Sách
Học kinh Nguyên thủy chính là xây dựng mẫu người đạo đức, một Tỳ kheo đức hạnh. Đúc kết giáo lý Nguyên thủy, chính yếu là thực hiện 37 trợ đạo phẩm trong cuộc sống và cuối cùng hình thành tư chất đạo đức của một người tu kiểu mẫu thể hiện bát chánh đạo. Và đi vào kinh điển Đại thừa, tinh thần bát chánh đạo cũng được gắn liền với ba nghiệp của chúng ta để chuyển hóa ba nghiệp trở thành thanh tịnh, thì trần duyên không còn ràng buộc, sống phạm hạnh giải thoát làm lợi lạc cho người, cũng thể hiện mẫu người đức hạnh. Nói kinh Vô lượng nghĩa xong, Đức Phật đi sâu vào định, gọi là Vô lượng nghĩa xứ định.
Nói kinh Vô lượng nghĩa bằng ngôn ngữ, nhưng nhập Vô lượng nghĩa xứ định, Phật lặng thinh, hay có thể hiểu là Bổn môn Pháp Hoa không nói, nhưng nhìn vào xã hội, vào tâm thức chúng sinh, vào Pháp giới, thấy tất cả sự vật luôn biến đổi. Vì sự vật thoáng qua rồi trở về quá khứ, nên không thể diễn tả bằng ngôn ngữ sức sống diễn tiến liên tục, vừa nói thì nó đã trôi qua. Chính vì vậy mà kinh Văn Thù khẳng định rằng trong suốt 49 năm, Phật chưa từng nói; nghĩa là Đức Như Lai không nói, mà Đức Thích Ca nói.
Trong Vô lượng nghĩa xứ định, Đức Phật không sử dụng ngôn ngữ, mà sự yên lặng của Ngài tác động một cách tốt đẹp đến tâm hồn của tất cả mọi người, nên có bốn thứ hoa trời là Mạn đà la, Ma ha Mạn đà la, Mạn thù sa và Ma ha Mạn thù sa rơi xuống.
Nhập Vô lượng nghĩa xứ định có thể hiểu là ngày nay Phật đã Niết bàn, không nói, nhưng tất cả mọi người ở trần gian luôn nhận được sự an lành từ giáo pháp Phật truyền trao và niềm vui kỳ diệu cùng sự thuần khiết theo Phật đã thấm sâu vào con tim khối óc của cả nhân loại, thấm đẫm trong cuộc sống của mọi người. Có thể thấy rõ sau khi Phật Niết bàn, lời dạy của Đức Phật đã thật sự có giá trị tuyệt đối. Các vị Thánh Tăng, A la hán nhận ra ý nghĩa sâu xa của lời Phật chỉ dạy và ứng dụng vào cuộc sống, lập giáo khai tông, tạo nên những ngọn đuốc soi đường cho loài người sống an vui, làm cho xã hội tốt đẹp, mà kinh diễn tả bằng bốn loại hoa trời vừa nói.
Hoa Mạn đà la còn gọi là Ý lạc hoa tiêu biểu cho sự an vui. Đối với người tu, quan trọng nhất là tâm an vui. Niết bàn hay Cực lạc chính là đời sống an vui. Tuy công việc cực nhọc, nhưng sống theo tinh thần Phật dạy, nhận được sự gia hộ của Phật và cảm nhận niềm an vui kỳ diệu như đang sống ở cõi trời. Có tâm an vui mới tu được. Hoàn cảnh khổ, mà vẫn vui trong nếp sống đạo hạnh, mọi điều tốt lành sẽ tự động đến. Tuy nhiên, muốn an vui thì phải sạch nghiệp trước, được tiêu biểu bằng hoa Mạn thù sa là hoa tinh khiết rơi xuống có tác dụng tiêu nghiệp. Nhờ đã trải qua quá trình thể nghiệm pháp Thanh văn thành tựu 37 trợ đạo phẩm, tâm hành giả trở nên trong sạch, thuần khiết. Vì thế, giữa hành giả và chư Thiên đồng nhau ở tâm tinh khiết. Tuy còn mang thân tứ đại ngũ uẩn ở nhân gian, nhưng tâm hành giả đã sống với trạng thái siêu thức, mới thâm nhập thế giới siêu nhiên, mới thấy được thế giới của chư Thiên, hay thấy hoa trời.
Lấy yếu chỉ kinh trang nghiêm thân tâm sẽ nhận được những Thiên hoa này rơi vào lòng, nghĩa là có tâm thuần khiết và tâm an vui mới tu Pháp Hoa được. Ở giai đoạn trước, kinh Vô lượng nghĩa đã xây dựng đạo đức và tri thức, chính hai chất liệu này giúp cho hành giả an vui và trong sạch thật sự, là thềm thang để bước vào Pháp Hoa hay nhất Phật thừa. Nói cách khác, tâm an vui, thuần khiết là cốt lõi của đạo Phật và cũng là yếu nghĩa của Pháp Hoa. Điều này một lần nữa muốn xác định cho chúng ta thấy kinh Pháp Hoa không cố định, việc tu hành chính yếu là làm thế nào tâm an vui và sạch nghiệp, mà đỉnh cao là Niết bàn. Ý này chư Tổ thường diễn tả là "Chuyển khổ duyên nhi thành lạc cụ, sái nhiệt não nhi đắc thanh lương”.
Phẩm Tựa kinh Pháp Hoa nói rằng trong Vô lượng nghĩa xứ định, Đức Phật phóng một luồng hào quang chiếu khắp 18.000 thế giới ở phương Đông, dưới đến địa ngục A tỳ, trên đến Trời Sắc cứu cánh. Nương theo ánh quang Phật, chúng sinh thấy đầy đủ sinh hoạt trong tứ sanh lục đạo, thấy có Phật ra đời, có Bồ tát cứu nhân độ thế, có hàng nhị thừa trụ Niết bàn và thấy có chúng sinh đau khổ luân hồi, v.v... Hình ảnh này nhằm thể hiện nghĩa gì ?
Đức Phật thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề, có tam minh lục thông mới thấy được sinh hoạt của hàng tứ thánh lục phàm một cách tường tận. Và suốt cuộc đời du hóa của Đức Phật, Ngài truyền trao thấy biết đúng như thật ấy, giúp chúng ta biết được mối tương quan tương duyên như thế nào giữa Phật Thích Ca với chư Phật, giữa Phật với Bồ tát, giữa Phật với chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi. Kinh Pháp Hoa diễn tả trí tuệ siêu tuyệt thông suốt mười phương Pháp giới của Đức Phật bằng hình ảnh hào quang phóng ra từ bạch hào tướng của Ngài. Theo Nhật Liên Thánh nhân, chỉ một câu này trong phẩm Tựa đã tổng hợp được 49 năm thuyết pháp giáo hóa, Đức Phật cứu độ được tất cả thành phần xã hội từ hàng Bồ tát, La hán, Thanh văn cho đến trời người.
Nhờ tâm an lạc và thuần khiết mới thấy được 18.000 thế giới hiện ra trong ánh quang Phật. Nói cách khác, nương theo giáo lý Phật, trí tuệ bắt đầu sinh ra, đứng ở bờ giải thoát hay thể tánh vô sai biệt mà nhìn lại thế giới sai biệt của sáu đường chúng sinh, mới thấy đúng như thật. Thấy người giàu, người nghèo, người hung dữ, người hiền lành, người bố thí, người lừa đảo, v.v..., nói chung, thấy mọi việc trên cuộc đời, từ việc xấu nhất là địa ngục A tỳ cho đến việc tốt nhất là Trời Hữu đảnh thuộc thế giới sai biệt, thấy tất cả đều đúng. Vì với ánh sáng trí tuệ theo Phật, những gì chúng ta đang hưởng hay phải gánh chịu đều theo định luật ba đời nhân quả, mọi việc đều có nguyên nhân và hậu quả, những gì chúng ta gặp hôm nay đều do nhân quá khứ đã tạo. Đệ tử Phật thấy rõ không sai lầm, nên không buồn phiền, oán trách, bực tức người khác, mà nỗ lực chuyển hóa nghiệp chướng và phiền não của chính mình, tịnh hóa thân tâm mình.
Ngoài ra, còn thấy những người tu trong giáo pháp Phật là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Thấy từng sinh hoạt trên cuộc đời, có người Thiền định, có người tụng niệm lễ bái, có người đi khất thực, có người làm từ thiện, v.v... Những người này được hoặc không được kết quả tốt, nhưng tất cả mọi việc đúng sai đều có cái lý của nó để cho chúng ta kinh nghiệm tu hành; thậm chí thấy việc sai lầm của người khác là hình ảnh quá khứ của chính mình. Nhờ ánh quang Phật cho chúng ta cái thấy đúng đắn như vậy để chọn lựa con đường đi của mình; ở lập trường Bổn môn, Bồ tát cứu khổ ban vui, thành tựu lục độ vạn hạnh, là đối tượng chính yếu để chúng ta quan sát. Quán sát kỹ, thấy biết đúng, chúng ta mới nhập cuộc. Trước chúng ta chưa thấy đúng mà lao vào sinh tử, nên bị khổ đau triền miên. Nay hành Bồ tát đạo, kết làm quyến thuộc của Bồ tát, nương vào các vị Bồ tát hành đạo, chúng ta nhận chân được cách làm của Bồ tát luôn đem lại an vui giải thoát cho mọi người; đó chính là tu Pháp Hoa mà chúng ta học theo và thực hiện cho được.
Dưới lăng kính Pháp Hoa, thấy trong Thiền định là thấy thế giới Không hay thế giới của Bát Nhã giải thoát, nên không còn tâm ham muốn thế giới phù du ảo ảnh này nữa và hành giả đi vào thế giới thứ hai gọi là thật tướng các pháp. Kinh Pháp Hoa nói rằng chỉ có chư Phật mới biết rõ thật tướng các pháp, còn từ hàng Bồ tát trở xuống không thấy được. Tuy nhiên, hành giả Pháp Hoa nhờ tâm an vui thuần khiết trong Thiền định, thâm nhập thế giới Không và nhận được yếu nghĩa của chân thật pháp là chơn Không diệu hữu, không phải "Không” suông, không được gì.
Đức Phật trụ trong Vô lượng nghĩa xứ định là chơn Không và từ chơn Không hiện ra diệu hữu trong cuộc sống của Ngài. Thật vậy, quan sát cuộc đời hành đạo của Đức Phật, chúng ta thấy tất cả Tỳ kheo quy tụ bên Phật, kế là các vị giáo chủ ngoại đạo, cho đến hàng vua chúa, những người giàu có cũng như quần chúng đều quy ngưỡng theo Phật. Đức Phật không dụng tâm tìm cách kêu gọi, mọi người tự tìm đến Ngài. Rõ ràng hàng đại đệ tử Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, Ca Diếp... đều là những nhà tư tưởng lớn đương thời, đâu dễ khuất phục người khác; vậy mà họ đã tìm Phật để tôn làm đại Đạo sư, hết lòng tu theo Phật. Ngài Trí Giả gọi đó là sự giáo hóa mầu nhiệm, tức giáo hóa bằng tâm là chính yếu, giáo hóa trong tâm tốt thì sự giáo hóa trên hiện tượng cũng tự động tốt theo.
Ngoài Đức Phật, chư Tổ cũng thể hiện tinh thần giáo hóa độ sinh theo Bổn môn Pháp Hoa. Điển hình là Tổ Huệ Đăng sau khi chống Pháp thất bại, Ngài ẩn nấp vào chùa Long Hòa ở chân núi Thiên Thai và được Tổ Hải Hội che chở, giáo dưỡng. Ngài đã cảm tâm cảm hạnh của Tổ mà xuất gia, sau trở thành vị Tổ của Thiên Thai Thiền giáo tông. Hoặc Tổ Phi Lai cũng vào miền Nam lẫn trốn, ở chùa Giác Viên công quả và cảm đức Tổ Minh Khiêm Hoằng Ân mới phát tâm xuất gia, trở thành pháp sư nổi danh. Điều này cho thấy các vị Tổ sư tu chứng chơn Không đã có được "diệu hữu” nghĩa là đã chuyển hóa được tâm đau khổ, thù hận trở thành tâm sáng suốt, an lạc, giải thoát cho những người hữu duyên tìm đến nương tựa các Ngài. Đó chính là cốt lõi mà kinh Pháp Hoa muốn chỉ dạy.
Đằng sau cái không mà là "chơn Không” thì đầy ắp cái hữu, nhưng là "diệu hữu” được chư vị Tổ sư Thiền tông diễn tả là :
Vô nhất vật trung vô tận tạng
Hữu hoa hữu nguyệt hữu lầu đài.
Trong vô tận tạng của chư Phật, của chư vị Tổ sư đắc đạo, nhìn bằng mắt thường thấy không có một vật nào cả. Tuy nhiên, thâm nhập thế giới chơn Không, các Ngài đã sống với bản thể của muôn sự muôn vật, thì trở về hiện tượng giới, tất cả vạn vật như trăng sao, hoa lá, lầu đài đều hiện hữu đầy đủ, không thiếu thứ gì cả. Thực tế cho thấy những ngôi chùa nguy nga tráng lệ trên khắp năm châu đều được hình thành từ những bậc chân tu thạc đức không có tiền của, kinh gọi là dùng công đức trang nghiêm.
Ngoài ra, kinh Pháp Hoa có một điểm quan trọng mà kinh khác không có. Tất cả kinh Phật nói xong thì Ngài Xá Lợi Phất, hay A Nan, v.v... mới hỏi kinh tên gì, thọ trì như thế nào. Riêng kinh Pháp Hoa, Phật không đặt tên kinh mà tên kinh có trước rồi. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cho biết vô số kiếp trước có Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, kế đến có hai vạn Phật đồng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh.
Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau cùng có tám vương tử và Ngài cũng nói kinh Vô lượng nghĩa và nhập Vô lượng nghĩa xứ định. Sau khi xả định, Ngài nói Pháp Hoa và thọ ký cho Đức Tạng Bồ tát thành Phật. Vì thế, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói điềm lành này trong pháp hội của Đức Phật Thích Ca ngày nay không khác với điềm lành ngày xưa thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, nên nghĩ rằng Phật sẽ nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
Trong quá khứ, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói Pháp Hoa, nay Phật Thích Ca cũng nói Pháp Hoa, hay ba đời chư Phật đều nói Pháp Hoa, nghĩa là chân lý là một, quá khứ và hiện tại là một mà Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thấu tỏ. Tất cả những gì chúng ta làm trong quá khứ dẫn đến hiện tại chúng ta có và hiện tại sẽ tạo thành kết quả trong tương lai. Thật vậy, dòng lịch sử tiếp nối từ quá khứ thông suốt đến tương lai mà Pháp Hoa muốn nói là chân lý muôn đời không thay đổi. Phật Thích Ca hiện tại và Phật quá khứ Nhật Nguyệt Đăng Minh thuyết pháp giống nhau là pháp tam thừa mang an vui giải thoát cho người. Nói chung, kinh Pháp Hoa mà ba đời chư Phật thọ trì đều giống nhau, giống trên bản thể và giống ở việc làm lợi ích cho đời, nhưng cách làm thì khác nhau. Vì vậy, từ tâm chứng chơn Không, khéo sử dụng phương tiện sẽ tạo nên muôn vàn điều tốt đẹp cho mọi người; còn chấp trước, kẹt vật chất sẽ đưa chúng ta và mọi người đi vào con đường khổ đau.
Và một điểm đặc biệt khác, trong phẩm Tựa nói rằng thời Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh có hai vị Bồ tát là Diệu Quang và Cầu Danh. Cầu Danh tái sinh làm Di Lặc Bồ tát ngày nay, còn Diệu Quang nay là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Điều này nhằm nói rằng xưa và nay không khác, hay tu tạo nhân quá khứ thế nào sẽ kết thành quả báo tương ưng hiện tại như thế. Diệu Quang pháp sư gieo trồng trí tuệ, nên tái sinh là Bồ tát Văn Thù trí tuệ bậc nhất. Cầu Danh gieo trồng phước báo, nên hiện thân lại là Di Lặc Bồ tát. Mặc dù bị chê là Cầu Danh, nhưng Ngài không buồn giận, vẫn tiếp tục đến nhà sang giàu giáo hóa, tức quyến thuộc của Ngài là chư Thiên có phước báo được Ngài hóa độ để xây dựng chùa tháp tạo điều kiện cho người tu. Nói theo ngày nay là xin của người giàu để bố thí hoặc xây chùa cho người nghèo tu. Từng bước tu như vậy, tạo được công đức, cho đến đầy đủ tâm từ bi, nên quá khứ là Cầu Danh nay chuyển thành Bồ tát Di Lặc, hay còn có tên là Từ Thị. Ngài có tâm thương người rất mãnh liệt, nên hiện thân trên cuộc đời, Ngài luôn có nụ cười hoan hỷ.
Hai vị Bồ tát Văn Thù và Di Lặc gợi cho chúng ta trên bước đường tu Pháp Hoa, phải tu phước và tu huệ để lấy đó làm hành trang giáo hóa độ sinh, sẽ dễ dàng thăng hoa đạo hạnh Bồ tát. Ý thức như vậy, tôi thường làm hai việc, thứ nhất là làm việc đại chúng cần, phục vụ đại chúng, tức tu phước; thứ hai là dành thì giờ Thiền định, đọc tụng, suy tư kinh điển là tu trí.
Di Lặc Bồ tát đại diện cho bốn chúng trong pháp hội, tất cả đều rất ngạc nhiên trước việc từ xưa chưa thấy là Phật không thuyết pháp, nhưng toàn cảnh sinh hoạt trong mười phương hiện bày một cách rõ ràng trước mắt đại chúng. Trước hội Pháp Hoa, Đức Phật thường giảng nói, đó là phương tiện thuyết pháp; nay Phật nhập định, tức yên lặng để thể hiện pháp chân thật bằng vô tác diệu lực. Thật vậy, Đức Phật không cần suy tính, không làm mà luôn có thành quả siêu việt; vì mọi việc của Phật đều được xây dựng bằng đạo lực, bằng công đức lực bất tư nghì, chứ không phải bằng sự lao động nhọc nhằn, khổ tâm khổ trí như phàm nhân.
Tuy nhiên, Đức Phật đã phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp hành Bồ tát đạo, cứu khổ độ sinh, tích lũy đầy đủ phước đức và trí tuệ hoàn hảo, mới có được thành quả "vô tác diệu lực” của đấng toàn giác; không phải tự nhiên mà được. Với "vô tác diệu lực”, Phật an trụ Thiền định, thấy Ngài không làm gì, nhưng cả xã hội đương thời đã thay đổi tốt đẹp theo sự chỉ dạy của Ngài. Thực tế là cả vạn Tỳ kheo thời bấy giờ tu hành nghiêm mật bên Phật, đắc Thánh quả, được an lạc giải thoát; vô số Bồ tát nương theo uy lực Phật để cứu giúp chúng sinh, phát triển công đức và bát bộ Thiên long cũng hộ trì chánh pháp để được tăng phước lạc, cũng như quần chúng được an vui hạnh phúc và xã hội được an ổn dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, v.v... Cho đến ngày nay, giáo pháp Phật vẫn còn là kim chỉ nam cho cả nhân loại nương theo để xây dựng cuộc sống hòa bình, an lạc, thương yêu, hiểu biết, thăng hoa trong nhiều lãnh vực của cuộc sống.
Kinh Pháp Hoa muốn chỉ cho chúng ta nhận ra "vô tác diệu lực” và cần nỗ lực thực hiện cho được đạo lực như vậy; đó là thấy quả tu nhân, tức thấy Phật đạt được thành quả siêu tuyệt như thế, chúng ta mới phát tâm tu theo. Nói cách khác, Phật thuyết trên quả môn là yên lặng không nói, nhưng đạo lực siêu tuyệt và trí sáng vô cùng của Ngài cảm hóa được mọi người quy ngưỡng. Và thuyết trên nhân môn hay sử dụng phương tiện ngôn ngữ là Phật vừa nói vừa cùng làm với đại chúng; ý này trong tứ nhiếp pháp gọi là đồng sự. Trên bước đường hoằng hóa độ sinh, trải qua suốt 49 năm, Đức Phật luôn dẫn dắt các Tỳ kheo theo Ngài, để chỉ dạy những bài pháp tương ưng với những hoàn cảnh khác nhau, hiểu theo ngày nay là đi thực tập ngoại khóa. Nhưng nay ở hội Pháp Hoa, Đức Phật lặng thinh mà chúng hội thấy được uy đức vô cùng của Phật và thấy như vậy, họ càng thêm vững tâm tiến tu đạo hạnh.
Có một điểm nữa chúng ta cần suy nghĩ. Trong 800 người học rộng tài cao là đệ tử của Diệu Quang Bồ tát, người thành Phật sau cùng là Phật Nhiên Đăng. Và Phật Nhiên Đăng là người thọ ký cho Phật Thích Ca 80 kiếp trước. Sử ghi rằng khi tiền thân Phật Thích Ca làm Chuyển luân Thánh vương, nhà vua đã thỉnh Phật Nhiên Đăng thuyết pháp. Trên đường đi đến cung vua, có một vũng nước mà nhà vua chưa kịp làm sạch, nên vua đã nằm xuống vũng nước cho Phật Nhiên Đăng bước lên thân mình và Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Điều này cho thấy Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đã dạy tất cả đệ tử thành Phật, vậy tại sao Ngài vẫn là Bồ tát và chính Ngài là thầy của Phật Thích Ca, nhưng trong hội Pháp Hoa, Văn Thù Sư Lợi lại là học trò của Phật Thích Ca.
Việc này cũng được xếp vào phần bất tư nghì của Phật, nói lên tinh thần trợ hóa rất quan trọng theo Pháp Hoa. Thật vậy, Đức Phật Thích Ca cho biết khi Ngài hiện thân ở Ta bà để hoằng hóa độ sinh thì mười phương Phật cũng xuất hiện dưới mọi dạng hình để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ngài thuyết pháp giáo hóa. Kinh Pháp Hoa gọi đó là Bồ tát và Bồ tát quyến thuộc. Một mình dù giỏi đến đâu cũng không thể làm được việc, phải nhờ quyến thuộc, nhưng phải là quyến thuộc Bồ đề mới cùng nhau tạo được công đức; còn quyến thuộc ngu si và phiền não nghiệp chướng phá hại hơn là giúp ích. Vì thế, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật khuyên nên thân cận người trí, từ bỏ quyến thuộc ngu si.
Nhưng lỡ tạo nhiều ác nghiệp đời trước, nay sanh lại sẽ không có quyến thuộc Bồ đề, mà có ác ma kết bạn, làm quyến thuộc; cho nên người này thường bất mãn, buồn phiền, đòi hỏi và khi bất mãn, buồn phiền sẽ tạo thành lực thu hút những người có tâm trạng như vậy tìm đến kích động họ thêm. Riêng tôi, từng có thời kỳ tích cực tham gia phong trào tranh đấu, thấy rõ lúc đó người tìm đến chỉ thích tranh đấu, biểu tình, đốt xe, v.v... Tụng kinh Pháp Hoa, tôi chợt bừng tỉnh, quyến thuộc như thế sẽ đưa mình đến đâu; nên tôi quyết định sang Nhật làm nghiên cứu sinh, tìm quyến thuộc Bồ đề để loại bỏ tâm buồn phiền, chống đối, để trở lại tâm an vui, giải thoát, trong sạch. Khi chúng ta thật sự tu hành thì chỉ có người tu tìm đến và quyến thuộc Bồ đề này sẽ nhắc nhở chúng ta mở mang trí tuệ, tìm được lẽ sống có ý nghĩa mà mở đầu kinh Pháp Hoa tiêu biểu bằng hoa Mạn đà la và Mạn thù sa.
Có thể thấy phẩm Tựa thứ nhất kinh Pháp Hoa gồm cả Tích môn và Bổn môn. Phần Tích môn nói về đại chúng tham dự hội Pháp Hoa gồm có đầy đủ tứ Thánh lục phàm. Và phần cốt lõi của Tích môn nhằm xây dựng đồ chúng có đức hạnh, có tri thức và có lợi ích cho chư Thiên và loài người. Sau khi giảng dạy tam thừa giáo cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ định tức là vào thế giới Bổn môn Pháp Hoa, Ngài không sử dụng ngôn ngữ, nhưng phóng quang cho thấy đầy đủ sinh hoạt của mười cảnh giới khác nhau từ Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, cho đến trời người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Và nhờ nương theo ánh quang Phật, chúng hội không thấy, không nghe qua căn trần, vọng thức, nhưng cảm nhận được pháp vô ngôn của Phật bằng tâm.
Vì nội dung đặc biệt như vậy, các bậc danh Tăng thời xưa nghiên cứu và thể nghiệm kinh Pháp Hoa trong cuộc sống tu hành, đều đồng nhận thức rằng qua phẩm Tựa, Đức Phật đã tổng hiển Pháp giới và giới thiệu tổng quát về quả vị Phật. Riêng Thiền tông cũng kiến giải rằng phẩm Tựa kinh Pháp Hoa đã bao hàm cả Pháp giới. Và dưới cái nhìn theo Hoa Nghiêm, phẩm Tựa kinh Pháp Hoa đồng với Hoa Nghiêm ở điểm Đức Phật hiển bày pháp chân thật trong Thiền định. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn của Vô lượng nghĩa xứ định, Đức Phật đã chỉ bày tất cả thế giới của chư Phật, của chư Bồ tát, của hàng nhị thừa, của tứ sanh lục đạo.
Trong Thiền định, Đức Phật thuyết pháp bằng tuệ giác, chỉ rõ toàn bộ cảnh tốt xấu trên cuộc đời để chúng ta chọn lựa. Ngài giới thiệu con đường tràn ngập khổ đau của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, con đường đầy phước lạc của chư Thiên, con đường giải thoát của hàng nhị thừa, con đường cứu khổ độ sinh của Bồ tát.
Nương theo trí tuệ Phật, chúng ta tự chọn con đường của mình. Nếu chọn con đường Bồ tát, thì sẽ gặp Bồ tát, được làm quyến thuộc Bồ tát và hành Bồ tát đạo nuôi dưỡng phước đức trí tuệ của mình. Nếu chọn con đường địa ngục, tất yếu phải gặp, phải sống với toàn là người ác xấu.
Riêng tôi, tu Pháp Hoa, nỗ lực tiến tu theo lộ trình Bồ tát. Điều tất yếu là ở thế giới Ta bà có đủ người ác người thiện. Nếu phải làm việc với người ác, tự biết mình chưa tốt, nên chưa được Bồ tát, Thánh Tăng hợp tác, cần tiến tu thêm. Nếu thấy xung quanh mình toàn người tốt, mình sẽ lên Niết bàn; toàn người xấu tìm đến, mình sẽ vào địa ngục; thấy có người tốt, người xấu là mình ở thế giới loài người. Người đầy đủ phước đức, trí tuệ sẽ thấy ánh quang Phật, vào Thiền định thấy Phật, Bồ tát, Hiền Thánh.
Trên bước đường tu, cần phải nhận cho ra vị trí của mình phát xuất từ đâu và chọn cho mình con đường thích hợp để tiến lên. Chọn đúng con đường đi theo Phật dạy và một lòng thẳng tiến theo lộ trình đó, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được năm trăm do tuần đường hiểm và đến được Bảo sở, thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề.