Sách
(Bài giảng tại khóa Bồi dưỡng trụ trì tỉnh Bình Phước, ngày 16-7-2000, tổ chức tại chùa Thanh Long)
Trách nhiệm chính của tôi là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong việc điều hành Ban Hoằng pháp, tôi đã mở các khóa huấn luyện Giảng sư. Bước đầu, chỉ xây dựng ở các địa phương mà chúng tôi đến được và tổ chức những khóa thi diễn giảng tại các trường hạ và tiến lên hội thi cấp tỉnh, thành phố.
Sau đó, chúng tôi mở liên tục hai khóa Giảng sư: khóa Thiện Hoa và Trí Thủ. Đó là hai vị Thầy của tôi, Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nam Việt và Hòa thượng Trí Thủ là vị Tổng vụ trưởng Hoằng pháp đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
Kế tiếp, chúng tôi mở các khóa huấn luyện Giảng sư ngắn ngày tại Tp Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, Bình Định và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Các khóa này nhằm bồi dưỡng cho Giảng sư ở đô thị và tỉnh, thành lớn những kiến thức Phật học cùng kinh nghiệm giảng dạy.
Trong tương lai, từ năm 2001 đến 2003, chúng tôi sẽ mở hai lớp đào tạo Giảng sư Trung cấp và Cao cấp. Giảng sư Cao cấp được tuyển chọn từ các khóa Giảng sư trước hoặc những Tăng sinh tốt nghiệp cao đẳng Phật học hay Viện Phật học để đào tạo Giảng sư trình độ trên đại học. Tốt nghiệp khóa này sẽ là Giảng sư Trung ương diễn giảng trong cả nước. Lớp Giảng sư Trung cấp gồm những người đã thông qua các khóa Giảng sư trước, nhưng không được trúng tuyển vào lớp Giảng sư Trung ương hoặc các Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Trường Cơ bản Phật học. Khóa này đào tạo Giảng sư cấp tỉnh và thành phố.
Đối với tỉnh Bình Phước mới thành lập, còn nhiều khó khăn, Ban Hoằng pháp sẽ quan tâm và nâng đỡ cho Tăng Ni được điều kiện thuận lợi để theo học hai khóa nói trên. Tăng Ni trẻ tỉnh nhà nên chuẩn bị tham gia khóa học để trở thành Giảng sư phục vụ cho địa phương mình.
Về phương diện tu hành trong chánh pháp, tôi có một số ý kiến nhắc nhở Tăng Ni Phật tử tỉnh Bình Phước. Trước nhất, quý vị phải thấy được thực trạng của địa bàn tỉnh mình, theo Đại thừa là tùy duyên. Không biết tùy duyên, không có trí phương tiện, tự ràng buộc mình và trở thành phá hoại. Thật vậy, không tùy duyên, rơi vô chấp pháp, chỉ thấy pháp tu của mình là nhất, còn các pháp khác đều sai. Như vậy, ta đã trở thành đối lập với mọi người, một mình chống chọi mọi người thì sao tồn tại được. Chúng ta đương nhiên chọn pháp tu thích hợp với mình, nhưng muốn tồn tại không thể đối lập với người.
Tôi chọn kinh Pháp Hoa làm gối đầu nằm, lấy tông chỉ Pháp Hoa làm lẽ sống và thành công được cũng nhờ kinh này. Đức Phật ca ngợi kinh Pháp Hoa là mẹ sanh ra tất cả Phật. Các Bồ tát y cứ theo kinh Pháp Hoa tu hành, đều thành Phật. Những người muốn thành Phật, cứu nhân độ thế, không thể rời bỏ kinh này.
Kinh Pháp Hoa gồm có hai phần: Tích môn và Bổn môn. Đứng về Tích môn hay phương tiện thì trên thế gian này, không có gì không phải là Phật pháp. Đây là điều quan trọng mà các thầy phải suy nghĩ. Ý thức rằng tất cả là Phật pháp, chúng ta mới có được tinh thần bao dung theo Đại thừa, còn các bạn đồng tu một chùa mà chúng ta cũng không bằng lòng được, làm thế nào tồn tại.
Có thể nói tinh thần bao dung đã giúp tôi thành công trên bước đường hành đạo. Trước nhất làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh là nơi mà Phật giáo rất đa dạng, không có người của tỉnh, thành nào trong cả nước mà không có mặt ở Tp HCM. Vì vậy, thành phố này mang tính đa văn hóa, tập trung tất cả văn minh tư tưởng. Trước năm 1975, ai cũng biết Phật giáo Tp HCM có rất nhiều hệ phái và thường không hòa hợp nhau. Đối với tôi, làm sao điều hợp sinh hoạt không thuận hòa này thành sự hợp tác hỗ tương trong mọi Phật sự.
Theo tôi, tỉnh Bình Phước cũng tương tự như Tp HCM ở điểm có đủ dân của mọi miền đất nước, vì gốc của tỉnh này đa số là người dân tộc, mà người dân tộc thì có nhiều chủng tộc. Và người Việt thì từng thế hệ tiếp nối về đây sinh hoạt. Trong thập niên 50, tôi đã đến thuyết pháp tại Bà Rá, Phú Riềng, Bình Long, An Lộc thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay. Tôi gặp người dân miền Bắc được đưa về đây từ thời Pháp thuộc để khai thác đồn điền cao su và dân các tỉnh miền Trung do chính phủ Diệm đưa về đây lập dinh điền và lần lượt dân khắp các nơi cũng đổ về đây. Chính vì vậy, tỉnh Bình Phước cũng như TpHCM mang đủ tất cả sắc thái văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo. Khi quan sát sâu sắc như vậy, Phật giáo Đại thừa có cái nhìn phóng khoáng, không mang định kiến, hành đạo đến nơi nào là mềm dẻo hòa hợp.
Có thể khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển được nhờ biết hòa hợp. Thật vậy, các vị thiền sư đến Việt Nam vào thời cổ đại, các ngài không hề bài bác tín ngưỡng đa thần có sẵn, nhưng đã đưa các vị thần được dân chúng kính trọng vào chùa cùng tu theo Phật giáo. Tôn trọng ý kiến của người, đó là điểm dễ thương nhất của Phật giáo mà quý thầy phải nhớ.
Ta không tôn trọng ý kiến người khác là tự cô lập mình. Tâm của vị Tăng như nước trong, để vô hình bầu thì tròn, để vô ống thì dài. Chúng ta không có định kiến, vì sống với tinh thần vô ngã vị tha. Hễ cố định thì thành hữu ngã, có cái Ta riêng, tất nhiên sẽ đụng với cái Ta của người khác. Hành đạo ở nơi nào, lấy phục vụ cho người là chính, lấy hạnh phúc của người làm hạnh phúc của ta. Cũng giống như Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời vì an lạc, vì hạnh phúc cho số đông, cho chư Thiên và loài người.
Với tinh thần vì an lạc cho người, Phật giáo đã hội nhập và phát triển được. Theo kinh nghiệm, tôi thấy rõ người hiểu và chấp nhận mình với điều kiện mình phải chấp nhận người trước. Thầy trụ trì mà không được dân chúng và chính quyền địa phương chấp nhận thì khó hành đạo được.
Ta chấp nhận người và nếu ta đúng, giỏi thì cái giỏi của ta sẽ bộc lộ trong việc làm, lời nói, cuộc sống của ta. Đến bất cứ nơi nào, tôi không tranh cãi, nhưng lóng nghe xem người bàn tán, suy nghĩ gì, mới đánh giá. Tu sĩ nên nghe nhiều hơn nói và chúng ta căn cứ vào lời nói, biết được suy nghĩ của người và biết thêm khả năng của họ. Không biết họ nghĩ gì, làm được gì, thầy trụ trì thất bại.
Xem suy nghĩ của người có đúng không, nói đúng, chúng ta theo. Nói sai, chúng ta nghe, nhưng không phản đối; chuyên phản đối, chống phá thì không phải là thầy tu. Họ nói không đúng, ta lặng yên lần chuỗi, vì lời nói của họ để cho ta hiểu biết đúng hay sai mà thôi. Còn chúng ta phản đối không được, sẽ bực tức, trấn át, không phải thầy tu. Họ nói đúng, chúng ta tôn trọng và góp ý thêm. Người lãnh đạo tốt thấy được cái đúng của người và góp ý để điều tốt được tốt hơn. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta góp ý, sửa đổi chút ít thôi, đừng sửa nhiều, người khó chịu. Mặc dù họ khiêm tốn, nhờ chúng ta chỉ dạy, nhưng cũng phải thấy tự ái của họ, nói thực thì họ giận liền. Trường hợp đó, tôi đành chấp nhận ý của họ và kết quả là họ rất vui vẻ mời tôi trà nước!
Thiết nghĩ thầy tu không có tài sản riêng, sống với bát cơm ngàn nhà, đừng làm mất lòng người. Chúng ta cần nhìn kỹ và lóng nghe hơn là nói. Tuy lắng nghe quần chúng Phật tử, nhưng đương nhiên chúng ta thấy đúng hơn họ, mà cũng đừng lấy ý của chúng ta áp đặt cho người. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói với Xá Lợi Phất rằng nếu nói chân lý của Phật thì tất cả sẽ đọa địa ngục, vì năng lực của chúng sanh chưa hiểu được, chưa tới gần chân lý. Phật không nói chân lý, nhưng nói phương tiện là cái gì họ nghe, tin và chấp nhận được chân lý để họ tiến gần đến chân lý .
Từ ý này, chúng ta hành đạo, chỉ nói và làm những gì mà người hiểu và cần, đương nhiên họ chấp nhận. Thí dụ ta thấy cần có chùa, nhưng cũng thấy khả năng của dân chúng chưa thể xây chùa thì ta không xây. Hoặc thấy trong vùng đó, người dân đặt vấn đề xây trường học, bệnh viện, nhà tình thương trước, thì chúng ta cũng không vội vã gì xây chùa. Lúc đó, chúng ta nên xây dựng Phật pháp trong tâm họ. Đối với tôi, xây chùa tâm linh khỏi mất công quản lý, chùa vật chất đặt ra cho ta vô số vấn đề. Làm sao cho người có niềm tin với Phật pháp, có cảm tình với Tam bảo là trong lòng họ đã có Phật, có chùa rồi.
Cơ sở vật chất tuy cần, nhưng tình người quan trọng hơn, vì xây dựng được tình người thì có tất cả. Trái lại, có cơ sở vật chất lớn lao mà tình người băng hoại thì rõ là địa ngục. Tôi luôn tâm niệm tất cả đều phải bỏ lại trần gian khi xác thân này bất động, chỉ có pháp Phật làm sáng lòng, dẫn đường cho chúng ta thăng hoa trong kiếp này và muôn kiếp về sau.
Thầy trụ trì đến nơi nào, cần thấy được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của dân địa phương và tùy theo đó mà hành đạo. Khi Phật tử cần xây chùa, họ tự bỏ tiền ra xây và là chùa của họ, nên họ tự giữ gìn. Chúng ta tự xây thì họ phá, trong khi chúng ta tu hành, cái ngã còn không có, huống chi là sở hữu của cái ngã làm gì có. Biến chùa thành ngôi nhà chung, cần thiết của nhân dân, của chính quyền thì họ có bổn phận lo lắng, gìn giữ. Kinh nghiệm cho tôi thấy rõ việc mà người muốn làm, chúng ta làm thì họ hoan hỷ; còn họ không muốn, chúng ta làm thì họ chận lại. Những việc làm của tôi thường không bị ngăn chận vì trước khi làm, tôi để cho họ thấy việc đó là cần thiết, họ sẽ nhờ và đôn đốc mình làm.
Điều quan trọng nữa là dân ở đây là dân tứ xứ, nên thầy tu cũng là tứ xứ mới hợp nhau. Thí dụ khu này tập họp dân Quảng Ngãi, nếu có thầy cũng xuất thân từ Quảng Ngãi thì tình cảm và suy nghĩ giống với họ, nên hành đạo dễ thành công hơn. Chúng ta ở nơi khác đến, cũng phải lấy tình cảm của người nơi đây làm tình cảm của mình mới sinh hoạt chung được.
Dân tứ xứ và thầy tứ xứ trao đổi kinh nghiệm cho nhau và đến từng khu vực phục vụ lợi ích cho người. Tôi được như ngày nay nhờ học ở Phật học đường Nam Việt, có dịp sống chung với các thầy xuất thân từ miền Bắc, Trung và các tỉnh miền Tây. Tôi học được kinh nghiệm của họ và hiểu được văn hóa của từng địa phương, nên sau ra làm đạo, ít làm mất lòng người.
Đến vùng đất mới, ta tôn trọng cái hay của người và đưa thêm cái hay của ta, nên kết quả nhân đôi, tốt hơn. Tốt của ta bao trùm tốt của người thì ta thành công, vì ta học được kinh nghiệm của họ, cộng thêm kinh nghiệm của ta, chắc chắn ta phải hơn họ. Các nhà truyền giáo đi vào lòng người, nhẹ nhàng thâm nhập là vậy. Kế nghiệp cha ông, chúng ta cần ghi nhớ điều này, các thầy phải tôn trọng nhau và học hỏi nhau, vì mỗi người có hoàn cảnh khác, nên phải tu khác.
Trở lại kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng Bồ tát mười phương không giống nhau, hàng Thanh văn thì ăn mặc và sinh hoạt giống nhau. Bồ tát không giống nhau, vì đa hạnh, tùy hình, đa dạng. Chúng sanh cần gì, Bồ tát tùy hình giáo hóa. Điển hình như Bồ tát Quan Âm có 32 ứng hiện thân và một thân Bồ tát để làm đạo, đến đâu mang thân thích hợp với nơi đó. Nếu giáo hóa ở Trời Phạm Thiên, Ngài làm Phạm vương, ở tam thập tam thiên, Ngài làm Trời Đế Thích …., xuống nhân gian cần làm tiểu vương, tể quan, cư sĩ hay đồng nam, đồng nữ…. thì Ngài hiện thân đó. Nếu cố định hình thức Sa môn, thì nó sẽ giết ta khi không thích hình bóng thầy tu, như thời Pôn Pốt nổi dậy ở Campuchia đã giết sạch tu sĩ Phật giáo, duy có ngài Um Sum là sống sót nhờ cởi áo ca sa, mặc áo nông dân.
Cái gì người cần, cái đó quý. Người tu Đại thừa nên đáp ứng cái cần của người, đừng cho những gì người không cần. Họ cần Phật pháp, chúng ta sẵn sàng giảng dạy; chưa cần thì thôi, chúng ta lo nỗ lực tu hành để hiện tướng giải thoát tiêu biểu cho việc làm đúng, người sẽ theo.
Kết quả trước tiên của người tu là bình tĩnh trong tất cả tình huống. Thầy tu dù ở cương vị nào cũng không chứng tỏ rằng ta có quyền uy sai khiến, hay bực tức, buồn phiền, nhăn nhó. Thầy tu dễ thương nhất là chấp nhận được tất cả gì người đổ lên cho ta. Phật dạy nhẫn nhục đệ nhất đạo là ý này. Ta không rày la, không nói, nhịn chịu tu hành sẽ được nhiều người quý trọng. Chúng ta la, người sợ, nhưng la nhiều có hai điều hại cho ta. Một là la nhiều thành tướng hay la, người không sợ nữa hoặc tránh ta vì ta hay la hoảng, là tự cô lập mình. Hai là la quen thành nghiệp, thành tánh, không bỏ được. Ban đầu chúng ta la đúng, nhưng dần dần thành la bậy, la hoảng. Tôi thấy một số thầy không lãnh đạo được nữa vì phạm sai lầm này. Đức nhẫn nhục và lòng từ ái là điều quan trọng đối với thầy tu.
Về pháp môn tu, Đức Phật có 84.000 pháp tu ứng với 84.000 phiền não trần lao của con người và theo Đại thừa, trong phiền não trần lao có Phật pháp. Các thầy tu nghĩ tránh xa phiền não là sai. Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não là ba thứ cần thiết để Bồ tát tiến đến Vô thượng chánh đẳng giác, ví như trong chốn hoang mạc không có phân nước hay trong hư không, bồ đề thọ vương không thể mọc được. Chúng sanh không có nghiệp và phiền não, Bồ tát không có việc làm. Người có tâm bệnh mới cần thầy chữa tâm bệnh. Việc của chúng ta là làm an chúng sanh. Người buồn phiền gặp thầy tu có sức nhẫn và tâm an lạc giải thoát sẽ tác động cho người an lòng và phát tâm tu theo ta.
Theo tôi, những người đến chùa đều có vấn đề, không có việc, không bao giờ họ đến chùa. Thậm chí, ta thấy những người siêng năng tu hành, đừng tưởng họ tốt, họ đang gặp vấn đề lớn, đau khổ nhiều, nên mới tu! Người đến chùa đều có tâm sự, ta phải nhắm vô đây mà giải quyết là cách tu của chúng ta. Theo ta, lần lần oan gia nghiệp chướng được nhẹ bớt, họ được an vui, nên gắn bó với ta nhiều hơn. Cần chuẩn bị sở trường của ta để giải quyết gút mắc cho người. Trước nhất là mới tới vùng rừng thiêng nước độc, người dân tha phương cầu thực thường tin ở sức mạnh vô hình. Thấy thầy tu, chắc chắn ít nhiều họ có tin tưởng. Trách nhiệm thiêng liêng của quý thầy là xây dựng cho họ thành người gắn bó với đạo. Thể hiện tinh thần từ bi vị tha, quý thầy cần an ủi người, trong mọi tình huống làm cho người gắn bó mật thiết với chùa, với Phật pháp, với quý thầy nhiều hơn. Giáo dưỡng người trở thành người Phật tử thuần thành, sống theo lời Phật dạy là quý thầy phần nào đền đáp được công ơn của thầy Tổ, của đàn na tín thí và tiến gần đến quả vị Vô thượng giác.