Sách
Cơm Hương Tích đượm mùi Thiền vị,Rau Tào Khê xin tỏ dạ chân tìnhTrên đài sen chư Phật chứng minh,Dưới Đại đức từ bi nạp thọ.
Bài kệ trên phát xuất từ ý của phẩm Phật Hương Tích trong kinh Duy Ma Cật là bộ kinh nòng cốt của Thiền tông và thường được đọc trong lễ cúng dường Trai tăng. Thiết nghĩ Tăng Ni cần quán tưởng khi thọ thực nói riêng, dùng làm thoại đầu suy tư trong mùa An cư nói chung, cho đến thể hiện trong suốt cuộc đời tu.
Cơm tín thí đàn na dâng cúng dường bằng tấm lòng thành kính được lý tưởng hóa thành cơm của Phật Hương Tích do Duy Ma Cật sai hóa Bồ tát lên nước Chúng Hương xin, mang về cúng cho đại chúng. Mặc dù người cúng không phải là Duy Ma Cật, không thể nào dùng hóa Bồ tát lên thế giới Phật Hương Tích được, nhưng bài kệ cũng gợi cho chúng ta liên tưởng đến bộ kinh Duy Ma nổi bật biểu tượng Phật Hương Tích và nước Chúng Hương. Chúng ta dùng đó làm thoại đầu suy cứu, ứng dụng trong cuộc sống như thế nào thích hợp, lợi lạc. Nếu chỉ tụng suông, lâu ngày lờn với kinh, trở thành phản tác dụng, không tiến tu được. Như vậy, kinh thích hợp với cuộc sống hoặc lỗi thời, hoặc phản tác dụng là tùy ở người sử dụng.
Trong kinh Duy Ma, tôi tâm đắc nhất kiểu mẫu sống của Phật Hương Tích và ý nghĩa cơm Hương Tích. Cơm Hương Tích gợi cho chúng ta nhớ đến Phật Hương Tích, tức vị Phật tích lũy được hương thơm, nên dù Ngài cách xa trăm ngàn muôn ức thế giới, mọi người vẫn hướng tâm tới Ngài. Quan sát thực tế, chúng ta dễ nhận rõ ý này. Trường hạ nào có vị chân tu thực học, giỏi, đạo đức và đại chúng thuần tu, hương đạo đức của họ lan xa, khiến người nhớ tưởng, kính trọng, thì tự tìm đến cúng dường, phẩm vật dư dả; nhưng cũng có trường hạ chẳng ai phát tâm cúng.
Trên bước đường tu, chúng ta cần quyết tâm thể hiện được phần nào mô hình trường hạ tiêu biểu, nơi đó vị Hòa thượng Thiền chủ giống như Phật Hương Tích và đại chúng phải là Chúng Hương. Hòa thượng nổi danh, được kính trọng, Phật tử bốn phương biết vị này làm Thiền chủ, chắc chắn họ sẽ đến cúng dường. Khoảng năm 1954, tôi là Sa di nhập hạ ở chùa Phước Tường, gạo cúng dường nhiều đến độ khi giải chế, còn dư cả trăm bao, phải chia cho dân gần chùa. Vì trường hạ này tập hợp nhiều Trụ trì, mỗi vị có một điểm tốt, có sức thuyết phục khác nhau, có bổn đạo riêng, mang tất cả những hình ảnh đẹp từ khắp nơi tập trung lại, thể hiện phần nào ý nghĩa Chúng Hương. Thành tựu được như vậy là đã đem Phật và Thánh chúng cách đây mấy ngàn năm đặt vào thế giới chúng ta đang sống. Đó cũng chính là mục tiêu mà kinh Duy Ma muốn nhắc nhở chúng ta. Đức Phật có danh hiệu Hương Tích vì thể hiện được những gì cao quý nhất. Nói cách khác, đó là hiện thân của Phật Thích Ca tư duy Thiền định, chứng đắc Vô thượng Bồ đề. Toàn thân Ngài tỏa sáng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm hoàn toàn thánh thiện, trí tuệ siêu tuyệt, thấy biết muôn pháp trong vũ trụ như vật để trong lòng bàn tay. Ngài thành tựu công đức trọn vẹn do vô lượng kiếp trải thân hành Bồ tát đạo. Riêng chúng ta, mới tu, nên tham, sân, si còn nguyên, hiện ra thân hôi dơ, xấu xí, lời nói khó nghe, cử chỉ thô tháo, việc làm tổn hại. Nhưng tu được vài hạ, thì việc làm và lời nói phải đổi khác. Phải tích lũy công đức để xóa nghiệp ác, hay chuyển nghiệp trần lao thành công đức thánh thiện, tác động cho người phát tâm Bồ đề. Trái lại, tích lũy ác nghiệp, có khác gì chuẩn bị hành trang vào địa ngục.
Hương Tích, tức chứa nhóm hương đạo đức, kết thành tinh ba của người tu. Đạo đức thể hiện trong suy tư, trong lời nói, trong hành vi hàng ngày. Trên nền tảng thanh tịnh hóa ba nghiệp, Đức Phật dạy một vị Tỳ kheo đạo đức phải có ba đặc điểm là từ xa, người nhìn thấy dáng giải thoát phải phát tâm, đến gần thì càng thấy quý hơn và thân cận được thì thanh tịnh. Tôi sang các nước theo Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Campuchia, thấy các Tỳ kheo đi khất thực ngay ngắn, điềm đạm, trông thực đẹp, sanh cảm tình quý mến liền. Đặc biệt là họ ngồi tham Thiền, nhập Định trong các khu rừng, trông thực giải thoát, cao thượng. Cuộc đời lắm phiền lụy, khổ đau, nhưng có duyên tiếp xúc với một Thiền sư, lòng ta thanh thản ngay. Vì vậy, Tỳ kheo không giúp cho người thanh tịnh được, phải tự thấy mình có lỗi.
Chỉ đọc một câu: Cơm Hương Tích đượm mùi Thiền vị, khiến tôi miên man suy nghĩ, làm sao tích lũy công đức, nghĩa là thể hiện cho được hình dáng giải thoát, người sống gần phải sanh quý trọng hơn và khi ra về, hình ảnh thánh thiện của người tu còn lưu dấu trong tâm họ, giúp họ an vui và phát tâm muốn đi theo con đường Phật dạy. Trên tinh thần tu tạo Hương Tích, chúng ta nỗ lực trau dồi phần thánh thiện của thân tâm, mới là điều quan trọng. Không phát huy nội tâm, mà lo việc xây dựng bên ngoài càng nhiều thì tâm càng thiếu hụt, sẽ chuốc lấy phiền não, nghiệp chướng, tội lỗi. Trên bước đường tu, chỉ đạt được một điều cao quý cũng tốt. Đức Phật Hương Tích có đầy đủ đạo hạnh Bồ tát, nên nhìn Ngài ở khía cạnh nào cũng toàn bích. Chúng ta chỉ được một phần hương, nên giáo hóa được một tầng lớp nào thôi.
Duy Ma Cật đem cơm dư của Phật Hương Tích về cho đại chúng, ăn xong tỏa mùi hương, nhằm nhắc nhở chúng ta rằng giáo lý Phật để lại cần được suy nghĩ, thể hiện trong cuộc sống, mới làm cho giáo lý ngát hương. Trái lại, không khéo chúng ta ca ngợi Phật, Thánh chúng thánh thiện bao nhiêu, nhưng chúng ta xấu tệ bấy nhiêu, cần cân nhắc điều này. Theo tinh thần Đại thừa, khi khen ngợi người trước, chúng ta phải có tư tưởng, hành động giống họ, mới thực sự kế thừa được sự nghiệp của bậc tiền bối. Làm sao người thấy ta, phải nhớ Phật, nhớ Thầy. Xưa kia, Hòa thượng Thiện Hoa nổi tiếng về hoằng pháp. Ngày nay tôi kế thừa, cũng phải noi theo ngài, dồn hết tâm trí cho việc truyền bá chánh pháp thành công, là chuyển cuộc sống thành hương, khác với thừa tự cái xác mà không có hương.
Nhiều người không nghĩ đến phát triển đức hạnh, cứ nghĩ chinh phục người, tập hợp cho được nhiều người, là sai lầm lớn. Nhìn lại cuộc đời tu của Đức Phật, trải qua năm năm tìm đạo, sáu năm khổ công tu tập, bốn mươi chín ngày nhập Định dưới cội Bồ đề, chứng thành Vô thượng Chánh giác. Sau đó, mới mang thành quả toàn giác, toàn mỹ ấy vào đời giáo hóa chúng sanh. Chúng ta còn tham sân phiền não nhiều, chưa lo xong bản thân, mà muốn làm Thầy thiên hạ, thế nào được. Đắc đạo rồi, cảm hóa người bằng hương thơm, không bằng ngôn ngữ, tức ba nghiệp Phật thanh tịnh khiến chúng thanh tịnh theo. Có thể nói trên phương diện tu hành là Hương Tích và trên phương diện giáo hóa là Thích Ca. Thích Ca và Hương Tích là một, như hai mặt phải và trái của bàn tay.
Hương Tích hay công đức tích lũy tu hành nhiều đời của Đức Thích Ca, nên Ngài thành Phật. Trời Phạm Thiên và Bồ tát mười phương quy tụ theo Ngài tu học, tạo thành thế giới Hoa Nghiêm sum la vạn tượng hương hoa siêu tuyệt. Trở lại thực tế cuộc sống, người đến cầu học với Ngài, gần nhất là thập đại đệ tử, mỗi người một vẻ, tiêu biểu cho tinh ba. Hay nói rộng hơn, uyên áo của triết học Ấn Độ đều tập hợp dưới gối Đức Thích Ca. Cơm Hương Tích đượm mùi Thiền vị chỉ cho Đạt Ma Tổ sư. Trên có Phật Hương Tích thuyết pháp bằng mùi hương, dưới có Đạt Ma Tổ sư truyền pháp bằng cách ngồi nhìn vô vách chín năm, nhưng giáo pháp vẫn lưu truyền ngời sáng, hình ảnh ngài được tôn thờ khắp nơi. Cốt lõi đạo Phật là ở đó. Nhưng rất tiếc, phần lớn Tăng Ni ngày nay không đi theo con đường thuyết pháp bằng mùi hương và truyền đạo theo phong cách yên lặng. Họ cố dùng mưu tính, hướng thẳng vào mặt người, vào cuộc đời mà chinh phục, nên kết quả thực thảm hại.
Phật Thích Ca sử dụng tất cả phương tiện để đưa người đến cứu cánh giải thoát an vui. Phật Hương Tích xả phương tiện, đi thẳng đến cứu cánh, dùng đạo đức cảm hóa người. Đạo đức người tu muôn đời vẫn giữ nguyên giá trị đích thực của nó.
Tóm lại, trong mùa An cư kiết hạ, ước mong Tăng Ni thọ dụng được cơm Hương Tích đượm mùi Thiền vị, để mãi mãi làm sáng danh dòng họ Thích, làm cột trụ cho đạo pháp hưng thạnh, làm bóng mát cho chúng sanh nương nhờ trong Nhà lửa tam giới.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Liên Hoa, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, PL. 2540 – 1996)