Sách
Pháp hội này nói về Đà la ni hay thần chu. Hàng ngày, chúng ta thường tụng Đà la ni, nhưng phần lớn chỉ đọc suông, không hiểu ý nghĩa gì cả. Trên thực tế, một số người trì chú Đại bi hay Chuẩn đề đạt được kết quả tốt, nhưng cũng có giới hạn, thì điều đó không phải là ý mà phẩm này muốn gợi ra.
Thần chú là mật ngữ và ta tụng bằng tâm niệm bình thường, nên không có hiệu quả. Tuy nhiên, tụng thần chú bằng sự gia công tu luyện sẽ được kết quả, nhưng lại dễ lạc vào ngoại đạo; vì chúng ta nhận được sự linh nghiệm mà không biết tại sao.
Thật vậy, các tu sĩ chuyên trì chú cho biết rằng việc trì chú có linh nghiệm, nhưng lúc được, lúc không, lúc cần lại không được, lúc không cần thì được; hoặc chữa được bệnh cho người, nhưng không chữa được cho mình. Ngoài ra, một số Thầy trì chú nhiều, về sau thường bị huyết áp cao. Vậy thực chất của Đà la ni là gì.
Theo kiến giải Đại thừa, Tam muội là định và Đà la ni là huệ. Vì là Phật huệ, là tự nhiên trí, nên tất cả Đà la ni đều lưu xuất từ chơn tâm của Phật, Bồ tát. Vì vậy, Đà la ni thường được gọi là Phật ngữ, được coi là mật ngữ. Vì ngoại đạo và phàm phu không hiểu được, nên coi đó là bí mật. Tuy nhiên, Đà la ni hoàn toàn có thật đối với chư Phật, không hề bí mật. Tu đúng pháp, đắc đạo thì sẽ có cách giải được tất cả Đà la ni; không phải hoàn toàn không biết như ngoại đạo hay phàm phu đọc thần chú. Đối với chúng ta chưa đắc đạo, Đà la ni không có nghĩa. Chúng ta có cảm giác đó là âm thanh gốc phát xuất từ bản thể sự vật và sản sinh ra tất cả âm thanh, ngôn ngữ.
Trên bước đường tu, khởi đầu, chúng ta phải trì được luật nghi rồi mới trì Đà la ni. Trì được luật nghi, xóa được hiện tượng giới để thâm nhập bản thể giơi và từ đây mới lưu xuất Đà la ni.
Phải khẳng định rằng người trì chú linh nghiệm đều vượt qua hiện tượng giới. Họ đạt đến vô ngã hoàn toàn, không có ý thức nào trong đầu và đọc chú mà không khởi dụng ý gì, mới linh nghiệm. Chúng ta đọc thần chú trên đầu môi chót lưỡi hay đọc để cầu cái gì, là rớt vô vọng cầu, chẳng bao giờ được.
Đà la ni thuộc bản thể giới tạo thành ngôn ngữ âm thanh không nghe được bằng tai, không đọc được bằng ý thức. Từ đó, khi chúng ta trì chú ở trạng thái vô cầu, vô niệm, thì đạt kết quả và người xung quanh nghe cảm nhận điều kỳ diệu nơi ta.
Bước đầu tu cần Nhiếp luật nghi để hạn chế tánh xấu của ta. Tu Mật tông, trước tiên phải giữ ba nghiệp thanh tịnh; vì không thanh tịnh mà trì chú, chúng ta dễ lạc vào ngoại đạo. Nhiếp luật nghi tạo cho ba nghiệp được thanh tịnh. Thế nào là thanh tịnh.
Trước hết, tu Mật tông đòi hỏi chúng ta phải có cấu trúc cơ thể đặc thù. Nói cách khác, chúng ta đã điều chỉnh, cải tạo được thân nghiệp; nên cơ thể có sức chịu đựng kỳ diệu hơn người, không bị bốn tướng nóng, lạnh, đói, khát chi phối.
Nhờ thành tựu Nhiếp luật nghi và điều chỉnh cơ thể, cộng với gia trì lực của Thầy, tạo cho ta một sức chịu đựng phi thường, hay sức đề kháng mãnh liệt của cơ thể. Ở Mật tông, họ thử xem ta có thể chống trả sự khắc nghiệt của băng giá, bằng cách bắt trầm mình xuống suối lúc thời tiết lạnh dưới không độ. Nếu ta chịu đựng nổi và tạo được thân nhiệt sưởi ấm cho cơ thể, thì ra khỏi nước, thân mình đỏ au, chớ không tái mét và khỏe như thường, không bị cảm lạnh. Việc chọn lựa một hành giả tu được Chân Ngôn tông đòi hỏi phải có cơ thể đặc biệt như vậy. Nếu không, khi trì chú, thân chúng ta sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, không thể tiến tu được.
Kế đến là tu khẩu nghiệp, dứt bặt ngôn ngữ bình thường. Hành giả trì chú, nhờ sự trợ lực của Thầy, tạo được mối quan hệ với Phật. Như vậy, Thầy phải đắc Đà la ni mới truyền được cho đệ tử; vì không phải truyền bằng giáo nghĩa, nhưng truyền bằng tâm chứng. Thật vậy, Thầy đắc Định, tâm thanh tịnh của Thầy tác động cho trò trở thành vô niệm, mới tụng được Đà la ni hay phát xuất ra ngôn ngữ của bản thể sự vật. Khi khẩu nghiệp chúng ta thanh tịnh, thì Đà la ni của Phật hay chân sư truyền sang làm ý nghiệp ta thanh tịnh theo và lặn sâu vào bản thể mới trì được Đà la ni có linh nghiệm.
Trong phẩm Vô Biên Trang Nghiêm nói về Đà la ni khác hơn những điều tôi trình bày thuộc Chân Ngôn tông. Họ thật sự đắc Đà la ni, nhưng không biết tại sao và truyền cho ta, ta cũng không hiểu tại sao có sự bất tư nghì như vậy. Ai thực hành theo khuôn mẫu thì được linh nghiệm thế này, thế kia. Có thể nói Mật giáo truyền trên thế gian đều như vậy; họ diễn tả những cách khác nhau, nhưng chỉ nói về sự kỳ diệu vượt bực mà không ai giải thích được.
Ở Trung Quốc, chỉ có ngài Bất Không Tam Tạng sử dụng được Mật giáo. Ở Nhật Bản chỉ có ngài Hoằng Pháp đại sư đắc được pháp này và truyền cho đệ tử, tạo thế mạnh cho Phật giáo, khiến vua chúa phải kính phục, ủng hộ đạo. Mật tông Nhật Bản nổi tiếng với truyền thống lựa chọn người lên Cao Dã sơn tu theo pháp của ngài Hoằng Pháp. Nơi đó không có chỗ cho những người bình thường tu; vì chỉ những hành giả có thể lực tốt đặc biệt và có tríthông minh hơn người mới được chọn tu pháp này. Riêng bản thân tôi, khi gặp khó khăn, nguy hiểm, không có lối thoát, tôi trì chú cũng nhận được kết quả mầu nhiệm và tất nhiên cũng không biết tại sao. Đó là điểm đặc biệt của Mật giáo.
Tuy nhiên, kinh Bảo Tích xếp Đà la ni vào phần huệ học. Kinh không giải nghĩa câu thần chú, nhưng giải thích cho chúng ta biết tại sao thần chú linh nghiệm. Trên bước đường hành đạo, chúng ta tu giới, định, huệ. Khi đạt được huệ vô lậu, chúng ta sở đắc một loại ngôn ngữ bí mật. Có thể nói mật ngữ hay mật hiệu mang tính cách gợi ý. Người nào thông minh thì nhận ra ý, đắc pháp. Thí dụ không thể giải thích chú Đại bi, vì không có nghĩa, nhưng có thể hiểu đó là tâm của Bồ tát Quan Âm.
Như đã nói, tu Mật tông đòi hỏi phải giữ giới tinh mật. Do giữ ba nghiệp thanh tịnh mà vào được Định là Tam muội và từ Định phát sanh huệ là Đà la ni. Tùy Tam muội mà hành giả thâm nhập được, sẽ có huệ, tức Đà la ni tương ưng. Thí dụ người tu Pháp Hoa đắc Định Pháp Hoa hay Pháp Hoa Tam muội, thì cái được trước nhất là Triền Đà la ni tạo cho hành giả sức tập trung để quán chiếu. Điển hình như Nhật Liên Thánh nhân đắc Pháp Hoa Tam muội, thấy năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh hiện ra. Đà la ni mà ngài chứng được chỉ có năm chữ này. Gặp bất cứ ai và bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến mấy, ngài chỉ niệm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mà hóa giải được tất cả. Đối với chúng ta, năm chữ này không có gì quan trọng. Vậy mà đối với ngài, những chữ ấy đã biến thành Đà la ni, gọi là Đại Mạn trà la hay đại vũ trụ, hay Pháp giới. Nghĩa là với một câu gồm năm chữ ấy, ngài hình dung ra Đức Phật Đại Nhật hay Tỳ Lô Giá Na Pháp Thân Phật và năm vị Phật cùng vô số Bồ tát Tùng địa dũng xuat hiện hữu xung quanh. Theo ngài, chỉ tu năm chữ Đề mục này, nhưng biến chiếu cả Pháp giới. Việc làm của ngài được coi là bất tư nghì; vì không hiểu được, không giải thích được sự đắc định của ngài. Nếu giải nghĩa suông năm chữ này thì suốt đời cũng không được gì.
Hoặc người chuyên niệm Phật Di Đà cũng đắc được niệm Phật Tam muội là thế giới Cực lạc hiện ra. Như vậy, đắc được một Đà la ni nào thì liền có diệu dụng của Đà la ni ấy đi kèm theo.
Nhờ tu giới được Tam muội và Đà la ni, thấy Phật hiện tiền, mà Nhật Liên thì thấy năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Hòa thượng Trí Tịnh lại thấy sáu chữ Nam Mô A Mi Đà Phật sáng lên (không phải là A Di Đà Phật). Tu Định phải được như vậy và Đà la ni hiện ra tương ưng với pháp tu, có thể là hiện chữ, hoặc hiện thế giới Phật, Bồ tát, v.v…; tùy ở mức tu Định của hành giả. Đó là Triền Đà la ni có trước tạo thành sức thu hút hành giả. Chưa đắc Định, ta niệm chú, niệm Phật hay kinh, nhưng tâm trí nghĩ việc khác; như vậy tu suot đời không được gì. Được Triền Đà la ni thì Phật luôn xuất hiện trong tâm, hay trước mặt, hoặc thấy được Phật Di Đà, thấy Pháp giới tạng thân, Tịnh độ, v.v… Và từ Triền Đà la ni này mới dẫn hành giả vào Tịch Quang chơn cảnh, lìa xa văn tự. Những gì hành giả học trong sách rất nhiều chỉ là phương tiện sử dụng cho người chưa đắc Định để kiểm chứng, ngăn chặn trần lao nghiệp chướng có hại cho Bồ đề tâm; nhưng đắc Định rồi thì phải bỏ ngữ ngôn văn tự.
Vì vậy, người tu chấp pháp, chấp giới, chấp kinh, sẽ bị những thứ này ràng buộc, làm nghiệp chướng phiền não phát sanh. Người biết nương pháp, nương giới tu hành để đắc Định, thì được niệm Phật Tam muội hay Pháp Hoa Tam muội. Nghĩa là hành giả đã có sức tập trung, rời bỏ những khuôn mẫu cố định, mới lưu xuất Đà la ni là huệ do Định phát sanh.
Do gia công tu hành pháp nào thì pháp đó hiện ra trước
là Triền Đà la ni có năng lực dẫn hành giả đi xa hơn nữa, thấy khác hơn những
gì đã đọc trong sách. Điển hình là Trí Giả thấy hội Linh Sơn chưa tan, thấy tất
cả Phật quá khứ hiện tiền chưa nhập diệt. Vì
có Đà la ni rồi, hành giả xướng danh Phật nào, vị đó xuất hiện, kể cả Phật quá
khứ xa xưa, cho đến hai ngàn Phật Nhựt Nguyệt Đăng Minh đều hiện đủ. Hành giả
thấy các Ngài, thấy cảnh giới và quá trình hành đạo của các Ngài. Và nương theo
Triền Đà la ni, nghe được pháp âm Phật. Vì thế, kinh Pháp Hoa nói tiền thân của
Phật Thích Ca là Thường Bất Khinh Bồ tát mạng chung, nghĩa là đổi được mạng sống hữu hạn của ngũ uẩn chuyển thành mạng sống vô cùng của Pháp thân vi diệu. Bấy giờ, Thường Bất Khinh nghe được hai trămmuôn ức bài kệ của Phật Oai Âm Vương. Thường Bất Khinh đắc Định, đưa được Phật
quá khứ Oai Âm Vương trở về thực tại, thấy Phật hiện tiền, là lưu xuất được Đà
la ni. Ngày nay, chúng ta hiểu điều này dễ nhờ tiến bộ của khoa học. Thí dụ các
thế giới thuộc hành tinh khác cách xa chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, mà
chúng ta vẫn thấy được nó.
Nếu thực sự đắc Tam muội, chứng Đà la ni thì cuộc sống phải đổi khác tốt đẹp vô cùng, có được những việc làm bất tư nghì. Ngài Nhật Liên đã chứng nghiệm và thể hiện điều này trong cuộc đời hành đạo của ngài. Thật vậy, ngài có sự hiểu biết và cuộc sống phi thường, đao kiếm chém ngài tự gẫy, không thể giết ngài được; hoặc ngài chỉ niệm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thì phong ba bão táp tự lắng yên.
Đắc Tam muội và Đà la ni, hành giả ngồi yên quan sát, thấy được Phật quá khứ ngay trong hiện tại, tạo thành thế giới thanh tịnh để an trú. Họ có sức thông minh kỳ diệu, nhớ tất cả pháp Phật thuyết và có sức thu hút, cảm hóa được người một cách mãnh liệt. Họ giảng cho chúng ta nghe những điều không có trong sách, tạo được sự an lành cho chúng ta. Đó chính là từ thanh tịnh Đà la ni mà phát xuất ra pháp âm phương tiện Đà la ni. Pháp sư chưa đắc Định giảng, không tạo được ảnh hưởng gì đến người nghe.
Khi Phật tại thế, có Mật giáo hay không. Có thể khẳng định rằng có, nhưng có dưới dạng nào. Trên bước đường giáo hóa độ sanh của Đức Phật, chúng ta thấy sự mật truyền rất quan trọng. Điển hình như Xá Lợi Phất là đại Luận sư mà phải nể phục, theo Mã Thắng không nói lời nào. Mã Thắng không nói ngôn ngữ, nhưng nói mật ngữ, mới tác động được Xá Lợi Phất phát tâm theo Phật.
Chúng ta tu cần nhận ra ý này. Có người không là Pháp sư nói giỏi, nhưng họ truyền được mật ngữ, Phật ngữ; đó mới là chánh đạo. Trái lại, chúng ta nói hay, nhưng càng nói khiến người và ta càng xa đạo, thì chỉ là danh tự Pháp sư giải thích thông suốt nghĩa lý kinh, mà vẫn không đắc đạo. Mã Thắng thuyết cho Xá Lợi Phất mật ngữ hay vô tự chơn kinh. Tâm ngài thanh tịnh hoàn toàn, là vị A la hán, nên không cần sử dụng ngôn ngữ thế gian. Mật ngữ của ngài hay tâm thanh tịnh đi thẳng vào tâm tha thiết cầu đạo của Xá Lợi Phất, khiến ông thanh tịnh theo và nhận được mật ngữ vô ngôn, liền đắc Tu đà hoàn. Và khi đến với Phật, nhờ đã được Mã Thắng khai tâm, nên với tâm thanh tịnh ấy, ông liền nhận được mật ngữ của Phật và đắc A la hán, thay Phật truyền đạo.
Như vậy, từ Vô thượng Đà la ni, tức Phật huệ truyền đến, làm tâm hành giả thanh tịnh. Và từ đây, hành giả quán sát chúng sanh, khởi tâm đại bi muốn cứu độ. Lưu xuất từ tâm đại bi tạo thành ngôn ngữ của hành giả đắc Định khiến người nghe phát tâm tu. Đó là pháp âm phương tiện Đà la ni thể hiện chánh đạo, tức có chân thật mới khai được phương tiện độ sanh.
Tất cả pháp Phật thuyết trong hơn ba trăm hội đều là pháp âm phương tiện mà Ngài tùy chỗ, tùy người, tùy lúc khai ra khác nhau. Trong khi pháp chân thật mà Đức Phật chứng đắc ở Bồ đề đạo tràng thì không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được và chúng sanh cũng không thể chấp nhận được. Vì vậy, Đức Phật phải chọn những điều mà người nghe được và làm được; như gặp người đau khổ, Ngài nói pháp Tứ đế, vì ngươi trí thức, Ngài nói pháp Nhân duyên và vì người cầu Bồ tát đạo, nói sáu pháp Ba la mật. Với Phật huệ, Ngài biết rõ căn tánh và hành nghiệp của mọi người, nên nói Tam thừa giáo. Họ cần gì, muốn gì và làm được gì, Ngài tùy theo đó tháo gỡ lần cho họ. Nói cách khác, đắc Vô thượng Đà la ni là huệ và từ huệ, quán sát chúng sanh và khởi đại bi tâm, xem năng lực của họ ở cấp bậc nào để dìu dắt.
Đạt tới Đà la ni, Đức Phật cũng chia ba cấp bậc. Bước thứ nhất, chúng ta cũng đi theo pháp căn bản là Tứ đế, phải tu cho được Đạo đế, chứng được Diệt đế, rồi mới xuất Đà la ni.
Tu Đạo đế, thấp nhất cũng phải sửa đổi ba nghiệp thanh tịnh hoàn toàn, mới đứng trên xe Bát Chánh đạo. Nghĩa là chúng ta phải kiện toàn con người tâm lý và vật lý cho thật hoàn hảo rồi mới lưu xuất Đà la ni. Đối với hàng trung căn đã diệt được tất cả pháp hý luận, mới qua Duyên giác thừa quán Nhân duyên. Theo Phật, tất cả pháp đều do duyên sinh. Ý thức rõ các pháp thay đổi tùy theo duyên, người đắc pháp quán Nhân duyên; không chấp chặt, không bám víu vào pháp hữu vi nữa. Đối với hành giả, tất cả đều do chúng ta tạo ra, thiên đường hay Cực lạc đều hình thành nếu chúng ta thấy biết các pháp tạo nên chúng. Con người cũng vậy, ta có thể tạo được con người tốt, khỏe, hữu ích; vì cơ thể ta cũng không nằm ngoài quy luật duyên sinh.
Chứng đắc Vô thượng Đà la ni, nghĩa là bằng huệ giải, thấy thật tướng các pháp và theo đó mà lưu xuất Đà la ni, chuyển đổi xã hội thành tốt đẹp, dạy dỗ người thành những vị minh triết, cứu đời. Kinh gọi họ là Bồ tát có sức hiểu biết hơn người và thể hiện nếp sống đạo đức vô ngã vị tha, hoàn toàn vì người mà thôi.
Tóm lại, trên bước đường tu, do giữ giới mà ba nghiệp thanh tịnh, hành giả vào Định là Tam muội và phát sanh huệ là Đà la ni. Gặp được các vị tu hành đắc Định và chứng Đà la ni, dù họ nói hay yên lặng, đều tác động tâm ta an vui, giải thoát.
Hành giả đắc Tam muội, nương theo đó nhập Pháp giới, nghe được chư Phật thuyết pháp và khai phương tiện được. Nghĩa là Bồ tát thấy xã hội cần gì thì đưa ra pháp thích nghi, nên được mọi người quý mến, quy phục. Điển hình như ở thời Đinh, Lê, Lý, Trần, các Thiền sư dạy đạo thoát ly văn tự, không giảng bộ kinh nào. Các ngài chỉ đọc những bài kệ đơn giản, nhưng tác động sâu sắc vào tâm lý của giới trí thức thời bấy giờ. Vì các ngài đã đắc Tam muội và Đà la ni, thâm nhập thế giới Phật và quán chiếu lại hiện tượng giới, làm những việc lợi ích cho đất nước. Điều này thể hiện rõ nét ý nghĩa huệ học của đạo Phật là sự thấy biết xác đáng và giải được bài toán đời cho dân tộc. Đó là sức sống của Đà la ni, của Phật pháp, mà kinh Bảo Tích muốn giới thiệu cho chúng ta.