Sách
Trong các kinh điển Đại thừa Phật giáo, chúng ta thấy xuất hiện vô số Bồ tát đóng vai trò chủ yếu trong việc trợ hóa Đức Phật Thích Ca ở Ta bà. Tuy nhiên, tựu trung có thể tạm chia thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm có nhân gian Bồ tát mang thân người hiện hữu ở thế gian, theo đuổi chí nguyện cứu nhân độ thế, làm lợi ích cuộc đời.
Kế đến là các Bồ tát xuất thế không mang thân ngũ uẩn, có thể chỉ cho Bồ tát hạnh. Kinh thường gọi là Bồ tát mười phương như Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Âm… Dù các Ngài hiện hữu hay không, người có căn lành vẫn tin tưởng, cầu nguyện.
Ngoài Bồ tát mười phương, kinh Pháp Hoa còn đưa ra hình ảnh Bồ tát Tùng địa dũng xuất tiêu biểu cho Bồ tát phát xuất từ tâm, không ai thấy được. Kinh Pháp Hoa muốn diễn tả pháp chân thật là tâm đóng vai trò quan trọng chính yếu trên lộ trình đưa mọi người tiến đến bờ giác, không thể nhờ thế lực quỷ thần bên ngoài giúp đỡ được.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Bồ tát tâm chỉ cho chân tâm, không phải vọng tâm. Đức Phật dạy trên bước đường tu, hồi quang phản chiếu hay soi rọi ngược lại chân tâm, sử dụng được chân tâm, chúng ta sẽ có sức lực vạn năng, điều động thành công mọi việc dễ dàng. Rời bỏ chân tâm, sống với vọng thức, làm bằng ngũ uẩn, nay trúng mai trật, thường chuốc lấy thất bại.
Mở đầu, Bồ tát mười phương tập họp trước Đức Phật, phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa ở Ta bà sau Phật diệt độ. Trái lại, Bồ tát mới phát tâm ở Ta bà lại xin Phật cho các Ngài về thế giới khác truyền bá kinh Pháp Hoa.
Đối trước hai lời thỉnh cầu tương phản, người ở thế giới Ta bà muốn đi nơi khác hành đạo và người nơi khác muốn về Ta bà làm việc, Đức Phật từ chối. Vì cả hai đều không hợp lý.
Thật vậy, chúng ta tưởng rằng đi nơi khác làm đạo được. Nhưng trên thực tế, việc hội nhập xã hội mới là cả vấn đề không đơn giản. Chúng ta phải điều chỉnh cơ thể, ngôn ngữ, nếp sống tu hành cho thích hợp với thủy thổ, phong tục, tập quán, sinh hoạt hoàn toàn khác hẳn. Điều này tốn nhiều thì giờ, công sức, nhưng kết quả không bao nhiêu.
Theo tôi, đạo Phật chỉ có thể lớn mạnh trên căn bản bàn tay và khối óc của chính dân tộc nơi đó. Chúng ta không thể nào làm thay cho họ được. Thực tế lịch sử cho thấy rõ khi Phật giáo truyền sang Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản v.v…, đạo Phật đã phát triển nhờ người dân bản xứ tiếp thu, phát triển đạo. Các nhà sư ngoại quốc chỉ có khả năng khơi dậy ý tưởng để dân địa phương nhận thức. Tự bản thân họ phải lo xây dựng, làm lợi lạc cho chính họ.
Trên tinh thần người ở nơi nào lo xây dựng nơi đó, người ở Ta bà mới có khả năng thích hợp, đối phó được với mọi hoàn cảnh của Ta bà. Đức Phật muốn gợi cho chúng ta nhận ra tâm trạng gắn bó nhiệt tình của Bồ tát địa phương cho việc truyền đạo nơi bổn địa của họ. Điều này dễ hiểu qua thí dụ chúng ta lên Tây Nguyên ở vài tháng, liền cảm thấy buồn chán, muốn quay về thành phố. Tuy nhiên, người dân Tây nguyên học đạo ở thành phố xong, trở về quê cha đất tổ truyền đạo dễ dàng. Vì giữa họ và mảnh đất đìu hiu đã có sức gắn bó vô hình mãnh liệt.
Từ góc độ này, Phật dạy rằng Bồ tát bổn địa đóng vai trò quan trọng trong việc đọc tụng, thọ trì, diễn nói kinh Pháp Hoa hay duy trì chánh pháp. Bồ tát của thế giới khác không đủ sức làm việc này. Đức Phật cho biết các Bồ tát Tùng địa dũng xuất thân màu hoàng kim, tức Bồ tát được tôi luyện ở Ta bà, tâm bền chắc ví như vàng ròng. Buồn vui, vinh nhục lợi danh trần thế không thể tác hại giới thân huệ mạng của họ. Lúc nào, cũng an nhiên tự tại trên đường hành đạo mới đủ sức truyền bá diệu pháp ở Ta bà. Ở Ta bà hay trong chốn bùn nhơ tội lỗi, một ngày xảy ra không biết bao việc khó khăn khác nhau. Nhưng đồng một lúc, hành giả phải giữ tâm thanh thản, trí sáng suốt để giải quyết. Trong khi ở Cực lạc, cả một kiếp không có việc ác nào để chúng ta phải động tâm suy nghĩ. Một ngày ở Ta bà phải nghe bao điều phiền muộn, nghe cho hết đã khó. Và phân biệt được điều phải trái càng khó hơn, cho đến giải quyết đúng đắn mà vừa lòng mọi người lại càng khó hơn nữa.
Riêng tôi, lúc mới du học ở Nhật Bản về Việt Nam, tôi có cảm giác như người ở phương khác đến Ta bà. Đối với tôi, thái độ, cử chỉ, nói năng của người Việt Nam sao mà kỳ quá. Bất cứ việc gì đập vào mắt tôi cũng đều phiền lụy, không thể nào hiểu, chấp nhận được, đến độ tôi cảm thấy mệt mỏi quá và thật sự ngán sợ. Tuy nhiên, nhờ tụng phẩm Tùng địa dũng xuất, nhận ra yếu nghĩa Phật dạy, từng bước tôi mới lấy lại sức bình ổn cho tâm hồn.
Đầu tiên, tôi bỏ ngoài tai mọi tác động của người. Lóng nghe bên ngoài nhiều làm chúng ta bị dao động, không khéo cuộc đời sẽ làm băng hoại sơ tâm thánh thiện của chúng ta. Tôi luyện tánh không để ý đến người khác, ai nói gì làm gì, mặc họ. Tôi chỉ lo sống với chính mình.
Khi hành trì pháp này thuần thục, trụ được tâm rồi, tôi mới bắt đầu quan sát chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não.
Điều quan trọng cần lưu ý, chúng ta đừng lấy nghiệp chúng sanh, phiền não chúng sanh biến thành nghiệp và phiền não của chính mình. Trước kia, ta không khổ. Nay vì muốn cứu chúng sanh, nên cảm lấy nghiệp khổ của chúng sanh tròng vô mình. Ta sẽ đọa, lúc ấy ai cứu ta ? Khi tư cách của chúng ta chưa bằng với Phổ Hiền Bồ tát thì hạnh nguyện chịu khổ thế chúng sanh mà chúng ta bắt chước theo Ngài cần phải được xét lại.
Quan sát chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, nhưng đừng để những thứ này bám vô thân tâm chúng ta. Đó là con đường luyện tập tư cách Bồ tát bổn địa hay luyện tập Bồ tát tâm của chúng ta.
Hành giả nhìn đối tượng chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não như khán giả ngồi xem màn trình diễn trên sân khấu cuộc đời. Tất cả chúng sanh với những nghiệp quả khác nhau, trôi lăn từ phiền não này sang phiền não khác. Họ thọ lãnh vô vàn nghiệp báo khổ đau. Dưới mắt hành giả, những thứ đó không khác gì hình ảnh diễn viên. Khi thì họ khoác áo vua chúa giàu sang, lúc thì mặc áo ăn mày rách rưới. Tất cả cũng chỉ là đóng kịch. Hạ màn xuống, cởi bỏ lớp áo sân khấu, ai trở về cuộc sống của người ấy.
Hành giả quán sát chúng sanh phiền não, chúng sanh nghiệp như là huyễn hóa ở cõi dương trần. Cuộc sống thực thường hằng miên viễn của chân thân không hề có bóng dáng phiền não và chúng sanh lai vãng đến.
Từ căn bản thực chứng, nhận chân được trong giấc mộng trăm năm của đời người, phiền não do điên đảo vọng tưởng sanh ra, không có thực. Tâm hành giả được yên ổn giữa thế giới không yên ổn, thản nhiên ngồi xem diễn biến trên sân khấu cuộc đời. Ta vẫn là ta, giữ gìn được mảnh đất tâm trong sạch lắng yên. Nhờ đó đạt được tâm KHÔNG và trí tuệ phát sanh từ tâm này. Bồ tát bổn địa hay Bồ tát tâm ở thế giới bùn nhơ Ta bà do thực chứng pháp KHÔNG, trần lao không thể làm ô nhiễm.
Đạo đức thuần tịnh trong sáng, trí tuệ siêu tuyệt, không chút tỳ vết lỗi lầm, kết thành thân kim sắc, đầy đủ Bồ tát hạnh, có khả năng tùy cơ ứng biến. Hoàn cảnh nào, Bồ tát cũng xử trí thông minh nhất. Trong khi Bồ tát mới phát tâm biết việc này, không biết việc khác, mà Ta bà lại quá đa dạng thì truyền bá theo bài bản cố định, không có kết quả.
Bồ tát Tùng địa dũng xuất từ tâm KHÔNG khai ra phương tiện, tùy hoàn cảnh mà ứng xử tương ưng lợi lạc. Trái lại, nếu Bồ tát hạnh chúng ta chưa đầy đủ, lại thêm nhiều yếu kém, thành công được 9 việc, chỉ hư một việc, cũng coi như xóa sạch công đức.
Bồ tát bổn địa tròn đầy hạnh Bồ tát, không còn khuyết điểm, ứng phó đúng đắn với mọi tình huống. Họ mới truyền bá diệu pháp ở Ta bà được, vì Ta bà thay đổi nhanh chóng như trở bàn tay. Nếu không có khả năng linh động đối phó, khó bề vượt qua vô số chướng ngại trên đường hành đạo.
Trong phẩm Pháp sư, Đức Phật dạy rằng Bồ tát đầy đủ tướng tốt, thân sắc vàng, tròn hạnh Bồ tát là người đã thành Vô thượng Đẳng giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời. Hoặc đúng hơn, ý này nhằm chỉ cho Đức Phật đã viên mãn Bồ tát hạnh. Ngài thị hiện sanh thân Thích Ca Mâu Ni ở cõi Ta bà, mới có khả năng khai ra vô số phương tiện tương ứng với hoàn cảnh, nghiệp lực của chúng sanh. Ngài mang lại giải thoát an lạc cho mọi người.
Ngoài ra, Đức Phật xác định chỉ ở Ta bà mới có Bồ tát bổn địa hay Bồ tát tâm, nghĩa là trong hoàn cảnh khổ mới có Bồ tát. Ví như sen chỉ nở trong bùn, không thể nở trên nền đất đá phẳng phiu. Điều này Phật cũng từng dạy ở nơi an lành sung sướng như cõi trời được xếp vô một trong tám nạn, vì không có Phật ra đời. Ngày nay, chúng ta thấy rõ điều này trong nếp sống của những người ở nước văn minh. Họ không đến với Phật pháp được, vì còn mãi lo hưởng thụ cuộc sống vật chất quá sung mãn. Tất nhiên họ không bao giờ nghĩ đến việc tu hành. Mảnh đất tâm của họ không thể nào phát khởi lên ý niệm muốn chia sẻ, cứu giúp người. Gặp hoàn cảnh càng khổ đau bao nhiêu, tâm từ bi chúng ta càng bộc phát cao tột bấy nhiêu.
Tâm bồ đề cao độ phát xuất từ chân tâm được Phật đánh giá cao quý nhất và Ngài thọ ký tâm Bồ đề ấy. Hành giả đạt được Bồ tát tâm như vậy mới được Đức Phật ấn chứng, truyền trao trách nhiệm giữ gìn, truyền bá chân thật pháp ở Ta bà.
Chỉ có Đức Phật biết rõ Bồ tát Tùng địa dũng xuất và giới thiệu cho đại chúng về tư cách siêu tuyệt của Bồ tát này. Nghĩa là Đức Phật nhắc nhở chúng ta ở đời sau muốn nối gót theo con đường truyền bá chánh pháp, cần phải trang bị tinh thần tự chủ cho chính bản thân mình. Không bao giờ khởi ý trông cậy, làm nô lệ cho người khác, dù là nô lệ Phật. Người Nhật ý thức sâu sắc bài học quan trọng về tính tự chủ của Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Vì vậy, họ lấy phẩm 15 làm gối đầu cho cuộc sống tu hành. Họ theo đó xây dựng đời sống tự lập không thích nhờ vả. Người nhờ vả bị xếp vào loại người hèn mọn.
Đức Phật vừa mới nhắc đến Bồ tát Tùng địa dũng xuất, thì vô số Bồ tát này từ đất vọt ra. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến lời Phật khẳng định về giá trị tuyệt đối của loài người : Mỗi người là một vị Phật sẽ thành. Chỉ vì mắc bệnh hướng ngoại quá nặng, chúng ta không thể thấy khả năng thành Phật của chính mình. Duy có Đức Phật nhận ra chân lý này và Ngài là người đầy đủ tư cách làm cho chúng ta chấp nhận điều ấy. Kinh thường diễn tả là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Phật chỉ cho thấy đức tướng Như Lai hay khả năng thành Phật của những người tiến theo lộ trình tu tập Ngài đề ra. Biết chấp nhận quay ngược lại nơi chính tâm mình, ngay thế giới Ta bà, sẽ thấy đầy đủ những điều kiện để thành Phật.
Trên tinh thần này, kinh Duy Ma dạy rằng ởnước Chúng Hương tu một kiếp, công đức không bằng Bồ tát tu ở Ta bà một ngày. Sống ở Ta bà đầy phiền não nhiễm ô để tôi luyện tri thức, đạo đức vượt trội, làm mô phạm cho người noi theo. Đó chính là môi trường tốt của Bồ tát lớn đã trưởng thành, đặt chân đến trắc nghiệm lần cuối cùng trước khi bước vào quả vị toàn giác.
Phiền não tức Bồ đề, hay chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não đầy dẫy ở Ta bà. Nó không khác gì những báu vật mà Bồ tát Phổ Hiền, Quan Âm, Văn Thù biết cách khai thác. Các Ngài sử dụng nó để tăng trưởng phước đức trí tuệ, góp phần mở rộng kho thánh tài vô tận của chư Phật trong mười phương pháp giới.
Chúng ta, những hành giả chưa đầy đủ Bồ tát hạnh, đang khai phá mảnh đất tâm của chính mình, loại bỏ cỏ dại phiền não, vun trồng hạt giống Bồ đề. Mỗi lần một đóa hoa Bồ đề nở ra theo một Bồ tát hạnh mà chúng ta thể hiện trên bước đường tự hành hóa tha, chúng ta đã diện kiến, đảnh lễ được một Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Hay cũng có nghĩa là chúng ta thanh tịnh hóa một phần tâm mình, biến mình giống một phần với Bồ tát Tùng địa dũng xuất. Và cứ như vậy, chúng ta hạ thủ công phu, tiến bước trên lộ trình trở về chân tâm, đời đời kiếp kiếp không thoái chuyển, hằng vang lên mãi tận đáy lòng lời cầu nguyện :
Đốt nén tâm hương ở Ta bà
Nhớ lời di huấn đức Thích Ca
Cầu xin Bồ tát Tùng địa xuất
Thầm giúp cho người tụng Pháp Hoa.