Sách
Bài nói chuyện của Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN tại khóa Bồi dưỡng Giảng sư và hội thảo Hoằng pháp tổ chức ngày 6-10 /5/2004 tại Thiền viện Quảng Đức, TP. HCM.
Nói đến vấn đề hoằng pháp ở thế kỷ 21, chúng ta liên tưởng đến thế kỷ 19, 20 hoặc những thế kỷ trước nữa, đều có cách thuyết pháp riêng. Tất nhiên ở thế kỷ 21 của chúng ta cũng phải có phương cách thuyết pháp cho thích hợp với thời đại mới. Đó là vấn đề lớn được đặt ra. Tôi mong rằng Tăng Ni với những kinh nghiệm hoằng pháp ở địa phương hãy đóng góp ý kiến, để buổi hội thảo này thêm phần phong phú và đạt được hiệu quả tốt.
Có thể nói thế kỷ 21 của chúng ta có nhiều điều kiện tốt hơn các thế kỷ trước về phương diện hoằng pháp cũng như về mọi lãnh vực khác. Tôi còn nhớ ở thế kỷ 20 khi Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp. Ngài đã nghĩ ra phương cách làm cho giáo lý Phật được mở rộng. Thật vậy, vào thời đó, vấn đề giảng dạy Phật pháp hiếm có. Thỉnh thoảng mới có những buổi thuyết pháp của các vị Pháp sư lớn và các vị này thường đọc kinh chữ Hán rồi giải thích.
Tuy nhiên, Hòa thượng Thiện Hoa nhận thấy cách giảng dạy như thế không còn thích hợp. Vì thế, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài mới nghĩ cách hoằng pháp theo phương hướng mới. Để việc thuyết pháp phù hợp với trình độ của đa số quần chúng, Ngài đã cho biên soạn tập tài liệu thích ứng với hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Đó là bộ sách Phật học phổ thông đầu tiên.
Tên sách là Phật học phổ thông gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng vào thời kỳ trước Hòa thượng Thiện Hoa, các vị thường chủ trương giáo lý của Đức Phật chỉ dành riêng cho tầng lớp có trình độ cao siêu mới học được. Vì thế, Hòa thượng Thiện Hoa đã đưa quan niệm giáo lý cao siêu này trở lại thực tế cuộc sống bằng mười bài giáo lý phổ thông.
Chủ trương truyền bá giáo lý phổ thông nghĩa là làm cho mọi người hiểu và ứng dụng được lời Phật dạy trong cuộc sống. Điều này vô cùng quan trọng và đã mở đầu cho phong trào học Phật từ thời chấn hưng Phật giáo cho đến ngày nay, bộ sách Phật học phổ thông của Hòa thượng Thiện Hoa vẫn còn giá trị và được nhiều người sử dụng. Tôi nghĩ rằng Ngài đã có một cái nhìn thực tiễn rất sáng suốt.
Khi sang Nhật tu học, giáo sư xã hội học là ông Kubota đã giao cho tôi công việc nghiên cứu, tìm hiểu những người tin theo đạo Phật. Qua đó, tôi mới nhận thấy rõ người học Phật mang tính phổ thông chiếm đến 80% trong số tín đồ Phật giáo. Thực tế cho thấy đa số họ là những người bình dân không thể tìm hiểu triết lý sâu xa trong kinh.
Nếu sinh hoạt theo hướng triết lý sâu xa của kinh điển, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ rơi 80% số người thuộc trình độ phổ thông theo đạo Phật. Và đa số những người này sẽ đi theo con đường mê tín dị đoan của tà giáo. Sinh hoạt thực tế ở khắp đất nước chúng ta cũng cho thấy có nhiều ngày lễ hội tôn giáo; riêng ở miền Nam, những ngày vía kéo dài thu hút một số lượng người rất lớn đổ về núi Bà ở Châu Đốc, Tây Ninh để cầu nguyện, lễ bái. Họ là Phật tử, nhưng Phật giáo chúng ta bỏ quên họ, không đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng của họ, nên đã đẩy họ đi theo các tổ chức khác.
Còn những người có khả năng tìm hiểu nghĩa lý sâu xa trong đạo Phật, họ đi vào con đường Phật học bằng tri thức, chỉ có 10%, để trở thành nhà nghiên cứu Phật học hay tu sĩ chân chánh. Số người này quả là quá ít, so với 80% là người bình dân theo đạo Phật. Vậy mà lâu nay người hoằng pháp chúng ta không để ý đến vấn đề này.
Trong thập niên 60, Hòa thượng Thiện Hoa đã tổ chức khóa Như Lai sứ giả và cung cấp cho các vị trụ trì tài liệu hoằng pháp là mười bài Phật học phổ thông. Mười bài giáo lý này được coi như cẩm nang giúp cho các nhà tu hành đương thời truyền bá chánh pháp ở khắp mọi nơi.
Và đối với những vùng xa, trong những thập niên 50, Phật tử khát khao nghe pháp, nhưng thiếu Giảng sư trầm trọng. Vì thế, lúc bấy giờ tôi chưa thọ Cụ túc giới, nhưng Hòa thượng Thiện Hoa đã gởi tôi lên Bình Long, Đồng Xoài giống như vùng kinh tế mới thời nay, để thuyết pháp. Mặc dù chỉ là Sa di, nhưng tôi vẫn thuyết pháp được; vì trình độ của quần chúng ở nơi này còn thấp.
Nhiều người thường nghĩ rằng phải có trình độ Thạc sĩ hay Tiến sĩ mới giảng được. Điều này không đúng. Vì thử nghĩ chúng ta giảng cho ai nghe đây? Giảng cho người trình độ cao thì có mấy người nghe? Cần nhớ rằng đối tượng của chúng ta giảng là quần chúng thuộc trình độ phổ thông.
Một kinh nghiệm khác nữa về hoằng pháp của tôi xin được chia sẻ với quý vị. Trước kia, khi Hòa thượng Huyền Vi mời tôi giảng nhân ngày lễ Phật Đản. Phật tử nghe nói tôi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Nhật về, nên tò mò đến nghe thử tôi giảng cái gì. Nhưng sau khi nghe tôi giảng độ mười lăm phút, họ từ từ ra khỏi giảng đường! Trong khi Thầy Liễu Minh không có học vị, nhưng người nghe giảng càng lúc càng đông.
Điều này đã cho tôi một suy nghĩ mới. Vì học cao, nghĩ sâu thì chính cái kiến thức cao sâu này làm cho chúng ta tách rời quần chúng bình dân. Thật vậy, họ không thể nghe, không thể hiểu được những gì chúng ta nói, thì làm thế nào ngồi yên nghe ta được. Thầy Liễu Minh nói sát với yêu cầu thực tế của người, thì họ bằng lòng nghe là tất yếu. Tôi lấy kinh nghiệm của riêng tôi để nhắc nhở các vị Giảng sư không nên nói những điều cao siêu, xa rời thực tế; cần giảng dạy những điều phù hợp với nhận thức của quần chúng để họ có thể tiếp thu được, cho họ phương hướng giải quyết những vướng mắc, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Thiết nghĩ thời xưa và nay cũng thế, đối tượng hoằng pháp của chúng ta vẫn là 80% tín đồ bình dân. Họ cần hiểu biết Phật học phổ thông và chúng ta đáp ứng được như vậy là đủ.
Tuy nhiên, ngày nay Giáo hội chúng ta đã mở rộng sinh hoạt; nên Ban Hoằng pháp có phân chia thêm công việc hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, đối tượng hoằng pháp của chúng ta là dân tộc thiểu số, dân chúng ở vùng sâu, vùng xa, thì trình độ của họ còn thấp hơn nữa, đồng thời phong tục, tập quán của họ còn khác nhiều so với thành phố. Vậy mà lâu nay, chúng ta lại sử dụng kiến thức dành cho người thành phố để giảng cho họ nghe; tất nhiên họ không thể hiểu, không chấp nhận và công việc giảng dạy của chúng ta phải thất bại.
Riêng tôi, nghĩ đến đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, tôi đã thử thí nghiệm và đạt được kết quả tốt, muốn trao cho quý vị cùng suy nghĩ để phát huy việc hoằng pháp được tốt đẹp.
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đa số dân chúng rất nghèo. Giúp đỡ dân nghèo là công việc chính yếu mà Phật giáo chúng ta đã có Ban Kinh tế, Ban Từ thiện xã hội thường làm. Nhưng theo tôi, những ban này hoàn toàn làm việc riêng rẽ, nên không đạt hiệu quả tốt. Thí dụ Ban Từ thiện xã hội trong nhiều năm qua đã bố thí cả hàng tỷ đồng, nhưng người nhận của cho này có biết gì Phật giáo hay không, có nghĩ đến Phật giáo hay không? Tất cả mọi người theo đạo Phật, chúng ta đều quyên góp họ tối đa và chúng ta lại đem bố thí cho mọi người. Theo tôi, làm như vậy không hợp lý.
Chúng ta quyên góp đến mức nhiều người phải sợ, phải trốn. Thậm chí họ không dám đến chùa thì nhiều vị cũng tìm cho được địa chỉ của họ để đến tận nhà xin. Người có cảm tình với Phật giáo, đóng góp cho chúng ta theo cách như vậy, thì đến một lúc nào đó, họ sẽ bỏ rơi chúng ta, sinh hoạt của chúng ta tất nhiên sẽ bị tê liệt.
Riêng tôi, thử làm thí nghiệm bằng cách kết hợp công việc hoằng pháp với từ thiện. Tôi đến vùng Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Thuận, nơi có nhiều Phật tử rất nghèo. Tôi đã kết hợp với Ban Từ thiện của Báo Giác Ngộ, tôi đến đó thuyết pháp và ban này cùng đi để phát quà. Đồng bào theo Phật giáo tập họp về chùa nghe pháp xong thì được mời dùng cơm, được tặng quà và hỗ trợ thêm tiền xe. Chúng tôi phát 200 phần quà mà đã có 500 người phát tâm quy y.
Trước kia, họ không đi nghe pháp với lý do là không có thì giờ, phải đi làm để kiếm cơm. Nếu đi nghe pháp, họ phải đi xa cả chục cây số, phải bao xe đi tốn tiền và phải mang theo thức ăn, rồi còn phải có tiền cúng chùa. Trong khi đời sống của họ rất cơ cực, kiếm đồng tiền rất khó khăn. Những lý do đó đã ngăn cản họ sinh hoạt với các chùa, dù họ có cảm tình với Phật giáo. Vì thế, chúng ta có gởi các Giảng sư đến những vùng xa giảng cũng không có ai đến nghe, hoặc người nghe rất ít.
Tuy nhiên, nếu biết kết hợp việc thuyết pháp với từ thiện, thực tế cho thấy rõ dân chúng rất hoan hỷ đến nghe pháp. Vì ít nhất trong một ngày về sống dưới mái chùa, họ đỡ phải lo bươn chải kiếm miếng ăn và cũng không phải tốn kém gì. Chẳng những đời sống vật chất của họ được chúng ta giúp đỡ phần nào mà cả đời sống tinh thần của họ cũng được thoải mái, an vui. Được nghe giảng dạy những điều thiện, lâu ngày họ cũng thấm nhuần luật nhân quả, bớt làm việc xấu, bớt buồn phiền, bớt cay đắng với cuộc sống khổ cực của họ và niềm tin với Phật pháp cũng thêm tăng trưởng.
Tôi chủ trương xin người giàu cho người nghèo, xin người thành phố giúp người nông thôn, để tạo điều kiện giúp đỡ dân chúng địa phương tu hành. Làm như vậy, một số chùa ở vùng xa đã gởi tôi danh sách người xin quy y, nơi này có 100 người, nơi khác 500 người phát tâm. Và trong thơ, vị trụ trì luôn kèm theo lời dặn rằng Hòa thượng có đi nhớ đem theo 1.000 phần quà cho Phật tử!
Thiết nghĩ trong công việc hoằng pháp, chúng ta cần có cái nhìn thực tế. Đối với đồng bào còn nhiều khó khăn vật chất, không thể giảng suông và chúng ta cũng không nên cho suông. Cần phải kết hợp việc giảng dạy giáo pháp với việc giúp đỡ đời sống vật chất cho quần chúng, mới đạt kết quả tốt hơn. Giúp đỡ vật chất để họ yên tâm tu học; không cho không và giảng pháp để họ phát tâm, không phải nói suông rồi thôi. Lâu nay chúng ta làm từ thiện rồi đi về tay không, hoặc chúng ta thuyết giảng rồi cũng về tay không. Không có người nào phát tâm theo Phật đạo sau khi nhận của bố thí, hay sau khi nghe pháp cả.
Trên bước đường hành đạo, tôi đã đến các xã có chùa, hay niệm Phật đường, nhưng chưa có Tăng Ni. Như đã nói, tôi dạy họ những pháp căn bản để cải thiện tâm hồn họ, giúp họ hướng về nẻo chánh việc thiện; đồng thời giúp họ có bữa cơm chay trong ngày và cho thêm quà, tiền xe đi đến chùa nghe pháp. Hoằng pháp theo phương cách này đối với vùng xa, vùng nghèo, số tín đồ theo Phật giáo do tôi hướng dẫn tăng thêm thấy rõ. Và phải suy nghĩ thêm cách giảng dạy giáo lý lâu dài cho họ là điều tất yếu.
Thời Hòa thượng Thiện Hoa có cách làm khác. Thời của chúng ta cũng phải khác. Nếu cử Giảng sư thành phố đi vùng xa, vùng sâu thì chi phí tốn kém nhiều. Nhưng ở thời đại ngày nay, chúng ta phải sống thực tiễn; đầu tư cho công việc nào, số lợi nhuận phải lớn hơn kinh phí sử dụng thì mới hợp lý. Tiền của tốn nhiều, nhưng kết quả không được bao nhiêu, thì càng làm chúng ta càng bị kiệt quệ. Phải nghĩ cách làm việc lâu dài.
Tôi nghĩ rằng ở thời đại của chúng ta, vấn đề thông tin có điều kiện rất tốt, rất thuận lợi. Tôi gợi ý với các niệm Phật đường ở vùng sâu, vùng xa rằng tôi sẽ tặng họ một cái Tivi và một đầu máy. Các Phật tử có thể về chùa lễ Phật, tụng kinh và học giáo lý qua băng giảng do chúng ta cung cấp cho họ.
Theo tôi, mỗi Giảng sư ở các tỉnh thành có thể phụ trách năm hay mười niệm Phật đường, mà không cần đến các nơi đó một cách liên tục. Quý Thầy đến sắp xếp, cho Phật tử nghe băng, coi phim; giúp họ thấy được sinh hoạt ở các hội trường lớn và nghe được Giảng sư nổi tiếng thuyết pháp. Sau đó, quý Thầy khai thác thêm một số vấn đề trong băng giảng để làm cho giáo lý sáng tỏ thêm, giúp họ dễ hiểu hơn và ứng dụng được trong cuộc sống. Hoằng pháp theo cách như vậy rất nhẹ nhàng, ít tốn kém mà đạt được hiệu quả cao.
Người Nhật đã sử dụng cách giảng dạy này từ 40 năm trước. Khi sang Nhật, tôi đã làm công việc này. Họ không cần Giảng sư nổi tiếng về nông thôn. Ban Hoằng pháp của họ chỉ cử người đến mở băng giảng và làm công tác thuyết minh thêm. Làm như vậy thì công việc của chúng ta nhẹ hơn và làm được nhiều hơn và phong phú hơn. Thời đại của chúng ta có nhiều điều kiện tốt giúp chúng ta truyền bá những bài giảng hay bài hát Phật giáo đến những vùng xa, vùng sâu.
Song song với việc phổ biến giáo lý qua băng từ, Ban Hoằng pháp còn nghĩ đến việc giảng dạy qua sách vở. Chúng tôi sẽ cho biên soạn những tập giáo lý ngắn, gọn, dễ hiểu, để Phật tử vùng xa học được. Các Giảng sư hoằng pháp bằng cách đem sách và băng từ cho Phật tử; đồng thời thuyết minh thêm cho họ hiểu rõ. Điều này rất cần thiết trong thời đại của chúng ta và thiết nghĩ vị Giảng sư nào cũng làm được.
Ngoài ra, tôi cũng nghĩ đến việc đưa giáo lý của Đức Phật lên mạng Internet để chúng ta có thể phổ biến giáo pháp trên toàn cầu. Nếu trong tương lai có đủ thuận duyên, chúng ta nên mở một trang Web để Tăng Ni, Phật tử đều có thể truy cập mạng, theo dõi, học hỏi. Có như vậy, chúng ta mới nắm bắt được sinh hoạt của Phật giáo thế giới, biết được những điều mới lạ và đặc thù của Phật giáo thế giới và đúc kết lại để giảng dạy cho Phật tử ở địa phương mình phụ trách. Hoằng pháp theo hướng này, kiến thức của Phật tử cũng như của chính chúng ta sẽ được cập nhật hóa theo sự tiến bộ của thời hiện đại, nhất định Phật giáo chúng ta sẽ dễ dàng phát triển.
Muốn thực hiện những việc vừa nêu trên được tốt đẹp, theo kế hoạch của Giáo hội, ban Hoằng pháp phải lập Giảng sư đoàn Trung ương và Giảng sư đoàn của các tỉnh thành.
Quý vị ở tỉnh thành phải xúc tiến ngay việc thành lập Giảng sư đoàn của tỉnh mình. Vì kế hoạch nào cũng cần phải có con người thực hiện mới thành tựu. Mỗi tỉnh thành có từ 10 người đến 30 hay 40 người có thể kết hợp thành Ban Hoằng pháp của tỉnh thành và phân công mỗi vị trong Ban Hoằng pháp phụ trách ở một hay hai huyện, đến những nơi có chùa để giảng dạy. Nếu có nhiều Giảng sư thì có thể thành lập Giảng sư đoàn cho tỉnh đó, để ngoài công tác truyền bá Phật pháp ở tỉnh nhà, quý vị còn gởi Giảng sư về thành phố tham dự những lễ lớn.
Giảng sư của các tỉnh phụ trách vùng xa ở quận, huyện thì không cần có trình độ học vị cao, nhưng vị này phải có năng khiếu trình bày cho người nghe dễ tiếp thu. Vì thế, chúng ta chọn Giảng sư là người hùng biện, có khiếu ăn nói. Người có học vị đôi khi lại không nói năng lưu loát trước quần chúng được.
Ở Nhật, tôi tham dự những buổi thuyết trình của các nhà hùng biện và có ba mẫu người được chọn. Mẫu người hùng biện được xếp thứ nhất là một vị tu sĩ của Pháp Hoa tông. Ông này không có học vị gì , kể cả bằng tiểu học cũng không có, nhưng lại được xếp vào hàng hùng biện lớn nhất. Điều này cho thấy người có khả năng thuyết phục quần chúng mới quan trọng. Với lực thuyết phục cao, ông đã lãnh đạo hội đoàn Phật giáo Sokai Gakkai có 16 triệu tín đồ và ông tổ chức được mạng lưới hoằng pháp thật rộng rãi ở khắp nông thôn. Như vậy, một nhà hùng biện không cần bằng cấp mà vẫn thu hút được quần chúng nghe theo. Sự thành công của vị này cho chúng ta thấy vấn đề năng khiếu là cần thiết.
Nhà hùng biện thứ hai là giáo sư Đại học có ba bằng Tiến sĩ mà vẫn phải đứng sau một người không có bằng cấp. Ông cho biết nhờ luyện tập mà trở thành nhà hùng biện. Ông học để ứng dụng vào cuộc sống, không phải học để lấy bằng cấp. Học để ứng dụng vào cuộc sống nghĩa là lúc nào cũng rèn luyện khả năng thuyết phục của mình. Vì nếu lo lấy bằng cấp thì không còn thì giờ rèn luyện khả năng.
Theo tôi, luyện tập khả năng nói trước quần chúng bằng cách chúng ta chọn một đề tài nào đó để nói cho đối tượng nào đó. Đây là việc quan trọng của Giảng sư. Không phải có một đề tài chung nói cho mọi người nghe được; đề tài khác thì phải nói cho người khác. Xưa kia Đức Phật cũng là nhà hùng biện vậy. Ngài nói với vua chúa khác với nói cho người cùng đinh, hay đối với chư Thiên, Ngài dùng đề tài khác.
Chọn đề tài thích hợp với đối tượng nghe là công việc quan trọng của Giảng sư. Đối tượng của chúng ta là người Khơme, hay người Chăm, hay Êđê, hoặc người nông thôn ở vùng Nam bộ, hay người ở vùng núi Bắc bộ, v.v… Và những đối tượng này tôn thờ cái gì, phong tục tập quán của họ ra sao, chúng ta phải biết rõ.
Giảng sư phải tìm đối tượng và biên soạn bài giảng thích hợp với đối tượng này; không thể khác. Ngài Nhật Liên cũng dạy rằng giáo lý phải thích hợp với căn cơ, ngày nay gọi là đối tượng. Chúng ta biết cách sống của họ, cách suy nghĩ của họ và yêu cầu của họ, thì nói những điều tương ưng, sẽ thành công.
Ông Ikeda thành công là nhờ luyện tập điều này. Dù không có người nghe, chúng ta tưởng tượng trước mặt mình là thính chúng và tự luyện tập cách trình bày. Luyện tập lâu ngày như vậy, chúng ta sẽ quen với lời nói, với đề tài, thì đến nơi giảng, chúng ta diễn tả dễ dàng.
Nhưng khi giảng, chúng ta nhìn thẳng vào đối tượng, xem phản ứng của họ qua thái độ, cử chỉ, ánh mắt của họ thì biết họ có nghe hay không. Nhìn lên trần nhà mà nói, đối tượng ngủ cũng được là hỏng. Nếu họ nghe, nhưng không hiểu, chúng ta phải điều chỉnh sao cho trình bày của chúng ta ăn khớp với suy nghĩ của họ.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, nếu thấy điều mình nói không ăn khớp với tâm trí của người nghe, tôi chuyển đổi. Nhưng chuyển đổi vài lần mà họ cũng không tiếp thu được, thì tôi kết thúc bài giảng sớm. Có nhiều Giảng sư cứ ráng nói cho hết giờ mới nghỉ; làm như vậy sẽ khiến người nghe chán thêm, không lợi ích gì cho cả ta và họ.
Mỗi lần chúng ta giảng dạy, lại có thêm kinh nghiệm về những điểm được và không được. Chúng ta phải biên soạn những đề tài khác để trình bày nơi khác. Và cứ như thế, những nhược điểm đã vấp phải được chúng ta sửa đổi trong lần kế tiếp, thì người nghe thấy chúng ta có đổi mới hay hơn, họ dễ chấp nhận.
Giảng dạy nhiều đến lúc chúng ta có được tập tài liệu với nhiều đề tài khác nhau, chúng ta sẽ trở thành Giảng sư tự do, tự tại. Lúc ấy, nhìn thẳng vào đối tượng mà nói, không cần dàn bài, tài liệu gì nữa. Vì chúng ta đã có sẵn trong tâm trí nhiều tư liệu, chỉ việc quán sát tâm người nghe muốn nghe gì thì ta theo đó mà triển khai cho họ thấy được đáp số của vấn đề. Như vậy ai mà không thích nghe. Mong rằng mỗi vị Giảng sư hiện diện nơi đây đều là ngọn đuốc soi đường cho những người hữu duyên thăng hoa tri thức, đạo đức, cùng tiến đến Bảo Sở.