Sách
Từ thời kỳ dựng nước ở thế kỷ thứ nhất, Tây lịch, Campuchia là một quốc gia cổ ở Đông Nam Á có tên là Chân Lạp. Theo sách Chư Phiên Chí do Nhữ Thích đời Triệu Tống, viết rằng: "Nước Chân Lạp ở phía Nam đất Chiêm Thành, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Pagan (Myanmar ngày nay), phía Nam giáp Grahi … Lãnh thổ nước này rộng hơn bảy ngàn dặm, thủ đô là Angkor thờ Phật rất trang nghiêm…” (Trích Lịch sử Phật giáo thế giới, tập 2, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1992).
Với diện tích rộng lớn trải dài, phần đất của nước Chân Lạp nằm trong vùng sông Mékong mới bồi, thường bị ngập nước, được gọi là Thủy Chân Lạp và vùng khô có tên là Lục Chân Lập chạy dài từ Campuchia cho đến Thái Lan, Miến Điện ngày nay. Phật giáo Nam tông đã phát triển rất mạnh ở đế quốc Chân Lạp và vùng Nam bộ nước ta thời đó thuộc về Thủy Chân Lạp nên tất yếu chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khơme.
Vì lãnh thổ rộng lớn, Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp, hay đế quốc Khơme dễ bị phân hóa. Qua những cuộc nội chiến và ngoại xâm, nước Chân Lạp đã trở nên suy yếu và bị ảnh hưởng của đạo Bà la môn. Từ thế kỷ thứ VI trở đi, Bà la môn giáo đã phát triển mạnh mà ngày nay còn để lại nhiều dấu ấn; vì thế Phật giáo của đế quốc Khơme thời đó gần như bị tiêu diệt.
Nhưng đến thế kỷ XVII, XVIII, một lần nữa, Phật giáo Nam tông từ Sri Lanka được truyền sang xứ Chùa tháp; cho nên Phật giáo Nam tông Campuchia ngày nay phần nhiều chịu ảnh hưởng của Phật giáo Sri Lanka.
Theo dòng tiến hóa của lịch sử, vùng Nam bộ nước ta được sát nhập vào đất nước Việt Nam. Và theo bước chân di dân của đồng bào miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, họ đã thấm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc tông, nên đi đến nơi nào, sống ở đâu, họ cũng nhớ nghĩ đến Phật. Chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu đậm, có thể nói Phật giáo hiện hữu trong mọi sinh hoạt đã là sự sống, là hơi thở của người dân. Vì thế truyền thống Phật giáo lan tỏa ở khắp mọi nơi, ngay cả những đứa trẻ chăn trâu cũng chịu ảnh hưởng Phật giáo. Chúng tập hợp với nhau, chơi đùa bằng cách dùng đất sét để nặn những tượng Phật và làm am thờ Phật; từ đó mới có tên chùa Mục đồng, tượng Mục đồng ở Nam bộ.
Trong đoàn người di dân cũng có bóng dáng của các nhà Sư truyền giáo và các vị này cũng nương theo niềm tin hồn nhiên của các trẻ con chăn trâu và của những người di dân mà tôn tạo những ngôi chùa mục đồng trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo cho dân làng được an tâm trong cuộc sống còn nhiều khó khăn của thuở khẩn hoang lập nghiệp ở vùng đất mới phương Nam.
Một trong những ngôi chùa mục đồng nổi tiếng gọi là chùa Phật Nổi (Phước Lâm tự) ở Củ Chi được thành hình cách đây hai trăm năm. Theo truyền thuyết, chùa có tên Phật Nổi vì những trẻ mục đồng thi nhau nặn tượng Phật rồi thả xuống nước. Tượng Phật nào nổi là linh, mới đem về chùa thờ cúng; vì người ta nghĩ rằng nếu linh thiêng thì vào nước không bị chìm, vào lửa không bị cháy. Ngoài ra, còn có những chùa mục đồng khác như chùa Long Phước ở Bến Tre, chùa Thanh Trước, Thiên Trường ở Gò Công, chùa Linh Thứu ở Tiền Giang…
Nghiên cứu về Phật giáo miền Nam, không thể không nhắc đến các trẻ chăn trâu đã có công lớn trong việc sáng tạo chùa mục đồng, tượng mục đồng trên khắp các địa phương ở Nam bộ. Điều này gợi nhắc chúng ta nhớ lại kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, Đức Phật dạy rằng trẻ con nhóm cát làm tháp Phật để chơi cũng được Phật thọ ký sẽ đạt quả vị Vô thượng Bồ đề.
Các trẻ chăn trâu chơi nặn tượng Phật, vì phát xuất từ niềm tin trong trắng của chúng hướng về Phật, nên được Phật thọ ký. Nhờ Phật thọ ký, gia hộ, tức ấn chứng tâm thành thuần khiết của chúng, cho nên một số am, chùa mục đồng đơn sơ với các tượng Phật đất sét hồn nhiên mà vẫn đầy đủ thần thái độc đáo, sau này đã trở thành những ngôi chùa khang trang rộng lớn, điển hình như chùa Sắc tứ Linh Thứu ở Tiền Giang. Và đặc biệt là những thế hệ Tăng chúng đã tiếp tục ra đời ở các chùa mục đồng ấy để phục vụ cho đất nước phát triển, đạo pháp được xương minh.
Thiết nghĩ ngày nay, ở thời đại văn minh cực điểm, phát khởi được niềm tin trong sạch như các trẻ mục đồng ngây thơ thuở xa xưa vẫn là hạt nhân quý báu và cần thiết vô cùng cho những người tiến bước trên lộ trình phát huy tâm linh theo Phật. Bên cạnh niềm tin tuyệt đối về bậc Toàn giác và những tinh ba của Ngài để lại, cộng thêm sự sử dụng tiện ích của văn minh khoa học ngày nay sẽ giúp Phật giáo chúng ta làm được nhiều việc lợi ích cho cộng đồng nhân loại, xây dựng ngôi nhà chung hòa bình, hạnh phúc trên hành tinh này.