Sách
Chúng ta học văn hóa khác với học về tôn giáo. Tôn giáo thường hướng về trừu tượng, nên được gọi là Thần học hay khoa học tâm linh hay Tôn giáo học. Phần nhiều những nhà tôn giáo thực chất có những việc làm và cuộc sống mà người thường không hiểu được. Họ là con người, nhưng sống với thế giới siêu nhiên.
Phật học của chúng ta không đi theo hướng ấy, nhưng cũng không rời bỏ mặt siêu nhiên. Nếu nói Phật phủ nhận thần linh là sai, vì việc giáo hóa độ sanh của Ngài đã thể hiện rõ nét siêu tuyệt. Theo đạo Phật, đương nhiên chúng ta không hoàn toàn tin tưởng thần linh, nhưng cũng không phủ nhận thần linh. Chúng ta kết hợp hai mặt này để lý giải về Đức Phật và lời dạy của Ngài, rút ra kinh nghiệm cho chúng ta tu hành.
Thực tế cho thấy có Tăng Ni, Phật tử tin tuyệt đối thần linh và hướng về đó tu. Một thời gian sau, họ bị lạc vào ngoại đạo, chuyên luyện bùa chú, phù phép. Điều này hoàn toàn xa lạ với Phật giáo. Thuở nhỏ, tôi cũng học bùa chú. Hòa thượng Huê Nghiêmkhuyên tôi không nên đi theo con đường này, mặc dù ngài chuyên trì chú và chữa bệnh cho người có hiệu quả thật. Tu theo dạng này, phần lớn chúng ta không đoán định được kết quả của việc mà ta làm. Trì chú cho người hết bệnh, nhưng ta cũng không hiểu tại sao và có lúc cũng trì chú như vậy mà lại không đạt kết quả. Ta làm nhưng không kiểm soát được, không biết được kết quả ra sao, tùy ở sự may rủi mà thôi. Ngày nay, số người tu theo pháp này cũng có nhiều, họ cũng đọc thần chú, sử dụng ấn khuyết, nhưng sự hiệu nghiệm không có; vì thật ra chỉ làm theo hình thức.
Xưa kia, Đức Phật đã từng rầy người đệ tử ham luyện thần thông rằng chỉ
cần tốn vài xu để thuyền đưa sang sông, làm gì phải khổ công suốt đời để
tập luyện cho được thần thông đi trên mặt nước. Đức Phật không ca ngợi thần
thông, nhưng tu hành phải đạt kết quả. Phật giáo Nam truyền ít nói đến thần thông; trong khi
Đại thừa lại triển khai nhiều về mặt siêu nhiên. Chúng ta học Phật nên kết
hợp siêu nhiên và thực tế cuộc sống. Vì chỉ suy nghĩ về cuộc sống đời thường, không thấy
được lực siêu nhiên thì đánh mất tính tôn giáo. Hay trái lại, chỉ nghĩ đến siêu nhiên thôi, chúng ta xa rời thực tế, dễ rơi vô ảo giác. Có thể nói tu sĩ là người bình
thường, học vấn cũng bình thường, làm việc cũng bình thường. Tuy nhiên, người thấy
chúng ta vượt hơn họ là do tính tôn giáo tiềm ẩn trong chúng ta. Trong cuộc
sống đời thường, chúng ta thấy rõ điều này. Những người có địa vị
và tri thức trong xã hội có quyền uy thế lực hơn ta. Nhưng khi có người thân qua đời, họ cũng phải nhờ một
Thầy tu đến cúng mới yên lòng. Tính chất tôn giáo chỉ hiện hữu ở người tu là
vậy.
Thiết nghĩ Phật giáo không ca ngợi thần linh. Tuy nhiên, không vì thế mà thiếu mất tính chất tôn giáo. Và điều chắc chắn rằng Phật giáo không phải là tôn giáo cực đoan, nhưng được kiểm chứng sâu sát với thực tế cuộc sống. Thái độ của chúng ta học Phật cần xây dựng bằng niềm tin và phải kèm theo sự kiểm chứng điều gì chúng ta làm được nhờ lực siêu nhiên, điều nào phải kết hợp khả năng con người với siêu nhiên. Chúng ta không tuyệt đối tin tưởng ở thần linh, cũng không hoàn toàn tin ở sức người.
Thật vậy, trong cuộc sống, ai mà không từng một lần cảm thấy đau khổ vì phải bó tay đối trước những nghiệt ngã mà thiên nhiên giáng xuống. Ai mà không bất lực trước định luật thiên nhiên gọi là lý vô thường, sanh già bệnh chết. Mặc dù bị lý vô thường này chi phối, nhưng quan trọng là chúng ta ý thức được sự vô thường, không sợ hãi nó và tu hành để tiến đến an trụ ở đời sống chơn thường.
Bước theo dấu chân Phật, chúng ta kết hợp sức mạnh của thần linh và năng lực con người để phát huy được năng lực của chúng ta đạt đến siêu nhiên gọi là sáu phép thần thông. Hay nói cách khác, tu hành chuyển hóa thân tâm vượt trên con người, làm được những điều mà người thường không làm được; đó là định hướng tu của chúng ta. Không giỏi hơn người, không tốt hơn người, chúng ta tu chi cho uổng công. Tuy nhiên, cũng không phải chúng ta lệ thuộc ở thần linh. Người bình thường bị sự vật chi phối. Người tu phát huy trí tuệ, đạo đức để hiểu rõ thiên nhiên và xã hội. Nhờ vậy, họkhông bị xã hội và thiên nhiên chi phối, mà còn chuyển được vật để phục vụ con người. Phát huy sức mạnh của trí tuệ và tâm linh đến mức độ cao nhất như Đức Phật không bị lệ thuộc bất cứ việc gì; Ngài còn quay ngược vòng quay của tạo hóa, gọi là thần lực Như Lai.
Thần lực của người tu đạt được ở mức độ thấp nhất của hàng Sơ quả thì không bị bốn tướng là đói, khát, nóng, lạnh chi phối. Được như vậy, đã thoát ra được một phần chi phối của thiên nhiên và xã hội. Chúng ta tu bước đầu tiên cũng phải thực hiện cho được thành quả này; bớt được sự chi phối của bên ngoài phần nào, thì tốt cho ta phần đó. Thí dụ như cần giảm thiểu tối đa sự lệ thuộc tín đồ về ăn, mặc, ở và lần phát triển năng lực để chịu đựng được những sự chi phối nhỏ của thiên nhiên. Tiến đến Hiền vị, chỉ còn bị một số ít chi phối của tự nhiên và xã hội.
Bước thứ hai cao hơn, hoàn toàn không còn lệ thuộc thiên nhiên và xã hội là đạt lục thông La hán. Lúc ấy, biết được người nghĩ gì, muốn gì, có khả năng làm gì, nên dễ dàng cứu độ người. Bước thứ ba, tu Bồ tát đạo cao hơn, giáo hóa người, xây dựng xã hội và thiên nhiên theo hướng của chính mình vạch ra. Điển hình như Đức Phật Thích Ca chuyển đổi Ta Bà uế độ thành Tịnh độ, giáo hóa chúng sanh cang cường trở thành Thánh chúng.
Chúng ta tu theo hình thức nào cũng được, nhưng phải đạt kết quả. Đó là thế giới của chúng ta hay nơi chúng ta đang sống được thanh tịnh lần, từ xấu thành tốt; người của chúng ta giáo dưỡng trở thành người đạo đức, hiểu biết, có tâm tốt lành. Muốn như vậy, chắc chắn phải hoàn thành phần tu tự giác và trải qua quá trình hành Bồ tát đạo để xây dựng cơ sở và quyến thuộc tài đức.
Trong pháp hội này cho thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ tát phô diễn những khả năng siêu nhiên. Mở đầu pháp hội, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nhập Vô Tránh Trừ Tâm Tam muội và xuất định bằng An Tường Tam muội. Ngài quán sát thấy chúng sanh ở Ta bà phần nhiều căn tánh hành nghiệp của họ không tốt, nên không thể lãnh hội giáo pháp Vô thượng của Phật.
Vì vậy, Văn Thù lại nhập Phổ Quang Vô Cấu Trang Nghiêm Tam muội. Và ánh quang của Định này chiếu khắp mười phương, làm cho Phật và Bồ tát ở các thế giới đó nghĩ về Ta bà và rất hoan hỷ với việc giáo hóa độ sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Các Bồ tát liền tập hợp đến Ta bà để làm đối tượng cho Phật Thích Ca nói pháp và có những điềm lành xuất hiện.
Ca Diếp hỏi Phật tại sao có điềm lành. Ngài trả lời rằng vì có các Bồ tát tập hợp nghe pháp. Ca Diếp muốn thấy các Bồ tát. Đức Phật cho biết các Bồ tát đó đang trụ Ẩn Thân Tam muội, nên không thấy được. Và Phật bảo Ca Diếp dùng Tam muội xem có thấy không. Ca Diếp dùng hai mươi ngàn Tam muội để quan sát cũng không thấy. Xá Lợi Phất sử dụng bốn mươi ngàn Tam muội và Tu Bồ Đề dùng sáu mươi ngàn Tam muội cũng không gặp các Bồ tát.
Câu chuyện đơn giản như vậy. Tuy nhiên, tôi nhắc các anh em điều quan trọng cần suy nghĩ về Tam muội của Bồ tát và Nhị thừa để tiến tu được. Tam muội là thế giới nội tâm. Về hình thức, chúng ta xuất gia học đạo thì giống nhau bề ngoài; nhưng phần tu chứng bên trong có khác nhau và chính điều này mới quan trọng. Cũng vậy, Đức Phật và năm trăm Tỳ kheo đều là A la hán. Tuy nhiên, thế giới nội tâm của Phật và những vị A la hán này khác nhau.
Đối với người thật tu, mọi Phật sự được điều động do thế giới nội tâm, không phải bên ngoài. Các Thầy học đạo, truyền đạo mà chỉ sử dụng ngôn ngữ, hình thức suông, thì khôngphải đạo, không thể vượt thế gian. Trong đạo, chỉ có Tam muội và Đà la ni, tức định và huệ tu chứng được là chính yếu. Trên bước đường tu, chúng ta đắc Định từ thấp đến cao và đắc càng nhiều Định càng tốt. Không có Định, luôn bị hoàn cảnh bên ngoài quấy rầy, thì chỉ là người tu hình thức, không khác người đời. Sử dụng Tam muội và Đà la ni, thì điều được vật từ bên trong, nắm được thật tướng các pháp và thật tánh các pháp.
Đức Phật có vô số Tam muội và Đà la ni để giáo hóa chúng sanh thành công. Vì vậy, Ngài hiền lành nhất và sống rất bình dị, nhưng không ai hại được. Điều này cho chúng ta thấy sự quan hệ vô hình của Đức Phật như thế nào và ở đây giới thiệu điển hình là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Đức Phật thế nào mới có Bồ tát như vậy hợp tác. Chúng ta tự xét lại mình; nếu trình độ hiểu biết kém, tu thấp, mà muốn có đệ tử giỏi, không thể được. Phật thường sử dụng được lực siêu nhiên, tiêu biểu là Bồ tát, để truyền bá chánh pháp.
Trong pháp hội này, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nhập Vô Tránh Trừ Tâm Tam muội và xuất định bằng An Tường Tam muội, tâm hồn hoàn toàn thanh thản, nhẹ nhàng. Thực sự là Thiền sư thì phải như vậy; nếu ở trong Định an vui, mà ra ngoài phiền não là sai. Trong Định thế nào thì ra Định cũng phải vậy. Thanh văn tu có nhập định, trụ định và xuất định; nhưng Như Lai thì ở ba trạng thái này đều giống nhau. Thông thường, hàng Nhị thừa ở trong rừng sâu, trụ Định thì an lành, thấy biết đúng. Nhưng khi họ xả Định, vào đời, thì bị chúng sanh chi phối, không giáo hóa được, hoặc gặp việc, không biết ứng xử đúng. Bồ tát thì khác, ra Định cũng giống như ở trong Định. Xuất Định đối với Bồ tát chỉ là chuyển sang Tam muội khác mà thôi. Ý này được Trí Giả diễn tả là đi, đứng, nằm, ngồi đều Định; ở trong đời thường nhằm mục tiêu giáo hóa chúng sanh nên tâm Bồ tát vẫn trụ Định.
Bồ tát Văn Thù dùng Tam muội quán sát chúng sanh, thấy căn tánh hành nghiệp của họ không thể tiếp thu giáo nghĩa Đại thừa. Ngài cũng thấy rõ mục tiêu của ĐứcPhật là nói pháp đưa người ra khỏi sanh tử, chứng được Nhứt thiết chủng trí. Tuy nhiên, muốn nói pháp Vô thượng, phải có con người vô thượng và có tâm hướng thượng; không thể nói cho người bình thường. Thế giới này không có người như vậy, nên Văn Thù phải điều người có trình độ tâm chứng cao siêu ở thế giới khác đến. Đó là chúng duyên khởi để tạo điều kiện cho Đức Phật thuyết pháp. Nói cách khác, Văn Thù tạo điều kiện bằng cách tập hợp Bồ tát mười phương và chư Thiên đến, trong đó có Thiện Trụ Thiên tử. Đôi khi Bồ tát tạo nghịch duyên, hiện làm ác ma gây trở ngại cho các Tỳ kheo, để nhân đó, Phật dạy họ vượt ma chướng.
Bồ tát Văn Thù nhập Định lần thứ hai là Phổ Quang Vô Cấu Trang Nghiêm Tam muội. Ánh quang này có tác dụng làm cho người ở xa phải nghĩ tốt và sanh tâm hoan hỷ, muốn đến hỗ trợ ngài. Hàng Nhị thừa không có Định này, vì tu hành xa lìa trần cấu và xa lánh cả người. Trong khi Bồ tát đắc Định này, vì đã trải qua vô số kiếp xây dựng quyến thuộc. Văn Thù nhập định Phổ Quang Vô Cấu Trang Nghiêm, hay đó là thế giới nội tâm của ngài liên hệ với thế giới nội tâm của người đồng hạnh nguyện; tuy họ ở xa cũng nghĩ tới nhau, cảm thông được và đến hợp tác. Chính vì tác dụng của Định lực này mà Bồ tát mười phương đều nghĩ tốt về Văn Thù và tập hợp ở Ta bà để trợ lực ngài. Và nơi có Bồ tát, Hiền Thánh Tăng, chư Thiên đến thì nhất định phải có điềm lành.
Ca Diếp chỉ thấy điềm lành, nhưng không thấy Bồ tát, dù sử dụng đến hai mươi ngàn Tam muội. Xá Lợi Phất trí tuệ bậc nhất trong hàng Thanh văn sử dụng bốn mươi ngàn Tam muội và Tu Bồ Đề giải Không đệ nhất, dùng sáu mươi ngàn Tam muội quán sát, cũng không thấy Bồ tát. Dùng Tam muội của Thanh văn không thấy, không biết; vì họ tu hành, sử dụng Định lực để khắc phục nghiệp ác, tham vọng, tình cảm xấu… Đương nhiên, ở bước đầu, hàng Nhị thừa tu phải hướng nội, quán sát tâm mình nhằm xóa bỏ nghiệp chướng của chính mình. Quán sát và tu chứng nội giới thì tất nhiên không biết việc xã hội bên ngoài, không biết hiện tượng giới.
Bồ tát thì trái lại, tu Định để quan sát bên ngoài, lóng tai nghe kỹ tiếng nói bên ngoài và tiếng nói trong tâm tưởng của họ. Nhưng đặc biệt là Bồ tát nghe tất cả mà không bị mọi thứ trần cấu tác động tâm, không bị phiền muộn. Nhị thừa nghe thì bị phiền lòng ngay. Họ phải nhập Tam muội không nghe, không biết, lòng mới lắng yên được.
Văn Thù nhập Phổ Quang Vô Cấu Trang Nghiêm Tam muội, hay sự giáo hóa của ngài trong Định thể hiện trí tuệ và tâm niệm trong sáng. Bồ tát mười phương và chư Thiên nhận được tấm lòng thánh thiện và trí tuệ siêu tuyệt ấy, mới tập trung và xuất hiện điềm lành. Trong kinh điển Đại thừa thường nhắc đến tướng điềm lành, vì pháp Phật tiêu biểu cho sự an lành. Thấy được điềm lành, nhưng không thấy Bồ tát và chư Thiên bằng mắt thường, chỉ có thể cảm bằng tâm, bằng niềm tin về sự hiện hữu của họ.
Thật vậy, Bồ tát dùng Ẩn Thân Tam muội, gọi nôm na là tàng hình. Có thể hiểu đó là sức siêu tự nhiên do năng lực tu chứng có được. Họ muốn cho ta thấy thì thấy, không cho thấy thì dù họ ở trước mặt, ta cũng không thấy. Ca Diếp hỏi Phật tu thế nào để đạt được Ẩn Thân Tam muội. Phật dạy rằng người thành tựu được mười pháp sẽ đạt được Tam muội này.
Bước đầu, chưa ẩn thân nhưng ẩn tâm được là phần nhiều Thiền sư đạt được điều này. Thầy bói hay người có ma dựa có thểđoán đúng những việc của người thường, nhưng không thể nói đúng được tâm của Thiền sư trụ định.
Việc làm của người tu không ai đoán được. Bước đầu chúng ta tu phải đạt kết quả này. Người không hiểu đạo lý, thực chấtkhông có tu chứng gì, nhưng lại khoe khoang, chẳng được gì mà sẽ bị ma chướng. Ma và người có đủ cách ngăn chặn chúng ta. Ta không nói, nhưng trong tâm có suy nghĩ, có tính toán sẽ làm gì. Điều này người thường không biết, nhưng Thiên ma biết. Nó thấy được diễn biến ngay trong nội tâm chúng ta và nó phá ngay trong lòng chúng ta. Thực tế là người lên đồng biết rõ tâm tưởng của người khác, nên nói đúng.
Nhưng trên bước đường tu, chúng ta nhập định, vượt được lưới ma. Vì nhập Thiền, không suy nghĩ, vượt qua thức uẩn thì ma không biết; còn suy nghĩ bằng "Thức”, nó phá được. Thiền sư nhập định vượt qua sinh hoạt của thế giới căn trần thức, là ra ngoài lưới ma, đạt tới vô thức; nên ma không biết. Sinh hoạt trong trạng thái vô thức, không suy nghĩ, tâm thanh thản và sử dụng trực giác hay từ chơn tâm lóe lên hiểu biết, nhận ra sự vật, thì ma không biết những gì mà Thiền sư biết. Ma luôn ở dạng "Thức”, trong khi Thiền sư sinh hoạt ở dạng cao hơn "Thức”, là chơn tâm và biết bằng trực giác, mà ma không thể nào đạt tới sự hiểu biết này.
Muốn vượt lưới ma, đưa đến ẩn tâm, điều quan trọng là chúng ta phải vượt qua sinh hoạt của thức uẩn, thì ma hay người khác không thấy con người thật của ta, hay chơn tâm của ta. Thấy được con người xương thịt không quan trọng. Thân tứ đại thì mọi người nhìn thấy được, còn chân thân kết tinh bằng phước đức và trí tuệ thì không ai thấy. Đó là ý nghĩa của Bồ tát ẩn thân. Thân của Bồ tát là thân phước đức trí tuệ vô lậu, nên nằm ngoài lưới ma. Bồ tát đã đoạn diệt sinh hoạt của "Thức”, chỉ sống với tâm, nên ma không thể thấy là vậy.
Trên bước đường tu, để đạt đến trình độ hiểu biết bằng trực giác, sử dụng được chơn tâm, chúng ta khởi đầu phải dùng niềm tin; vì Phật dạy rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức. Chỉ có niềm tin dẫn chúng ta vào thế giới siêu nhiên và dấn thân hành đạo mới bắt kịp được pháp mầu. Kinh Pháp Hoa dạy rằng Xá Lợi Phất là hàng trí tuệ bậc nhất còn phải dùng niềm tin; niềm tin được khởi lên từ khi ngài đắc quả vị A la hán. Những điều siêu tự nhiên khó có. Phải dùng niềm tin và tu bằng niềm tin chân chánh, hành đạo từng bước thăng hoa và có được những sự chứng đắc vượt ngoài hiểu biết của con người. Người vào đạo bằng tham vọng hay không có niềm tin, cuộc đời tu hành thường tàn lụn dần. Bước theo dấu chân Phật, Bồ tát tin tưởng mãnh liệt rằng chắc chắn sẽ có ngày đắc đạo. Và trên bước đường tự hành hóa tha, họ thường đạt được những kết quả siêu tự nhiên.
Ngoài ra, Bồ tát chứng được Ẩn Thân Tam muội là nhờ tình thương của họ luôn luôn tràn đầy cho chúng sanh. Pháp thứ tư là Bồ tát lìa xa tất cả tướng sai biệt, nên không có tâm chấp trước bất cứ thứ gì và từng bước ly trần cấu.
Thứ năm là Bồ tát không trụ, không vướng mắc với pháp đã tu chứng, lìa bỏ được mọi sở đắc. Sáu là Bồ tát không bao giờ bằng lòng an trụ với quả vị của hàng Nhị thừa. Bảy là Bồ tát dù có đầy đủ phước báu, nhưng luôn thí xả vật sở hữu khi cần, để cứu giúp người thăng hoa tri thức và đạo đức.
Tám là Bồ tát thực hành tất cả pháp hữu vi như phương tiện để độ chúng sanh, nhưng không bao giờ bị các pháp hữu vi ràng buộc, chế ngự. Chín là Bồ tát tu sáu pháp Ba la mật, nhưng hoàn toàn phát xuất từ vô tâm; nên Bồ tát không bị vướng mắc với phương tiện độ sanh. Và sau cùng, Bồ tát luôn mang tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sanh mới vào Niết bàn.
Quán mười pháp này thuần thục, Bồ tát sẽ thâm nhập được pháp Ẩn Thân Tam muội. Muốn đến đâu, làm gì thì loài người cho đến hàng Nhị thừa, chư Thiên hay ác ma đều không biết được, không não hại được Bồ tát.