Sách
Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã thể nhập vào đời sống dân tộc, gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc trong suốt lịch sử dài hơn hai ngàn năm. Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất, Phật giáo đã góp công sức trong việc đánh đuổi giặc xâm lăng nhà Hán, tiêu biểu qua hình ảnh Ni cô Phương Dung là một nữ tướng của Hai Bà Trưng xông pha ngoài trận mạc. Đến khi Lý Nam Đế đựng nước, ông chưa xây cung điện mà đã cho xây chùa Khai Quốc, sau đổi thành Trấn Quốc để ghi công xây dựng và giữ gìn đất nước, trong đó có hàng Tăng lữ Việt Nam.
Đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần, chúng ta thấy có sự đóng góp nhiệt tình, rõ nét của các vị vua anh minh và tướng tài là Phật tử. Điển hình như Lý Thường Kiệt hay vua Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, v.v… Họ đã dũng cảm bảo vệ đất nước độc lập, thái bình và phát triển đất nước phồn vinh, tạo cho nhân dân cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài ra, lịch sử còn ghi đậm nét sự đóng góp trí tuệ của các bậc cao Tăng qua vai trò then chốt cho sự sống còn của đất nước, hoặc xây dựng nền văn hóa dân tộc như Sư Vạn Hạnh, Đỗ Thuận, Khuông Việt, Viên Chiếu, Thông Biện, Chân Không, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không…
Trở về thời đại chúng ta, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biết bao Hòa thượng đã cởi cà sa khoác chiến bào. Tại miền Bắc, quý Hòa thượng Thế Long, Tâm An, Nguyên Sinh và nhiều vị khác nữa đã là những cao Tăng cứu quốc. Tại Huế, quý Hòa thượng Trí Độ, Trí Thủ và nhiều vị cao Tăng thạc đức đã gia nhập Mặt trận Việt Minh. Tại miền Nam, quý Hòa thượng Minh Nguyệt, Pháp Dõng, Trung Nghĩa, Bửu Đăng, Thiện Hào và các vị tôn túc yêu nước đã hăng hái lãnh đạo các phong trào cứu quốc. Năm 1947, Hòa thượng Pháp Long cùng Hòa thượng Minh Nguyệt và các cư sĩ lập Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ tại Đồng Tháp Mười. Hòa thượng Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hòa thượng Huệ Thành làm Phó Hội trưởng cùng các ủy viên của hai mươi mốt tỉnh, thành, trong đó có các Hòa thượng Bửu Ý, Pháp Dõng, Trí Long, Pháp Tràng, Thiện Lý, v.v… Nhiều Tăng Ni và cư sĩ đã chiến đấu gan dạ, anh dũng hy sinh trong lao tù, hay ngoài chiến trường như Hòa thượng Bửu Đăng, Chánh Hội trưởng Phật giáo Cứu quốc Gia Định, bị Pháp bắn chết tại gần cầu Tham Lương, Hòa thượng Pháp Hoa chùa Thiên Trường, Gò Công, bị Pháp bắn chết năm 1949, Hòa thượng Trí Thiền và Đại đức Hành Tuệ bị lưu đày chết ngoài Côn Đảo. Tại Phú Yên, hai vị Sư đã vị quốc vong thân, được Nhà nước phong danh hiệu liệt sĩ là Đại đức Giác Lượng và Giác Thông. Và còn biết bao nhiêu chiến sĩ Phật giáo đã âm thầm hy sinh mạng sống, hoặc hy sinh một phần thân thể, góp phần vào thắng lợi chung giành độc lập cho dân tộc.
Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông đã dày công dựng nước và giữ nước, nhờ đó, ngày nay chúng ta mới được sống yên lành, an hưởng những thành quả tốt đẹp của chư vị hữu công. Vì vậy, thể hiện lời Phật dạy, người Phật tử chân chánh phải ghi nhớ công ơn to lớn của các vị đã hy sinh xương máu cho đất nước. Nhớ ơn và báo đáp công ơn là bổn phận tất yếu của chúng ta. Thiết nghĩ cách báo đáp ơn nghĩa một cách thiết thực nhất là chúng ta nên tổ chức thăm viếng phần mộ của những người đã vị quốc vong thân, thắp nén nhang tưởng nhớ đến công đức của họ và thầm trân trọng tri ân những tấm gương hy sinh anh dũng ấy.
Đối với những người đã hy sinh một phần thân thể, hiện đang gặp không ít khó khăn trong cuộc sống thường nhật và còn chịu nhiều đau đớn do vết thương hoành hành, chúng ta cũng cần chăm sóc, giúp đỡ họ. Mang đến quà tặng cùng những lời vỗ về an ủi phát xuất từ tấm lòng chân thành biết ơn, đền ơn, có thể phần nào san sẻ nỗi khổ đau cho họ, đem lại cho họ niềm tin lạc quan ở cuộc sống đầy tình nghĩa đồng bào cao quý. Đó cũng là truyền thống ngàn đời của dân tộc chúng ta là Thương người như thể thương thân.
(Báo GN số 68, ngày 19-7-1997)