Sách
Khi Đức Phật tại thế, trên bước đường du hành, hóa độ chúng sanh ở khắp mọi nơi, những cảnh tượng thiên nhiên và xã hội đã phô bày trước mắt Ngài một cách trọn vẹn, qua đó Ngài có nhận thức sâu sắc về những hiện tượng này. Đức Phật mới giảng dạy cho tứ chúng để họ nhận ra được sự thật của cuộc sống thiên nhiên và con người một cách chính xác. Nhất là đối trước những cảnh thương tâm của các chúng sanh bị bức hại, cho đến những cảnh hung tàn bạo ngược của vua chúa đã gây ấn tượng và tạo nên những cảm xúc trong lòng đại chúng. Trước việc đại chúng đối cảnh sanh tâm, Đức Phật đã đưa ra những lời giảng dạy tương ưng. Vì thế, khi ôn lại kinh điển Nguyên thủy, chúng ta cũng nhận thấy rõ những lời dạy của Đức Phật phản ảnh trung thực những cảm xúc ấy.
Tuy nhiên, sau khi Phật nhập diệt, hành giả Đại thừa nương vào những cảm xúc của Phật và Thánh chúng được ghi nhận trong kinh tạng Nguyên thủy mà triển khai và kiến giải theo tầm nhìn sâu rộng của tâm linh. Vì thế, sự diễn tả những cảm xúc, những chấn động nội tâm trong kinh điển Đại thừa đôi khi vượt lên trên sinh hoạt thực tế cuộc sống.
Tinh thần phóng khoáng của Phật giáo Đại thừa theo bước chân hành đạo của chư vị Tổ sư đã bắt rễ và thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của nhân gian. Từ đó, những cảm xúc nội tâm mang nặng ảnh hưởng Phật giáo được người ta thể hiện qua tranh ảnh, hình tượng, thơ ca… Có thể nói những tác phẩm biểu lộ cảm xúc nội tâm theo Phật giáo đã đạt đến mức độ cao trong nhiều lãnh vực như văn chương, hội họa, điêu khắc, phim ảnh, tuồng kịch và trở thành nghệ thuật trong Phật giáo.
Điển hình là những bức tranh, pho tượng, cho đến phong cách trang trí ở các tự viện do Thiền sư hay Phật tử sáng tạo, thể hiện sự phong phú đa dạng của cảm xúc tâm linh, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo đã từng phát triển qua nhiều thời kỳ và còn được lưu truyền đến ngày nay. Nhìn ngắm lại kho tàng Phật giáo, những gì còn được lưu giữ, phần lớn ở các nước theo Phật giáo Đại thừa, đều tiêu biểu cho nền văn hóa và nghệ thuật vàng son ở nước đó. Thật vậy, khi nghiên cứu về nghệ thuật, văn hóa của đất nước chúng ta, hoặc Trung Hoa, Nhật Bản, chúng ta thấy rõ các biểu mẫu còn được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật của chúng ta, hay của các nước này, phần nhiều mang đậm dấu ấn Phật giáo, toát lên những cảm xúc của các nhà tu hành hoặc Phật tử.
Có thể khẳng định rằng nét đặc sắc của Phật giáo là mặc dù phát xuất từ triết học Ấn Độ, nhưng đã không chấp nhận những thần tượng hay ngẫu tượng của Ấn Độ. Hàng đệ tử Phật đã sáng tạo những tác phẩm thần thoại trong sáng hơn và an lành hơn. Và cảm xúc tâm linh ấy đã trải qua từng thời đại cho đến ngày nay, người ta vẫn tiếp tục sáng tạo nhiều phong cách đa dạng theo dòng chảy miên viễn của cảm xúc tâm linh. Nhất là khi cuộc sống của nhân loại ở thời đại văn minh cao độ, nhưng con người luôn phải đối diện với nhiều bất trắc, rủi ro, thảm họa, khủng bố, chết chóc, bệnh tật… Vì thế, cảm xúc nội tâm của con người càng hướng đến quyền năng siêu nhiên mầu nhiệm để làm nơi nương tựa an lành, để giải tỏa những căng thẳng, lo âu, sợ sệt, để thoát khỏi nỗi khổ đau trầm thống… Từ đó, dòng cảm xúc tâm linh của hành giả Đại thừa lại tiếp tục dâng trào qua những tượng Phật sống động, đa dạng; nhất là tượng Bồ tát Quan Âm từ hình tướng phụ nữ uyển chuyển nhẹ nhàng đã chuyển đổi thành tượng Phật Chuẩn Đề ba đầu sáu tay, hay Quan Âm có 11 mặt, cho đến Quan Âm ngàn mắt ngàn tay.
Thiết nghĩ nghệ thuật Phật giáo vẫn tiếp tục phát huy theo dòng cảm xúc của con người luôn hướng về nét đẹp siêu phàm của các đấng giải thoát tự tại trong biển hồng trần. Dòng cảm xúc hướng đến sự thánh thiện theo Phật giáo giúp cho tâm hồn người sáng tạo thăng hoa, thổi vào tác phẩm cái hồn thiện mỹ, khiến cho tâm hồn người thưởng thức cũng được bay bổng, thoát trần.
Tôi tin rằng nét tinh ba của Phật giáo mãi mãi khơi dậy nguồn cảm xúc sâu xa, vô tận cho mọi người sáng tạo vô số tác phẩm nghệ thuật trong thời hiện đại cũng như muôn đời về sau, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của nhân loại.
Tuy nhiên, sau khi Phật nhập diệt, hành giả Đại thừa nương vào những cảm xúc của Phật và Thánh chúng được ghi nhận trong kinh tạng Nguyên thủy mà triển khai và kiến giải theo tầm nhìn sâu rộng của tâm linh. Vì thế, sự diễn tả những cảm xúc, những chấn động nội tâm trong kinh điển Đại thừa đôi khi vượt lên trên sinh hoạt thực tế cuộc sống.
Tinh thần phóng khoáng của Phật giáo Đại thừa theo bước chân hành đạo của chư vị Tổ sư đã bắt rễ và thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của nhân gian. Từ đó, những cảm xúc nội tâm mang nặng ảnh hưởng Phật giáo được người ta thể hiện qua tranh ảnh, hình tượng, thơ ca… Có thể nói những tác phẩm biểu lộ cảm xúc nội tâm theo Phật giáo đã đạt đến mức độ cao trong nhiều lãnh vực như văn chương, hội họa, điêu khắc, phim ảnh, tuồng kịch và trở thành nghệ thuật trong Phật giáo.
Điển hình là những bức tranh, pho tượng, cho đến phong cách trang trí ở các tự viện do Thiền sư hay Phật tử sáng tạo, thể hiện sự phong phú đa dạng của cảm xúc tâm linh, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo đã từng phát triển qua nhiều thời kỳ và còn được lưu truyền đến ngày nay. Nhìn ngắm lại kho tàng Phật giáo, những gì còn được lưu giữ, phần lớn ở các nước theo Phật giáo Đại thừa, đều tiêu biểu cho nền văn hóa và nghệ thuật vàng son ở nước đó. Thật vậy, khi nghiên cứu về nghệ thuật, văn hóa của đất nước chúng ta, hoặc Trung Hoa, Nhật Bản, chúng ta thấy rõ các biểu mẫu còn được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật của chúng ta, hay của các nước này, phần nhiều mang đậm dấu ấn Phật giáo, toát lên những cảm xúc của các nhà tu hành hoặc Phật tử.
Có thể khẳng định rằng nét đặc sắc của Phật giáo là mặc dù phát xuất từ triết học Ấn Độ, nhưng đã không chấp nhận những thần tượng hay ngẫu tượng của Ấn Độ. Hàng đệ tử Phật đã sáng tạo những tác phẩm thần thoại trong sáng hơn và an lành hơn. Và cảm xúc tâm linh ấy đã trải qua từng thời đại cho đến ngày nay, người ta vẫn tiếp tục sáng tạo nhiều phong cách đa dạng theo dòng chảy miên viễn của cảm xúc tâm linh. Nhất là khi cuộc sống của nhân loại ở thời đại văn minh cao độ, nhưng con người luôn phải đối diện với nhiều bất trắc, rủi ro, thảm họa, khủng bố, chết chóc, bệnh tật… Vì thế, cảm xúc nội tâm của con người càng hướng đến quyền năng siêu nhiên mầu nhiệm để làm nơi nương tựa an lành, để giải tỏa những căng thẳng, lo âu, sợ sệt, để thoát khỏi nỗi khổ đau trầm thống… Từ đó, dòng cảm xúc tâm linh của hành giả Đại thừa lại tiếp tục dâng trào qua những tượng Phật sống động, đa dạng; nhất là tượng Bồ tát Quan Âm từ hình tướng phụ nữ uyển chuyển nhẹ nhàng đã chuyển đổi thành tượng Phật Chuẩn Đề ba đầu sáu tay, hay Quan Âm có 11 mặt, cho đến Quan Âm ngàn mắt ngàn tay.
Thiết nghĩ nghệ thuật Phật giáo vẫn tiếp tục phát huy theo dòng cảm xúc của con người luôn hướng về nét đẹp siêu phàm của các đấng giải thoát tự tại trong biển hồng trần. Dòng cảm xúc hướng đến sự thánh thiện theo Phật giáo giúp cho tâm hồn người sáng tạo thăng hoa, thổi vào tác phẩm cái hồn thiện mỹ, khiến cho tâm hồn người thưởng thức cũng được bay bổng, thoát trần.
Tôi tin rằng nét tinh ba của Phật giáo mãi mãi khơi dậy nguồn cảm xúc sâu xa, vô tận cho mọi người sáng tạo vô số tác phẩm nghệ thuật trong thời hiện đại cũng như muôn đời về sau, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của nhân loại.