Sách
(Bài giảng tại khóa Bồi dưỡng trụ trì, chùa Khánh Sơn, tỉnh Sóc Trăng ngày 3-6-2003)
Khả năng chuyên môn của tôi là hoằng pháp, vì tôi đã nhận trách nhiệm này hơn 20 năm. Tôi chưa làm trụ trì, nên chưa có kinh nghiệm về vấn đề này bằng quý vị. Tuy nhiên, tôi đã tham quan nhiều nước và thấy được sinh hoạt Phật giáo của nhiều nước. Vì thế, ít nhiều tôi có nhận thức về vai trò của vị trụ trì. Tôi trao đổi kinh nghiệm đã học được trên bước đường hành đạo trong và ngoài nước để bổ sung những điều mà quý vị chưa có, nhằm giúp cho việc quản lý Tăng Ni, tín đồ được tốt đẹp, Phật giáo được hưng thạnh.
Phật giáo chúng ta đã thống nhất tất cả hệ phái cùng sinh hoạt trong ngôi nhà chung của Giáo hội. Ngoài ra, chúng ta còn có sinh hoạt riêng mang tính đặc thù của từng hệ phái khác nhau; không thể lấy sinh hoạt của hệ phái này áp đặt cho hệ phái khác. Đặc biệt tỉnh Sóc Trăng có đông sư sãi gốc Khơ me, đa số chùa ở đây thuộc dân tộc Khơ me và tu theo hệ thống Phật giáo nguyên thủy.
Nhìn chung tôi thấy các Hòa thượng, Thượng tọa Nam tông Khơ me đã có sự gắn bó mật thiết với Phật tử, cùng chung nhau giữ gìn tự viện, Giáo hội. Truyền thống này rất tốt đẹp, có thể nói các hệ phái khác trong Giáo hội cần học tập điểm này để quản lý chùa và giữ gìn tín đồ. Cách tổ chức, quản lý Tăng, tín đồ của Phật giáo Nam tông Khơ me khác với Phật giáo Bắc tông, chúng ta có thể rút kinh nghiệm lẫn nhau để sinh hoạt tốt hơn, nhưng không thể rập y khuôn.
Theo truyền thống Phật giáo Nam tông Khơ me, phần lớn thanh niên đều xuất gia trong thời gian dài hay ngắn tùy theo sự phát nguyện của mỗi người và hết thời hạn phát tâm tu thì hoàn tục. Phật giáo Bắc tông thì khác, xuất gia là phải tu trọn đời.
Tôi thấy các vị xuất gia tu một thời gian nhất định theo ý nguyện thì khi trở về thế tục, họ trở thành Phật tử hộ đạo đắc lực. Đây là điểm tốt của Phật giáo Nam tông Khơ me, thể hiện tinh thần trả ơn Tam bảo, người hôm nay tu được là nhờ người đi trước dìu dắt, giúp đỡ và khi ra đời, họ trả ơn Tam bảo đã hỗ trợ họ tu hành. Với cách tu như vậy, số lượng tu sĩ Khơ me lúc nào cũng đông. Vì vậy, chùa của Phật giáo Khơ me ở Việt Nam ít hơn chùa của Phật giáo Bắc tông, nhưng lúc nào cũng có trên dưới 10.000 tu sĩ Khơ me trong tổng số 30.000 tu sĩ của cả nước ta là điều đặc biệt.
Ngoài ra điểm đặc sắc nữa là hầu như tu sĩ và tín đồ Phật giáo Khơ me luôn hỗ tương giúp đỡ nhau tu hành. Chư Tăng và tín đồ Phật giáo Khơ me gắn bó chặt chẽ với nhau, điều này khó tìm thấy ở Phật giáo Bắc tông. Tín đồ đối với màu áo tu sĩ gần như có sự kính trọng tuyệt đối. Thử nghĩ các vị sư Nam tông Khơ me đã làm gì mà tín đồ kính trọng được, Phật giáo Bắc tông chúng ta nên học tập điểm này.
Tôi thấy các nhà sư Nam tông Khơ me hầu hết là những Thầy dạy về văn hóa cho tín đồ. Vì thế, người Phật tử Khơ me coi người tu là Thầy thực sự. Điểm đặc biệt này tu sĩ Bắc tông không có, hay hiếm có những vị tu hành vừa làm Thầy ở ngoài đời. Thậm chí, đôi khi Phật tử Bắc tông coi Tăng Ni là Thầy làm công việc chuyên môn cúng bái, nên gọi người tu là Thầy cúng. Họ không coi tu sĩ là Thầy của họ; đó là cái yếu của tu sĩ Bắc tông, cần học theo gương của tu sĩ Nam tông Khơ me để thay đổi tư duy của Phật tử.
Các vị sư Nam tông Khơ me vừa dạy chữ, vừa dạy giáo lý và dạy cả đạo đức cho Phật tử. Dạy đạo đức là lấy đạo đức của bản thân sống thực của mình làm gương cho xã hội. Tu sĩ Bắc tông xem nhẹ việc này, nên nhiều khi không được sự tin tưởng của tín đồ. Thật vậy, vì chủ trương xuất gia là phải tu suốt đời, nên khi không tu được và hoàn tục, họ bị mọi người xem thường, vì đã bỏ cuộc, hư hỏng. Và thực tế cho thấy, nhiều người hoàn tục không đóng góp được gì cho chùa nữa đến mức họ bị bỏ rơi vào quên lãng. Tu sĩ Nam tông Khơ me thì khác hẳn, khi ra đời, họ được kính trọng hơn người không tu.
Theo Phật giáo Bắc tông, đã tu thì phải tu suốt đời mới được trọng thị, nên một số người sợ bị coi thường, không dám hoàn tục. Vì thế, nảy sanh lớp tu sĩ nửa Tăng nửa tục, mang hình thức người tu, nhưng tâm hồn là người thế tục. Trong khi theo Nam tông Khơ me, hình ảnh người tu thật đáng được kính trọng.
Ngoài ra, Phật giáo Bắc tông còn có tệ hại phải bài trừ là tu giả. Phật giáo Nam tông Khơ me không có tu giả, vì tu sĩ ở chùa đặt dưới sự quản lý của chùa, của Giáo hội. Còn việc quản lý tu sĩ của Bắc tông có sự buông lơi. Tu sĩ Bắc tông ra ngoài không ai quản lý được, nên xen lẫn lộn tu sĩ giả và tu sĩ thiệt, làm cho Phật tử không biết ai tu thiệt. Thực tế chúng ta thấy rõ những người lười lao động, tự ý mặc áo tu và tự cất am cốc ở. Vì tệ nạn này mà Phật giáo chúng ta đã trải qua giai đoạn lịch sử dài hàng trăm năm suy đồi. Từ đó, Phật giáo Bắc tông mới tổ chức phong trào chấn hưng Phật giáo; trong khi Phật giáo Nam tông Khơ me không cần chấn hưng vì đã giữ đúng đắn việc quản lý Tăng, tín đồ. Nhờ chấn hưng Phật giáo, thống nhất tổ chức và lãnh đạo để quản lý Tăng Ni, mới loại trừ được thành phần không thực tu.
Riêng về vấn đề chùa, thì Phật giáo Nam tông Khơ me có điểm nổi bật là chùa thì của Phật, của chư Tăng. Còn chùa của Bắc tông Phật giáo có thể chia ra ba loại. Một là chùa làng hay chùa công đã được lập ra từ thời phong kiến. Hai là chùa tư do tư nhân giàu có hay quan quyền thời trước dùng tiền riêng của họ để xây dựng chùa. Ba là những Tăng Ni xuất gia cũng mua đất, cất chùa. Với ba loại chùa như vậy đưa vào sinh hoạt Giáo hội thì chắc chắn là phức tạp. Chủ trương của Giáo hội chúng ta muốn thống nhất quản lý bằng cách hình thành một loại chùa như chùa của Phật giáo Nam tông Khơ me. Thiết nghĩ điều này đúng, vì người xuất gia tu hành không có tư hữu. Chúng ta khẳng định rằng chùa của Giáo hội, của Tăng Ni và tín đồ. Khi chúng ta quản lý thì có trách nhiệm trông nom, giữ gìn, nhưng khi Giáo hội phân công cho người khác quản lý, chúng ta hết trách nhiệm.
Trong nhiệm kỳ này, Ban Tăng sự sẽ nghiên cứu việc hệ thống hóa Tăng Ni và tự viện. Bước đầu, chúng ta thống nhất về giáo phẩm. Hàng giáo phẩm của Phật giáo Nam tông, Bắc tông hay Khất sĩ đều đặt dưới hệ thống quản lý chung của Giáo hội; đối với chư Tăng, về cấp bậc danh xưng có Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni sư, Ni trưởng. Riêng Phật giáo Nam tông Khơ me và Phật giáo Nam tông Việt Nam không có Ni bộ, vì không cho nữ giới xuất gia, nên không có cấp Ni trưởng, Ni sư, người nữ chỉ có 8 giới. Đối với Ni giới của Phật giáo Bắc tông có ba cấp : Ni trưởng, Ni sư, sư cô.
Những người có 20 hạ trở lên mới được tấn phong Thượng tọa và 40 tuổi hạ trở lên mới được tấn phong Hòa thượng, đó là nguyên tắc quy định của Giáo hội. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra hiện nay là việc tính tuổi hạ. Thọ giới nhưng không giữ đúng lời Phật dạy thì không được tuổi hạ. Thọ giới lâu, nhưng chưa kiết hạ tập trung thì cũng chưa được tính tuổi hạ. Thời kỳ Phật giáo suy đồi chỉ căn cứ vào việc thọ giới, không tính đến việc có nhập hạ hay không.
Thiết nghĩ ngoài căn cứ vào việc an cư kiết hạ, còn phải có sự thực học, thực tu, thực chứng mới quan trọng. Thiếu ba việc này không thể làm Phật giáo hưng thạnh. Phật tử tín tâm tin Phật sâu sắc, nhưng tổ chức của chúng ta chưa chặt chẽ, nên còn những thành phần không tốt xen lẫn. Vì thế đòi hỏi chúng ta kiện toàn lại sinh hoạt Thiền môn, phải thực tu, không thể nửa Tăng nửa tục, không thể lợi dụng chiếc áo tu. Các vị trụ trì có bổn phận quản lý chặt chẽ Tăng Ni thuộc địa phương mình, biết rõ từng Tăng Ni do ai cho xuất gia, Thầy Tổ của họ ra sao, giáo phẩm như thế nào, v.v… và phải theo dõi, kịp thời ngăn chặn, khiển trách những việc sai lầm của Tăng Ni. Ai không thực tu thì cho hoàn tục, không phải bắt ở chùa suốt đời, vì việc tu hành không thể miễn cưỡng. Người thực dạ muốn tu thì khó mấy, họ cũng chấp nhận. Chúng ta kiểm tra chặt chẽ đầu vào, để đào tạo những người thực tu trở thành người kế thừa tốt trong tương lai. Người không muốn tu hãy để họ trở về thế gian. Xưa kia, tôi đã cảm thấy tiếc cho một vài Thầy Nam tông, họ học giỏi mà hoàn tục thì uổng phí. Nhưng sau nghĩ lại, tôi thấy họ hoàn tục cũng tốt, vì ép họ tu không có lợi, để ra ngoài họ còn làm được việc. Họ muốn tu, nhưng muốn làm việc xã hội, ta chắp gối cho họ đi lên giống như tu sĩ Nam tông Khơ me ra đời cũng làm được những việc tốt. Chúng ta cần gạn lọc thành phần tu hành, chỉ giữ người thực tu, số lượng Tăng Ni đông, nhưng chất lượng không có thì tác hại hơn làm lợi.
Thực tu rồi phải đi đến thực học, tức quyết tâm tìm Thầy, tìm pháp để tu, tu trong chánh pháp; không phải tu là ở trong chùa. Tu là tìm nghĩa lý sâu xa trong kinh để ứng dụng vào cuộc sống làm lợi ích cho ta và người. Còn sống trong chùa cho qua ngày, thì tuổi đời chồng chất, sức khỏe yếu lần, cuộc đời trở thành buồn khổ là bị đọa.
Tìm pháp tu, tìm Thầy để học, mở rộng được tri thức, được nhiều người kính trọng. Và nhờ nhận thức sáng suốt, sắc bén mà hành động thích nghi, tăng trưởng được đạo đức, được người quý mến. Tôi nghĩ người thực tu nhất định đi lên, không thực tu phải đi xuống và làm cho sinh hoạt Phật giáo yếu kém theo.
Thực tu, thực học để dẫn đến thực chứng và chính việc này mới thuyết phục được quần chúng. Tôi thấy các vị cao Tăng đạo đức có sức cảm hóa người một cách kỳ diệu, làm họ kính ngưỡng tuyệt đối, đó là do sự tu chứng của họ.
Tôi nghe nói chùa Vĩnh Bình của Ngài Đạo Nguyên là nơi vĩnh viễn bình an và có các vị cao Tăng liên tục xuất hiện. Vì thế, tôi quyết tâm tìm đến xem cách quản lý, tổ chức tu hành như thế nào để thực tập theo. Hòa thượng Viện chủ đã biết tôi đến cầu đạo, dù tôi không hề hẹn trước với Ngài, nên Ngài cho Thầy Tri sự đón tôi ở cổng chùa để mời vào phương trượng gặp Ngài. Ngài đã thực chứng, nên tâm ta nghĩ gì thì Ngài biết. Có người tu đắc đạo như thế làm tăng thêm niềm tin của tín đồ và người cầu đạo. Gặp Ngài, tôi thấy vui lạ, nhờ vậy tôi phát hiện thế nào là lực tác động của người thực tu, thực chứng. Đến nơi nào thấy an vui, chúng ta biết ở đó có người tu chứng, có lực gia trì tác động chúng ta.
Nếu may mắn gặp bậc cao đức, chúng ta học được ngôn ngữ, giáo nghĩa và đức hạnh của họ, nương theo đó để tiến tu. Vị cao Tăng ban cho chúng ta sự an lành, thì sự an lành đó được nhân rộng, phát triển mà Thiền gọi là tiếp tâm truyền đăng, tạo thêm sức sống đạo cho chúng ta.
Muốn cảm hóa người, dìu dắt người tu, làm cho Phật giáo hưng thạnh, phải có thực chứng. Đặc biệt là các Thầy quản lý cơ sở phải nỗ lực thăng hoa đời sống mình, thấp nhất là được quả Dự lưu, nghĩa là tối thiểu phải cắt bỏ được kiến hoặc phiền não. Mọi người ham muốn, khổ đau, buồn phiền; nhưng lòng chúng ta không hề như vậy. Mọi quyền lợi vật chất thế gian đối với chúng ta là không. Tu hành hơn nhau ở điểm đó, phải cố quyết tâm lập hạnh tu. Người bị cuộc đời ràng buộc, mê lầm. Chúng ta không bị ràng buộc nên sáng suốt, đó là điều quan trọng để lãnh đạo cơ sở Phật giáo.
Phải sáng suốt nhìn thấy đạo, nhưng triển khai chữ đạo đối với tôi là thấy việc nên làm, thấy người nên tiếp xúc, thấy chỗ nên đến. Chỗ không nên đến mà đến là tự chuốc họa vào thân, không nên gặp thì gặp được ích lợi gì. Phật thấy rõ không sai lầm, chúng ta cũng phải thấy theo cái thấy của Phật; không thấy theo cái thấy của thế gian.
Trở lại thực tế, quý Thầy trụ trì phải thấy được nghị quyết 7 của Trung ương Đảng, tức chủ trương về dân tộc, về chính sách tôn giáo như thế nào, có cần thêm gì không và phải sống thế nào để không vi phạm, hành đạo được an lành.
Ngoài ra, người lãnh đạo cơ sở Phật giáo phải thấy quần chúng nghĩ gì, cần gì; đáp ứng được yêu cầu chính đáng thì họ sẽ quý mến, xâm phạm quyền lợi của họ thì họ sẽ ghét hại ta. Theo Phật dạy, người tu không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với ta. Theo kinh nghiệm, không đòi hỏi người làm gì cho tôi, nhưng tôi luôn làm theo yêu cầu của người, được họ thương là vậy. Tôi giảng các tỉnh miền Tây không quyên góp của Phật tử để cúng dường các trường hạ. Họ tự phát tâm nhờ tôi gởi cúng dường. Tôi làm giùm thì họ mang ơn tôi.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước và hướng đi lên của Giáo hội, quý Thầy trụ trì lãnh đạo cấp cơ sở cần thông suốt những chủ trương của Giáo hội và Nhà nước để hòa nhịp cùng sự phát triển của đạo pháp và dân tộc, đóng góp nhiều hơn cho an sinh xã hội. Cầu nguyện cho lớp học thành công tốt đẹp.