Sách
Pháp hội này nói về Đức Phật thọ ký cho Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Theo kinh Pháp Hoa, từ thời Đức Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh, Bồ tát Văn Thù đã dạy tất cả đệ tử thành Phật và người sau cùng thành Phật hiệu là Nhiên Đăng. Chính Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Thích Ca.
Trong phẩm này cũng nói đến tiền thân của Bồ tát Văn Thù đã dạy hai mươi ức quyến thuộc thành Phật, nhưng ngài vẫn chưa thành Vô thượng Đẳng giác. Như vậy, chúng ta hiểu vấn đề này như thế nào.
Với khả năng làm Thầy của ba đời các Đức Phật, đương nhiên ngài hoàn toàn đủ tư cách là Phật. Vậy mà ngài vẫn giữ vị trí Bồ tát. Điều này nhằm nhắc nhở chúng ta trên bước đường tu, thực tài, thực chứng mới là chính yếu. Theo tinh thần Đại thừa, chú trọng đến thực chất của con người, tu cho đắc đạo, học cho thành tài. Không phải học để lấy bằng cấp, tu để lấy tuổi hạ.
Bước theo Văn Thù, chúng ta phải tiếp tục học; vì còn một điều không biết thì không thể đạt được trí Vô thượng. Nói cho cùng, càng học, chúng ta càng thấy mình dốt. Một lãnh vực còn chưa thể biết trọn, huống chi các lãnh vực khác. Nhất là Bồ tát pháp thì vô tận, nên việc học đạo của chúng ta cũng không cùng tận.
Văn Thù Sư Lợi cũng nguyện biết tất cả; nhưng mỗi ngày đều có cái mới xảy ra, không theo dõi, học hỏi từng ngày thì không biết được. Trên tinh thần ấy, khi nào tất cả mọi người mà Văn Thù Bồ tát giáo dưỡng đều thành Phật, thì ngài mới thành bậc Toàn giác.
Đức Phật Thích Ca chỉ cho chúng ta thấy thế giới của Phật Di Đà ở phương Tây là tối thượng, trang nghiêm nhất. Nhưng kinh Bảo Tích dạy rằng nếu đem so sánh thế giới của Bồ tát Văn Thù sau này thành Phật với thế giới của Phật Di Đà thì không khác gì lấy sợi lông nhúng nước biển. Nước dính trên đầu sợi lông ví cho thế giới của Đức Di Đà và nước bốn biển là thế giới của Bồ tát Văn Thù khi ngài thành Phật.
Đức Phật so sánh như vậy nhằm dạy chúng ta cần phát huy tri thức, chớ nên tự mãn. Mỗi ngày luôn có sự đổi mới, cái hay nhất ngày hôm nay sẽ bị cái hay hơn của ngày mai thay thế. Văn minh nhân loại luôn tiến bộ, từ đó sự hiểu biết của chúng ta cũng phải được cập nhật hóa, mới có thể hành Bồ tát đạo. Thí dụ bản thân tôi vẫn tiếp tục học, không phải có học vị rồi nghỉ. Tôi không ngừng tiếp nhận những ý tưởng mới của các bạn trẻ.
Văn Thù Sư Lợi không làm Phật. Ngài giữ ngôi vị Bồ tát để trợ hóa tất cả Phật, giúp mọi người cùng thăng hoa. Nói cách khác, xã hội tiến thì chúng ta tiến theo, không tự mãn, luôn cầu tiến và bắt kịp văn minh của loài người để giúp Phật pháp trường tồn. Đó là ý nghĩa của việc Văn Thù Sư Lợi không thành Phật. Văn Thù không mãn nguyện với điều đã chứng đắc, nhưng lúc nào ngài cũng chứng đắc. Ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai, ngài đều giữ vị trí thượng thủ về tri thức.
Bồ tát Văn Thù đã thành Vô thượng Đẳng giác hiện thân lại để cứu đời, khác với người đang hướng về Vô thượng Bồ đề, đang hành Bồ tát đạo để tích lũy phước đức và trí tuệ.
Đức Phật thọ ký cho người đang hướng về Vô thượng Bồ đề, không thọ ký cho người đã thành Vô thượng Đẳng giác. Vì thành tựu quả vị Phật rồi, thì còn cần gì thọ ký nữa. Thọ ký là ấn chứng, ví như người Thầy bảo nhiệm công trình của nghiên cứu sinh đưa ra thì họ có thể thành công luận án tiến sĩ. Nhưng đối với người đã có học vị tiến sĩ , họ vẫn tiếp tục học, để tiếp thu phát minh mới, thì không ai đòi hỏi họ văn bằng tiến sĩ làm gì.
Đức Phật thọ ký cho người hướng về Vô thượng Bồ đề, không thọ ký cho Bồ tát Văn Thù đã thủ đắc Bồ đề. Nghĩa là Đức Phật mặc nhiên công nhận quả vị Vô thượng giác của Văn Thù.
Mở đầu phẩm ghi Đức Phật cùng chúng Tỳ kheo vào thành khất thực. Đến nửa đường, Ngài gặp trưởng giả Tồi Quá Cữu. Ông thấy hảo tướng của Phật thì liền phát tâm và hỏi Ngài làm cách nào để Bồ tát mau thành Vô thượng Đẳng giác.
Đức Phật cho biết chỉ có tâm đại bi giúp Bồ tát mau thành Phật. Nghe xong, ông liền chứng Vô sanh Pháp nhẫn. Và Đức Phật thọ ký cho Tồi Quá Cữu sau sáu vạn hai ngàn a tăng kỳ kiếp sẽ thành Phật hiệu là Tịch Tĩnh Điều Phục Âm Thanh Như Lai.
Chúng ta suy nghĩ tại sao vấn đề lại đơn giản như vậy; ông chỉ thấy Phật, hỏi một câu và nghe Ngài trả lời thì chứng Vô sanh nhẫn và được thọ ký. Trong khi các Tỳ kheo khác theo Phật tu lâu, nhưng không chứng đắc pháp nào và cũng không được thọ ký.
Thiết nghĩ trên bước đường tu, quan trọng ở điểm nắm được yếu chỉ mới đạt đến kết quả tốt. Hàng Nhị thừa ở bên cạnh Phật, nhưng không thấy Ngài; nghĩa là không thấy Phật Báo thân và Phật Pháp thân.
Theo kinh Pháp Hoa, hàng Bồ tát mới phát tâm thấy Phật Báo thân và Bồ tát cựu trụ ở địa vị Đẳng giác trở lên mới thấy Phật Pháp thân. Hàng Nhị thừa chỉ thấy sanh thân Phật và nghe pháp phương tiện. Pháp vô ngôn hay pháp chân thật phải được tiếp thu bằng Bồ đề tâm của Bồ tát.
Thật vậy, người tu trên xác thân bên ngoài nghĩa là bị bắt buộc tu, đến giờ phải tụng kinh, ngồi Thiền mà thực lòng họ không hề muốn vậy. Lòng thành không có, nhưng chỉ hành xác thì trần lao nghiệp chướng sẽ theo đó mà sanh ra. Bồ tát tu hành phát xuất từ chân tình, cảm nhận được niềm an lạc trong việc tụng kinh hay ngồi Thiền. Họ tự nỗ lực tu học, không phải tu lấy lệ hay làm theo nghĩa vụ.
Các Tỳ kheo tuy sống kề cận Phật, nhưng thực sự cách xa tâm Phật muôn trùng; giống như chúng ta tu chung trong một chùa mà không bao giờ đồng ý với nhau, không đồng hạnh nguyện. Bồ tát đồng hạnh nguyện với Phật, nên tuy xa mà gần Phật.
Tồi Quá Cữu nghĩa là luôn cân nhắc để diệt trừ lỗi lầm. Ông chuyên làm như vậy lâu ngày thì tâm trong sáng, thấy được Báo thân Phật, tức thấy phước đức và trí tuệ của Ngài. Thấy phước đức để tu, thấy trí tuệ để học là theo Báo thân; không phải theo sau lưng Phật để khất thực như bà già ăn mày ở thành Tỳ Da Ly. Kinh diễn tả trưởng giả Tồi Quá Cữu thấy tâm Phật trong như hồ nước mùa thu và thân Ngài xuất hiện như hoa sen trắng trong bùn. Nói cách khác, Phật cũng là Tỳ kheo như người, nhưng đức độ cao cả siêu tuyệt hơn người.
Tồi Quá Cữu nhận thấy Phật siêu phàm như vậy, mới hỏi Ngài phương cách tu hành. Đức Phật dạy rằng Tỳ kheo ráng giữ cho tâm hồn trong sáng, đừng để phiền não sanh khởi. Từ đó, Tỳ kheo lấy việc Thiền định làm chính. Thiền định là giữ tâm yên tĩnh, cuộc đời biến động như thế nào cũng không tác động được tâm của vị Tăng. Tâm hoàn toàn trong sáng mới thấy Phật, học Phật. Tâm phiền não, học bằng vọng thức thì còn cách xa Phật vô cùng.
Có thể khẳng định tâm thanh tịnh là cốt lõi của Tỳ kheo. Vì vậy, Đức Phật cho biết ba đời các Đức Phật đều dạy "Tự tịnh kỳ ý”. Ý thanhtịnh mới thực sự thâm nhập Phật đạo, tiếp thu Phật huệ. Đức Phật giáo hóa thànhcông vì tâm Ngài luôn luôn thanh tịnh. Từ đó, nhìn vào đời thấy được người có căn lành, Ngài mới tìm đến tác động cho căn lành phát triển. Thấy được người có tâmthuần thục mới khai ngộ cho họ. Trên tinh thần ấy, trước khi vào thành Vương Xá, Đức Phật đến độ Tồi Quá Cữu. Nhờ tâm thanh tịnh và trí sáng suốt, biết người phát tâm Bồ đề mới cảm hóa người được. Còn bà già ăn mày đi sát theo Phật, mà Ngài không nói đến, vì biết rõ bà ta không có căn lành.
Theo Phật, chúng ta thấy người có căn lành, nhưng chưa thuần thục, cần phải nuôi căn lành, nuôi Bồ đề tâm của họ để niềm tin và đức hạnh họ lớn lần. Họ mới phát tâm thôi, nhưng chúng ta quyên góp đủ thứ, khiến họ sợ, thoái tâm, không dám đến với đạo là ta phạm tội phá pháp.
Đức Phật biết rõ trưởng giả Tồi Quá Cữu đã thuần thục rồi, nên Ngài xuất hiện và chính tâm trong sạch giúp ông nhìn thấy đức hạnh vô song của Phật, thấy Báo thân Phật. Phật dạy ông rằng tâm đại bi là yếu tố quyết định thành tựu Báo thân, nghĩa là Phật xuất hiện trên cuộc đời, khất thực hay làm bất cứ việc gì đều nhằm mục tiêu duy nhất là mang tình thương đến cho người. Bước theo dấu chân Phật, đối với tôi, cố gắng đoạn dứt tâm nhờ vả để phát được đại bi tâm; đến với bất cứ ai đều vì họ, không vì yêu cầu nào khác của riêng ta.
Theo tinh thần Đại thừa, chúng ta phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề là cầu trí giác, thấy Phật có sự hiểu biết vô cùng, nên cũng muốn được như Phật, để biết được điều nên làm và nên tránh. Phát huy trí tuệ thuộc phần tự giác. Mở rộng tri thức và tu đạt kết quả tốt, thì phát tâm đại bi để cứu giúp người, đó là phần giác tha.
Đức Phật dạy điều này đúng với ý niệm của trưởng giả Tồi Quá Cữu, khiến ông chứng được Vô sanh nhẫn, trần cấu không còn tác hại được. Vì ông cầu Bồ đề và phát đại bi tâm, nên được Phật ấn chứng, hay thọ ký. Đức Phật dạy trưởng giả như vậy để các Tỳ kheo không chạm tự ái; họ phải suy nghĩ lại việc làm sai lầm. Hàng Nhị thừa phải thức tỉnh, phát tâm Bồ đề và tâm đại bi hành Bồ tát đạo mới thành Phật.
Thọ ký cho Tồi Quá Cữu xong, Đức Phật dẫn đại chúng vào thành Vương Xá thọ trai ở cung vua A Xà Thế. Chúng ta suy nghĩ tại sao trước kia vua thả voi say hại Phật, mà nay lại thỉnh Ngài đến thọ trai, cúng dường.
Thực tế cho thấy vua Tần Bà Sa La là cha của A Xà Thế rất quý trọng Phật, nên trọng Tăng. Vì vậy số người núp bóng theo Phật để hưởng lợi không phải ít. A Xà Thế nghe lời xàm tấu của Đề Bà Đạt Đa, nghĩ xấu về người tu toàn là ăn bám, mới thẳng tay đàn áp. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh voi say không hại được Phật mà phải phủ phục dưới chân Ngài, A Xà Thế nhận ra Đức Phật thật là thánh thiện, không tầm thường như Thầy tu khác. Tôi rất tâm đắc ý này, chỉ có tâm đại bi mới xóa tất cả trần lao nghiệp chướng và hận thù. Người còn ghét ta, phải tự biết ta chưa có lòng thương người thực sự.
Sức mạnh toát ra từ tâm đại từ bi của Phật, đã chuyển đổi tánh ác của A Xà Thế thành thiện và ông phát tâm cung kính cúng dường Phật. Tôi nhắc các Tăng Ni sinh nên rèn luyện năng lực và đạo đức. Người không hại được, họ phải cung kính. Họ còn hại được là biết ta còn kém dở, phải ẩn nhẫn tu hành để phát triển khả năng chúng ta thực sự vượt trội hơn người.
Trên bước đường tu, khi bị người nghĩ xấu thì hoặc là chúng ta xấu thật, hoặc họ hiểu lầm ta. Hiểu lầm, nói sai, mai kia họ hiểu đúng, phải sám hối, thay đổi thái độ. Sợ nhất ta xấu dở thật, nhưng người nghĩ ta giỏi, thì thật tai hại cho ta.
A Xà Thế nhận lầm Đức Phật tầm thường. Nay giáp mặt thấy Phật quá phi thường, ông vội nhường ghế cao cho Ngài ngồi thuyết pháp. A Xà Thế thỉnh Phật dạy cho ông biết tham sân phiền não từ đâu sanh ra.
Câu hỏi của A Xà Thế nhắc chúng ta cân nhắc xem đang đi đúng tuyến Phật dạy hay không. Thực tế cho thấy trên bước đường tu, không ít người càng cố gắng diệt trừ phiền não, nó càng bộc phát mạnh. Không thấy được gốc rễ của phiền não, không diệt được nó. Tại sao Đức Phật không còn vô minh phiền não và phiền não mất rồi, nó đi về đâu. Còn chúng ta rõ ràng tu theo hướng sai lầm, nên càng tu nghiệp càng tăng.
Đức Phật dạy rằng phiền não trần lao không có tự tánh. Giữ tâm Bồ đề luôn kiên cố, vô minh phiền não không thể nào sanh khởi, tự mất. Thí dụ tôi say mê học và làm việc, ít quan tâm đến phải trái hơn thua, vì không có thì giờ. Không phải không có phiền não, nhưng nó không phát khởi được; vì yếu tố Bồ đề đang ngự trị trong lòng. Tôi thường tự nhủ việc còn nhiều, Phật đạo còn dài xa, phải lo thẳng tiến. Giữa bóng tối và ánh sáng, hay giữa minh và vô minh lẫn lộn; khôn bước tới thì giữ được sự sáng suốt. Nếu dại khờ, dừng lại một chút, yếu tố Bồ đề tự mất và mầm tham sân nhân đây nổi dậy liền thì vô minh theo đó chạy ra ngăn chặn chúng ta.
Giữ tâm Bồ đề luôn sáng suốt là nhà ngũ uẩn của chúng ta luôn thắp sáng ngọn đèn trí tue; tất nhiên bóng tối vô minh tự tan mất, phiền não không có cơ hội táchại. Nhưng muốn giữ ngọn đèn trí tuệ liên tục cháy sáng, Đức Phật dạy rằng do Định sanh Huệ. Nghĩa là tâm người tu phải thật yên tĩnh, đừng để hoàn cảnh tác động. Dù được chư Thiên hay loài người cung kính, cũng không mừng và bị khinh ghét cũng không buồn khổ. Chúng ta vẫn bình tĩnh, thì đèn huệ không bịchao động.
Tâm Phật luôn an ổn, đèn huệ luôn thắp sáng, vô minh không còn, nên làm gì có sân hận, phiền não, khổ đau. Bước theo dấu chân Phật, chúng ta còn buồn khổ, tự biết việc tu hành chưa đến đâu, còn sống trong vô minh nghiệp chướng. Và sống với vô minh phiền não mà làm Thầy tu thì càng khổ hơn nhiều.
Sau khi giảng pháp cho vua A Xà Thế, Đức Phật trở lại núi Kỳ Xà Quật, nhập Tam muội rồi bảo Di Lặc Bồ tát sắp đặt pháp tọa. Di Lặc không dùng lụa nhân gian, nhưng dùng lụa Trời để trải tòa cho Phật thuyết pháp trên không trung.
Tòa ở không trung gợi cho chúng ta suy nghĩ chỉ có con người tâm linh mới trải được tòa này, vì đó là học xứ của Bồ tát. Có thể nói hình ảnh không trung ví cho pháp Không, nhằm dạy chúng ta phải vượt qua thế giới vật chất và phiền não nhiễm ô. Và nâng tâm thức chúng ta lên hư không, không vướng mắc trần thế mới nghe được Chơn thừa của Bồ tát.
Từ kinh Nguyên thủy ghi nhận Di Lặc đang sống trong Thiền định ở cung Trời Đâu Suất được kinh Đại thừa diễn tả là Di Lặc trải tòa cho Phật thuyết pháp ở hư không. Hay từ thực tế cuộc sống của các vị La hán nâng lên thế giới tâm thức bằng cách nhập Định, thì tâm Phật và tâm họ thông làm một cõi, hiện ra cung Trời Đâu Suất.
Phật nói pháp ở pháp hội không trung có hai vạn Bồ tát được thọ ký, nhưngNgài không thọ ký cho Thanh văn để họ phấn đấu tiến tu. Đây là bước ngoặt từ Tiểu thừa chuyển sang Đại thừa. Kinh Bảo Tích thuộc về Thông giáo, là nhịp cầu giữa Tiểu thừa và Đại thừa, làm cho Thanh văn hướng tâm về Đại thừa, không mãn nguyện với quả vị tu chứng. Vì đắc quả vị La hán thanh tịnh rồi, có đủ năng lực, nên phát tâm giáo hóa người.
Đến đây, có Bồ tát Sư Tử Dũng Mãnh hỏi tại sao Phật thọ ký cho hai vạn Bồ tát thành Phật, mà không thấy có Văn Thù được thọ ký. Đức Phật bảo ông nên hỏi Văn Thù.
Văn Thù nói với Bồ tát Sư Tử Dũng Mãnh rằng tại sao không hỏi ngài có hướng tâm Vô thượng Bồ đề hay không mà lại hỏi không được thọ ký. Bồ tát này giựt mình, hỏi thêm Văn Thù rằng ngài không cầu Vô thượng Bồ đề ư.
Văn Thù hỏi lại rằng dùng cái gì để cầu Vô thượng Bồ đề. Chắc chắn không thể dùng vọng tâm để cầu Bồ đề. Bồ đề là trí giác. Trí giác sáng thì không có gì để cầu. Không cầu thì được, nhưng cầu là rớt vô vọng nghiệp. Nói cho dễ hiểu, muốn có bằng cấp thì phải học, muốn được người cung kính thì phải giỏi. Chỉ muốn suông mà không làm, đương nhiên không thể được gì.
Thấy Phật tu hành thành đấng Toàn giác, ta tin tưởng Ngài, từng bước làm theo, cũng đạt quả vị Vô thượng giác. Chỉ muốn được như Phật mà không tu, thì mong muốn này là vọng tâm, chẳng được kết quả gì.
Đức Phật Thích Ca cho biết Văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã phát tâm Bồ đề từ quá khứ xa xưa, ngài làm Chuyển luân Thánh vương tên là Phổ Phúc. Từ đó đến nay, Văn Thù đã độ được hai muôn ức đệ tử thành Phật, nhưng ngài chưa thành, hay chưa được thọ ký thành Phật.
Quan niệm về sự thọ ký thành Phật là thọ ký trên thân tứ đại, hay ngũ uẩn thân, hay chơn thân thành Phật. Đương nhiên, Ngài không thọ ký cho thân tứ đại thành Phật, vì đó là thân vật chất hữu hình, hữu hoại. Nhưng thọ ký cho thân ngũ uẩn thuộc tâm sanh diệt vô thường cũng không phải. Còn chơn thân thì vô nhiễm, nên có thọ ký cho chơn thân thành Phật hay không, cũng không thành vấn đề.
Đức Phật dạy rằng Bồ tát vì tâm đại bi, thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời mang ngũ ấm thân, nên bị nó ngăn che. Khi tu, an trụ ở xả uẩn, không bận tâm đến phải trái hơn thua của cuộc đời, hành uẩn theo đó được xả bỏ. Nhờ đó, nghiệp không sanh, muôn sự muôn vật chấm dứt, không tác động được và ngược lại, Bồ tát còn điều động được chúng, nghĩa là thành Phật. Đó là dạng Phật thọ ký cho Bồ tát Văn Thù.
Khi Văn Thù thành Phật hiệu Phổ Kiến, thế giới của ngài lớn gấp trăm tỷ lần thế giới của Phật Di Đà. Ý này nhằm chỉ Bồ tát hướng thượng đến vô cùng vô tận, không phải được thọ ký rồi bằng lòng với cái có được. Còn phải phấn đấu đi lên, vì sự thọ ký mới chỉ là ấn chứng thôi.
Văn Thù là vị cổ Phật có điều kiệngiáo hóa chúng sanh mà không làm thì quả thật là uổng. Như chúng ta mới tu, chưa có uy tín, làm thật vất vả, công đức không được bao nhiêu. Mười hay hai mươi năm sau, chúng ta làm ít, kết quả lại nhiều hơn. Theo đúng tuyến này là thành tựu như thị công đức và dùng công đức cảm hóa người; cứ vậy tiến mãi đến vô cùng tận vị lai.
Chúng ta hoc gương sáng của Văn Thù, ngài là cổ Phật nhưng hiện thân Bồ tát; hay nói cách khác chúng ta giỏi nhưng đóng vai người nhỏ càng tốt. Theo tôi, được việc là chính, sợ nhất có chức vụ mà không làm được việc, cản bước tiến của người khác thì tội thêm.