Sách
Từ những ngày đầu mới bước chân đến Saigon, tôi đã được tham vấn cố đại lão Hòa thượng Hành Trụ.
Đó là bậc danh đức đã ảnh hưởng đến sự phát tâm và hành đạo của tôi cho đến ngày nay. Ấn tượng về ngài vẫn in đậm nét trong tâm trí tôi. Hoàn cảnh quận 4 lúc đó còn nhiều khó khăn, ít ai dám đến quận này, vì nơi đây tập trung những thành phần tệ nạn xã hội. Đường vào chùa Tăng Già hay Giác Nguyên vào năm mươi năm trước rất khó đi và không có an ninh, phải đi trên bờ đất khô và hai bên là kênh rạch chằng chịt với hàng dừa nước. Nhưng nơi đây có nhiều vị danh đức tu hành và cũng là điểm quy tụ của chư Tăng miền Nam.
Trong thành phố có nhiều chùa lớn và tụ điểm An cư thích hợp, nhưng tại sao Tăng Ni lại đến tu học ở ngôi chùa nhỏ nằm trong khu nghèo khổ với nhiều thành phần tệ xấu. Nhìn thấy phong độ của đại lão Hòa thượng Hành Trụ, tôi đã nhận ra rằng quả tình là sen nở trong bùn. Xưa kia, Đức Phật cũng đã chọn xứ Ma Kiệt Đà là một vùng nghèo khó nhất và nhiều tệ nạn nhất của Ấn Độ để tu hành và Ngài đã đắc đạo ở Bodh Gaya.
Chùa Tăng Già nằm trong khu vực Khánh Hội đã là nơi quy tụ những tệ nạn của Saigon xưa kia. Nhưng nơi đây Hòa thượng Hành Trụ mở đạo tràng và tập trung Tăng Ni về tu học. Những người xuất thân từ nơi đây đều làm nên đạo nghiệp. Tôi không trực tiếp học ở đây, nhưng được Hòa thượng tặng bộ Sa di luật giải và bộ luật Tỳ kheo.
Tôi nghĩ nơi này đã hiện hữu những bậc thạc đức, điều này rất quý. Và hiện nay quận 4 đã thay đổi nhiều, riêng Phật giáo quận 4 có một Ban đại diện trẻ, nhiệt tình. Tôi tin tưởng rằng trong tương lai Phật giáo quận 4 sẽ phát triển không kém các quận khác. Thay mặt cho Ban Chỉ đạo An cư kiết hạ của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, tôi có một số góp ý với Thiền chủ, Chánh na và Tăng chúng để quý vị đạt được kết quả tốt trong mùa tu năm nay.
Tu hành, ai cũng muốn thành Hiền Thánh, tất yếu là phải vậy, không thể khác. Tất cả pháp môn tu hành của Phật dạy và Tổ sư thừa kế đã thể hiện, chúng ta phải suy nghĩ, áp dụng trong thực tế cuộc sống, không phải nói suông. Áp dụng cho bản thân mình có kết quả và mang giảng dạy cho người. Mùa An cư là cơ hội thuận tiện nhất cho chúng ta ứng dụng giáo pháp.
Khẩu hiệu muôn đời từ thời Đức Phật tại thế cho đến ngày nay và mãi về sau không thay đổi, đó là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, huân tu tam vô lậu học. Trước tiên, đối với chúng ta, quan trọng là trau dồi giới đức. Người tu không có giới đức, không phải đệ tử Phật. Thời Phật tại thế cho đến thời Phật giáo phát triển và thời cận đại Tổ sư, các ngài đều luôn nhắc nhở chúng ta phân biệt thế nào là Thánh Tỳ kheo, phàm Tỳ kheo, ngu hay ác Tỳ kheo. Thánh Tỳ kheo như Xá Lợi Phất, Hiền Tỳ kheo như A Nan, v.v... là những mẫu tu sĩ kiểu mẫu cho chúng ta noi theo để đạt đến quả vị Thánh Hiền và đừng làm ác Tỳ kheo như Đề Bà Đạt Đa.
Phải trau dồi giới đức và giới này nằm trong việc thúc liễm thân tâm. Dùng giới để ngăn không cho chúng ta làm điều ác xấu. Tất cả giới mà quý vị đã lãnh thọ đem đối chiếu với ba nghiệp của thân, khẩu, ý để đoạn trừ lậu hoặc. Thí dụ ba tháng An cư, nếu đi ra ngoài cột mốc đã quy định coi như phạm giới. Đó là sự ràng buộc về giới thân để hạn chế sự đi lại của chúng ta. Các Tỳ kheo lần đầu nhập hạ phải tuân thủ giới này, vì muốn đi nhưng không được, nên thấy bức rức khó chịu. Tôi từ nhỏ lại thích giới này, vì nhờ sự hạn chế đó, được ở yên một chỗ tu hành. Về sau, Hòa thượng Thiện Hòa có triển khai rằng các Thầy còn đi học thì được phép ra ngoài, nhưng phải đi thẳng từ chùa đến trường và từ trường về chùa, không được ghé ở đâu. Nếu không đi đúng con đường đã được đại chúng cho phép là đã phạm giới.
Tôn trọng luật của Phật rất tốt cho việc tu, vì ta xin phép và được đại chúng bằng lòng, thì không trái với chúng, nên ta và chúng đều được thanh tịnh. Còn lục quần Tỳ kheo thì bằng mặt, nhưng không bằng lòng. Và khi đại chúng không bằng lòng, nhưng phải sống chung sẽ bất lợi. Mặc dù chỉ có một người trong chúng không đồng ý cho ta đi, nhưng ta vẫn cứ đi; như vậy ta không còn là thanh tịnh Tỳ kheo, bị coi như thây ma ở trong bể Phật pháp, tức không sử dụng được nữa.
Làm sai pháp, cuộc đời chúng ta không lên được. Người tuân thủ, hành trì pháp Phật, bước đầu tuy khó, sau đó từng bước vượt lên được. Thật vậy, tôi còn nhớ năm 1958, Hòa thượng Thiện Hòa cho Tăng sinh trẻ đi học, nhưng có người trong đại chúng không đồng ý, nghĩa là phép Yết ma không thành. Vì vậy, tuân thủ đúng luật, tôi đã bỏ học một năm. Nhưng có bạn nghĩ rằng Hòa thượng cho phép là cứ đi và họ cũng không tôn trọng lộ trình đã vẽ ra buộc phải tuân thủ. Nhân đó, các Thầy nhờ họ ghé chỗ này, chỗ kia để mua sắm. Họ đã không tôn trọng luật và đại chúng, nghĩ rằng không ai biết sai phạm của họ. Kết quả là sau này, tôi thấy họ tuy học giỏi, nhưng không làm được việc. Phải tôn trọng giới luật, nói cách khác là tôn trọng sự hòa hợp của chư Tăng. Đức Phật Niết bàn đã giao Phật sự lại cho chư Tăng. Các Thầy làm việc gì cũng phải nhớ làm phép Yết ma. Có một người phản đối coi như việc không thành. Luật của Phật rất nghiêm minh như vậy, tuy nhiên, tuân thủ được thì chúng ta sẽ sống trong sự gia hộ của Phật và Bồ tát.
Trong ba tháng An cư, Đức Phật đã huyền ký cho chư Thiên và người đời cúng dường chư Tăng. Chúng ta không đi ra ngoài, ở yên một chỗ tu hành, luyện được tứ oai nghi, làm giống như Phật để trở thành thanh tịnh Tỳ kheo về mặt tướng. Nhưng không dừng lại ở phần Tăng tướng, vì tâm không tốt, tướng cũng sẽ mất lần. Bước một tu hành để trang bị đầy đủ tướng Tỳ kheo và bước thứ hai tu để thành tánh Tỳ kheo. Ở giai đoạn một đã giữ gìn giới luật theo hình tướng bên ngoài thuần thục, trở thành thói quen. Vì vậy, kế tiếp, chúng ta lo phát huy phần tâm bên trong là tham Thiền.
Tất cả trường hạ đều có Thiền chủ để hướng dẫn đại chúng tu Thiền. Vị này rất quan trọng, vì tâm là chính. Không khéo, chỉ có Thiền chủ hình thức không thể chế ngự và chuyển đổi được tâm đại chúng như Thiền chủ thực. Thiền chủ phải đắc Thiền, tức tâm phải trong sạch, mới dùng tâm thanh tịnh ảnh hưởng cho đại chúng thanh tịnh, trong sáng theo. Trước khi thực tập Thiền quán, ngài Trí Giả dạy chúng ta tu hai mươi lăm phương tiện, tức tùy thân tùy phận mà tu, không phải bắt buộc giống nhau. Người xưa thường phân ra năm hạng Tỳ kheo. Trên phàm Tăng là Thánh Tăng, Hiền Tăng và dưới thì có nghiệp Tăng, ác Tăng. Phàm Tăng thuộc hạng trung bình, tương đối thông minh. Theo xã hội bên ngoài, người có trình độ học vấn bình thường thì tốt nghiệp cấp ba. Trong đạo cũng vậy, nếu không đạt được mức hiểu biết tương đối của người bình thường, làm thế nào chúng ta đạt được khả năng của Hiền Thánh. Vì vậy, Giáo hội chúng ta quy định tu sĩ không tốt nghiệp cấp ba, không được thọ Cụ túc giới, chỉ được tập sự làm Sa di. Tuy nhiên, đối với Tăng Ni trên bốn mươi tuổi được miễn điều này và được thọ giới để tu hành. Đó là điều kiện về tri thức.
Điều thứ hai quy định rằng muốn dự vào hàng phàm Tăng ở mức bình thường, ba nghiệp phải thuần hòa; nói cách khác là người tốt trong xã hội, không phạm mười tội ác (ba nghiệp ác của thân, bốn nghiệp ác của miệng và bốn nghiệp của ý). Ba nghiệp không thuần, còn phạm tội sát, đạo, dâm là ác Tăng, dù học giỏi, vẫn không tu được. Nghiệp chướng Tăng thì thân bệnh, tâm bệnh, không là thanh tịnh Tỳ kheo. Trong chúng có hai thành phần nghiệp Tăng và ác Tăng, thì đa nghiệp đa bệnh của họ sẽ phá hỏng sự thanh tịnh của chúng; người đời thường gọi là con sâu làm rầu nồi canh. Từ thuở nhỏ, tôi đã nhận thấy rõ điều này, các Tỳ kheo trẻ ưa phá phách, làm loạn cả chúng. Về sau họ không thể tu được và hoàn tục rồi, đại chúng mới yên tâm tu hành. Tổ dạy rằng vọng tình dị tập, chí đạo nan văn là vậy.
Ngày nay, nhận chúng vào điểm An cư, chúng ta phải chọn chúng thanh tịnh. Người bình thường và có ý chí tu lên, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ. Riêng người tâm trí không bình thường và hạ liệt, chúng ta phải để một bên. Từ đó, phân ra chúng ngoại Thiền và nội Thiền. Chúng ngoại Thiền dành cho người còn có nhiều duyên vụ, hoặc còn đi học, v.v... tức mở ra hướng dễ dãi để giúp cho người đa nghiệp được tu hành gần gũi chúng ta, đó là vì lòng từ bi. Chúng nội Thiền chuyên tu, áp dụng đúng Thiền quy. Dù chỉ có bốn Tỳ kheo, nhưng họ là hạt nhân thanh tịnh để đạo tràng nương nhờ.
Theo tôi, Tăng Ni sơ hạ nên cố tranh thủ ở nội giới nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Dù ngày nay có nhiều dễ dãi, nhưng đôi khi điều này cũng có hại, làm cho các tu sĩ trẻ khó tiến tu. Các thầy cô quyết tâm tu, nên phấn đấu đi lên. Người chưa bình thường, còn nghiệp, cần khắc phục để trở về mức bình thường. Nghe pháp, ngồi Thiền, tụng kinh, v.v... mà ngủ gục là thân tâm chưa bình thường. Thân khỏe, trí sáng mới vào con đường đạo. Tôi thuở nhỏ, ít ngủ cũng mệt mỏi, muốn ngủ. Nhưng nhận ra mình còn nghiệp, nên siêng năng lạy sám hối. Đến khi tiêu nghiệp, không còn buồn ngủ nữa, mới tỉnh táo nghe giảng và tu được.
Đạt được mức bình thường, chúng ta nỗ lực phát huy lên Hiền Thánh. Theo Phật dạy, mức tối thiểu của chúng ta là phải chứng được Tu đà hoàn. Chưa đến quả vị này, phải lập chí tu hành, hiện tại chưa được, sang năm hay nhiều năm nữa, nhiều đời nữa nhất quyết phải được. Vì chưa vào dòng Hiền Thánh, vĩnh kiếp còn ở trong sanh tử luân hồi. Thật vậy, tu được nhiều phước báo, nhưng chưa đắc quả thì tái sanh hưởng hết phước cũng đọa. Nhưng tu tạo nhiều phước và chứng được Sơ quả, chắc chắn đời sau dễ tu hơn, dễ tiến đến quả vị Thánh. Còn không phước mà chứng Sơ quả, thì tái sanh lại, tuy nghèo khó, nhưng tu hành vẫn vươn lên được, vì tâm Bồ đề đã vững chắc rồi.
Đắc Sơ quả thì nghèo mà không tham, khác với chúng sanh nghèo thì tham. Đối với bậc Hiền giả, của người dâng cho còn không thích, nói gì tham. Họ an phận nghèo, quy củ tu hành, đã đoạn sạch lòng tham (ngũ dục). Chúng ta tự kiểm xem nếu còn tham ngũ dục, tự biết mình chưa đắc Sơ quả. Theo tinh thần Đại thừa, siêng năng làm việc tốt để thay thế những việc xấu đã lỡ sai phạm, nghĩa là ta đã khắc phục được nghiệp thì từng bước đi lên dễ dàng. Các thầy cô phải tự phát hiện những thứ tham của chính mình để xóa bỏ. Xóa được phần nào nghiệp tham, lòng chúng ta theo đó thanh thản. Từ đó, việc nào chưa kịp bằng chúng, nỗ lực làm cho bằng. Đại chúng đi quả đường, lên lớp học, hay tụng kinh, ngồi Thiền... ta cũng như vậy. Làm sao ta khỏe mạnh như chúng để tu. Khắc phục nghiệp tham, lòng thanh thản, ăn ngon dở, có hay không cũng không thành vấn đề, là biết chúng ta đã tiến được một bước. Phải đủ tiện nghi mới sống được, tự biết mình đang đi xuống. Vì con đường đi lên Hiền Thánh đầy gai chông, vượt qua được, chúng ta mới đến nơi huy hoàng. Phải có sức chịu đựng, nỗ lực không ngừng. Vinh quang của người tu là làm được việc mà người thường không làm được, để trở thành Hiền Thánh.
Nâng lên bước nữa là hạn chế ăn ngủ và tăng thêm việc làm tốt, được nhiều người thương quý. Vì Hiền Thánh hơn người thường ở biết nhiều, làm nhiều và được quý trọng nhiều. Việc quan trọng hơn nữa để được vào hàng Dự lưu là không bị xã hội chi phối, đại chúng cung kính, không ai phê phán được. Ngoài ra, họ cũng không bị thời tiết khắc nghiệt chi phối. Ngày nay, chúng ta tu hành cố rèn luyện cho cơ thể có sức chịu đựng bền bỉ mới có thể làm đạo được. Thực tế cho thấy các vị Tổ sư đắc Sơ quả trở lên, các ngài hành đạo, lấy Thiền làm lẽ sống, ăn ngủ không thành vấn đề, không sợ nóng lạnh, mới thể hiện được Pháp thân Bồ tát và giáo hóa chúng sanh thành tựu. Chúng ta tu hành cần khắc phục sự đòi hỏi, làm nhiều, hưởng ít. Làm ít, hưởng nhiều, mắc nợ thí chủ, không tiến tu được. Hạn chế yêu cầu bản thân tối đa để được giải thoát.
Mong rằng Tăng Ni an trụ trong pháp Phật, ít nhất đạt được quả vị Tu đà hoàn, bên trong khắc phục được tất cả tham vọng của con người, bên ngoài khắc phục được thiên nhiên và xã hội, vững tiến trên đường đạo. Cầu nguyện tất cả an lành trong trí tuệ Phật.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Long Bửu và Kim Liên, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, ngày 8-6-2001)