Sách
Tôi chịu trách nhiệm hoằng pháp từ khi Giáo hội chúng ta thành lập cho đến nay, trải qua hai mươi ba năm. Và chúng ta đang sinh hoạt ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI có nhiều thay đổi lớn trong nước cũng như trên toàn thế giới. Tất nhiên ngành hoằng pháp cũng phải thay đổi nhịp nhàng theo thời đại và hoàn cảnh, mới tồn tại và phát triển được. Đất nước chúng ta đã có sự thay đổi lớn, từ nền kinh tế tập trung được chuyển đổi thành kinh tế nhiều thành phần. Nước Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, thì phải sinh hoạt thích hợp với họ, gọi là đa dạng. Hoạt động Phật pháp của chúng ta cũng vậy. Để thích nghi với từng chỗ, từng lúc, từng hoàn cảnh xã hội, sinh hoạt Phật giáo cũng phải đa dạng. Tôi có dịp đi công tác nước ngoài, gặp nhiều nhà Sư Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Sri Lanka, Thái Lan, Hàn Quốc, v.v… Tôi nhận thấy mỗi vị truyền đạo theo phương cách riêng, không giống nhau. Lúc mới tôi cảm thấy lạ với sự khác biệt này. Tuy nhiên, quan sát kỹ và mang tinh thần Đại thừa, thì nhận ra rằng Phật giáo tồn tại được lâu dài chính là nhờ có nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau.
Trước nhất, tôi thấy các tu sĩ Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản phát triển ở Âu Mỹ. Các tu sĩ này, nhất là tu sĩ của Chân tông không cạo tóc mà vẫn là tu sĩ có giáo phẩm. Mới thì thấy khó chịu, nhưng tiếp xúc, trao đổi với họ và có sự cởi mở trong lòng, thấy họ cũng làm được một số việc mà chúng ta không làm được. Thật vậy, họ không sống cách biệt, mà gần gũi với quần chúng hơn chúng ta. Mặc y pháp Phật, thì họ là nhà truyền giáo; nhưng khi không khoác y pháp Phật, họ làm những việc khác nhau như kỹ sư, doanh nhân, giáo sư, v.v… Mỗi người làm một việc, nhưng đều thích hợp với xã hội mà họ đang sống. Họ đem Phật pháp vào từng ngành nghề trong xã hội. Đó là hình thức Phật giáo đi vào cuộc đời rất thiết thực. Rõ ràng họ có những đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Nhật Bản. Dĩ nhiên họ không theo hướng tín ngưỡng như Việt Nam, mà là con đường Phật giáo hòa nhập vào lòng xã hội. Và khi tôi tiếp xúc với một số nhà truyền giáo của Nhật Liên tông, Nhật Liên Chánh tông, hay Diệu Pháp tự, lại thấy có những sinh hoạt khác nữa. Điều này cho thấy Phật giáo Nhật Bản đa dạng, sinh hoạt dưới nhiều hình thức. Ý này thường được diễn tả là tám mươi bốn ngàn pháp môn tu khác nhau để thích ứng với hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang sống; nhưng đều đồng nhứt trong một quan điểm của Phật giáo. Đó là điểm quan trọng mà tôi nhận thấy được.
Ngoài ra, tôi may mắn được tiếp xúc với vị Lạt ma khác, lại thấy cách truyền giáo khác nữa. Lạt ma giáo giữ hình thức tu sĩ, nhưng phát triển mạnh về tâm linh và cuộc sống tu hành của họ đã tạo được ảnh hưởng lớn vào xã hội Âu Mỹ. Ở các nước Âu Mỹ, nói đến Phật giáo là người ta nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị Lạt ma khác.
Phật giáo Việt Nam cũng có một vị rất đặc biệt là Hòa thượng Nhất Hạnh. Tôi có đến Làng Mai gặp Hòa thượng. Khác với chúng ta, ngài không xây chùa, không thuyết pháp trong chùa; nhưng thuyết pháp ở các hội trường được thuê, thuyết pháp trong công viên, trong khu rừng. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt Phật giáo thu hút được nhiều người. Hòa thượng giới thiệu với tôi những người đến tham dự khóa tu, ngoài người Việt Nam, còn có Úc, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, v.v… Hòa thượng tạo lập một Tăng thân rất nhiều quốc tịch, đệ tử của Hòa thượng thuộc hơn ba mươi quốc tịch khác nhau.
Quan sát các hoạt động Phật giáo trên thế giới cho chúng ta suy nghĩ về tinh thần đa phương, đa dạng. Cần có nhiều hình thức để Phật pháp tồn tại và phát triển; không nên cố chấp một hình thức cố định nào. Theo tôi, các vị Giảng sư tương lai nên suy nghĩ những hình thức nào thích hợp để hoạt động hoằng pháp ở đất nước chúng ta có hiệu quả. Tìm ra yêu cầu của xã hội và đáp ứng được, thì mọi người mới chấp nhận và theo Phật giáo. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật ví pháp như một trận mưa, các loại cây cỏ tùy theo sức hút của nó mà thấm nhuần nước mưa khác nhau. Đối với pháp Phật cũng thế, tùy loại hình xã hội mà tiếp nhận giáo pháp để tăng trưởng tri thức và đạo đức. Phía sau tôi có hai câu đối mà Thượng tọa Bảo Nghiêm đặt lên. Hai câu này rất xưa, nhưng ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi thiết nghĩ miền Bắc có nhiều chùa cổ và xưa kia có nhiều vị danh Tăng. Nếu quý Thầy chịu cực đọc các câu liễn xưa để có thêm hiểu biết rất bổ ích. Câu đối sau đây rất có ý nghĩa, nói lên ý chí quyết định, tiêu biểu cho khóa học của ngành hoằng pháp chúng ta.
Pháp lực oai thần, Thiền định phóng quang, ma khấu thủ
Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu.
Câu thứ nhất chỉ cho Phật ở hội Hoa Nghiêm tại Bồ đề đạo tràng. Trong khi Ngài nhập định hai mươi mốt ngày, thì bên ngoài xã hội có nhiều sự biến động, gọi là ma. Chủ yếu là thiên ma và ngũ ấm ma, hay nội ma. Thiên ma là hoàn cảnh tự nhiên bên ngoài và hoàn cảnh xã hội. Những ham muốn, buồn phiền, lo toan của chúng ta là nội ma. Hai ma này tác động lẫn nhau. Đương nhiên chúng ta tu hành bị các ma này thử thách. Đức Phật khai sáng đạo, Ngài có nhiều kinh nghiệm quý báu để lại cho chúng ta, nhưng quan trọng nhất là Thiền định. Thiết nghĩ khi bị hoàn cảnh khó khăn chi phối, chúng ta chỉ có cách nghĩ đến hai chữ Thiền định; nghĩa là tập trung tư tưởng, tâm hồn lắng yên để thấy được mọi sự biến chuyển của xã hội và có giải đáp đúng đắn cho vấn đề. Kinh nghiệm riêng tôi, sinh trưởng trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, chung quanh tôi xảy ra không biết bao nhiêu việc nguy hiểm. Tôi tập trung tư tưởng để tránh được những cạm bẫy của cuộc đời, đó là ma.
Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan thứ phi lên nhiếp chánh. Lúc đó, xã hội bất an, vì những người xung quanh vua, nhất là người dòng họ Lý đều nghĩ phải giao quyền nhiếp chánh cho người này, người nọ mới được, phải giao cho họ mới đúng. Nhưng vua lại giao cho Ỷ Lan, đủ biết bà phải đương đầu với việc khó vô cùng. Thế mà nhà vua chỉ nhắc bà một câu "Nhứt tâm Thiền định”. Và bà đã thực hiện được yếu nghĩa của câu nói này, thay vua lo được mọi việc chính sự một cách yên ổn.
Cốt lõi của Phật giáo là Thiền, nghĩa là tâm yên tĩnh nhất để thấy biết mọi việc chính xác. Không phải Thiền chỉ là ngồi. Ngồi, hay đi, đứng, nằm đều được. Việc quan trọng nhất của Thiền là phải sáng suốt để phóng quang, gọi là định huệ; nói theo ngày nay là bình tĩnh và sáng suốt. Việc càng khó càng cần phải bình tĩnh hơn và sáng suốt hơn để có cách giải quyết tốt nhất. Hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đến mấy, nhưng tập trung tư tưởng, sáng suốt, biết cách giải quyết hợp tình hợp lý khiến cho ma cũng phải cúi đầu chấp nhận (khấu thủ), hay làm cho mọi người phải đồng ý. Theo tôi, hiểu đạo lý thì làm như vậy. Có bình tĩnh và sáng suốt mới thấy được những biến động của xã hội, thấy được mối liên hệ giữa ta và người. Và tùy theo đó, chúng ta giải quyết thỏa đáng mọi mặt. Tôi gợi ý này để quý vị suy nghĩ trên bước đường hoằng pháp.
Đến nơi nào giảng kinh mà các Giảng sư mang kinh theo, đọc và giải thích; theo tôi, các Giảng sư ngày nay không nên làm như vậy. Các Hòa thượng lớn thì làm được. Thuyết pháp nơi nào, các Thầy phải hiểu biết về nơi đó. Thí dụ Giáo hội cử tôi sang Pháp thuyết pháp. Tôi tập trung tư tưởng để suy nghĩ về văn hóa của nước Pháp, về các hoạt động Phật giáo ở Pháp. Tôi tìm hiểu xem ở Pháp có bao nhiêu chùa của Việt Nam và bao nhiêu chùa của dân tộc khác. Và còn phải biết thêm trong những chùa Việt Nam ở Pháp, thì bao nhiêu chùa chống đối, bao nhiêu chùa hợp tác với mình và chùa nào đứng ngoài lề. Hoằng pháp mà cứ giảng kinh thôi, không biết những vấn đề này thì thất bại.
Biết những chùa Việt Nam nào ở Pháp chống chúng ta, còn biết rõ họ chống ở mức độ nào và chống cái gì. Những người Việt đến định cư ở Pháp theo diện HO, họ làm việc ở chế độ cũ và di tản ra nước ngoài. Trong lòng họ có những buồn phiền, bất mãn riêng. Những người chống đối chúng ta như thế, họ cũng hướng về Tam Bảo, cũng đóng góp xây dựng chùa và tập hợp về chùa. Chùa là điểm chung, nhưng quan sát kỹ, thấy ta và họ đều có điểm khác nhau. Tất nhiên cũng có người ủng hộ chúng ta, tại sao họ ủng hộ. Người ủng hộ chúng ta thường là Việt kiều yêu nước và những nghiên cứu sinh hay sinh viên du học. Họ còn mang quốc tịch Việt Nam, sang Pháp học và làm việc. Thành phần thứ ba là những người thờ ơ không quan tâm đến chúng ta. Họ đã sang Pháp sinh sống nhiều năm, hoặc sanh ra ở Pháp.
Biết rõ thành phần những người Việt như thế, thì hoằng pháp cách nào đây. Đương nhiên phải đến chùa ủng hộ chúng ta, vì họ cần chúng ta. Đến đó có thể hoằng pháp, giữa họ và chúng ta có cùng một quan điểm về cuộc sống và cùng tôn thờ Đức Phật, nên ta và họ dễ gần gũi và trao đổi với nhau được. Tôi đã làm như vậy. Đến ở và làm việc với những nơi thuận với mình thì thành công, người không thuận không nghịch thấy vậy, cũng mời tôi đến chùa của họ để giảng pháp. Vì thế, tôi tranh thủ những chùa thứ hai của những người không chống, không theo; tôi thăm họ, hay họ mời tôi. Tôi đến chùa mời tôi trước. Những chùa ở Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan nghe tôi sang Pháp, cũng đã mời tôi sang thuyết pháp. Đến nơi ủng hộ và nơi không chống đối, thì chúng ta được bình an nhất. Trong suốt hai mươi năm đảm trách việc hoằng pháp, tôi không gặp trở ngại; vì chỉ đến chùa, đến nơi mà quần chúng thỉnh mời và chính quyền chấp thuận. Và khi đã làm tốt việc hoằng pháp ở những nơi này, thì những nơi khác thấy vậy cũng muốn phát triển sinh hoạt Phật giáo ở địa phương theo hướng của chúng ta, nên họ mời chúng ta đến.
Anh em sử dụng được bốn chữ "Thiền định phóng quang”, nghĩa là Phật dạy chúng ta phải thấy được người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, theo đó mà hành sử tốt nhất. Biết người chống đối và phá hại, nhưng khả năng của họ có hại được ta hay không. Không hại được, chúng ta vẫn đến. Việc quan trọng là thấy rõ năng lực và hoàn cảnh của họ, thì hoằng pháp mới vô hiệu hóa được sự chống đối. Lấy chánh để trừ tà, thay đổi được sự sai lầm của họ, hoằng pháp của chúng ta thành công. Không hiểu họ, làm sao phá trừ việc sai lầm của họ được. Phải biết, hiểu rõ và tùy theo đó mà hóa giải việc xấu thành tốt.
Trước khi Đức Phật lập giáo khai tông, Ngài đã trải qua hai mươi mốt ngày, hay bốn mươi chín ngày tư duy dưới cội Bồ đề, Phật biết hết mọi biến động của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, thấy rõ những nơi chống đối Ngài. Và Ngài cũng thấy rõ ở Lộc Uyển có năm nhà hiền triết là năm anh em Kiều Trần Như thân thương sẽ vâng lời Ngài. Vì thế, trước tiên Phật đến đó giáo hóa họ, Ngài thấu hiểu tánh tình, năng lực của họ, biết họ không bằng lòng Ngài điều gì. Năm người này đã chống lại Phật khi Ngài uống bát sữa đầu tiên. Họ cho rằng Ngài đã bỏ cuộc, không tu khổ hạnh nổi. Phật đọc được tâm niệm này, nên Ngài đến chỉ dạy họ nhận ra con đường hành xác sai lầm và đưa ra con đường Trung đạo tốt đẹp. Vì vậy, năm anh em Kiều Trần Như một lòng theo Phật tu hành đắc quả A la hán một cách nhẹ nhàng.
Quả thực, suốt cuộc đời giáo hóa của Ngài đối trước mọi việc thuận cũng như nghịch, Đức Phật đều thành công trọn vẹn; vì Ngài đều cảm hóa người bằng "Thiền định phóng quang”. Nửa đêm, Phật thuyết pháp cho chư Thiên. Đến sáng, Ngài quán sát chúng sanh hữu duyên, đi đến khất thực, hóa độ họ. Phật thấy trước, có định hướng; người thuận duyên với Ngài thì Ngài giáo hóa theo cách thuận, người nghịch duyên thì Ngài có cách tiếp độ tương ưng. Ngày nay, các Giảng sư cũng phải thể hiện tinh thần này. Đến đâu, biết được nhân duyên giữa mình và người, theo đó giảng dạy, hóa giải tâm thù nghịch của người, làm họ an vui, thì đó là hoằng pháp.
Trở lại câu thứ hai của câu đối là: Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu. Tương truyền rằng khi ngài Pháp Vân giảng kinh Pháp Hoa lần đầu tiên ở chùa Quan Trạch, những người nghe bỏ đi. Ngài mới lấy đá xếp hàng và nói pháp cho những hòn đá này nghe, đá cũng phải gật đầu. Thuyết thứ hai cho rằng khi Pháp Vân giảng kinh Pháp Hoa, mọi người không chịu nghe, ngài bèn chỉ vào ông phỗng đá trước chùa Quan Trạch, hỏi rằng: "Tôi giảng vậy có đúng không?”. Ông phỗng đá gật đầu (Thạch đê đầu).
Riêng bốn chữ "Đàm kinh nhập diệu” có ý nghĩa rất quan trọng. Giảng kinh Pháp Hoa đến đỉnh cao nhất là đi vào nghĩa lý, diệu lý, thì không nói được, phải lặng thinh; nhưng ông phỗng đá lại gật đầu.
"Thạch đê đầu” còn có một ý nghĩa nữa là người thuyết pháp đạt đến áo nghĩa sâu xa, thì làm cho những người sắt đá cũng phải mềm lòng. Điều này nhằm nói lên ý nghĩa sâu xa trong đạo Phật là đạo lực. Khi đạo lực của chúng ta được phát huy cao độ thì không còn sử dụng ngôn ngữ nữa. Mặc dù không nói, nhưng sự tác động của đạo lực vào xã hội, vào cuộc đời lớn vô cùng. Từ tinh thần này, chúng ta nhận ra rằng Giảng sư không cứ phải giảng hay mới là thuyết pháp. Thực tế, những Thiền sư không nói, chỉ yên lặng thể hiện Diệu pháp, đã ảnh hưởng cho người trông thấy, hoặc chỉ nghĩ đến họ là được an lành. Chúng ta tu hành, đi từ giải thích là phương tiện bên ngoài, đến áo nghĩa sâu xa, không nói, là cốt lõi của đạo.
Hai câu đối:
Pháp lực uy thần, Thiền định phóng quang, ma khấu thủ
Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu.
nhắc nhở chúng ta tám chữ chính là "Thiền định phóng quang” và "Đàm kinh nhập diệu”.
Khi giảng theo chữ nghĩa, sách vở, tôi không thuyết phục được nhiều so với giảng bằng niềm tin, giảng bằng tấm lòng. Đó là kinh nghiệm của tôi muốn nhắc Tăng Ni làm công tác hoằng pháp.
Ý nghĩa của tám chữ "Thiền định phóng quang, đàm kinh nhập diệu”đem ứng dụng vào xã hội chúng ta có đúng hay không. Theo tôi, thời Phật cách chúng ta rất lâu, nhưng tinh ba của Phật qua tám chữ trên ứng dụng vào thời đại chúng ta vẫn đúng và vẫn tốt. Thật vậy, người hoằng pháp muốn giáo hóa phải hiểu được tâm lý của mọi người, biết rõ yêu cầu của họ thì thành công. Ở thế kỷ XXI, quan sát xem xã hội có yêu cầu gì, chúng ta đáp ứng, đương nhiên người ta chấp nhận. Tôi ở Làng Mai hai ngày, thấy người phương Tây đến đây tu Thiền với Hòa thượng Nhất Hạnh. Vì ít nhất ở đó, họ cũng tìm được nguồn vui và một cái gì mát mẻ trong cuộc sống ở xã hội Tây phương đầy bận rộn, mệt mỏi. Hòa thượng xây dựng Làng Mai yên tĩnh, khác với xã hội bên ngoài phức tạp. Người sợ ồn ào, căng thẳng, họ đến tu, tìm thấy được sự tĩnh lặng cho tâm hồn và họ muốn tìm hiểu Thiền của Phật giáo. Có cả những Mục sư hay Linh mục đến Làng Mai thử sống một ngày, một tuần, Hòa thượng Nhất Hạnh đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội phương Tây.
Ngoài ra, còn có những nơi sinh hoạt khác cũng thành công. Một số chùa Việt Nam mà tôi đến thăm, chủ yếu họ cúng bái. Đây cũng là một yêu cầu của xã hội không thể thiếu. Nhiều khi chúng ta hoằng pháp, từ bỏ mảng này; nhưng đó cũng là yêu cầu lớn của xã hội. Các Thầy ở địa phương biết rõ việc này. Nhiều Phật tử đến chùa cúng bái là chính, không phải đến nghe giảng. Nhiều chùa thu hút được Phật tử cũng nhờ vào việc cúng bái. Tôi đến thăm Phật Quang Sơn của Hòa thượng Tinh Vân. Phật tử đưa tên cúng cầu an, cầu siêu nhiều đến độ không đọc hết được. Cả trăm ngàn tên thì làm sao đọc cho xuể. Hòa thượng mới dùng cách dán những tên này đầy chùa, không cần đọc. Niêm yết tên như vậy để chư Thiên, chư thần đọc là được rồi. Đối với chúng ta, điều này lạ; nhưng Hòa thượng này vẫn thành công với cách làm ấy. Tôi nghĩ đạo lực của Hòa thượng mới quan trọng, dù không đọc tên của Phật tử yêu cầu, nhưng Hòa thượng dán tên như vậy mà người cảm thấy an lòng và tin tưởng ngài làm đúng. Không nhất định phải theo cách nào, mọi cách đều được, miễn là làm cho người an tâm. Riêng tôi, những Phật tử bất an không thể mời tôi đến tụng kinh, vì tôi bận nhiều việc. Họ chỉ đưa tên, nhờ tôi cầu nguyện, vì họ tin tưởng tôi. Chỉ chấp nhận cầu nguyện là họ cảm thấy bình an rồi.
Cuộc đời này có nhiều điều phức tạp, chúng ta giảng kinh không nên khích bác việc cầu nguyện, cúng bái. Theo tinh thần đa phương, đa dạng, hình thức nào cũng được, miễn là dần dần đưa họ về với nếp sống đạo. Thí dụ có người tin rằng thời vận của họ không may, bị tam tai, bị sao La hầu, Kế đô chiếu mạng. Họ đến với chúng ta, các Thầy cũng phải nhớ tinh thần hoằng pháp đa dạng. Đương nhiên chúng ta giảng giáo pháp cho họ, nhưng bên cạnh đó, cầu nguyện để họ an tâm, vững tin, thì họ không bị lo sợ, rối trí và bình tĩnh đối phó vẫn giải quyết được những việc khó khăn.
Các Thầy đến vùng nào truyền bá, phải quan sát kỹ, hiểu được yêu cầu của dân chúng chính là thể hiện ý nghĩa của Thiền định phóng quang. Và nếu đáp ứng được yêu cầu của họ, thì họ cũng thuận theo ta, nghĩa là đa dạng. Riêng ở thời đại chúng ta là thời kỳ bùng nổ về thông tin và hoạt động bằng vi tính. So với các nước khác, về vấn đề này, chúng ta kém xa. Sang thăm Hòa thượng Thánh Nghiêm ở Đài Loan là bạn cũ của tôi, ngài đưa tôi đi xem học viện mà ngài xây dựng. Học viện của chúng ta không đủ sách và cũng không có người đủ khả năng đọc, dù tốt nghiệp Cử nhân, nhưng khả năng tham khảo tài liệu còn giới hạn. Về sinh hoạt của Phật giáo thế giới, chúng ta không biết và kinh sách cũng không có. Hòa thượng này làm công việc tin học hóa kinh sách Phật giáo, nghĩa là tất cả các tạng kinh được ngài cho ghi vào đĩa nén. Muốn đọc không cực khổ như tôi ngày xưa phải vào thư viện tìm sách đọc. Hòa thượng giới thiệu với tôi rằng chỉ cần xem biết mã số là mở đĩa ra đọc, rất dễ. Thông tin này giúp người học Phật tra cứu nhanh. Tôi nghĩ ở thế kỷ này, mỗi chùa cũng như mỗi Giảng sư phải có máy vi tính nối mạng thông tin để hiểu biết mọi sinh hoạt của Phật giáo trên thế giới, ngõ hầu rút kinh nghiệm cho sinh hoạt của chúng ta. Việc gửi thư từ liên lạc với các chùa cũng không cần gửi qua bưu điện, dán tem. Thí dụ Văn phòng I của Giáo hội chúng ta gửi văn thư hay thông báo đến các Thầy, các chùa ở trong nước và ở nước ngoài, qua hình thức email (thư điện tử). Chỉ cần vài phút là nhận được, mà không sợ bị thất lạc.
Tôi giảng hai thời pháp ở Paris, một Phật tử đã đưa những bài giảng này lên mạng, nên các Phật tử ở Úc, ở Mỹ cũng nghe được. Đó là cách truyền bá chánh pháp hữu hiệu và nhanh chóng vào thời đại chúng ta ở tầng cao mới. Nhờ vậy chúng ta có thể tham gia công trình nghiên cứu, giảng dạy qua mạng rất hay. Chúng ta mở máy vi tính để theo dõi những bài giảng mới của những vị Pháp sư nổi tiếng trên thế giới, để cập nhật hóa kiến thức, không bị lạc hậu, lỗi thời. Hình ảnh và âm thanh liên quan đến Phật pháp trong thời đại chúng ta đều có thể truyền bá qua mạng Internet một cách dễ dàng. Các lãnh vực hoạt động khác đều đã sử dụng và khai thác triệt để sự tiện ích của công nghệ thông tin thời đại. Riêng Phật giáo Việt Nam, hướng đi tới của chúng ta muốn phát triển đạo pháp cũng cần phải như vậy. Nếu cứ mãi đứng bên lề, không sử dụng được những lợi ích của truyền thông toàn cầu để quảng bá giáo pháp thì thực là uổng phí. Phật giáo Nhật Bản và Đài Loan đã rất thành công trong việc phổ biến hoạt động Phật giáo của họ theo phương cách tiến bộ này.
Để hội nhập vào thế giới văn minh của nhân loại ở thế kỷ này, tôi tin tưởng và kỳ vọng lớp Giảng sư trẻ sẽ cập nhật hóa được những thông tin về Phật pháp, những khám phá mới trong Phật pháp, nhận được những tư tưởng tốt đẹp của các bậc cao minh trên khắp thế giới. Từ đó, quý vị trang bị tư lương cần và đủ cho việc hoằng pháp lợi sanh ở tất cả mọi nơi, dưới mọi hình thức, truyền bá được pháp âm vi diệu trên toàn cầu, giúp cho mọi người an vui, thế giới hòa bình.
(Bài giảng khóa Bồi dưỡng Giảng sư các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, năm 2005)
Trước nhất, tôi thấy các tu sĩ Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản phát triển ở Âu Mỹ. Các tu sĩ này, nhất là tu sĩ của Chân tông không cạo tóc mà vẫn là tu sĩ có giáo phẩm. Mới thì thấy khó chịu, nhưng tiếp xúc, trao đổi với họ và có sự cởi mở trong lòng, thấy họ cũng làm được một số việc mà chúng ta không làm được. Thật vậy, họ không sống cách biệt, mà gần gũi với quần chúng hơn chúng ta. Mặc y pháp Phật, thì họ là nhà truyền giáo; nhưng khi không khoác y pháp Phật, họ làm những việc khác nhau như kỹ sư, doanh nhân, giáo sư, v.v… Mỗi người làm một việc, nhưng đều thích hợp với xã hội mà họ đang sống. Họ đem Phật pháp vào từng ngành nghề trong xã hội. Đó là hình thức Phật giáo đi vào cuộc đời rất thiết thực. Rõ ràng họ có những đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Nhật Bản. Dĩ nhiên họ không theo hướng tín ngưỡng như Việt Nam, mà là con đường Phật giáo hòa nhập vào lòng xã hội. Và khi tôi tiếp xúc với một số nhà truyền giáo của Nhật Liên tông, Nhật Liên Chánh tông, hay Diệu Pháp tự, lại thấy có những sinh hoạt khác nữa. Điều này cho thấy Phật giáo Nhật Bản đa dạng, sinh hoạt dưới nhiều hình thức. Ý này thường được diễn tả là tám mươi bốn ngàn pháp môn tu khác nhau để thích ứng với hoàn cảnh xã hội mà chúng ta đang sống; nhưng đều đồng nhứt trong một quan điểm của Phật giáo. Đó là điểm quan trọng mà tôi nhận thấy được.
Ngoài ra, tôi may mắn được tiếp xúc với vị Lạt ma khác, lại thấy cách truyền giáo khác nữa. Lạt ma giáo giữ hình thức tu sĩ, nhưng phát triển mạnh về tâm linh và cuộc sống tu hành của họ đã tạo được ảnh hưởng lớn vào xã hội Âu Mỹ. Ở các nước Âu Mỹ, nói đến Phật giáo là người ta nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị Lạt ma khác.
Phật giáo Việt Nam cũng có một vị rất đặc biệt là Hòa thượng Nhất Hạnh. Tôi có đến Làng Mai gặp Hòa thượng. Khác với chúng ta, ngài không xây chùa, không thuyết pháp trong chùa; nhưng thuyết pháp ở các hội trường được thuê, thuyết pháp trong công viên, trong khu rừng. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt Phật giáo thu hút được nhiều người. Hòa thượng giới thiệu với tôi những người đến tham dự khóa tu, ngoài người Việt Nam, còn có Úc, Mỹ, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, v.v… Hòa thượng tạo lập một Tăng thân rất nhiều quốc tịch, đệ tử của Hòa thượng thuộc hơn ba mươi quốc tịch khác nhau.
Quan sát các hoạt động Phật giáo trên thế giới cho chúng ta suy nghĩ về tinh thần đa phương, đa dạng. Cần có nhiều hình thức để Phật pháp tồn tại và phát triển; không nên cố chấp một hình thức cố định nào. Theo tôi, các vị Giảng sư tương lai nên suy nghĩ những hình thức nào thích hợp để hoạt động hoằng pháp ở đất nước chúng ta có hiệu quả. Tìm ra yêu cầu của xã hội và đáp ứng được, thì mọi người mới chấp nhận và theo Phật giáo. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật ví pháp như một trận mưa, các loại cây cỏ tùy theo sức hút của nó mà thấm nhuần nước mưa khác nhau. Đối với pháp Phật cũng thế, tùy loại hình xã hội mà tiếp nhận giáo pháp để tăng trưởng tri thức và đạo đức. Phía sau tôi có hai câu đối mà Thượng tọa Bảo Nghiêm đặt lên. Hai câu này rất xưa, nhưng ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi thiết nghĩ miền Bắc có nhiều chùa cổ và xưa kia có nhiều vị danh Tăng. Nếu quý Thầy chịu cực đọc các câu liễn xưa để có thêm hiểu biết rất bổ ích. Câu đối sau đây rất có ý nghĩa, nói lên ý chí quyết định, tiêu biểu cho khóa học của ngành hoằng pháp chúng ta.
Pháp lực oai thần, Thiền định phóng quang, ma khấu thủ
Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu.
Câu thứ nhất chỉ cho Phật ở hội Hoa Nghiêm tại Bồ đề đạo tràng. Trong khi Ngài nhập định hai mươi mốt ngày, thì bên ngoài xã hội có nhiều sự biến động, gọi là ma. Chủ yếu là thiên ma và ngũ ấm ma, hay nội ma. Thiên ma là hoàn cảnh tự nhiên bên ngoài và hoàn cảnh xã hội. Những ham muốn, buồn phiền, lo toan của chúng ta là nội ma. Hai ma này tác động lẫn nhau. Đương nhiên chúng ta tu hành bị các ma này thử thách. Đức Phật khai sáng đạo, Ngài có nhiều kinh nghiệm quý báu để lại cho chúng ta, nhưng quan trọng nhất là Thiền định. Thiết nghĩ khi bị hoàn cảnh khó khăn chi phối, chúng ta chỉ có cách nghĩ đến hai chữ Thiền định; nghĩa là tập trung tư tưởng, tâm hồn lắng yên để thấy được mọi sự biến chuyển của xã hội và có giải đáp đúng đắn cho vấn đề. Kinh nghiệm riêng tôi, sinh trưởng trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, chung quanh tôi xảy ra không biết bao nhiêu việc nguy hiểm. Tôi tập trung tư tưởng để tránh được những cạm bẫy của cuộc đời, đó là ma.
Theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan thứ phi lên nhiếp chánh. Lúc đó, xã hội bất an, vì những người xung quanh vua, nhất là người dòng họ Lý đều nghĩ phải giao quyền nhiếp chánh cho người này, người nọ mới được, phải giao cho họ mới đúng. Nhưng vua lại giao cho Ỷ Lan, đủ biết bà phải đương đầu với việc khó vô cùng. Thế mà nhà vua chỉ nhắc bà một câu "Nhứt tâm Thiền định”. Và bà đã thực hiện được yếu nghĩa của câu nói này, thay vua lo được mọi việc chính sự một cách yên ổn.
Cốt lõi của Phật giáo là Thiền, nghĩa là tâm yên tĩnh nhất để thấy biết mọi việc chính xác. Không phải Thiền chỉ là ngồi. Ngồi, hay đi, đứng, nằm đều được. Việc quan trọng nhất của Thiền là phải sáng suốt để phóng quang, gọi là định huệ; nói theo ngày nay là bình tĩnh và sáng suốt. Việc càng khó càng cần phải bình tĩnh hơn và sáng suốt hơn để có cách giải quyết tốt nhất. Hoàn cảnh khó khăn, phức tạp đến mấy, nhưng tập trung tư tưởng, sáng suốt, biết cách giải quyết hợp tình hợp lý khiến cho ma cũng phải cúi đầu chấp nhận (khấu thủ), hay làm cho mọi người phải đồng ý. Theo tôi, hiểu đạo lý thì làm như vậy. Có bình tĩnh và sáng suốt mới thấy được những biến động của xã hội, thấy được mối liên hệ giữa ta và người. Và tùy theo đó, chúng ta giải quyết thỏa đáng mọi mặt. Tôi gợi ý này để quý vị suy nghĩ trên bước đường hoằng pháp.
Đến nơi nào giảng kinh mà các Giảng sư mang kinh theo, đọc và giải thích; theo tôi, các Giảng sư ngày nay không nên làm như vậy. Các Hòa thượng lớn thì làm được. Thuyết pháp nơi nào, các Thầy phải hiểu biết về nơi đó. Thí dụ Giáo hội cử tôi sang Pháp thuyết pháp. Tôi tập trung tư tưởng để suy nghĩ về văn hóa của nước Pháp, về các hoạt động Phật giáo ở Pháp. Tôi tìm hiểu xem ở Pháp có bao nhiêu chùa của Việt Nam và bao nhiêu chùa của dân tộc khác. Và còn phải biết thêm trong những chùa Việt Nam ở Pháp, thì bao nhiêu chùa chống đối, bao nhiêu chùa hợp tác với mình và chùa nào đứng ngoài lề. Hoằng pháp mà cứ giảng kinh thôi, không biết những vấn đề này thì thất bại.
Biết những chùa Việt Nam nào ở Pháp chống chúng ta, còn biết rõ họ chống ở mức độ nào và chống cái gì. Những người Việt đến định cư ở Pháp theo diện HO, họ làm việc ở chế độ cũ và di tản ra nước ngoài. Trong lòng họ có những buồn phiền, bất mãn riêng. Những người chống đối chúng ta như thế, họ cũng hướng về Tam Bảo, cũng đóng góp xây dựng chùa và tập hợp về chùa. Chùa là điểm chung, nhưng quan sát kỹ, thấy ta và họ đều có điểm khác nhau. Tất nhiên cũng có người ủng hộ chúng ta, tại sao họ ủng hộ. Người ủng hộ chúng ta thường là Việt kiều yêu nước và những nghiên cứu sinh hay sinh viên du học. Họ còn mang quốc tịch Việt Nam, sang Pháp học và làm việc. Thành phần thứ ba là những người thờ ơ không quan tâm đến chúng ta. Họ đã sang Pháp sinh sống nhiều năm, hoặc sanh ra ở Pháp.
Biết rõ thành phần những người Việt như thế, thì hoằng pháp cách nào đây. Đương nhiên phải đến chùa ủng hộ chúng ta, vì họ cần chúng ta. Đến đó có thể hoằng pháp, giữa họ và chúng ta có cùng một quan điểm về cuộc sống và cùng tôn thờ Đức Phật, nên ta và họ dễ gần gũi và trao đổi với nhau được. Tôi đã làm như vậy. Đến ở và làm việc với những nơi thuận với mình thì thành công, người không thuận không nghịch thấy vậy, cũng mời tôi đến chùa của họ để giảng pháp. Vì thế, tôi tranh thủ những chùa thứ hai của những người không chống, không theo; tôi thăm họ, hay họ mời tôi. Tôi đến chùa mời tôi trước. Những chùa ở Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan nghe tôi sang Pháp, cũng đã mời tôi sang thuyết pháp. Đến nơi ủng hộ và nơi không chống đối, thì chúng ta được bình an nhất. Trong suốt hai mươi năm đảm trách việc hoằng pháp, tôi không gặp trở ngại; vì chỉ đến chùa, đến nơi mà quần chúng thỉnh mời và chính quyền chấp thuận. Và khi đã làm tốt việc hoằng pháp ở những nơi này, thì những nơi khác thấy vậy cũng muốn phát triển sinh hoạt Phật giáo ở địa phương theo hướng của chúng ta, nên họ mời chúng ta đến.
Anh em sử dụng được bốn chữ "Thiền định phóng quang”, nghĩa là Phật dạy chúng ta phải thấy được người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, theo đó mà hành sử tốt nhất. Biết người chống đối và phá hại, nhưng khả năng của họ có hại được ta hay không. Không hại được, chúng ta vẫn đến. Việc quan trọng là thấy rõ năng lực và hoàn cảnh của họ, thì hoằng pháp mới vô hiệu hóa được sự chống đối. Lấy chánh để trừ tà, thay đổi được sự sai lầm của họ, hoằng pháp của chúng ta thành công. Không hiểu họ, làm sao phá trừ việc sai lầm của họ được. Phải biết, hiểu rõ và tùy theo đó mà hóa giải việc xấu thành tốt.
Trước khi Đức Phật lập giáo khai tông, Ngài đã trải qua hai mươi mốt ngày, hay bốn mươi chín ngày tư duy dưới cội Bồ đề, Phật biết hết mọi biến động của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, thấy rõ những nơi chống đối Ngài. Và Ngài cũng thấy rõ ở Lộc Uyển có năm nhà hiền triết là năm anh em Kiều Trần Như thân thương sẽ vâng lời Ngài. Vì thế, trước tiên Phật đến đó giáo hóa họ, Ngài thấu hiểu tánh tình, năng lực của họ, biết họ không bằng lòng Ngài điều gì. Năm người này đã chống lại Phật khi Ngài uống bát sữa đầu tiên. Họ cho rằng Ngài đã bỏ cuộc, không tu khổ hạnh nổi. Phật đọc được tâm niệm này, nên Ngài đến chỉ dạy họ nhận ra con đường hành xác sai lầm và đưa ra con đường Trung đạo tốt đẹp. Vì vậy, năm anh em Kiều Trần Như một lòng theo Phật tu hành đắc quả A la hán một cách nhẹ nhàng.
Quả thực, suốt cuộc đời giáo hóa của Ngài đối trước mọi việc thuận cũng như nghịch, Đức Phật đều thành công trọn vẹn; vì Ngài đều cảm hóa người bằng "Thiền định phóng quang”. Nửa đêm, Phật thuyết pháp cho chư Thiên. Đến sáng, Ngài quán sát chúng sanh hữu duyên, đi đến khất thực, hóa độ họ. Phật thấy trước, có định hướng; người thuận duyên với Ngài thì Ngài giáo hóa theo cách thuận, người nghịch duyên thì Ngài có cách tiếp độ tương ưng. Ngày nay, các Giảng sư cũng phải thể hiện tinh thần này. Đến đâu, biết được nhân duyên giữa mình và người, theo đó giảng dạy, hóa giải tâm thù nghịch của người, làm họ an vui, thì đó là hoằng pháp.
Trở lại câu thứ hai của câu đối là: Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu. Tương truyền rằng khi ngài Pháp Vân giảng kinh Pháp Hoa lần đầu tiên ở chùa Quan Trạch, những người nghe bỏ đi. Ngài mới lấy đá xếp hàng và nói pháp cho những hòn đá này nghe, đá cũng phải gật đầu. Thuyết thứ hai cho rằng khi Pháp Vân giảng kinh Pháp Hoa, mọi người không chịu nghe, ngài bèn chỉ vào ông phỗng đá trước chùa Quan Trạch, hỏi rằng: "Tôi giảng vậy có đúng không?”. Ông phỗng đá gật đầu (Thạch đê đầu).
Riêng bốn chữ "Đàm kinh nhập diệu” có ý nghĩa rất quan trọng. Giảng kinh Pháp Hoa đến đỉnh cao nhất là đi vào nghĩa lý, diệu lý, thì không nói được, phải lặng thinh; nhưng ông phỗng đá lại gật đầu.
"Thạch đê đầu” còn có một ý nghĩa nữa là người thuyết pháp đạt đến áo nghĩa sâu xa, thì làm cho những người sắt đá cũng phải mềm lòng. Điều này nhằm nói lên ý nghĩa sâu xa trong đạo Phật là đạo lực. Khi đạo lực của chúng ta được phát huy cao độ thì không còn sử dụng ngôn ngữ nữa. Mặc dù không nói, nhưng sự tác động của đạo lực vào xã hội, vào cuộc đời lớn vô cùng. Từ tinh thần này, chúng ta nhận ra rằng Giảng sư không cứ phải giảng hay mới là thuyết pháp. Thực tế, những Thiền sư không nói, chỉ yên lặng thể hiện Diệu pháp, đã ảnh hưởng cho người trông thấy, hoặc chỉ nghĩ đến họ là được an lành. Chúng ta tu hành, đi từ giải thích là phương tiện bên ngoài, đến áo nghĩa sâu xa, không nói, là cốt lõi của đạo.
Hai câu đối:
Pháp lực uy thần, Thiền định phóng quang, ma khấu thủ
Sư đăng bảo tọa, đàm kinh nhập diệu, thạch đê đầu.
nhắc nhở chúng ta tám chữ chính là "Thiền định phóng quang” và "Đàm kinh nhập diệu”.
Khi giảng theo chữ nghĩa, sách vở, tôi không thuyết phục được nhiều so với giảng bằng niềm tin, giảng bằng tấm lòng. Đó là kinh nghiệm của tôi muốn nhắc Tăng Ni làm công tác hoằng pháp.
Ý nghĩa của tám chữ "Thiền định phóng quang, đàm kinh nhập diệu”đem ứng dụng vào xã hội chúng ta có đúng hay không. Theo tôi, thời Phật cách chúng ta rất lâu, nhưng tinh ba của Phật qua tám chữ trên ứng dụng vào thời đại chúng ta vẫn đúng và vẫn tốt. Thật vậy, người hoằng pháp muốn giáo hóa phải hiểu được tâm lý của mọi người, biết rõ yêu cầu của họ thì thành công. Ở thế kỷ XXI, quan sát xem xã hội có yêu cầu gì, chúng ta đáp ứng, đương nhiên người ta chấp nhận. Tôi ở Làng Mai hai ngày, thấy người phương Tây đến đây tu Thiền với Hòa thượng Nhất Hạnh. Vì ít nhất ở đó, họ cũng tìm được nguồn vui và một cái gì mát mẻ trong cuộc sống ở xã hội Tây phương đầy bận rộn, mệt mỏi. Hòa thượng xây dựng Làng Mai yên tĩnh, khác với xã hội bên ngoài phức tạp. Người sợ ồn ào, căng thẳng, họ đến tu, tìm thấy được sự tĩnh lặng cho tâm hồn và họ muốn tìm hiểu Thiền của Phật giáo. Có cả những Mục sư hay Linh mục đến Làng Mai thử sống một ngày, một tuần, Hòa thượng Nhất Hạnh đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội phương Tây.
Ngoài ra, còn có những nơi sinh hoạt khác cũng thành công. Một số chùa Việt Nam mà tôi đến thăm, chủ yếu họ cúng bái. Đây cũng là một yêu cầu của xã hội không thể thiếu. Nhiều khi chúng ta hoằng pháp, từ bỏ mảng này; nhưng đó cũng là yêu cầu lớn của xã hội. Các Thầy ở địa phương biết rõ việc này. Nhiều Phật tử đến chùa cúng bái là chính, không phải đến nghe giảng. Nhiều chùa thu hút được Phật tử cũng nhờ vào việc cúng bái. Tôi đến thăm Phật Quang Sơn của Hòa thượng Tinh Vân. Phật tử đưa tên cúng cầu an, cầu siêu nhiều đến độ không đọc hết được. Cả trăm ngàn tên thì làm sao đọc cho xuể. Hòa thượng mới dùng cách dán những tên này đầy chùa, không cần đọc. Niêm yết tên như vậy để chư Thiên, chư thần đọc là được rồi. Đối với chúng ta, điều này lạ; nhưng Hòa thượng này vẫn thành công với cách làm ấy. Tôi nghĩ đạo lực của Hòa thượng mới quan trọng, dù không đọc tên của Phật tử yêu cầu, nhưng Hòa thượng dán tên như vậy mà người cảm thấy an lòng và tin tưởng ngài làm đúng. Không nhất định phải theo cách nào, mọi cách đều được, miễn là làm cho người an tâm. Riêng tôi, những Phật tử bất an không thể mời tôi đến tụng kinh, vì tôi bận nhiều việc. Họ chỉ đưa tên, nhờ tôi cầu nguyện, vì họ tin tưởng tôi. Chỉ chấp nhận cầu nguyện là họ cảm thấy bình an rồi.
Cuộc đời này có nhiều điều phức tạp, chúng ta giảng kinh không nên khích bác việc cầu nguyện, cúng bái. Theo tinh thần đa phương, đa dạng, hình thức nào cũng được, miễn là dần dần đưa họ về với nếp sống đạo. Thí dụ có người tin rằng thời vận của họ không may, bị tam tai, bị sao La hầu, Kế đô chiếu mạng. Họ đến với chúng ta, các Thầy cũng phải nhớ tinh thần hoằng pháp đa dạng. Đương nhiên chúng ta giảng giáo pháp cho họ, nhưng bên cạnh đó, cầu nguyện để họ an tâm, vững tin, thì họ không bị lo sợ, rối trí và bình tĩnh đối phó vẫn giải quyết được những việc khó khăn.
Các Thầy đến vùng nào truyền bá, phải quan sát kỹ, hiểu được yêu cầu của dân chúng chính là thể hiện ý nghĩa của Thiền định phóng quang. Và nếu đáp ứng được yêu cầu của họ, thì họ cũng thuận theo ta, nghĩa là đa dạng. Riêng ở thời đại chúng ta là thời kỳ bùng nổ về thông tin và hoạt động bằng vi tính. So với các nước khác, về vấn đề này, chúng ta kém xa. Sang thăm Hòa thượng Thánh Nghiêm ở Đài Loan là bạn cũ của tôi, ngài đưa tôi đi xem học viện mà ngài xây dựng. Học viện của chúng ta không đủ sách và cũng không có người đủ khả năng đọc, dù tốt nghiệp Cử nhân, nhưng khả năng tham khảo tài liệu còn giới hạn. Về sinh hoạt của Phật giáo thế giới, chúng ta không biết và kinh sách cũng không có. Hòa thượng này làm công việc tin học hóa kinh sách Phật giáo, nghĩa là tất cả các tạng kinh được ngài cho ghi vào đĩa nén. Muốn đọc không cực khổ như tôi ngày xưa phải vào thư viện tìm sách đọc. Hòa thượng giới thiệu với tôi rằng chỉ cần xem biết mã số là mở đĩa ra đọc, rất dễ. Thông tin này giúp người học Phật tra cứu nhanh. Tôi nghĩ ở thế kỷ này, mỗi chùa cũng như mỗi Giảng sư phải có máy vi tính nối mạng thông tin để hiểu biết mọi sinh hoạt của Phật giáo trên thế giới, ngõ hầu rút kinh nghiệm cho sinh hoạt của chúng ta. Việc gửi thư từ liên lạc với các chùa cũng không cần gửi qua bưu điện, dán tem. Thí dụ Văn phòng I của Giáo hội chúng ta gửi văn thư hay thông báo đến các Thầy, các chùa ở trong nước và ở nước ngoài, qua hình thức email (thư điện tử). Chỉ cần vài phút là nhận được, mà không sợ bị thất lạc.
Tôi giảng hai thời pháp ở Paris, một Phật tử đã đưa những bài giảng này lên mạng, nên các Phật tử ở Úc, ở Mỹ cũng nghe được. Đó là cách truyền bá chánh pháp hữu hiệu và nhanh chóng vào thời đại chúng ta ở tầng cao mới. Nhờ vậy chúng ta có thể tham gia công trình nghiên cứu, giảng dạy qua mạng rất hay. Chúng ta mở máy vi tính để theo dõi những bài giảng mới của những vị Pháp sư nổi tiếng trên thế giới, để cập nhật hóa kiến thức, không bị lạc hậu, lỗi thời. Hình ảnh và âm thanh liên quan đến Phật pháp trong thời đại chúng ta đều có thể truyền bá qua mạng Internet một cách dễ dàng. Các lãnh vực hoạt động khác đều đã sử dụng và khai thác triệt để sự tiện ích của công nghệ thông tin thời đại. Riêng Phật giáo Việt Nam, hướng đi tới của chúng ta muốn phát triển đạo pháp cũng cần phải như vậy. Nếu cứ mãi đứng bên lề, không sử dụng được những lợi ích của truyền thông toàn cầu để quảng bá giáo pháp thì thực là uổng phí. Phật giáo Nhật Bản và Đài Loan đã rất thành công trong việc phổ biến hoạt động Phật giáo của họ theo phương cách tiến bộ này.
Để hội nhập vào thế giới văn minh của nhân loại ở thế kỷ này, tôi tin tưởng và kỳ vọng lớp Giảng sư trẻ sẽ cập nhật hóa được những thông tin về Phật pháp, những khám phá mới trong Phật pháp, nhận được những tư tưởng tốt đẹp của các bậc cao minh trên khắp thế giới. Từ đó, quý vị trang bị tư lương cần và đủ cho việc hoằng pháp lợi sanh ở tất cả mọi nơi, dưới mọi hình thức, truyền bá được pháp âm vi diệu trên toàn cầu, giúp cho mọi người an vui, thế giới hòa bình.
(Bài giảng khóa Bồi dưỡng Giảng sư các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, năm 2005)