Sách
Đầu Xuân, chúng ta về chùa Bửu Thiền ở Long Thành gợi cho Thầy nhớ đến sự hành đạo của Hòa thượng Trí Đức cách đây tám mươi năm. Vào thời kỳ ấy, Pháp đang đô hộ nước ta, đạo Phật còn bị hạn chế sinh hoạt rất nhiều. Hòa thượng hành đạo đầu tiên không phải ở chùa này, nhưng ở chùa Cô Hồn, thuộc xã Phước Long. Chùa có tên như vậy vì không có Thầy tu ở. Mỗi năm, Phật tử trong vùng mời ban kinh sư chẩn tế cô hồn để cầu phúc cho nhân dân địa phương. Dân ở đây không hiểu giáo lý, không tu, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng cô hồn đói khát hay quậy phá, nên cúng cho ăn để phò hộ cho người trong làng được bình yên.
Hòa thượng Trí Đức từ chùa Huê Nghiêm lên đây, thấy ngôi miếu cô hồn trống vắng, ngài mới ở đây tu. Là bậc chân tu chuyên tụng kinh Pháp Hoa, ngài không quan tâm đến việc ăn, mặc, ở và quên cả sự hiện hữu của mình. Ở ngôi miếu bỏ hoang ấy, ngài nhiếp tâm niệm Phật. Sự quyết tâm tu của ngài đã khiến cho Long thiên Hộ pháp phải cảm động. Trong một đêm, nhiều người dân làng nằm mộng thấy thần Hộ pháp mách bảo rằng nên đến cúng dường một Thầy tu ở miếu cô hồn. Họ liền tìm đến ngôi miếu hoang thì thấy Hòa thượng không có một vật dụng gì, không có cả thức ăn. Họ mới có niềm tin đối với ngài và Hòa thượng đã ở đó, làm thuốc nam cứu người, chữa được nhiều bệnh nan y, nổi tiếng là vị thầy thuốc giỏi, đạo đức. Dân chúng ở Long Thành quý mến hạnh đức của Hòa thượng, nên khi ngài về chùa Huê Nghiêm, Thủ Đức, hàng năm Phật tử đều tập trung về thăm viếng, đảnh lễ ngài.
Thầy nghĩ rằng nếu chúng ta quyết tâm tu, kinh Pháp Hoa gọi là vì đạo không tiếc thân mạng, mới đến được với đạo. Chúng ta tu không được kết quả tốt vì chưa hoàn toàn thực sự vì đạo, còn nghĩ đến cuộc sống vật chất, nghĩ đến thân chúng ta nhiều hơn và nghĩ đến tài sản của ta, gia đình con cháu ta. Vì thế, tâm chúng ta không tập trung được, bị cảnh vật chi phối, kéo chúng ta vào cuộc sống vật chất, khiến chúng ta phải luôn ở trong sanh tử luân hồi; sanh tử từ một hơi thở, một sát na tâm của chúng ta.
Theo Pháp Hoa, Phật dạy rằng Ngài đắc đạo, đạt quả vị Toàn giác, mới thấy rõ trong tam giới, chúng sanh không có sanh tử. Đức Phật từ sanh tử mà chứng được Niết bàn. Trong khi chúng ta ở trong Niết bàn của chư Phật mà lại hiện ra sanh tử. Thật vậy, trong tam giới không có sanh tử, nhưng vì vô minh, vọng kiến ngăn che, nên sanh ra các tánh ham muốn khác nhau, tạo tội sai biệt. Đó chính là nguyên nhân làm cho chúng ta ở trong sanh tử và khổ đau. Rồi sống trong sanh tử, bị dày xéo bởi những ham muốn khác nhau, nên chúng sanh đã tạo các tội lỗi khác nhau, họ mới gánh chịu vô số cái khổ khác nhau. Tuy nhiên, theo Phật huệ thì vô vàn khổ đau trên cuộc đời trong sanh tử giống như cái khổ trong giấc chiêm bao mà thôi. Có một câu chuyện nổi tiếng nói lên ý này. Ông Lô Sanh có ham muốn rất lớn, mới đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình là phải ráng học giỏi, thi đỗ cao, tạo được sự nghiệp công danh để hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Trên đường đi thi, ông ghé vào quán trọ, nhưng đã hết thức ăn, chủ quán bảo ông chờ họ nấu cháo kê. Mệt mỏi, ông ngủ thiếp đi và nằm mơ thấy mình thi đỗ trạng nguyên, được vua gả công chúa, được phong làm phò mã. Rồi ông lãnh binh đánh thắng trận, lại được vua nước đó phong cho làm phò mã. Vậy là ông làm phò mã của hai nước và thống nhất giang sơn. Sau đó, ông bị một người nổi loạn giết chết. Khi bị chém đầu, ông giựt mình thức dậy. Ông liền tỉnh ngộ, đi tu vì nhận ra cuộc đời ngắn ngủi, phù du, không thực, giống như một giấc mộng. Ông làm bài thơ nổi tiếng "Giấc mộng kê vàng” như sau:
Công danh phú quý
Ngũ thập dư niên
Bất quá phiến thùy
Mộng lý huỳnh lương
Du dị thục.
Nghĩa là trong giấc chiêm bao, mộng thấy suốt một đời ông nỗ lực tạo dựng công danh phú quý trên năm mươi năm, nhưng tỉnh dậy sau một giấc ngủ thiếp đi, thì nồi cháo kê của người chủ quán nấu cho ông cũng chưa chín. Đời người cũng vậy, chỉ là một giấc chiêm bao, hiện hữu trong một khoảnh khắc nào đó để rồi biến mất.
Hòa thượng Nhất Hạnh trong chuyến viếng thăm chùa Ấn Quang vừa qua, ngài nói với Thầy rằng nhớ lại năm mươi năm trước đã tu ở đây, nhưng nay thì người quen biết chỉ còn tên, còn hình trên bàn thờ. Nếu quả tình một kiếp người sống như vậy thì có nghĩa gì. Đức Phật và các vị Thánh Tăng, các bậc cổ đức nhận ra cuộc đời tạm bợ như thế, các Ngài đã sống và tìm về thế giới vĩnh hằng, tìm con người thực của mình. Và con người thực ấy, theo Phật dạy thì trong tam giới không có sanh tử. Tăng Ni, Phật tử tu hành, trước sau gì cũng đạt đến quả vị không sanh tử là con người thực của chúng ta. Từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau, con người thực này không thay đổi. Thật vậy, trong phẩm Tựa thứ nhất của kinh Pháp Hoa, Phật khẳng định rằng từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xa xưa, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc đã hiện hữu và đến thời Phật Thích Ca, Văn Thù và Di Lặc Bồ tát cũng vẫn hiện hữu. Di Lặc Bồ tát từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh và thời Phật Thích Ca là một người, không phải hai người khác. Văn Thù Bồ tát cũng vậy, cũng là một người từ thời Phật quá khứ cho đến thời Phật Thích Ca. Văn Thù và Di Lặc này bất tử, nhưng không phải chỉ có Văn Thù và Di Lặc Bồ tát bất tử. Tất cả chúng ta cũng ở trạng thái bất tử, nhưng vì chúng ta để vô minh, vọng kiến ngăn che, sanh khởi, mà có hiện tượng sanh tử khổ đau. Nhận chân được con người thực không có sanh tử và chúng ta cũng hành đạo trên con người không có sanh tử, không có vọng kiến thì mới đạt đến quả vị Phật được. Còn hành đạo trên con người vọng kiến ngăn che là tam độc tham sân si ngăn che tâm chúng ta, nên chúng ta không nhận ra được con người thực của mình. Phần nhiều chúng ta nhận ngũ uẩn là ta, nhận cái ngăn che con người thực là ta. Vô minh, vọng kiến đã tạo nên con người sanh tử của chúng ta thay hình đổi dạng trăm kiếp ngàn đời, trong khi con người thực không sanh tử của chúng ta không thay đổi.
Và khi đã mang thân sanh tử rồi, thì ở trong sanh tử, chúng ta lại hành sử theo tham, sân, si, tạo ra vô số tội sai biệt, nên phải thọ lãnh quả báo sanh tử, phải khổ đau. Từ nặng nhất là sự khổ đau của Vô gián địa ngục, là khổ hoàn toàn, không có gì mình bằng lòng và bị hành hạ liên tục, cái khổ không lúc nào dừng lại. Thí dụ như những người tù binh, những người Do Thái bị Đức Quốc xã hành hạ, giết chóc. Cho đến những cái khổ nhẹ hơn, khổ trong ngạ quỷ, súc sanh, A tu la. Không ai hành hạ, nhưng chính sự đói khát làm họ khổ, hoàn cảnh sống tồi tệ, ai cũng ghét bỏ, gây khó khăn, v.v… khiến họ khổ.
Chúng sanh khổ may mắn gặp Phật pháp, được Phật khai ngộ, bắt đầu tự tạo cuộc sống thoát khổ, sẽ được an vui. Khởi đầu, Phật tử tu hành, cần đóng kín cửa ba đường ác và mở rộng con đường nhơn thiên để đi. Không nhận ra con đường này, vẫn tu trong sanh tử khổ đau. Thực tế có người nói rằng tu suốt đời sao vẫn khổ. Họ tụng kinh, lạy Phật, cúng dường, nhưng phần nhiều làm trong ảo giác, trong vọng kiến. Ngài Nhật Liên gọi đó là người phá pháp tội chướng. Vì nếu tu đúng pháp, cúng dường Phật, phải được phước. Chúng ta bố thí, cúng dường, thì xem kết quả có đúng với lời Phật dạy hay không. Thí dụ mua chim phóng sanh để tạo cơ hội cho người ta bắt chim, làm sao có phước được.
Đối với người tu Pháp Hoa, Phật dạy phải đúng như pháp tu hành là tối thượng cúng dường Phật. Khi chưa biết đạo, chưa quy y, gia đình bất hòa; nhưng biết tu rồi, gia đình phải hòa thuận, vui vẻ. Thầy thường quan sát những Phật tử trong đạo tràng Pháp Hoa, người nào dắt dẫn con cháu đến chùa được, nhìn nét mặt họ, cuộc sống của họ, của gia đình họ là biết nhân địa tu hành của họ. Theo Pháp Hoa, Bồ đề quyến thuộc rất quan trọng. Nhờ tu mà sanh con thông minh, đạo đức, có năng lực. Bốn thế hệ từ ông bà đến con cháu đều tốt là biết họ tu tốt. Tu hành của chúng ta là làm cho người trong nhà và người ngoài phát tâm. Tánh tình hiền lành của chúng ta, sự nhẫn nhịn của chúng ta, con cái học giỏi, gia đạo tốt, v.v… là cách cúng dường Phật tốt nhất. Còn vật dụng cúng dường có hay không cũng được, vì vật chất là phù vân, hợp tan, không thực.
Tu tạo được phước báo nhơn thiên và quả vị Niết bàn là con đường Phật vẽ ra cho hàng đệ tử theo. Phước báo nhơn thiên có trước. Phật dạy chúng ta nên sống thực tế, đoạn tuyệt tham sân si. Sống thực tế là có gì ăn đó, có gì mặc đó, tùy hoàn cảnh mình mà sống. Điển hình như Hòa thượng Huê Nghiêm ở am cô hồn, không lo toan đời sống vật chất, nhưng phước báo sanh ra, dân chúng mang gạo đến cúng. Chánh báo như thế nào thì y báo theo đó tương ưng. Không khởi lòng tham, mới nhận ra con người thực của mình ở trong sanh tử mà không kẹt sanh tử. Không khởi vọng tâm điên đảo thì nhận được Phật lực gia bị, chúng ta mới sáng suốt, có trái tim nhân ái và sức khỏe. Đó là ba điều căn bản trong nhơn thiên mà chúng ta tu tạo để làm hành trang trên bước đường theo dấu chân Phật. Chúng ta cần phát huy được ba phước này thì đạo Phật chúng ta sáng thêm. Có lòng thương và sức khỏe tốt để giúp người, có thông minh để biết đúng, làm đúng; việc của chúng ta sẽ tốt lần và gia đình, xã hội sẽ trở nên tốt theo việc tốt của chúng ta. Chúng ta không làm gì cho Phật, nhưng dùng trí thông minh, trái tim nhân ái và sức khỏe tốt làm cho gia đình bình an, làm cho người phát tâm, kính trọng Phật, tu theo Phật đạo, thì đó là công đức lớn nhất.
Thầy cầu mong tất cả mọi người đều được Phật hộ niệm để thông minh giải quyết được mọi khó khăn, được khỏe mạnh để làm việc tốt và ai cũng tạo được công đức dâng cúng Phật.