Sách
Tìm được chân lý rồi, đức Phật xây dựng, đào tạo con người theo mô hình Tam bảo, nghĩa là mọi người phải phát huy trí tuệ để có hiểu biết đúng đắn về thiên nhiên và xã hội. Kế đến là những người sống trong cộng đồng xã hội phải tôn trọng quy luật hay những nguyên tắc sống chung, an vui, hạnh phúc cho mình và người. Và tiêu chuẩn sau cùng của xã hội Phật giáo, theo đó mọi người luôn sống hòa hợp với nhau, không thể xung đột, chống phá nhau.
Đó là ba tiêu chuẩn căn bản mà hàng đệ tử Phật phải tôn trọng và phát huy trong cuộc sống, đặt nền móng cho một xã hội thực sự tốt đẹp
Từ mô hình xã hội xây dựng trên ba điểm chuẩn này, đức Phật cụ thể hóa bằng cách đưa ra 6 nguyên tắc giúp cho mọi sinh hoạt xã hội được hài hòa (lục hòa)
Trước tiên, đức Phật dạy rằng chúng ta phải ý thức sự tồn tại của mình nằm trong
tồn tại của cộng đồng. Ta không thể tách rời, sống một mình, vì ta và mọi người tương quan tương duyên tồn tại, không có gì trên trái đất này hiện hữu độc lập được.
Tốt xấu của ta sẽ ảnh hưởng đến người và mọi vật xung quanh. Và ngược lại, tốt xấu của người và của các loài cũng tác động đến ta. Trên tinh thần ảnh hưởng hỗ tương, chúng ta giúp cho người khác tốt cũng là giúp cho chính mình, không phải giúp với tính cách ban ơn, vì họ hư hỏng, ta cũng không yên được. Nói cho dễ hiểu, nếu sống chung với người dại khờ, họ đốt nhà, tất nhiên ta cũng gánh chịu tai họa ấy.
Với ý thức tồn tại trong cộng đồng, theo Phật, từ căn bản phải hòa hợp với những người sống chung, xa hơn, chúng ta phải hòa với xã hội, với mọi người, hòa với thiên nhiên, muôn loài, mới giúp chúng ta tồn tại an lành thực sự.
Lợi ích của việc sống hài hòa một cách rộng lớn, vô giới hạn, được Phật chỉ dạy từ ngàn xưa đã được loài người tiến bộ ngày nay nhận ra, triển khai thành những việc làm cần thiết gọi là bảo vệ môi trường sống.
Tiêu chuẩn thứ hai để tạo sự hòa hợp theo Phật, sống chung với nhau, chúng ta cố tránh hơn thua, để khỏi đụng chạm, vì biết rằng cãi lý, hơn nhau từng lời, chẳng ích lợi gì.
Nhưng cùng sinh hoạt, nhằm giúp nhau hiểu được cách sống có ý nghĩa. Từ đó, chúng ta lựa lời mà nói và cũng biết lóng nghe phát biểu của người khác, để cuối cùng chúng ta đưa ra ý kiến mà cộng đồng chấp nhận được.
Tiêu chuẩn kế tiếp cần có cho sinh hoạt cộng đồng được hòa hợp là phải biết tôn trọng ý kiến của người khác. Nếu vì tự ái cá nhân, thấy mình đúng, buộc người theo mình, thì đó chính là xã hội đẳng cấp thường dùng ý của người trên bắt người dưới tuân theo.
Phật dạy dù là ý kiến của người dưới, chúng ta vẫn hằng thuận nếu hay và được nhiều người chấp nhận. Sống theo Phật, hay theo trí tuệ chỉ đạo, lòng chúng ta luôn tùy hỷ với ý niệm tốt của người, không hề cố chấp, có định kiến. Hoan hỷ và tập họp được tất cả những ý kiến tốt đẹp của đại chúng chắc chắn tạo thành sức mạnh đoàn kết và sự phát triển cho cộng đồng xã hội.
Tiêu chuẩn thứ tư theo Phật là những quy ước đặt ra trong cộng đồng xã hội phải được đa số chấp nhận, không theo chủ nghĩa giới điều áp đặt như của ngoại đạo thời ấy từng trói buộc chặt chẽ tín đồ không thể làm khác.
Ta có thể sống với những nguyên tắc cao hơn, nhưng nhiều người không thể giữ được, ta cũng phải hạ thấp xuống cho bằng với căn cơ, trình độ của đại chúng để họ theo được, nhờ vậy mới giúp cho cộng đồng sinh hoạt hòa hợp với nhau.
Kế tiếp, tiêu chuẩn thứ năm của mô hình xã hội hài hòa chỉ có khi chúng ta hiểu thấu hoàn cảnh của người khác. Còn đứng lập trường của mình, bắt người theo làm sao hòa được. Thật vậy, người yếu đuối không thể bắt họ lao động nặng. Người không thông minh làm sao buộc họ học được.
Sống chung phải cảm thông với hoàn cảnh của nhau, mới giúp nhau cùng thăng hoa, tổ chức cùng phát triển. Mô hình xã hội hòa hợp, mọi người đồng nhịp thăng hoa theo khả năng riêng được đức Phật thể hiện rõ nét trên bước đường giáo hóa. Đối với người nhàm chán cuộc đời, muốn thoát ly khổ đau, sanh tử, hướng đến Niết bàn, Phật dạy họ tu pháp tứ đế. Với người có khả năng nghiên cứu thì Phật đưa ra pháp quán nhân duyên. Người có khả năng cứu đời, Ngài dạy họ cách ban vui cứu khổ. Nói chung, đức Phật hiểu rõ hoàn cảnh của người và đưa ra phương cách sống thích hợp cho họ, nên Ngài thành công hoàn toàn trong việc thăng hoa cộng đồng xã hội.
Sau cùng, Phật đưa ra ra tiêu chuẩn phải sống lợi ích cho mọi người, không thể chỉ nghĩ đến lợi riêng của ta. Cần ý thức rằng chúng ta góp phần lợi ích cho xã hội thì tự nhiên trong lợi ích của cộng đồng đã có lợi ích của chính ta.
Đó là 6 nguyên tắc sống được đức Phật đề ra để tạo thành một xã hội hài hòa, an vui. Và nếu vẫn có vấn đề phát sinh, Ngài lại dạy chúng ta dùng trí tuệ đặt sự kiện trên 7 pháp, xem làm gì có lợi theo 6 tiêu chuẩn vừa nêu thì làm.
Phật dạy nếu việc phạm lỗi đáng đưa ra đại chúng xét xử, chúng ta để cho đại chúng giải quyết. Nhưng có việc chỉ nên gợi ý, nói chung để cho người phạm lỗi tự sửa đổi thì tốt hơn là đặt thẳng vấn đề trước đại chúng.
Hoặc có trường hợp, chúng ta khuyến khích cho người tự nói tội giữa đại chúng, nghĩa là tự phê bình lỗi của họ để mọi người giúp họ sửa đổi sai lầm và đồng thời nêu gương tốt cho người khác. Tuy nhiên, có người không tự nói được lỗi, nên cần để cho đại chúng phê bình, kiểm điểm tội của họ.
Hoặc gặp việc lỗi lầm đáng cho sám hối, thì để họ tự sám hối. Thật vậy, có việc nói ra không tốt, làm họ xấu hổ, tự ái, buồn phiền thêm thì chúng ta không đưa ra xét xử. Mọi người đều biết lỗi lầm ấy, nhưng làm lơ, để họ tự sửa chữa thành người tốt.
Như vậy, đức Phật đưa ra 7 điều chấm dứt sự tranh cãi, bất hòa trong cộng đồng xã hội, tùy lúc, tùy chỗ, tùy người mà áp dụng cho thích hợp, để được kết quả tốt đẹp, an vui, không phải áp đặt mô hình cố định.
Có thể nói tất cả những pháp trên là khuôn mẫu căn bản của Phật giáo nguyên thủy tôn trọng. Tuy nhiên, về sau, Phật giáo Đại thừa căn cứ vào nền tảng này và triển khai rộng hơn, như trong các kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa thể hiện rõ nét tinh thần phóng khoáng, hướng thượng của mô hình xây dựng gia đình và xã hội.
Theo Hoa Nghiêm, Tỳ Lô Giá Na Pháp thân là tổng thể của 10 loại hình, trong đó có một phần thân của chúng ta. Từ tổng quan đó mà nhìn về môi trường sống, thấy được liên hệ hỗ tương gắn bó mật thiết của ta với mọi người,mọi loài, nên bảo vệ, phát huy người khác, loài khác, chính là bảo vệ, phát huy mình. Cho đến sự sống cỏ cây, hoa lá cũng trợ giúp thêm sinh khí cho chúng ta.
Hoặc từ tổng quan Tỳ Lô Giá Na nhìn về xã hội, thấy rõ mọi tầng lớp người, trình độ khác nhau, từ Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát cho đến chúng sanh gây đau khổ cho ta cũng là tồn tại cần thiết nhất định, giúp ta phát triển trí năng. Chắc chắn không có khó thì không khôn.
Theo lộ trình Hoa Nghiêm, trải qua biết bao sóng gió của cuộc đời, nhưng chúng ta phải tỉnh táo, nhìn thẳng vào nó, làm thế nào tập họp được mọi người, mọi loài. Kể cả tứ sanh, lục đạo trong thập giới, từ địa ngục A Tỳ cho đến Phật quả, ta phải ảnh hưởng tất cả và người xấu ác nhất cũng phải tùy thuận với ta.
Nói cách khác, mô hình xã hội của Phật giáo Đại thừa là dung nhiếp được thế lực của muôn người, muôn vật, không phải chỉ giới hạn có một giai cấp ủng hộ ta.
Tiến sang kinh Pháp Hoa, nói lên tinh thần biến nghịch thành thuận qua hình ảnh Thường Bất Khinh Bồ tát. Ông bị khinh chê, ném đá. Tuy nhiên, ông chấp nhận tất cả lỗi lầm do người đổ trút lên và tự phấn đấu tu hành, sạch nghiệp, thành Phật, tức phát sinh trí tuệ, tài giỏi, làm được những việc khó làm, thì mọi người phải kính trọng, hàng tăng thượng mạn cũng phải quy ngưỡng.
Học gương sáng của Bồ tát Thường Bất Khinh, ngày nào người chưa chấp nhận, phải tự nghĩ mình còn dở, xấu. Hòa Thượng Thiện Hoa cũng nhắc nhở tôi rằng nhờ có người bài báng, ta cố gắng sửa mình hơn. Càng gặp khó khăn, chống đối, ta càng nỗ lực tu, cho đến khi người biết được cái tốt của ta, không thể chỉ trích nữa và phải đồng tình với ta. Thiết nghĩ trên bước đường tu xây dựng xã hội theo Pháp Hoa, luôn luôn quán sát chính mình để phát triển trí tuệ và đức hạnh, lấy thành quả tốt đẹp ấy mà làm gương cho đời.
Từ cấu trúc xã hội như vậy, thu hẹp lại cấu trúc gia đình theo tinh thần Pháp Hoa được thể hiện qua hình ảnh gia đình vua Diệu Trang Nghiêm là mẫu gia đình tin Phật mãnh liệt, luôn sống an vui hạnh phúc.
Phát xuất từ người nồng cốt có đầy đủ đức hạnh là Tịnh Đức phu nhân, mới sản sanh ra hai người con là Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn, nghĩa là một người có lòng nhân ái bao la và một người có trí tuệ tuyệt vời. Cả ba người hay ba đức tánh tốt đẹp ấy mới có khả năng chuyển hóa được vua Diệu Trang Nghiêm quay về chánh đạo.
Đó là cách giáo hóa theo Pháp Hoa, vợ giáo hóa chồng, con giáo hóa cha, tức người nhỏ dạy người lớn, nói lên điều quan trọng là nam nữ, già trẻ không thành vấn đề, nhưng chính yếu là phải thực tốt, thực giỏi, làm được việc.
Tóm lại, mô hình xã hội của Phật giáo xây dựng từ căn bản trên Tam Bảo, cho đến 6 nguyên tắc sống hòa hợp và 7 pháp chấm dứt mọi tranh cãi, tạo sức mạnh đoàn kết. Sau đó triển khai hình thành mẫu gia đình và xã hội cũng thể hiện tinh ba của nếp sống với trí tuệ sáng ngời, tâm hồn trong sạch, đức hạnh cao quý, mang an vui cho muôn loài.
Thiết nghĩ mô hình gia đình, xã hội do đức Phật đưa ra kết tinh bằng những chất liệu quý báu như vậy, mãi mãi là khuôn vàng thước ngọc cho những ai muốn kiến tạo Tịnh độ trên nhân gian này.