Sách
(Bài giảng lớp Giảng sư Trung cấp 2002)
Tại sao Đức Phật nói an lạc hạnh trong kinh Pháp Hoa? Vì trước đó, các Bồ tát phát nguyện hoằng truyền kinh Pháp Hoa không tiếc thân mạng. Đối với các vị Bồ tát lớn, đủ năng lực làm thì việc này dễ dàng; nhưng đối với Bồ tát sơ tâm, Phật dạy rằng việc không đơn giản. Phật dạy rằng những Bồ tát này cần có sự an lành, giải thoát để tiến tu đạo nghiệp. Thật vậy, người mới phát tâm, đạo đức chưa cao, năng lực chưa có mà làm việc lớn là chuốc họa vào thân. Vì vậy, hạnh an lạc thứ tư mà Phật dạy là chúng ta phát đại bi tâm làm việc tốt, muốn cứu giúp người, nhưng thân phận, hoàn cảnh ta không làm được, thì ta ghi lại trong lòng mình, chờ có đủ năng lực sẽ giúp.
Đó cũng chính là lời phát nguyện của Phật khi Ngài rời bỏ cung vàng đi tu. Là thái tử mà khuyên vua cha thì chưa đủ tư cách, nên Ngài có nói gì ông cũng không nghe, phải chờ đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác mới trở lại độ vua cha và nhân dân nước Ca Tỳ La Vệ. Bước chân giáo hóa độ sanh của Đức Phật cho thấy khi thành Phật ở Bồ đề đạo tràng, Ngài không về hoàng cung ngay để giảng cho vua Tịnh Phạn. Nhưng Ngài đã đến thuyết pháp cho vua Tần Bà Sa La cai trị Ma Kiệt Đà, một nước lớn gấp ba lần nước Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn, khiến ông vua này đã phát tâm quy y với Phật và dâng cúng Ngài khu vườn Trúc Lâm mà ông thường ngự. Điều này làm cho cả nước Ca Tỳ La Vệ phải chấn động. Trí Giả đại sư gọi đó là phiêu chương, nghĩa là tạo điều kiện cho người phát tâm rồi mới nói cho họ nghe được. Đức Phật đã làm cho vua cha và mọi người phải chú ý bằng cách độ vua Tần Bà Sa La nổi tiếng nhất ở Ấn Độ.
Kế tiếp, Đức Phật một mình một bóng tìm đến độ giáo chủ đạo thần rắn là Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và cũng là Thầy của vua Tần Bà Sa La. Ông rất ghét Phật vì ganh tỵ với Ngài, nên đã thả rắn mảng xà hại Phật. Chẳng những không hại được Phật, mà trái lại, sự thù hận cao trong lòng ông đã biến đổi thành sự khiếp sợ uy đức của Phật, sợ thế lực của vua Tần Bà Sa La đã ủng hộ Phật. Cuối cùng đối trước hành động vô cùng thánh thiện của Phật, Ngài đã không ghét trả ông, không hại lại ông, mà Phật còn trải lòng từ bi, tặng ông khu vườn của vua đã dâng cúng Ngài. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp không còn cách gì khác hơn là quỳ xuống, xin được làm đệ tử Phật. Và tất nhiên cả ba anh em Ca Diếp đều quy y Phật, dẫn theo 1.000 đồ chúng của họ. Đức Phật đã thể hiện rõ nét rằng Ngài có vô số phương tiện giáo hóa độ sinh. Thật vậy, nếu chưa độ được vua Tần Bà Sa La, thì Phật không thể độ được Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, vì chắc chắn một tu sĩ lang thang không thể nào thuyết phục một giáo chủ lại là quốc sư của nhà vua.
Trong hạnh an lạc, Phật khuyên chúng ta không nên thân cận quốc vương, vương tử, đại thần, nói chung là những người quyền thế. Nhưng vua Tần Bà Sa La tìm đến Phật, vua cần Ngài như một bậc minh triết chỉ dạy thì Ngài không từ chối giúp đỡ ông. Chúng ta phải nhận ra ý mà Phật dạy không thân cận người quyền thế nghĩa là không cầu cạnh họ để trở thành công cụ của họ. Tu sĩ giải thoát phải thể hiện tư cách xuất trần, không có quyền lợi nào trên thế gian thì cầu cạnh họ làm gì. Tuy nhiên, nếu họ cần và tìm ta, thì tùy theo hoàn cảnh của họ mà ta cho những lời khuyên thích hợp.
Chúng ta còn nhớ khi Phật làm Sa môn khổ hạnh, một hôm gặp Tần Bà Sa La đang tổ chức lễ cúng tế, chuẩn bị giết 500 con bò, 500 con dê để cúng thần. Lúc đó, tuy Phật chưa đắc đạo, nhưng Ngài đã thuyết phục được vua bãi bỏ việc tế thần. Ngài đã lấy giáo lý Bà la môn để giảng cho Bà la môn nghe. Vì vậy, nhiều người hiểu lầm rằng đạo Phật phát xuất từ đạo Bà la môn.
Kinh Duy Ma dạy rằng muốn hiểu Phật pháp, phải hiểu dị kiến ngoại đạo. Nói cách khác, hoàn cảnh xã hội sinh ra dị kiến ngoại đạo. Vì xã hội bất an, lòng người hoang mang, nên pháp sư ngoại đạo mới bày ra đủ thứ cách để mê hoặc, trục lợi. Từ đó phát sinh ra tôn giáo đa thần, nhứt thần, v.v… Và Bà la môn giáo thời bấy giờ cũng không nằm ngoài hình thức này.
Đức Phật giảng cho vua rằng giết bò dê cúng Thượng đế để được ban phúc là điều không thể nào có được. Vì theo giáo lý Bà la môn, muôn vật đều do đấng Tạo hóa sinh ra. Như vậy chúng ta và muôn thú đều là con của Thượng đế, có cùng một ông cha, đều là anh em với nhau. Vậy thì có ông cha nào hoan hỷ khi người anh giết chết các đứa em yếu đuối hơn, ngu dại hơn để dâng thịt nó cho cha. Trước lý giải này, vua Tần Bà Sa La mới nghĩ Gotama là bậc minh triết hay thần linh. Phật đã khẳng định rằng Ngài không phải thần linh nào cả, Ngài đang tu hành tìm chân lý. Tần Bà Sa La liền căn dặn Ngài rằng nếu tìm được chân lý thì nhớ đến độ ông. Điều này nhắc chúng ta tinh thần kết duyên, nghĩa là hẹn lại mai sau, rất quan trọng đối với người hành đạo. Đối với người không hiểu đạo, tham lam thì sẽ ở lại để nhận sự cung kính cúng dường của vua. Anh em phải nhớ ý này, cố gắng vươn lên đi đến cứu cánh.
Trên lộ trình tìm sự giác ngộ toàn vẹn, Đức Phật đã phủ nhận quan niệm hữu thần của Bà la môn giáo, nhưng đó chỉ là tia sáng mấp mé chân lý. Từ đó, Ngài mới tiến xa trên đường tìm chân lý; còn quay lại nhận sự cúng dường của Tần Bà Sa La, tiếp thu vật chất thì tự trần tục hóa mình còn gì. Thực tế chúng ta thường thấy có nhiều quốc sư vừa thân cận với quốc vương là bị sa đọa, uổng công tu hành. Đức Phật từ chối quyền lợi của vua dâng, Ngài quyết tâm đi, chẳng những không mất phần, mà càng làm Tần Bà Sa La kính trọng Ngài hơn. Anh em nên nhớ khi người ta kính trọng, mình nên đi, để lại sự tiếc nuối, đó là kết duyên. Trong phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 của kinh Pháp Hoa, Phật cũng nói rằng nếu Như Lai sống lâu trên đời, thì chúng sinh sẽ ỷ lại, xem thường, khiến họ không đến được chân lý. Phật đi nơi khác làm người ta tiếc và Ngài từ giã cõi đời, thì họ càng tiếc thương hơn nữa, mới nỗ lực tu và đắc đạo.
Kết duyên với Tần Bà Sa La rồi, Phật tu thành đạo và Ngài trở lại độ ông. Đắc đạo thì phải có tam minh, lục thông, tứ trí, ngũ nhãn, thập bát bất cộng. Trên bước đường theo dấu chân Phật, chúng ta chưa được những khả năng này, thì phải dè dặt, cân nhắc. Các Hòa thượng thường nhắc nhở rằng nói ít tốt hơn, vì sợ chúng ta phạm sai lầm, không tu được.
Từng bước chúng ta phải đạt được những thành quả mà Phật đề ra. Nỗ lực tu là chính để có cuộc sống vượt trên người, như vậy trước nhất, chúng ta phải bằng với người. Còn thấp hơn, nhưng muốn nói cho người nghe không thể được. Phải vượt hơn người ở trí khôn mới dạy người được. Hàng Thánh như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử được xếp vào người khôn. Và Phật là Thánh của các vị Thánh, vì các giáo chủ ngoại đạo đương thời đều nhận Phật là Thầy. Quả thật trí khôn của Phật vượt trên mọi người. Tất cả ngoại đạo đồng thời với Ngài thờ đấng Phạm Thiên, đấng Tạo hóa, v.v… Phật hỏi họ thờ Phạm Thiên nhưng thấy Phạm Thiên chưa. Không ai thấy Phạm Thiên, nhưng sợ ông và giao quyền quyết định vận mạng cho một nhân vật tưởng tượng.
Riêng Đức Phật, chúng ta khẳng định rằng Ngài là người hiện hữu thật trên cuộc đời và dạy dỗ người đạt được những kết quả tốt đẹp về tâm linh lẫn đời sống vật chất. Đó là điểm đặc biệt quan trọng của đạo Phật, không tự đặt ra một đấng nào để phục tùng vô lý. Người không tin Tạo hóa thì Tạo hóa cũng làm gì được họ. Còn người tin Tạo hóa, nhưng sao cuộc sống họ lại đầy khổ sở. Nếu Tạo hóa toàn năng, toàn đức, toàn trí, thì Ngài sẽ không sinh ra một xã hội, một thế giới đầy xấu xa tội lỗi, không sinh ra những người bệnh tật, ngu dốt, hung ác, tội lỗi, v.v… rồi đẩy họ vào địa ngục.
Đức Phật đã đưa ra lời dạy đúng đắn cho muôn đời rằng con người có quyền quyết định vận mạng mình, không ai quyết định thay. Mọi việc tốt, xấu, thiên đường, địa ngục cũng do ta, đừng tưởng tượng đặt quyền quyết định cho người khác. Đức Phật đã giành lại quyền quyết định cho con người, đó là giáo lý đặc sắc nhất đã giúp cho đạo Phật còn tồn tại đến ngày nay và càng ngày càng phát triển vì tạo được những giá trị lợi ích thực tiễn cho nhân loại.
Phật giới thiệu cho chúng ta cảnh giới của chư Phật do các Ngài tự tạo. Phật Di Đà, Phật Dược Sư, Phật Đa Bảo, v.v… đã tự kiến tạo thế giới hoàn toàn trong sạch, tốt đẹp tuyệt đối theo công đức và trí tuệ của các Ngài. Đối với chúng ta cũng vậy, ở ngay nhân gian này cũng xây dựng được cho mình thế giới an vui. Muốn như vậy, Phật đưa ra quá trình tu học, ai cũng có thể thăng tiến được. Tùy mức độ tu hành diệt trừ ác nghiệp và tu tạo thiện nghiệp bao nhiêu mới giải quyết được những bất công trong xã hội. Nói chung, người nào khắc phục tuyệt đối bốn nhân ác là sát, đạo, dâm, vọng thì kiếp tới, sẽ hưởng những điều tốt đẹp nhất. Điển hình là Đức Phật có 32 tướng tốt, sức mạnh phi thường, thông minh siêu tuyệt, được mọi người kính ngưỡng tột độ; những điều hoàn toàn tốt đẹp này chứng tỏ Phật đã thành tựu trọn vẹn bốn điều căn bản nói trên trong những kiếp quá khứ.
Đức Phật dạy như vậy và mọi người tin Ngài, vì Phật nói điều gì thì Ngài đã thể hiện việc đó trong cuộc sống. Và những người theo Phật cũng đạt được thành quả thánh thiện như Ngài dạy. Ngày nay, chúng ta nói nhiều, nhưng làm được ít. Giảng sư nói suông làm giảm giá trị đạo Phật. Lời nói tương đương với việc làm, hiệu quả sẽ cao. Anh em học nói, nhưng phải gia công thực hành những gì mình giảng dạy. Hiểu biết của tôi do hạ thủ công phu thiền quán, áp dụng đúng tinh thần Phật dạy, nên người nghe theo. Lời nói trái ngược với cuộc sống mình là điều tối kỵ đối với Giảng sư.
Tinh thần an lạc hạnh mà Phật dạy trong thệ nguyện an lạc là giữ lại điều mà mình mong muốn thực hiện, để đó, nhưng không mất. Quả tình Phật thành Vô thượng Chánh đẳng giác, Ngài trở lại độ Tần Bà Sa la thành công dễ dàng là vậy. Học ý này, chúng ta đừng nóng vội. Riêng kinh nghiệm của tôi, tham gia Giáo hội rất sớm, 25 tuổi đã làm quyền Tổng vụ trưởng Tổng vụ Pháp sự. Nếu tôi bám giữ chức vụ này để lên Tổng vụ trưởng thì sẽ hỏng việc. Tôi tự biết mình, nên từ chức và sang Nhật nghiên cứu sinh hoạt Phật giáo của họ trong tám năm. Học để thấy được điểm hay dở của người, rút kinh nghiệm cho mình, nên việc phục vụ đạo pháp của tôi được vững vàng hơn và đã kéo dài hơn ba mươi năm. Phải tự hiểu mình, trần lao nghiệp chướng ta diệt được chưa, có năng lực hay không. Đối với tôi, sợ nhất là họ kính trọng, tin tưởng mà không làm được. Người khinh chê, tôi không buồn, chỉ sợ giao trọng trách mà không làm nổi.
Thệ nguyện an lạc là để đó, vì Phật biết thân khẩu ý của Ngài lúc đó chưa an, mặc dù được vua tôn kính. Phải làm mình an rồi mới an cho người được. Bản thân chúng ta thực sự an, thì người nhìn thấy ta là an liền, không cần nói. Thí dụ tôi làm cột trụ vững chắc được, các anh em yên tâm theo. Tôi sợ thì anh em cũng phải nao núng. Phải tự biết mình, có an chưa. Và an mình được rồi, an cho người khác còn khó, huống chi chưa an mà muốn làm người an sao được. Phật dạy thệ nguyện an lạc để chúng ta tịnh hóa lần thân, khẩu, ý mình. Cố đoạn sạch bốn ác nghiệp, sát, đạo, dâm, vọng để thanh tịnh hóa thân nghiệp là việc chủ yếu của Tỳ kheo. Trở thành người trong sạch về luật pháp, về giới tướng, giới tánh, thì thuyết pháp không chướng ngại. Nhiều lỗi lầm không thể ngẩng mặt giữa đại chúng.
Tu khẩu nghiệp thanh tịnh, kinh dạy rằng không nói lỗi của Giảng sư khác, vì sợ phê phán của chúng ta chưa chính xác sẽ tác dụng ngược lại cho ta. Theo kinh nghiệm của tôi, bị phê phán, nếu ta không có lỗi thì quả báo về họ liền. Nếu ta có lỗi, người chỉ trích đúng, ta tự sửa. Chỉ trích không đúng thì không làm Giảng sư được, vì không ai tin nữa. Còn chỉ trích đúng, nhưng người đã sửa được, thì việc đúng của người còn đó, trong khi lời nói mình đã trở thành sai, cũng phiền lắm. Gặp việc bực tức, anh em cố tập xử lý trong lòng mình, giữ yên lặng, đừng nói ra lời thô ác hay lời không thô ác nhưng ngầm chứa ý ác.
Nỗ lực giữ ba nghiệp thanh tịnh và thực hiện hạnh an lạc thứ tư là thệ nguyện an lạc. Khi còn là Sa di, người coi tôi không ra gì, nhưng học tốt nghiệp rồi, họ nhìn tôi khác. Anh em nên nhớ thệ nguyện an lạc giúp cho ta lợi lạc rất nhiều. Bị chà đạp, không giận, cố gắng tu học, đạt được mục tiêu thì mọi việc tự tốt. Bốn hạnh an lạc của Phật dạy tôi đã thể nghiệm trong cuộc sống và đạt được thành quả nhất định, xin san sẻ với các anh em cùng chí hướng, cùng hạnh nguyện trên bước đường hoằng pháp lợi sinh.