Sách
Đức Phật dạy hàng đệ tử xuất gia, mỗi năm phải cấm túc an cư để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức. Trên bước đường tu hành, việc kiểm soát thân tương đối dễ dàng. Nhưng đối với tâm, hành giả theo dõi, chế ngự để đưa tâm mình sinh hoạt theo các pháp thánh thiện không đơn giản. Điều này đòi hỏi hành giả phải trải qua quá trình tu tập, hạ thủ công phu khi tiến tu theo Tâm tông hay Thiền tông.
Cuộc hành trình đuổi bắt tâm, tìm ra tâm và sai sử nó vâng lời hành giả, được cụ thể hóa bằng mười bức tranh minh họa công việc chăn trâu của chú bé mục đồng gọi là Thập mục ngưu đồ. Không rõ những bức tranh này được hình thành từ lúc nào nhưng rất được phổ biến trong giới tu Thiền. Các Thiền giả dù ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam đều lấy đó làm kim chỉ nam để điều chỉnh tâm, rèn luyện tự tánh của chính mình.
Tranh Thập mục ngưu đồ nói lên quá trình tu hành của người xuất gia từ khởi điểm đến thành đạo hoàn mãn. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đặt ra cho hành giả trong suốt quá trình này là giải quyết vấn đề tâm, không phải lo việc bên ngoài. Hành giả luôn tìm phương cách soi rọi lòng mình, thuật ngữ Thiền gọi là hồi quang phản chiếu để minh tâm kiến tánh.
Trên nền tảng nỗ lực tu tâm, khởi điểm bức tranh thứ nhất minh họa người tìm đạo hay tìm tâm được ví như mục đồng đi tìm trâu. Điều này gợi nhắc chúng ta trong pháp Phật có tam thừa giáo, được thí dụ bằng ba loại xe : xe dê, xe nai, xe trâu.
Xe trâu tiêu biểu cho Bồ tát thừa. Người tu Thiền đi tìm tâm hay tu tắt, đi thẳng vào Bồ tát thừa, không đi vòng qua Thanh văn, Duyên giác thừa. Vì vậy, đòi hỏi hành giả phải thuộc hàng thượng căn thượng trí đã khế ngộ nguồn chơn, đạt được tinh yếu của giáo điển mới có khả năng sử dụng xe trâu, đi thẳng vào Bồ tát thừa.
Ngoài ra, kinh Pháp Hoa còn đưa thêm hình ảnh đại bạch ngưu xa để chỉ cho pháp cao tột. Đó là viên dung nhất thừa, diễn tả bằng hình ảnh trâu trắng kéo xe, khác với trâu đen.
Trâu thường hay trâu đen tiêu biểu cho xe của Bồ tát thuộc tam thừa là Bồ tát từ nhân hướng quả, vừa tu hành vừa giáo hóa chúng sanh, phần phá vô minh phần chứng Pháp thân.
Bức tranh thứ nhất mục đồng đi tìm trâu gợi lên ý niệm hành giả xuất gia cầu đạo tìm pháp hay tìm tâm. Muốn tìm trâu, mục đồng không có cách gì khác hơn là tìm dấu chân trâu. Cũng vậy, hành giả tìm tâm phải lần dò xem tâm sanh khởi, diễn biến như thế nào và lưu lại dấu vết gì trong lòng.
Tuy nhiên, bước ban đầu dùng tâm để tìm tâm cũng như tìm dấu chim bay trên bầu trời, không đơn giản. Tâm chúng ta lướt đi mãi trong từng khoảnh khắc, không bao giờ dừng lại. Cái gì dừng lại chỉ là dấu vết, không phải thực. Hành giả nương theo cái không thực hay dấu chân trâu, hoặc dáng của tâm mà lần tìm đến chân thực. Từ góc độ này, điều kiện ban đầu trên bước đường tu đòi hỏi hành giả phải nhận ra dấu ấn sâu sắc của Phật để lại.
Tranh vẽ trâu đi lạc bị màu đen bao phủ toàn thân, ví cho người tu đi vào đồng hoang sanh tử thọ ngũ ấm thân nên chơn tánh bị ngăn che, hiểu biết trở thành giới hạn, không thể thấy chân lý. Tâm ý thì luôn biến động chạy theo sai sử của sáu giác quan mà kinh thường diễn tả như con khỉ nhảy nhót không yên, con ngựa chạy sùi bọt mép. Để chữa trị sai trái lỗi lầm của thân tâm thường quen với nếp sống buông lung, hành giả tập trụ thân tâm lại trong lúc cấm túc an cư.
Ý này được bức tranh thứ hai diễn tả mục đồng tay cầm dây cột trâu, tay cầm roi. Cây roi để răn đe trâu, tiêu biểu cho giáo pháp hướng dẫn chúng ta đi đúng lộ trình của Phật.
Trong lúc an cư, hành giả cột thân tâm mình bằng cách sống theo pháp Phật, tôn trọng giới luật, khắc phục các tánh xấu trong lòng, ngăn chặn việc làm không tốt của thân.
Trụ thân tâm như vậy sẽ được nhiều kết quả lợi lạc. Nhưng các Tỳ kheo trẻ mới nhập hạ, thường cảm thấy khó chịu vì không được phép ra khỏi Thiền đường suốt ba tháng an cư.
Ngày nay, Giáo hội dành nhiều dễ dàng, cho phép các thầy mỗi ngày xuất giới để đi học. Riêng tôi, lúc còn là học tăng cũng được Hòa thượng Thiện Hòa cho phép ra ngoài học, nhưng có ghi rõ phải trực vãng trực hoàn. Nghĩa là đi đúng theo lộ trình cần đi và xong việc phải trở về ngay để cùng chúng tu học.
Tôi nhận thấy những anh em đã tuân thủ pháp này, quyết tâm hạn chế đi lại, cuộc đời tu hành của họ từng bước sáng đẹp. Những người không nương vào giáo pháp, không chấp hành giới luật, cho rằng Hòa thượng không thể kiểm soát, không biết được việc họ làm, nên thừa dịp được phép ra ngoài để đi chơi. Sống buông lung phóng túng như vậy chẳng bao lâu thì hoàn tục.
Chúng ta cần ý thức rằng tu cho chính bản thân mình lợi lạc giải thoát, không phải tu cho thầy hay tu biểu diễn cho bổn đạo. Đối với tôi, lúc không có người để ý càng phải nỗ lực tu hơn.
Người chăn trâu bắt được nó, không cột chân hay đuôi, nhưng lấy dây xỏ lỗ mũi dắt đi. Tuy lỗ mũi chỉ có một màng mỏng, nhưng cột vào đó chắc nhất vì lỗ mũi là chỗ hơi thở ra vào, tiêu biểu cho sự sống.
Cũng vậy, hành giả cột tâm mình là cột niềm tin vào Tam bảo, cả sự sống hướng trọn vẹn về Tam bảo. Theo tôi, hành giả nào vững niềm tin nơi Tam bảo, nhất định sẽ gặt được nhiều kết quả tốt đẹp trong sự tu tập. Trái lại, tu theo hình thức bên ngoài, thiếu niềm tin, chẳng thể nào đi đến nơi đến chốn.
Trên tinh thần này, kinh Hoa Nghiêm dạy niềm tin là mẹ sanh ra công đức lành. Thật vậy, tôi nhận thấy các bạn đồng tu, học giỏi nhưng đánh mất niềm tin cũng trở thành xác xơ. Riêng tôi, nhờ tin mãnh liệt vào Tam bảo, cảm nhận được sự gia bị của Đức Phật vĩnh hằng bất tử, an lạc với giáo nghĩa của kinh điển, sống trong sự giáo dưỡng của các bậc minh sư nên đem hết thân mạng phụng sự Tam bảo.
Đối với Phật bảo, Pháp bảo, chúng ta thường nhiệt tình tin tưởng. Về phần Tăng bảo, chúng ta dễ hiểu lầm, đưa đến phạm phải nhiều sai trái. Có người chủ trương quy y Phật, Pháp nhưng không quy y Tăng. Như vậy không thể nào thành tựu pháp quy y.
Ngày nay, tôi thành công được nhờ sớm nhận thức đúng đắn ý nghĩa quy y Tăng, nên tôi luôn nghĩ đến công việc chung, cùng lo xây dựng Giáo hội, phát triển đạo pháp. Tôi thiết nghĩ khi chúng ta chưa là Thánh Tăng thì Tăng đoàn còn có lúc không hòa hợp, có vấn đề. Mặc dù gặp va chạm bức lòng, nhưng bằng mọi cách, chúng ta phải khắc phục cho được để hòa hợp; vì biết rõ người tu tách rời Tăng đoàn sẽ đánh mất sự sống.
Sức mạnh của tập thể Tăng được thể hiện qua lời dạy của Đức Phật. Theo đó, chư Tăng có thể thay Phật lãnh đạo, phạm Phật thì Tăng cứu được nhưng phạm Tăng, Phật không cứu. Thuở nhỏ tôi ngạc nhiên khi đọc điều này, không hiểu tại sao người phạm tội với Tăng lại tội nặng hơn là phạm với Phật. Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta tầm quan trọng của sức mạnh Tăng đoàn nên cho phép chư Tăng hội họp có thể giải tội cho người đã phạm với Phật. Từ góc độ này, ý niệm tách rời Tăng hay phá hòa hợp Tăng làm Giáo hội suy yếu, Tăng đoàn tan rã là tội nặng nhất, Phật không cứu được.
Ý thức sâu sắc như vậy, từ khi xuất gia học đạo đến nay, tôi luôn sống hài hòa với Tăng đoàn, tuân thủ những gì Tăng sai. Nhờ niềm tin kiên cố đối với Tam bảo như vậy, tôi vượt qua mọi tình huống khó khăn, cám dỗ.
Tranh vẽ trâu đen, nhưng nay lỗ mũi nó đã trắng, nghĩa là từ đây hành giả bắt đầu có sinh mệnh Bồ tát, lấy niềm tin Tam bảo làm mạng sống dẫn hành giả dấn thân trên con đường tu tập. Tuy nhiên, chỉ vì mới trang bị niềm tin nên chỉ trắng lỗ mũi. Vì vậy, ở bước đầu còn phải dùng roi để canh chừng dọa nạt. Nhưng khi trâu đã chịu phép, người chăn mới bỏ roi.
Giáo dục của Thiền cũng vậy, khi niềm tin của học trò đã vững, thầy nuôi lớn niềm tin này. Hành giả nghe được pháp và sống được với pháp, thầy không cần phải dùng roi răn đe. Lúc ấy, Thiền sư dùng tâm cảm tâm, dùng hành động đúng pháp làm gương giáo hóa. Thiền sinh nhìn thấy thái độ, lời nói của thầy mà tự bắt chước theo.
Đó là cách dạy trên tâm, trên hành động, không nói bằng lời, không dùng roi vọt. Nhưng tu Thiền, mỗi ngày tâm hồn hành giả trong sánghơn, trí tuệ sắc bén hơn, được diễn tả tiếp theo bằng hình vẽ thứ tư. Đầu của trâu và một chút thân, cùng hai chân trước trở thành trắng so với ban đầu chỉ mới có niềm tin, lỗ mũi trắng thôi.
Khi trâu đã thuần phục, mục đồng hoàn toàn thảnh thơi, ngồi dưới bóng cây tùng thổi sáo cho trâu nghe (bức tranh thứ sáu). Thổi sáo cho trâu nghe được tất nhiên là điều khó, nói lên cái khó của người trong sanh tử vui sống được với đạo. Và càng khó hơn nữa, khi giáo hóa cho người khác còn trong sanh tử cũng cảm nhận như mình.
Ở giai đoạn này phương cách hướng dẫn người, tiêu biểu bằng cây sáo. Chúng ta thổi như thế nào để phát ra âm thanh êm tai mát lòng. Thiền sư được định vị trí cao thấp tùy ở tiếng sáo hay dở. Nghĩa là tùy theo trình độ tu chứng đắc Thiền, giáo hóa người bằng những âm thanh kỳ diệu vô ngôn, tác động thẳng vào tâm họ. Thiền giả phát huy sức mạnh tâm linh, trí tuệ, sẽ có khả năng thuyết phục được người; đừng vội nói "đờn khảy tai trâu”.
Các bức tranh kế tiếp vẽ trâu trắng hoàn toàn, mục đồng khỏi cần chăn, thản nhiên ngủ say trên phiến đá. Tỉnh dậy lại ngao du sơn thủy, quên hẳn trâu và cũng không còn trâu, mục đồng còn mãi ngắm nhìn bốn bề bát ngát trời xanh mây trắng, hoa đồng, cỏ nội.
Hình ảnh này nói lên ý nghĩa hành giả đã sạch nghiệp, trí tuệ phát sinh. Bản tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt ảnh hưởng cho người phát tâm tu cũng được thanh tịnh giải thoát. Cách hành đạo giáo hóa của hành giả trở thành tự tại, thanh nhàn, không cần lao tâm nhọc sức mà vẫn tác động cho người lợi lạc an vui. Bồ tát đạt đến đỉnh cao này, không giáo hóa chúng sinh, nhưng thực là giáo hóa.
Cuối cùng, tranh vẽ kết thúc không còn người và trâu. Chỉ có vòng tròn trắng tiêu biểu cho tâm chơn như của Thiền giả có thể bao trùm dung chứa cả pháp giới. Nói cách khác, mọi sinh hoạt trên cuộc đời đều nằm dưới sự điều động chi phối của thế giới chơn không diệu hữu.
Cảnh giới đại an lạc này không thể dùng lời nói văn tự diễn tả. Đó là điểm cuối cùng của tất cả Tăng Ni mang chí xuất trần đang hướng đến :
Đêm huyền ảo một màu trăng tạnh
Ngày không ai giữa cảnh đất trời
Tình còn một mảnh gương soi
Gương thiêng vô ảnh rạng ngời huyền
không.