Sách
Đối với tôi, hay những hành giả đặt trọn niềm tin ở kinh Pháp Hoa, hoặc rộng hơn nữa, với tất cả những ai có hạnh nguyện thắp sáng chánh pháp Phật mãi mãi ở chốn Ta bà, có thể khẳng định rằng Đức Phật của chúng ta không hề vào Niết bàn. Thật vậy, Đức Phật vẫn đời đời kiếp kiếp còn sống mãi với những hành giả muốn thể hiện tinh ba của Phật ở cõi hồng trần này, muốn cứu giúp mọi người cùng tiến đến quả vị Vô thượng đẳng giác.
Nhiều người nghĩ rằng trên cuộc đời này không có Phật nữa, hoặc quan niệm rằng chúng ta sanh ra ở thời mạt pháp nên cách Phật rất xa, cảm thấy côi cút, không có Phật che chở, việc tu hành phải bị khó khăn. Nhưng người tu Pháp Hoa thức tỉnh, thấy Phật chỉ phương tiện hiện Niết bàn mà thôi. Phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16 của kinh Pháp Hoa đã khẳng định điều này. Quan niệm Phật theo kinh Pháp Hoa, hoặc kinh Hoa Nghiêm khác với quan niệm của Nguyên thủy. Theo Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật là người tu thành Phật, giáo hóa độ sanh xong, Phật Niết bàn, trên thế gian này không có Phật nữa. Trong kinh Niết bàn diễn tả tâm lý của một số tu sĩ thời bấy giờ, họ sung sướng lắm, vì không có Phật, nên tha hồ làm gì cũng được; Đức Phật còn thì Ngài khuyên dạy, nhắc nhở đủ thứ phải tuân thủ!
Riêng kinh Pháp Hoa xác định hoàn toàn trái ngược, đưa ra thí dụ về lương y và cuồng tử rất hay như sau: " Ví như có một ông thầy thuốc giỏi chữa được nhiều bệnh, lại có nhiều con. Khi có việc xa phải đi lâu ngày, các con ở nhà uống lầm thuốc độc làm mất bản tâm; xa thấy cha về, quỳ lạy, cầu xin thương xót cứu hộ. Nhìn thấy bệnh trạng, ông biết cách chữa, nhưng khi đưa thuốc thì không chịu uống. Ông bèn tự nghĩ những đứa con này muốn được khỏi bệnh, nhưng sợ thuốc đắng, nên mới bảo chúng, ta nay có việc lại phải đi xa, nếu con uống thuốc thì khỏi bệnh hoạn. Nói xong, ông liền bỏ đi, rồi lâu sau đó, cho người về báo ông đã từ trần. Các con nghe tin rất đỗi kinh hoàng, bèn lấy thuốc cũ đem ra sử dụng liền được khỏe mạnh. Bấy giờ, người cha hiện thân trở lại mà bảo các con, cha thật thường còn, không bao giờ chết. Phật bảo đại chúng Ta cũng như vậy, thường trụ Ta bà; nhưng dùng phương tiện nói sẽ diệt độ để cho mọi người không còn ỷ lại có ta mà không chịu tu, rồi đọa ác đạo”.
Câu chuyện này đơn giản, nhưng đem đặt vào cuộc đời tu hành của chúng ta, quả thực rất có ý nghĩa. Đức Phật hiển nhiên là vị thầy thuốc giỏi vô cùng, lịch sử Phật giáo gần ba ngàn năm đã nói lên điều này. Phật đã chữa lành vô số thân bệnh và tâm bệnh cho chúng sanh hữu duyên. Ngay từ thời Phật tại thế, hàng đệ tử đã được Ngài chữa dứt căn bệnh trầm kha, bệnh phiền não, trần lao nghiệp chướng và họ chứng đắc quả vị Hiền Thánh. Trước khi gặp Phật, họ là những chúng sanh đau khổ, là tà giáo ngoại đạo; nhưng gặp Phật uốn nắn, chữa trị, họ hết bệnh. Đức Phật sử dụng Tam thừa giáo để trị các bệnh của chúng sanh; vì người cầu quả Thanh văn, Ngài nói pháp Tứ đế, vì người cầu Duyên giác, Ngài nói pháp Thập nhị nhân duyên và người cầu Bồ tát, Ngài nói pháp Lục độ.
Với người nhiều tham dục, Phật dạy quán tưởng, mà ngày nay Phật giáo Nam truyền thường sử dụng là Thiền Tứ Niệm xứ; tu đúng sẽ đạt kết quả tốt. Khởi đầu cho tất cả chúng sanh nặng nghiệp, nhiều tham dục, nhiều ham muốn, phải dùng pháp quán tưởng sẽ được giải thoát. Quán mọi việc trên cuộc đời đều vô thường, khổ, không, vô ngã. An trụ bốn tính chất này của muôn sự muôn vật trên cuộc đời thì chúng ta không còn hơn thua tranh chấp. Thuở nhỏ, tôi thường thực hiện pháp này, nên không bị phiền não quấy rầy, dễ dàng thâm nhập Phật đạo. Trên bước đường tu, không quán tưởng theo tinh thần Phật dạy, tham dục của chúng ta tăng lên mà không hay biết. Ở ngoài đời, tham nhà cửa, ruộng vườn; vào chùa tu, cũng tham chùa lớn, đất đai, đệ tử; không ngờ tất cả những thứ này chỉ làm khổ mình, vì làm nghiệp chướng mình tăng thêm.
Khi quán tất cả vật, tâm, hoàn cảnh đều vô thường, chúng không giữ được gì, nên buông bỏ. Chúng ta không để tâm đến vật chất, quyền lợi, danh vọng; nhưng để tâm trong Phật pháp, trong tam tạng Thánh giáo, mới thâm nhập Phật pháp, hưởng thụ được pháp nhũ. Để tâm đến danh lợi, chắc chắn bị nó làm ô nhiễm, hư tâm. Chúng ta để tâm vào Phật pháp là chơn thường bất biến, từ bỏ vô thường để chứng được chơn thường, tức tâm chơn như của chúng ta như như bất động. Tâm này ở trong Phật pháp, đi đâu cũng mang theo được, nên tất cả là sự nghiệp của chúng ta. Tôi không có trú xứ, nhưng có Phật pháp trong lòng. Nhờ vậy, tôi mang Phật pháp và tâm này đi khắp thế giới và khi rời bỏ thế giới này, tôi vẫn mang theo Phật pháp đã học và tu được, không mất. Trong kiếp tái sanh, tôi thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, hảo tướng hơn thì sẽ làm được Phật sự lớn hơn. Những thành quả này trong Phật pháp là thế giới siêu hình, không thấy, nhưng có thực. Còn kẹt vật chất, chết phải bỏ lại thì lòng thường khởi luyến tiếc. Nhiều vị cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, sợ chết không ai trông nom, lo sợ đệ tử không giữ nổi. Lo sợ như vậy, tâm rất đau khổ thì về Tịnh độ không được, tái sanh vào đường ác.
Quán pháp vô thường thì thấy tâm và Phật pháp là chơn thường, nên thâm nhập Phật huệ, lấy pháp làm chính. Nhờ tu như vậy, trải qua hơn năm mươi năm, Phật pháp nuôi lớn tôi và sống với Phật pháp, tôi cảm thấy an lành. Tôi nhắc Tăng Ni phải thâm nhập Phật huệ, lấy Phật pháp làm sinh mạng mới được lâu dài; lấy phải trái hơn thua làm mạng sống, chắc chắn bị đau khổ. Cuộc đời chúng ta tu học Phật pháp càng sâu rộng càng tốt.
Thầy thuốc giỏi chữa được bệnh cho tất cả mọi người, nhưng ông có việc phải đi xa lâu ngày. Nghĩa là Phật nói Ngài Niết bàn, không phải chết, ở chỗ này thì Ngài có tên này, ở chỗ khác lại có tên khác. Tùy theo yêu cầu Phật sự mà Phật ứng hiện nhiều thân khác nhau, để giáo hóa chúng sanh. Phật đi xa, con cái hư hỏng, vì không chịu nghe lời Phật dạy, sống tự tung tự tác. Phật đi xa, Ngài không xuất hiện trên cuộc đời, chúng ta không thấy Phật, tưởng Ngài chết, nhưng không phải chết. Vì Phật thực là Phật tâm không chết, chỉ có thân tứ đại của Phật mất mà thôi.
Chúng ta biết Phật không còn, nhưng vẫn hình dung có Phật, là Phật bằng niềm tin. Với người tu Pháp Hoa, Phật vẫn hiện hữu dưới dạng Phật tâm, nên Ngài đến được với tất cả mọi người. Còn Phật Thích Ca hiện hữu trên cuộc đời với tư cách người An Độ dĩ nhiên không còn. Theo kiến giải của Pháp Hoa, bất cứ nơi nào có người tin Phật thì Phật hiện hữu ngay trong lòng họ. Chính vì thế, chúng ta đọc tụng kinh điển, cầu nguyện, cảm thấy ta và Phật rất gần gũi. Người có căn lành luôn cảm nhận được giữa mình và Phật có sự gắn liền mật thiết sâu xa, tuy không thấy bằng mắt, nhưng Phật vẫn hiện hữu trong tâm.
Ông thầy thuốc đi xa, những đứa con ở nhà uống lầm thuốc độc, có người mất bản tâm, nhưng có người không mất bản tâm. Trên bước đường tu, chúng ta cũng nhận ra được đệ tử nào của Phật mất bản tâm. Đó là những người cuồng si, nghĩ cha mình chết, không còn gì, nên họ không nương theo giáo pháp của Phật để tu hành. Người không mất bản tâm nghĩ rằng có Phật, Ngài trực tiếp dạy. Không có Phật, thì tìm lời dạy mà Ngài để lại. Họ đọc tụng kinh điển, suy nghĩ, áp dụng pháp Phật trong cuộc sống tu hành là uống thuốc được.
Người không mất bản tâm có suy nghĩ, coi lời dạy của Phật còn là còn Phật, gọi là giáo pháp Pháp thân. Nương theo đó tu hành, trí tuệ và đạo đức của họ phát sanh, tăng trưởng. Người mất bản tâm cũng tu, nhưng không nương vào giáo pháp để thể hiện trong cuộc sống. Họ cũng đúc tượng Phật bằng đồng, bằng vàng, v. v… để thờ cúng, coi đó là Phật ban phước giáng họa. Sai lầm này được kinh Kim Cang chỉ rõ, theo đó Phật bằng đồng không độ được lò đúc, Phật bằng đất không độ được nước, Phật bằng gỗ không độ được lửa.
Phật tâm, Phật Pháp thân độ được chúng ta. Đức Phật dạy nên nương tựa pháp, đừng nương theo cái gì khác. Khi tôi sang Mỹ dự hội nghị, các Thầy và các Mục sư đi chung, nghe tôi tụng kinh trong khách sạn, họ ngạc nhiên. Đối với tôi, nơi nào có pháp là có Phật. Ngồi trên máy bay, cũng tụng kinh, lỡ máy bay rớt, mình cũng theo Phật. Vào khách sạn yên vắng, đọc kinh, suy nghĩ lời Phật dạy thì Phật và chúng ta mới gần nhau được.
Nương giáo pháp Phật tu hành là chính, cơ sở vật chất chỉ là phương tiện, coi đó là cứu cánh thì dễ bị vướng mắc với nó. Nhiều chùa rất nghèo, nhưng cố vận động đúc tượng đồng thật lớn, hoặc cố gắng xây dựng chùa cho thật sang. Nhưng tượng hoặc chùa không độ ta được, mà chỉ làm cho phiền não, khổ đau phát sanh. Tìm được Phật trong kinh điển để tu hành. Phật đi xa, những người con mất bản tâm chỉ lo xây chùa, đúc tượng, không nỗ lực tu. Trong khi những người con không mất bản tâm lấy thuốc uống là lo suy nghĩ ứng dụng lời Phật dạy. Chủ trương của tôi là tìm trong kinh điển tất cả pháp Phật dạy, rút ra những việc tương ưng với hoàn cảnh mình để ứng dụng trong cuộc sống, giúp cho tâm không buồn giận lo sợ, thân khỏe mạnh và sống hữu ích. Ba thành quả này là cốt lõi Phật muốn dạy chúng ta.
Chúng ta soạn tủ thuốc gia truyền hay tam tạng Thánh giáo, có tám mươi bốn ngàn pháp môn tu; quan trọng là biết lựa chọn, tùy bệnh mà ứng dụng thuốc, uống tất cả thuốc là chết. Người cũng theo Phật, nhưng mất bản tâm, cứ lấy thuốc gia truyền uống đại; uống lầm thuốc, thì thuốc hay cũng thành độc. Cũng vậy, sử dụng lầm pháp thì rơi vào chấp pháp, tự hạn chế mình, làm khổ mình, không bệnh cũng thành bệnh. Thực tế cho thấy có người chưa tu cũng khỏe mạnh, nhưng vào chùa tu hành năm, mười năm, sanh ra đủ thứ bệnh; đó là uống lầm thuốc. Thuốc hay, nhưng sử dụng không đúng, trở thành tác hại. Thí dụ tu Thiền để trí tuệ phát sanh. Người bắt chước, nghĩ rằng ngồi Thiền càng lâu càng tốt, mà thực tế đã không được tốt đẹp, lại bệnh tâm thần; người đó đã uống lầm thuốc. Thiền sư đắc đạo hướng dẫn Thiền sinh tu, họ phải kiểm tra được cơ thể và tâm của Thiền sinh, không để bị lệch hướng; tâm lệch trở thành gàn dở, thân lệch thì bệnh.
Người không mất bản tâm thấy cha trở về, người cha căn cứ vào bệnh mà làm vị thuốc tương ưng cho uống. Uống được pháp Phật, chữa được lành bệnh là hết bệnh chấp. Thân và tâm hết bệnh thì tâm ta và tâm Phật đồng nhau, thấy được đức Phật hằng còn, sống với thanh tịnh chơn như thấy Phật không chết. Đối với những người uống lầm thuốc là không tu theo chánh pháp. Dù có thuốc, nhưng họ không tu đúng. Vì muốn cứu thoát những người này, người cha mới nói có việc phải đi đến nước khác. Nghĩa là Phật nhập Niết bàn, Ngài đi nước khác, không phải chết. Vị thầy thuốc là Phật đi đến nước khác, nhưng để lại thuốc là kinh điển cho chúng ta sử dụng và Ngài cho người báo tin rằng mình đã chết. Các con tỉnh ngộ, uống thuốc và lành bệnh, họ thấy Phật trở lại, cho biết Ngài vẫn thường còn ở Ta bà, nhưng dùng phương tiện nói chết để người ta không ỷ lại ở Ngài, không chịu tu mà bị đọa ác đạo.
Với niềm tin mãnh liệt và sâu sắc, hành giả Pháp Hoa tin chắc rằng Phật không bao giờ mất, chỉ có người cuồng si thấy Phật chết. Chữa lành bệnh, tâm thanh tịnh của chúng ta và tâm thanh tịnh của Phật, của Tổ đều là một. Đức Phật đời đời kiếp kiếp, mãi mãi hiện hữu với chúng ta.