Sách
Trải qua quá trình phục vụ, thấm thoát đến nay, Nguyệt san Giác Ngộ đã phát hành được chín số. Điều đáng mừng là bài vở của cộng tác viên đóng góp mỗi ngày tăng thêm nhiều, số lượng báo ấn hành cũng tăng nhanh. Càng quý hơn nữa là thư từ của quý độc giả bốn phương gởi về khen ngợi, hoặc phê phán những mặt khuyết của tờ báo. Chúng tôi xin trân trọng tất cả những ý kiến đóng góp xây dựng của quý vị, đã động viên chúng tôi vượt khó trên bước đường thực hiện sứ mạng truyền bá chánh pháp. Và chân thành cám ơn quý vị đã dành nhiều cảm tình tốt, đọc, cổ động, phát hành, tham gia viết bài, hỗ trợ cho Nguyệt san Giác Ngộ được tiến triển tốt đẹp mọi mặt trong suốt gần một năm qua.
Hướng về năm mới, Đinh Sửu 1997, với nhiều triển vọng chuyển đổi của đất nước chúng ta, đồng thời trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sắp có sự đổi thay. Đại hội Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh và Trung ương Giáo hội sẽ bầu lại Ban Trị sự và Hội đồng Trị sự. Chúng tôi mong mỏi tất cả độc giả, cộng tác viên có những ưu tư như thế nào về hoạt động của Giáo hội, xin quý vị hãy đóng góp những suy nghĩ, âu lo của mình với Báo Giác Ngộ. Chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ thông tin, phản ảnh trung thực ý kiến của Tăng Ni Phật tử, các tự viện hoặc các Ban Đại diện Phật giáo địa phương. Từ đó, chúng ta mới có thể xây dựng Giáo hội có chất lượng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Ngoài ra, qua nhịp cầu truyền thông của Giác Ngộ, giúp cho Giáo hội nắm được tình hình, nguyện vọng của toàn thể giới Phật giáo, ngõ hầu đề ra những quyết định chỉ đạo lợi lạc cho Tăng Ni Phật tử.
Trước thềm năm mới, chúng tôi thay mặt Ban Biên tập, thân chúc tất cả quý cộng tác viên, phát hành viên, quý độc giả hưởng một mùa Xuân an khang, thịnh vượng, đóng góp lợi ích thiết thực cho dân tộc. Nhất là xây dựng được mùa Xuân của thế giới chân linh để mãi mãi thăng tiến đạo hạnh trên bước đường đến quả vị Toàn giác.
Đối với người đệ tử Phật, không gì quý hơn thế giới chân linh hay hạnh phúc, an lành vĩnh cửu của chân tâm thanh tịnh. Người thế gian thường ước mơ hạnh phúc, nhưng chỉ làm những việc dẫn đến bất hạnh, khổ đau. Vì vậy, Đức Phật dạy Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Phàm phu thường nghĩ phải mưu tính xoay xở đủ thứ để giàu có, sung sướng; nhưng theo Phật, đó chỉ là tham vọng, nên có mấy ai đạt được như ý, trái lại, thường chuốc lấy khổ sở, uất hận.
Bồ tát thì hoàn toàn khác, không bao giờ mơ hạnh phúc, nhưng luôn hưởng được trọn vẹn hạnh phúc vĩnh hằng hay Niết bàn. Niết bàn, hạnh phúc chân thật ấy của Bồ tát, bắt nguồn từ sinh hoạt nội tâm. Thật vậy, chỉ có sự chân tình mới dẫn đến chân hạnh phúc. Điển hình như tấm lòng từ bi của Đức Phật, của các vị chân tu. Các Ngài luôn thương tưởng chúng sanh, lấy tình thương đối với chúng sanh làm lẽ sống của các Ngài, nên đáp lại, chúng sanh cũng dành trọn vẹn lòng thương kính cho các Ngài. Hẳn chúng ta còn nhớ hình ảnh Vô Não quăng dao, quỳ dưới chân Phật xin tha thứ tội ác và được Ngài nhận làm đệ tử. Hoặc Không Dã Thiền sư đi qua rặng núi, gặp đám cướp chận đường, buộc Ngài nộp tiền mãi lộ. Ngài chợt rơi nước mắt. Tên cướp chế nhạo: "Ông tu mà còn sợ chết sa !”. Ngài ôn tồn đáp: " Ta đã ra khỏi sống chết, không có gì để lo. Nhưng hành động ác của ngươi hôm nay khiến ta nghĩ đến quả báo mà mai sau ngươi phải gánh chịu, tù đày khổ sở và muôn kiếp sau đọa chốn địa ngục, nên ta không cầm được nước mắt xót thương ngươi”. Đám cướp liền tỉnh ngộ, hoàn lương và trở thành Phật tử sống hiền lành. Sự giáo hóa của Phật và các Thiền sư thật nhẹ nhàng. Lòng Từ vô bờ bến của các Ngài đã cảm hóa kẻ hung ác. Đó là thế giới chân hạnh phúc mà Phật, Thánh Tăng đã sống. Người xấu đến với các Ngài thì ác xấu tự tan biến, người nhìn thấy. hay nghĩ đến các Ngài cũng đều an lành. Sự an lành của chúng sanh có được do sự an lành của Phật, Thánh Tăng tác động, tạo thành thế giới hạnh phúc thựcsự, vĩnh hằng.
Kiểm nghiệm tinh thần Phật dạy, trên bước đường hành Bồ tát đạo, chúng ta sẽ nhận ra ý này dễ dàng. Khi bản thân chúng ta dư dả, không phải lo riêng gì cho mình, bấy giờ chúng ta dành tiền bạc, tri thức, công sức để giúp những người tốt, có chí cầu tiến nhưng bị khó khăn. Chúng ta tạo điều kiện cho họ thăng hoa, thì chắc chắn họ chịu ơn ta, thương ta, tốt với ta; từ đó, mở ra thế giới thương yêu, hiểu biết với những quyến thuộc đồng hành như vậy. Tùy theo mức độ đầu tư trí tuệ, phước đức của chúng ta cho chúng sanh đến đâu thì thế giới an vui, hạnh phúc mở rộng đến đó. Các bậc chân tu trí đức càng cao, càng tạo được những sự tác động phi thường, không thể lý giải bằng trí phàm. Chúng sanh chỉ nghĩ đến các ngài, liền nhẹ nhàng, giải thoát. Ai thực sự thể nghiệm giáo pháp Phật, đều ít nhất hơn một lần được an trụ trong thế giới tình thương thanh tịnh của chư Phật, của các bậc chân tu. Thế giới hạnh phúc bao la ấy chỉ trong chớp mắt là chúng ta vào được, nghĩ đến là an lành ngay, vì tràn ngập ánh sáng tình thương tuyệt đối của các ngài, không còn gợn chút đối phó, tính toán, hơn thua.
Mong rằng tất cả được an lạc trong thế giới tình thương chân thật của chư Phật và mỗi chúng ta tiếp tục xây dựng cho thế giới chân hạnh phúc ấy lớn rộng trong mười phương Pháp giới.
(Nguyệt san GN số 10, T1/1997)