Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
Về mặt học thuật, chúng ta học lịch sử phần lớn căn cứ vào dữ liệu mà người trước đã ghi lại để đánh giá. Nhưng đứng ở lãnh vực tôn giáo để quan sát, chúng ta lại có nhận thức về lịch sử khác hơn là những điều được các nhà học thuật ghi nhận.
Thật vậy, muốn học lịch sử của kinh Hoa Nghiêm hay lịch sử Phật giáo Đại thừa, chúng ta phải có tinh thần Đại thừa. Tâm hồn Đại thừa mới có thể tiếp thu giáo nghĩa Đại thừa. Phàm phu thì say đắm ngũ dục thế gian, an phận trong sanh tử luân hồi. Chúng ta tự khẳng định là nhà tôn giáo thì phải có tâm hồn thoát tục, tìm lẽ sống cao thượng theo như Phật dạy.
Chúng ta cũng không giống nhà học thuật, vì họ chỉ nghiên cứu Phật học, còn cuộc sống không dính líu gì đến pháp Phật mà họ am tường. Trong đạo thường dùng câu: "Người uống nước, tự biết mùi vị của nó như thế nào”. Cũng vậy, người an trụ trong pháp mầu của Như Lai, tụng niệm, tham Thiền, lễ bái với tất cả tấm lòng, mới hiểu được thế giới Phật.
Điều tôi muốn truyền trao, hướng dẫn các anh em trở thành nhà tôn giáo thật trong tương lai, mới hiểu được thế nào là lịch sử Phật giáo Đại thừa. Từ sự hiểu biết theo học thuật thông thường, tiến lên một bước nữa để hiểu lịch sử Đại thừa Phật giáo theo tinh thần của người tu có niềm tin, có trí tuệ. Và bước sang lịch sử kinh Hoa Nghiêm, chúng ta phải phát Bồ đề tâm. Có thể nói chúng ta học Đại thừa bằng Bồ đề tâm của chính mình, không học bằng vọng thức. Tôi nói và các anh em tiếp nhận tinh ba của giáo nghĩa bằng tâm hồn thanh tịnh, không phải chỉ dừng lại ở sự phân tích, học hiểu theo văn tự, ngữ ngôn.
Kinh Hoa Nghiêm có ba bộ. Bộ thứ nhất gọi là đại Hoa Nghiêm do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na chuyển. Bộ thứ hai là trung Hoa Nghiêm do Báo thân Lô Xá Na chuyển và bộ thứ ba do ứng thân Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm có cái nhìn về Đức Phật khác hơn các hệ tư tưởng khác và đương nhiên cũng khác với lịch sử thông thường mà chúng ta học.
Cả ba bộ kinh này đều ở cung rồng Ta Kiệt La. Nhưng hai bộ đại kinh và trung kinh quá đồ sộ, không thể mang về, nên ngài Long Thọ Bồ tát chỉ thỉnh được bộ tiểu Hoa Nghiêm gồm có một trăm ngàn bài kệ. Và mang về nhân gian, Ngài lọc lại, chỉ còn một nửa là bốn mươi lăm ngàn bài kệ.
Bộ tiểu Hoa Nghiêm mà ngài Long Thọ đem về, rồi truyền sang Trung Quốc, được dịch ra tiếng Trung Quốc và còn lại ngày nay hai bộ. Bộ Hoa Nghiêm sáu mươi quyển do ngài Giác Hiền dịch đời Tấn và bộ tám mươi quyển dịch ở đời Đường, dưới sự bảo trợ của Tắc Thiên hoàng đế, quen gọi là Võ Hậu.
Bộ kinh Hoa Nghiêm chúng ta học chủ yếu nương theo bộ kinh đời Đường. Kinh Hoa Nghiêm do Báo thân viên mãn Lô Xá Na và kinh do Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật chuyển thì chúng ta không thấy được Báo thân và Pháp thân Phật, nên không thể nghe, không thể đọc và không hiểu được. Điều này gợi cho chúng ta khi học Phật pháp, nhất là học Đại thừa, đòi hỏi ta học, hiểu và sống hoàn toàn mang tính chất Đại thừa. Việc này không đơn giản, vì chúng ta phải có quá trình thiết thân thể nghiệm pháp trong cuộc sống.
Chúng ta có thể học văn hóa, lịch sử dễ dàng, nhưng học Phật giáo thì phải học bằng niềm tin của chính mình. Và niềm tin cũng không thể nhồi nhét hay cưỡng bức mà có được. Có thể có bằng cấp Phật học, nhưng thiếu niềm tin, không thể trở thành nhà truyền giáo, chỉ là học giả.
Điều tiên quyết đối với người tu là bước đầu học Phật bằng niềm tin. Học, hiểu và sống được với pháp Phật và niềm tin phát xuất từ việc chúng ta tiếp xúc với bên ngoài, tức phương tiện hay học được pháp của Phật ứng hóa thân thuyết.
Đối với người theo tinh thần Đại thừa Phật giáo, nhất là học kinh Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa, Phật là Phật đã thành hiện thân lại làm người ở nhân gian và từ thân người này, Ngài tu thành Phật để hướng dẫn chúng ta đi theo lộ trình của Ngài, đó là ứng thân Phật.
Nhờ nghe Phật ứng thân Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, chúng ta lần thâm nhập, thấy được Báo thân Phật, mới phát hiện được con người thật của chính mình, gọi là Báo thân. Bằng Bồ đề tâm của con người thật của chính mình nghe Báo thân Phật thuyết pháp mà tự giác ngộ; ta trở thành Pháp thân Phật, biết được Pháp thân Phật thuyết cho ta nghe.
Như vậy, chúng ta học Phật trải qua ba giai đoạn. Trước tiên, ta học pháp của ứng thân Phật thuyết là mười hai bộ kinh Phật đều là phương tiện. Đến đây, chưa đủ, vì chỉ mới thông qua hình thức. Cần bước sang giai đoạn hai quan trọng hơn, đó là phát Bồ đề tâm.
Bồ đề tâm là trí giác, từ trí giác quán sát điểm cuối cùng của mười hai phần giáo theo Đại thừa là Phương Đẳng, hay Phương Quảng. Phương Đẳng chỉ cho Phật Báo thân và Phương Quảng chỉ cho Phật Pháp thân, không thể vói tới bằng vọng thức.
Những điều ta học, suy nghĩ, lãnh hội, nói hay chưa phải là đạo. Đó chỉ là phương tiện ban đầu để ta bước vào hành trình tâm linh, thấy theo Hoa Nghiêm. Theo đó, chúng ta thấy sự đa dạng của phần bên trong mỗi người, mỗi loài, tạo thành lục đạo, tứ sanh, cho đến thế giới của Hiền Thánh, Bồ tát, Như Lai. Những điều này chúng ta học được từ Phật Thích Ca Mâu Ni, từ những lời dạy của Ngài còn lưu lại.
Nhưng tiến hơn, những điều chúng ta học từ Báo thân Phật thuyết pháp là những gì Phật đã làm và để lại cho loài người, giữ cho Phật pháp tồn tại lâu dài, lợi lạc cho nhơn thiên. Và cao hơn là Pháp thân Phật chuyển, gồm có vi trần bài kệ. Mọi việc, mọi sự sống, mọi hành động của chúng ta đều thể hiện Pháp thân Phật. Những gì chúng ta làm, tư duy và có kết quả là Pháp thân Phật thuyết. Không phải Pháp thân là cái vô hình nào thuyết.
Hiểu kinh Hoa Nghiêm là từ văn tự đi vào tư duy, vào Thiền định, phát sanh được trí tuệ và dùng trí tuệ quán sát mọi sự, mọi vật. Kinh Hoa Nghiêm dẫn chúng ta vào Pháp giới, hay nhìn thế giới chân thật. Và biết được việc ở dạng chân thật, thì ta không còn lỗi lầm trên sinh hoạt hiện tượng của cuộc đời. Kinh Hoa Nghiêm muốn dạy ta cốt lõi ấy.
Theo phán giáo của ngài Trí Giả, Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày. Chỉ có hai mươi mốt ngày ngắn ngủi, làm sao Phật nói được vô lượng bài kệ gọi là vi trần; trong khi các bộ kinh khác, Đức Phật nói trong thời gian dài hơn mà lại không nhiều.
Phật nói Hoa Nghiêm hai mươi mốt ngày trong Thiền định. Hai mươi mốt ngày của cuộc sống vật chất theo đời thường tất nhiên quá ngắn ngủi; nhưng hai mươi mốt ngày tư duy Thiền định thiết nghĩ thật lớn lao không thể tính được. Ai không hành đạo, không công phu tu tập, không thể nào biết được điều này. Một niệm tâm trong Thiền định, Bồ tát cứu độ được vô số chúng sanh. Ngài Thiên Thai chứng được ba ngàn pháp biến dịch trong một niệm tâm. Và ba ngàn pháp này tác động lẫn nhau, tạo thành trùng trùng duyên khởi theo Hoa Nghiêm.
Hai mươi mốt ngày Phật tư duy dưới cội Bồ đề lại càng lớn không thể tưởng, vì hoạt động dưới dạng Phápthân, trở thành đại tự nhiên. Tư duy bằng vọng niệm chẳng là bao; nhưng tư duy dưới cội Bồ đề nghĩa là ở dạng bản thể của sự vật, ở chơn như tâm thì Phật, chúng sanh và tâm, tuy ba nhưng thông làm một.
Từ Bồ đề đạo tràng, Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm trong hai mươi mốt ngày, nhưng thuyết được tất cả. Thuyết tất cả, nghĩa là thuyết những gì xảy ra từ khi Ngài phát tâm Bồ đề và giáo hóa chúng sanh cho đến ngày thành Phật. Và hiện giờ, Ngài đang tiếp tục giáo hóa. Tất cả mọi người trên khắp năm châu bốn biển vẫn đang tiếp tục học pháp với Tỳ Lô Giá Na Phật, là ý nghĩa quan trọng nhất của lịch sử kinh Hoa Nghiêm theo tinh thần Đại thừa. Thật vậy, Đức Phật vẫn còn giáo hóa và hộ niệm cho chúng ta, chúng ta mới tu học được. Nếu không có lực gia trì đó, Phật pháp không thể tồn tại đến ngày nay.
Thái độ của người học Phật giáo Đại thừa nói chung và lịch sử kinh Hoa Nghiêm nói riêng, là phải thấy cái bao la vô cùng tận, cái chúng ta hiểu được giống như con muỗi uống nước biển. Tôi thấm thía ý này trong kinh Pháp Hoa dạy rằng khi nào tu tròn hạnh Bồ tát, thành Phật mới hiểu được Phật. Vì vậy, cho rằng học hết giáo lý là xong, quả là sai lầm lớn.