cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm


Lời tựa Lược giải Kinh Hoa Nghiêm    11- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Kiến Tỳ kheo
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
        I - Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm
   12- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tự Tại Chủ đồng tử
    II - Lịch sử truyền thừa và phát triển kinh Hoa Nghiêm    13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di
  III - Nội dung kinh Hoa Nghiêm    14- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Minh Trí
CHƯƠNG II - Ý NGHĨA ĐỀ KINH HOA NGHIÊM    15- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế
CHƯƠNG III – QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT THEO KINH HOA NGHIÊM
       I - Quan niệm về Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
   16- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Phổ Nhãn
   II - Quan niệm về Đức Phật theo Đại thừa Phật giáo    17- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Vô Yểm Túc
  III - Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm    18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang
CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín
   19- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bất Động Ưu bà di
  II - Bồ tát Thập Trụ    20- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
 III - Bồ tát Thập Hạnh    21- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa
IV - Bồ tát Thập Hồi hướng    22- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La
 V - Bồ tát Thập Địa hay Thập Thánh 23.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
VI - Bồ tát Thập Định 24- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
VII - Bồ tát Thập Thông 25- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với bà Tu Mật Đa nữ
VIII - Bồ tát Thập Nhẫn 26- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI 28.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Chánh Thu
   1- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo 27.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Quán Tự Tại
   2- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Vân Tỳ kheo 29- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thần Đại Thiên
   3- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo 30- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Địa thần An Trụ
   4- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Di Già 31- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với chủ Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
   5- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Giải Thoát 32- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
   6- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo 33- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
   7- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di 34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc
   8- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa 35- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
   9- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn 36- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát
   10- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Từ Hạnh đồng nữ CHƯƠNG VI – PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI – PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc

        Thiện Tài trải qua năm mươi ba chặng đường cầu đạo, gặp một trăm mười vị thiện tri thức, trong đó có bốn Bồ tát quan trọng đã giáo dưỡng, hộ niệm cho Thiện Tài trên bước đường tu, đó là Văn Thù Sư Lợi, Quan Âm, Di Lặc và Phổ Hiền.

Mở đầu việc tham học, Thiện Tài gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, tức cầu đạo trước tiên là cầu trí tuệ, vì không có trí tuệ không thể nào giữ được phước đức. Vì vậy khẩu hiệu của người tu là duy tuệ thị nghiệp.

Thiện Tài may mắn gặp đại thiện tri thức Văn Thù, nhận được lực gia bị của ngài và phát huy trí tuệ theo từng bước chân hành đạo. Nhờ vậy, Thiện Tài dấn thân vào đời thấy gai góc là huy hoàng, đối diện với đủ thành phần xã hội không hề thấy chống trái, mà toàn là thiện tri thức dưới mắt ông. Vì dưới lăng kính trí tuệ thấy tất cả đều có hai mặt tốt và xấu, không có gì hoàn toàn tốt hay xấu. Tốt xấu là tùy thuộc ở ta. Thiện Tài nhận chân được cái tốt của người và khai thác mặt tốt nên đắc đạo.

Dưới ánh sáng trí tuệ của Văn Thù, Thiện Tài đi khắp thế gian thấy sanh thân Phật Thích Ca không còn hiện hữu, nhưng Đức Phật quyền năng tồn tại dưới dạng Quan Âm phổ hiện thành ba mươi hai hiện thân, không có một loại hình Phật cố định. Đối với người đáng hiện thân nào để cứu độ thì ngài hiện thân đó. Vì vậy, kinh Pháp Hoa dạy rằng có người thấy Phật, nhưng cũng có người không thấy. Đức Phật siêu hình thì người có nhân duyên đắc độ mới thấy Ngài.

Các vị Tổ sư, các nhà truyền giáo thấy Phật, mới dấn thân hành đạo không tiếc thân mạng. Theo tôi, từ một Đức Phật Thích Ca, nhưng mỗi vị tu hành thấy Phật khác nhau, dẫn đến hình thành nhiều tông phái khác nhau. Có bao nhiêu vị Tổ thì có bấy nhiêu Phật, cho đến có Phật ba đầu sáu tay, hay Phật vạn năng ngàn mắt ngàn tay tiêu biểu cho hành động có trí tuệ chỉ đạo.

Sau khi Thiện Tài học với Văn Thù Bồ tát mới gặp được Phật dưới dạng Quan Âm ban vui cứu khổ. Kế tiếp, Thiện Tài bắt đầu du hành trong thế giới siêu hình, gặp những vị thần minh, nhận ra lực chi phối của họ đối với mọi việc trên cuộc đời.

Kinh Hoa Nghiêm giới thiệu với chúng ta thế giới siêu nhiên ấy và duy nhất có Thiện Tài thâm nhập được để tiếp tục học đạo với Di Lặc Bồ tát. Theo kinh Nguyên thủy, độc nhất có Bồ tát Di Lặc được Phật thọ ký thành Phật. Kinh Hoa Nghiêm đặt năng vấn đề người hành Bồ tát đạo cần học với Di Lặc, vì ngài thừa kế sự nghiệp của Đức Thích Ca. Nhưng muốn học với Di Lặc, Thiện Tài phải gặp Văn Thù và Quan Âm trước.

Thiện Tài gặp Di Lặc và Di Lặc khảy tay ba cái, thì lâu các Tỳ Lô Giá Na mở ra và Thiện Tài đi vào lâu các thấy được tất cả việc của Đức Phật đã làm trong quá khứ dẫn đến hiện tại và kéo dài tận vị lai, tất cả hiện hữu đầy đủ trong lâu các. Khi Thiện Tài tham quan xong, Di Lặc khảy móng tay một lần nữa thì lâu các biến mất. Lâu các xuất hiện và biến mất chứng tỏ đây không phải là tòa nhà thật.

Tỳ Lô Giá Na lâu các tiêu biểu cho Pháp thân Phật. Đức Phật sanh thân Niết bàn, nhưng Ngài vẫn tồn tại miên viễn dưới dạng thanh tịnh Pháp thân. Trên bước đường tu, trở về với chơn tâm thanh tịnh mới bắt gặp được Pháp thân Tỳ Lô Giá Na.

Di Lặc là người giữ Tỳ Lô Giá Na lâu các, tức ngài sử dụng được phần linh hoạt diệu dụng của chơn tâm để thông với thanh tịnh Pháp thân Phật. Vì vậy, Di Lặc được coi là Tổ của tông Duy thức. Ngài dạy chúng ta quan sát hiện tượng bên ngoài mà đo được tâm khởi, hay nhờ có cảnh, chúng ta phát hiện được tâm. Và chúng ta mới theo tâm trở về nguồn; từ ngoài lần vào trong đến tận Tiềm thức hay A lại da thức. Có thể ví nó như một cái kho vô hình chứa đựng những thứ vô hình. Kho vô hình của Thiện Tài được Bồ tát Văn Thù khai ngộ, chứa những hạt giống trí tuệ và học với Quan Âm nên có hạt giống từ bi. Tâm thức của Thiện Tài đầy đủ trí tuệ và từ bi, nên A lại da thức trắng sạch như gương trong. Còn kho chứa của chúng ta chỉ có toàn phiền não nhiễm ô.

Di Lặc mở lâu các cho Thiện Tài xem thành quả của Phật Thích Ca chứng được và giao cho ngài giữ gìn. Thiện Tài thắc mắc hỏi Di Lặc tại sao ngài là người thừa kế sự nghiệp của Phật mà lại không ra đời để sử dụng những của báu đã được giao phó.

Di Lặc cho biết ngài đã đủ điều kiện thành Phật, nhưng chưa ra đời ngồi tòa Long Hoa vì còn phải lo việc giáo hóa chúng sanh có duyên với ngài cho thành thục và tiếp độ những người mà Đức Thích Ca để lại cũng được thuần thục. Theo lời dạy của Di Lặc với Thiện Tài như trên, chúng ta biết rằng hiện tại tất cả ai đang từng bước phát triển trên lộ trình Phật đạo đều được Di Lặc Bồ tát chăm sóc. Di Lặc chứng được Từ tâm tam muội, nên người có duyên với ngài là người cũng phải có tâm Từ.

Tại sao Di Lặc Bồ tát giáo hóa người có duyên với ngài trước, rồi mới độ người của Đức Thích Ca sau. Người của Đức Thích Ca để lại phức tạp lắm. Thật vậy, thử nghĩ xem trên thế giới có hàng tỷ người theo đạo Phật, không ai giống ai, giữa các tông phái cũng không chấp nhận nhau. Làm sao xác định ai đúng, ai sai. Đúng thì tất cả đều đúng, mà sai thì tất cả cũng sai. Nếu lo việc này thì suốt đời chỉ tranh cãi nhau. Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên là Di Lặc phải thuần thục chúng của mình trước. Thiển nghĩ chúng ta có giỏi mấy, nhưng quyến thuộc của ta toàn người ăn hại thì cũng chẳng thể làm được việc lớn. Ý thức sâu sắc như vậy, người thật tu lo giải quyết bản thân thật tốt, chắc chắn người xung quanh cũng tốt theo.

Trên bước đường tu theo Di Lặc, cần phát triển tâm an vui, vì con Phật mà phiền não là biến thành con của ma. Tôi tâm đắc pháp này, cố giữ cho mình an lành. Dù hoàn cảnh thế nào vẫn lấy sự bình ổn làm lẽ sống, còn mưa gió là việc của thiên hạ. Theo Phật dạy, lo cho ta chính là đã lo cho người. Trên tinh thần ấy, bằng mọi giá, chúng ta phải tự an lấy tâm, tức đạt được Định. Từ tâm Định ấy, chúng ta mới bắt gặp được Định của Phật và Bồ tát. Và công đức lành mới theo Định tâm của ta mà tới, nhưng cũng tới với dạng vô hình. Chúng ta không thể biết cho cùng tận công đức này mà đó là sự thật. Công đức chỉ có trong Thiền định là công đức vô lậu.

Từ tâm an nên Định sanh, thấy được sự vật không chướng ngại, vật không tác động làm phiền chúng ta là Tuệ sanh. Nhờ vậy, bản thân và hoàn cảnh chúng ta mỗi ngày tốt thêm hơn. Đó là ba điều căn bản mà chúng ta phải thực hiện được trên lộ trình đi theo dấu chân Bồ tát Di Lặc.

Thiện Tài được Di Lặc dẫn vào Tỳ Lô Giá Na lâu các, thấy được thành quả của Đức Phật từ vô số kiếp quá khứ đến tận vị lai vô cùng. Kinh Hoa Nghiêm mở ra cho chúng ta hình ảnh một Đức Phật thật không phải chỉ còn lưu lại những viên Xá lợi. Nhưng đó là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật đang sống, đang chi phối tất cả muôn loài và tồn tại miên viễn theo thời gian vô cùng, không gian vô tận, mới thật quý báu.

Thật vậy, từ Phật Niết bàn đến nay, các Luận sư tiếp tục triển khai giáo lý theo từng thời kỳ, từng quốc gia khác nhau, thích hợp với cuộc sống nhân sinh, tức Pháp thân Phật mở rộng biến chiếu khắp tất cả, không có trình độ nào không phổ cập. Người trí thấy Phật tuyệt luân và người chỉ có niềm tin cũng thấy Phật tuyệt vời. Dòng thác trí tuệ của nhân loại phát khởi từ ngọn nguồn bước theo tri kiến Phật, cùng với vô số cuộc sống giải thoát, vị tha của người con Phật, tất cả tiêu biểu cho thanh tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật vẫn đang tồn tại khắp nơi khắp chốn.