Sách
(Bài giảng lớp Giảng sư Cao cấp ngày 14-1-2003)
Một số Tăng Ni sinh đề nghị cải cách việc học. Tôi sẽ trao đổi với quý Thầy trong Ban giảng huấn để việc học có kết quả. Tuy nhiên, tôi nghĩ học là một việc và thành đạt lại là lẽ khác. Riêng tôi, từ khi còn ở Phật học đường Nam Việt cho đến khi du học Nhật Bản, làm nghiên cứu sinh, phần chính là tôi tự học nhiều hơn. Theo tôi, nỗ lực tự học mới thành công, nếu đợi giáo sư truyền dạy thì khó thành đạt. Thật vậy, theo kinh nghiệm bản thân, lúc ở Phật học đường Nam Việt, tôi may mắn được Hòa thượng Thiện Hoa hướng dẫn. Tuy Ngài ít lên lớp dạy, nhưng tôi học được hạnh đức của Hòa thượng là chính. Vì vậy, nếu các anh em chỉ học bài vở ở lớp, ra làm đạo khó đạt kết quả tốt.
Kinh nghiệm thứ hai là khi Hòa thượng bận việc cả tuần không dạy. Các anh em khác thấy như vậy càng tốt, có thì giờ làm việc theo ý riêng. Có huynh họp lại đánh cờ, hay đi công viên, đi mua sắm, v.v… Riêng tôi thì không như vậy. Tôi dành thì giờ mà Hòa thượng không dạy, để nghiên cứu sách Phật học. Với tôi, đọc sách và tự học nhiều hơn là học ở lớp. Hòa thượng Thanh Từ thuở xưa cũng vậy. Vì Hòa thượng Thiện Hoa bận nhiều, dạy ít, nhưng Hòa thượng Thanh Từ đã tự học, nên ngài mới thành đạt trên lãnh vực tu hành và truyền bá sở đắc. Tôi khuyên các anh em nên nỗ lực phấn đấu vẽ ra con đường của mình tiến thân. Các vị thân giáo sư chỉ giúp một phần để điều chỉnh những lệch lạc sai lầm của anh em mà thôi.
Hòa thượng Thiện Hoa ít có thì giờ cho việc dạy, nên cả lớp còn nhiều vấn đề không được học và một số huynh đệ cũng không có thắc mắc gì để nhờ ngài giải đáp. Riêng tôi vì đọc nhiều, nên hiểu sâu và tranh thủ những cơ hội được gặp Hòa thượng, tôi trình bày những lý giải về giáo lý và cách tu hành của tôi để xin Hòa thượng chỉ dạy xem mình học, hiểu và tu như vậy có đúng hay không. Tôi nghĩ là các huynh đệ đồng khoa không có được cách học như tôi. Nếu chúng ta đọc sách nhiều và có những ý không lý giải được, hoặc nghi ngờ, thì nhờ Thầy khai ngộ mà việc của chúng ta tự sáng ra. Khi sang Nhật tu học, tôi có hai vị thân giáo sư mà tôi rất quý trọng. Một là giáo sư Sakamoto, Viện trưởng Viện Đại học Rissho, Tokyo. Vì làViện trưởng, nên ít giảng dạy, nhưng ngài chỉ đạo tôi làm luận văn tốt nghiệp; vì thế tôi có điều kiện gặp riêng Ngài. Tôi chuẩn bị sẵn tư liệu để nhờ Ngài giám định, nhờ đó tôi có cơ sở để trao đổi, bàn luận với ngài.
Có thể khẳng định rằng khi ta có việc làm tương ưng với vị thân giáo sư, họ mới thích thú và truyền trao những điều tâm đắc, những sở trường để ta thừa kế tiếp sự nghiệp tinh thần cả một đời của họ dày công xây dựng. Vị giáo sư Viện trưởng đã giữ tôi ở lại nhà ông hôm sau mới về, vì ông muốn chỉ dạy tôi một cách tường tận phương hướng nghiên cứu và làm đạo sau này. Thầy trò có tâm đắc trong việc truyền trao và tiếp thu như vậy, nên chúng tôi quên cả thời gian và mệt nhọc. Trong khi những sinh viên khác là người Nhật, nhưng không có mối quan hệ tri thức và tâm linh với vị thân giáo sư này. Vì thế, họ sợ ông và cho rằng ông khó quá. Theo tôi, nếu mình trình kiến giải mà giáo sư tâm đắc, thì ông không quản ngại, hy sinh cả thì giờ quý báu để dạy mình và còn dành cảm tình đặc biệt cho mình vì đã tìm được người thấu hiểu, thừa kế được sự nghiệp của ông và trong tương lai mình sẽ phát huy được những tinh ba của ông. Thiết nghĩ đó là tâm lý tự nhiên của tất cả giáo sư dù là đạo hay đời.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, cần nỗ lực tự học nhiều hơn là học ở trường lớp. Có thể khẳng định rằng khi biết tự rèn luyện mình phát triển, thì Thầy chỉ cần uốn nắn một phần nhỏ là chúng ta trưởng thành được. Trong số những học trò của Hòa thượng Thiện Hoa thì Hòa thượng Thanh Từ và tôi thành công được phần lớn nhờ tự học nhiều hơn. Các anh em muốn làm được việc trong tương lai, phải tự phấn đấu học để phát huy tri thức, có được sở trường mới là yếu tố quan trọng giúp quý vị thành công lâu dài. Và khi theo đuổi sự nghiệp học vấn, những công trình nghiên cứu của các anh em phải tương ưng với tư tưởng của thân giáo sư thì họ mới chỉ dạy được. Đó chính là sự thừa kế thực chất vậy.
Các anh em học với tôi kinh Hoa Nghiêm, nếu thu nhận được những điều tâm đắc và có ảnh hưởng trong cuộc sống thì Thầy trò mới dễ gặp nhau trong việc làm, trong đời sống, dù không gặp mặt nhau. Suy nghĩ của ta, việc làm của ta gần với Thầy chính là đã kế thừa được về tinh thần trong đạo. Còn học ở trường, không có sự kế thừa như thế, chẳng qua chỉ là học một mớ ngôn ngữ để nói cho vui, không đi đến đâu.
Gặp nhau trong tư tưởng, cùng dấn thân trong việc làm là cùng sống với nhau theo tinh thần Hoa Nghiêm. Thật vậy, một Đức Phật quá khứ, một Đức Phật đắc đạo trong hiện tại và vị Bồ tát đang trải thân hành đạo, cả ba vị này đều kế thừa tinh thần và sự nghiệp của nhau. Các anh em cần nhận thức được ý nghĩa sâu sắc này. Ngày nay, các anh em học với tôi, tiếp nhận được những gì tôi truyền trao bằng tất cả niềm vui thích. Và tôi cũng vậy, có được độ cảm thông sâu sắc với sở đắc của Hòa thượng Thiện Hoa, cho đến việc hành đạo cao quý của Đức Phật. Có một mối dây liên hệ vô hình về tư tưởng, về tâm đắc, về việc làm nối kết sâu sắc từ chúng ta với vị thân giáo sư gần gũi và xa hơn với chư Phật, chư Bồ tát trong hiện tại và cả quá khứ ở khắp pháp giới. Thế giới sống của người tu là như vậy.
Ngày nay, chúng ta có trường lớp đàng hoàng, nhưng chỉ căn cứ vào bằng cấp, mà không biết phát huy phần kế thừa tinh thần, chắc chắn không thể phát triển công việc hoằng pháp. Tôi nhắc các anh em trong khóa này, được học với nhiều giáo sư. Trong các vị này, anh em tự nhận thấy thừa kế được vị nào, tâm đắc với tư tưởng của vị nào. Thừa kế vật chất không quan trọng. Thừa kế tinh thần của Thầy, của Tổ, của Phật mới quan trọng, để làm hành trang nhắc nhở anh em sau này dấn thân hành đạo.
Học nhiều vị Thầy và chọn một vị để theo, là thừa kế pháp môn. Vì có gần gũi, say mê với pháp môn, mới thích thú dấn thân, theo đuổi cả cuộc đời ta. Học chung chung, khó thành đạt. Tôi nhắc các anh em không nên học một số kiến thức của giáo sư, nhưng phải phát minh những điều chưa có. Lớp Trung cấp thì theo chỉ dạy của Thầy, nhưng học lớp Cao cấp thì phải nương theo Thầy mà phát hiện điều chưa ai nói. Muốn được như vậy, các anh em phải chuyên và sự ưa thích thật sự cái mình học.
Có thể trong năm tới, đến lớp học hay không, cũng được. Ngày trước tôi đến lớp, phải học chung chung, mất thì giờ với những môn không thích, nên chán. Vì vậy, đối với tôi, những môn học không thích, tôi chỉ cần đủ điểm chuẩn mà trường đặt ra, còn những giáo sư hay môn học nào mà tôi thích mới chuyên tâm theo học.
Thực tế có những vị Thầy vắng mặt, mình vui, vì không bị mất thì giờ ở lớp mà không thu lượm được gì. Không tiếp thu được vì lý do thứ nhất là Thầy lập đi lập lại, không dạy những gì mới mẻ, đáng tiếp thu. Nếu học riêng, các anh em sẽ tiếp thu được nhiều hơn. Lý do thứ hai không tiếp thu được vì khả năng tiếp thu không có, nên học cũng chẳng đi đến đâu, không thích thú học là vậy.
Vua Trần Thế Tông lên Yên Tử gặp Phù Vân quốc sư. Hai vị này cùng uống trà, nhìn nhau, dù nói năng hay yên lặng, cũng là một thế giới mà Trần Thái Tông thâm nhập được, học được ở Phù Vân những gì quý báu nhất để sau này trở thành vị minh quân tiêu biểu của đời Trần. Tinh thần học đạo quan trọng ở điểm ấy.
Các anh em học với tinh thần tự phấn đấu để rút tỉa được những tinh ba của thân giáo sư, để đạt đến đỉnh cao về tri thức làm nền tảng cho mình thành đạt những việc lợi ích cho bản thân và cho đạo pháp; không phải đến lớp vì có điểm danh, vì có bằng cấp. Các anh em không còn bé bỏng mà cần phải kỷ luật gò bó, chỉ dạy từng chút, mà phải tự nỗ lực dấn bước.
Tôi đề nghị trong mùa hạ tới, anh em có thể phân hai hướng sinh hoạt. Một là anh em có thể trở về trụ xứ tham gia công tác giảng dạy các trường hạ tỉnh nhà để tự tập luyện việc hoằng pháp mình theo đuổi, để phát huy năng lực giảng dạy tốt hơn, cao hơn. Đó là phương cách mà các anh em tập sự tự rút kinh nghiệm bản thân, không có giáo sư hướng dẫn. Hai là anh em có thể chọn một vị pháp sư chúng ta theo học. Học như vậy rất quan trọng. Ta nhận thấy vị này đến địa điểm nào thuyết giảng, người nghe pháp nghĩ sao về vị này. Học cách đó mới nhận ra được chiều sâu của vấn đề.
Về hình thức thì Giảng sư giống nhau, nhưng chúng ta thấy có vị đến giảng, quần chúng rất vui; họ vui từ trong lòng cho đến thể hiện ra nét mặt, lời nói, cử chỉ bên ngoài. Có vị chúng ta theo họ, thấy bình thường, nhưng có vị giảng, chúng ta thấy người nghe chán nản. Vị Giảng sư có sức thuyết phục, nên đại chúng nghe, nhận được niềm vui từ trong lòng cho đến cái vui của họ mà ta thấy được bên ngoài. Kết quả này cho thấy vị đó có sở đắc, tâm chứng; họ không truyền trao ngôn ngữ bình thường, mà truyền tâm đắc của họ. Các anh em học và nhận được ý này, ra làm việc cũng thấy vậy. Xưa kia tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa. Ngài nói ngôn ngữ giản dị, là con người bình dị, nhưng có sức thuyết phục lạ, làm người phải kính mến. Một số người nhận xét bề ngoài thấy ngài bình thường mà không hiểu tại sao ngài làm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng già Nam Việt và làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Giỏi ở ngôn ngữ, ở bề ngoài, ở khôn dại thủ đoạn theo thế gian thì khác với giỏi vì tu hành, có tâm chứng, có đạo lực thuyết phục. Hòa thượng nói rất chậm rãi. Hòa thượng Thanh Từ cũng vậy. Có người nhận xét ở khía cạnh nào đó thì ngài không phải là nhà hùng biện. Tuy nhiên, điểm quan trọng chính yếu là người nghe nhận được một cái gì đó phát xuất từ tấm lòng của các ngài truyền đến cho họ. Sự truyền đạt này mới quan trọng mà các anh em phải học cho được và trang bị cho mình để cũng có sức thuyết phục giống như Thầy, Tổ. Còn ta theo vị không có tâm chứng, không có nội lực. Có thể họ giảng hay, chính xác, văn chương chữ nghĩa rõ ràng, nghe cũng vui; nhưng không có sức thuyết phục ăn sâu vào tâm hồn. Chúng ta có thể chỉ học văn chương với vị này và học sức thuyết phục của tâm chứng ở vị kia. Kết hợp hai khả năng này để trang bị cho mình, tôi nghĩ anh em sẽ thành Giảng sư hay.
Ngày xưa tôi còn là học Tăng Sa di, có lúc hầu Hòa thượng Thiện Hoa, có lúc làm thị giả Hòa thượng Thanh Từ hay Hòa thượng Pháp Lan. Tôi học được rất nhiều ở mỗi vị, quý ngài đều có điểm đặc sắc thuyết phục riêng. Đi theo vị pháp sư để học, các anh em quan sát thấy chúng hội đạo tràng đông hay ít, tiếp xúc với người thuần có tâm đạo, hay người có ý thức trái ngược. Theo học với những vị Giảng sư nổi danh như vậy, cho các anh em có tầm nhìn rộng mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Thiện Tài cầu đạo. Trong mùa an cư năm nay, anh em có thể chọn vị Giảng sư mình quý mến ở lãnh vực nào đó, hạ sang năm có thể theo học với vị khác.
Tôi được như ngày nay cũng nhờ đã làm thị giả các vị lớn, đã tham dự nhiều buổi diễn thuyết; từng bước học được những kinh nghiệm quý giá của người đi trước. Anh em muốn tiến tất yếu cũng phải như vậy, chỉ học ở lớp để tốt nghiệp, chắc chắn không đủ.
Về bài thi, tôi giảng gì mà anh em tâm đắc thì tự chọn đó làm đề tài và trình bày theo cách riêng của từng người. Nộp bài để tôi xem các anh em hiểu tôi như thế nào và có sáng kiến gì trên bước đường hoằng pháp. Tôi cho đề tài rất rộng như vậy, nhưng anh em viết bài giảng ngắn, độ hai trang, nói lên được sở đắc của anh em và sau dùng kinh nghiệm đó để truyền bá giảng dạy. Theo tôi, nên truyền bá sở đắc của mình thì người dễ nghe và dễ chấp nhận hơn. Đừng nói chung chung, nói cái không thích, tức kinh nào cũng dạy được, nhưng không có chiều sâu, vì không thích thì sao nói hay được. Thí dụ anh em nói những điều tâm đắc về kinh Hoa Nghiêm. Tôi nhận thấy kinh này có một số việc cần suy nghĩ thêm:
1- Đối với anh em nào thích Thiền, có thể trình bày quan hệ của kinh Hoa Nghiêm đối với Thiền tông. Vì chủ yếu của đời sống đạo là Thiền, nên anh em nào thấy kinh Hoa Nghiêm thích hợp với pháp môn Thiền thì khai thác mảng đó.
2- Hoặc là tương quan của kinh Hoa Nghiêm với pháp môn Tịnh độ, nếu ai tu Tịnh độ.
3-Kinh Hoa Nghiêm đối với hành giả Pháp Hoa. Tôi rất thích kinh Pháp Hoa, nên đọc bất cứ kinh nào cũng nhận ra cái liên quan đến Pháp Hoa. Những điểm khác thì tôi không để ý, những gì liên hệ đến Pháp Hoa tôi giữ lại trong lòng. Đọc Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, tôi tâm đắc Bồ tát đạo trong kinh Hoa Nghiêm. Vì kinh Pháp Hoa không nói rõ Bồ tát đạo, nhưng kinh Hoa Nghiêm đề cập rõ ràng vấn đề này, để sau chúng ta hành Bồ tát đạo theo tinh thần Pháp Hoa là việc rất quan trọng. Và quan trọng hơn nữa, trong kinh Hoa Nghiêm có phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới và sang kinh Pháp Hoa, Phật dành một phẩm nói về Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát. Hai kinh này đều có đề cập đến hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền ở cuối kinh là điểm tôi có suy nghĩ và tâm đắc. Nếu anh em thấy hai kinh này có điểm chung như vậy cần triển khai ý nghĩa thì có thể giới thiệu Phổ Hiền Bồ tát.
Hoặc giới thiệu kinh Hoa Nghiêm liên hệ đến pháp môn Tịnh độ. Vấn đề này cũng cần vì ở Việt Nam có đa số người tu Tịnh độ và một số chùa cũng mở khóa chuyên tu Tịnh độ. Tôi được mời giảng ở các đạo tràng Tịnh độ, nên tôi triển khai kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa liên hệ đến pháp môn Tịnh độ như thế nào. Kinh Hoa Nghiêm liên hệ đến pháp môn Tịnh độ ở điểm pháp giới. Phật Di Đà có Pháp giới tạng thân và kinh Hoa Nghiêm có nhập pháp giới. Chúng ta triển khai ý nghĩa pháp giới. Nhập pháp giới của kinh Hoa Nghiêm, tôi cảm giác có gặp Phật Di Đà. Ở chùa Ấn Quang có câu liễng: "Pháp giới tạng thân tùy xứ hiện”. Như vậy, Phật Di Đà có thể hiện ra bất cứ chỗ nào, không nhứt thiết phải ở Tây phương Cực lạc. Ngoài ra, trong kinh Hoa Nghiêm nói rõ: Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung, trừ hết tất cả các chướng ngại, tận mặt gặp Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi Cực lạc. Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi, hiện tiền thành tựu nguyện lớn này, cả thảy tròn đủ không thừa thiếu, lợi lạc tất cả loài hàm thức. Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh, tôi từ hoa sen nở sanh ra, thân thấy Đức Phật Vô Lượng Quang, liền thọ ký tôi đạo Bồ đề… Đoạn này cho thấy rõ kinh Hoa Nghiêm gắn liền với pháp môn Tịnh độ, làm cho ý nghĩa Tịnh độ sáng thêm, không phải chỉ niệm Phật cầu vãng sanh.
Tịnh độ gắn liền với Hoa Nghiêm để dạy chúng ta hành Bồ tát đạo. Ở đây không hành Bồ tát đạo được, làm lợi được một người cũng khó; nhưng vãng sanh Cực lạc, nhờ Phật Di Đà thọ ký thì trình độ hiểu biết trở nên sáng rực và từ đó mới trở lại Ta bà: "Ta hóa vô số vạn ức thân, trí huệ rộng lớn khắp mười phương, lợi lạc tất cả chúng sanh giới…”
Đưa tư tưởng Hoa Nghiêm vô làm cho tinh thần Tịnh độ không còn tiêu cực nữa. Quả thật là hay vô cùng, rất phù hợp với tinh thần Đại thừa dũng mãnh tiến đến Phật quả. Bao giờ chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não hết, ta mới thành Phật; nhưng bốn pháp ấy vô cùng, nên nguyện tôi rốt ráo hằng vô tận. "Nếu có người nơi nguyện vương này, một phen nghe liền sanh kính tín, mong cầu khát ngưỡng quả Bồ đề, được công đức nhiều hơn tài thí. Nhờ đây thường xa các bạn ác, thoát khỏi ba đường dữ, mau thấy Đức Phật Vô lượng quang, đầy đủ Phổ Hiền nguyện tối thắng”.
Khác với trước kia tu Tịnh độ chỉ vãng sanh, nay kết hợp với Hoa Nghiêm vẫn thấy Phật Di Đà, nhưng được đầy đủ hạnh Phổ Hiền và được Phật Vô Lượng Quang thọ ký, thì sẽ trở thành một người tôn quý trên cuộc đời: "… Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi, mau đến cội Bồ đề thọ vương, ngồi an hàng phục các chúng ma, thành đạo Chánh giác nói pháp mầu, lợi lạc tất cả loài hàm thức…”.