Sách
Các vị Bồ tát hiện thân trên cuộc đời, tâm thanh tịnh, nhưng mang thân tứ đại vẫn phải chịu sự chi phối của ngũ ấm thân. Tuy thân thọ khổ mà tâm không khổ, nên khi gặp Phật hay thể nghiệm pháp Phật, các vị này liền đắc quả A la hán; đó là hàng thượng căn.
Hàng trung căn thì đời trước đã xuất gia và đã chứng Hiền vị là Tư đà hàm và A na hàm của Nhị thừa, hay từ Thập Trụ đến Thập Hồi hướng của Đại thừa. Tuy trần sa hoặc còn, vô minh còn, nhưng kiến tư hoặc không có. Vì thế, tái sanh trên cuộc đời và khởi tu, được Phật hay minh sư khai ngộ, chỉ trải qua một thời gian ngắn, tâm họ trở nên thanh tịnh, thấy được lý nhân duyên giữa họ và chúng hữu tình nhiều đời. Mặc dù mới tu, có gặp khó khăn, nhưng nhờ tâm sáng suốt, nên họ hóa giải được trần lao nghiệp chướng trên cuộc đời, tiến nhanh trên đường đạo.
Hàng hạ căn, hay phàm Tăng đời trước đã tu, nhưng chưa đạt quả vị nào, hoặc thấy người khác tu được, cũng bắt chước tu, nhưng vì chưa có căn lành, cho nên tâm còn mờ tối. Do đó, kiến hoặc, tức nhận thức của họ về cuộc đời thường sai lầm và gặp nhiều chướng duyên, làm cho phiền não phát sanh. Người có nhiều suy tư, nhiều ý tưởng mà không thực hiện được, tự biết mình chưa đoạn kiến hoặc. Kiến hoặc đoạn thì biết rõ nhân duyên của mình làm đạo ở đâu, với ai, nên đạt kết quả tốt. Thí dụ, những người không có nhân duyên với Ni trưởng chùa này mà vào đây tu, chắc chắn phiền muộn; có nhân duyên thì ở đây thấy an lành vô cùng.
Trên bước đường tu, cần biết ai là người mình nương tựa được và pháp tu nào thích hợp. Thuở nhỏ, tôi xuất gia, đã sống ở nhiều chùa, theo nhiều Thầy, nhưng luôn cố tìm vị Đạo sư mình kính trọng và tin tưởng được, để có thể gởi gắm cuộc đời mình cho vị này và vị này cũng thương mình thực sự, muốn truyền sở đắc cho mình. Tôi tu học nhanh và tiến được là nhờ vậy. Khi còn là học Tăng ở Phật học đường Nam Việt, tôi cảm nhận rằng Hòa thượng Thiện Hoa rất thương tôi, ngài đã chọn tôi làm thị giả và sẵn sàng truyền tất cả hiểu biết cùng kinh nghiệm hành đạo của ngài; về phần tôi, tiếp nhận những điều tâm đắc của ngài với tất cả tấm lòng sung sướng. Có thể nói tôi kế thừa được sự nghiệp hoằng pháp của ngài, nghĩa là tìm được minh sư và làm theo Thầy dạy, đạt kết quả tốt như Thầy mong muốn. Nếu không nhận ra được nhân duyên Thầy trò, tìm chùa lớn để vào, tìm chỗ tốt để đến, nhưng không phải duyên của mình ở đó, chỉ gặp phiền phức mà thôi. Phá được kiến hoặc, nhận ra chỗ nên tới, Thầy nên nương tựa, pháp nên tu và được Thầy khai ngộ. Gặp lúc bế tắc con đường tâm linh mà không có Đạo sư khai thông thì khó khăn cho việc tiến tu vô cùng.
Đoạn kiến hoặc rồi, thì còn tư hoặc. Kiến hoặc là sai lầm của trí óc, tuy vậy mà dễ sửa. Tư hoặc phiền não là sai lầm của con tim thật khó sửa đổi. Điều này chúng ta thấy rõ trong cuộc sống hàng ngày, mà người đời cũng thường nói "Khi thương trái ấu cũng tròn”, tức tình cảm luôn bóp méo sự thật, không thể nào giải thích cho họ chấp nhận được. Con tim hay tình cảm của con người chính là nghiệp chướng của chúng ta nhiều đời tích tụ, kết thành. Vì vậy, đi tu mà có đủ kiến hoặc và tư hoặc thì khó tu vô cùng. Tu một thời gian, bị tình cảm chi phối, nhìn đời méo mó, bỏ tu dễ dàng. Không bị kiến hoặc tác động, nhìn đời sáng hơn, nên không bước vào cạm bẫy. Đối với người xuất gia, tất yếu phải thực tập ba mươi bảy Trợ đạo phẩm để phá trừ kiến hoặc và tư hoặc, để lên Hiền vị là Tư đà hàm và A na hàm, hay ít nhất cũng phải được quả Dự lưu Tu đà hoàn. Bước đến quả vị Tu đà hoàn là bắt đầu tham dự vào dòng thác trí tuệ của Phật; nói cách khác, chúng ta có đời sống tâm linh thăng hoa theo pháp Phật, nhờ sự đam mê tu hành. Thật vậy, quả Dự lưu làm chúng ta đam mê tất cả pháp của Phật, thôi thúc chúng ta thực tập, hành trì tinh ba Phật pháp với tất cả tấm lòng. Tu hành mà không có niềm say mê, chắc chắn không đạt được kết quả tốt đẹp. Và từ sự thích thú tu hành, chúng ta mới dấn thân, thậm chí quên cả nguy hiểm trước mắt; có như vậy, từng bước mới trưởng thành trên đường đạo.
Kiến hoặc và tư hoặc còn dầy đặc là phàm Tăng. Tuy nhiên, dù thuộc hàng thượng căn hay trung căn, hay Phật cũng vậy, khi mang thân tứ đại của con người đều bị ngũ uẩn ngăn che; nhưng nhờ cốt lõi bên trong của các Ngài là Phật, là Thánh, nên các Ngài phá trừ các lậu hoặc bên trong hoàn toàn dễ dàng. Còn nghiệp chướng nặng nề của phàm Tăng, việc phá trừ kiến hoặc và tư hoặc không đơn giản. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực thực tập và tu chứng được từng phẩm một. Không vượt qua chặng đường này, không thể vào quả Dự lưu, không thâm nhập dòng thác trí tuệ của Phật thì bị bế tắc tâm linh, sẽ trầm luân trong sanh tử luân hồi.
Người xuất gia quyết tâm ra khỏi sanh tử và thể nghiệm từng phần của ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Khởi đầu là Tứ Niệm xứ quán cho chúng ta cái nhìn về cuộc đời từ phàm phu u mê chuyển đổi thành cái nhìn sáng suốt thấy đúng như thật. Tiếp theo, Thành tựu năm căn lành và sử dụng được năm lực, muốn thăng tiến hơn nữa theo Thánh đạo, cần phải thực tập Thất Bồ đề phần hay Thất giác chi. Thất Bồ đề phần là bảy điều giác ngộ của hàng nhị thừa; tám điều giác ngộ trong kinh Bát Đại Nhân giác là giác ngộ của hành giả Đại thừa.
Trong bảy phần Bồ đề, hay bảy phần giác, trước tiên là Niệm giác chi. Vì trên bước đường tu, nhờ có căn lành là niệm tâm đặt trọn vẹn ở Phật, Phật lực mới gia bị được. Thiếu niệm hiện tiền này, Phật huệ không thể soi rọi. Kết hợp Huệ của căn lành rọi vô Niệm giác, mới thấy được pháp thích hợp để chọn. Vì thế, khởi đầu là Niệm có huệ soi sáng giúp chúng ta nhận ra từng phần tu mới có Trạch pháp, nghĩa là chọn được pháp ứng dụng thích hợp, đúng đắn cho cuộc sống mình.
Trong Ngũ căn cũng có Niệm và trong Thất bồ đề phần cũng có niệm; nhưng hai niệm này khác nhau. Với niệm của Ngũ căn, chúng ta chỉ có nhất tâm thôi, tức chỉ thấy biết chính xác diễn biến của hiện tại, không biết quá khứ và vị lai. Người thất niệm thì đang làm việc này mà nghĩ chuyện khác. Người có căn lành thì niệm được tập trung, gọi là giờ nào việc đó, không bị thất niệm. Niệm của Bồ đề cao hơn một bậc, là niệm có trí tuệ vô lậu phát xuất từ Thiền định rọi vào, nên biết rất sáng, rất chính xác và khi nào không cần suy nghĩ mà trả lời đúng, thì đó là đương niệm của Ngũ căn. Và nếu niệm này được huệ vô lậu soi sáng vào sẽ giải quyết chính xác hơn nữa. Người thất niệm là người tu mù vì không có định và trí tuệ vô lậu soi rọi.
Theo tinh thần Đại thừa, lấy trí tuệ của Ngũ căn làm mạng và nhờ Phật hộ niệm, nên trí tuệ của ta bừng sáng. Thiết nghĩ Phật cách chúng ta xa nên khó thấy, nhưng thân cận được vị Thầy là bậc chân tu đức hạnh thì tu dễ được kết quả tốt đẹp. Trí tuệ của Thầy soi rọi tâm ta, làm cho tâm ta sáng, biết được việc tốt, việc xấu, việc không nên làm, việc cần làm, mới thành tựu được những việc khó. Tu không có trí tuệ trong đương niệm, chỉ làm theo hình thức, khó có kết quả tốt. Riêng người lãnh đạo mà thiếu niệm Bồ đề, thì nguy hiểm vô cùng, vì quyết đoán sai lầm.
Niệm giác hay Bồ đề phần thứ nhất phải có để hành đạo được lợi lạc; từ đó chúng ta bắt đầu tu trong dòng Thánh, khác với tu hình thức bên ngoài. Nhờ Niệm giác soi rọi Phật pháp, chúng ta sáng lần, giống như vào trong kho chứa kinh, phải bật đèn, có ánh sáng mới đọc được nội dung kinh.
Sau đó, chúng ta bước qua giai đoạn hai của Bồ đề phần là Trạch pháp, nghĩa là lựa pháp cho ta và cho đại chúng. Lựa cho ta thì dễ. Thật vậy, hàng Nhị thừa ngồi yên tu, tâm tự sáng, chữa bệnh cho bản thân dễ dàng, chọn được pháp thích hợp cho mình một cách nhẹ nhàng. Thí dụ tự biết trong người mình tứ đại bất hòa, xem cái nào không hòa tự điều chỉnh được và cũng kiểm tra năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức để loại bỏ những gì không tốt. Nếu biết điều chỉnh thì chuyển đổi ngũ ấm ma trở thành ngũ phần Pháp thân, không biết thì pháp lữ cũng biến thành ma, vì cùng tu, cùng là đệ tử Phật mà lại chống phá nhau. Phật biết hàng phục ngoại đạo, còn chúng ta vì không biết mà huynh đệ tương tàn. Lựa pháp cho chính mình để điều chỉnh thân tâm tốt, mới lựa pháp cho đại chúng. Xem họ muốn gì, làm được gì, tùy theo đó mà chỉ dạy. Nói cách khác, phải tìm người có căn lành mới khai tri kiến Phật cho họ được, không phải ai cũng khai được. Không có căn lành, chỉ cho họ kết duyên với Phật cũng tốt.
Xưa kia, có nhà Sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Lúc đó, đất nước Trung Quốc thường xảy ra đánh giết. Nhà Sư thuyết giảng Phật pháp, họ không nghe, còn đánh đuổi. Kinh nghiệm của vị này cho chúng ta thấy đối với chúng sanh cang cường, làm sao nói pháp mà họ nghe. Vị Sư mới đến Phổ Đà sơn đảnh lễ Đức Quan Âm. Bồ tát dạy vị Sư này rằng tôn giả đến với người ngang ngược, phải tạo điều kiện cho họ trồng căn lành và muốn giáo hóa được ở nơi này, phải thực hiện hạnh lóng nghe để biết họ nghĩ gì, muốn gì, làm gì, túc nghiệp của họ lành hay dữ mà ứng dụng pháp tương ưng thích hợp; không thể dùng một pháp chung chung dạy cho mọi người. Ý này thường được diễn tả là tùy duyên giáo hóa, hay tùy bệnh mà cho thuốc thích hợp mới chữa lành bệnh, không phải chỉ giảng suông. Cũng trên tinh thần tùy duyên như thế mà Đức Quan Âm đã thị hiện nhiều dạng thân khác nhau mới cảm hóa được người Trung Hoa.
Có niệm Bồ đề được huệ vô lậu soi sáng và đã lựa chọn đúng pháp thích hợp cho chính mình và những người hữu duyên cùng thăng hoa trên lộ trình Phật đạo, chúng ta càng siêng năng hành trì pháp Phật hơn nữa. Thật vậy, tôi thường nghĩ thời gian dành cho mình ít quá, nhiều lắm là sống thọ bằng với tuổi thọ của Phật ngày xưa là 80 tuổi; nhưng một ngày trôi qua nhanh quá, mà việc phải làm còn nhiều, đường đến cứu cánh lại còn xa. Vì thế, Bồ đề phần thứ ba là Tinh tấn cũng rất quan trọng, cần siêng năng tu học, để giữ gìn những gì quý báu mà Thầy đã dạy, Phật đã trao, bạn đã giúp, để đạt được những quả vị nhất định trên con đường tiến tu đạo hạnh, thì mãn duyên ở cõi này, từ bỏ thân này mới có định hướng tốt đẹp, đi tiếp con đường thánh thiện.
Bồ đề phần thứ tư là Hoan hỷ cũng rất quan trọng đối với người tu. Sống trong nhà Phật, có được tâm Bồ đề, được tuệ giác soi sáng, được sống với pháp hành mình tâm đắc, được Thầy bạn dìu dắt, được Phật gia hộ, Bồ tát chở che, Hộ pháp giữ gìn; nói chung là người tu lúc nào cũng thấy "được”, không thấy "mất”, "cái được” trong Phật pháp hưởng cả đời không hết; cho nên lúc nào cũng vui. Khi nào "biết buồn” là đánh mất Bồ đề tâm, sắp bị đọa. Người có tâm hoan hỷ mới có thể tiến xa trên đường đạo và ai cũng muốn kết bạn, muốn chỉ dẫn, giúp đỡ họ.
Phổ Hiền Bồ tát cũng nguyện rằng:
Các thiện tri thức lợi ích tôi
Vì tôi chỉ bày hạnh Phổ Hiền
Nguyện cùng tôi thường chung hội họp
Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ.
Bồ đề phần thứ năm là Khinh an, tức tâm nhẹ nhàng, không cố chấp, không phiền muộn, thể hiện nét mặt vui tươi. Tâm nhẹ nhàng thanh thản rất cần. Đối với người tu, cởi bỏ mọi định kiến, cố chấp, việc gì cũng nên giải quyết nhẹ nhàng, đừng quan trọng hóa vấn đề. Tâm nặng nề, lo lắng, sợ sệt chẳng giải quyết tốt việc gì, mà còn tạo thêm bệnh trầm uất cho chính mình. Khi xin đất làm nhà truyền thống Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người lo lắng, làm sao xin được. Nhưng xin được rồi, lại lo không có tiền xây dựng. Vậy mà bây giờ cũng gần đủ rồi! Theo tôi, đừng đặt nặng vấn đề, tâm chúng ta nhẹ nhàng, việc cũng nhẹ theo.
Hai phần Bồ đề sau cùng là Định và Xả, dĩ nhiên cũng rất quan trọng. Định tâm để phá trừ tâm tán loạn; vì loạn tâm thì không thể làm đúng. Việc càng khó, càng cần bình tĩnh mới giải quyết được.
Xả là buông bỏ, không dính mắc. Đối với người tu, chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này là mượn cảnh huyễn để độ người trong mộng, nên cuối cùng, tất cả mọi việc cũng phải bỏ qua. Mấy mươi năm làm đạo cũng bỏ; chỉ duy nhất chúng ta làm được là khai tri kiến Phật cho chúng sanh, cho người có căn lành để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp soi sáng thế gian này. Các vị Hòa thượng đã ra đi, chúng ta cũng sẽ ra đi, không ai ở mãi trên cuộc đời này, nên không bận tâm. Xả bỏ thì tâm nhẹ nhàng được, cố chấp bất cứ thứ gì cũng không giải thoát.
Trên bước đường tu, chúng ta căn cứ lời Phật dạy, trong mùa An cư, suy nghĩ, cân nhắc, hành trì để chứng đắc từng phần. Thành tựu được Thất Bồ đề phần, mới chứng được Hiền vị. Và từ đó, thâm nhập vào dòng Thánh, sử dụng Thất Bồ đề phần rọi ngược lại thân tâm mới có Bát Chánh đạo, thành tựu được giới thân huệ mạng, trở thành vị Thánh A la hán là người sáng suốt, đức hạnh, không có sai lầm trên cuộc đời. Đến đây kết thúc quá trình tu của Thanh văn thừa, hoàn tất ba mươi bảy Trợ đạo phẩm mà Đức Phật đã vẽ ra cho chúng ta.
Theo tinh thần Đại thừa, phải đạt được Bát Chánh đạo, không còn lầm lỗi, mới hành Bồ tát đạo được. Chúng ta chưa được phần Bồ đề nào, không thể hành pháp Đại thừa; cho nên phải nương vào Phật lực, công đức lực làm được một số việc mà thôi, không phải tự mình làm được. Tôi nhận ra rằng mình làm được nhờ các vị Hòa thượng trưởng lão đã đặt nền tảng vững chắc. Gần nhất là nhờ các Hòa thượng dấn thân trong năm mươi năm chấn hưng Phật giáo miền Nam mà Phật tử mới có điều kiện hiểu đạo và chúng ta mới mở rộng việc hoằng pháp được. Nương theo công đức của Phật, của Thầy, Tổ, chúng ta thành tựu một số Phật sự nhất định, duy trì mạng mạch Phật pháp tồn tại trên thế gian làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
(Bài giảng tại các trường hạ thành phố Hồ Chí Minh 2006)
Hàng trung căn thì đời trước đã xuất gia và đã chứng Hiền vị là Tư đà hàm và A na hàm của Nhị thừa, hay từ Thập Trụ đến Thập Hồi hướng của Đại thừa. Tuy trần sa hoặc còn, vô minh còn, nhưng kiến tư hoặc không có. Vì thế, tái sanh trên cuộc đời và khởi tu, được Phật hay minh sư khai ngộ, chỉ trải qua một thời gian ngắn, tâm họ trở nên thanh tịnh, thấy được lý nhân duyên giữa họ và chúng hữu tình nhiều đời. Mặc dù mới tu, có gặp khó khăn, nhưng nhờ tâm sáng suốt, nên họ hóa giải được trần lao nghiệp chướng trên cuộc đời, tiến nhanh trên đường đạo.
Hàng hạ căn, hay phàm Tăng đời trước đã tu, nhưng chưa đạt quả vị nào, hoặc thấy người khác tu được, cũng bắt chước tu, nhưng vì chưa có căn lành, cho nên tâm còn mờ tối. Do đó, kiến hoặc, tức nhận thức của họ về cuộc đời thường sai lầm và gặp nhiều chướng duyên, làm cho phiền não phát sanh. Người có nhiều suy tư, nhiều ý tưởng mà không thực hiện được, tự biết mình chưa đoạn kiến hoặc. Kiến hoặc đoạn thì biết rõ nhân duyên của mình làm đạo ở đâu, với ai, nên đạt kết quả tốt. Thí dụ, những người không có nhân duyên với Ni trưởng chùa này mà vào đây tu, chắc chắn phiền muộn; có nhân duyên thì ở đây thấy an lành vô cùng.
Trên bước đường tu, cần biết ai là người mình nương tựa được và pháp tu nào thích hợp. Thuở nhỏ, tôi xuất gia, đã sống ở nhiều chùa, theo nhiều Thầy, nhưng luôn cố tìm vị Đạo sư mình kính trọng và tin tưởng được, để có thể gởi gắm cuộc đời mình cho vị này và vị này cũng thương mình thực sự, muốn truyền sở đắc cho mình. Tôi tu học nhanh và tiến được là nhờ vậy. Khi còn là học Tăng ở Phật học đường Nam Việt, tôi cảm nhận rằng Hòa thượng Thiện Hoa rất thương tôi, ngài đã chọn tôi làm thị giả và sẵn sàng truyền tất cả hiểu biết cùng kinh nghiệm hành đạo của ngài; về phần tôi, tiếp nhận những điều tâm đắc của ngài với tất cả tấm lòng sung sướng. Có thể nói tôi kế thừa được sự nghiệp hoằng pháp của ngài, nghĩa là tìm được minh sư và làm theo Thầy dạy, đạt kết quả tốt như Thầy mong muốn. Nếu không nhận ra được nhân duyên Thầy trò, tìm chùa lớn để vào, tìm chỗ tốt để đến, nhưng không phải duyên của mình ở đó, chỉ gặp phiền phức mà thôi. Phá được kiến hoặc, nhận ra chỗ nên tới, Thầy nên nương tựa, pháp nên tu và được Thầy khai ngộ. Gặp lúc bế tắc con đường tâm linh mà không có Đạo sư khai thông thì khó khăn cho việc tiến tu vô cùng.
Đoạn kiến hoặc rồi, thì còn tư hoặc. Kiến hoặc là sai lầm của trí óc, tuy vậy mà dễ sửa. Tư hoặc phiền não là sai lầm của con tim thật khó sửa đổi. Điều này chúng ta thấy rõ trong cuộc sống hàng ngày, mà người đời cũng thường nói "Khi thương trái ấu cũng tròn”, tức tình cảm luôn bóp méo sự thật, không thể nào giải thích cho họ chấp nhận được. Con tim hay tình cảm của con người chính là nghiệp chướng của chúng ta nhiều đời tích tụ, kết thành. Vì vậy, đi tu mà có đủ kiến hoặc và tư hoặc thì khó tu vô cùng. Tu một thời gian, bị tình cảm chi phối, nhìn đời méo mó, bỏ tu dễ dàng. Không bị kiến hoặc tác động, nhìn đời sáng hơn, nên không bước vào cạm bẫy. Đối với người xuất gia, tất yếu phải thực tập ba mươi bảy Trợ đạo phẩm để phá trừ kiến hoặc và tư hoặc, để lên Hiền vị là Tư đà hàm và A na hàm, hay ít nhất cũng phải được quả Dự lưu Tu đà hoàn. Bước đến quả vị Tu đà hoàn là bắt đầu tham dự vào dòng thác trí tuệ của Phật; nói cách khác, chúng ta có đời sống tâm linh thăng hoa theo pháp Phật, nhờ sự đam mê tu hành. Thật vậy, quả Dự lưu làm chúng ta đam mê tất cả pháp của Phật, thôi thúc chúng ta thực tập, hành trì tinh ba Phật pháp với tất cả tấm lòng. Tu hành mà không có niềm say mê, chắc chắn không đạt được kết quả tốt đẹp. Và từ sự thích thú tu hành, chúng ta mới dấn thân, thậm chí quên cả nguy hiểm trước mắt; có như vậy, từng bước mới trưởng thành trên đường đạo.
Kiến hoặc và tư hoặc còn dầy đặc là phàm Tăng. Tuy nhiên, dù thuộc hàng thượng căn hay trung căn, hay Phật cũng vậy, khi mang thân tứ đại của con người đều bị ngũ uẩn ngăn che; nhưng nhờ cốt lõi bên trong của các Ngài là Phật, là Thánh, nên các Ngài phá trừ các lậu hoặc bên trong hoàn toàn dễ dàng. Còn nghiệp chướng nặng nề của phàm Tăng, việc phá trừ kiến hoặc và tư hoặc không đơn giản. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực thực tập và tu chứng được từng phẩm một. Không vượt qua chặng đường này, không thể vào quả Dự lưu, không thâm nhập dòng thác trí tuệ của Phật thì bị bế tắc tâm linh, sẽ trầm luân trong sanh tử luân hồi.
Người xuất gia quyết tâm ra khỏi sanh tử và thể nghiệm từng phần của ba mươi bảy Trợ đạo phẩm. Khởi đầu là Tứ Niệm xứ quán cho chúng ta cái nhìn về cuộc đời từ phàm phu u mê chuyển đổi thành cái nhìn sáng suốt thấy đúng như thật. Tiếp theo, Thành tựu năm căn lành và sử dụng được năm lực, muốn thăng tiến hơn nữa theo Thánh đạo, cần phải thực tập Thất Bồ đề phần hay Thất giác chi. Thất Bồ đề phần là bảy điều giác ngộ của hàng nhị thừa; tám điều giác ngộ trong kinh Bát Đại Nhân giác là giác ngộ của hành giả Đại thừa.
Trong bảy phần Bồ đề, hay bảy phần giác, trước tiên là Niệm giác chi. Vì trên bước đường tu, nhờ có căn lành là niệm tâm đặt trọn vẹn ở Phật, Phật lực mới gia bị được. Thiếu niệm hiện tiền này, Phật huệ không thể soi rọi. Kết hợp Huệ của căn lành rọi vô Niệm giác, mới thấy được pháp thích hợp để chọn. Vì thế, khởi đầu là Niệm có huệ soi sáng giúp chúng ta nhận ra từng phần tu mới có Trạch pháp, nghĩa là chọn được pháp ứng dụng thích hợp, đúng đắn cho cuộc sống mình.
Trong Ngũ căn cũng có Niệm và trong Thất bồ đề phần cũng có niệm; nhưng hai niệm này khác nhau. Với niệm của Ngũ căn, chúng ta chỉ có nhất tâm thôi, tức chỉ thấy biết chính xác diễn biến của hiện tại, không biết quá khứ và vị lai. Người thất niệm thì đang làm việc này mà nghĩ chuyện khác. Người có căn lành thì niệm được tập trung, gọi là giờ nào việc đó, không bị thất niệm. Niệm của Bồ đề cao hơn một bậc, là niệm có trí tuệ vô lậu phát xuất từ Thiền định rọi vào, nên biết rất sáng, rất chính xác và khi nào không cần suy nghĩ mà trả lời đúng, thì đó là đương niệm của Ngũ căn. Và nếu niệm này được huệ vô lậu soi sáng vào sẽ giải quyết chính xác hơn nữa. Người thất niệm là người tu mù vì không có định và trí tuệ vô lậu soi rọi.
Theo tinh thần Đại thừa, lấy trí tuệ của Ngũ căn làm mạng và nhờ Phật hộ niệm, nên trí tuệ của ta bừng sáng. Thiết nghĩ Phật cách chúng ta xa nên khó thấy, nhưng thân cận được vị Thầy là bậc chân tu đức hạnh thì tu dễ được kết quả tốt đẹp. Trí tuệ của Thầy soi rọi tâm ta, làm cho tâm ta sáng, biết được việc tốt, việc xấu, việc không nên làm, việc cần làm, mới thành tựu được những việc khó. Tu không có trí tuệ trong đương niệm, chỉ làm theo hình thức, khó có kết quả tốt. Riêng người lãnh đạo mà thiếu niệm Bồ đề, thì nguy hiểm vô cùng, vì quyết đoán sai lầm.
Niệm giác hay Bồ đề phần thứ nhất phải có để hành đạo được lợi lạc; từ đó chúng ta bắt đầu tu trong dòng Thánh, khác với tu hình thức bên ngoài. Nhờ Niệm giác soi rọi Phật pháp, chúng ta sáng lần, giống như vào trong kho chứa kinh, phải bật đèn, có ánh sáng mới đọc được nội dung kinh.
Sau đó, chúng ta bước qua giai đoạn hai của Bồ đề phần là Trạch pháp, nghĩa là lựa pháp cho ta và cho đại chúng. Lựa cho ta thì dễ. Thật vậy, hàng Nhị thừa ngồi yên tu, tâm tự sáng, chữa bệnh cho bản thân dễ dàng, chọn được pháp thích hợp cho mình một cách nhẹ nhàng. Thí dụ tự biết trong người mình tứ đại bất hòa, xem cái nào không hòa tự điều chỉnh được và cũng kiểm tra năm uẩn, sắc thọ tưởng hành thức để loại bỏ những gì không tốt. Nếu biết điều chỉnh thì chuyển đổi ngũ ấm ma trở thành ngũ phần Pháp thân, không biết thì pháp lữ cũng biến thành ma, vì cùng tu, cùng là đệ tử Phật mà lại chống phá nhau. Phật biết hàng phục ngoại đạo, còn chúng ta vì không biết mà huynh đệ tương tàn. Lựa pháp cho chính mình để điều chỉnh thân tâm tốt, mới lựa pháp cho đại chúng. Xem họ muốn gì, làm được gì, tùy theo đó mà chỉ dạy. Nói cách khác, phải tìm người có căn lành mới khai tri kiến Phật cho họ được, không phải ai cũng khai được. Không có căn lành, chỉ cho họ kết duyên với Phật cũng tốt.
Xưa kia, có nhà Sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Lúc đó, đất nước Trung Quốc thường xảy ra đánh giết. Nhà Sư thuyết giảng Phật pháp, họ không nghe, còn đánh đuổi. Kinh nghiệm của vị này cho chúng ta thấy đối với chúng sanh cang cường, làm sao nói pháp mà họ nghe. Vị Sư mới đến Phổ Đà sơn đảnh lễ Đức Quan Âm. Bồ tát dạy vị Sư này rằng tôn giả đến với người ngang ngược, phải tạo điều kiện cho họ trồng căn lành và muốn giáo hóa được ở nơi này, phải thực hiện hạnh lóng nghe để biết họ nghĩ gì, muốn gì, làm gì, túc nghiệp của họ lành hay dữ mà ứng dụng pháp tương ưng thích hợp; không thể dùng một pháp chung chung dạy cho mọi người. Ý này thường được diễn tả là tùy duyên giáo hóa, hay tùy bệnh mà cho thuốc thích hợp mới chữa lành bệnh, không phải chỉ giảng suông. Cũng trên tinh thần tùy duyên như thế mà Đức Quan Âm đã thị hiện nhiều dạng thân khác nhau mới cảm hóa được người Trung Hoa.
Có niệm Bồ đề được huệ vô lậu soi sáng và đã lựa chọn đúng pháp thích hợp cho chính mình và những người hữu duyên cùng thăng hoa trên lộ trình Phật đạo, chúng ta càng siêng năng hành trì pháp Phật hơn nữa. Thật vậy, tôi thường nghĩ thời gian dành cho mình ít quá, nhiều lắm là sống thọ bằng với tuổi thọ của Phật ngày xưa là 80 tuổi; nhưng một ngày trôi qua nhanh quá, mà việc phải làm còn nhiều, đường đến cứu cánh lại còn xa. Vì thế, Bồ đề phần thứ ba là Tinh tấn cũng rất quan trọng, cần siêng năng tu học, để giữ gìn những gì quý báu mà Thầy đã dạy, Phật đã trao, bạn đã giúp, để đạt được những quả vị nhất định trên con đường tiến tu đạo hạnh, thì mãn duyên ở cõi này, từ bỏ thân này mới có định hướng tốt đẹp, đi tiếp con đường thánh thiện.
Bồ đề phần thứ tư là Hoan hỷ cũng rất quan trọng đối với người tu. Sống trong nhà Phật, có được tâm Bồ đề, được tuệ giác soi sáng, được sống với pháp hành mình tâm đắc, được Thầy bạn dìu dắt, được Phật gia hộ, Bồ tát chở che, Hộ pháp giữ gìn; nói chung là người tu lúc nào cũng thấy "được”, không thấy "mất”, "cái được” trong Phật pháp hưởng cả đời không hết; cho nên lúc nào cũng vui. Khi nào "biết buồn” là đánh mất Bồ đề tâm, sắp bị đọa. Người có tâm hoan hỷ mới có thể tiến xa trên đường đạo và ai cũng muốn kết bạn, muốn chỉ dẫn, giúp đỡ họ.
Phổ Hiền Bồ tát cũng nguyện rằng:
Các thiện tri thức lợi ích tôi
Vì tôi chỉ bày hạnh Phổ Hiền
Nguyện cùng tôi thường chung hội họp
Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ.
Bồ đề phần thứ năm là Khinh an, tức tâm nhẹ nhàng, không cố chấp, không phiền muộn, thể hiện nét mặt vui tươi. Tâm nhẹ nhàng thanh thản rất cần. Đối với người tu, cởi bỏ mọi định kiến, cố chấp, việc gì cũng nên giải quyết nhẹ nhàng, đừng quan trọng hóa vấn đề. Tâm nặng nề, lo lắng, sợ sệt chẳng giải quyết tốt việc gì, mà còn tạo thêm bệnh trầm uất cho chính mình. Khi xin đất làm nhà truyền thống Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người lo lắng, làm sao xin được. Nhưng xin được rồi, lại lo không có tiền xây dựng. Vậy mà bây giờ cũng gần đủ rồi! Theo tôi, đừng đặt nặng vấn đề, tâm chúng ta nhẹ nhàng, việc cũng nhẹ theo.
Hai phần Bồ đề sau cùng là Định và Xả, dĩ nhiên cũng rất quan trọng. Định tâm để phá trừ tâm tán loạn; vì loạn tâm thì không thể làm đúng. Việc càng khó, càng cần bình tĩnh mới giải quyết được.
Xả là buông bỏ, không dính mắc. Đối với người tu, chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này là mượn cảnh huyễn để độ người trong mộng, nên cuối cùng, tất cả mọi việc cũng phải bỏ qua. Mấy mươi năm làm đạo cũng bỏ; chỉ duy nhất chúng ta làm được là khai tri kiến Phật cho chúng sanh, cho người có căn lành để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp soi sáng thế gian này. Các vị Hòa thượng đã ra đi, chúng ta cũng sẽ ra đi, không ai ở mãi trên cuộc đời này, nên không bận tâm. Xả bỏ thì tâm nhẹ nhàng được, cố chấp bất cứ thứ gì cũng không giải thoát.
Trên bước đường tu, chúng ta căn cứ lời Phật dạy, trong mùa An cư, suy nghĩ, cân nhắc, hành trì để chứng đắc từng phần. Thành tựu được Thất Bồ đề phần, mới chứng được Hiền vị. Và từ đó, thâm nhập vào dòng Thánh, sử dụng Thất Bồ đề phần rọi ngược lại thân tâm mới có Bát Chánh đạo, thành tựu được giới thân huệ mạng, trở thành vị Thánh A la hán là người sáng suốt, đức hạnh, không có sai lầm trên cuộc đời. Đến đây kết thúc quá trình tu của Thanh văn thừa, hoàn tất ba mươi bảy Trợ đạo phẩm mà Đức Phật đã vẽ ra cho chúng ta.
Theo tinh thần Đại thừa, phải đạt được Bát Chánh đạo, không còn lầm lỗi, mới hành Bồ tát đạo được. Chúng ta chưa được phần Bồ đề nào, không thể hành pháp Đại thừa; cho nên phải nương vào Phật lực, công đức lực làm được một số việc mà thôi, không phải tự mình làm được. Tôi nhận ra rằng mình làm được nhờ các vị Hòa thượng trưởng lão đã đặt nền tảng vững chắc. Gần nhất là nhờ các Hòa thượng dấn thân trong năm mươi năm chấn hưng Phật giáo miền Nam mà Phật tử mới có điều kiện hiểu đạo và chúng ta mới mở rộng việc hoằng pháp được. Nương theo công đức của Phật, của Thầy, Tổ, chúng ta thành tựu một số Phật sự nhất định, duy trì mạng mạch Phật pháp tồn tại trên thế gian làm lợi lạc cho chúng hữu tình.
(Bài giảng tại các trường hạ thành phố Hồ Chí Minh 2006)