Sách
Nhật Liên Thánh nhân dạy rằng trước khi Đức Phật ra đời, chánh pháp vẫn có, Tam Bảo vẫn tồn tại; nhưng vì không ai thấy, không ai hiểu được giáo pháp, nên tưởng là không có. Giáo pháp ấy gọi là pháp vô tướng và Đức Phật hằng hữu, không sanh không diệt là Phật vô tướng, hay vô tướng Bổn tôn. Hàng phàm phu bị ngũ uẩn ngăn che, không bao giờ thấy được Phật vô tướng, không biết được pháp vô tướng. Chỉ những người có căn lành sâu dày thì nương nhờ niềm tin mà nghĩ rằng có Đức Phật luôn hiện hữu trong khắp mười phương và hướng tâm về Phật, tu học Phật pháp.
Thật vậy, kinh Hoa Nghiêm khẳng định rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức, sanh ra tất cả Như Lai. Vì vậy, nhờ niềm tin, chúng ta mới thấy được Phật, hiểu Phật và thể nghiệm được pháp; trong khi chúng sanh bị nghiệp chướng nặng nề ngăn che, nên họ không thể tin Phật, nói chi đến thấy Phật và hiểu được giáo pháp của Ngài. Chính vì thương xót chúng sanh mà Đức Phật Thích Ca hiện thân trên thế gian này. Phật Thích Ca là một trong thiên bá ức hóa thân của Đức Phật bất sanh bất diệt hằng hữu trong Pháp giới; nơi nào có nhân duyên, Phật liền xuất hiện nơi đó để giáo hóa chúng sanh. Và khi Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, mang thân tứ đại như mọi người, thì họ lại tưởng lầm rằng Phật cũng là người tầm thường giống họ. Sự thật tuy Đức Phật mang thân người, nhưng trong tâm trí của Ngài đã có đầy đủ phước đức vô lượng và sự hiểu biết siêu tuyệt của đấng Toàn giác. Còn chúng sanh hàm chứa trong tâm toàn là tánh ác xấu và tâm mê muội của phàm phu trôi lăn trong sáu đường sanh tử.
Nhìn bề ngoài con người ngũ uẩn, thì mọi người giống nhau, nhưng trong tâm trí của mỗi người, không ai giống ai. Vì tánh bên trong mỗi người khác nhau, cho nên trên bước đường tiến tu đạo nghiệp, có người đạt kết quả rất chậm, có người thăng hoa rất nhanh. Nếu là hàng thượng căn, bên trong sẵn có tánh từ bi của Phật và tâm trí sáng, thì từ hạt giống Bồ đề này mà khởi tu, chắc chắn họ phát huy thành quả rất dễ dàng và nhanh chóng. Còn hàng trung căn và hạ căn tuy không có nhiều hạt giống tốt lành, nhưng nhờ nghe pháp cũng lần thâm nhập và tiến tu được.
Với căn lành sẵn có, hàng thượng căn thấy Phật, hoặc nghe pháp, căn lành của họ liền được đánh thức và đạt được quả vị A la hán ngay; điển hình như Xá Lợi Phất thấy Phật liền đắc A la hán. Trong khi năm anh em tôn giả Kiều Trần Như thì kết quả tu hành nhanh chậm có khác nhau. Trong năm vị này, người đầu tiên nghe pháp Tứ Thánh đế liền đắc A la hán. Bốn người còn lại, sau một mùa An cư cũng đạt được quả vị A la hán. Đó là giáo đoàn đầu tiên do Đức Phật sáng lập. Nhưng lần lần về sau, số người tu hành theo Phật đông hơn, từ một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo đầu tiên cho đến hàng vạn Tỳ kheo sau đó tu trong giáo pháp Phật, có người thấy Phật và đắc quả Tu đà hoàn, hoặc Tư đà hàm, A na hàm cho đến A la hán. Có người thì sau một mùa An cư đắc đạo.
Hàng trung căn, hạ căn còn chậm hơn, vì do túc nghiệp nhiều đời ngăn che, nên sống gần Phật mà không thấy Phật, hay có lúc thấy Phật có lúc không. Vì thương xót những người bị nghiệp chướng ngăn che như vậy, cho nên Đức Phật đã chuyển đổi Tứ Thánh đế Vô tác thành Tứ đế sanh diệt để dạy cho họ dễ dàng tu tập. Với Tứ Thánh đế Vô tác, tất nhiên không cần nói, chỉ cần thông qua bản tâm thanh tịnh là đắc đạo. Trong khi với sanh diệt Tứ đế, thì tùy theo pháp có sanh có diệt, mà Phật nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Và như vậy, Khổ Tập Diệt Đạo hay Tứ đế sanh diệt vừa là giáo pháp cũng vừa là luật pháp mà Đức Phật đã giảng dạy cho Tỳ kheo thời bấy giờ. Mặc dù Đức Phật đã đưa ra pháp Tứ đế sanh diệt dễ thực hành hơn Vô tác Tứ đế, nhưng lại có những người chậm hiểu cũng không thể thực hành pháp Tứ đế sanh diệt để đắc đạo. Vì vậy, mỗi lúc lại có thêm người phạm lỗi lầm. Từ đó, Phật mới đặt thêm những giới điều như năm giới cho cư sĩ tại gia, mười giới tập sự của Sa di, 250 giới Tỳ kheo, 350 giới Tỳ kheo Ni. Đó là tất cả những giới tướng, giới điều mà Đức Phật phải chế đặt do chư Tăng không thanh tịnh phạm phải lỗi lầm trên bước đường tu. Từ đó về sau, tất cả những ai muốn tu hành, trở thành đệ tử Phật đều phải lãnh thọ đầy đủ những giới điều này được gọi là giới biệt giải thoát, nghĩa là tu được phần nào thì giải thoát phần đó, tức phần phá vô minh, phần chứng Pháp thân. Các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Sa di lãnh thọ giáo pháp rồi mới lãnh thọ được giới tướng do Hòa thượng truyền cho, do Thầy Yết ma tác bạch và do đại chúng đồng tình. Như vậy, giới tướng của quý vị mới được thiết lập; đó là luật trong đạo chúng ta. Thiếu những điều kiện này, tức không có Hòa thượng truyền giới, không có Thầy Yết ma tác pháp và không được đại chúng đồng ý, thì không thành tựu hình thức Sa di, Tỳ kheo.
Hôm nay các giới tử đã hội đủ duyên lành khó có. Đức Phật dạy thân người khó được. Thật vậy, trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người có điều kiện tu học dễ dàng để đạt đến quả vị Toàn giác; còn các loài khác không thể có những yếu tố thuận lợi như thế. Vì vậy, nếu để mất thân người, muôn kiếp chưa chắc có lại được. Chúng ta thử quan sát các loài sinh vật khác, chúng sanh sản rất nhiều và rất nhanh hơn loài người, như một ổ kiến hay một đàn cá sanh nở vô số con. Được làm người đã rất khó, mà được xuất gia tu học Phật pháp lại còn khó hơn nữa. Trên thế giới có sáu tỷ người, nhưng số người xuất gia được là bao. Đức Phật cũng dạy rằng vì có những giá nạn, tức bị những điều trở ngại mà không thể trở thành Tỳ kheo, như sanh trong thời kỳ không gặp được Phật pháp, hoặc sanh trong gia đình có tín ngưỡng tôn giáo khác, sanh ở những châu lục mà Phật pháp chưa truyền bá đến, v.v… thì làm thế nào được xuất gia, được thọ giới, được nghe pháp, hiểu pháp và tu hành. Ngay như ở Ấn Độ một trăm năm trước cũng không có người xuất gia theo đạo Phật. Mãi đến khi Ấn Độ độc lập, nhờ Thủ tướng Nerhu cho thành lập Viện Phật học Nalanda, đạo Phật mới bắt đầu được phục hồi. Tuy nhiên, khi Phật giáo Ấn bắt đầu gầy dựng lại, nhưng cũng do các Thầy Bà la môn giảng dạy Phật pháp. Mãi về sau mới có các nhà Sư Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, v.v… sang Ấn Độ học và truyền bá đạo Phật; ngày nay mới có một số chùa của các nước trên thế giới sang xây dựng. Một tỷ dân Ấn, nhưng chưa được mười triệu người Ấn theo đạo Phật. Hoặc hai ngàn năm trước, Phật giáo Việt Nam chưa có, nhưng Phật giáo ở Afghanistan đã ở vào thời kỳ vàng son, có nhiều tượng Phật cổ cao đến 60, 70m. Vậy mà ngày nay, không còn bóng dáng tu sĩ Phật giáo ở nước này, vì chỉ còn Hồi giáo. Chúng ta thấy gặp Phật pháp quả là khó khăn.
Trở lại Việt Nam, nếu một trăm năm trước, gặp Phật pháp cũng rất khó. Điển hình như sáu mươi năm trước, tôi xuất gia, khi đến chùa Long Thiền, tôi còn là Sa di. Phải nói là tôi rất may mắn được hầu cố đại lão Hòa thượng Pháp sư Huệ Thành. Lúc ấy được nghe giáo pháp không nhiều như bây giờ. Có người xuất gia ở chùa, chỉ giữ chùa, chứ không được nghe giáo pháp, không hiểu giáo pháp. Trong thời kỳ đó, tôi đến một số chùa, có nhiều Thầy tụng kinh Di Đà, nhưng không hiểu nghĩa kinh, nói chi đến ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống tu hành. Phải đọc kinh, phải hiểu kinh và ứng dụng đúng yếu nghĩa kinh, thì mới thành tựu tư cách của Tỳ kheo. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng đã hầu Hòa thượng Pháp Lan, được nghe pháp, tôi cảm thấy quá mừng. Về sau, vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, mới có lớp học Phật pháp. Rõ ràng Phật pháp rất khó được. Ở thời kỳ đó, phải chờ rất lâu mới có giới đàn. Tôi còn nhớ vào năm 1955- 1956, có giới đàn đầu tiên tại chùa Long Thiền và giới đàn thứ hai tại chùa Linh Nguyên, Đức Hòa, tôi thọ Sa di ở đó. Tôi xuất gia đã bao năm ở chùa, nhưng không có giới đàn để thọ giới; không như bây giờ, quý vị may mắn sanh trong thời Phật pháp hưng thạnh, ba năm lại có giới đàn. Trong tháng 10 năm nay đã mở ba giới đàn ở ba điểm là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu với trên ba ngàn giới tử thọ giới. Vào thời kỳ tôi thọ Cụ túc giới, chỉ có chín người được thọ giới. Thời gian đó được thọ giới đã khó, thời trước đó chắc chắn còn khó hơn nhiều. Có người tu suốt đời chưa được đăng đàn thọ giới. Chúng ta may mắn sống trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và Giáo hội đang trên đà phát triển. Lại có phước duyên được xuất gia, thọ giới để tấn tu đạo nghiệp, một việc mà thời kỳ trước chúng ta chưa có và thời kỳ sau chúng ta, không biết còn được như vậy hay không. Vì vậy, quý Tăng Ni phải biết trân trọng giữ gìn những điều khó có đã được và từ giới tướng này giúp chúng ta tu hành để thành tựu giới tánh Tỳ kheo.
Giới tướng thọ trước, giới tánh mới thành tựu sau. Vì thế, người mới thọ giới khác với người thọ giới đã năm, mười năm. Nếu đúng pháp tu hành, từng bước chúng ta phát triển đường đạo, vì đã thành tựu được giới tánh từng phần theo từng năm tháng tu hành. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn nhắc nhở quý vị thọ giới hôm nay. Mới thọ giới Sa di hay Tỳ kheo, chúng ta thường có cảm giác từ đây bị những giới điều này ràng buộc. Lúc thọ giới, quỳ trước Hội đồng Thập sư, các giới tử đều nói "Mô Phật, giữ được”; nhưng trở về chùa, quý vị có giữ đúng giới luật hay không mới là việc quan trọng. Nếu cố gắng giữ giới, lâu ngày sẽ trở thành tánh Tỳ kheo, nghĩa là thuần thục được tư cách của người xuất gia. Thật vậy, mới tu, thấy bị giới ràng buộc, nhưng tu đúng pháp, một thời gian thấy nhờ giới mà chúng ta được giải thoát. Đối với tôi, vào mùa An cư đầu tiên, khi Hòa thượng Thiện Hòa cắm cột mốc bốn hướng, không được vượt qua ranh giới này, tôi cảm giác như bị nhốt trong khuôn giới trường, không được ra khỏi chùa cảm thấy bực bội. Nửa tháng đầu, sanh bệnh, vì không được phép đi ra ngoài cảm thấy như bị thiếu hụt, nghĩa là thấy giới ràng buộc. Nhưng mùa hạ thứ hai, thứ ba, tôi cảm thấy quen lần. Cứ đến mùa An cư, thấy mình không còn bị những việc thế tục quấy rầy, nên rất thích ở yên trong chùa. Nhưng kể từ khi được Giáo hội giao trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, cố Hòa thượng Trí Thủ đã dạy tôi rằng nếu mùa An cư, chúng Tăng cấm túc mà Thầy không đi giảng dạy, thì hết mùa An cư, chư Tăng không còn tập trung lại, Thầy dạy ai. Lúc đó, tôi suy nghĩ đắn đo nhiều. Không đi giảng dạy mùa An cư thì thấy mình thiếu bổn phận, mà đi thì rất khó, vì đã tu tập quen đến mùa hạ là muốn ở yên trong chùa, lo sám hối, tụng kinh, tham Thiền, những thói quen này trở thành tánh Tỳ kheo rồi. Phải đi mùa An cư lúc ấy là cả một suy nghĩ, tính toán khó đối với tôi. Cuối cùng, cố Hòa thượng Thiện Hào dạy rằng Thầy cứ coi như Tăng sai là Thầy đi mà vẫn ở trong Tăng chúng. Từ đó, tôi ý thức thêm rằng hễ Tăng sai, ta làm là làm cho Tăng, nên ta vẫn ở trong giới pháp của Tăng. Tuy thân đi ra ngoại giới làm Phật sự, nhưng tâm chúng ta vẫn an trụ ở trong Tăng. Nếu tâm quý Thầy cách ly Tăng chúng, xa lìa Giáo hội là đã bị loại ra ngoài, mặc dù không ai nói gì, nhưng không còn ở trong giới pháp Phật. Ý này thường được gọi là "Mặc tẩn”, tức bị mọi người bỏ rơi, tuy còn hình tướng Tỳ kheo, nhưng thực chất tánh Tỳ kheo không thành tựu. Lỗi lầm này rất nặng, Phật ví như hòn đá vỡ làm hai, không thể kết dính lại được, hoặc như cây Sa La bị chặt đứt ngọn không thể lên được nữa. Cần luôn ý thức rằng dù có tan thân mất mạng, nhưng quý vị phải luôn giữ gìn tâm mình nối kết chặt chẽ với tâm Phật, với tâm đại chúng, với Giáo hội. Được như vậy, chúng ta mới tồn tại trong nhà Phật, phát triển được đạo nghiệp, đắc đạo trong giới pháp và được gặp minh sư, thiện hữu tri thức.
Mới thọ giới, bị ràng buộc. Nỗ lực tu hành, sống quen với giới và thành tựu giới tánh, thì thấy nhờ giới mà được giải thoát; đó chính là giới sanh Định và Định phát Huệ. Do giới sanh Định, vì nhờ ở các mùa hạ đầu tiên đã giữ kỹ giới luật bằng cách mỗi ngày đọc tụng, suy nghĩ về giới pháp. Khi Phật tại thế, chư Tăng hành đạo ở nơi nào cũng phải tập hợp lại để đọc tụng giới; vì lúc đó, chưa có kinh sách, nên không thể tự tụng được, phải tập hợp về đạo tràng nhờ Luật sư Ưu Ba Ly tụng giới cho nghe. Lúc đầu chỉ có năm giới rồi đến mười giới cho đến ba mươi giới, v.v… cứ như vậy mà giới pháp được tăng thêm. Hàng trung hạ nghe giới, có điều nhớ, điều quên; nhưng Ưu Ba Ly nghe điều giới nào Phật dạy, ngài nhớ đủ không sót. Khi Phật Niết bàn, Ca Diếp thỉnh Ưu Ba Ly tụng lại giới bổn cho đại chúng cùng nghe. Thời Phật tại thế, hay sau Phật Niết bàn khoảng một trăm năm, chỉ tụng thuộc lòng giới bổn, không có sách. Mãi ba trăm năm sau, thời vua A Dục mới kiết tập kinh điển và giới luật in trên lá dừa. Thời xưa, vì không có sách, muốn nghe giới, phải tìm Luật sư thuộc giới, hiểu giới dạy chúng ta. Theo quy định, phải hầu Thầy năm năm để Thầy dạy chúng ta tu giới; vì chúng ta không tự biết, không thấy được sai phạm của mình, cho nên cần sống gần Thầy để được nhắc nhở.
Ngày nay, việc đọc giới không khó vì chúng ta có sẵn sách luật Sa di, Tỳ kheo. Mỗi ngày quý vị phải đọc giới bổn một lần, mới thấy điều giữ được, điều không giữ được. Nếu giữ không được, có phạm thì sám hối, tâm chúng ta thanh tịnh lần, giới thể hiện ra và có được tướng giải thoát của Tỳ kheo. Thọ giới xong mà không đọc tụng giới, không tìm hiểu, không thực hành giới pháp, không nhờ Thầy chỉ dẫn, chắc chắn không bao giờ hiểu biết giới pháp, tất nhiên không bao giờ thành tựu tánh Tỳ kheo và không thể trở thành pháp khí Đại thừa, mà trở thành phá pháp.
Ngày nay, ngoài phần giới bổn, còn có bộ Tứ Phần Như Thích là bộ luật đã giải thích các giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh. Theo tôi, quý vị mới thọ giới, mỗi ngày cần tụng giới bổn một lần và mỗi tháng phải đọc một lần phần giải thích giới. Đọc phần giải thích, nếu có điều không hiểu, hoặc gặp chướng duyên, phải cầu các bậc cao minh chuyên về giới pháp chỉ dạy; vì trong phần giới có khai, giá, trì, phạm. Tôi may mắn thân cận với Hòa thượng Thiện Hòa trong suốt tám năm. Ngài chuyên trì luật và tôi học luật với ngài. Nhờ vậy, tôi thành tựu được tánh Tỳ kheo, cho nên trải qua suốt thời kỳ dài, từ Giáo hội Lục Hòa Tăng cho đến Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi luôn gắn liền với sinh hoạt Phật pháp, ít phạm sai lầm, mới tồn tại vững vàng trong đạo pháp.
Tôi mong rằng quý Tăng Ni có phước duyên được xuất gia và thọ giới, cần siêng năng đọc tụng giới bổn, thân cận thiện tri thức, thực tập cho thành tựu tánh Tỳ kheo và tu hành tinh tấn cho đến đạt được quả vị Toàn giác. Cầu nguyện chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho quý vị thọ giới, đắc giới, thành tựu giới thể thanh tịnh để xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, là bóng mát cho chúng sanh nương nhờ để mọi người phát huy được sự nhận thức theo chánh pháp và sống an lành, đầy tình thương trong sáng trong Nhà lửa tam giới.
(Bài giảng tại giới đàn Huệ Thành, chùa Long Thiền, Đồng Nai, 2006)
Thật vậy, kinh Hoa Nghiêm khẳng định rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức, sanh ra tất cả Như Lai. Vì vậy, nhờ niềm tin, chúng ta mới thấy được Phật, hiểu Phật và thể nghiệm được pháp; trong khi chúng sanh bị nghiệp chướng nặng nề ngăn che, nên họ không thể tin Phật, nói chi đến thấy Phật và hiểu được giáo pháp của Ngài. Chính vì thương xót chúng sanh mà Đức Phật Thích Ca hiện thân trên thế gian này. Phật Thích Ca là một trong thiên bá ức hóa thân của Đức Phật bất sanh bất diệt hằng hữu trong Pháp giới; nơi nào có nhân duyên, Phật liền xuất hiện nơi đó để giáo hóa chúng sanh. Và khi Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời, mang thân tứ đại như mọi người, thì họ lại tưởng lầm rằng Phật cũng là người tầm thường giống họ. Sự thật tuy Đức Phật mang thân người, nhưng trong tâm trí của Ngài đã có đầy đủ phước đức vô lượng và sự hiểu biết siêu tuyệt của đấng Toàn giác. Còn chúng sanh hàm chứa trong tâm toàn là tánh ác xấu và tâm mê muội của phàm phu trôi lăn trong sáu đường sanh tử.
Nhìn bề ngoài con người ngũ uẩn, thì mọi người giống nhau, nhưng trong tâm trí của mỗi người, không ai giống ai. Vì tánh bên trong mỗi người khác nhau, cho nên trên bước đường tiến tu đạo nghiệp, có người đạt kết quả rất chậm, có người thăng hoa rất nhanh. Nếu là hàng thượng căn, bên trong sẵn có tánh từ bi của Phật và tâm trí sáng, thì từ hạt giống Bồ đề này mà khởi tu, chắc chắn họ phát huy thành quả rất dễ dàng và nhanh chóng. Còn hàng trung căn và hạ căn tuy không có nhiều hạt giống tốt lành, nhưng nhờ nghe pháp cũng lần thâm nhập và tiến tu được.
Với căn lành sẵn có, hàng thượng căn thấy Phật, hoặc nghe pháp, căn lành của họ liền được đánh thức và đạt được quả vị A la hán ngay; điển hình như Xá Lợi Phất thấy Phật liền đắc A la hán. Trong khi năm anh em tôn giả Kiều Trần Như thì kết quả tu hành nhanh chậm có khác nhau. Trong năm vị này, người đầu tiên nghe pháp Tứ Thánh đế liền đắc A la hán. Bốn người còn lại, sau một mùa An cư cũng đạt được quả vị A la hán. Đó là giáo đoàn đầu tiên do Đức Phật sáng lập. Nhưng lần lần về sau, số người tu hành theo Phật đông hơn, từ một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo đầu tiên cho đến hàng vạn Tỳ kheo sau đó tu trong giáo pháp Phật, có người thấy Phật và đắc quả Tu đà hoàn, hoặc Tư đà hàm, A na hàm cho đến A la hán. Có người thì sau một mùa An cư đắc đạo.
Hàng trung căn, hạ căn còn chậm hơn, vì do túc nghiệp nhiều đời ngăn che, nên sống gần Phật mà không thấy Phật, hay có lúc thấy Phật có lúc không. Vì thương xót những người bị nghiệp chướng ngăn che như vậy, cho nên Đức Phật đã chuyển đổi Tứ Thánh đế Vô tác thành Tứ đế sanh diệt để dạy cho họ dễ dàng tu tập. Với Tứ Thánh đế Vô tác, tất nhiên không cần nói, chỉ cần thông qua bản tâm thanh tịnh là đắc đạo. Trong khi với sanh diệt Tứ đế, thì tùy theo pháp có sanh có diệt, mà Phật nói Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Và như vậy, Khổ Tập Diệt Đạo hay Tứ đế sanh diệt vừa là giáo pháp cũng vừa là luật pháp mà Đức Phật đã giảng dạy cho Tỳ kheo thời bấy giờ. Mặc dù Đức Phật đã đưa ra pháp Tứ đế sanh diệt dễ thực hành hơn Vô tác Tứ đế, nhưng lại có những người chậm hiểu cũng không thể thực hành pháp Tứ đế sanh diệt để đắc đạo. Vì vậy, mỗi lúc lại có thêm người phạm lỗi lầm. Từ đó, Phật mới đặt thêm những giới điều như năm giới cho cư sĩ tại gia, mười giới tập sự của Sa di, 250 giới Tỳ kheo, 350 giới Tỳ kheo Ni. Đó là tất cả những giới tướng, giới điều mà Đức Phật phải chế đặt do chư Tăng không thanh tịnh phạm phải lỗi lầm trên bước đường tu. Từ đó về sau, tất cả những ai muốn tu hành, trở thành đệ tử Phật đều phải lãnh thọ đầy đủ những giới điều này được gọi là giới biệt giải thoát, nghĩa là tu được phần nào thì giải thoát phần đó, tức phần phá vô minh, phần chứng Pháp thân. Các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Sa di lãnh thọ giáo pháp rồi mới lãnh thọ được giới tướng do Hòa thượng truyền cho, do Thầy Yết ma tác bạch và do đại chúng đồng tình. Như vậy, giới tướng của quý vị mới được thiết lập; đó là luật trong đạo chúng ta. Thiếu những điều kiện này, tức không có Hòa thượng truyền giới, không có Thầy Yết ma tác pháp và không được đại chúng đồng ý, thì không thành tựu hình thức Sa di, Tỳ kheo.
Hôm nay các giới tử đã hội đủ duyên lành khó có. Đức Phật dạy thân người khó được. Thật vậy, trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người có điều kiện tu học dễ dàng để đạt đến quả vị Toàn giác; còn các loài khác không thể có những yếu tố thuận lợi như thế. Vì vậy, nếu để mất thân người, muôn kiếp chưa chắc có lại được. Chúng ta thử quan sát các loài sinh vật khác, chúng sanh sản rất nhiều và rất nhanh hơn loài người, như một ổ kiến hay một đàn cá sanh nở vô số con. Được làm người đã rất khó, mà được xuất gia tu học Phật pháp lại còn khó hơn nữa. Trên thế giới có sáu tỷ người, nhưng số người xuất gia được là bao. Đức Phật cũng dạy rằng vì có những giá nạn, tức bị những điều trở ngại mà không thể trở thành Tỳ kheo, như sanh trong thời kỳ không gặp được Phật pháp, hoặc sanh trong gia đình có tín ngưỡng tôn giáo khác, sanh ở những châu lục mà Phật pháp chưa truyền bá đến, v.v… thì làm thế nào được xuất gia, được thọ giới, được nghe pháp, hiểu pháp và tu hành. Ngay như ở Ấn Độ một trăm năm trước cũng không có người xuất gia theo đạo Phật. Mãi đến khi Ấn Độ độc lập, nhờ Thủ tướng Nerhu cho thành lập Viện Phật học Nalanda, đạo Phật mới bắt đầu được phục hồi. Tuy nhiên, khi Phật giáo Ấn bắt đầu gầy dựng lại, nhưng cũng do các Thầy Bà la môn giảng dạy Phật pháp. Mãi về sau mới có các nhà Sư Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, v.v… sang Ấn Độ học và truyền bá đạo Phật; ngày nay mới có một số chùa của các nước trên thế giới sang xây dựng. Một tỷ dân Ấn, nhưng chưa được mười triệu người Ấn theo đạo Phật. Hoặc hai ngàn năm trước, Phật giáo Việt Nam chưa có, nhưng Phật giáo ở Afghanistan đã ở vào thời kỳ vàng son, có nhiều tượng Phật cổ cao đến 60, 70m. Vậy mà ngày nay, không còn bóng dáng tu sĩ Phật giáo ở nước này, vì chỉ còn Hồi giáo. Chúng ta thấy gặp Phật pháp quả là khó khăn.
Trở lại Việt Nam, nếu một trăm năm trước, gặp Phật pháp cũng rất khó. Điển hình như sáu mươi năm trước, tôi xuất gia, khi đến chùa Long Thiền, tôi còn là Sa di. Phải nói là tôi rất may mắn được hầu cố đại lão Hòa thượng Pháp sư Huệ Thành. Lúc ấy được nghe giáo pháp không nhiều như bây giờ. Có người xuất gia ở chùa, chỉ giữ chùa, chứ không được nghe giáo pháp, không hiểu giáo pháp. Trong thời kỳ đó, tôi đến một số chùa, có nhiều Thầy tụng kinh Di Đà, nhưng không hiểu nghĩa kinh, nói chi đến ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống tu hành. Phải đọc kinh, phải hiểu kinh và ứng dụng đúng yếu nghĩa kinh, thì mới thành tựu tư cách của Tỳ kheo. Ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng đã hầu Hòa thượng Pháp Lan, được nghe pháp, tôi cảm thấy quá mừng. Về sau, vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, mới có lớp học Phật pháp. Rõ ràng Phật pháp rất khó được. Ở thời kỳ đó, phải chờ rất lâu mới có giới đàn. Tôi còn nhớ vào năm 1955- 1956, có giới đàn đầu tiên tại chùa Long Thiền và giới đàn thứ hai tại chùa Linh Nguyên, Đức Hòa, tôi thọ Sa di ở đó. Tôi xuất gia đã bao năm ở chùa, nhưng không có giới đàn để thọ giới; không như bây giờ, quý vị may mắn sanh trong thời Phật pháp hưng thạnh, ba năm lại có giới đàn. Trong tháng 10 năm nay đã mở ba giới đàn ở ba điểm là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu với trên ba ngàn giới tử thọ giới. Vào thời kỳ tôi thọ Cụ túc giới, chỉ có chín người được thọ giới. Thời gian đó được thọ giới đã khó, thời trước đó chắc chắn còn khó hơn nhiều. Có người tu suốt đời chưa được đăng đàn thọ giới. Chúng ta may mắn sống trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và Giáo hội đang trên đà phát triển. Lại có phước duyên được xuất gia, thọ giới để tấn tu đạo nghiệp, một việc mà thời kỳ trước chúng ta chưa có và thời kỳ sau chúng ta, không biết còn được như vậy hay không. Vì vậy, quý Tăng Ni phải biết trân trọng giữ gìn những điều khó có đã được và từ giới tướng này giúp chúng ta tu hành để thành tựu giới tánh Tỳ kheo.
Giới tướng thọ trước, giới tánh mới thành tựu sau. Vì thế, người mới thọ giới khác với người thọ giới đã năm, mười năm. Nếu đúng pháp tu hành, từng bước chúng ta phát triển đường đạo, vì đã thành tựu được giới tánh từng phần theo từng năm tháng tu hành. Đó là kinh nghiệm mà tôi muốn nhắc nhở quý vị thọ giới hôm nay. Mới thọ giới Sa di hay Tỳ kheo, chúng ta thường có cảm giác từ đây bị những giới điều này ràng buộc. Lúc thọ giới, quỳ trước Hội đồng Thập sư, các giới tử đều nói "Mô Phật, giữ được”; nhưng trở về chùa, quý vị có giữ đúng giới luật hay không mới là việc quan trọng. Nếu cố gắng giữ giới, lâu ngày sẽ trở thành tánh Tỳ kheo, nghĩa là thuần thục được tư cách của người xuất gia. Thật vậy, mới tu, thấy bị giới ràng buộc, nhưng tu đúng pháp, một thời gian thấy nhờ giới mà chúng ta được giải thoát. Đối với tôi, vào mùa An cư đầu tiên, khi Hòa thượng Thiện Hòa cắm cột mốc bốn hướng, không được vượt qua ranh giới này, tôi cảm giác như bị nhốt trong khuôn giới trường, không được ra khỏi chùa cảm thấy bực bội. Nửa tháng đầu, sanh bệnh, vì không được phép đi ra ngoài cảm thấy như bị thiếu hụt, nghĩa là thấy giới ràng buộc. Nhưng mùa hạ thứ hai, thứ ba, tôi cảm thấy quen lần. Cứ đến mùa An cư, thấy mình không còn bị những việc thế tục quấy rầy, nên rất thích ở yên trong chùa. Nhưng kể từ khi được Giáo hội giao trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, cố Hòa thượng Trí Thủ đã dạy tôi rằng nếu mùa An cư, chúng Tăng cấm túc mà Thầy không đi giảng dạy, thì hết mùa An cư, chư Tăng không còn tập trung lại, Thầy dạy ai. Lúc đó, tôi suy nghĩ đắn đo nhiều. Không đi giảng dạy mùa An cư thì thấy mình thiếu bổn phận, mà đi thì rất khó, vì đã tu tập quen đến mùa hạ là muốn ở yên trong chùa, lo sám hối, tụng kinh, tham Thiền, những thói quen này trở thành tánh Tỳ kheo rồi. Phải đi mùa An cư lúc ấy là cả một suy nghĩ, tính toán khó đối với tôi. Cuối cùng, cố Hòa thượng Thiện Hào dạy rằng Thầy cứ coi như Tăng sai là Thầy đi mà vẫn ở trong Tăng chúng. Từ đó, tôi ý thức thêm rằng hễ Tăng sai, ta làm là làm cho Tăng, nên ta vẫn ở trong giới pháp của Tăng. Tuy thân đi ra ngoại giới làm Phật sự, nhưng tâm chúng ta vẫn an trụ ở trong Tăng. Nếu tâm quý Thầy cách ly Tăng chúng, xa lìa Giáo hội là đã bị loại ra ngoài, mặc dù không ai nói gì, nhưng không còn ở trong giới pháp Phật. Ý này thường được gọi là "Mặc tẩn”, tức bị mọi người bỏ rơi, tuy còn hình tướng Tỳ kheo, nhưng thực chất tánh Tỳ kheo không thành tựu. Lỗi lầm này rất nặng, Phật ví như hòn đá vỡ làm hai, không thể kết dính lại được, hoặc như cây Sa La bị chặt đứt ngọn không thể lên được nữa. Cần luôn ý thức rằng dù có tan thân mất mạng, nhưng quý vị phải luôn giữ gìn tâm mình nối kết chặt chẽ với tâm Phật, với tâm đại chúng, với Giáo hội. Được như vậy, chúng ta mới tồn tại trong nhà Phật, phát triển được đạo nghiệp, đắc đạo trong giới pháp và được gặp minh sư, thiện hữu tri thức.
Mới thọ giới, bị ràng buộc. Nỗ lực tu hành, sống quen với giới và thành tựu giới tánh, thì thấy nhờ giới mà được giải thoát; đó chính là giới sanh Định và Định phát Huệ. Do giới sanh Định, vì nhờ ở các mùa hạ đầu tiên đã giữ kỹ giới luật bằng cách mỗi ngày đọc tụng, suy nghĩ về giới pháp. Khi Phật tại thế, chư Tăng hành đạo ở nơi nào cũng phải tập hợp lại để đọc tụng giới; vì lúc đó, chưa có kinh sách, nên không thể tự tụng được, phải tập hợp về đạo tràng nhờ Luật sư Ưu Ba Ly tụng giới cho nghe. Lúc đầu chỉ có năm giới rồi đến mười giới cho đến ba mươi giới, v.v… cứ như vậy mà giới pháp được tăng thêm. Hàng trung hạ nghe giới, có điều nhớ, điều quên; nhưng Ưu Ba Ly nghe điều giới nào Phật dạy, ngài nhớ đủ không sót. Khi Phật Niết bàn, Ca Diếp thỉnh Ưu Ba Ly tụng lại giới bổn cho đại chúng cùng nghe. Thời Phật tại thế, hay sau Phật Niết bàn khoảng một trăm năm, chỉ tụng thuộc lòng giới bổn, không có sách. Mãi ba trăm năm sau, thời vua A Dục mới kiết tập kinh điển và giới luật in trên lá dừa. Thời xưa, vì không có sách, muốn nghe giới, phải tìm Luật sư thuộc giới, hiểu giới dạy chúng ta. Theo quy định, phải hầu Thầy năm năm để Thầy dạy chúng ta tu giới; vì chúng ta không tự biết, không thấy được sai phạm của mình, cho nên cần sống gần Thầy để được nhắc nhở.
Ngày nay, việc đọc giới không khó vì chúng ta có sẵn sách luật Sa di, Tỳ kheo. Mỗi ngày quý vị phải đọc giới bổn một lần, mới thấy điều giữ được, điều không giữ được. Nếu giữ không được, có phạm thì sám hối, tâm chúng ta thanh tịnh lần, giới thể hiện ra và có được tướng giải thoát của Tỳ kheo. Thọ giới xong mà không đọc tụng giới, không tìm hiểu, không thực hành giới pháp, không nhờ Thầy chỉ dẫn, chắc chắn không bao giờ hiểu biết giới pháp, tất nhiên không bao giờ thành tựu tánh Tỳ kheo và không thể trở thành pháp khí Đại thừa, mà trở thành phá pháp.
Ngày nay, ngoài phần giới bổn, còn có bộ Tứ Phần Như Thích là bộ luật đã giải thích các giới điều mà chúng ta đã thọ lãnh. Theo tôi, quý vị mới thọ giới, mỗi ngày cần tụng giới bổn một lần và mỗi tháng phải đọc một lần phần giải thích giới. Đọc phần giải thích, nếu có điều không hiểu, hoặc gặp chướng duyên, phải cầu các bậc cao minh chuyên về giới pháp chỉ dạy; vì trong phần giới có khai, giá, trì, phạm. Tôi may mắn thân cận với Hòa thượng Thiện Hòa trong suốt tám năm. Ngài chuyên trì luật và tôi học luật với ngài. Nhờ vậy, tôi thành tựu được tánh Tỳ kheo, cho nên trải qua suốt thời kỳ dài, từ Giáo hội Lục Hòa Tăng cho đến Giáo hội Tăng già Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi luôn gắn liền với sinh hoạt Phật pháp, ít phạm sai lầm, mới tồn tại vững vàng trong đạo pháp.
Tôi mong rằng quý Tăng Ni có phước duyên được xuất gia và thọ giới, cần siêng năng đọc tụng giới bổn, thân cận thiện tri thức, thực tập cho thành tựu tánh Tỳ kheo và tu hành tinh tấn cho đến đạt được quả vị Toàn giác. Cầu nguyện chư Phật, chư Bồ tát gia hộ cho quý vị thọ giới, đắc giới, thành tựu giới thể thanh tịnh để xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, là bóng mát cho chúng sanh nương nhờ để mọi người phát huy được sự nhận thức theo chánh pháp và sống an lành, đầy tình thương trong sáng trong Nhà lửa tam giới.
(Bài giảng tại giới đàn Huệ Thành, chùa Long Thiền, Đồng Nai, 2006)