là lóng nghe Phật nói và suy nghĩ kỹ lời Phật dạy, tức có sự tương ưng với tâm mình thì người này có tiến bộ tâm linh.

Tôi nghe pháp ở dạng này, những gì tôi nghe được, đọc được trong sách đều đưa vào tâm, tiềm thức tôi chứa hết, tâm trở thành kho sách. Chính vì vậy, tôi không cần đọc kinh bằng văn tự nữa, nhưng đọc trong lòng.

Nghe pháp bằng tâm chính là pháp hành của Đức Phật A Di Đà đã thành tựu, Ngài nghe pháp và đem hết vô lòng Ngài, nên Đức Phật Bảo Tạng đặt cho Ngài tên Pháp Tạng là kho chứa pháp.

Trở về thực tế Phật tử nghe pháp. Có Phật tử đến chùa nghe pháp mang đôi giày đắt tiền mới mua. Ngồi nghe pháp nhưng lòng lo nghĩ không biết đôi giày còn hay không, pháp không thể vô tâm được. Anh này quá lo sợ mất đôi giày đã tác động lên người xấu lấy mất giày. Và anh tức giận nói không đi nghe pháp nữa, đó là người có nghiệp ác nặng, thiếu căn lành.

Người có căn lành nghe pháp không những quên giày dép, mà quên cả thân này. Thân tâm họ đều nghe pháp, nên nghe bao nhiêu đều lưu trữ vào tâm đầy đủ. Điển hình thời Phật tại thế, Phật nói gì Ngài A Nan nhớ trọn vẹn. Vì vậy, chính Ngài là người kiết tập kinh điển.

Ở thời đại chúng ta, Hòa thượng Trí Tịnh dịch kinh nhiều nhất và có điều đặc biệt, Ngài thuộc hết những gì các giảng sư thuyết giảng, vì có chú tâm nghe, đưa vô tâm không sót.

Đưa pháp vô tâm có lợi là pháp tẩy sạch được nghiệp, giúp cho tâm sáng, nên nghiệp bên trong mất lần và thân tướng cũng theo đó thay đổi tốt đẹp. Thật vậy, người nghe pháp với toàn tâm toàn ý như vậy, họ không cần công ăn việc làm, nhưng việc làm được tốt, vì nghiệp hết, phước sanh.

Phước thứ nhất là đến chùa tu, trở về nhà, họ gặp may mắn, được quý trọng. Nếu trở về với sự mất mát thua thiệt là tu sai. Họ không quan tâm đến việc làm, nhưng việc làm có kết quả tốt. Thực tế là ông Cấp Cô Độc chỉ nghĩ đến bố thí, cúng dường, nhưng sự nghiệp của ông cứ lớn lần. Thậm chí, ông dùng vàng lót vườn của thái tử Kỳ Đà thì vàng lại chạy trở về kho của ông. Ý nói phước mà ông đã tạo không hết, ví như nước giếng múc hết, nước vẫn lên đầy như cũ.

Phước thứ hai là tâm họ chứa pháp, nên lòng họ luôn thanh thản, sống nhẹ nhàng và trong giấc ngủ cũng tu. Ngủ cũng tu là gì? Thí dụ Phật tử đi chùa, tụng kinh, lạy Phật, nghe pháp và khi ngủ mơ thấy mình đi chùa, lễ Phật, nghe pháp, như vậy, ngủ vẫn tu, là biết thân và tâm cũng tu. Ban đầu, có căn lành thì tâm phát lên trước mới đi chùa và tu.

Hòa thượng Trí Tịnh kể rằng hàng xóm cho chị của ngài con cá. Người chị nói đi làm về sẽ giết con cá nấu cháo ăn. Nghe vậy, ngài cảm thấy thương con cá, nên lén bắt nó thả xuống sông. Mất cá, ngài bị chị đánh mắng, nhưng ngài cảm thấy sung sướng vì đã cứu được con vật. Lòng từ bi của ngài thể hiện căn lành sâu dày, trong khi những đứa trẻ không có căn lành thích bắt giết loài vật, thậm chí không ăn cũng giết.

Về sau, ngài đi tu, có điều đặc biệt, nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ nói với ngài rằng cọp chết, rắn về non. Ngài tỉnh dậy, nghiệm lại cuộc đời của ngài thấy rõ ý nghĩa của giấc mơ. Ngài có nuôi con hổ con vì hổ mẹ chết. Ngài tuổi Tỵ là rắn về non, chắc có lẽ ông già đến báo tin rằng tới duyên ngài lên núi Cấm tu.

Người có căn lành thường được mách bảo trong chiêm bao, ngủ thấy cao tăng, Bồ-tát, Phật. Đó là tu từ ngoài và tu trong tâm được thì không sợ mất kiếp, vì chết, căn lành đem qua kiếp sau, không mất. Thật vậy, Hòa thượng Tổ nói với đại chúng rằng đời trước Hòa thượng Trí Tịnh đã là Hòa thượng và đời này tu cũng sẽ thành Hòa thượng, đừng xem thường ông này.

Đời này mình tu từ thân và tâm, mang tất cả công đức lành tạo được đi qua kiếp sau. Có niềm tin kiên cố như vậy, không đọa. Kinh Hoa nghiêm nói vượt qua giai đoạn mười niềm tin (Thập tín), sang giai đoạn hai là trụ tâm (Thập trụ). Nghĩ xem mình có trụ tâm hay không?

Ban đầu tu thân, nhưng tâm chưa tu, vì bạn rủ đi chùa, nên bắt chước tu, thì tai nghe pháp nhưng tâm không nghe. Còn người quyết tâm tu, nghe pháp và quyết tâm lóng nghe, nên pháp tác động vô tâm, từng bước họ tiến bộ, đi đến giai đoạn ba, hành giả sạch nghiệp.

Hết nghiệp thì họ khác, chỗ này là nghe mà không nghe. Bấy giờ không có Phật trên cuộc đời nói pháp, nhưng hết nghiệp, tâm thanh tịnh, lặn sâu vô thế giới Phật, không nghe mà nghe là không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe được pháp âm, trí sáng lần.

Lúc tôi mới tu, nhờ căn lành đời trước, tôi thể nghiệm được pháp này. Khuya chú điệu lên chùa đốt nhang, đánh hồng chung. Chùa có hai thầy trò, Hòa thượng và tôi. Ba giờ khuya, nấu nước cúng Phật, nghe tiếng tụng kinh, nhưng không thấy ai. Tôi thưa Hòa thượng, ngài nói Tổ tụng đó con. Tổ đã mất lâu mà mình còn nghe được tiếng tụng kinh là nghe trong tâm thức.

Thế giới mình đang sống là thế giới vật chất, nghe thanh trần, nên mình sống với thế giới này là thế giới sanh diệt, không thật. Tu hành phải nhận rõ giả và thật. Giả thì chết là hết, thật thì chết vẫn còn. Thể hiện lý này, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng những gì chết mà đem theo được thì nên tích cực tu hành, chắc chắn mình sẽ đi lên. Những gì chết không đem theo được thì không quan tâm.

Ban đầu tôi chỉ nghe tiếng tụng kinh, không có người tụng kinh. Bước thứ hai, tôi tụng kinh một mình, nhưng cảm giác thấy nhiều người xung quanh mình tụng kinh. Đó là thấy và nghe hoàn toàn khác, không thấy bằng mắt, không nghe bằng tai, nhưng thấy và nghe bằng tâm.

Vì vậy, vượt thế giới vật chất, đi vào thế giới tâm linh, thì nghe pháp không nghe ngôn ngữ, thấy Phật không qua hình tượng.

Ban đầu nhìn tượng Phật để có ý nghĩ về Phật, nhưng sau đó, nhắm mắt thấy Phật. Nhắm mắt thấy Phật cũng là ảo ảnh do mình tu mà có.

Vì vậy, mình còn sống, tiếp xúc với cuộc đời, làm nhiều việc, thì sắp chết, tất cả những việc này hiện ra gọi là cận tử nghiệp Nếu tạo nhiều nghiệp ác thì nghiệp ác hiện ra. Tạo nghiệp thiện như đi chùa, tụng kinh, lạy Phật thì thiện nghiệp hiện là thấy Phật hiện. Điều này do bên ngoài đem vô là ảo ảnh, nhưng qua giai đoạn ảo ảnh, không nghĩ đến Phật, nhưng tâm mình thấy Phật, chắc chắn được Phật cứu.

Tóm lại, trên bước đường tu từng bước có phát triển. Tu đến giai đoạn hai, bảo đảm cuộc sống an lành, mình nhìn đời chính xác, vì sạch nghiệp, nên mình không còn ham muốn, bực tức, buồn phiền. Và qua giai đoạn buồn giận, lo sợ, tâm thanh tịnh mới thấy thế giới Phật, Bồ-tát, La-hán, chư Thiên, tức xung quanh mình toàn người thánh thiện thì còn gì sợ nữa. Lọt vô đây mình thấy hoàn toàn an lành. Còn nghiệp ác thấy xung quanh mình là người xấu khiến mình sợ hãi, bị đọa.

Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ

Tin Liên Quan

Back to top button