Sách
Nhân danh Trưởng ban chỉ đạo An cư kiết hạ, tôi đến thăm và vấn an chư tôn đức trường hạ Vĩnh Nghiêm. Tôi đến thăm trường hạ này, vì nghĩ rằng trước đây còn có Hòa thượng Thanh Kiểm là bậc tôn túc để các anh em nương theo công đức của Hòa thượng thì mọi việc được an lành. Nhưng nay Hòa thượng Thanh Kiểm không còn, mà Hòa thượng Thiền chủ Hiển Pháp lại bận nhiều Phật sự, nên phần nào các anh em phải tự lo sắp xếp công việc tu học. Vì vậy, tôi đến đây thăm để góp ý và truyền trao kinh nghiệm tu của riêng tôi ngõ hầu giúp các anh em thăng tiến trên đường đạo.
Khi tu trong chánh pháp, trước nhất đối tượng của chúng ta là Phật và những lời dạy của Ngài. Điều này quan trọng đối với hàng tu sĩ chúng ta, vì Đức Phật là người thành đạt nhất trên thế gian, nếu chưa nói đến những gì cao siêu của Phật hơn hẳn mọi người. Đức Phật của chúng ta là đấng giáo chủ trọn lành nhất, nên nương tựa Phật tu hành, ít nhiều chúng ta đều đạt kết quả tốt. Và kế đó là những bậc tiền nhân, chư vị Tổ sư cũng là những người hiện hữu trên cuộc đời này mà chúng ta hướng tâm đến để học hỏi, phát huy đạo đức, tri thức của mình.
Đức Phật là biểu tượng chung nhất của chúng ta, ngoài ra, tu hành ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm, các anh em còn phải nghĩ ngay đến Tổ Vĩnh Nghiêm. Ngài là người thành đạt nhất và được Tăng Ni Phật tử cả ba miền Bắc, Trung, Nam kính trọng. Hành trạng của Tổ như thế nào mà được nhiều người kính trọng như vậy. Về điều này, tôi không dám đề cập, vì không hiểu ngài nhiều. Các anh em hãy nghe các Hòa thượng sanh trưởng miền Bắc như Hòa thượng Đức Nghiệp giảng giải về công hạnh của Tổ và theo đó mà học gương tốt của ngài. Đối với tôi, người gần gũi thân thương nhất là Hòa thượng Tâm Giác và Hòa thượng Thanh Kiểm. Hai vị này là bậc đàn anh của tôi và cũng đỡ đầu cho tôi sang Nhật học. Hòa thượng Thanh Kiểm là người học đồng trường, đồng môn với tôi, nên tôi hiểu ngài nhiều hơn.
Hòa thượng Thanh Kiểm học và tu Pháp Hoa. Hòa thượng Tâm Giác tu học Tịnh độ. Theo tôi, các anh em có thể kết hợp Pháp Hoa và Tịnh độ để tu. Trước nhất, học gương tốt của hai vị này để rèn luyện cho mình. Chúng ta học những gì thấy được và tiến đến suy nghĩ những điều sâu xa của các ngài. Hòa thượng Tâm Giác và Thanh Kiểm là hai vị học Tăng thuộc lớp đầu tiên được Giáo hội Tăng già Bắc Việt giới thiệu sang Nhật tu học. Miền Trung thì có Hòa thượng Thiên Ân và miền Nam có Hòa thượng Quảng Minh là những vị đầu tiên được gửi đi tu học ở Nhật.
Hòa thượng Tâm Giác vào Đại học Đại Chánh (Taisho) chuyên nghiên cứu Tịnh độ và Hòa thượng Thanh Kiểm học Đại học Lập Chánh (Rissho) chuyên về kinh Pháp Hoa. Đại Chánh là tên của Thiên hoàng đang trị vì (con của Minh Trị Thiên hoàng) và dùng tên này đặt cho trường vì trường này được thành lập vào thời Đại Chánh. Trường tên Lập Chánh vì chủ trương theo tinh thần Lập Chánh An Quốc, nghĩa là xây dựng điều chân chánh và phá bỏ việc tà ngụy để quốc gia được an lành. Lập Chánh An Quốc chính là tên của bộ luận do Nhật Liên Thánh nhân biên soạn. Đó là hai trường Đại học Phật giáo mang sắc thái đặc thù, tên trường thể hiện pháp môn tu và sinh hoạt của họ.
Tôi được Hòa thượng Tâm Giác cho biết rằng ngài theo học pháp môn Tịnh độ ở trường Đại Chánh, vì ngài nhận thấy đa số người Việt Nam có nhân duyên với pháp môn Tịnh độ. Điển hình như người Phật tử Việt Nam gặp nhau thường chắp tay chào A Di Đà Phật, nghĩa là nhắc nhở nhau nghĩ về Phật Di Đà. Ngài tìm hiểu giáo nghĩa sâu xa về pháp môn tu Tịnh độ, ít nhất khi trở về nước, cũng giúp được người tu pháp môn này có điều kiện phát triển khả năng tu đúng chánh pháp. Như vậy, các Hòa thượng đi học có định mục tiêu sẵn, học gì để sau này làm gì; đó là điều mà tôi muốn nhắc các anh em. Người không có định hướng thấy người khác học, tu thì cũng bắt chước học tu, nhưng không tiến xa được, vì không có mục tiêu để phấn đấu đi tới, nên cái gì cũng học, mà rốt cuộc không làm được việc gì. Điểm đặc biệt của Hòa thượng Tâm Giác là học pháp môn Tịnh độ và ngài còn dành thì giờ học và tập luyện Nhu đạo. Ngài đạt được đệ tam đẳng Nhu đạo. Thời đó, người đạt đẳng cấp này cũng hiếm, chỉ được đai đen đã khó.
Có người nghĩ rằng nếu tu pháp môn Tịnh độ thì vãng sanh là việc chính, học Nhu đạo để đánh nhau hay sao. Phê phán như vậy là không hiểu gì về Hòa thượng Tâm Giác và cũng không hiểu pháp môn Tịnh độ. Cứ nghĩ tu Tịnh độ là từ bỏ thế giới này để về Cực Lạc là sai lầm lớn. Nếu tu để bỏ xứ ra đi thì nhiều người không thể chấp nhận được. Nghĩ như vậy thì chỉ dành cho người tuyệt vọng sắp chết. Người nào còn sống cũng phải nghĩ làm được một việc gì đó. Còn sống mà nghĩ chết rồi, đào tạo người theo Phật giáo như vậy chẳng những sai lầm lớn, mà còn làm cho đạo Phật mai một. Nghĩ sai về Tịnh độ chẳng những bản thân không được gì, đừng nói đến giúp ích cho người.
Tại sao Hòa thượng kết hợp pháp môn Tịnh độ với võ thuật Nhu đạo. Nhu đạo (Judo) là môn võ của Nhật Bản, nhưng người sáng chế ra môn võ này là Thiền sư, nên có chữ đạo ở phía sau tên võ. Nhu là nhu nhuyến, tức mềm mại, nên luyện tập môn võ này nhằm tạo cho con người có sự uyển chuyển lẹ làng và từ đó mới rèn luyện cho cơ thể khỏe mạnh. Võ thuật Nhu đạo không dùng để tấn công người, nhưng chủ yếu là tự vệ. Chúng ta thường nói nhu thắng cương là nghĩa này. Tu sĩ chúng ta lúc nào cũng phải luyện cho tâm thực nhu. Theo tinh thần này, Phật dạy chúng ta phải mặc áo Như Lai là nhu hòa nhẫn nhục. Nhu nhưng hòa, tức nhẫn nhục, nhưng không ai làm hại được ta, không phải nhẫn để mặc cho ai đánh mắng cũng được; nhẫn nhục kiểu đó thì Phật giáo bị tiêu diệt từ lâu.
Người kết hợp pháp môn Tịnh độ và Nhu đạo để đưa sức sống của đạo đi lên. Nếu chuyên tu Tịnh độ, nhưng thiếu sự áp dụng pháp nhu hòa nhẫn nhục thì hỏng. Đầu tiên, Nhu đạo luyện cho con người có sức tránh né giỏi, nghĩa là chúng ta nhẫn nhục, không đánh người, nhưng người không đánh được ta. Khi tập luyện môn võ này, trong một tháng, tôi chỉ luyện té. Người đánh ta, thì ta phải té, nhưng té như thế nào để không bị gẫy tay chân. Luyện tập tránh né tất cả mũi nhọn tấn công không đâm thủng được ta và vô hiệu hóa vũ lực chống phá chúng ta. Các anh em tu Tịnh độ như thế nào mà người không đánh, không hại được. Họ đánh chúng ta bằng gươm giáo, chúng ta sợ; nhưng đánh bằng lưỡi thì còn đáng sợ hơn nữa. Nói cách khác, xung quanh chúng ta còn nhiều người ác ý, nói xấu ta. Các anh em nhẫn nhục như thế nào mà tránh né được sự phá hại và vô hiệu hóa lời nói xấu của họ mới mặc giáp nhẫn nhục. Theo tôi, muốn tránh những ám hại này, không cách gì khác hơn là phải tịnh hóa tâm ta. Tâm ta thực trong sáng là Tịnh độ và từ tâm tốt này sẽ phát xuất hành động tốt. Đó là pháp căn bản nhất để tránh được sự phá hại, nói xấu của người đối với chúng ta. Thể hiện ý này, kinh Pháp Hoa đã dạy rằng người nào hại người tốt thì tự chuốc họa vào thân, ví như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Khi tâm hồn chúng ta trong sáng thanh tịnh, nhưng người bịa chuyện nói xấu, có ác ý, ác khẩu ấy được người khác tin, nhưng về lâu về dài, chẳng còn ai tin nữa, vì tốt hay xấu đều tự phơi bày sự thật theo thời gian.
Bước đầu tu Tịnh độ là tự tịnh kỳ ý, mặc cho người nói gì cũng được, ta nhẫn nhục để rèn luyện cho được tâm hồn thanh thản, không phải nhịn mà tức trong lòng. Cũng vậy, tập Nhu đạo, đầu tiên phải luyện được tánh nhu hòa nhẫn nhục, không để cho người tác động tâm ta giận tức, vì biết giận là mất khôn. Tập môn võ thuật này để kết hợp với pháp môn tu Tịnh độ.
Đạt được pháp nhu, các anh em tiến thêm bước nữa là hòa, hòa như nước với sữa thì chắc chắn vô hiệu hóa được sự chống phá của người. Một người tung quả đấm tới đối phương thì phải có một khoảng cách mới đánh được; nhưng hai người sát vào nhau, hay hòa hợp làm một thì làm sao đánh được. Vì vậy, thái độ của chúng ta đối với cuộc đời, với mọi người luôn ở thế hòa, không ở thế chống. Các anh em tu Tịnh độ mà nghĩ pháp môn ta đúng nhất, hay nhất, những pháp khác dở hơn là đã phạm sai lầm từ căn bản và tạo khoảng cách cho cú đấm tới. Ta chỉ có một pháp môn, trong khi Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn, mà ta lấy một chống lại tất cả pháp khác, thì chỉ trong Phật giáo, ta đã bị tiêu diệt trước.
Làm sao hòa được với mọi người, trước nhất hòa với chúng hội đạo tràng tại trường hạ Vĩnh Nghiêm. Đối với những người cùng cấm túc An cư mà không hòa được, thì công đức không thể nào sanh ra, nhưng nghiệp sanh thì chúng ta đọa ba đường ác. Bằng mọi cách chúng ta phải hòa được và tìm cách chấp nhận nhau. Chúng ta hòa được trong một chúng cùng tu cho đến hòa với những người học ở trường Trung cấp, Cao đẳng bên cạnh chúng ta. Chúng ta không thấy họ khác biệt với ta, đừng nghĩ đây là chúng Tổ đình và kia là chúng của trường. Hai chúng này đối lập thì thực là vô lý, vì cùng sống theo pháp Phật. Chúng của chùa thì đang tu, chúng của trường thì đang học. Người cần học thì không thể bắt họ tu và người đang tu cũng không bắt họ đi học được. Ở đây "hòa” là chấp nhận những suy nghĩ và việc làm của người, đừng bắt người nghĩ như ta, làm giống ta; đó là hòa.
Xa hơn, hòa với các vị lãnh đạo tôn giáo bạn. Đối với tôi, chẳng những các Hòa thượng, Thượng tọa trong Giáo hội tu pháp môn khác, tôi tìm cách hòa và hòa cả với những nhà lãnh đạo tôn giáo khác mà tôi có dịp tiếp xúc. Tôi lãnh đạo Phật giáo thành phố này, cứ mỗi năm đến mùa lễ Chúa giáng sinh, tôi đến thăm đức Tổng Giám mục và đến mùa Phật Đản thì vị này cũng đến thăm tôi, chúng ta coi những tôn giáo có mặt là sự thực hữu trên cuộc đời này, không thể phủ nhận. Nếu ta xem thường người thì chắc chắn họ cũng chẳng nể nang gì ta. Mỗi tôn giáo đều có điểm tốt, cũng như mỗi người đều có điểm đáng khen. Muốn hòa thì phải thấy cái tốt của người và nhớ nghĩ về cái tốt ấy. Tìm cái xấu mà nói thì có thể khẳng định rằng chẳng có người nào trọn lành, ai cũng có điểm khuyết. Tuy nhiên, có thể nói ai cũng tốt, vì không tốt thì làm sao có thân người và lại được xuất gia học đạo. Các anh em phải nhớ rằng mình đã được nhiều ưu điểm, phải biết trân trọng và phát triển những điều quý báu của người xuất gia. Hàng cư sĩ rất mong được nếp sống giải thoát như chúng ta, nhưng họ còn nhiều chướng duyên nên muốn mà vẫn không được. Tại sao chúng ta lại nhìn nhau không tốt, trong khi có nhiều phước báo như vậy.
Nhân chuyến viếng thăm Đại học Nanzan ở Nhật cách đây hai năm, tôi có dịp trao đổi kinh nghiệm tôn giáo với những vị Giám mục. Có những vị đã có bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ Phật giáo. Họ đã biết học những tinh ba của Phật giáo chúng ta và đáng buồn thay, chúng ta lại không biết gì về những nét son có một không hai của Phật truyền trao. Các anh em phải nỗ lực tu học, khai thác những tinh túy của Phật để lại, thăng hoa đạo đức, tri thức cho ta và làm lợi ích cho người. Nếu không biết sử dụng của báu, để cho người khai thác những cái hay của chúng ta thì đến một ngày nào, chúng ta cũng không còn vị trí trên cuộc đời này.
Khi nghiên cứu về Thiên Chúa giáo, tôi thấy họ tổ chức rất hay. Còn đặc sắc của Phật giáo chúng ta là có cả một kho tàng giáo nghĩa vô cùng quý giá, nhưng ta lại thiếu tổ chức. Tuy có Giáo hội, nhưng thực ra chúng ta không có giáo quyền, giáo chế, giáo sản. Chính vì sự khiếm khuyết trong việc tổ chức đã dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều tu sĩ giả, hoặc những người tu hành vì hoàn cảnh, vì những lý do không tốt, họ đã làm những việc xấu bôi nhọ Phật giáo. Không có giáo chế, nên không có quy định đúng đắn về việc tuyển chọn tu sĩ phải hội đủ tiêu chuẩn nào và sinh hoạt tu sĩ ra sao. Không có giáo sản, nên Thầy tu chết thì chùa và tài sản của chùa trở thành tài sản riêng của con cái, dòng họ.
Trong khi sinh hoạt theo Thiên Chúa giáo, không có một vị Linh mục nào mà không được đào tạo từ đại chủng viện, tốt nghiệp Cử nhân hay Tiến sĩ và không có người nào được phép xưng danh là Linh mục, nếu không xuất thân từ các đại chủng viện và được Tòa Thánh phong. Và tuyển chọn người tu của họ cũng rất khó, phải tốt nghiệp cấp ba trước khi đi tu và phải có sức khỏe, không bị bệnh truyền nhiễm. Pháp này của ta, nhưng ta lại không dùng. Thật vậy, trong luật thọ giới, những người thân thể không vẹn toàn thì không được thọ giới, nhưng ta lại lợi dụng hai chữ từ bi để cho thọ giới, nhưng họ thọ rồi lại làm điều sai quấy thì ai lãnh chịu hậu quả này.
Giáo nghĩa của Phật giáo chúng ta rộng lớn vô cùng như thế, nhưng Tăng Ni thiếu học rất nhiều. Và cũng đáng lo là những tu sĩ chúng ta đa số ốm yếu, bệnh hoạn. Vì nhiều Thầy phạm phải sai lầm là thường nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi, khùng điên, nghèo đói, sức khỏe kém cho xuất gia và cũng không cho học. Đầu vô của chúng ta tệ như vậy, làm sao đầu ra tốt cho nổi. Cả nước ta chỉ có 2040 Linh mục. Trong khi riêng thành phố chúng ta đã có sáu ngàn Tăng Ni và cả nước có độ ba chục ngàn Tăng Ni. Tuy không có nhiều Linh mục, nhưng tổ chức tín hữu của họ rất tốt. Một tu sĩ Thiên Chúa giáo lãnh đạo một giáo khu ít nhất cũng được năm trăm hộ dân. Có vị cai quản hai, ba giáo khu. Họ kiểm soát rõ ràng số lượng tín đồ và hướng dẫn chặt chẽ sinh hoạt của tín hữu. Còn ta nói chung chung là Phật tử chiếm tám mươi phần trăm dân số, nhưng thực sự chúng ta huy động được bao nhiêu người mỗi khi cần. Và mỗi Thầy quản lý được bao nhiêu quần chúng, vì nhà truyền giáo thì phải có tín đồ.
Trên bước đường tu, hòa được với tôn giáo bạn thì ta cũng học được cái hay của họ và cộng thêm cái tốt của ta để giúp chúng ta thăng tiến; đó là điều mà các anh em Tăng sĩ trẻ cần suy nghĩ. Hành động chống đối không thể là việc làm của người nối gót theo Phật. Đức Phật dạy chúng ta nhu hòa và chính Ngài đã thể hiện tinh thần này một cách tuyệt vời. Ngài không chống bất cứ ai, kể cả người theo sát hại Ngài, nhưng kỳ diệu thay, tất cả người đương thời theo Phật với tất cả tấm lòng thương kính. Hành động, lời nói và tâm hồn của Đức Phật luôn luôn chan hòa ánh sáng từ bi cùng muôn loài, muôn sự, muôn vật trong Pháp giới.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, ngày 6-6-2002)