Sách
Thông thường chúng ta đều nghĩ rằng do giới sanh định, do định phát huệ. Tuy nhiên, trên bước đường tu, thực tế cuộc sống cho chúng ta nhận thức ngược lại, nghĩa là phải có trí tuệ, tâm mới có thể bình ổn.
Thật vậy, khi chúng ta chạm trán việc gì, thường sợ hãi cuống cuồng, chỉ vì không biết rõ vấn đề, không biết cách đối phó. Trái lại, nếu có trí tuệ quan sát, nhận định vấn đề rõ ràng, tất nhiên chúng ta sẽ bình tĩnh. Trang bị trí sáng suốt và tâm định tĩnh, hành giả mới trở thành người đạo đức chân chính. Điều này dễ nhận thấy trong đời sống thường nhật. Những người tuy thực hiện hành vi đạo đức, nhưng không có trí tuệ và tâm an định chỉ đạo, nên họ hành xử một cách mù quáng, dẫn đến hậu quả tội lỗi. Hành vi đạo đức của họ trở thành phi đạo đức.
Chỉ có trí tuệ và tâm an định hướng dẫn mới kết thành quả đạo đức chân chính lâu dài. Quan sát cách giáo hóa của Đức Phật, chúng ta thấy rõ tất cả pháp môn tu của Ngài đưa ra dìu dắt đại chúng đều phát xuất từ trí tuệ sáng suốt, siêu tuyệt mà Ngài đạt được sau khi thành Vô thượng Đẳng giác. Đức Phật quán biết khả năng, căn tánh của người. Họ tu pháp môn gì thích hợp, Ngài theo đó chỉ dạy, đều được lợi lạc. Ngài giúp người bệnh hết bệnh, người khổ hết khổ.
Ngược lại, ngày nay bản thân chúng ta chưa sáng suốt, chưa biết rành vấn đề. Và tệ hơn nữa, chưa thực hành mà lại dạy người. Đó là một sai lầm lớn, thường đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Người chưa bệnh nhưng chúng ta hướng dẫn họ tu sai, trở thành tâm bệnh và thân bệnh. Để tránh vấp phải sai lầm, chúng ta trở lại thực tế, phải nhận thấy được thực trạng của mình, có thấy mới sửa chữa thân tâm lành mạnh và từ đó mà tiến tu.
Trong Kinh thường đề cập đến sức mạnh của voi có khả năng kéo nặng, đi ngược dốc và có thể chống trả các thú dữ. Cũng vậy, Phật và Bồ tát Phổ Hiền có sức mạnh gồng gánh, dắt theo số đồ chúng đông, bảo vệ được người và mình an toàn. Tà ma ngoại đạo không phá được, các Ngài dễ dàng đưa người từ sanh tử về Niết bàn.
Yếu hơn voi là trâu ngựa chỉ đi đường bằng, dù kéo nặng được nhưng không thể đi ngược dốc. Điều này ví cho hành giả an nhiên tự tại trước sóng gió cuộc đời, lo cơm gạo cho đại chúng được, nhưng dìu dắt họ đi ngược dốc về Niết bàn, hành giả không đủ sức lo. Đại chúng bệnh hoạn buồn phiền, hành giả không giải quyết được. Và cuối cùng sức mạnh của xe dê, nai chỉ có thể đi một mình, không thể leo ngược dốc và cũng không chở nặng được.
Trên bước đường tu, việc chinh phục nội giới và ngoại giới không đơn giản. Ba sức mạnh của trâu, nai và dê được ví cho sức mạnh của Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn tu theo tam thừa giáo. Chúng ta xem mình ngang tầm với Thanh văn, Duyên giác hay dưới nữa là chúng ta có đủ tư cách nhân thiên không. Cứ so như vậy từ cao xuống thấp dần, cuối cùng tìm thấy vị trí của chính mình, thì từ hoàn cảnh này khởi tu.
Duyên giác có trí tánh thông lợi, học ít hiểu nhiều. Thanh văn nghe bao nhiêu hiểu bấy nhiêu như Ngài A Nan nghe Phật thuyết pháp, thâm nhập đầy đủ trong tim óc không thiếu sót, được kinh ví như nước rót từ bình này sang bình khác, không đổ ra ngoài một giọt. Hạng kém, bình thường, nghe 10 điều chỉ nhớ được 2, 3 và nay nhớ mai quên. Như vậy chúng ta tự xét nếu mình chậm hiểu nhớ kém, phải trở lại tu từ vị trí của nhân thiên.
Chư Thiên muốn gì được đó, chỉ tưởng đến thức ăn, y phục là có liền, và ban phước được cho tất cả. Riêng chúng ta muốn nhiều mà chẳng được gì, chưa thể đạt đến vị trí của chư Thiên.
Hạ thấp một nấc nữa, đến tư cách con người nhưng là người mang ý chí tự lập, có thể tự giải quyết cuộc sống của mình trong mọi hoàn cảnh, không cần nhờ người giúp. Nhưng nếu tệ hơn nữa, dưới vị trí con người vì mang đầy nghiệp ác, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đến đâu cũng bị xua đuổi, bị nợ bao vây bức ngặt. Ở trường hợp này phải lo giải quyết cho xong nợ nần oan trái mới có thể thanh thản tu; vì người đi tu không phải là người trốn nợ.
Từ điểm chuẩn là con người để xác định vị trí chúng ta ngang tầm hay trên hoặc dưới con người mà có ba cách tu khác nhau. Ở dưới vị trí con người chúng ta có thể vươn đến vị trí con người. Khi sức khỏe, thông minh, tiền bạc, uy tín không bằng người, chúng ta phấn đấu từ đó bắt đầu tu để nâng thể lực, trí lực cho bằng với người bình thường. Thiết nghĩ mức căn bản tối thiểu là phải khởi đầu từ vị trí con người mà xuất gia học đạo mới có thể đăng địa Hiền Thánh.
Vì vậy, việc đầu tiên trên bước đường tu phải nghĩ đến giải quyết thân con người và vấn đề chi phối thân tứ đại này. Chúng ta tu tập, điều hòa cơ thể để chữa thân bệnh. Tu sai rèn, luyện từ không bệnh thành ốm đau gầy yếu. Đó là kinh nghiệm bản thân tôi. Thuở nhỏ tôi hiểu lầm lời Phật dạy La Hầu La rằng người là trượng phu, mình cũng trượng phu thì phải làm được. Từ đó tôi nhiệt tình dấn thân hành đạo, ưa thích làm Phật sớm, tập ăn ngày một bữa. Nhưng với khoảng tuổi mười lăm, cơ thể đang phát triển mà lại hạn chế dinh dưỡng quá mức. Một thời gian sau, tôi bị cơn đau bao tử hoành hành, thức đêm tu học nhiều đến độ cơ thể suy kiệt, sanh thêm bệnh tim, phổi, thấp khớp. Tình trạng sức khỏe xấu đến mức Hòa thượng Huê Nghiêm gọi tôi là cây khô. Lúc ấy tôi mới ý thức được cơ thể mình không khỏe mạnh, siêu phàm như Phật hay Thánh, không thể nhịn đói, chịu khát được. Tôi thức tỉnh ngay, không nghĩ gì cao xa nữa, lo nhờ bác sĩ chữa thân bệnh và điều chỉnh vấn đề ăn uống ngủ nghỉ.
Cũng trên căn bản điều hòa ăn uống ngủ nghỉ, từ một ngàn năm trước, Ngài Thiên Thai đã dạy muốn tu phải có cơ thể khỏe mạnh và muốn khỏe, trước tiên hành giả phải điều hòa ăn uống. Chọn thức ăn và lượng thực phẩm cho vừa với cơ thể mình trong từng giai đoạn khác nhau, để không dư hay thiếu chất dinh dưỡng cần thiết. Không phải như một số người lầm tưởng cho rằng tu là không nghĩ đến việc ăn.
Chúng ta không quan tâm đến ăn uống như người thế gian, phí thì giờ công sức tìm món ngon vật lạ. Chúng ta không làm nô lệ cho những ham muốn ăn ngủ để thỏa mãn đòi hỏi của thân nghiệp. Người tu không cần ăn ngon, nhưng ăn vừa đủ sống, xem thức ăn là lương dược tạm thời chữa thân bệnh tứ đại này mà thôi.
Để tâm điều chỉnh vấn đề ăn uống cho thích hợp cơ thể, loại được tất cả bệnh tật và có sức khỏe bình thường. Nếu ngừng lại ở điểm này, chúng ta không khác gì người thường.
Muốn tiến tu, cần tập giảm lượng thực phẩm mà vẫn duy trì sức khỏe tốt. Tuy nhiên, nên lưu ý đừng cắt ngang lượng thức ăn dễ thành bệnh, tập giảm từ từ cho cơ thể kịp thích nghi theo. Điều chỉnh lượng ăn ít nhất cho đến mức cơ thể chịu được để chúng ta tiến tu là bước đầu. Nhờ đó, chúng ta không tốn kém tiền bạc, thì giờ cho việc ăn. Ăn ít, rẻ, nhưng sức khỏe vẫn bảo đảm và có sức chịu đựng như mọi người. Điều chỉnh được như vậy, chúng ta nhận ra sự thật là cơ thể không đòi hỏi quá sức như người đời tưởng.
Từ ăn uống được tiết giảm, mồ hôi chúng ta cũng tiết ra ít hơn. Không thoát mồ hôi, nên tôi không cảm thấy khát nước vì giữ được lượng nướctrong cơ thể. Ngay cả những lúc tôi dùng gạo lức muối mè mà vẫn không uống nhiều nước vì không khát. Luyện được trạng thái ít uống nước, không khát, không ra mồ hôi, cơ thể không thoát nhiệt, nên dễ chịu đựng áp lực của thời tiết, bệnh tứ thời cảm mạo, nhức mỏi cũng tự hết.
Từ căn bản này, tôi phát hiện thêm rằng khi chúng ta bớt lượng thực phẩm hằng ngày, nhưng vẫn giữ sinh hoạt như người đời, chúng ta cũng dễ bệnh. Người đời ăn uống nhiều và hoạt động bằng mọi cách để thải ra, trong lúc chúng ta ăn uống không dư mà lại bắt chước họ, uống nhiều nước, thể thao vận động cho nhiều là sai lầm. Muốn giảm ăn uống ngủ nghỉ, tất yếu phải giảm lao động; vì làm nhiều, không ăn không được, lao động nhiều, mệt thì phải ngủ.
Trong khi tu, tìm hiểu được thân bệnh hay thân nghiệp, thấy rõ cấu tạo thân của ngườikhông giống nhau, nên không thể hướng dẫn pháp tu chung. Chúng ta nhận thấy những người có cơ thể tốt, ăn gì cũng không bệnh như các Lạt Ma Tây Tạng có cơ thể siêu đẳng. Họ chịu đựng được nóng lạnh, đói khát và tiếp thu tốt các thức ăn. Đạt đến đỉnh cao của thân phước báo như Đức Phật, thức ăn gì đối với Ngài cũng biến thành cam lồ. Ngoài những cấu trúc cơ thể đặc biệt của Phật và Thánh tăng, những người khác chỉ thích hợp một số thức ăn. Đối với họ, trước tiên chúng ta phải dạy cách ăn uống thế nào để không sanh bệnh mới, chữa được bệnh cũ, sau đó mới tiến tu được.
Hàng Thánh chúng theo Phật có cơ thể và trí lực quá tốt, nghiệp lực không còn. Các vị A la hán không cần phải ăn hoặc những vị chỉ ăn giới hạn một bữa, ăn ít mà không sanh bệnh. Riêng chúng ta tồn đọng quá nhiều nghiệp lực, cần phải theo dõi việc ăn uống. Các vị Tổ sáng suốt thấy rõ vấn đề này mới cho phép ăn nhiều lần trong ngày để đủ sức tu.
Trên tinh thần này, từng bước tu hành, chúng ta phải theo quy trình cải tạo, khắc phục bệnh nghiệp của thân. Lần lần chúng ta cũng sẽ táitạo được thân công đức, không còn lệ thuộc việc ăn ngủ.
Điều chỉnh vấn đề ăn xong, trước khi giải quyết việc ngủ, chúng ta điều chỉnh hơi thở; vì hơi thở có ảnh hưởng đến giấc ngủ hay sinh hoạt tâm linh. Tập luyện điều hòa hơi thở cũng là vấn đề quan trọng. Tôi bị bệnh tim lớn nên hơi thở dồn dập. Nhờ biết điều chỉnh hơi thở theo pháp tu Thiền, tôi đã chữa được bệnh tim. Trong mọi tình huống ăn, uống, đi, đứng, ngủ nghỉ, thuyết pháp, tôi luyện cho nhịp tim bình thường, không nhanh, không chậm. Điều này tùy thuộc vào hơi thở.
Chúng ta tập thở chậm và dài, dài nhất là một phút hơi thở, 30 giây thở ra và 30 giây thở vô. Tập kéo hơi thở dài, đều, nhẹ, đều về khoảng cách và nhẹ đến độ tờ giấy mỏng dán ở mũi không phập phồng theo hơi thở, giống như hơi thở của con rùa là loài sống lâu có hơi thở nhẹ nhất.
Hơi thở chậm, nhẹ, dài sẽ tác động cho nhịp tim hoạt động chậm, kéo theo nhịp máu lưu thông chậm. Nhờ vậy, chất hữu cơ bị đốt ít, không thoát nhiệt, không hao hụt trữ lượng trong cơ thể, nên ta cảm thấy bớt đói, bớt buồn ngủ.
Chúng ta kiểm tra điều này trong cuộc sống người tu nhận thấy các Thiền sư ít ăn, vẫn khỏe, ít cử động nên dự trữ trong cơ thể còn thừa mới không đói, không cần ăn. Nhờ nhịp tim chậm, tuổi thọ tăng, có điều kiện duy trì thân vật chất để tiến tu đạo nghiệp, chết yểu thì không thể đắc đạo.
Dùng hơi thở kiểm soát được nhịp tim và lượng máu trong cơ thể hoàn chỉnh xong, chúng ta đi sâu vào giấc ngủ hay đi vào Thiền định. Như vậy, điều chỉnh cơ thể ổn định rồi mới cho thân ngủ để bắt đầu sinh hoạt tâm linh. Chưa điều chỉnh hơi thở, nhịp tim, lượng máu lưu thông mà ngủ thì cơ thể không bình thường. Nếu một mạch máu nào trục trặc sẽ tác động thành giấc mơ ác hoặc thức dậy tay chân bị tê cóng; nhiều lần như vậy dễ bị liệt, nhất là khi tuổi lớn.
Điều chỉnh vấn đề ngủ theo Phật dạy là người tu ngủ trong tỉnh thức hay Thiền, khác với chúng sanh ăn no rồi ngủ mê man, không biết gì. Đối với thế giới người tu, sinh hoạt tâm linh phần lớn diễn ra trong giấc ngủ hay ngủ là trạng thái sinh hoạt tâm linh. Ứng dụng pháp tu này, tôi điều chỉnh cho cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn để tâm linh hoạt động. Thuở nhỏ, trước khi ngủ, tôi học bài để trí nhớ tiếp tục sinh hoạt với bài học trong giấc ngủ. Và lớn lên, tôi thực hiện vấn đề tu trong giấc ngủ để các pháp Phật hoạt động diễn biến trong trạng thái tâm linh.
Tuy nhiên, xét thấy vấn đề ăn ngủ chiếm quá nhiều thì giờ của người thế gian, người tu nỗ lực vượt hơn người bình thường. Họ đã tiết giảm được ăn ngủ, không bị chúng chi phối. Nhờ đó, Thiền sư còn nhiều thì giờ dành cho việc trắc nghiệm Thiền quán hay điều chỉnh sinh hoạt tâm linh.
Sinh hoạt tâm linh từ vọng thức đi lần vào vô thức cho đến chân tâm nội quán mới thực quan trọng. Từ sinh hoạt nội giới, hành giả phát được bi tâm đến với hữu tình chúng sanh và tác động họ. Cảm hóa người dưới dạng tâm dễ dàng thành công, không bị phiền não như cảm hóa bằng vọng thức, suy xét bên ngoài.
Hành giả đạt trình độ tâm chứng ở trạng thái vô tác diệu lực sẽ giáo hóa người nhẹ nhàng, thanh thản, khiến họ tự phát tâm bồ đề, tiêu phiền não.
Tuy nhiên, con đường tiến đến sở đắc này không đơn giản, đòi hỏi hành giả phải trải qua quá trình tu tập điều chỉnh ăn uống, ngủ nghỉ, hơi thở cho hoàn thiện. Nếu pháp tu phương tiện bên ngoài chưa hoàn chỉnh, nhưng vào sinh hoạt nội giới, tâm hành giả sẽ bị tất cả áp lực bên ngoài lôi kéo, khó bình ổn được.
Hoàn tất được việc ăn ngủ, hơi thở, trận chiến cuối cùng diễn ra giữa chân tâm và vọng thức rất gay go. Điều này nằm ngoài ngôn ngữ lạm bàn của phàm phu. Dẹp bỏ hoàn toàn sự chi phối của vọng thức nhanh hay chậm và hành xử được chân tâm tự tại theo ý muốn nhiều hay ít. Điều đó còn tùy thuộc ở điểm khởi hành và phương tiện đi trong cuộc hành trình tâm linh của mỗi hành giả.