Sách
Theo tinh thần Phật dạy, không có pháp nào cố định đưa chúng ta đến Vô thượng Bồ đề. Pháp của Phật đều là phương tiện giúp chúng ta đi trên con đường giải thoát, nhưng nếu không biết, cố chấp thì nó lại trở thành phiền lụy cho chúng ta. Ý thức như vậy, khi tu tập, những gì cản trở con đường đi lên của tâm linh, chúng ta loại bỏ. Những gì giúp tâm hồn chúng ta từng bước trong sáng, an vui, thì nên tiếp tục.
Vì pháp là phương tiện, không phải cứu cánh, nên phải tùy lúc, tùy chỗ, tùy hoàn cảnh mà ứng dụng các pháp khác nhau cho thích hợp. Nếu chấp y một pháp, lúc nào cũng làm vậy là sai, không đắc đạo được. Thí dụ như chúng ta cần tu ở chùa để tập trung tinh thần cho dễ, lễ lạy hình tượng mà quán tưởng ra Phật Pháp thân vĩnh hằng bất tử, nuôi lớn được niềm tin. Bước đầu tu chúng ta cần nương phương tiện ấy. Tuy nhiên, sống mãi với hình tượng này lâu ngày, niềm tin chết mất, không tiến tu được nữa. Phương tiện ban đầu dùng cột tâm chúng ta trong giáo pháp, trong nghi lễ, cung kính, để ngăn cản tâm buông lung. Nhưng qua giai đoạn hai, là hành trình về tâm linh chúng ta mới quan trọng, vì nếu kẹt mãi vào phần vật chất, muôn đời không được gì. Mượn vật chất để tiến xa về tâm linh. Định giá trị người tu hành cũng định vị trên sự tu chứng tâm linh.
Tâm linh cũng có hai phần: quỷ linh là vọng thức và chân linh là Phật. Chúng ta tự xét khi tu phát huy được chân linh hay quỷ linh. Chỉ sai lầm một chút là lọt vô quỷ linh, công phu tu hành kể như mất trắng. Vọng tưởng điên đảo hay vọng thức cũng là linh hồn của chúng ta, nhưng là hồn dại. Chúng ta thường nghe nói ba hồn khôn chín vía dại. Dại nhiều hơn khôn, nên sai lầm nhiều hơn đúng.
Trên cuộc hành trình tâm linh, dại hay Thức thuộc về nghiệp và phiền não phát xuất từ tâm chúng ta. Vì vọng tưởng điên đảo, sanh tâm cố chấp, đưa đến hậu quả là ai nói gì khác, chúng ta không chấp nhận, chỉ nghĩ cái của mình là đúng thôi. Thực ra chúng ta đã rớt vô kiến hoặc phiền não, mà cứ tưởng mình đang hành chánh đạo.
Đức Phật dạy người tu Pháp Hoa theo Viên thừa, tức viên dung vô ngại, tâm tròn đầy đối với tất cả mọi người, với mọi pháp môn, nên không ai có thể làm phiền được. Ý thức điều đó, tôi giảng kinh tại nhà thờ Milan (nước Ý), người nghe cũng thấy an vui, họ mới đồng tình với tôi. Một số Thầy hay Phật tử nhiệt tình với đạo, nhưng hay chống báng người là đã rớt vô kiến hoặc phiền não, tự làm khổ mình và kiến chấp càng cao bao nhiêu, thế lực chống lại mình càng nhiều và càng cô lập mình bấy nhiêu. Trái lại, theo tinh thần Pháp Hoa, càng phát triển phải càng dung được nhiều người. Thật vậy, tu chân đạo, lòng chúng ta mở ra thì người khác đạo vẫn có thái độ tốt với chúng ta. Người tu lấy tâm như hư không làm chính, nên không chướng ngại. Chúng ta làm đủ việc tốt, nhưng xả ly tất cả. Cố chấp tôn giáo mình, Thầy mình, chùa mình, bạn mình… thì những thứ này bao vây ta, không thể giải thoát. Từ kiến chấp đó thuộc phiền não, chúng ta cứ tô bồi thêm, nên càng tu, chúng ta càng tối tăm, đau khổ thêm.
Hướng đi đúng chánh pháp là hướng đi về chơn tâm và xóa bỏ vọng nghiệp. Đọc một câu kinh, niệm một danh hiệu Phật, để xóa sạch một niệm ác. Khi ác niệm tẩy bỏ rồi, lòng chúng ta thanh thản, không còn gì để lo lắng. Con đường hướng đến giải thoát tất yếu phải vậy. Đức Phật nói rằng chúng sanh cứ lo chuyện không đáng lo, họ lo nghèo đói, khổ sở, nhưng càng lo càng phiền lụy, chẳng giải quyết được gì vì sợ khổ mà cứ tạo nhân khổ. Còn việc đáng lo là thoát ly sanh tử, họ lại không lo.
Chúng ta thấy đúng ý Phật dạy là không nên vì cái thân này để khổ, nhưng phải biết thêm rằng thân tứ đại ngũ uẩn rất quan trọng, quý báu. Nó là phương tiện giúp chúng ta thăng tiến tâm linh. Thân con người ví như hỏa tiễn, tâm linh là phi thuyền. Phải biết kết hợp hai phần này để thành sức mạnh đẩy tâm linh phát lên. Chúng ta cho nhiên liệu vô hỏa tiễn, nói cách khác, cung cấp cho thân thể thức ăn, hơi thở đầy đủ, tạo thành nhiệt, thành sự sống. Nhờ đó, tâm linh chúng ta mới phát được. Muốn thoát ra khỏi sanh tử, chúng ta phải đốt hỏa tiễn người để đẩy phi thuyền tâm linh vào Niết bàn. Còn chúng ta có hỏa tiễn tốt, tức thân thể tốt, nhưng không biết sử dụng, nhiên liệu cháy hết, mà phi thuyền tâm linh không bay được, chúng ta vẫn ở trong sanh tử. Nói cách khác, sức sống tâm linh của chúng ta bị tình cảm ghét thương, tham vọng phá hủy, không thể thăng tiến được. Vì vậy, phải biết dùng thân thể khỏe mạnh vào việc phát huy đời sống tâm linh. Khi sức sống tâm linh càng lên cao thì đời sống vật chất càng nhẹ lần, tiến đến đời sống siêu vật chất. Bấy giờ, ham muốn bình thường không có khả năng khuấy nhiễu, tâm hồn ta sáng lên, đạt đến giải thoát là Không, vô tác, vô nguyện. Trên bước đường tu, thâm nhập được thế giới Không, từ tác ý là không, không khởi tâm nên vô niệm, thì kiến hoặc, tư hoặc bị đốt cháy, cuộc đời không chi phối được chúng ta, vì ta biết rõ, không làm nô lệ cho vô minh nữa.
Bước vào hành trình tâm linh, chúng ta thấy được chân lý, hiểu được nghĩa lý sâu xa của kinh, nên theo đó hành đạo, không theo hình thức nữa. Hành đạo theo Chân thật môn, chúng ta thấy được người bạn chân thật và người bạn tạm bợ. Người bạn chân tình song hành trong thế giới tâm linh với chúng ta, cùng vượt sanh tử với chúng ta, ta cùng đi mãi với họ. Đó mới là người bạn quý báu vô cùng mà chúng ta cố gắng giữ gìn, đừng để mất, ta sẽ cô đơn lắm. Còn loại bạn sanh tử, nhất thời trong kiếp này thôi, tâm hồn nó vậy, còn tâm ta khác hẳn. Chỉ cần ta tiến vài bước rồi là bỏ nó lại ngay, dứt khoát không gặp được. Nhưng nếu không biết, dừng lại đấu khẩu với quỷ trong sanh tử thì bạn tốt và Thầy đã đi mất. Từ thuở nhỏ, tôi đã tâm đắc ý này, thường tâm niệm đường ta đi còn dài, việc còn nhiều, phải vượt mau cho kịp đoàn người ra khỏi sanh tử. Còn đứng lại thì bị cản bước, ở luôn đời đời kiếp kiếp trong Nhà lửa này. Chúng ta cố tranh thủ những người bạn quyết tâm vượt sanh tử là Bồ tát và Bồ tát quyến thuộc, tạo thành đoàn người, nương nhau đi, cùng tìm cách giải quyết việc êm xuôi để tới đích cho nhanh. Đó là hành trình tâm linh, thấy rõ người nào là bạn đường quý báu. Nếu thật là bạn tâm linh thì họ ở đâu, mình cũng đến được. Nhưng là bạn kìm ta trong sanh tử, phải tránh, dù họ giàu có, quyền thế cũng mặc, vì tiếp xúc càng thêm phiền lụy cho ta.
Thực tế cho thấy vua Trần Thái Tông bỏ ngai vàng, lặn lội cực khổ để tìm Thầy học đạo. Không phải ở thành Thăng Long không có chùa, không có Sư, nhưng dưới mắt ông, chùa cao Phật lớn, lợi danh không thể giải đáp ẩn số của cuộc đời. Cuộc hành trình tâm linh đã thúc đẩy ông vượt suối băng ngàn, lên tận Yên Tử để tìm Phù Vân Quốc sư, một vị Thầy khả kính mà ông vừa nhìn thấy là mọi ưu phiền tan biến. Tâm hồn thoát tục của Phù Vân và tâm hồn hướng thượng của Trần Thái Tông gặp nhau, cảm thông nhau, dìu dắt nhau về tâm linh. Thâm nhập thế giới thanh tịnh ấy rồi, tâm hồn mở rộng, thoát ly được sanh tử, có nguồn vui kỳ diệu, thì ăn hạt dẻ, uống nước suối, không chút tiền tài, danh vọng cũng trở thành hạnh phúc tuyệt vời đối với nhà vua hơn là cao lương mỹ vị, phú quý ở ngai vàng trần thế. Vì thế mà khi Trần Thủ Độ cùng quan quân lên mời vua về, ông vẫn một mực từ chối. Phù Vân phải khuyên ông về lo việc nước vừa tu hành, ông mới nghe theo.
Hạn chế dần cho đến từ bỏ đời sống vật chất và chuyên phát triển đời sống tâm linh, chúng ta gạn bỏ tất cả phiền não trần lao, phát huy tâm từ bi hỷ xả, nên hiện tướng bên ngoài giải thoát, khiến người phát tâm tu. Tu đúng pháp như vậy thì chúng ta đạt quả vị giải thoát A la hán hay là Bồ tát làm lợi ích cuộc đời, cho đến đầy đủ phước đức, trí tuệ, thành Vô thượng Đẳng giác.
Tóm lại, ta tu phương tiện bên ngoài, mượn cảnh trần vật chất để điều chỉnh cơ thể, tâm lý. Từng bước tác động tâm linh chuyển biến tốt đẹp, thánh thiện thì tâm ta và Phật, Bồ tát tương ưng. Các Ngài mới gia bị cho chúng ta hành đạo trên thế gian lợi ích cho chúng hữu tình. Nhận được gia trì lực từ chư Phật, Bồ tát, việc làm chúng ta hết sức nhẹ nhàng, thanh thản mà kết quả lớn lao không thể nghĩ bàn. Thành tựu đạo lực như vậy, chúng ta mới có khả năng hàng phục chúng ma, duy trì mạng mạch Phật pháp trường tồn trong khắp mười phương Pháp giới, lợi lạc muôn loài.