Sách
Năm 1979, lần đầu tiên ra thăm đất Bắc và có duyên đến Nam Định, viếng chùa Vọng Cung, tôi mới được diện kiến Hòa thượng Tâm Thông. Qua câu chuyện, tôi được biết trong suốt thời gian chiến tranh vừa qua, ở miền Bắc chỉ còn duy nhất chùa Vọng Cung là có thuyết giảng Phật pháp liên tục, do chính ngài chủ giảng. Vì vậy, khi nhìn thấy các Phật tử tiếp rước đoàn tại chùa Vọng Cung, tôi có cảm giác nơi đây an lành như Thánh địa. Trong khi mọi nơi đều đổ nát thảm thương vì chiến tranh, nhưng ở chùa Vọng Cung vẫn bình an, Hòa thượng vẫn tự tại tuyên dương chánh pháp. Điều này khiến tôi sanh cảm tình quý trọng Hòa thượng vô cùng.
Năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước. Tôi được Giáo hội đề cử làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương. Tôi đã mời ngài tham gia vào hoạt động của Ban Hoằng pháp. Ngài vui vẻ nhận lời, nói rằng làm được bất cứ điều gì cho đạo, thì ngài sẵn lòng. Câu nói thật dễ thương, phát xuất từ tấm lòng thật dễ mến.
Hòa thượng là bạn của Thầy tôi là Hòa thượng Thiện Hòa. Với tư cách của bậc trưởng thượng như vậy, ngài lại bằng lòng giữ chức vụ Ủy viên Hoằng pháp, làm việc dưới sự lãnh đạo của tôi. Điều này càng làm tôi kính phục ngài hơn nữa. Quả thực ngài là bậc chân tu thạc đức, không nghĩ gì đến địa vị, danh vọng, không tự ái khi làm việc dưới người đáng học trò của ngài. Ngài chỉ một lòng vì đạo, sẵn sàng đóng góp công sức cho đạo pháp được lợi lạc, chẳng nề hà điều gì. Tâm niệm cao cả đó của Hòa thượng khiến tôi liên tưởng đến Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Theo tinh thần Đại thừa, ngài Văn Thù là Thầy của ba đời các Đức Phật. Mặc dù là vị cổ Phật, ngài Văn Thù vẫn hiện thân làm Bồ tát để trợ hóa các Đức Phật tiếp độ chúng sanh.
Thực sự nếp sống của Hòa thượng Tâm Thông thể hiện đậm nét tính cách vị tha, khiêm tốn, nên ai cũng thương mến, quý trọng ngài. Công việc hành đạo của ngài cũng theo đó thăng hoa, với các chức vụ được Giáo hội suy cử là Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương, rồi Phó Pháp chủ, kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Và điều quan trọng nữa là tôi chưa nghe ai than phiền về Hòa thượng. Quả thực ngài đã tỏa sáng hình ảnh của bậc tòng lâm thạch trụ. Còn một kỷ niệm khác nữa mà tôi khó quên khi nhắc đến Hòa thượng. Trong Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ II (1987), tôi và Hòa thượng Tâm Thông, Hòa thượng Thiện Siêu lãnh trách nhiệm lên thăm Yên Tử. Lúc đó, đường đi còn khó khăn, xe bị hư máy mấy lần. Ai cũng mệt mỏi, nhưng Hòa thượng vẫn ung dung tự tại, lúc nào ngài cũng thốt lên hai chữ: "Tổ độ”. Rõ ràng tâm ngài vô cùng hoan hỷ và cuộc sống không vướng bận bất cứ thứ gì, thể hiện nét đẹp cao quý của bậc chân tu giải thoát. Ngài còn sống mãi trong tâm trí tôi và những người đồng hạnh nguyện.
Khể thủ
(Báo GN số 96, ngày 15-12-1996)