Sách
Mở đầu pháp hội này, Bồ tát Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang xin Phật dạy làm sao phân biệt được Bồ tát và Thanh văn. Đức Phật định hình mười tiêu chuẩn hay mười pháp Đại thừa và người thể hiện mười pháp này trong cuộc sống là Bồ tát. Trong thực tế sinh hoạt, chúng ta thấy Bồ tát Tăng và Thanh văn Tăng về hình thức giống nhau, nhưng cách sống thì hoàn toàn khác.
Trước tiên, Thanh văn và Bồ tát đều tin Phật, nhưng niềm tin của họ cũng không giống nhau. Thanh văn tin Phật như bậc Thầy và họ nỗ lực tu, rèn luyện đức hạnh, chỉ đạt đến quả vị A la hán, xứng đáng được trời, người cung kính cúng dường. Thanh văn không bao giờ tin họ sẽ thành Phật. Mặc dù được Phật thọ ký, nhưng Thanh văn vẫn không tin được, vì tại sao từ đó đến nay không ai thành Phật. Thật vậy, chúng ta khởi đầu cũng tin mình tu sẽ thành Phật, vì nghe Phật nói như vậy. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, không thấy ai thành Phật, nên ta không tin nữa. Như vậy, niềm tin qua lời nói, qua việc làm thấy được bằng mắt, không phải phát xuất từ căn lành, nên không vững chắc.
Niềm tin của Bồ tát vô điều kiện, phát xuất từ trái tim, hay do căn lành đến với đạo. Bồ tát tin Phật là Đại Đạo sư dẫn đường đi trước và họ tiến bước theo lộ trình của Phật, cũng sẽ thành Phật. Bồ tát nhập đạo từ đáy lòng sâu kín, không phải nghe hay thấy mới tin. Họ tu hành với tất cả nhiệt tâm, không đợi ai nhắc nhở, bắt buộc hay cấm đoán.
Bồ tát sống với pháp Phật, tụng niệm, tham Thiền, công quả đều do sự quyết tâm thúc giục. Trong khi Thanh văn thấy người đạt kết quả, bắt chước làm theo, không được thì chán. Bồ tát suy nghĩ lời Phật dạy, thể nghiệm trong cuộc sống và tự mở ra hướng đi riêng, ít khi bị người tác động. Trái lại, Thanh văn Tăng thường bị Tăng đoàn chi phối; nếu gần tập thể xấu, sẽ dễ dàng bị sai phạm. Bồ tát vì có quyết tâm cao và hướng đi đúng đắn rõ ràng, nên hoàn cảnh khó cũng không lay chuyển được họ.
Trên bước đường tu, hai lần tôi nhận ra ý này. Năm 1963 và 1975 là giai đoạn khó khăn, nguy hiểm, cho thấy rõ người có chí lớn, quyết tâm với đạo mới tiếp tục lý tưởng.Những người không có niềm tin vững chắc, chỉ vì quyền lợi mà tu thì họ cởi áo tu ngay. Theo tinh thần Đại thừa, niềm tin phát xuất từ căn lành. Vì vậy, ra đời không gặp Phật, Bồ tát cũng quyết tâm tìm đạo và bất chấp khókhăn, gian khổ, dấn thân thể nghiệm pháp Phật.
Pháp thứ hai căn cứ vào hạnh để phân biệt Bồ tát Tăng và Thanh văn Tăng. Thanh văn lập hạnh theo khuôn mẫu là bốn oai nghi. Đi, đứng, nằm, ngồi, lễ bái, v.v… theo khuôn phép của người tu; còn thô tháo quá, không thể chấp nhận. Hạnh Bồ tát không thể chỉ dừng lại ở khuôn mẫu cố định, nhưng phát xuất từ đáy lòng, lấy tâm làm chính. Từ tâm đại bi thể hiện ra hành động bên ngoài, căn bản là sáu pháp Ba la mật. Bồ tát hành đạo vì thương chúng sanh. Vì thế hạnh của Bồ tát là đa dạng, hay tám muôn bốn ngàn tế hạnh, không ai giống nhau. Vì mọi việc đều lưu xuất từ tâm đại bi, có những việc làm của Bồ tát, tuy bề ngoài thấy ác, nhưng thật phát xuất từ tâm thiện, mới dẫn đến kết quả tốt.
Pháp thứ ba, Bồ tát khác Thanh văn ở căn tánh. Căn tánh là phần quan trọng của mỗi người trên bước đường tu. Đó là bản chất tự nhiên bên trong, không phải do lập hạnh bên ngoài. Căn tánh Thanh văn hay Tiểu thừa quyết tâm học cho thành tài, tu cho đắc đạo, giải thoát. Mục tiêu này của hàng Nhị thừa rất đúng theo Phật dạy. Họ lo phát huy năng lực của chính họ, chưa đủ khả năng lo cho người.
Trái lại, người căn tánh Đại thừa thích gánh vác việc cho người, lấy cứu đời làm việc chính. Học hay không đối với họ không thành vấn đề. Nhiều khi họ bỏ dở việc học để lo cho người. Điển hình như Hòa thượng Thiện Hòa thể hiện rõ nét căn tánh Đại thừa. Ngài làm Tri sự, gánh vác việc của đại chúng chu đáo, để chúng Tăng khỏi bận tâm, chuyên lo tu học. Ngài hy sinh, quên cả bản thân, nổi bật đức tánh vì người, vì Phật pháp, vì ý niệm chung. Ngài được đại chúng hết lòng thương kính là vậy.
Người có căn tánh Đại thừa quan tâm đến việc làm cho Phật pháp cửu trụ, làm cho người an vui, giải thoát, thăng hoa; không nghĩ đến việc riêng cho họ. Từ căn tánh thích hy sinh, mới có công đức, được kính trọng. Chúng sanh không phải là Đại thừa Bồ tát thì thích làm gương tốt cho người làm theo; nhưng nếu họ không làm theo, mà lại chọc phá, xem thường, thì dễ nổi giận, vừa làm vừa hận. Xưa Hòa thượng Thiện Hòa quét sân chùa với tâm hồn thanh thản, không phải vì giận lẫy học Tăng không làm. Học Tăng thấy ngài quét sân thì vừa thương vừa sợ, không dám bỏ việc để ngài làm.
Nhị thừa, Bồ tát và chúng sanh hoàn toàn khác nhau. Phật dạy rằng tánh Bồ tát không phải chúng sanh cũng không phải Nhị thừa. Tánh của Bồ tát vô tư, chỉ nghĩ đến ích lợi chung. Nhị thừa diệt tận tham sân si; nhưng không phát tâm cứu độ người. Chúng sanh học hạnh Bồ tát, mà tam độc còn nguyên; vì thế, làm việc thiện, họ dễ nổi sân si. Riêng Bồ tát đã đoạn sạch tham sân si, họ thanh tịnh đồng với A la hán. Tuy nhiên, Bồ tát hơn A la hán ở điểm phục vụ chúng sanh vô điều kiện. Trên nền tảng vị tha, lo cho đạo pháp, người có căn tánh Đại thừa tự thấy mình không có khả năng học thì tạo điều kiện cho người khác tu học, để có người thừa kế gánh vác đạo nghiệp, dù họ có hy sinh thân mạng cũng được, miễn là đạo pháp sống còn. Người ích kỷ thì chỉ lo cho mình; dù mình không giỏi, không học được.
Pháp thứ tư phân biệt giữa Thanh văn và Bồ tát là Bồ đề tâm. Thanh văn tu văn huệ, thích học không chán. Hàng Duyên giác thích, trầm tư, suy nghĩ. Trí giác của Bồ tát Đại thừa thì do hành động và việc làm mà có được. Thật vậy, Bồ tát trắc nghiệm các pháp, tiếp xúc với chúng sanh. Vì thế, hiểu biết của họ chính xác; khác với hiểu biết theo lý thuyết trong sách vở. Hòa thượng Thiện Hòa gánh vác việc đại chúng, ít có thì giờ học; nhưng ngài thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống là lập hạnh, nên Ngài trở thành bậc cao Tăng.
Bồ tát cầu Bồ đề do hành động thiết thực, hết lòng làm việc phục vụ tha nhân. Mỗi việc cho họ thêm một hiểu biết, cho đến biết tất cả nhờ làm tất cả không từ nan. Họ làm được, vì luôn an trụ trong niềm vui kỳ diệu. Thậm chí họ làm rất cực khổ, nhưng vẫn vui; vui với Bồ đề tâm là phát hiện được tinh ba Phật dạy trong việc làm. Vì vậy, Thanh văn không thể nào hiểu được sinh hoạt của Bồ tát. Mọi việc thành bại đều cho Bồ tát kinh nghiệm ích lợi thực tiễn trên bước đường hành đạo. Chỉ có lý thuyết suông chưa đủ. Có thể nói Bồ tát tha thiết với Bồ đề tâm trong cuộc sống nhiều hơn. Từ hữu hình đến vô hình, đều mang lại những khám phá có ý nghĩa lợi lạc cho công việc tự hành hóa tha của Bồ tát.
Theo Đại thừa, Bồ đề tâm cũng phát xuất từ đáy lòng. Bồ tát phát tâm Bồ đề gặp chướng duyên, vượt qua được. Trong khi Thanh văn bỏ cuộc, vì chỉ nương hình thức bên ngoài; khi họ gặp việc không vừa ý, tự thoái chuyển. Người có Bồ đề tâm không nhận thức bằng mắt thường, mới thấy khổ cực là vinh quang. Như Phật bỏ ngai vàng, dấn thân trên đường cát bụi; vì Bồ đề tâm thôi thúc Ngài, mà người đời hay người có tâm niệm Tiểu thừa thấy đó là khổ.
Người thường sống với phiền não, vọng thức; những gì vừa lòng thì họ vui, khác ý là khổ. Người sống với Bồ đề tâm vượt hơn tầm thường này. Đối với họ, những điều khó khăn, nghịch ý, trái lòng, cũng là duyên cho họ tiến tu. Chúng ta phát tâm Bồ đề, cần nhớ ý này. Thí dụ lúc chùa có đám, ai cũng mệt, lo tìm chỗ nghỉ. Bồ tát Tăng thì suy nghĩ và hành động khác. Nhờ người trốn việc, sợ khó, ngại khổ, không làm, ta có dịp làm và hưởng trọn công đức. Ta dọn dẹp sạch sẽ, người hoan hỷ, thương mến ta. Đó là thành quả thực tế nhất của Bồ tát hạnh.
Riêng tôi, chỉ mong đủ sức gánh vác Phật sự thay cho chúng. Không có Bồ đề tâm, không thể nào thành Phật. Tất cả Bồ tát bước theo lộ trình Phật đạo đều phát tâm Bồ đề cứu độ chúng sanh. Chúng ta làm đạo cũng phải thể hiện tinh thần vì đạo, vì người, hơn là vì bản thân mình. Ta đem công sức xây dựng chùa, trả ơn Thầy, Tổ. Và được thành quả này, chúng ta nghĩ thêm, không phải vì chùa nữa; nhưng rộng hơn là vì đạo. Như Tổ Khánh Hòa hy sinh chùa, bán cả cột xây chùa để có tiền thỉnh Đại tạng kinh ở nước ngoài cho chư Tăng học. Trên căn tánh Đại thừa, hay Bồ đề tâm, ngài nghĩ chùa còn; nhưng chúng Tăng thất học, làm sao giữ vững Giáo hội, truyền bá đạo pháp. Có thể khẳng định rằng đạo pháp hưng thạnh khi hiện hữu nhiều vị Bồ tát Tăng quên mình, chỉ nghĩ đến việc chung, lo cho Pháp giới chúng sanh, lo cho Phật pháp trường tồn.
Ngoài bốn pháp là tín, hạnh, căn tánh và Bồ đề tâm trong mười pháp mà Phật dạy để chúng ta nhận biết được thế nào là pháp Đại thừa và tư cách của người tu Đại thừa, đến pháp thứ năm nói về quán pháp. Pháp của Bồ tát khác với pháp của Nhị thừa. Phật tại thế, hàng Thanh văn nương theo phước trí của Ngài để tu, cuộc sống của họ được an lành. Như vậy, họ theo sanh thân Phật, nắm bắt được những điều có thể thấy nghe.
Phật diệt độ, những người ưa thích pháp Phật thuộc lòng kinh điển đến độ họ chấp chặt vào đó và sống đóng khung với cái mà họ ưa thích, rời xa sự hiểu biết của người đời. Đó không phải là thái độ học Phật của người Đại thừa. Bồ tát theo Phật là theo phước đức và trí tuệ của Ngài. Vì thế, có Phật hay không, Bồ tát vẫn hành đạo. Trên nền tảng ấy, Đại thừa Tăng ưa thích pháp Phật là pháp biến hóa; họ không trụ trong pháp cố định. Đối với Bồ tát, trong quá trình văn, tư, tu, thì quan trọng là tu. Bồ tát sống gần chúng sanh để dìu dắt người thăng hoa là vậy. Theo tinh thần này, pháp của Bồ tát ưa thích phát xuất từ hành động thích giáo dưỡng người; không phải pháp nằm im trong kinh điển. Bồ tát tùy người, tùy lúc, tùy nơi, thuyết pháp khác nhau; bằng mọi cách giúp người an vui, thanh tịnh. Vì vậy, Bồ tát ưa mến và hành sử pháp phương tiện; không phải định pháp.
Tinh thần Đại thừa được thể hiện rõ nét qua cách hành đạo của các vị Tổ sư. Ở mỗi nước, mỗi vị Tổ đều sử dụng các pháp khác nhau, làm lợi ích cho dân tộc, đất nước ấy. Không phải các ngài ưa thích pháp nào rồi mang pháp ấy áp đặt cho người. Riêng tôi, trên bước đường hoằng pháp, có những điều tôi muốn truyền bá, nhưng nhận thấy không thích hợp với sinh hoạt địa phương, hoặc không lợi ích cho người, tôi không nói. Thà không nói vẫn lợi hơn là nói cho họ phỉ báng Phật pháp.
Pháp của Bồ tát không cố định, mỗi lần Bồ tát độ thêm chúng sanh là có thêm pháp mới; đó là pháp độ đời. Và muốn độ đời, Bồ tát phải biết rõ những gì mà người đời đang ưa thích, kính trọng, để lấy đó làm phương tiện giáo hóa. Thí dụ có thời kỳ mà mọi người ưa thích văn chương, tin tưởng thần bí, thì các nhà sư đều tinh thông văn học, thể hiện điều kỳ bí. Nhưng tiến sang thời kỳ mà mọi người cho toán học là nhất, không tôn sùng văn chương lãng mạn nữa; chắc chắn nhà truyền giáo cũng không thể không chú tâm đến điều ấy. Và ở thế kỷ của chúng ta được mệnh danh là thế kỷ của tin học, một bộ môn chủ yếu đang thống lãnh mọi lãnh vực trên toàn cầu. Từ đó, có thể khẳng định rằng các tu sĩ trẻ ngày nay không thể không biết tin học. Vì theo tinh thần Đạithừa, Bồ đề tâm phải bắt kịp pháp; nghĩa là sự hiểu biết của chúng ta phải tương ưng với tri thức và việc làm của loài người ở thời hiện đại.
Hàng Nhị thừa thực hành chánh pháp, quán thấy các pháp như huyễn. Họ thường nhàm chán và dễ đi đến từ bỏ tất cả, rớt vô tình trạng mà Tổ quở là củi mục than nguội. Thiết nghĩ ngày nay chúng ta tu hành mà không biết gì về văn minh thời đại, thì lớp trẻ coi chúng ta ra sao. Những điều người đời không biết, ta còn phải biết; huống chi tầm tri thức của ta dưới họ, làm sao đủ tư cách làm Thầy họ.
Bồ tát cũng quán pháp như huyễn giống hàng Nhị thừa, nhưng không vì thế mà không quan tâm đến cuộc đời. Trái lại, Bồ tát coi pháp như huyễn để không bị pháp tác động và còn chuyển hóa được nó. Kinh thường diễn tả là Bồ tát tạo huyễn pháp để độ huyễn nhân. Nghĩa là Bồ tát tạo vô số điều kiện, tùy theo chúng sanh và quốc độ mà áp dụng pháp thích hợp. Xong việc thì xả bỏ, làm việc khác; Bồ tát không chấp chặt vào thành quả. Chúng sanh thì chấp chặt mọi việc có thật, nên say mê, khổ sở với nó. Phật vì họ mới nói Tứ Thánh đế, dẫn đến Niết bàn.
Như vậy, Đức Phật đưa ra nhận thức pháp huyễn hóa, không thật, để phá bỏ cái chấp thật có của họ; nhờ đó, họ không bậntâm thì không khổ. Nhưng hàng Nhị thừa lại hiểu lầm, chấp vào pháp Không. Phật mới chuyển hướng, nói kinh Đại thừa. Ngài đưa ra hình ảnh Bồ tát vận dụng pháp Không, dùng như huyễn giải thoát Tam muội, tùy người, tùy lúc, tùy nơi mà Bồ tát khai phương tiện độ sanh.
Pháp thứ sáu là quán chánh hạnh của Nhị thừa và Bồ tát khác nhau. Vì căn lành khác, nên pháp tu của họ phải khác. Hàng Nhị thừa tu tam pháp ấn là Không, vô tác, vô nguyện và quán chánh Pháp giới như mộng huyễn bào ảnh. Quán thuần thục thì họ sanh tâm nhàn chán yểm ly, được giải thoát. Họ không để tâmđến xã hội mà họ đang sống, kể cả khôngham muốn độ sanh, không ham muốn thành Phật.
Đối với Đại thừa Tăng, Phật dạy quán chánh Pháp giới, biết sự vật không thật; nhưng cũng ý thức rõ ta là một thành phần trong xã hội. Ta và xã hội gắn bó hỗ tương mật thiết, không thể tách rời. Xã hội tốt hay xấu, ta đều phải chịu ảnh hưởng theo. Đơn giản như sống chung một chùa có nhiều người xấu, ta cũng bị buồn phiền lây. Ý thức rằng ta và cuộc đời cộng tồn sinh hoạt, Đại thừa Tăng thực hiện việc chuyển đổi mộng huyễn bàoảnh đau khổ thành mộng huyễn bào ảnh an vui. Đức Phật Di Đà cũng vậy, Ngài xây dựng thế giới, nơi đó khổ đau đều trở thành Cực lạc.
Nếu ta nghĩ thế giới này không thật và bỏ mặc, thì nó càng đi xuống, tệ thêm. Nhưng ta ra công xây dựng, nó phải tốt đẹp hơn. Sở dĩ thế giới này không tốt, vì lòng tham lam, ích kỷ của con người. Thực tế chúng ta thấy rõ nhiều người phá hủy sự lợi ích cộng đồng, để xây dựng cái lợi cho cá nhân họ. Nhưng cái vốn quý giá của cộng đồng mất thì cái lợi của cá nhân cũng không thể nào tồn tại. Theo Đại thừa, chúng ta biết tất cả đều có thể thay đổi, không cố định. Vì thế, chúng ta nỗ lực giáo hóa người tham lam trở thành người tốt. Nhưng trước tiên phải điều chỉnh bản thân ta cho tốt, thể hiện việc làm của Bồ tát, của Phật, thì thế giới này sẽ là thế giới của Thánh hiền. Tốt xấu đều do ta xây dựng.
Pháp thứ bảy là quán pháp và thuận theo pháp. Nghĩa là Bồ tát đã đạt đến pháp tánh, an trụ chân lý; nhưng hành đạo độ sanh thì phải tùy duyên. Tùy thuận theo hoàn cảnh, từng nơi, từng lúc, từng người, mà Bồ tát sử dụng các phương tiện khác nhau. Đức Phật giáo hóa cũng thuận pháp. Thật vậy, Ngài khai phương tiện, nói pháp Tứ Thánh đế cho người đang khổ đau, bức bách. Ngài không thể nói thẳng với họ là thật tướng không có sanh tử khổ đau. Không áp dụng thuận pháp, tức đóng khuôn, không thể phát triển đạo mạch.
Pháp thứ tám là xa lìa mạn, mạn quá mạn. Mạn là ngã mạn. Đức Phật dạy Thanh văn quán pháp vô ngã, không có cái ta, cái của ta, mới dẹp được ngã mạn, đạt được giải thoát. Bồ tát không còn cao mạn, không quan tâm đến địa vị; nhưng hơn Thanh văn một nấc là Bồ tát dấn thân vào đời tùy theo yêu cầu của người, mà làm cho họ thăng hoa tri thức và đạo đức, chứ không bắt người làm theo mình và không có việc nào cố định. Thể hiện rõ nét tinh thần này là Bồ tát Quan Âm thể hiện ba mươi hai ứng hiện thân để đáp ứng mọi nhu cầu nhân gian. Thậm chí sống như một trẻ con để người phát tâm, ngài vẫn làm; không cứ phải thăng tòa thuyết pháp.
Mạn quá mạn là ngã mạn quá sức. Người tu Đại thừa phải luôn ý thức rằng đàn na tín thí là ân nhân. Tăng Ni phần nhiều ít công nhận ta thọ ơn họ, ít nhớ ta được họ nuôi dưỡng, trưởng thành; chỉ nghĩ ta hay hơn cả, là rớt vào đại ngã mạn, nhất định bị đọa. Người có kính trọng ta hay không là tùy họ; nhưng riêng ta không được thấy mình hơn người.
Tâm Bồ tát lúc nào cũng thanh thản, an trụ bình đẳng, coi mọi việc trên cuộc đời này chỉ là sự phân công. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa nói rõ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là vị cổ Phật, ngài làm Thầy ba đời các Đức Phật. Từ thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, ngài là Diệu Quang Bồ tát dạy cho người thành Phật sau cùng hiệu Nhiên Đăng và Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Đức Thích Ca. Nhưng Văn Thù hiện thân lại làm Bồ tát trợ hóa cho Đức Thích Ca. Nếu người còn đại ngã mạn sẽ nói: "Phật Thích Ca là đệ tử của đệ tử út của tôi là Nhiên Đăng!”.
Bồ tát làm mọi việc, miễn là Phật pháp được hưng thạnh; không câu nệ việc làm nào. Ngày nay, ở trong đại chúng, ta giỏi thật, nhưng hoàn cảnh ta chỉ làm hương đăng hoặc rửa nhà vệ sinh; ta cũng sẵn lòng vì Phật pháp. Nghĩ ta hơn người, phải làm việc lớn, là rớt vô đại ngã mạn.
Và hai pháp sau cùng là Bồ tát thường sống với tạng bí mật của Như Lai và không bao giờ trụ pháp Thanh văn.