Sách
Hòa thượng Thích Bửu Ý, một bậc Thầy mà tôi có duyên hạnh ngộ đặc biệt trên bước đường tu. Ngay từ khi tôi mở mắt chào đời, ngày ấy cũng là ngày mà Hòa thượng đăng đàn thọ giới. Đến khi tôi bắt đầu thọ giới Sa di, ngài là Trưởng ban Tổ chức Giới đàn. Khi hồi tưởng lại hình ảnh ngài, tôi không sao quên được thuở ấu thơ mới bước chân vào đạo. Trước mắt chú điệu nhà quê như tôi, thật là hồi hộp, lo âu với biết bao nhiêu khó khăn để được chấp nhận thọ giới Sa di. Nhưng kỳ diệu thay, Hòa thượng từ căn phòng phía trong bước ra. Ngài nhìn tôi trìu mến thân thương và bảo Ban Thư ký lập hồ sơ cho tôi thọ giới, trong khi ngài thực sự chưa hề biết tôi. Tình thương bao dung ấy ghi đậm ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi trên bước đường hành đạo.
Khi sống gần Hòa thượng Huê Nghiêm, ngài cho tôi biết Hòa thượng Bửu Ý được hầu hết Tăng chúng Cổ truyền quý trọng. Đến năm 1978, giới Phật giáo miền Nam ra thăm Phật giáo miền Bắc. Bấy giờ, tôi và Hòa thượng lại có duyên làm việc chung qua công tác ngài làm Trưởng đoàn, tôi là Thư ký. Năm 1981, với sự thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập Giáo hội, tôi có duyên gần gũi ngài nhiều hơn và học được ở ngài những đức tánh tốt của bậc chân tu. Thật vậy, đối với bất cứ Phật sự nào mà Giáo hội phân công, Hòa thượng đều hết lòng lo lắng. Đức tánh kiên nhẫn, chịu khó, chịu cực khổ thể hiện rõ nét nơi ngài. Đặc biệt, trong công việc Phật sự chung, đối với lớp đàn em trẻ tuổi, chỉ thuộc hàng đệ tử như tôi, Hòa thượng vẫn đối xử nhã nhặn, bình đẳng. Phải chăng đức tánh khiêm cung, hòa nhã ấy của Hòa thượng đã tỏa sức cảm mến Tăng chúng.
Khi Hòa thượng viên tịch, duyên hạnh ngộ giữa tôi và ngài vẫn còn gắn bó, nên chúng hội lại cử tôi làm Phó ban Tổ chức Tang lễ kiêm Pháp sư thuyết giảng công hạnh của ngài.
Giờ đây, Hòa thượng vắng bóng trên cuộc đời, nhưng hình ảnh thân thương của ngài mãi mãi ngời sáng trong tâm tôi, trong hàng quyến thuộc Đại thừa trên khắp mọi nẻo đường hành Bồ tát đạo.
Khể thủ
(Báo GN số 96, ngày 15-12-1996)