Sách
Sống giữa chợ đời, đương nhiên cảnh xấu ác nhiều hơn điều tốt lành. Người tu Pháp Hoa tin tưởng rằng ở trong cảnh giới nhiều ác ít thiện ấy, họ vẫn tiến tu được là nhờ Bồ tát và Thánh Hiền trợ lực vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta phạm nhiều lỗi lầm, chắc chắn các ngài không gia bị thì khó mà đương đầu với phiền não và ma chướng.
Chúng ta sám hối cho tiêu nghiệp cũ và ngăn ngừa không cho tội mới sanh ra bằng cách phát nguyện. Vì vậy, sám hối và phát nguyện có sự liên hệ hỗ tương mật thiết. Thật vậy, tâm trí chúng ta diễn biến liên tục, không ngừng. Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta nên thay những dữ kiện xấu trong tâm bằng chất liệu tốt, mà kinh diễn tả là phá một phần vô minh thì phải chứng một phần Pháp thân.
Phần Pháp tu tạo được là do phát nguyện thọ trì, đọc tụng chơn kinh. Lấy hình ảnh phước đức và việc làm thánh thiện của Phật để trang nghiêm cho thân tâm và lời nói của chúng ta. Vì không dùng Phật ngữ thì ta sẽ nói những lời không tốt; không suy nghĩ theo Phật thì sẽ suy nghĩ theo thế gian; không làm như Phật thì phải hành động như người đời. Nếu chúng ta thành tựu được việc làm, lời nói và ý tưởng giống Phạt, sẽ tự động xóa được ngôn ngữ, hành động và ý tưởng xấu ác của chúng sanh trong thân tâm ta.
Như vậy, phần sám hối đi kèm với phát nguyện để đưa Phật và pháp vào thay thế cho thân tâm chúng sanh; còn chỉ đoạn ác mà không tu thiện thì không thể được.
Sau khi sám hối cho thân tâm trong sạch, chúng ta đối trước Phật mà phát nguyện; nghĩa là xin lãnh việc làm với Phật, Phật bảo làm gì, ta làm nấy. Khi Phật tại thế, chúng ta dễ dàng hỏi Ngài, nhưng Phật Niết bàn, chúng ta phải tìm Phật Pháp thân thường trú. Và chỉ có con người tâm linh của chúng ta mới tương ưng được với Ngài.
Sám hối thanh tịnh và bằng con người tâm linh, tức tánh linh, biết được Phật bổ xứ ta đi giáo hóa ở nơi nào, hoặc Ngài giao cho ta làm gì. Đến đúng chỗ Phật bổ xứ thì phong cảnh nơi ấy tự vui lên, chúng ta cảm thấy an lành và có sự gắn bó thân thương mật thiết với nơi ấy. Vì vậy, nếu công việc có khó khăn và cực khổ mấy, chúng ta cũng vượt qua được và thành công. Còn Phật không bổ xứ thì việc dễ mình cũng không làm được.
Làm việc của Phật giao phó mới là Phật sự. Phải làm theo Phật, đừng làm theo tâm ta; vì tâm ta còn đầy tham vọng, phiền não nhiễm ô. Làm theo tâm xấu ác ấy, nhất định phải khổ. Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy vua Diệu Trang Nghiêm ý thức sâu sắc tinh thần này, nên đã phát nguyện làm theo Phật, không dám tự ý làm. Với tư cách là con Phật, chúng ta không van xin; nhưng quán sát xem Phật và Bồ tát làm gì thì nguyện làm theo các Ngài.
Đức Phật Thích Ca cho biết thuở quá khứ xa xưa, Ngài cùng với Đức Di Đà và Đức Dược Sư hành Bồ tát đạo. Tuy cùng ở Ta bà nhìn thấy trần thế khổ đau, nhưng ba Đức Phật này lập những lời nguyện khác nhau.
Phật Di Đà có bốn mươi tám lời nguyện, Phật Dược Sư có mười hai lời nguyện và Phật Thích Ca nguyện mãi mãi ở Ta bà, nhưng phân thân trong mười phương giáo hóa. Cả ba vị đã thành tựu chí nguyện, nên đều thành Phật và kiến tạo ba thế giới khác nhau là Tịnh độ Tây phương Cực Lạc, Đông phương Tịnh Lưu Ly và Thường Tịch Quang Tịnh độ.
Như vậy, phát nguyện là vạch ra mục tiêu quan trọng mà khi chúng ta phát tâm Bồ đề đã vạch ra và quyết chí đạt cho được. Tuy nhiên, phần phát nguyện thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo tâm niệm và khả năng của từng người có khác nhau, không phải lập lời theo mô hình có sẵn. Trên tinh thần ấy, khi trì kinh Pháp Hoa ở ba giai đoạn khác nhau trên bước đường hành đạo, tôi có ba lời nguyện.
Trong giai đoạn một, thọ trì Pháp Hoa, tôi cảm nhận sâu sắc áo nghĩa của phẩm Hiện Bảo Tháp. Từ đó, bằng chân tình mà tôi phát lời nguyện đầu tiên:
"Đệ tử chúng con nghe từ Bảo tháp vang ra những tiếng ca ngợi Thế Tôn: Thiện tai, thiện tai, Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã sử dụng đại huệ bình đẳng, nói pháp Bồ tát Phật Sở Hộ niệm, Diệu Pháp Hoa kinh. Như thị, như thị, Thích Ca Mâu Ni, chỗ Ngài nói đó là pháp chân thật. Cho nên chúng con nương theo công đức của kinh Pháp Hoa, thọ trì đọc tụng. Cúi mong ba đời mười phương chư Phật, đại địa Bồ tát, Bát bộ Thiên long, thập La sát nữ cùng Thánh Hiền Tăng thùy từ gia hộ, khiến cho đệ tử phá được phiền não, hàng phục chúng ma, tu đạo Bồ tát, vào tri kiến Phật, độ khắp chúng sanh, đồng thành Phật đạo”.
Đối trước hoàn cảnh lúc ấy tràn đầy chông gai khó khăn, tôi hướng tâm cao độ về hội Linh Sơn, một cảnh giới an lành của Phật cùng Thánh chúng và Đức Phật Đa Bảo. Bằng niềm tin tuyệt đối và tâm yên tĩnh kỳ diệu, tôi nghe văng vẳng từ pháp hội âm thanh vi diệu của pháp đàm giữa Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo.
Tôi nhận ra các pháp trước chỉ là phương tiện. Đến khi Đức Đa Bảo xuất hiện mới hiển thị pháp chân thật. Tôi dốc lòng cầu pháp chân thật, mong chư Phật và Bồ tát hộ trì, giúp tôi thanh tịnh để hiểu được và thọ trì pháp này. Với độ cảm ấy, tôi phát nguyện theo lời chỉ dạy của Đức Đa Bảo Như Lai, cầu Bồ tát Tùng địa dũng xuất cùng làm pháp lữ đồng hành với tôi.
Từ phát nguyện này, một số người bắt đầu tìm đến khiến tôi có cảm nghĩ các Bồ tát Tùng địa dũng xuất đã nhận lời thỉnh cầu của tôi mà tác động cho người phát tâm theo tu. Ngoài ra, người hung dữ tiêu biểu cho thập La sát nữ cũng đến, nhưng họ đã đóng góp lòng thành, giúp cho Phật sự thành tựu.
Trải qua một thời gian hành đạo, nhờ sự mật tá uy linh của các ngài, tôi hoàn tất được một số Phật sự, tu tạo được một ít công đức, cho nên tự biết mình đã đi đúng con đường Phật dạy.
Lòng hoan hỷ với thành quả mà Phật và Bồ tát đã trợ giúp cho tôi, cùng với tâm trạng an lạc trong chốn Ta bà, tôi lại nuôi chí nguyện dấn thân trên lộ trình Bồ tát đạo qua lời nguyện kế tiếp:
"Nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp Hoa kinh. Thọ trì đọc tụng Pháp Hoa kinh. Quảng tuyên lưu bố Pháp Hoa kinh. Tu học nhân hạnh Pháp Hoa kinh”.
Muốn lưu giữ mạng mạch Phật pháp tồn tại mãi trên cuộc đời, chúng ta phải thọ trì đọc tụng Pháp Hoa kinh. Lâu ngày, kinh này thâm nhập vào tâm, rửa sạch lòng trần, giúp ta thanh tịnh giải thoát, hiểu biết đúng đắn, mới khả dĩ thay Phật giáo hóa chúng sanh.
Sau đó, quảng tuyên, lưu bố Pháp Hoa kinh, nghĩa là ở nơi nào, chúng ta cũng thể hiện mô hình Phật đạo trong cuộc sống thực, không phải nói suông. Chúng ta thay Phật truyền bá những điều cao quý. Và cuối cùng, tiếp tục tu học nhân hạnh Pháp Hoa kinh, cho đến ngày thành đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác.
Trong những năm gần đây, bước đường hành đạo của tôi có nhiều thay đổi. Đối tượng giáo hóa cũng đa dạng hơn. Một ngày, thân tâm thanh thản trong mùa an cư kiết hạ, an trụ trong thế giới tràn đầy bi nguyện của chư Phật, chư Bồ tát ở hội Pháp Hoa, tôi chợt bắt gặp lại ước nguyện muôn thuở của người tu Pháp Hoa:
"Trước Phật đài con xin phát nguyện, cõi Ta bà thị hiện độ sanh. Thọ trì đọc tụng chơn kinh, quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời”.
Có người thắc mắc câu nguyện trên không ứng với hoàn cảnh của chúng ta, vì "Thị hiện độ sanh” chỉ dành cho Phật, hay Bồ tát đã thành Vô thượng Chánh đẳng giác, vì thương nhân gian mà sanh lại. Chúng ta chưa có khả năng đó.
Theo tôi, lời nguyện này xây dựng trên tinh thần Viên giáo của kinh Pháp Hoa, nên tương ưng với chư Phật và cả với người mới phát tâm Bồ đề. Đức Phật cho biết chúng ta là Phật sẽ thành và kinh Hoa Nghiêm cũng dạy hễ phát Bồ đề tâm là Phật.
Trên tinh thần ấy, chúng ta đã đứng ở lập trường Phật mà phát nguyện sẽ không phạm tội hư vọng; nghĩa là với tâm hồn yên tĩnh, thoát trần, chúng ta phát nguyện tu dưới dạng chơn tâm. Vì phát từ bản tâm, tu ở bản thể, cho nên đạt được sự thanh tịnh và có đủ tư cách để phát lời thệ nguyện "Thị hiện độ sanh”. Trái lại, đứng ở lập trường chúng sanh đầy phiền não nhiễm ô mà phát nguyện như vậy, chắc chắn phạm tội đại vọng ngữ.
Khi thâm nhập đạo tràng vô tướng, chơn tâm lưu lộ, quỳ trước Phật đài bằng tấm lòng thành mà bạch với Phật thường trú Pháp thân. Thật ra, chúng ta đã cảm nhận sự an lành vô tận bên cạnh Đấng Từ phụ, nhưng nguyện vào thế giới Ta bà đầy phiền não. Điều này gợi nhắc chúng ta nhớ đến con người chơn tâm thanh tịnh của mình. Dùng chơn linh ấy để liên hệ với Phật Pháp thân và trở về Ta bà, tiếp cận chúng sanh bằng huyễn thân ngũ uẩn.
Hành giả Pháp Hoa nguyện ở Ta bà, vì Niết bàn hay Tịnh độ không phải là môi trường tốt cho việc hành Bồ tát đạo, nơi đó phiền não không sanh thì công đức cũng không có. Đối với chúng ta, mảnh đất tâm rất tốt cho cỏ dại phiền não phát triển sức sống. Vì vậy, chúng ta loại bỏ cỏ phiền não để gieo hạt giống Bồ đề, hay đổi tánh xấu thành tốt. Bấy giờ, chúng ta phát nguyện luôn ở Ta bà, nơi có nhiều quyến thuộc mà ta đã từng kết thân và chúng sanh đau khổ đang cần chúng ta giúp đỡ. Đó là duyên giáo hóa còn tồn tại trên cuộc đời đối với chúng ta. Khi nào không còn chúng sanh đau khổ, ta mới an trú Niết bàn.
Chúng ta vĩnh kiếp ở Ta bà, thay Phật độ sanh bằng cách thọ trì, đọc tụng chân kinh. Thọ trì hay tiếp nhận, giữ gìn chân kinh là tinh ba của lời Phật dạy và loại ra những gì không thích hợp.
Kinh Văn Thù dạy rằng trong bốn mươi chín năm, Như Lai chưa từng nói một lời. Ý này nhằm nhắc nhở người theo Phật không nên chấp chặt giới điều để trở thành bệnh chấp pháp, thì khó có tầm nhìn sáng suốt và giải thoát được.
Cơ thể tiếp thu thức ăn và chuyển đổi thành chất dinh dưỡng nuôi sống chúng ta. Những gì không cần là cặn bã loại ra ngoài. Học giáo lý cũng vậy, tinh lọc để giữ lấy nghĩa lý sâu xa nuôi sống giới thân huệ mạng ngày một thăng hoa. Những phần không thích hợp cho đời sống tâm linh cũng phải loại ra để tâm hồn trong sáng.
Có thể nói chúng ta chỉ tìm được chân kinh ngay trong Ta bà, hay tìm được Pháp thân hằng hữu trong chính sanh thân này mà thôi. Thật vậy, chúng ta lạy Phật, sám hối, tụng kinh, nghe pháp bằng thân ngũ uẩn. Và khi pháp đã thâm nhập được rồi, tâm chúng ta thanh tịnh. Như vậy, nương theo pháp phương tiện bên ngoài mà chứng được pháp chân thật. Đắc đạo từ trong tâm và từ tâm đó hiện trở lại thân, tức ở ngay Ta bà thọ trì chân kinh, tự tu hành, không tế độ người khác, nhưng người nhìn thấy ta, họ được giải thoát theo.
Phật dạy Bồ tát không độ chúng sanh nào mà họ vẫn được nương nhờ mới thật là giáo hóa. Còn có ý định giáo hóa là tham vọng, thì sẽ không giáo hóa được.
Theo tinh thần Pháp Hoa, trong chúng ta có hai phần: phần Ta bà nghiệp chướng không giáo hóa được ai và hễ khởi tâm động niệm muốn giáo hóa là thất bại ngay. Ngược lại, tâm thanh tịnh và hiện hảo tướng, cho nên người nhìn thấy thân tướng phạm hạnh của ta, thì họ phát tâm theo Phật tu hành. Chính hảo tướng đó giáo hóa, hay Phật giáo hóa, không phải ta làm được. Môi, lưỡi hiện hảo tướng, nên phát ra âm thanh vi diệu, khiến người nghe thanh thản, hết ưu phiền; đó là pháp giáo hóa.
Cuộc sống chúng ta an nhiên, bất động, không để ý đến người; nhưng ai gần gũi ta, họ cũng cảm thấy an vui, cảm nhận được giáo pháp. Đó là Thánh chúng giáo hóa, không phải ta dạy. Vì từ tâm ta tương ưng với Thánh chúng, tương ưng với pháp và Phật, nên hoàn toàn khách quan, không giáo hóa mà thực là giáo hóa. Nói chung, cuộc sống của chúng ta ví như hoa sen vươn lên từ bùn nhơ, tỏa hương thơm ngát cho đời. Sống ở thế giới đau khổ nhiễm ô, nhưng ta thể hiện mẫu người đạo đức và tri thức tiêu biểu cho Phật pháp còn tồn tại trên thế gian, tác động cho người thương Phật, mến đạo, sống lợi ích cho đời và được an vui giải thoát. Bấy giờ, chúng ta đang tiếp độ chúng sanh, không phải mang cơm gạo cho người mới là cứu độ.
Đạt được sự lợi lạc trong nếp sống đạo như vậy, chúng ta nhớ lại mục tiêu Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời nhằm cứu vớt muôn loài ra khỏi sanh tử, liền khởi niệm thương quý Đức Phật vô ngần, nên cũng quyết chí ở lại Ta bà với Đấng Từ phụ Thích Ca. Tuy chưa đạt quả vị Chánh đẳng giác, nhưng chúng ta vẫn nỗ lực giáo dưỡng người trong phạm vi khả năng mình, nguyện theo gương Ngài cứu giúp chúng sanh muôn đời, không ngừng nghỉ.
Các Ngài ở trong thế giới vô hình, chúng ta sống trên hiện tượng giới. Muốn giáo hóa chúng sanh, cần phải có thân ngũ uẩn. Vì vậy, chúng ta mời thỉnh các Ngài hợp tác, đầu tư trí tuệ vô lậu cho chúng ta. Tâm chúng ta thanh tịnh giải thoát, nhưng còn mang thân ngũ uẩn, nên xin Phật giao việc cho ta để ta có cơ hội phục vụ, trả ơn Phật.
Tâm ta đã gắn liền với Phật ở Tịnh độ, mà thân vẫn ở Ta bà, mới phát lên lời nguyện rằng: "Cõi Ta bà thị hiện độ sanh”. Lúc nào cũng phải nhớ để tâm ở Tịnh độ, vì tâm thanh thản, vô nhiễm mới giáo hóa được chúng sanh. Còn tâm chúng sanh đủ thứ ác xấu, mà tâm ta cũng "Ta bà”, hai tâm này gặp nhau thì chỉ sanh ra phiền não, không giáo hóa được ai.
Chúng ta vì Phật mà ở Ta bà đời đời hành Bồ tát đạo, nên hạ quyết tâm "Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời”. Dù có tan thân mất mạng cũng không thay đổi lời nguyện này.
Theo tinh thần Đại thừa, đắc đạo rồi, chúng ta giữ thân lại để thay Phật giáo hóa độ sanh. Nói cách khác, ta đóng vai Phật để gợi ý cho chúng sanh biết được Đức Phật còn đang hiện hữu ở thế giới vĩnh hằng. Tuy nhiên, muốn đóng vai Phật, ta phải cân nhắc làm sao y như Phật. Còn ta giống quỷ mà nhận là Phật, là ta đã phạm tội phá pháp, một tội nặng nhất, hơn cả tội ngũ nghịch thập ác.
Phật là đấng sáng suốt, giác ngộ. Đóng vai Phật, ta phải đủ sáng suốt để chỉ đạo cho mọi người tiến bước trên con đường giải thoát. Không làm được như vậy, ta có tội. Chúng ta đóng vai Tăng sĩ thì phải hòa hợp, thanh tịnh, không được tranh cãi, tranh chấp. Người đời mới có hơn thua, tranh giành quyền lợi. Người xuất gia hiện hữu không vì bất cứ quyền lợi nào, chỉ vì phục vụ Tam bảo, làm lợi ích cho người. Nếu trước Phật, chúng ta hứa đóng vai cư sĩ hộ đạo, tất nhiên phải lo cúng dường Tam bảo.
Tùy theo tư cách, vị trí của mỗi người mà có phát nguyện khác nhau, nhưng đều thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của chân kinh. Nhìn chúng ta, người cảm nghĩ như Phật đang còn là ta đã giữ được chân giá trị của đạo Phật ở thế gian.
Tu đúng pháp, sau mỗi thời kinh hay lễ sám, chúng ta phải thông minh ra, giỏi hơn. Trên bước đường tu, gặp việc khó, không giải quyết nổi, tôi liền tụng Bổn môn Pháp Hoa, việc tự sáng ra. Theo tôi, đó là Phật lực, Bồ tát lực gia bị cho ta nhận biết gút mắt của vấn đề và giải quyết nhẹ nhàng tốt đẹp.
"Thọ trì đọc tụng chân kinh”, tức Diệu Pháp chỉ có ở bản thể giới, khi bản tâm thanh tịnh và "Quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời” là Liên Hoa, hay việc làm tốt đẹp ở thế giới hiện tượng. Kết hợp hai phần là bản thể và hiện tượng mới có Diệu Pháp Liên Hoa.
Tóm lại, trên bước đường tu học, mỗi người trong chúng ta thọ trì đọc tụng pháp Phật, tự suy nghĩ, tìm lời nguyện thích hợp với khả năng, ý chí và việc làm của chính mình. Chúng ta luôn ấp ủ lời nguyện ấy trong tâm và nỗ lực thực hiện trong cuộc sống. Đến ngày nào hoàn thành trọn vẹn ước nguyện mới mong đền đáp công ơn vô bờ bến của Đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Sau cùng niệm ba lần Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát để cầu mười phương chư Phật trong hội Pháp Hoa luôn gia bị cho chúng ta. Cầu mười phương Bồ tát tham dự hội Pháp Hoa, nhắc lại lời nguyện của các ngài đã tuyên hứa trước Phật nhận giữ gìn pháp tồn tại mãi trên thế gian để lợi ích cho chúng hữu tình.