Sách
(Bài giảng tại khóa Bồi dưỡng trụ trì, tổ chức tại chùa Tam Bảo, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ngày 18-7-1999)
Trụ trì nghĩa là trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng, tức ở nhà của đấng Pháp vương, giữ gìn pháp tạng của đấng Pháp vương. Như vậy, tất cả chùa được coi là cơ sở Phật giáo, là nhà của Phật, thì điều quan trọng của trụ trì là phải làm cho người thấy được chùa là nhà của Phật và trong nhà của Phật đương nhiên có những điều mà bên ngoài không có được, nên người phải tìm đến chùa. Đó là bước đầu mà vị trụ trì phải ý thức được mình đang sở hữu kho báu của Như lai, cần phải giữ gìn và ban phát cho quần chúng.
Nhà Như lai khác với nhà thế gian ra sao? Ở thế gian luôn luôn phân cực thiện ác, phải trái, vui buồn, làm việc và không làm việc. Và khi người đời đã lao vào làm thì bao nhiêu việc xảy ra khiến cho thân thể và tâm lý của họ phải chuyển biến theo tác động của hoàn cảnh.
Vị trụ trì ở trong nhà Như lai thì khác hẳn. Người đời gặp việc vui buồn, tốt xấu, tâm họ sẽ quay cuồng theo đó. Còn ở trong nhà Như lai, dù hoàn cảnh vinh nhục thế nào, tâm vị trụ trì cũng không thay đổi, không lo sợ, buồn vui.
Thật vậy, bước chân vào nhà Phật, chúng ta phải có ý niệm đó trước, không để việc thế gian làm bận tâm, thậm chí kể cả mạng sống của mình, vì chúng ta đang cầu mạng sống vô cùng, pháp thân bất tử, nên sẵn sàng đánh đổi mạng sống ngắn ngủi, giả tạm này để có được mạng sống vĩnh hằng, thì cũng không tiếc gì.
Từ đó, chúng ta như như bất động trước mọi thuận nghịch của cuộc đời. Tâm hồn của trụ trì là như vậy. Người đời ở nhà họ khổ sở, sợ sệt, lo lắng đủ thứ, nên vô chùa để được an trú trong sự thanh thản. Trong thời chiến tranh, chúng ta thấy rõ điều này. Người dân sống trong cảnh bom rơi, đạn lạc, cái chết rình rập từng phút giây, họ vào trú thân trong chùa, trên có Như lai, dưới có sư an nhiên, tự tại, tác động cho họ cảm nhận được sự bình ổn.
Nếu vị trụ trì dao động, buồn phiền theo thế gian, là phạm tội phá pháp vì đã làm cho người lầm tưởng pháp của Phật cũng như thế gian. Phải rèn luyện tâm bất động, từ đó huệ phát sanh, trí sáng suốt mới giáo hóa được chúng sanh và làm an lạc cho mọi người. Chính yếu tâm trạng và cuộc sống của trụ trì như vậy, là thể hiện được ý nghĩa trụ Pháp vương gia.
Kế đến là trì Như lai tạng. Ngoài tạng kinh hay lời Phật dạy lưu lại trong tủ kinh, còn có tạng bí yếu của Như lai quan trọng hơn. Đó là bạch tự kinh, không có chữ, không đọc được, nên đòi hỏi chúng ta phải có tâm hồn yên tĩnh mới nhận được gia trì lực, mới duyên được với thế giới Phật.
Thâm nhập được tạng bí yếu này và áp dụng trong cuộc sống, mới giữ gìn được, tức trì được Như lai tạng và sẽ có sức thuyết phục lớn, làm cho quần chúng kính ngưỡng, an lành. Tu cao thấp khác nhau ở điểm đó và Phật giáo tồn tại lâu dài cũng nhờ ở phần tuyệt mỹ này.
Trên bước đường tu, giữ được Như lai tạng dưới hai hình thức: giữ được tạng bí Như lai và làm an lạc cho trời, người; đó là trình độ của những vị tu cao. Hạng thứ hai, thấp hơn là pháp sư tam tạng, giữ được hiển giáo hay kinh luật luận.
Như vậy, vị trụ trì giữ tạng Như lai không học, hiểu kinh luật luận, không thể hướng dẫn quần chúng được. Không phải chỉ thông suốt tam tạng trên văn tự, mà trụ trì còn phải ứng dụng kinh luật luận có kết quả tốt trong cuộc sống của chính mình.
Thí dụ, một người trì luật rơi vào chấp giới điều, bị giới ràng buộc, bản thân không giải thoát mà cũng không làm lợi cho người khác. Nhưng nếu trì luật thanh tịnh, lợi ích cho ta và người là thể hiện tinh thần thông suốt được tam tạng giáo điển.
Luận tạng nằm trong biện tài của chư Tăng. Trụ trì không có tài biện bác để quần chúng hiểu ta và Phật, làm sao giáo hóa người, truyền bá đạo.
Từ căn bản thông suốt tam tạng và giữ được tạng bí yếu của Như lai, trụ trì ra làm việc lợi ích chúng sanh. Vì trụ trì một ngôi chùa là cơ sở của Giáo hội, thay mặt Giáo hội hướng dẫn quần chúng tín ngưỡng đạo Phật, tất nhiên phải hiểu rõ tất cả văn kiện, nghị quyết liên quan đến Giáo hội. Tất cả phải thống nhất lấy Hiến chương và Nội quy của Giáo hội làm chuẩn để sinh hoạt, không phạm phải mâu thuẫn, chống đối nhau, gây bất lợi cho đạo pháp.
Ngoài ra, khi hành đạo, đòi hỏi chúng ta nhiều, nhưng theo tôi, căn bản là 4 pháp nhiếp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự), để chúng ta thay Phật, nhiếp hóa được người.
Có người nghĩ bố thí là lấy của cho người, thậm chí cho hết, kể cả mạng sống, mới là bố thí ba la mật, hoặc bố thí bất nghịch như ý, ai xin gì ta cũng phải cho. Nghĩ đơn giản như vậy, không khéo thiên hạ lợi dụng chúng ta hiểu sai giáo lý Phật để đập ngược lại ta.
Bố thí là phương pháp để giáo hóa chúng sanh, không phải cho để người sa đọa hay để họ lợi dụng pháp này mà đi vào đường sai trái. Chúng ta cần ý thức bố thí để nhằm mục tiêu gì.
Đức Phật dạy nếu ta nuôi một người suốt cả cuộc đời, đến khi họ chết, ta và họ cũng chẳng được gì, đó là bố thí của người ngu. Bố thí để mất trắng tay như vậy, chẳng nên làm.
Theo kinh Pháp Hoa, Phật nói bố thí suốt đời không bằng cho người một lời khuyên để người hiểu đạo. Vấn đề chính là làm cho họ hiểu đạo. Hiểu đạo, bước đầu là hiểu được ta, hiểu lòng ta và hiểu Phật. Không có mục tiêu này, bố thí trở thành lãng phí.
Trong kinh Thắng Man, bà Thắng Man phát nguyện bố thí với điều kiện người thọ thí của bà đời đời sanh ra không bao giờ nghèo khó nữa. Nói cách khác, bố thí để giúp họ đi lên, không phải để ăn hại.
Tôi bố thí cũng theo dõi xem người tôi giúp có lên được không, còn họ ngồi chờ ta bố thí thì nghiệp họ càng nặng thêm và khổ hơn, chắc chắn phải vào địa ngục và ta phải gánh lấy hậu quả ấy.
Vị trụ trì hành bố thí kèm theo tâm lượng rộng lớn, người nhận của thí phải phát tâm bồ đề, có lòng thương người và cũng giúp lại người khác giống như vị trụ trì đã làm. Điều đó, nghĩa là họ đã hiểu được tấm lòng tốt của vị trụ trì, của đệ tử Phật và phát tâm đi theo con đường Phật dạy.
Như vậy, càng tu hành, đạo đức ta càng cao và cảm hóa được nhiều người, là điều tôi tâm đắc nhất. Giúp ai, tôi luôn nghĩ trước tương lai của họ sẽ về đâu và luôn cầu mong đời này cho đến nhiều đời sau, họ và ta đều là bạn tốt cùng song hành trên đường tu học, không phải bố thí để bỏ.
Theo tinh thần bố thí nhằm mục tiêu giúp người thăng hoa đạo hạnh, Bồ tát hy sinh cả thân mạng để cứu chúng sanh. Chúng sanh nghĩ đến việc làm cao cả của Bồ tát đã hoàn toàn vì họ, nhớ đến ơn đức sâu dày của Bồ tát mà họ phát tâm làm theo Bồ tát.
Trì Như lai tạng nghĩa là giữ gìn cơ sở đạo pháp đối với Giáo hội và giữ được tạng pháp của Như lai, tức thể hiện giáo pháp trong cuộc sống. Người đời thấy chúng ta cao thượng, kính trọng ta và đạo pháp, đó là điều mà chúng ta nghĩ đến khi hành bố thí.
Thắng Man còn nguyện rằng hàng nhị thừa nhận bố thí của bà đều thành Thánh quả, nghĩa là bố thí có mục tiêu, sẵn lòng vì đạo pháp. Đối với người tu, thì nguyện cúng dường, nhưng họ phải tu cho đắc đạo, xứng đáng làm thầy của trời người.
Cúng dường như vậy, chúng ta sẽ có những vị thầy trong tương lai, các vị trụ trì tương lai xiển dương Phật pháp. Còn tốt bụng để cho kẻ xấu ác lợi dụng, khoác áo làm sư giả, làm hại đạo.
Theo hạnh nguyện của Thắng Man, bố thí giúp người phát tâm bồ đề, trở thành Phật tử chân chánh và cúng dường để người tu học, đắc đạo. Không bố thí, cúng dường để người lợi dụng lòng tốt, sanh tâm khinh dễ ta, xem thường đạo.
Mục tiêu bố thí của lục độ, khác với bố thí nhiếp hóa. Bố thí khi hành pháp lục độ nhằm làm cho tâm chúng ta trong sạch, quyết tâm tu, không ham muốn, tiếc nuối tài sản, hay bất cứ thứ gì, kể cả thân mạng.
Ngoài pháp bố thí, vị trụ trì cần có lời nói, giọng nói khiến người nghe phát tâm. Có thầy luyện tập giọng nói, nhưng theo tôi luyện tập là giả. Người tu trong lòng thế nào thì phát xuất ra lời nói như vậy. Ngôn ngữ của chúng ta hôm nay do nhân tạo từ quá khứ, không luyện được. Nếu đời quá khứ, chúng ta đã tạo nhân ác khẩu thì đời này bị sứt môi, thụt lưỡi, ngọng nghịu, lời nói người không nghe được, không chấp nhận. Có 4 ác nghiệp của miệng từ đời trước, thì đời này không thể làm trụ trì, không thể lãnh hội pháp âm Phật, không thể nói pháp Phật.
Ta biết còn khiếm khuyết này, ráng giữ gìn khẩu nghiệp, làm sao có lời nói êm tai, mát lòng phát xuất từ tình thương chân thật, làm người cảm kích, phải nghe theo. Nói cách khác, vị trụ trì phải có sức thuyết phục bằng tấm lòng, khác với lời hoa mỹ ru ngủ người.
Thắng Man nói rằng hành 4 pháp nhiếp không theo ý đồ của riêng mình. Nếu dùng lời nói trau chuốt để người xiêu lòng, sau này họ khổ và ta hưởng lợi, đó là người ác xấu, không phải đạo. Đừng bao giờ tập hợp quần chúng để thực hiện mưu đồ nào, vì làm khổ người, oan gia tương báo không bao giờ cùng tận.
Trên bước đường tu, cố gắng làm cho phiền não ngủ yên, lắng xuống, để tâm từ bi sôi động lên và phát xuất ra lời nói nhẹ nhàng tràn đầy tình thương. Bấy giờ, người theo ta vì tấm lòng từ ái. Còn tâm hồn bực tức, sân si, không thể có lời nói nhẹ nhàng.
Hai pháp nhiếp sau cùng mà tôi suy nghĩ nhiều, là lợi hành và đồng sự. Tất cả nhà truyền giáo đạo Phật từ xưa đến nay bước chân hành đạo đến đâu, không mang của cải theo. Tới chỗ nào là hòa nhập vào sinh hoạt quần chúng nơi đó và từ căn bản này phát triển lên.
Theo tinh thần này, vị trụ trì hành đạo ở nơi nào phải tùy thuận nơi đó, ở Rạch Giá phải khác thành phố Hồ Chí Minh. Và điểm quan trọng của lợi hành, đồng sự là làm sao cho người thấy rằng chùa là của chung của mọi người, không phải của ta. Nếu thấy đó là của riêng trụ trì thì họ dại gì mà giữ, họ sẽ phá và lấy được là họ lấy liền. Còn thấy của họ thì họ phải bảo vệ.
Vì ta thực tu, ở am, cốc hay gốc cây cũng xong, cần chi chùa này. Thực chất ta không cần, nhưng chùa là chỗ tu học của nhiều người, họ phải bảo vệ. Thực tế chúng ta thấy nhiều chùa, trụ trì cố giữ và quần chúng cố lấy, dẫn đến thưa kiện, không phải là đạo.
Nếu trụ trì nghĩ rằng chùa của mình là đọa xan tham liền. Thật vậy, chùa hình thành từ đầu và duy trì đến ngày nay là do trải qua lịch đại các trụ trì và các tầng lớp đàn việt đầu tư vào để bảo trì. Trách nhiệm của ta làm sao cho người thấy chùa là của chung, tất cả phải có bổn phận giữ gìn, mới duy trì được cơ sở. Đừng biến của công thành của riêng.
Từ ý niệm chùa mà chư Tăng ở là của Phật, của bá gia bá tánh, vị trụ trì sống theo tinh thần bình đẳng, cùng hòa hợp với đại chúng và hài hòa với Phật tử. Tôi hầu Tổ Khánh Anh thấy ngài có cuộc sống thật đặc biệt, thể hiện rõ nét sắc thái lợi hành và đồng sự.
Ngài ở chùa Phước Hậu, giữ ngôi vị Pháp chủ, đứng đầu Giáo hội, nhưng khách đến thăm cũng không nhận ra ngài, vì sư cụ sống bình đẳng với đạo chúng. Ngài cũng đồng sự nhiếp, ra làm vườn, mặc quần ngắn, ở trần, làm như chúng.
Đời sống của trụ trì càng hòa hợp càng tốt. Đừng sống cách biệt với người. Đức Phật của ta xưa kia xuất thân từ giai cấp cao sang nhất, nhưng đã hạ mình, sống với giai cấp thấp nhất. Chúng ta đừng để rơi vô tình trạng cất chùa xong, ta và người chống nhau là hỏng.
Tùy theo công việc, xếp đặt có khác, lên chánh điện thì thầy trụ trì đứng giữa, nhưng xuống nhà trù, thì vị trụ trì ăn cũng như người. Thậm chí, ăn đơn sơ hơn mà làm vất vả hơn, việc khó hơn, thì mới lãnh đạo được chúng.
Vị trụ trì nhẹ nhàng đối với ba việc ăn, mặc, ở, tức đã khắc phục được nghiệp, nên hòa nhập xã hội dễ hơn, gần gũi quần chúng hơn và làm được cho đời nhiều hơn, thì được người kính trọng, thương mến.
Thầy trụ trì giỏi thì có việc gì khó, người tìm đến nhờ giải quyết. Trước nhất là nhờ việc cầu an. Tụng kinh cầu an cho họ ở bước đầu, nhưng bước thứ hai, vị trụ trì phải khuyên họ sống như thế nào để được bình yên thực sự, tức phải có tuệ giác vô thượng mới có khả năng hướng dẫn cho người sống an lành.
Hoặc mới đầu tụng kinh, viết sớ cầu siêu, nhưng nếu họ hỏi thêm rằng cha mẹ họ có siêu thực không và siêu về đâu? Chúng ta căn cứ theo cái chết của người thân họ và lòng thành của con cháu, cộng với linh cảm của ta có được do tu hành mà giải thích cho họ biết người chết đã đi lên hay đi xuống.
Như vậy, từ khởi đầu cầu an, cầu siêu ở chánh điện, sang bước thứ hai, họ và ta gần gũi hơn và bước thứ ba, san sẻ kinh nghiệm sống của ta cho người. Các nhà truyền giáo từ xưa đến nay trải qua quá trình giáo hóa lợi ích như vậy, tạo thành thế Phật giáo càng thân thương, gắn bó với cuộc đời hơn.
Lợi hành và đồng sự quan trọng ở điểm thể hiện được lời khuyên và việc làm lợi cho người, còn bản thân ta, không cần gì, chỉ có 3 y 1 bát, ngày một bữa cũng không thiếu. Ta hiện hữu vì lợi ích cho người, không có lợi riêng ta, nên được người thương.
Mặc dù mang đến lợi ích, an vui cho người, nhưng ta vẫn sống hài hòa với người, họ không thấy ta trên họ và không bao giờ thấy họ phải phục vụ ta. Theo tôi, vị trụ trì dễ thương nhất là không bắt người phục vụ mình, nhưng sẵn lòng phục vụ người, đó là lợi hành và đồng sự, cùng làm, nhưng hưởng thì nhường cho người, việc thì ta gánh vác. Được như vậy, chắc chắn đại chúng thương mến và thành công trên bước đường hành đạo. Đó là những gì trụ trì cần suy nghĩ, cân nhắc.
Tóm lại, vị trụ trì cần 3 việc thực tế nhất. Trước tiên, phải có tấm lòng, đến đâu mang lòng đại bi đến đó trước. Ở chùa nào thì phải thương chùa đó, trải tấm lòng cho bổn đạo nơi đó.
Kế đến, vị trụ trì phải hiểu biết hơn người, vì họ không được học nhiều, không hiểu nhiều. Còn ta không kẹt việc ăn, mặc, ở, nên tu được, học được nhiều, phải hiểu hơn họ. Những gì người thường biết, trụ trì phải biết; những gì họ không biết, ta biết, mới có thể cố vấn cho họ được.
Thứ ba là phải có sức khỏe tương đối tốt, còn ốm yếu, bịnh hoạn, có muốn làm việc cũng không được. Phải rèn luyện cơ thể khỏe mạnh để làm lợi ích cho đạo, phục vụ cho đời.
Một vị trụ trì có được tâm lực, thể lực và trí lực, thì ở đâu cũng hành đạo thành công, xứng đáng là trưởng tử Như lai, thay Phật hiện hữu trên cuộc đời, mang an vui, giải thoát cho mọi người.