Sách
Ngày nay, đạo Phật đang hiện hữu và phát triển khắp năm châu bốn biển, nhưng mỗi khi có điều gì khó khăn trong sinh hoạt tu hành, chúng ta thường nghe than rằng: "Tại thời mạt pháp mà!”. Vậy, mạt pháp là gì và quan niệm chia Phật giáo ra ba thời kỳ là chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp cần được hiểu thế nào.
Theo Phật giáo Nguyên thủy, đạo Phật phát triển qua ba thời kỳ, chánh pháp tồn tại năm trăm năm, tượng pháp tồn tại năm trăm năm và mạt pháp tồn tại một ngàn năm. Tổng cộng, Phật giáo sinh hoạt được hai ngàn năm là chấm dứt. Với thời gian trôi qua, sau khi chánh pháp và tượng pháp đã mãn số tuổi thọ theo cách tính trên mà Phật giáo vẫn tồn tại vững mạnh, nên những người theo tinh thần Phật giáo phát triển đưa ra quan niệm khác. Theo họ, chánh pháp kéo dài từ thời Phật Thích Ca đến thời ngài Long Thọ là thời chánh thống Phật giáo còn thịnh hành, giữ được sự tu hành giống y như Phật còn tại thế. Đến một ngàn năm thứ hai là tượng pháp có thay đổi để thích nghi với cuộc sống, kéo dài đến thứ kỷ thứ XV. Và thời kỳ mạt pháp tồn tại mười ngàn năm, chỉ tu niệm Phật vãng sanh, không ai đắc đạo. Theo tôi, hai thuyết nói trên nhằm mục tiêu sách tấn chúng ta tu hành. Đó là phương tiện của Phật, của Tổ sư để nhắc nhở chúng ta sống trong giai đoạn có nhiều điều kiện thuận lợi mà không nỗ lực tu, mai kia rớt vào hoàn cảnh không tu được, thực đáng tiếc. Tôi cũng nhờ nương theo nhận thức như trên, e sợ không có thuận duyên tu hành kiếp sau, nên đã phấn đấu vượt khó.
Thiết nghĩ việc giữ cho Phật pháp y hệt như chánh thống là không hợp lý vì lịch sử luôn diễn biến, thay đổi không ngừng, nên sự vật cũng vận hành theo sự thay đổi ấy. Muốn tồn tại lâu dài, chúng phải phải đào tạo người thừa kế tiếp nối mạng mạch Phật pháp. Tuy nhiên, lớp người sau không thể suy nghĩ và hành động y hệt ta. Họ có những thay đổi để thích nghi với thời đại và hoàn cảnh sống của chính họ, mới giữ vững được giềng mối đạo pháp.
Tôi nghĩ chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp đều có điểm hay riêng biệt tương ưng với từng thời kỳ khác nhau. Đó chính là chất liệu nuôi sống đạo mạch Phật giáo trường tồn hơn hai mươi lăm thế kỷ. Không thể đem chánh pháp đặt vào tượng pháp, mạt pháp. Mỗi cái có giá trị vì ứng dụng đúng chỗ, đúng thời, đúng đối tượng. Tuy nhiên, điều chúng ta cần cân nhắc là Phật pháp về mặt phát triển có thuận lợi thích nghi theo xã hội hiện tại. Nhưng với đà thích nghi lần lần đến mức độ bị xã hội hóa hoàn toàn, không còn giữ được bản chất Phật giáo. Đó là tình trạng Phật giáo Nhật Bản hiện nay. Các hội đoàn cư sĩ lớn mạnh như Sokagakkai hay Rissho Koseikai tách khỏi chư Tăng vì họ giỏi văn hóa, giỏi kinh điển hơn. Họ nghiên cứu kinh, hiểu rõ và giảng dạy Phật pháp tại Đại học và chín mươi chín phần trăm sách chú giải kinh điển có giá trị do cư sĩ biên soạn. Công bằng mà nói, giới xuất gia không hơn nổi cư sĩ, không phát huy được tri thức, không hơn họ về đời sống tâm linh, về đạo đức, làm sao lãnh đạo.
Chúng ta cần thấy được mặt thuận lợi của người tu để phát huy, chắc chắn chúng ta có nhiều ưu thế hơn cư sĩ. Thật vậy, xuất gia tu hành, chúng ta không bận tâm lo cơm ăn, chỗ ở, gia đình và cũng không cần sắm sửa tiêu xài như người đời. Những tiện nghi tối thiểu trong cuộc sống chúng ta có đều nhờ công đức của Phật, của chư vị Tổ sư tiền bối dày công xây dựng, để lại cho ta hưởng. Không có thành quả của các ngài đóng góp lợi ích cho đất nước, dân tộc trải qua hàng ngàn năm, thì làm gì chúng ta nhận được sự cung kính, cúng dường ngày nay. Ý thức điều ấy, chúng ta phải nỗ lực học cho thành tài, tu cho thành đức và dồn năng lực vào việc làm tốt đời, đẹp đạo để làm sáng danh Phật, rạng danh Tổ. Để thực hiện điều này, trước tiên chúng ta tu pháp của hàng Nhị thừa. Người xuất gia lấy giới trang nghiêm thân, lấy trí tuệ làm mạng sống. Chúng ta mặc áo giải thoát phải giữ được giới biệt giải thoát, thể hiện tư chất giải thoát, đời sống phạm hạnh và tâm hồn trong sáng. Phải học, hiểu biết giáo pháp, siêng năng đọc tụng kinh điển, suy nghĩ và ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống liên tục đến khi thành Phật.
Thành tựu đức hạnh của Nhị thừa, chúng ta tiến sang giai đoạn hai, phát tâm Đại thừa tu Bồ tát đạo. Đức Phật dạy chúng ta trước tiên nên phát bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả. Hành Bồ tát đạo, chúng ta nuôi lớn bốn tâm này càng nhiều càng tốt. Đức Phật có bốn tâm từ, bi, hỷ, xả vô lượng, vô hạn. Còn chúng ta, tùy theo mức độ phát tâm rộng đến đâu, thì sẽ có chúng sanh đến với ta theo mức đó. Khi bi tâm chúng ta mở rộng, đến với một em bé, một cụ già, một người nghèo khổ thì họ thương chúng ta liền. Kinh nghiệm tôi tu, cứ thử mở tâm ra và đóng tâm lại, thấy rõ phản ứng như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, khi vừa khởi tâm thương người thì họ lại bám theo từ bi tâm của ta mà quậy phá. Vì vậy, phát Bồ đề tâm đã khó mà giữ Bồ đề tâm còn khó hơn nữa.
Trên bước đường tu, thiết nghĩ ai cũng vậy, biết bao lần phát tâm, rồi thối tâm, rồi phát tâm trở lại. Và cứ như vậy, chúng ta nỗ lực lần lần để thăng hoa, trưởng dưỡng bốn tâm từ, bi, hỷ, xả, đừng để tâm khác phát sanh, vì bốn tâm vô lượng là hành trang cần thiết dẫn ta đến quả vị Phật. Theo kinh nghiệm tu hành của tôi, khi ta phát bi tâm, ráng sức làm đạo mà gặp những sai trái tổn thương cho đạo, chúng ta thường khổ tâm và dễ bất mãn. Gặp hoàn cảnh ấy, tôi thường thực hành xả tâm, nghĩa là không nghĩ tới ai nữa, chẳng màng đến tương lai gì nữa. Bỏ một khoảng thời gian thì tôi quên mọi việc trên cuộc đời. Nhưng còn một điều quan trọng phải nhớ là trong lúc mặc kệ tất cả, ta vẫn còn một thú vui duy nhất là trầm mình trong pháp Phật. Lấy việc đọc tụng, suy tư kinh điển làm thú vui, làm lẽ sống cho chính mình. Thực nghiệm xả tâm đến mức độ cao, trong lòng chỉ nghĩ đến Phật và Bồ tát, từ đó hình thành được học xứ của các Ngài. Nói cách khác, sống với giáo nghĩa mà ta tâm đắc khiến tâm ta hoàn toàn an ổn, thanh tịnh. Mỗi ngày, tôi lấy hình ảnh chư Phật và Bồ tát trong kinh Pháp Hoa làm đối tượng cho tôi thân cận. Tôi đọc tôn danh các Ngài và lễ lạy từng vị để tạo mối quan hệ sâu xa với các Ngài. Sống với thế giới nội tâm với Phật, Bồ tát là những bậc tài đức vẹn toàn, quả là hạnh phúc vô cùng. Còn sống với chúng sanh, bạn bè chỉ gặp toàn điều bực mình.
Hành trì pháp lễ lạy Hồng danh Pháp Hoa lâu ngày, niềm tôn kính thân thương của tôi đối với chư Phật và Bồ tát mãnh liệt đến độ cảm nghĩ như các Ngài đang hiện hữu thực và tiếng nói của tôi được các Ngài hồi âm một cách trìu mến. Từ đó, tôi nhận ra cuộc sống tu hành an vui kỳ diệu. Khi Phật và Bồ tát ngự trị tâm ta thì phiền não tự tan biến. Từ tâm giải thoát ấy trở lại đời thường tiếp xúc với người, tôi nhận được cảm tình thân thương của người, kể cả những người thuộc tôn giáo khác. Theo tôi, chúng ta thể nghiệm xả tâm trước và nhiếp niệm sống với thế giới Phật thì được Phật lực gia bị, lúc ấy ta phát từ bi tâm, dễ dàng thương người, giúp người mà không khởi phiền não. Còn phát từ bi tâm trước, e rằng chúng ta làm từ thiện một lúc lại trở thành buồn phiền, khó chịu.
Tạo được thế giới tâm linh an lành trong Phật pháp để sống thì khi người cần ta giúp, hết yêu cầu ta về, không ai có khả năng quấy nhiễu ta. Có như vậy mới kham nhẫn hành đạo ở thế giới Ta bà này mà vẫn giữ được trọn vẹn giới thân, huệ mạng của Bồ tát cho đến ngày đạt quả vị Vô thượng Bồ đề.