Sách
Theo chương trình nghị sự của phiên họp lần thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đó là một trong những vấn đề nóng bỏng đối với Việt Nam, cũng như những nước đang phát triển đều phải giải quyết.
Thông thường, nghĩ một cách đơn giản thì đầu tư của nước ngoài mang lại nhiều lợi ích giúp cho các nước đang phát triển vực dậy nền kinh tế èo uột, đẩy chúng tiến đến sự lớn mạnh. Vì vậy, các nước này không ngần ngại dành nhiều ưu đãi để thu hút nước ngoài đầu tư vốn liếng trong nhiều lãnh vực. Về phía các đối tác nước ngoài, họ cũng tìm thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam nói riêng, khối Đông-Nam Á nói chung, cả về đầu tư và thương mại. Quan điểm nói trên của hai phía, một bên cần vốn và một bên cần tìm thị trường để đầu tư, dẫn đến tình trạng như thế nào. Thực tế cho thấy, gần đây việc bảo vệ hàng nội địa trở nên sôi nổi ở Trung Quốc. Các xí nghiệp trong nước bị đe dọa trầm trọng bởi hàng nhập cạnh tranh, chiếm lĩnh hầu hết các thị trường trong nhiều lãnh vực. Sự tràn ngập hàng ngoại đến mức độ Trung Quốc tự hào là quê hương của trà, đã phải thốt lên câu nói chua xót của người Hàng Châu: "Trà lipton ở Trung Quốc dùng để uống, còn trà Trung Quốc để rửa tay”.
Ở Thái Lan, với mức độ đầu tư nước ngoài khá mạnh, giúp cho kinh tế phát triển vượt bực. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho lợi nhuận thu được là nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, vì các chất thải độc hại của xí nghiệp hoạt động rầm rộ.
Riêng tại Việt Nam, tình hình đầu tư nước ngoài cũng chưa mấy khả quan. Mặc dù Chính phủ đã dành nhiều ưu đãi khuyến khích đầu tư, nhưng các đối tác làm ăn chân chính khó hoạt động được, vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục, luật lệ... Trái lại, một số đối tác khác lợi dụng sự dễ dãi hoặc sơ hở của luật lệ, nên ký được hợp đồng khai thác tài nguyên, hay hoạt động bất chấp việc tác hại môi sinh. Gần đây, ở Đà Nẵng, chất thải độc hại không được xử lý đúng quy trình, xả ra bừa bãi làm cho cá, vịt bị chết và nhiều người bị lở lói.
Thiết nghĩ qua việc đầu tư của nước ngoài, nếu chúng ta thu hút được vốn, chất xám, công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến, thì thật lợi ích vô cùng. Tuy nhiên, không vì cái lợi trước mắt mà quên đi những tác hại lâu dài do các hoạt động trên phát sanh.
Thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế trong nước và phát triển kinh tế để phát triển đời sống của người dân. Đó là mục tiêu tất yếu mà chúng ta cần hướng tới. Trên tinh thần ấy, theo nhận xét của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), tại nhiều nước, phát triển kinh tế chưa cải thiện được đời sống nhân dân mà còn dẫn đến tình trạng tàn phá tài nguyên thiên nhiên và nạn ô nhiễm môi trường. UNDP khẳng định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển con người, nghĩa là giúp cho người dân được chia sẻ bình đẳng của cải và cơ hội thăng tiến.
Hy vọng rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn được Bộ Luật đầu tư có sức hấp dẫn các nhà kinh doanh và đầu tư nước ngoài gia tăng hoạt động tại Việt Nam một cách lâu dài, bền vững; đồng thời mang lại sự phát triển kinh tế nước ta một cách tốt đẹp, nâng cao đời sống người dân từ vật chất đến tinh thần.
(Báo GN số 29, ngày 19-10-1996)