cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm


Lời tựa Lược giải Kinh Hoa Nghiêm    11- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Kiến Tỳ kheo
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
        I - Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm
   12- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tự Tại Chủ đồng tử
    II - Lịch sử truyền thừa và phát triển kinh Hoa Nghiêm    13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di
  III - Nội dung kinh Hoa Nghiêm    14- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Minh Trí
CHƯƠNG II - Ý NGHĨA ĐỀ KINH HOA NGHIÊM    15- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế
CHƯƠNG III – QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT THEO KINH HOA NGHIÊM
       I - Quan niệm về Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
   16- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Phổ Nhãn
   II - Quan niệm về Đức Phật theo Đại thừa Phật giáo    17- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Vô Yểm Túc
  III - Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm    18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang
CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín
   19- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bất Động Ưu bà di
  II - Bồ tát Thập Trụ    20- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
 III - Bồ tát Thập Hạnh    21- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa
IV - Bồ tát Thập Hồi hướng    22- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La
 V - Bồ tát Thập Địa hay Thập Thánh 23.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
VI - Bồ tát Thập Định 24- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
VII - Bồ tát Thập Thông 25- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với bà Tu Mật Đa nữ
VIII - Bồ tát Thập Nhẫn 26- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI 28.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Chánh Thu
   1- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo 27.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Quán Tự Tại
   2- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Vân Tỳ kheo 29- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thần Đại Thiên
   3- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo 30- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Địa thần An Trụ
   4- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Di Già 31- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với chủ Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
   5- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Giải Thoát 32- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
   6- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo 33- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
   7- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di 34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc
   8- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa 35- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
   9- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn 36- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát
   10- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Từ Hạnh đồng nữ CHƯƠNG VI – PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI – PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín

        Kinh Hoa Nghiêm được phiên dịch ra chữ Hán có ba bản là Tứ thập Hoa Nghiêm gồm bốn mươi quyển, lục thập Hoa Nghiêm gồm sáu mươi quyển và bát thập Hoa Nghiêm gồm tám mươi quyển. Theo tôi, dù là bộ nào, trọng tâm của kinh Hoa Nghiêm vẫn ở ba phần chính. Phần đầu là tánh khởi, hay Như Lai xuất hiện làm chúng ta hình dung được Đức Phật. Đức Phật của kinh Hoa Nghiêm không có mô hình cố định, nhưng đó là sức sống của muôn loài, muôn vật trong vũ trụ, không có gì không phải là Phật. Nghĩa lý này đã được triển khai trong phần trước. Phần quan trọng thứ hai của kinh Hoa Nghiêm nói về Bồ tát đạo.

Kinh Hoa Nghiêm vẽ ra lộ trình Bồ tát trải qua năm mươi hai chặng đường tu chứng là Thập Tín, Thập Trụ, Thập hạnh và Thập Hồi hướng, từng bước tiến tu lên.

I - BỒ TÁT THẬP TÍN

Chặng đường thứ nhất của Bồ tát đạo là phát tâm hay tín tâm. Kinh Pháp Hoa gọi là căn lành, vì có căn lành mới tin được, người không có căn lành, dù chúng ta nói gì, họ cũng không nghe. Từ căn lành khởi lên tín tâm.

Thực tế cho thấy người tu được đều có một cái gì man mác trong lòng, đó là căn lành. Vì vậy, từ thuở nhỏ chưa thấy chùa bao giờ, nhưng sau gặp giáo lý Phật, họ tự phát tâm mạnh, cảm thấy thân thương, gần gũi lạ thường. Điều này thể hiện rõ nét trong cuộc sống của người tu vì phát Bồ đề tâm, khác với người bất hạnh đi tu, hay tu vì miếng ăn, vì quyền lợi. Vì Bồ đề tâm đi tu, tức đã có trồng căn lành với Phật, họ sanh tín tâm một cách dũng mãnh, xả bỏ dễ dàng tài sản, thân mạng. Từ xưa đến nay, người thật lòng cầu đạo không hề nghĩ đến ăn mặc, phải trái hơn thua, hiện tướng giải thoát thật dễ thương. Họ luôn luôn nhường quyền lợi cho người và gánh vác việc cực khổ, có thể vào rừng sâu hay lên núi cao cầu đạo.

Đức Phật đắc đạo cũng vì phát Bồ đề tâm cầu đạo. Chúng ta không thấy được điều này, nhưng khi Ngài thành Phật rồi, chúng ta mới biết. Bản thân tôi cũng vậy, cái tôi cầu người xung quanh không biết, nhưng thành quả của tôi có thì người mới biết nhân lành tôi gieo trồng.

Vì vậy, người thành nên đạo nghiệp đều phải có quá trình hành đạo và việc hành đạo này đều tùy thuộc vào Bồ đề tâm; tất yếu họ phải có sự hy sinh đánh đổi. Còn người khác thì là đà dưới mặt đất, kinh ví như cỏ, chỉ cầu cơm ăn áo mặc, suốt đời tu cũng ở trong nhân gian. Cầu Vô thượng Bồ đề tu, mỗi ngày phải kết thành quả khác.

Tại sao chúng ta phát Bồ đề tâm. Chắc chắn tín tâm sanh ra không đơn giản. Phải gặp Phật, tức gặp được đấng trọn lành nương theo tu dễ lắm. Ta có căn lành rồi và gặp Phật là phát tâm liền. Nhưng ta chưa gặp Phật, mà phát tâm Bồ đề và gặp được Thánh Tăng thì cuộc đời cũng thay đổi. Gặp Thánh Tăng, lòng chúng ta an ổn liền, như Huệ Khả cầu đạo khắp nơi, nghe nhiều cũng đã chán nản mệt mỏi. Chỉ gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma chưa nói gì, mà lòng ngài đã an.

Có thể khẳng định rằng muốn phát Bồ đề tâm phải gặp Phật hay Bồ tát, Thánh Tăng thì hình ảnh thánh thiện của các Ngài bắt đầu đập vào tim óc ta, sẽ dẫn chúng ta đi suốt cuộc đời và nhiều đời sau nữa trên con đường Thánh đạo. Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là Sơ phát tâm thủy thành Chánh giác, nghĩa là bắt đầu từ đó, chúng ta thành Phật, tức có một ông Phật trong tâm ta rồi và dùng đức hạnh nuôi lớn tâm ta.

Mới vào đạo phải ăn chất đề hồ, không thể ăn thứ khác. Nương được bậc chân tu cao đức, niềm tin chúng ta lớn dần. Trái lại, gặp thầy tà, bạn ác, Bồ đề tâm chúng ta sẽ chết. Thật vậy, nếu thấy bạn đồng tu đủ thứ xấu ác, người lớn thì mệt mỏi, bệnh hoạn, chúng ta sẽ chán nản, bỏ cuộc. Riêng tôi, nhìn thấy Xá lợi của Hòa thượng Thiện Hoa, thì cảm nhận đó là kết tinh của những tháng ngày quyết lòng phụng sự đạo mà tôi đã ký thác tình cảm với ngài. Chính bậc Thầy đức hạnh ấy sẽ nuôi lớn Bồ đề tâm của chúng ta. Không có vị chân tu làm chứng tín, sao tu được, vì phát tâm dễ, nhưng nuôi được tâm này mới khó. Sống thọ, làm nhiều việc lợi ích cho đạo, mãn duyên thì an nhiên thị tịch. Con đường tu của vị Thầy làm biểu tượng cho chúng ta theo là như vậy.

Phật tại thế, phát Bồ đề tâm ở Phật, Thánh Tăng dễ dàng, nên ở thời đó, nhiều người được an lành, đắc đạo. Thời kỳ chúng ta không có Phật hay không có người tiêu biểu cho Pháp thân Phật, làm sao chúng ta phát tâm được. Vì vậy, người phát tâm được ở đời này phải biết là nhờ căn lành lớn. Các bậc chân tu đều cho biết họ sống bình thường như mọi người, nhưng tự nhiên có ý thức tu hành, nhàm chán thế gian. Có thể nói nhiều đời trước chúng ta đã tu và căn lành đời trước mới tác động cho chúng ta phát tâm Bồ đề được.

Tìm được thiện tri thức hay Linh Sơn cốt nhục, dù họ không cùng quốc tịch với ta, ta vẫn cảm nhận được họ là bạn đồng hành. Ta và họ hiểu nhau, thân thương với nhau, tin tưởng, kính trọng nhau một cách kỳ diệu. Linh Sơn cốt nhục, tức bạn chơn linh, chơn tánh, đồng ý nguyện cầu Vô thượng Bồ đề như ta. Giữa ta và họ tác động qua lại, giúp đỡ nhau. Điều này rất cần cho việc hành đạo, thăng hoa tri thức, đạo đức; không hiểu nhau, thì chỉ làm bạn dắt nhau lên quả đường!

Từ chơn tánh hiện thân Đại sĩ,

Giữa hồng trần chẳng nhiễm bụi trần.

Từ chơn tánh hiện lên cuộc đời, họ là Đại sĩ, Bồ tát lớn, tất nhiên không quan tâm đến tầm thường của thế gian. Tuy sống trên cuộc đời, nhưng họ thường trú ở chơn tâm, vượt qua hàng rào thức uẩn, tức những nghĩ tưởng lăng xăng mà kinh thường gọi là tâm viên ý mã. Kết bạn với những người như vậy, chúng ta dễ tiến tu.

Với tín tâm phát xuất từ chơn tánh, gặp Phật ở chơn tánh và được Phật gia bị, họ thường nghĩ đến Phật, trí tự sáng ra, tạo thành thế giới quan, theo đó sống giữa cõi hồng trần mà không bị mọi người tác động quấy rầy. Thật vậy, thâm nhập và an trú trong thế giới thanh tịnh tuyệt vời, buông bỏ tất cả một cách nhẹ nhàng, người có nói gì, làm gì họ cũng không để tâm đến. Được an vui hạnh phúc trong pháp mầu, thì bước ra cuộc đời, gió bụi còn làm gì được họ, đó là thế giới của Hoa Nghiêm. Còn sống bình thường ngày ba bữa, nghe chỗ có tranh chấp thì vội chạy đến góp ý là thế giới của chúng sanh quay cuồng trong sanh tử.

Tu đến đây, niềm tin không lay chuyển, dù là cư sĩ hay tu sĩ, làm mọi việc đều vì đạo. Hành Bồ tát đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, lấy niềm tin làm chuẩn. Đức Phật dạy niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức lành. Đứng về mặt quan hệ giữa con người với nhau trong đoàn thể, trong xã hội, người mà không được ai tin, chắc chắn không làm được gì. Đối với người Nhật, chữ tín rất quan trọng, người thất tín coi như bỏ đi. Tượng Tỳ Lô Giá Na bằng đồng thật vĩ đại ở Nhật Bản, do Thánh Vũ thiên hoàng đề xướng đúc vào thế kỷ thứ chín, là biểu thị của niềm tin theo tinh thần Hoa Nghiêm, lấy lời Phật dạy làm lẽ sống. Nhờ niềm tin, chúng ta mới trở thành tốt, thăng hoa cuộc sống từ địa vị phàm phu tiến đến Phật quả.

Riêng tôi, nếu không tin Phật thì giờ này chẳng thể tồn tại. Nhờ niềm tin tuyệt đối mới dám xả thân hành đạo, vượt qua mọi gian nguy. Tôi thường nghĩ chỉ cần Phật biết và chứng minh công đức, nên không sợ, không tiếc gì cả. Những người thiếu đức tin thì khó có thể đi xa, gặp cám dỗ, đe dọa, họ thay đổi liền, tất nhiên luẩn quẩn trong sanh tử, chỉ lấy khôn dại của cuộc đời để lừa dối nhau.

Bước đường tu của chúng ta trong giai đoạn Thập Tín nhằm xây dựng niềm tin của mình cho vững chắc ở Tam bảo. Phát tâm Bồ đề và trụ Thập Tín, làm sao gắn liền niềm tin tuyệt đối với Phật, sống chết với đạo và truyền niềm tin vững mạnh ấy cho người. Thiết nghĩ nếu chúng ta chưa tin trọn vẹn vào giáo pháp Phật, làm sao chúng ta có thể dạy người tin Phật. Tôi trầm mình sống trong giáo nghĩa Đại thừa, tin tuyệt đối, không gì có thể làm thay đổi; từ đó, từng bước sống với áo nghĩa kinh. Chúng ta thọ giới Đại thừa cũng thọ từ niềm tin vững chắc. Chúng ta tin chắc chắn giới thể thanh tịnh. Người thọ giới tướng, nhưng không tin kiên định, một lúc họ phá giới. Trái lại, với lòng tin kiên cố, dù ta phải gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần phiền não cũng rơi rụng, kết cuộc ta cũng là con Phật, thủy chung với Phật. Không có niềm tin vững chắc như vậy, dù có làm gì chăng nữa, chẳng qua chỉ là lừa dối nhau.

Ngoài ra, tôi thường tâm niệm cuộc đời là quán trọ. Tranh thủ làm việc tốt rồi về với Phật. Việc càng khó tôi càng thích thú, tự nghĩ đó là dịp may để chứng tỏ tấm lòng của tôi đối với Phật. Giả sử ta bỏ mạng nửa chừng, tất cả đều chấm dứt, nhưng ta tin anh linh trong sáng còn tồn tại, sẽ đưa ta đến với Phật, hoặc làm hành trang tốt đẹp hơn cho kiếp lai sanh. Tin chắc như vậy, ta nỗ lực hành Bồ tát đạo để tâm hồn trong sáng, càng làm tâm càng sáng.

Đi theo lộ trình Hoa Nghiêm, chúng ta tin Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và tin chúng ta sống theo lời Phật dạy, cũng sẽ đạt quả vị Phật như Ngài. Ngoài ra, chúng ta tin rằng nếu sống đúng chánh pháp, thì Như Lai sẽ khiến người tốt đến làm bạn đồng học. Theo Bồ tát đạo, chúng ta không tu một mình, phải có Bồ tát quyến thuộc là những người tốt, có Bồ tát mười phương nhiếp trì, các ngài cảm đức mà đến với chúng ta. Vì vậy, chúng ta quyết tâm tu, không sợ đơn độc, có Bồ tát hộ niệm và Hộ pháp Long thiên che chở.

Đây là điểm khác biệt với chủ trương chỉ tin tự lực, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta đi tắt, ta chưa phát huệ, không phải là Bích chi Phật, chưa thấu triệt Tứ Thánh đế, không phải là A la hán, nhưng muốn phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, phải lấy niềm tin làm chính, tin vào tha lực. Ta không có trí tuệ, không quán được sanh khởi, vận hành của các pháp, nên không giải quyết việc được.Tuy nhiên, vì là việc của Phật, ta làm cho Phật, nên trở thành dễ dàng. Nếu việc thực sự là của Phật thì chư Tăng hoan hỷ, Phật tử nhiệt tình đóng góp, còn việc của riêng ta thì ta phải tự lo.

Thật vậy, theo kinh nghiệm hành đạo của riêng tôi, các khóa đào tạo Giảng sư ở cả hai miền Nam, Bắc vừa qua đã thành tựu viên mãn. Tôi tự nghĩ việc này hoàn toàn vượt ngoài khả năng, nhưng tôi tin ở lực Phật gia bị để tôi có thể thừa hành công việc cho Ngài. Cảm nhận như vậy, tôi làm trong niềm thanh thản. Mọi việc tổ chức, tiền bạc, giáo sư, Tăng Ni học hành... đều do Phật quyết định, thời tiết nhân duyên đến thì việc phải thành. Vì là việc của Phật, nên Ngài tác động cho đàn việt phát tâm hiến cúng, các vị tôn đức, những nhà trí thức có học vị, cũng phát tâm tham gia. Tôi không có gì, ngoài niềm tin vững chắc nơi Phật.

Thiển nghĩ người tu Đại thừa phải trụ pháp Không, ta không có gì, ta phải thay Phật giữ Như Lai tạng. Nói cách khác, chúng ta "làm tôi” cho Phật, đừng khởi niệm tham, dù chỉ một đồng xu cũng thọ quả báo. Tất cả đều của Phật, ta đóng góp phần mình là hành Bồ tát đạo.

Theo lộ trình Hoa Nghiêm, hành Bồ tát đạo mà không có trí tuệ, không đức hạnh mà phải vượt ba a tăng kỳ kiếp, nhưng làm được việc nhờ phát tâm Bồ đề, tin ở Phật. Phật không gia bị, chắc chắn không làm được gì. Riêng tôi, không bằng ai, xuất thân từ tu sĩ nghèo, nhưng Phật lực gia bị tạo thắng duyên cho tôi làm đạo. Chưa chứng Duyên giác quả, mà thành tựu việc, là nhờ Phật huệ soi sáng, tự nhiên ứng xử đúng trong từng tình huống khác nhau. Qua những chứng nghiệm tự thân ấy, tôi càng tin vững ở sự liên hệ chặt chẽ giữa ta và Phật, các Ngài hộ niệm cho ta và Bồ tát mười phương giúp đỡ, cũng như Hộ pháp thiện thần hộ trì cho người truyền bá chánh pháp sau khi Phật diệt độ.

Hành đạo với niềm tin sâu sắc ấy, trải qua tất cả thử thách của cuộc đời, tiêu biểu bằng con số 10, mười lần chúng ta vượt khó, để khẳng định niềm tin kiên cố của chúng ta trên đường tiến tu Bồ tát đạo, gọi là Thập Tín.