Sách
(Bài giảng tại giới đàn Minh Nguyệt do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang tổ chức tại chùa An Phước)
Người tu học theo Phật, muốn đạt đến quả vị toàn giác, không có con đường nào khác ngoài con đường tôn trọng ba la đề mộc xoa, tức giới luật để trở thành Hiền thánh. Vì vậy, tất yếu chúng ta phải nương vào giới luật mà tu học.
Tại tỉnh An Giang, với tấm lòng thương xót muốn giúp cho đàn hậu học tiến tu đạo nghiệp, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh nhà đã mở đàn truyền giới cho Sa di, Sa di ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni và Bồ tát giới. Đây là ngày trọng đại nhất của tỉnh An Giang, vì không có giới đàn truyền trao giới pháp thì Tăng Ni không thể tu theo con đường giác ngộ, giải thoát của đức Phật vạch ra và Giáo hội cũng không thể tồn tại được.
Tuy nhiên, khi đã có người truyền trao giới pháp và người thọ lãnh giới pháp, mà không có người giữ gìn giới pháp thì chánh pháp cũng không thể tồn tại được. Có thể nói Tăng Ni muốn làm Hiền thánh phải tùy sức mà lãnh thọ và hành trì giới pháp để giới thể được trong sáng.
Xưa kia, đức Phật thành đạo ở Bồ đề đạotràng, Ngài đã đạt được giới thể thanh tịnh, thâm nhập chân lý và truyền trao giới pháp cho Bồ tát. Giới pháp của Bồ tát thọ nhận từ Phật là giới tâm hay tam tụ tịnh giới, chỉ cần nghe Phật nói pháp là tâm các Ngài liền thanh tịnh, lậu hoặc đều dứt sạch, trở thành Hiền thánh.
Nhưng đối với chúng sanh nghiệp nặng, đức Phật phải trải lòng từ với họ. Ngài mới rời Bồ đề đạo tràng đến Lộc Uyển độ 5 anh em Kiều Trần Như. Tuy nhiên, đức Phật chỉ cần truyền ba pháp quy y thì các vị này thanh tịnh và chứng đắc quả vị A la hán liền. Và từ đó trở đi, ai muốn làm đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia đều phải thọ ba pháp quy.
Có thể khẳng định rằng pháp tam quy dành cho cả hàng tại gia và xuất gia, không như nhiều người lầm tưởng là chỉ có trẻ con dưới 12 tuổi mới thọ tam quy. Thử nghĩ tại sao pháp tam quy dành cho trẻ con mà trước tiên đức Phật lại trao cho 5 thầy Tỳ kheo được mệnh danh là năm nhà hiền triết, có đầy hiểu biết ở Lộc Uyển ?
Trẻ con có nghĩa là người đồng chơn nhập đạo, chưa có tội lỗi. Năm anh em Kiều Trần Như là năm vị hiền triết không bị tham sân si nghiệp chướng trần lao tác động. Phải chăng trẻ thơ và nhà hiền triết cùng có chung một nghĩa là trong sạch, không tội lỗi? Tâm của 5 anh em Kiều Trần Như hoàn toàn trong sạch, mới tiếp nhận liền chánh pháp.
Muốn thành đệ tử Phật, phải siêng năng sám hối ba nghiệp thanh tịnh, mới lãnh thọ được giới pháp của Phật. Không sám hối thanh tịnh, chỉ lãnh thọ hình thức, không thể tiếp nhận giới thể, không tiến tu đạo nghiệp được. Thật vậy, thực tế cho thấy có Sa di hay Tỳ kheo lãnh thọ giới thể, tâm liền thanh tịnh, tướng hảo hiện ra. Còn Tỳ kheo chỉ lãnh thọ giới tướng, tâm không thanh tịnh; họ không xứng đáng mặc áo Phật. Đối với người như vậy, Phật dạy rằng họ nên mặc giáp sắt nóng, uống dầu sôi, còn hơn là mặc pháp y mà không thanh tịnh.
Tôi nhắc các giới tử chuẩn bị thọ giới Sa di hay Tỳ kheo nên cân nhắc, dọn mình cho thanh tịnh rồi mới lãnh thọ giới pháp. Đầu tiên phải lãnh thọ pháp tam quy trước. Quy y Phật, chúng ta nương với vị thầy sáng suốt nhất và tánh sáng suốt đó truyền vào tâm ta, giúp cho tâm thanh tịnh, sáng suốt, an lạc và tướng trang nghiêm giải thoát, xứng đáng là đệ tử Phật, khác với chúng ma. Chúng ma thường hơn thua, tranh cãi, không chấp nhận nhau; trong khi đệ tử Phật tâm thanh tịnh, bên trong lo siêng năng trau giồi giới đức, bên ngoài không hơn thua tranh chấp với người. Đó là các pháp mà giới tử phải chuẩn bị lãnh thọ.
Quy y pháp là nương vào pháp để trau giồi giới thân huệ mạng, như tứ Thánh đế, thập nhị nhân duyên, sáu ba la mật. Như vậy, ở Lộc Uyển chưa có giới Tỳ kheo, các vị này chỉ lãnh thọ tứ Thánh đế là coi như tròn quả vị A la hán. Trong tứ Thánh đế, trước nhất là khổ đế cho chúng ta cái nhìn cuộc đời là khổ. Đức Phật nói chúng sanh nghiệp nặng, lấy khổ làm vui, nên cuộc đời khổ mà họ thấy vui; dấn thân vào đời, ai ai cũng phải chịu cảnh hết vui đến khổ. Người tu phải thấy rõ sự thật khổ của thế gian và tránh xa nó để tiến đến Niết bàn giải thoát. Sanh, già, bệnh, chết, cầu không được, phải xa người mình thương, phải sống với người mình không thích... tiêu biểu cho những khổ đau của con người ở thế gian, thường gọi là tam khổ hay bát khổ.
Vì nghĩ sanh là khổ, người tu hướng về quả vô sanh là quả Niết bàn của chư Phật. Chư Phật hết khổ vì các Ngài trụ quả vô sanh, nghĩa là không sanh khởi tâm phiền não và nghiệp chướng trần lao. Bước theo dấu chân Phật, người tu học phải từng bước không cho phiền não, nghiệp chướng trần lao khởi lên trong tâm để chứng quả vô sanh hay Niết bàn.
Trên bước đường tu, lãnh thọ giới pháp Phật, vui với giới pháp Phật, chúng ta không sanh niệm tà ác theo thế gian hay tà giáo; nhưng nên cho thiện pháp sanh trong lòng là các pháp lành. Pháp lành gồm có pháp lành của nhân gian và của xuất thế gian.
Pháp lành của nhân gian là điều tốt mà người đời coi là cao thượng, chúng ta cũng cố gắng giữ gìn. Trở thành người tốt, cao thượng trên thế gian, mới làm người tốt, cao thượng của Phật; vì đức Phật được tôn danh là đấng Vô thượng sư, tức người cao thượng bậc nhất của thế gian.
Sau khi làm người tốt thế gian, chúng ta hướng tâm làm người tốt xuất thế gian. Pháp thiện của xuất thế gian là pháp của thánh La hán, nên tâm không còn sanh khởi. Pháp xuất thế gian cũng gồm có thiện và ác. Tâm thanh tịnh là thiện và tâm vọng động là ác.
Để tâm thanh tịnh, người tu cần siêng năng thâm nhập thiền định của Phật. Bước đầu Phật dạy chỉ cần nhiếp tâm một chỗ, trụ tâm, không cho nó hợp tác với năm giác quan để khỏi sanh ra những điều chướng tai gai mắt. Vì nghe điều mà chúng ta bằng lòng thì sanh ái nhiễm, nghe điều không bằng lòng, thấy người không vừa ý thì sanh buồn phiền, sân hận. Chúng ta nhiếp tâm, không nghe những việc vui buồn của cuộc đời để tâm thật thanh tịnh.
Tâm tập trung được một chỗ rồi, chúng ta bắt đầu gia công thiền quán, hướng về Phật, Bồ tát mười phương làm thầy và bạn lữ của chúng ta để học giới pháp với các Ngài. Giới pháp ấy đi thẳng vào tâm ta, làm cho tâm ta thanh tịnh, đó là định của chư Phật. Mỗi định sanh trong tâm ta liền kèm theo một đà la ni, gọi là huệ giải.
Riêng tôi, trì kinh Pháp Hoa thấy Phật dạy rằng người siêng năng thọ trì kinh Đại thừa sẽ chứng tam muội và đà la ni. Về sau tôi mới phát hiện được tại sao và bằng cách nào mà người trì kinh Pháp Hoa được tam muội và đà la ni.
Thật vậy, trong kinh Pháp Hoa, đức Phật thường đề cao tâm nguyện và việc làm của các đức Như Lai và chư Bồ tát, có nghĩa là Ngài tạo điều kiện cho chúng ta suy nghĩ về Như Lai, Bồ tát. Và khi tâm chúng ta suy nghĩ về Như Lai và Bồ tát, nghĩa là đã tạo mối quan hệ giữa ta và các Ngài. Nhờ mối tương quan mật thiết với các Ngài giúp chúng ta tiếp nhận lực gia trì hộ niệm của các Ngài, tác động cho tâm chúng ta trở thành thanh tịnh hay đạt được tam muội.
Mỗi đức Như Lai có một hay nhiều tam muội và đà la ni, nếu chúng ta thân cận, cúng dường các Ngài, tâm chúng ta sẽ dễ dàng an định và học được đà la ni của các Ngài.
Riêng tôi, cảm nhận được đà la ni khi trì tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm như bình thường, nhưng tâm tôi thật thanh tịnh, không nghĩ ngợi gì khác, chỉ nghĩ đến Phật, Bồ tát trong hội Pháp Hoa. Vì vậy, lúc ấy hình ảnh của Phật, Bồ tát luôn xoay vòng trong suy niệm và trước mắt tôi cùng khắp pháp giới.
Từ cảm nhận này, tôi nhận ra một ý quan trọng là Phật dạy rằng người trì tụng kinh Pháp Hoa sẽ nhận được triền đà la ni. Trước kia, mỗi ngày chúng ta đều đọc kinh, nhưng lời Phật dạy lúc nhớ lúc quên; hoặc tâm vọng động, chúng ta chỉ nhớ những việc vui buồn. Nhưng khi tâm thanh tịnh trì kinh, thì Phật xuất hiện trong tâm ta và trước mặt ta. Phật không biến mất trong lòng, nên ta tiếp nhận được pháp gọi là triền đà la ni; nghĩa là ta không thấy Phật như bức tranh, nhưng thấy Phật sống động dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thật vậy, tất cả Phật sống động dưới mọi hình thức giáo hóa chúng sanh và Phật thuyết pháp, ta là người nghe pháp, nên chúng ta chứng được pháp thứ hai là phương tiện đà la ni, tức nhận chân được các pháp Phật nói đều là phương tiện của Ngài và nương theo đó, chúng ta được thanh tịnh giải thoát. Theo tôi, nếu tuân thủ đúng như pháp mà hành trì, quý vị sẽ đạt được kết quả như vậy.
Khi nhận ra phương tiện của Phật rồi, kinh gọi là pháp âm phương tiện đà la ni, tôi không còn chấp pháp. Đức Như Lai tùy phương tiện, nghĩa là tùy theo thời gian và không gian mà nói pháp khác nhau. Như vậy, pháp diễn tiến trong vũ trụ thế nào thì Ngài thấy đúng như thật và tùy theo như thật đó mà nói. Chính vì vậy mà đức Phật giảng dạy Tỳ kheo hay chư Thiên hoặc Chuyển luân Thánh vương các pháp tương ưng không đồng nhau.
Nhận được cốt lõi của pháp âm phương tiện đà la ni, tôi không còn chấp trước việc phải thế này hay thế nọ. Tôi chỉ nhìn vật chuyển biến theo quy trình của nó, nên không còn buồn phiền, khó chịu như trước. Tôi lấy kinh nghiệm này nhắc nhở các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni thọ giới đã quy y pháp thì phải hết lòng hết dạ với chư Phật để nhận được sức gia trì hộ niệm của các Ngài.
Và cũng từ trực nhận được phương tiện đà la ni, tôi đã hiểu giáo pháp Phật dưới nhiều dạng khác nhau và thể hiện thành những việc làm khác nhau. Có thể nói nhờ áp dụng pháp Phật tùy phương tiện mà suốt 30 năm gần đây, tôi làm đạo ít gặp trở ngại như 20 năm đầu. Quả thật, khi chưa trì kinh Pháp Hoa, còn chấp pháp, nên tôi thường nghĩ việc này phải, điều kia không phải... Nghĩ nó không phải, nhưng thực tế nó lại phải, nên thọ quả báo. Nay thấy đúng sự thật theo Phật dạy, tôi không chấp trước mà mọi việc tự nhiên trở thành dễ dàng đối với tôi. Đặc biệt kể từ sau năm 1975, cái nhìn của tôi đối với các Tỳ kheo có phần tương đối chính xác; nhờ đó tôi thấy được chân lý của đức Phật dạy và thường suy nghĩ nếu có đức Phật hiện hữu ngay bây giờ tại nước ta đang theo xã hội chủ nghĩa thì Ngài sẽ nói gì, làm gì. Câu hỏi này được đặt ra và tôi nhờ kinh Pháp Hoa trả lời, theo đó tùy duyên, tùy phận, tùy lúc, tùy chỗ mà tôi hành đạo, giảng dạy khác nhau. Phải khẳng định rằng chính nhờ tinh thần uyển chuyển ứng dụng pháp Phật thích nghi cho từng tình huống, tôi mới hoằng truyền được Phật pháp không bị chướng ngại; khác với những vị nói rằng chỗ này cho giảng, chỗ khác bị cấm. Trên bước đường hành đạo khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, nơi nào tôi đến cũng gặp dễ dàng, thậm chí có chỗ được báo trước là không thể thuyết pháp, nhưng tôi đến thì vẫn được chấp nhận và cho giảng. Tôi nhận ra tại sao thầy này không được thuyết pháp, trong khi thầy khác được ủng hộ. Thiết nghĩ bị cấm đoán vì thuyết pháp không thích hợp với hoàn cảnh, nguyện vọng, yêu cầu của địa phương, nên họ không cho thuyết. Quê hương tôi ở Củ Chi, từ trước cho đến năm 1985, Phật pháp ở đây không phát triển được. Thầy Chánh đại diện nói với tôi rằng huyện Củ Chi là quê nhà của Thượng tọa mà lại không cho thuyết pháp. Tôi trả lời rằng khi nào thầy có tổ chức lễ gì thì tôi sẽ về thuyết pháp. Quả đúng như vậy, lúc tôi trở về Củ Chi giảng pháp, công an địa phương ghi âm bài giảng và đem băng trình cho ông bí thư huyện ủy. Ông nghe xong liền nói bài giảng của Thượng tọa Trưởng ban Hoằng pháp, chúng ta còn cần phải học. Nhờ vậy, các ban ngành truyền nhau bài giảng của tôi và cũng từ đó, sinh hoạt Phật pháp ở Củ Chi được dễ dàng.
Hoặc có người cho tôi biết là ở Sông Bé cũng gặp những khó khăn như mặc áo sư đến đó thì bị bắt. Tôi thưa với Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh rằng ngài nên tổ chức thuyết pháp, tôi sẽ đến giảng kinh. Và quả tình bài giảng của tôi được trích từng đoạn để phổ biến trên đàiphát thanh của tỉnh Sông Bé.
Theo tôi, chúng ta thuyết pháp, nói những điều mà địa phương đó cần thì họ chấp nhận. Ví dụ tỉnh nhà còn nghèo thiếu vì hậu quả của chiến tranh tàn phá để lại, chúng ta nghĩ đến tình trạng cơ cực của dân chúng trong vùng, nên vận động Phật tử hảo tâm giúp đỡ, chắc chắn chính quyền địa phương sẽ hổ trợ lời kêu gọi và việc làm của chúng ta. Điển hình như Thượng tọa Minh Thiện lúc còn là Tăng sinh của Viện Phật học đã thực hiện lời dạy của tôi bằng cách siêng năng thăm viếng, giúp đỡ đồng bào nghèo, nên thầy được quý trọng. Từ đó, thầy được cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương và nhận được Huân chương Lao động.
Có thể nói thầy đã thể hiện lời Phật dạy trong cuộc sống là ban vui cứu khổ. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời cũng chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là làm an lạc cho số đông, cho chư thiên và loài người. Chúng ta theo bước chân Phật cũng phải có việc làm như vậy và thực hiện được là tuân thủ đúng lời Phật dạy, sẽ được người chấp nhận, quý mến. Trái lại, làm đạo ở vùng mà dân chúng còn nhiều khó khăn về kinh tế, chúng ta lại tổ chức cúng kính tốn kém thì e rằng khó được ủng hộ.
Giáo pháp Phật phải tùy người, tùy chỗ, tùy lúc nói khác nhau, miễn sao giúp cho tâm người an vui, sống tốt đẹp, nâng cao đời sống kinh tế địa phương. Làm được như vậy có nghĩa là làm đúng lời Phật dạy hay quy y pháp.
Sau cùng là quy y Tăng. Trước kia, chúng ta chấp ngã, chấp pháp nặng, chỉ nghĩ đến ta và cái gì của ta thì giữ gìn kỹ lưỡng. Nhưng khi đã thực sự quy y Tăng, chúng ta lấy Tăng đoàn làm sinh mệnh mình và không lấy cá nhân mình đối lập với người.
Thể hiện tinh thần này, từ khi xuất gia, thọ giới tam quy trên 50 năm, tôi luôn đặt mình vào đoàn thể Tăng già, vào xã hội mình đang sống. Nhờ vậy, từng bước sống an lành trên đường đạo. Bước đầu hết lòng vì Tăng, sống với Tăng chúng, nên được chúng Tăng ủng hộ, được bình yên trong chốn tòng lâm. Sau đó, mở rộng tâm mình, thấy Phật tử tín đồ cũng cùng ở trong một thể thống nhất của Phật giáo. Chúng ta không quên lời Phật dạy tứ chúng đồng tu. Làm sao giới xuất gia và tại gia hòa hợp an vui để thực hành giáo pháp; đón nhận được tâm niệm ấy, Phật tử khắp nơi đã đến tu học với tôi. Và sau cùng là đối với những người khác tôn giáo, trước kia vì chấp pháp, tôi không thích họ và giải thích những lý không tốt của người để tranh thủ lẽ đúng cho đạo Phật. Nhưng lẽ đúng lại không về ta, mà chỉ làm cho người ghét ta hơn. Khi có được tầm nhìn thoáng rộng hơn và tôi gặp tu sĩ Kỳ Na giáo trong một cuộc hội thảo tại Milan. Tuy khác chúng ta về pháp tu, nhưng ông cũng có những suy nghĩ về việc khắc phục trần lao nghiệp chướng, về Phật tánh. Tôi nhớ xưa kia Phật tại thế, ngoại đạo gặp Ngài thì phát tâm trở về Phật đạo. Chúng ta không làm như vậy là có lỗi với Phật. Tôi liền khởi tâm coi họ là anh em và quả nhiên, vị tu sĩ này trở nên thân thiện và trao đổi nhiều với tôi. Tôi cố nhìn mặt tốt của họ thì họ nói cho tôi biết quá trình hành đạo của họ, những cái được và không được. Nhờ đó, tôi biết được việc tu hành của họ như thế nào, không phải tất cả đều xấu, nhưng có mặt tốt lẫn mặt xấu. Những gì tốt chúng ta học, những cái xấu chúng ta tránh hoặc khắc phục cho chính bản thân mình. Hướng tâm và thực hành như vậy, chúng ta sẽ có bạn trên pháp giới, ở đâu với ai cũng là bạn.
Phật dạy tánh của Tăng sĩ như nước hòa được với tất cả. Tâm của người tu phải hài hòa được mọi người dù ở cấp bậc nào, có đạo hay không đạo, người thế gian hay xuất thế gian. Tu tập được ý niệm đó, chúng ta sẽ hoàn toàn thảnh thơi, tự tại trên bước đường giáo hóa độ sanh, thu phục được lòng người một cách hồn nhiên, thể hiện mẫu người thay Phật làm lợi ích cho đời.