Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm
Cư sĩ Tỳ Sắc Chi La là trưởng giả. Có thể nói thành phần trưởng giả là tiền thân của giai cấp tư bản ngày nay. Thời phong kiến xưa kia, vua chúa cầm đầu quốc gia, bộ lạc. Có những vị anh quân hay minh quân, nhưng thông thường mỗi triều đại, chúng ta thấy chỉ được một vài ông vua ban đầu lãnh đạo tốt, những ông vua kế tiếp không tài giỏi, thường áp bức quần chúng để củng cố ngôi vị. Họ cũng không có đạo đức, thường ăn chơi sa đọa, dẫn đến hậu quả là nền kinh tế suy sụp. Từ đó, vua phải thừa nhận những người có khả năng làm giàu cho đất nước. Đó là mấu chốt sản sinh ra giai cấp trưởng giả nắm phần kinh tế, có quyền hơn vua.
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh dung hóa tất cả hệ thống tư tưởng từ Tiểu sang Đại, dung nhiếp các tư tưởng của chánh giới, triết gia và cả tôn giáo. Việc nào phải, tốt, đúng, dù không phải của Phật giáo, cũng được công nhận, không cố chấp, hẹp hòi.
Theo tinh thần phóng khoáng, khách quan ấy, kinh Hoa Nghiêm dung nhiếp những trưởng giả tốt, đưa ra mẫu trưởng giả theo Đại thừa là biểu tượng người giàu, nhân từ, đức độ, hay cứu giúp người, hoàn toàn khác với loại trưởng giả ác độc ở thế gian thường tham lam, ích kỷ, đối xử tàn tệ với công nhân. Theo Hoa Nghiêm, hàng trưởng giả đạo đức, tài giỏi được định vị ngang hàng với Bồ tát, vượt trội hơn Thanh văn.
Tỳ Sắc Chi La là cư sĩ lăn lóc với đời, không phải thuộc hàng xuất gia học đạo; nhưng trình độ tu chứng và sự hiểu biết thì ngang hàng với Bồ tát lớn. Điều này gợi cho chúng ta hình dung ra Phật thường trú Pháp thân được đề cập trong kinh Pháp Hoa.
Tỳ Sắc Chi La có cái nhìn về đạo pháp khác hơn giới xuất gia. Thật vậy, các Tỳ kheo thấy Phật Niết bàn, tất cả đều than khóc vì Đức Phật là cội đại thọ, núp bóng từ bi của Ngài thì sống bình ổn ở thế gian, được vua chúa kính trọng. Phật diệt độ, không còn nơi nương tựa. Tinh thần này trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng ví như người con mất bản tâm thấy Phật không còn, thì hốt hoảng sợ hãi. Đến phẩm Phổ Hiền Bồ tát Khuyến phát ghi rõ sau khi Như Lai diệt độ, chỉ những người mang tâm hồn Đại thừa mới tu được; vì hàng Bồ tát lìa tướng mà tu, các ngài hiện thân tướng tương ưng theo yêu cầu của thế gian, nên không gặp chướng ngại. Thanh văn kẹt hình thức, cứ nghĩ Phật Niết bàn là người tu bơ vơ, chẳng còn ai che chở.
Kinh Hoa Nghiêm nâng lên một nấc cao hơn, nói lên tinh thần Bồ tát đạo thể hiện bằng hình ảnh cư sĩ Tỳ Sắc Chi La. Tỳ Sắc Chi La khẳng định rằng không có một Như Lai nào vào Niết bàn. Nếu có Niết bàn chăng là thị hiện để giáo hóa chúng sanh. Ý này được kinh Pháp Hoa diễn tả rằng đối với người con uống lầm thuốc độc bị mất bản tâm, lương y mới nói dối rằng ông đã chết. Ông thật còn sống mà nói chết. Thật còn sống là Tỳ Lô Giá Na Pháp thân thường hằng, bất tử. Chỉ có sanh thân Thích Ca Mâu Ni vào Niết bàn.
Tỳ Sắc Chi La hiện thân cư sĩ, nhưng thấu tột nguồn tâm và khế ngộ chân lý; giữa Tỳ Sắc Chi La và Phật thông nhau, mới thấy không có Phật Niết bàn và chứng Bất bát Niết bàn tế. Chẳng những Thích Ca Mâu Ni không Niết bàn mà tất cả Phật quá khứ như Ca Diếp, Câu Na Hàm Mâu Ni, Câu Lưu Tôn..., ông cũng thấy các Ngài không vào Niết bàn.
Và chư Phật trong hằng hà sa số Pháp giới cũng vẫn hiện hữu. Cả Phật vị lai cũng hiện hữu. Đối với Tỳ Sắc Chi La, trong tất cả Pháp giới đều có chư Phật hiện hữu. Cốt tủy của kinh Hoa Nghiêm ở chỗ đó. Thích Ca Mâu Ni là Phật đã thành và chúng ta là Phật sẽ thành, vì có Phật chủng ở bên trong. Khi đọa tam đồ, Phật chủng ấy không mất, không thay đổi và lúc thành Phật, hạt giống Phật ấy cũng không tăng thêm. Rất tiếc, chúng ta không thấy hạt giống Phật của mình và của người. Đối với Tỳ Sắc Chi La, vì đã thể nhập vào Pháp giới Hoa Nghiêm, tất cả đều là Phật, không có người nào không là Phật.
Phật chủng nằm trong thân xác hữu hạn mà kinh ví như đãy da đựng ngọc quý hoặc lau sạch gương thì hình ảnh hiện lên. Ta bị phiền não nhiễm ô ngăn che bên ngoài, Phật chủng không hiện ra được. Ngài bảo mọi người đều là Phật, nhưng tại sao ta không vận dụng cái cao quý ấy mà cứ tự nhận lấy cái khổ. Đối với phàm phu thì điều này kỳ lạ, nhưng đối với Tỳ Sắc Chi La thì hoàn toàn đúng. Hễ ngừng vọng tưởng điên đảo là có chân hạnh phúc, giống như ta chưa đói nghèo, nhưng sợ đói nghèo mà tự khổ.
Người nhiều phiền não, lo lắng đè kín chơn tâm làm cái thấy họ sai lệch. Khi vô minh ngăn che, không thấy sự thật, tạo thành ảo giác. Vì vậy, người nào cởi bỏ phiền não bao nhiêu, tâm họ sáng suốt bấy nhiêu, gần Phật bấy nhiêu. Phật này là chân lý, là sự thật trên cuộc đời.
Tỳ Sắc Chi La tuy mang thân cư sĩ nhưng đã tiếp cận chân lý, thấy được sự hiện hữu vĩnh hằng của Phật, Phật không Niết bàn và mọi người đều là Phật. Vì Tỳ Sắc Chi La nhìn người qua lăng kính Phật và xử trí với họ như vậy, tạo thành độ cảm tâm, nên họ cũng thấy ngài là Phật; từ đó xây dựng thành cộng đồng hiểu biết, thương yêu, người hết lòng hợp tác, tạo sự nghiệp tốt đẹp cho trưởng giả mà họ coi là sự nghiệp chung.
Nhật Liên Thánh nhân cũng lãnh hội ý này, sau bốn mươi chín ngày Thiền định, ngài cho biết chẳng những Phật quá khứ, cả Phật hiện tại hiện hữu, mà cả những người vị lai cũng là Phật, không phải là Phật sẽ thành. Theo Nhật Liên, không có Phật đã thành, đang thành và sẽ thành, mà tất cả đều hiện hữu ở nhứt điểm thời gian. Thấy thế giới quan như vậy, tạo cho ta và người cùng an lành, hỗ tương nhau tu hành.
Theo Tỳ Sắc Chi La, tất cả đều là Phật, nhưng vì ta là chúng sanh nên không thấy Phật. Ngược lại, nếu chúng ta là Phật thì không ai không phải là Phật. Tùy theo mức độ tu chứng, tùy theo sự phá vỡ phiền não của ta tới đâu thì điều tốt đẹp sẽ đến tới mức ấy. Trên cuộc đời này không có người xấu, người tốt. Xấu hay tốt là tùy ở ta, không phải ở người. Còn thấy xấu thì nên tự trách ta vụng tu.
Đến chỗ khó hiểu, khó thấy, không chấp nhận mình là Phật, mà cứ nhận mình thấp hèn, khổ sở. Vì thế, Tỳ Sắc Chi La bảo hãy chắp tay cầu Đức Quan Âm. Nói cách khác, từ chân lý của Tỳ Sắc Chi La chỉ cao quá, không bắt kịp thì phải hạ xuống tìm Quan Âm ở núi Phổ Đà cứu giúp.