Sách
Pháp hội này chủ yếu nói về giới luật để rèn luyện đạo đức của người tu. Từ sơ tâm học đạo đến thực tu lâu năm, chúng ta thực hành giới luật trong cuộc sống như thế nào để phát huy đạo hạnh và trí tuệ là vấn đề được đặt ra.
Đối với hàng Thanh văn, theo lộ trình tất yếu là giới, định, huệ, thì khởi tu từ giới. Nhưng theo Bồ tát tạng, lại khởi tu từ huệ học; nên dạy rằng có huệ mới có giới, có đức. Không huệ mà tu là chấp giới; vì do giữ giới tự ràng buộc hạn chế mình, không thể làm được gì. Từ đó, chúng ta xuất gia học đạo thuộc Thanh văn tạng, phải phấn đấu tiến lên Bồ tát tạng hay Đại thừa, phát huy trí tuệ.
Trong lúc tu theo Thanh văn tạng, chúng ta lấy kinh luật làm chỗ nương tựa và sinh hoạt theo sự chỉ đạo của Thầy; vì chưa đủ trí tuệ. Và vị Đạo sư này phải sống trong pháp Phật, phải có trí tuệ mới có thể dìu dắt chúng ta tu đúng pháp. Nhiều người tu không có Thầy khai ngộ, hoặc theo Thầy không ngộ đạo, nên chỉ chấp một số giới điều, tự làm khổ mình, khổ người.
Theo Bồ tát tạng, vị Thầy A xà lê phải có huệ là Bát Nhã trí mới dạy được điều nào nên giữ, điều nào không cần. Áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, giới luật trở thành lợi ích, giúp ta đi lên. Không biết, mà nhắm mắt làm theo, sẽ gây tác hại cho việc tu hơn là có lợi.
Bồ tát tạng khởi tu từ trí Bát Nhã, tức trí tuệ và đạt đến ngũ uẩn giai Không. Vị Đạo sư đắc huệ như thế, không còn bị cuộc đời quấy rầy và tâm trí sáng suốt. Họ thấy biết việc sẽ xảy đến, biết được căn tánh, hành nghiệp, khả năng của người, theo đó chỉ dạy, chắc chắn đạt kết quả tốt.
Theo Đại thừa, bước đầu xây dựng từ trí Bát Nhã là chính. Kế đến bộ kinh Hoa Nghiêm nói về Diệu Hữu, nghĩa là thấy bề ngoài ngũ uẩn giai Không, nhưng hàm chứa bản thể vi diệu bên trong, tạo thành năng lực hoạt động vô cùng tận. Nói cách khác, kinh Hoa Nghiêm muốn chỉ chúng ta thấy ngoài cuộc sống đơn giản ra, Đức Phật và Thánh chúng còn có sinh hoạt tâm linh không suy lường được.
Thật vậy, theo kiến giải Đại thừa, năng lực bên trong, hay sự hiểu biết và sức chi phối của Đức Phật mới quyết định tất cả mọi sự thành công của Ngài trên bước đường giáo hóa độ sanh. Kinh Hoa Nghiêm hình dung ra trí tuệ của Phật là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi và năng lực của Ngài là Bồ tát Phổ Hiền. Trí tuệ và năng lực của Phật đã chi phối toàn bộ xã hội Ấn Độ thời bấy giờ và ngày nay còn ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt của hàng đệ tử Phật khắp năm châu. Năng lực và trí tuệ của Đức Phật chính là điều mà chúng ta đang hướng đến trên bước đường tu học.
Kinh Bát Nhã và kinh Hoa Nghiêm tiêu biểu cho trí tuệ Vô thượng của Phật ở Bồ đề đạo tràng phá ma binh. Nhưng đến kinh Đại Tập và Bảo Tích, Đức Phật trở lại cuộc đời. Có thể nói kinh Đại Tập và Bảo Tích là gạch nối giữa thế giới vô hình, thế giới của trí tuệ và đạo đức với cuộc sống hiện thực của tam tạng. Hai thế giới này được kết hợp lại và thanh lọc giáo lý tam tạng để sử dụng những gì thích hợp với cuộc sống của chúng ta.
Từ đó, kinh Bảo Tích là bộ kinh lớn mang tính cách tập hợp toàn bộ kinh Nguyên thủy. Tứ A Hàm đều tập trung ở đây, nhưng được tinh lọc và giải thích theo tinh thần Đại thừa. Trước nhất cũng giải thích giới, định, huệ; nhưng giữ giới như thế nào, tu định ra sao và tu huệ thì thấy biết như thế nào. Không phải là chấp pháp hay theo giáo điều, giới điều.
Hai ngàn năm trước, Phật làm thế này; về sau, các vị Tổ sư hành đạo cũng đã có khác. Và đến thời đại của chúng ta, bắt rập y khuôn, chắc chắn không thể tồn tại được. Có những điều mà đa số không chấp nhận và bản thân ta cũng không chấp nhận được. Chẳng qua ta làm theo hình thức và sau cùng hình thức này lại trói cứng chúng ta, thì thật nguy hại cho đạo. Thí dụ nếu chấp chặt pháp tu chỉ ăn một bữa; nếu không giữ là phạm giới, không còn là Tỳ kheo. Nếu dùng pháp này để ràng buộc các Tỳ kheo phải tuân thủ, chắc chắn chẳng còn mấy người tu được.
Tỳ kheo có 250 giới, thiết nghĩ có mấy ai giữ tròn được. Chính vì thế mà tu sĩ Nhật Bản chỉ thọ giới Bồ tát, không thọ giới Tỳ kheo; vì giữ đúng y giới bổn thì không phù hợp với thực tế xã hội. Xưa kia, Tổ Tối Trừng được vua phong là Truyền Giáo đại sư, Ngài đã thọ giới Tỳ kheo ở Trung Quốc. Đến khi tuổi cao, Ngài tuyên bố xả giới Tỳ kheo, vì già yếu bệnh hoạn, không giữ giới được và Ngài chỉ thọ giới Bồ tát.
Theo tinh thần Đại thừa, lấy Thập thiện giới hay Tam tụ tịnh giới làm chính. Chúng ta thử nghĩ xem nếu giữ trọn vẹn Thập thiện giới cũng là người cao quý trên cuộc đời. Và Tam tụ tịnh giới là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Có thể nói Tam tụ tịnh giới rộng vô cùng tận, nhưng thu hẹp lại thì đó là những điều căn bản rất quý báu trong cuộc sống và cũng đáng trân trọng lắm.
Có thể khẳng định tinh thần giới Tỳ kheo mà chúng ta giữ thực ra cũng nằm trong Tam tụ tịnh giới. Nhưng nếu kéo ra chi tiết, chúng ta lại phạm. Điều thấy rõ là ít bao giờ giữ đúng giới được. Chẳng hạn như chỉ riêng giới thọ y, chúng ta cũng khó giữ. Phật tử cúng dường y nhiều quá, không thọ hết được; nhưng họ vẫn cúng và ta vẫn nhận, thì giải thích sao đây.
Vì vậy, giới của kinh Hoa Nghiêm là Thập thiện, giữ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh là chính. Và đối với Tam tụ tịnh giới, nghĩa là làm sao trở thành người mô phạm trên cuộc đời. Không phải giữ điều 1, 2, 3… Trong cách sống của chúng ta, thể hiện đường đường Tăng tướng, tứ oai nghi như thế nào mà người kính trọng, thì coi như tròn giới. Như vậy, chỉ có nhiếp luat, nhưng đã nhiếp được cả Pháp giới.
Trên bước đường tu, quý Thầy cứ xem người phán đoán ta, phê bình ngôn ngữ, cử chỉ và cuộc sống của chúng ta như thế nào. Căn cứ theo đó tự sửa mình, cho đến trọn vẹn thành người kiểu mẫu, ai cũng chấp nhận.
Trên thể tánh của sự vật, hay trên vô sanh thì không có gì để phạm. Vì thế, đối với hàng thanh tịnh Tỳ kheo, Đức Phật không thuyết giới hay thuyết giới Vô sanh là giới mà không có giới điều. Vì tâm vô sanh nên không có phạm, mà không phạm thì không có giới. Nói cách khác, một niệm viên quang, ta trở về thể tánh, không còn tội nào hiện hữu ở đây nữa. Đạt được sở đắc này, kinh Pháp Hoa bảo là tội như núi cả cũng có thể tan hết. Nếu người không biết, cứ chấp giới điều mà cho rằng người này phạm giới, người kia tội lỗi, rồi chê bai, kích bác nhau, cuối cùng lớn nhỏ đều có tội. Tuy nhiên, nhìn thoáng theo tinh thần Đại thừa, tâm trống vắng và trở về thể tánh sáng suốt, thì tự nhiên ảo giác mất hết, mà kinh thường diễn tả là mặt trời huệ mọc lên thì tội tánh Không. Không cần quan tâm đến tội nào cả, nhưng ngộ được bản tánh sáng suốt của mình, là thành Phật.
Theo Đại thừa, thành Phật là điểm chính, đắc đạo thì trả được tất cả ơn nghĩa. Trái lại, dù có giữ bao nhiêu giới điều đi nữa, nhưng không thành Phật, vẫn phải tái sanh để trả nợ cơm áo. Ý thức được điều quan trọng của việc tu hành là ngộ tánh để thành Phật, chúng ta gắng giữ tâm thanh tịnh, không phải giữ giới điều. Chúng ta không quan tâm đến việc người khác giữ giới hay không, nhưng bản thân mình phải nỗ lực trau giồi giới đức thuần tịnh, thể hiện thành hạnh cao quý. Trên nền tảng giới hạnh thanh tịnh ấy, chúng ta tùy người, tùy chỗ, tùy lúc mà khai ra phương tiện khác nhau để tu hành, giáo hóa độ sanh.
Có thể nói pháp hội Tam Tụ Luật Nghi nhận xét về giới điều của Tiểu thừa, về giới tánh của Bồ tát và áp dụng Tam luật nghi đúng. Chúng ta học đạo, nếu chấp theo giới điều hay giới tánh đều không thể tiến tu được. Vì vậy, cần quán xét từng điều của giới bản Tỳ kheo và triển khai qua giới tánh của Bồ tát. Hai việc này hợp lại tạo thành trì giới theo kinh Bảo Tích; không bỏ giới bản, nhưng cũng không bị giới bản ràng buộc.
Về giới bản của Tỳ kheo, có 4 ba la di, 13 tăng tàng, 30 xả đọa, 90 tội đọa, 100 pháp chúng học, 7 pháp dứt sự tranh cãi, 4 pháp hướng bỉ hối, v.v…; cộng chung lại có 250 giới.
Theo tinh thần Bảo Tích, Tỳ kheo cần nương theo những giới cấm ấy để được giải thoát; nhưng không chấp vô giới biệt ấy, mới có thể phát huy đạo hạnh. Trên bước đường tu, cần biết gạn lọc, xem giới nào nên giữ, pháp nào nên áp dụng và giữ giới để làm gì.
Điểm quan trọng của việc giữ giới là sử dụng nó như một hàng rào bảo vệ giới thân huệ mạng của chúng ta. Gặp trường hợp khó khăn, nguy hiểm, ta giăng ngay hàng rào này để tự bảo vệ mình mà được bình yên tu hành. Riêng tôi, nhờ có cấm túc an cư mà suốt ba tháng tôi không phải đi đâu, có thì giờ đọc sách, tham Thiền, nghiên cứu kinh điển. Tuy nhiên, Phật tử biết tôi giữ giới trong mùa an cư, nên không phiền trách được.
Nếu không có hàng rào giới luật bao bọc, che chở, các Thầy khó thoát được chướng nạn. Vì trong lúc tâm chúng ta chưa an ổn, lại gặp thêm bên ngoài đủ thứ cám dỗ, chúng ta chỉ còn nhờ hàng rào giới luật ngăn che, không cho phiền não bên trong có điều kiện tập khởi và cũng không cho ác ma bên ngoài xâm hại pháp tánh của chúng ta. Theo tôi, giới biệt giải thoát có tác dụng chính yếu là vậy; nhờ nó mà chúng ta tiến tu an lành và trưởng thành trên đường đạo. Vì thế, không giữ giới, chắc chắn hỏng đời tu. Điển hình như khi tuân thủ giới biệt giải thoát, Tỳ kheo không đi một mình với người khác phái; rõ ràng giới này giúp chúng ta yên ổn. Nếu không, cứ thân cận nhau, ban đầu là đạo, sau biến thành tình lúc nào không hay. Chúng ta thấy bao nhiêu người hoàn tục cũng vì không chịu tuân thủ giới này.
Làm một Tỳ kheo tu hành trong giới biệt giải thoát của Phật dạy, được nhiều lợi lạc nhất định. Và dần dần, các Phật tử nhận thấy chúng ta giữ giới thanh tịnh, nên sinh tâm kính trọng ta và kính trọng Phật pháp. Công đức ấy là do tu giới mà có.
Giới luật Phật chế nhiều, nhưng tựu trung lại có ba điều chính yếu phải giữ gìn; đó là không làm các việc ác, làm các việc thiện và giữ tâm trong sáng. Ba đời các Đức Phật đều huân tu ba giới này.
Bắt đầu tu phải tập tránh làm điều ác xấu và tiến hơn, làm được những việc tốt rồi thì tập tu cho lòng trong sáng. Khi tâm ý đã thanh tịnh, không cần quan tâm đến hai điều trước nữa, mà vẫn không phạm giới. Thí dụ đối với hàng Thánh chúng, Đức Phật không chế giới, không ngăn cấm, vì tâm ý họ đã thanh tịnh; nếu nói thì chỉ làm khuấy động tâm thôi. Đối với người nhiều tội ác, cần chế giới để ngăn họ không khởi ác tâm, không làm việc ác. Tuy nhiên, tạo sự ngăn che cho việc ác không xâm hại, thì việc thiện cũng không thành. Đứng về mặt này mà xét thì cho là giới có tính cách tiêu cực. Thí dụ Phật dạy các Tỳ kheo không được quan hệ với người quyền thế; điều ngăn cấm này thuộc phần "Chỉ ác”. Nhưng tại sao Phật lại thường quan hệ, thuyết pháp cho quốc vương, đại thần, Bà la môn.
Trên bước đường tu, ở giai đoạn một, Đức Phật không cho tiếp xúc với người quyền thế; vì e ngại chúng ta chưa đủ bản lĩnh, dễ bị thiên hạ lợi dụng. Thật vậy, khi nghiệp lực của ta còn sâu dày, năng lực còn yếu kém; nếu liên hệ với họ, nghiệp ác của họ sẽ tác động, biến ta thành công cụ phục vụ cho mưu đồ xấu ác của họ, rất nguy hiểm.
Thực tế cho thấy người giàu, quyền thế mà cúng cho ta, thì họ luôn đòi hỏi ta phải đáp ứng lại một điều gì đó; không bao giờ có sự cúng dường vô điều kiện cả. Trình độ chúng ta còn non kém, đạo đức và tri thức chưa có, tất nhiên họ chẳng coi ta ra gì. Thiết nghĩ chúng ta quan hệ trong tư thế như vậy, hoàn toàn có hại cho việc tu hành.
Bản thân tôi từ thuở nhỏ tu, hay suy nghĩ điều này, nên tôi thường tránh mặt hàng quyền thế, giàu có. Nhờ vậy, tôi nhận ra lời Phật dạy rất có ý nghĩa. Không tiếp xúc với họ, ta khỏi bị rắc rối, buồn phiền. Người quyền thế, giàu có hay thích bày vẻ đủ thứ chuyện. Nếu sơ tâm học đạo lọt vô đường này, thường không có lối thoát. Vì chờ đợi họ để nhờ vả, dựa dẫm, chắc chắn không tu được, đạo nghiệp sao thành. Nghe lời Phật dạy, tránh họ, nên không bị những chuyện lặt vặt gặm nhấm tinh thần, tâm hồn ta mới trong sáng. Nếu không, nó cũng tác hại khiến ta buồn giận, sân si đủ thứ.
Giới ở mặt tiêu cực cũng có lợi ích, ngăn được chướng duyên cho ta, thì vấn đề không có cơ hội phát sanh và ta thúc liễm được thân tâm. Điều đó rất cần, nhằm đối trị nghiệp chướng trần lao của người sơ tâm. Và khi thành tựu giới ở mặt tiêu cực, tâm chúng ta được an ổn, huệ phát sanh, chúng ta bắt đầu phát huy mặt tích cực của giới.
Bước đầu, Đức Phật cấm chúng ta cầu cạnh người quyền thế, giàu có. Nhưng nay, chúng ta trở thành mẫu người tri thức, đạo đức, thì hàng quyền thế tìm đến học đạo, ta phải giáo hóa họ. Thực tế lịch sử cho thấy Phật giáo Việt Nam tồn tại đến ngày nay và có vị trí tốt đẹp trong lòng dân tộc là nhờ các quốc sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Các ngài đã thành công trong việc ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh khác nhau, giúp vua quan trị nước an dân hữu hiệu. Hoặc các ngài sử dụng Ngũ minh để cứu giúp người, mang lại nhiều lợi lạc cho đời, đưa xã hội đi lên. Điển hình như vua Trần Thái Tông rơi vào thế bế tắc, tuyệt vọng cùng cực. Nhờ Phù Vân quốc sư khuyên dạy, ông trở thành vị vua anh minh, điều hành chính sự thành công.
Thử nghĩ khi chúng ta phát huy được đạo đức, tri thức và làm lợi ích cho đời, thì còn ai dám khinh dể. Lúc ấy, người tìm đến, ta tùy nghi thuyết pháp cho họ; không phải nhắm mắt đem luật ra đọc.
Bồ tát Duy Ma quở trách Ưu Ba Ly sử dụng giới luật một cách cứng nhắc sẽ có hại hơn là lợi. Phải linh động, sáng suốt áp dụng luật từng chỗ, từng người khác nhau. Người đã phạm tội cần giải quyết khác người chưa phạm.
Theo kinh Pháp Hoa, tùy theo trường hợp mà Phật dạy luật theo nghĩa tích cực hay tiêu cực. Với người nhiều tội lỗi, ham muốn, Đức Phat dạy họ pháp nhàm chán sanh, già, bệnh, chết. Nhưng đối với người trí thức, Ngài dạy họ quán nhân duyên và người làm được việc lớn, thì dạy họ sáu pháp Ba la mật. Nghĩa là đối với hạng người thứ nhất không đủ trí khôn, Phật phải đưa ra một số phạm trù nhất định để tuân theo. Hạng thứ hai có trình độ, nên tu Thiền quán, là dạy cách nhìn đời, xử thế. Hạng thứ ba đầy đủ năng lực, trí tuệ và đạo đức, thì Phật đưa vào đời để cứu nhân độ thế. Đó là pháp tu theo Tam thừa giáo của Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát.
Thanh văn theo chủ nghĩa giới điều; Phật nói sao thì làm y vậy, không dám thay đổi, hay đúng hơn không nên thay đổi. Vì đổi khác, họ sẽ làm sai. Giới của Duyên giác là quán nhân duyên, từng trường hợp xử trí khác nhau; vì lịch sử không bao giờ tái diễn. Người chứa đầy kinh nghiệm thường bị kẹt trong kinh nghiệm, khó thấy rõ vấn đề.
Trở lại kinh Đại Bảo Tích, phẩm đầu Phật dạy Tam tụ tịnh giới là giới luật căn bản nhiếp toàn bộ giới luật; nhưng triển khai rộng thì có bảy tụ giới luật của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Có bảy phần khác nhau, nhưng phải quy về ba tụ, tách riêng biệt bảy phần là mất gốc.
Tại sao phải quy về ba tụ, tại sao Phật chế giới. Vì Phật theo yêu cầu của Tăng đoàn mà chế định giới luật. Và giới có tăng, giảm là cũng tùy theo yêu cầu, nhằm mục tiêu thánh thiện hóa con người, ta không chấp. Vì vậy, trong mười hai năm đầu sau khi Phật thành đạo, Ngài không nói giới nào cả, chỉ nói Tam quy.
Tam quy là căn bản chính của giới; vì lúc đó không có nhiều vấn đề, nên Phật không cần đặt ra giới. Trong Tam quy, Phật dạy muốn trở thành tu sĩ hay cư sĩ, phải quy y Tăng là phải sống hòa hợp, không được chống đối, không thể tự ý làm. Việc của ta phải được chư Tăng đồng ý là Giáo hội đồng ý. Người nào không được ở trong tổ chức của Tăng đoàn thì bị tẩn xuất bằng cách họp chúng để quyết định; hoặc cách thứ hai là bị mặc tẩn, không cần hỏi chúng, vì mọi người trong tổ chức mặc nhiên coi họ là người xa lạ.
Hiểu như vậy, quy y Tăng, chúng ta phải được đại chúng thương, mới là tu sĩ, cư sĩ thật. Phải tranh thủ được tình cảm của đại chúng, dù học giỏi, nhưng đại chúng không thương mến, dứt khoát không làm được việc.
Ngoài ra, phải quy y pháp. Pháp là kinh, luật, luận, là chân lý. Chân lý là một, nhưng chia ra ba tạng kinh, luật, luận. Chân lý là một nghĩa là đưa ra một điều gì, đại chúng đều bằng lòng; vì ai cũng nghĩ như vậy, thấy như vậy, không thể khác.
Tuy nhiên, chân lý có tuyệt đối và tương đối. Chân lý tuyệt đối là không ai có thể phản bác ý đưa ra. Chân lý tương đối là những gì chỉ được một số người theo, còn có người không bằng lòng. Trong sinh hoạt Phật giáo luôn đòi hỏi chân lý tuyệt đối. Phật dạy rằng còn có một người không đồng ý thì việc cũng không thành.
Đầu tiên, kinh bao gồm cả luật và luận. Kinh là cốt lõi, nhưng vì những người không hiểu được cốt lõi này, nên mới giảng rộng cốt lõi. Phải giải thích nhiều cách để hiểu được là luận. Nhưng khi kinh và luận trở thành rộng thì khó nhớ hết được. Người ta phải cô đọng thành một số giới điều, một số nguyên tắc để hành trì trong thực tế cuộc sống là luật hay giới điều.
Giới luật căn bản của đạo Phật có bốn, gồm sát, đạo, dâm, vọng. Kinh do Phật nói, luận giảng rộng ra; nhưng chúng ta không nắmđược, nên quy về bốn điều chính là sát, đạo, dâm, vọng. Lấy việc giữ gìn, không phạm bốn điều đó để tự sửa mình. Người xuất gia hay tại gia tuân thủ bốn điều này cũng đã là người tốt trong gia đình, trong đoàn thể và trong xã hội.
Như vậy, trước tiên Phật chỉ nói đến Tam quy, theo đó phải tôn trọng pháp là sự hiểu biết và sống với chân lý; nói rộng là kinh, thu hẹp là luật. Về sau, Phật đặt thêm những Giá giới. Bốn giới căn bản phải giữ là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối; gọi đó là tánh giới. Ai vi phạm bốn tánh giới này không là Tăng sĩ, không là cư sĩ, không là người tốt và không thể tái sanh về thế giới an lành. Và những giới ngăn cấm khác gọi là Giá giới, nghĩa là giới phụ để ngăn ngừa không cho phạm vào bốn giới căn bản. Thí dụ Tỳ kheo không được đi một mình vào nhà cư sĩ chỉ có phụ nữ, để ngừa bị tai tiếng và tránh không phạm giới dâm.
Có thể nói chỉ có pháp là chính, được đại chúng công nhận là chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên cần nhớ rằng pháp không cố định, pháp luôn biến chuyển và để đối phó một cách đúng đắn với sự thiên biến vạn hóa đó, theo Phật đã có cái bất biến.
Bất biến của pháp là cái nhìn của Đức Phật, nên đỉnh cao của chúng ta là quy y Phật, nghĩa là sáng suốt để sử dụng được cái bất biến nhằm thích nghi, tồn tại và phát triển trong cái vạn biến. Có nhiều người hiểu sai về ý nghĩa bất biến.
Con người, trời đất và xã hội luôn thay đổi, không có gì không thay đổi; ta không thể không thay đổi. Vạn vật luôn thay đổi, nhưng phải biết lấy bất biến để ứng phó với vạn biến của muôn sự, muôn vật trong trời đất. Ta thay đổi theo vạn vật, nhưng ta vẫn là ta; hay nói cách khác, người tốt thật ở tất cả tình huống, kể cả trong hoàn cảnh xấu cũng vẫn tốt.
Phật bất biến, nhưng ứng vào vạn biến, gọi là tùy duyên; đó chính là cốt lõi của Phật giáo. Tùy duyên, Phật chia ra tùy quốc độ, tùy thời gian, tùy con người. Ngài dùng bất biến là dùng trí tuệ siêu tuyệt, chính xác hoàn toàn để hành đạo thích ứng với những sự thay đổi của quốc độ, thời gian và con người; nói đơn giản là tùy người, tùy lúc, tùy chỗ.
Trời đất, xã hội luôn biến chuyển và ta tùy theo sự biến chuyển đó mà tồn tại thích nghi. Có người giải thích ý này là mùa Đông phải mặc nhiều áo, mùa hè thì mặc áo không có chất nylon.
Trong thời thần quyền, thời phong kiến, thời xã hội chủ nghĩa, Phật giáo chúng ta vẫn tồn tại phát triển được; vì không cố chấp và biết sử dụng đúng đắn tinh thần bất biến ứng phó với mọi sự đổi thay của cuộc đời. Nếu cố chấp, phế bỏ thần quyền trong khi quan niệm này đóng vai chủ chốttrong xã hội, thì Phật giáo không thể nào tồn tại. Hoặc cố chấp nắm chặt lấy nó mãi, thì khi nó sụp đổ, chúng tacũng không sống được.
Thời gian thay đổi, ta cũng phải đổi cho thích hợp. Quốc độ thay đổi cũng vậy; ở Trung Hoa, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Việt Nam, v.v… sinh hoạt Phật giáo đều khác nhau, không nơi nào giống nơi nào.
Lấy bất biến ứng vạn biến. Bất biến là trí tuệ của chúng ta muôn đời không thay đổi. Không có trí tuệ không phải Phật giáo. Đức Phật tu hành để đạt trí tuệ siêu việt, có Tam minh, Lục thông, Tứ trí, v.v… Chúng ta tu, phấn đấu sống theo gương Phật, bước theo dấu chân Phật là quy y Phật. Lấy trí tuệ Phật để soi đường đi của chúng ta là bất biến. Và luôn sống hòa hợp, thích nghi với người, với đoàn thể, với xã hội là ứng vạn biến mà tồn tại.
Trở lại kinh Bảo Tích, phẩm thứ nhất, Phật dạy Tam Tụ Luật Nghi. Bước ban đầu chúng ta giữ Nhiếp luật nghi, nghĩa là làm những việc mà người chấp nhận, không làm những gì người không tán thành. Đối với tôi, điều này được tôi tuân thủ trên bước đường hành đạo. Khi sang Kampuchia sống chung với Tỳ kheo Nam tông, tôi cũng làm đúng như họ là không ăn chiều, thì Phật tử mới chấp nhận tôi là người tịnh giới, là mẫu người tu đạo đức. Làm như vậy, mới có thể hành đạo với họ.
Trong luật nghi có thế gian luật nghi là Phật chế những điều dạy chúng ta sống như thế nào không bị chướng tai, gai mắt; đừng sống không giống ai. Những luật nghi này nhằm xây dựng chúng ta trở thành người tốt trong xã hội. Đối với thế gian, ta là người tốt và từ cái tốt này, ta nâng mình lên thành người tốt nhất của tu sĩ, tức có được đức hạnh theo Phật là sống với giới biệt giải thoát.
Như vậy, rõ ràng giới Phật dạy để chuyển đổi ta trở thành người đức hạnh và có đức hạnh rồi thì không còn giới nữa. Theo Phật, dùng giới để dạy người, dùng đức để cảm hóa người; những gì chúng ta nói và dạy người đều đã thể hiện trong cuộc sống chúng ta. Họ thấy cuộc sống đạo hạnh của ta mà tự nguyện làm theo. Sống với Nhiếp luật nghi, ta luôn làm những gì để trở thành biểu tượng cho chúng sanh quy ngưỡng, không phải theo những giới điều thích hợp chỗ này mà không được chỗ khác công nhận. Thí dụ ở Việt Nam, chúng ta ăn chiều, không ai thắc mắc; nhưng ăn thịt cá thì người ta không bằng lòng. Nhưng ở Kampuchia, Tỳ kheo ăn thịt cá không sao, mà ăn chiều là họ nói phạm giới. Giới thay đổi, gia giảm tùy theo quốc độ là vậy.
Trên thế giới có bao nhiêu quốc độ, bao nhiêu chủng tộc, họ nghĩ thế nào, ta làm vậy để cảm hóa họ. Làm thế nào để người coi là biểu tượng tốt, mới giáo hóa họ được. Vì vậy, điều thứ hai là Nhiếp thiện Pháp giới. Nhiếp thiện pháp là làm việc thiện giúp đỡ người, cứu vớt người, làm lợi ích cho mọi người, mọi loài.
Việc tu hành thực tế của chúng ta là làm việc thiện nhằm lợi ích cho chúng hữu tình, nên điều thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới. Có thể nói Tỳ kheo nào làm được nhiều việc khiến người kính mến là thể hiện việc tu đúng pháp. Tu pháp nào mà người không cảm mến là sai.
Từ Nhiếp luật nghi giới và Nhiếp thiện pháp giới, tiến lên mục tiêu độ chúng sanh là Nhiêu ích hữu tình giới. Đó là con đường đi thuận chiều theo thứ tự. Nếu đi tắt là làm lợi ích được cho mọi người, mọi loài coi như đã thành tựu hai giới là Nhiếp luật nghi và Nhiếp thiện pháp, gọi là Đốn giới. Đốn giáo là đi tắt được con đường của Tam tụ giới, tức làm được ngay việc lợi ích cho nhiều người trong đời này; vì đời trước họ đa từng thực hiện trọn vẹn Nhiếp luật nghi và Nhiếp thiện pháp.
Có thể nói Tam tụ tịnh giới nhiếp tất cả giới, hay tất cả giới của Phật không ngoài ba tụ này.
Tóm lại, theo tinh thần kinh Đại thừa nói chung và kinh Bảo Tích nói riêng, giới luật cần được áp dụng linh động. Không theo chủ nghĩa giới điều, việc nào đúng, lợi ích cho ta và người thì làm; không đúng không làm. Đối với mười phương Phật hoàn toàn sáng suốt, giới thể thanh tịnh, không có gì để nói. Nhưng trên nhân gian, vấn đề nói cùng kiếp cũng không hết. Những gì Đức Phật dạy ứng với sinhhoạt, suy nghĩ, tập quán của từng nơi; cho nên Ngài nói pháp ở thành Xá Vệ khác với pháp ở Tỳ Da Ly hay Ma Kiệt Đà. Tất cả ba trăm pháp hội, Phật thuyết không hề giống nhau, nhưng tất cả pháp đều nhằm đưa người đến Vô thượng Bồ đề.
Và cao hơn nữa, ứng dụng tinh thần giới luật Phật dạy trong cuộc sống hiện đại, có thể nói giới mà chúng ta cần thực hành triệt để là phải giữ gìn sự sống trên hành tinh này.
Thật vậy, Đức Phật là bậc Đạo sư sáng suốt, có tầm nhìn toàn cầu, toàn vũ trụ. Từ đó, Ngài dạy chúng ta phải bảo vệ sự sống cho mọi loài, vì muôn loài đều hỗ tương sinh tồn trong mọi hành tinh. Tự tách mình ra khỏi mọi loài, chỉ nghĩ đến quyền lợi của loài người dẫn đến khai thác bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, săn giết các loài thú vật. Làm như vậy là tiêu diệt sự sống của chính chúng ta, để lại cho thế hệ tương lai một quả đất không còn sự sống.
Thiết nghĩ giới luật thể hiện ở mức độ cao là nhằm bảo vệ thiên nhiên. Tăng Ni và Phật tử thể hiện lời di huấn của Đức Từ Tôn, sống như thế nào để không làm tổn hại muôn loài và góp phần làm cho môi trường sạch, xanh, không khí trong lành, sự sống thăng hoa. Chưa làm được như vậy, chúng ta cũng không làm cho môi trường sống tồi tệ thêm. Việc làm của người tu đều vì lợi ích cho mọi người, mọi loài, mới trở thành biểu tượng đáng tôn kính ở thế gian.