Sách
(Bài giảng lớp Giảng sư Trung cấp ngày 14-1-2003)
Các anh em có thể viết một đề tài tự do mang tính cách rộng và thích hợp với địa bàn sinh hoạt của mình. Chẳng hạn những người có ý định giảng dạy, truyền bá giáo lý ở vùng cao nguyên cho người dân tộc, hay người nông dân ở địa phương, hoặc vùng có ngoại đạo.
Theo tôi, riêng về việc giảng dạy cho đồng bào nông thôn, họ vốn rất chất phác và sẵn có niềm tin thì chúng ta phải làm sao đưa pháp Phật vào lòng họ. Hoặc với người dân theo tín ngưỡng nhân gian thường dễ bị tà giáo lợi dụng lòng tin đưa họ đến sinh hoạt mê tín. Chúng ta có bổn phận dẫn họ về Phật đạo sống theo chánh tín. Vì vậy, có một số gợi ý mà các anh em nên suy nghĩ trong việc hoằng pháp; đó là việc đưa sinh hoạt Phật giáo về nông thôn. Vấn đề này xưa kia đã được vua Trần Nhân Tông thực hiện. Thật vậy, vua đã đích thân vận động quần chúng vùng xa xôi phá bỏ những đền thờ cúng mang tính cách mê tín. Tôi nghĩ việc làm này cũng thích hợp với chúng ta ngày nay, có thể ứng dụng để vừa nâng cao trình độ dân trí của người kém văn hóa vừa hướng dẫn niềm tin của họ vào việc ứng dụng giáo lý có hiệu quả trong cuộc sống.
Đề tài thứ hai mà tôi muốn các anh em viết là vấn đề hoằng pháp cho giới trẻ. Tuổi trẻ rất quan trọng, vì là người chủ tương lai của đất nước, trong đó có đạo pháp chúng ta. Truyền bá Phật pháp cho giới trẻ, đương nhiên họ không mang tính thật thà, chất phác; nhưng phải nghĩ đến trí thức mang tính cách khoa học. Ngày trước, với giới trẻ, chúng ta chỉ kể chuyện thần thoại đời xưa cho họ nghe là được. Nhưng nay muốn kể như vậy, phải đưa câu chuyện vào cuộc sống và chuyển tải được ý nghĩa gì, giúp cho người nghe phấn đấu điều gì. Ví dụ kể chuyện lòng hiếu của chim oanh vũ dạy người hiếu đạo để kết luận loài chim còn có lòng hiếu với cha mẹ, huống chi là người ta. Như vậy, chúng ta khai thác hiếu đạo hợp tình, hợp lý, cha mẹ như thế nào mà con phải hiếu thảo, không thể khác. Đó là mô hình mang tính xã hội, giáo dục, mà công việc hoằng pháp của chúng ta chính là giáo dục đạo đức con người, trong đó có việc quan trọng là xây dựng giới trẻ sống tốt đẹp.
Về đạo hiếu, chúng ta có thể triển khai những điểm mà người nghe chấp nhậnđược. Hiếu đối với cha mẹ, Thầy bạn. Điều này Phật dạy đưa vào sinh hoạt xã hội rất thực tế và ích lợi. Cha mẹ tạo thân này và nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta, Thầy bạn giúp chúng ta trưởng thành về tri thức, đạo đức để có được bước chân vững chắc trên đường đời. Đó là những ơn lớn mà con người nhất định phải ghi nhớ và đền đáp. Ngoài ra, Đức Phật là vị đại Đạo sư. Thầy dạy chữ nghĩa, nghề nghiệp giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Riêng duy nhất có Đức Phật là vị Thầy lớn nhất vì chỉ có Ngài hướng dẫn chúng ta tạo được một cuộc sống thiện mỹ tuyệt đối, sống thánh thiện và thoát khỏi sanh tử luân hồi. Bài giảng đối với thanh thiếu niên, các anh em triển khai cho được những ý trên một cách thực tiễn, áp dụng trong thời hiện đại.
Ngoài ra, chúng ta còn nói với tuổi trẻ điều gì? Tuổi già thường nghĩ đến đời sau, vì thực tế cuộc sống họ không làm được gì nữa. Vì thế, giảng thích hợp với người già, chúng ta nói đến an lạc ở cõi Trời hay thế giới Phật và điều không kém quan trọng là làm thế nào họ được cuộc sống an lạc này trong hiện tại để nối kết với sự an lạc cao hơn ở các cõi khác sau khi bỏ thân.
Nhưng đối với lớp trẻ, nói về an lạc của cõi Trời hay Tịnh độ, thiết nghĩ không cần thiết và trở thành xa vời. Theo kinh nghiệm, tôi nói chuyện với giới trẻ thành công là nhờ thấy được họ đang đặt cả tâm tư, nguyện vọng hướng về tương lai, một tương lai gần cho bước chân thăng tiến của họ, không phải tương lai đời sau. Theo hướng đó, tôi chỉ những việc gì họ cần làm và họ sẽ đạt được thành quả gì. Có thể khẳng định rằng giới trẻ chỉ muốn nghe ta nói những điều có lợi ích cho họ trong những ngày sắp tới. Còn lợi ích kiếp sau chỉ nói cho người đã đi nửa đoạn đường đời.
Từ lúc còn thanh xuân cho đến 50 tuổi, người ta luôn hướng đến thực tế cuộcsống. Nhưng từ 50 tuổi trở về già, họ bắt đầu nghĩ xa. Nói với giới trẻ, ta nhắm từ tuổi thiếu niên đến đỉnh cao 50 thì họ làm gì. Đạo Nho nói 30 tuổi mới bắt đầu đi vào cuộc đời. Nhưng trước 30 tuổi mà không chuẩn bị tư lương đầy đủ để đi vào đời, chỉ vào bằng hai bàn tay trắng, chắc chắn không thành công. Đối chiếu ý này với điều Phật dạy, chúng ta thấy Phật giáo Đại thừa ghi nhận Đức Phật thành đạo lúc 30 tuổi. Tư tưởng này là của Phật giáo Trung Quốc đưa ra để ứng với cách sống "Tam thập nhi lập” theo Nho giáo. Trong khi Phật giáo Nam tông thì nói 35 tuổi Đức Phật thành đạo.
Theo Đại thừa, 18 tuổi Đức Phật xuất gia, nhưng theo Nam tông 28 tuổi Ngài mới xuất gia. 18 tuổi xuất gia cũng là theo văn hóa Trung Hoa quy định 18 tuổi trưởng thành. Riêng tôi đi tu từ năm 12 tuổi và từ tuổi 12 đến 18 coi như thời gian phát triển mạnh nhất trong cuộc đời tôi. Từ 18 đến 30 tuổi, khoảng thời gian này thực tình mà nói tôi có sức khỏe sung mãn, thông minh, nên học không biết mệt, đọc sách không biết chán và luôn có những phát hiện mới.
Nói như vậy để chúng ta khuyên tuổi trẻ phải học, vì qua tuổi này thì không có điều kiện thuận lợi để học. Tôi thành công được là nhờ 12 năm đèn sách, làm việc Phật sự được vì 12 năm tôi dành hết sức lực để tiếp thu giáo pháp Phật vào tim óc để sau này mới có vốn sử dụng.
Đương nhiên các môn học khác của thế gian cũng cần, nhưng không giúp chúngta giải thoát. Chỉ có học Phật mới giúp chúng ta thẩm định lại cái nào của thế gian dùng được. Học thế gian pháp, chúng ta trở thành bác sĩ, kỹ sư, v.v…, kiếm tiền được, nhưng trong đầu chúng ta chỉ có tiền và danh lợi. Và người chỉ biết tiền và danh lợi thì luôn đấu tranh không khoan nhượng, cuối cùng dẫn đến khổ đau và cũng phải bỏ thân mà không biết linh hồn đi về đâu. Nếu các Tăng Ni học về khoa học, cũng phải dùng Phật pháp để giám định lại.
Chúng ta khuyên tuổi trẻ học văn minh xã hội, nhưng song song đó, phải họcPhật pháp để lòng sáng lên, sử dụng kiến thức khoa học có hiệu quả. Đối với lớp trẻ mà khuyên chán đời, vô chùa xuất gia thì vô ích. Theo tôi, người xuất gia làm Sa môn thành đạt được, đòi hỏi những điều kiện mà người thường không có được, trong đó yếu tố Bồ đề là quan trọng nhất. Các anh em thấy rõ là người xuất gia học đạo được thì họ phải khỏe mạnh, thông minh và còn phải "Bất nhiễm thế gian, thường tu phạm hạnh”. Phải thích phạm hạnh mới dấn thân được. Người không thực lòng tìm đường giải thoát, không coi đó là cuộc sống của mình thì không tới đích được. Người như vậy không nên xuất gia, chỉ nên học hiểu Phật pháp để tu sửa lại việc làm của họ và trở thành người tốt.
Chúng ta nói với tuổi trẻ rằng nên học chuyên môn thích hợp với khả năng họ, nhưng phải dành thì giờ đọc giáo lý để hiểu rõ ý Phật dạy và dùng đó kiểm chứng việc làm của họ. Chúng ta có thể dẫn chứng thêm rằng nhiều người nổi tiếng lãnh đạo xã hội, vừa nổi tiếng đạo đức, hầu hết là những người chịu ảnh hưởng giáo lý đạo Phật.
Tôi còn nhớ rằng lúc học ở Nhật, có một ông Thủ tướng Nhật là Sato, ông xuất thân từ một nhà sư. Và ông Ishibashi dạy tôi cũng là nhà sư ra làm Thủ tướng. Phải nói tham chính của nhà sư khác hẵn người thường tham chính. Hai ông này có điểm đặc sắc là việc càng khó, thì càng bình tỉnh, trí càng sáng ra. Người học Phật phải được như vậy.
Tôi cũng gặp một số sinh viên, cán bộ. Họ học nhiều, làm việc nhiều nên đầu óc bị căng thẳng, ngủ không được. Nếu để đầu óc căng thẳng quá thì mạch máu não bị đứt. Ta nói như vậy, họ tin được vì bác sĩ cũng nói vậy. Trong Phật pháp có pháp tu Thiền định giúp thư giãn rất hay. Tôi học nhiều nhưng không bị đau đầu là nhờ biết áp dụng đúng pháp này. Tôi khuyên họ gặp việc khó quá thì đừng giải quyết vì quyết định sẽ bất lợi. Đối phó với công việc, đầu óc bị căng quá dễ đứt mạch máu não, hay nhũng não. Trên thế giới có biết bao người bị gục chết tại bàn làm việc. Người lãnh đạo có nhiều vấn đề không thể giải quyết, nên bị mất ngủ kinh niên, một đêm chỉ ngủ 1, 2 tiếng thì phải bị bần thần, tiến đến bị tâm thần nhẹ.
Ta dùng Phật pháp hướng dẫn họ, đó là pháp Thiền nhẹ mà tôi gọi là thư giãnhay tĩnh tâm; đừng bắt họ ngồi Thiền lâu, họ sợ lắm. Theo kinh nghiệm riêng tôi đã thực tập pháp này và được kết quả tốt. Khi gặp những việc không giải quyết được, tôi thư giãn, không cần suy nghĩ, nhưng việc tự sáng ra và thấy đáp số cho vấn đề. Tất cả Thiền sư nổi tiếng đều đạt được pháp này. Những bức tranh thủy mặc Nhật Bản, Trung Hoa nổi tiếng do Thiền sư vẽ, nhờ họ thực tập Thiền quán mới tạo được những tuyệt tác mà không thể vẽ lần thứ hai giống như vậy. Thơ đạo cũng vậy, chỉ sáng tác được một lần trong giây phút tâm bừng sáng, gọi là ngộ, chưa đạt được chứng. Chứng là vĩnh viễn được, ngộ thì vừa sáng thôi.
Cần biết cách sử dụng được năng lực vô tận ấy của tâm để học và sáng tạo, cống hiến cho xã hội mà không bị mệt mỏi vì căng thẳng, mất ngủ. Tôi làm việc nhiều không mệt nhờ biết ứng dụng thư giãn vào cuộc sống. Phải nói là chính nhờ pháp tuyệt vời này mà các nhà trí thức Tây phương chấp nhận được Phật giáo, chấp nhận Thiền theo hướng này; vì thật sự nghi lễ, cúng bái họ đã có thừa và đã chán ngán nó. Họ muốn Phật pháp thực tế giúp họ học và làm việc tốt. Tôi đã hướng dẫn các em trong đạo tràng Pháp Hoa pháp này và thành quả là số học sinh giỏi của đạo tràng có đến cả ngàn. Điều đó có nghĩa là học Phật để trở thành học sinh giỏi, còn nghe nói tu là họ sợ; học Phật để được thông minh, học giỏi, khỏe mạnh thì ai mà không thích.
Đạo Phật là đạo trí tuệ. Chúng ta phải thực hiện đúng phương châm này cho giới trẻ. Điều chúng ta dạy đúng nhất là tháo gỡ được những buồn phiền trong lòng họ. Vì Đức Phật dạy rõ rằng chúng ta luôn nghĩ những cái không cần thiết. Mất ngủ, bị tâm thần vì ưa nằm nghĩ những chuyện đâu đâu và có hại, làm cho người không ra người. Các thanh thiếu niên ngày nay dễ rơi vào tình trạng này.
Các anh em suy nghĩ nói với tuổi trẻ những lợi ích áp dụng được trong cuộc sống, là thông minh và sức khỏe. Dạy đạo cho họ là dạy họ được hai việc như vậy. Thấy ta tu mà sức khỏe cạn kiệt, thông minh kém lần là hỏng; dạy trẻ như vậy chắc chắn họ không chấp nhận.
Chúng ta giúp cho giới trẻ tiếp thu được Phật pháp và trưởng thành được trong xã hội theo tinh thần phóng khoáng, làm cho Phật giáo phát triển và cống hiến được nhiều cho xã hội.
Nói với giới trẻ đang có triển vọng trong tương lai và nói với người nông dân thật thà, chất phác; đó là hai đề tài mà các anh em nên triển khai. Hoặc nói về Bồ tát vào đời theo tinh thần Quan Âm, Diệu Âm, Phổ Hiền. Mỗi vị Bồ tát đều có đặc sắc riêng, vào đời cứu đời phải như thế nào. Nếu theo hạnh của Quan Âm thì triển khai phẩm Phổ Môn, theo hạnh Diệu Âm thì lý giải phẩm Diệu Am, theo Bồ tát Phổ Hiền thì căn cứ vào phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát trong kinh Pháp Hoa.
Bồ tát Diệu Âm, Quan Âm vào đời giáo hóa chúng sinh, chúng ta có thể noi theo hạnh các Ngài để ứng dụng trong việc hành đạo. Thí dụ Quan Âm không chấp ngã và không chấp pháp. Vì không chấp ngã nên Ngài có 33 thân, chúng ta chấp pháp nên chỉ có một thân, làm sao bằng với người có 33 thân.
Không chấp ngã nên làm gì cũng được, ở đâu cũng được, người gọi ta là gì cũng được. Còn chấp pháp mình là Tỳ kheo thì phải đối xử như Tỳ kheo, làm khác là chúng ta tự ái, không chấp nhận. Khi vào đời theo tinh thần Quan Âm, người coi ta là Tỳ kheo thì ta xử sự như Tỳ kheo, coi ta là đứa bé, ta xử sự như đứa bé, coi ta là lãnh đạo, ta xử sự như lãnh đạo. Chấp ngã nên lúc nào cũng coi mình là lãnh đạo thì dễ thất bại. Tôi vào đời nhẹ nhàng là nhờ ứng dụng tinh thần này, người gọi tôi là anh, tôi gọi lại là anh, người tu sĩ Thiên Chúa gọi tôi là Thầy thì tôi gọi họ là Cha. Cố chấp là tự sát. Thử nghĩ chấp một pháp và tuân thủ nó một cách tuyệt đối thì ta trở thành đối lập với tám vạn pháp khác, đối lập với tất cả người, làm thế nào ta sống nổi. Người tu mà không phá được chấp ngã, chấp pháp bảo đảm đọa.
Trong truyện Thanh Xà, Bạch Xà của Trung Quốc thể hiện tinh thần Phật phápvà nhất là việc áp dụng Phật pháp vào cuộc sống con người. Tu hành, chúng ta đừng phạm sai lầm như Pháp Hải đại sư. Bạch Xà là yêu tinh thương Hứa Tiên là người và hai người chung sống có đứa con. Nhưng Pháp Hải biết nó là yêu tinh nên ra tay cứu anh này bằng cách bắt anh lên chùa tu. Rõ ràng đó là sai lầm lớn vì cố chấp, cố chấp rằng người và yêu tinh không thể ở chung được; nhưng thực tế họ sống chung được và đã có con với nhau! Từ việc bắt anh lên chùa tu thì trùng trùng duyên khởi kéo đến, sinh ra vô số hận thù. Và hận thù đối với yêu tinh thì càng kinh khủng hơn, vì việc ác gì nó cũng dám làm. Động tới yêu tinh, quyền lợi của yêu tinh, bản thân ta và những người sống với ta đều phải khổ sở với yêu pháp. Nếu là Pháp Hải, tôi sẽ làm lễ hằng thuận cho Bạch Xà và anh này, chắc chắn sẽ không có cảnh đánh giết nhau xảy ra. Còn bắt nó vô chùa tu, nó chỉ nhớ vợ con thì không tu được, mà còn đau khổ và làm cho cả vợ con anh ta cũng bị đau khổ. Vì chấp pháp, Pháp Hải đã không thấy được lý nhân duyên.
Điều thứ hai là Pháp Hải đọc sách dạy hàng phục ma. Đọc được vài trang đầu thì vội vàng tập luyện, đắc được một ít thần thông, nhưng ông không đọc trang cuối dạy sử dụng pháp này như thế nào, nên cứ nhìn thấy người nào cũng là ma, là ác, dứt khoát phải tiêu diệt. Và còn phạm thêm sai lầm nữa là khi đấu với Thanh Xà không nổi thì Pháp Hải tìm thêm ma làm quyến thuộc, tạo thành trận chiến giữa ma Sa môn đấu với ma thật. Triều đình mới gọi Pháp Hải là yêu Tăng, còn bên kia là yêu xà. Khi kết hợp với ma để giao đấu với ma thì đã trở thành ma chính cống rồi mà không hay biết. Có suy tính, mưu chước, thủ đoạn, gian lận thì không thể thấy lý nhân duyên, nên biến thành ma. Còn sáng suốt, giác ngộ là Phật. Ma và Phật chỉ khác nhau như vậy. Ma quỷ tu cũng thành Phật, người tu Phật mà tâm ma, việc làm ma thì cũng thành ma.
Đến khi Thanh Xà ném Pháp Hải vào động, ở đó đọc được tờ cuối của sách hàng ma, thấy được hai chữ từ bi thì ngộ và bị Thanh Xà đâm nhưng không thấy đau, không oán hận vì đã ngộ được hai chữ từ bi. Cốt lõi của đạo Phật là lòng từ bi, tất nhiên người theo Phật chỉ nên xử sự với cuộc đời bằng từ bi. Nghĩa là đối với tất cả mọi người, chúng ta làm cho họ an vui, dù nó là ma. Vì vậy, khi Pháp Hải không có ý nghĩ tiêu diệt Thanh Xà thì nó trở thành đại thí chủ hộ pháp, giúp ông trên bước đường hoằng hóa.
Tôi nhắc các anh em làm đạo đừng coi ai là yêu tinh, là xấu ác. Ta nghĩ họ xấu ác thì họ xấu ác liền với ta. Họ xấu thực, nhưng ta không nghĩ vậy, họ cũng trở thành tốt vì khi họ ngộ được thì phải tốt.
Trở lại tư cách hành đạo của Quan Âm Bồ tát. Ngài vào đời cứu chúng sinh bằng tinh thần không chấp ngã, không chấp pháp. Pháp nào cũng được, vì chỉ là phương tiện để giúp người an vui; làm cho người buồn khổ là điều không nên.
Chấp pháp mà hành Bồ tát đạo, thấy Tỳ kheo tu hạnh viễn ly thì ta bực bội.Ngược lại, tu viễn ly mà thấy người nhập thế thì chỉ trích họ thông tục, là tự hại mình và làm cho xã hội bất an. Vào đời theo tinh thần Bồ tát Quan Âm, tôi thấy tuyệt vời, làm gì cũng được, miễn đạt được mục đích cứu khổ ban vui cho người.
Hoặc Diệu Âm Bồ tát xuất hiện ở thế giới này bằng hoa sen, không bằng thân hình người ta. Điều này cũng nhằm nhắc chúng ta âm thầm làm việc, đóng góp cho cuộc đời, không cần danh, không cần tướng. Tôi nhớ có một pháp sư Trung Hoa nói rất đúng, đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người làm việc chấp tướng, kẹt tướng thì họ phải trả giá. Người tu phải vô tướng là theo tinh thần Diệu Âm. Hữu tướng, chấp tướng thì ta làm việc gì phải tính là làm cho ai và người phải biết việc làm của ta.
Theo hạnh Diệu Âm hành đạo, chúng ta làm việc lợi ích cho đời, không quan trọng việc người khác biết hay không. Họ biết còn làm phiền ta hơn. Xuất hiện hành đạo như Diệu Âm cứu giúp người và từ giã họ, không ai biết ta ở đâu, không đền ơn được, chỉ gieo vào lòng họ ý niệm tốt, Tổ dạy là "Xuất một vị tha tác tắc”. Xuất hiện hay biến mất của Diệu Âm đều là Phật sự.
Vị Bồ tát kiểu mẫu thứ ba là Phổ Hiền xuất hiện trên cuộc đời bằng thần thông tự tại, oai đức vô song, cùng vô số chúng Bồ tát và bát bộ Thiên long. Ý này nhằm gợi nhắc chúng ta hành đạo nên đến bằng sức mạnh về người và về của, đến đâu là giúp nơi đó đầy đủ cuộc sống vật chất, nâng cao kiến thức và tâm linh cho người. Như vậy là phát triển Phật pháp.
Đó là ba dạng Bồ tát kiểu mẫu cho chúng ta noi theo, Bồ tát Phổ Hiền xuất hiện với thế mạnh, Quan Âm xuất hiện tùy duyên và Diệu Âm đến hay đi không lưu dấu, chỉ làm lợi ích cho chúng sinh.