Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm
Mở đầu việc tham vấn các thiện tri thức, Thiện Tài gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, tiêu biểu cho trí tuệ. Với trí tuệ mà Văn Thù chỉ dạy, Thiện Tài dấn thân vào đời hành đạo, được năm mươi hai vị thiện tri thức dìu dắt, trong đó phải kể đến Bồ tát Quan Âm thể hiện trọn vẹn lòng từ bi vô hạn đối với mọi loài chúng sanh.
Kết hợp được tâm đại từ bi của Quan Âm và trí tuệ vô lậu của Văn Thù, Thiện Tài mới có thể diện kiến Di Lặc, hay Từ Thị là vị Bồ tát mang nguồn vui vô cùng cho muôn loài. Di Lặc đưa Thiện Tài vào Tỳ Lô Giá Na lâu các, trao cho tạng bí yếu của Như Lai. Đến đây, Thiện Tài chấm dứt giai đoạn một của bước đường hành đạo. Ý này nhằm chỉ trên lộ trình tu của chúng ta, sau khi hoàn tất việc tu học, đạt được tri thức thông qua giáo lý Phật để lại, kết thúc giai đoạn ở đậu, ăn nhờ để bước sang giai đoạn hai, chính ta phải tự phát triển việc làm giống như Phật và Bồ tát đã làm.
Di Lặc khuyên Thiện Tài nên đến gặp Bồ tát Văn Thù một lần nữa. Lần thứ hai, nhờ trang bị đầy đủ Từ tâm, thâm nhập Tỳ Lô Giá Na, Thiện Tài thấy Văn Thù Sư Lợi ở giai đoạn hai hoàn toàn khác. Bấy giờ, tuy cách xa Văn Thù một trăm mười thành, nhưng ngài đưa tay xoa đầu Văn Thù và dẫn đến tham vấn Phổ Hiền Bồ tát.
Ở bước đầu hành đạo, Thiện Tài được Văn Thù Bồ tát đưa vào Pháp giới gặp Đức Vân Tỳ kheo và nay đến gặp Bồ tát Phổ Hiền. Điều này nhắc nhở chúng ta khi tu, từ việc học giáo lý hữu hạn trong sách vở phải đi vào thế giới vô cùng. Hiện hữu và sinh hoạt ở thế giới bao la ấy mới thực sự quan trọng đối với người tu.
Dưới lực chi phối của Văn Thù, Thiện Tài thấy sự vật ở dạng vô tác diệu lực, tức hành đạo theo Phật, tuy không làm nhưng nội lực chi phối vô hình, tạo thành kết quả không lường được. Và Thiện Tài cũng thấy Đức Phật từ vô lượng kiếp luôn có Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền kề cận. Văn Thù tiêu biểu cho trí và Phổ Hiền tiêu biểu cho hạnh. Kết hợp được đại trí và đại hạnh là cốt lõi của kinh Hoa Nghiêm.
Từ khi phát tâm Bồ đề, trải qua năm mươi hai chặng đường, gặp tất cả thiện tri thức, Thiện Tài mới vào được Tỳ Lô Giá Na lâu các, gọi là Nhập Pháp giới. Lúc ấy, Thiện Tài mới có cái nhìn theo Phật, thấy rõ bề trái của cuộc đời và có đủ tư cách tham vấn Bồ tát Phổ Hiền.
Khi Thiện Tài khởi một niệm tâm cầu Phổ Hiền làm thiện tri thức, thì ngài liền xuất hiện. Tuy nhiên, có được một niệm tâm như vậy không đơn giản. Phải trải qua hằng sa kiếp huân tu các pháp lành, dứt sạch nghiệp ác, tạo thành vô lượng công đức, Thiện Tài mới có được niệm tâm ấy.
Với thiện căn công đức tích lũy từ vô số kiếp, giúp cho Thiện Tài nhận chân được Phổ Hiền hạnh thật là tuyệt mỹ. Thiện Tài thấy thân Phổ Hiền trùm khắp Pháp giới, ba đời chư Phật đều nằm trong lỗ chân lông của Phổ Hiền Bồ tát và thấy Thiện Tài tu vô số kiếp cũng không ra khỏi lỗ chân lông của Phổ Hiền. Thiết nghĩ hình ảnh này là thế giới tu chứng của người đã thâm nhập chơn kinh, chắc chắn nằm ngoài ngôn ngữ lạm bàn của phàm phu.
Thiện Tài cảm hạnh Phổ Hiền, khởi tâm muốn làm theo Phổ Hiền, thì liền nhập Phổ Hiền hạnh, biến khắp Pháp giới, tức Phổ Hiền hiện hữu ở đâu, Thiện Tài cũng nương theo lực Phổ Hiền mà đến đó hành đạo.
Từ Tỳ Lô Giá Na lâu các bước ra, nương được lực Phổ Hiền, Thiện Tài tu tạo công đức dễ dàng. Trước kia, chưa nhập Pháp giới, tu hành thật vất vả, mỗi ngày phải lạy thiên Phật vạn Phật, mà khó khăn buồn phiền vẫn luôn bao vây bức ngặt. Nhưng nay, chỉ có một niệm tâm thấy Phổ Hiền, nương lực Phổ Hiền, có được công đức nhiều hơn trăm ngàn lần gia công nhọc sức tu ở chặng đường trước.
Xưa kia Thầy tôi dạy rằng ở thác ghềnh, chúng ta phải ra sức chống chèo. Việc tu hành cũng vậy, giai đoạn đầu tu giống như ở sông, sơ hở một chút, thuyền sẽ đâm vào đá, cơi lên bờ. Nhưng ra biển, mượn sức gió căng buồm, đẩy thuyền đi nhanh không cực nhọc. Có được một niệm tâm, mượn được lực Phổ Hiền thì hành đạo nhẹ nhàng, tự tại mà kết quả ngoài sức tưởng.
Thiện Tài nương Phổ Hiền lực, lấy hạnh Phổ Hiền làm hạnh mình, trong một niệm thành tựu đầy đủ y như Phổ Hiền, dạo chơi tất cả Pháp giới, tham quan lễ bái chư Phật mười phương.
Cách tu mượn lực Phổ Hiền có thể ví như chúng ta đi mượn nợ ở thế gian. Nếu biết vay mượn đúng chỗ, đúng người, làm đúng việc thì cũng có thể trở thành giàu có. Nhưng người không biết phát triển, có vay cũng tiêu mất vốn.
Tuy nhiên, muốn mượn lực Phổ Hiền, tu hạnh Phổ Hiền, chúng ta phải đồng hạnh nguyện với ngài, vì Phổ Hiền chỉ mong ai có hạnh nguyện giống ngài là sẵn sàng giúp ngay. Trên thực tế cuộc sống, suy từ tâm niệm của chúng ta, có thể hiểu được điều này. Thí dụ như ai có yêu cầu về học phí, mua sách vở học hoặc làm gì để phát sanh trí tuệ, tôi sẵn lòng giúp, vì những việc ấy đồng với hạnh nguyện của tôi.
Mượn lực Phổ Hiền, chuyển chúng ta thành Phổ Hiền hạnh nhân, nên việc của chúng ta là việc của Bồ tát, tất nhiên phải được ngài gia bị và chúng ta sẽ thành công. Cũng giống như chúng ta tự làm không được, nhưng làm cho người có đức hạnh, nhân danh họ, ai cũng kính nể, tùy hỷ theo thì ta rất dễ thành công.
Mượn được hạnh nguyện Phổ Hiền, ta và ngài đồng nhau. Từ đó, ta làm ở nhân gian thay cho Phổ Hiền ở Pháp giới. Làm cho Phổ Hiền để nương theo ngài đi vào Pháp giới, vì chúng ta thấy Pháp giới quan trọng hơn trần gian.
Để kết phẩm Nhập Pháp giới, Phổ Hiền đặt ra ba điều rất khó đối với chúng ta, nhưng lại rất đơn giản với Bồ tát đã hoàn tất giai đoạn một như Thiện Tài. Tất cả thế giới chẻ thành vi trần đều có thể kiểm soát biết được. Nước bốn biển thu hết vô bụng được. Bầu trời có thể đo được, gió cũng tính được. Nhưng công đức của Phật thì không thể nào nói hết được.
Công đức của Phật không thấy bằng mắt, nhưng lớn lao không tưởng được, ảnh hưởng của Ngài tỏa rộng khắp năm châu. Ngày nay, chúng ta dễ nhận ra ý này. Trải qua thời gian dài hơn hai mươi lăm thế kỷ cho đến ngày nay, hàng tỷ người trên thế giới vẫn đang hướng tâm về Đức Phật, cầu nguyện, lý giải những lời vàng ngọc của Ngài, phát tâm đi theo con đường thánh thiện, giải thoát của Ngài. Vì vậy, công đức của Phật quá lớn, tuy vô hình mà nói mãi cũng không hết.
Theo tinh thần Đại thừa, Đức Phật chưa từng vắng bóng đối với người phát tâm Bồ đề. Ngài chỉ nhập diệt với người không có duyên lành. Như Lai không đến mà đến với tất cả tâm hồn có căn lành. Dù thời gian cách xa, không gian cách trở, nếu chúng ta phát tâm tu, đồng hạnh đồng nguyện thì Phổ Hiền vẫn đến, Phật vẫn gia bị cho ta.
Thực tế cho thấy Như Lai không đến, nhưng tất cả thành phần trong xã hội thời đó từ Sát đế lợi cho đến hàng cùng đinh, không giai cấp nào mà Phật không cứu độ. Những người nghèo cùng hoặc sang trọng, hay vua chúa theo Phật tu đều đắc đạo.
Theo lộ trình Hoa Nghiêm, từ con ong cái kiến, đến cỏ cây, sông núi, không có loại hình nào không có Phật. Chúng ta có căn lành, quyết tâm tu theo hạnh Phổ Hiền thì không sợ bị đọa, ở đâu tu cũng được Như Lai gia bị, Phổ Hiền hộ niệm.
Kết phần Nhập Pháp giới, Phổ Hiền mở ra cánh cửa gọi là Phổ Hiền hạnh môn. Bước qua cửa này, hay thực hiện Phổ Hiền hạnh thì rất nhiều, nhưng ngài tóm gọn thành mười hạnh nguyện. Nương lực Phổ Hiền, tu mười đại nguyện theo ngài mới giúp ta xóa được tất cả nghiệp ác quá khứ và tạo muôn ngàn công đức và đó là hành trang đưa ta đến quả vị Vô thượng Đẳng giác.