cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm


Lời tựa Lược giải Kinh Hoa Nghiêm    11- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Kiến Tỳ kheo
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
        I - Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm
   12- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tự Tại Chủ đồng tử
    II - Lịch sử truyền thừa và phát triển kinh Hoa Nghiêm    13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di
  III - Nội dung kinh Hoa Nghiêm    14- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Minh Trí
CHƯƠNG II - Ý NGHĨA ĐỀ KINH HOA NGHIÊM    15- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế
CHƯƠNG III – QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT THEO KINH HOA NGHIÊM
       I - Quan niệm về Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
   16- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Phổ Nhãn
   II - Quan niệm về Đức Phật theo Đại thừa Phật giáo    17- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Vô Yểm Túc
  III - Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm    18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang
CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín
   19- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bất Động Ưu bà di
  II - Bồ tát Thập Trụ    20- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
 III - Bồ tát Thập Hạnh    21- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa
IV - Bồ tát Thập Hồi hướng    22- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La
 V - Bồ tát Thập Địa hay Thập Thánh 23.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
VI - Bồ tát Thập Định 24- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
VII - Bồ tát Thập Thông 25- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với bà Tu Mật Đa nữ
VIII - Bồ tát Thập Nhẫn 26- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI 28.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Chánh Thu
   1- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo 27.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Quán Tự Tại
   2- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Vân Tỳ kheo 29- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thần Đại Thiên
   3- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo 30- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Địa thần An Trụ
   4- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Di Già 31- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với chủ Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
   5- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Giải Thoát 32- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
   6- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo 33- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
   7- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di 34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc
   8- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa 35- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
   9- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn 36- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát
   10- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Từ Hạnh đồng nữ CHƯƠNG VI – PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI – PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI

          Pháp giới là thế giới không thấy bằng mắt, chỉ có độ cảm bằng tâm mới thâm nhập được và tùy theo tâm được tinh lọc ở mức độ nào mà hiểu về Phật khác nhau. Ngoài ra, mỗi loài chúng sanh còn có cái thấy khác nhau tùy theo nghiệp tương ưng của chúng. Ngay cả thế giới của loài người chúng ta, thấy bằng mắt, nghe bằng tai, mà còn không giống nhau. Không giống vì phát xuất từ tâm, từ nghiệp không giống. Thậm chí những người cùng chung một ngôn ngữ dĩ nhiên chuyện trò với nhau được, nhưngvẫn không hiểu rõ nhau là không hiểu cái nghiệp. Tuy nhiên, nếu trình độ tâm linh của chúng ta được nâng cao thì có thể thấy được nghiệp của các loài, từng bước cũng nghe được âm thanh của chúng. Dù sao, cùng là loài người thì dễ cảm tâm, hiểu nhau hơn. Các nhà sư truyền giáo thể hiện khả năng cảm tâm cao độ, như ngài Phật Triết là Thiền sư Việt Nam gặp Bồ tát Hạnh Cơ đón ngài ở bờ biển nước Nhật. Tuy cả hai vị không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng các ngài đã truyền thông với nhau bằng tâm, nên một vị tự động đến Nhật hành đạo và một vị tự động đi đón, không cần phải hẹn trước, báo trước.

Tuy nghiệp của chúng ta khác nhau, nhưng nếu sống trong Định thì hiểu nhau được. Các vị Thiền sư Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, v.v… đã vượt qua nghiệp thức và sống bằng tâm thanh tịnh, nên giữa các ngài có sự cộng thông, cộng hưởng bằng tâm, không cần sử dụng ngôn ngữ mà còn chính xác hơn là dùng lời nói. Và chính cái tâm thanh tịnh mới hiểu tinh thần Hoa Nghiêm và thâm nhập được Pháp giới.

Chúng ta đi vào Pháp giới bằng niềm tin và xa hơn, dùng tâm, dùng huệ. Đó là ba tầng khác nhau để hiểu Phật. Bằng niềm tin, chỉ hiểu Phật lờ mờ. Chúng ta kính tin Phật, vì thấy đức hạnh và việc làm của Ngài siêu tuyệt hơn mọi người. Hoặc hiện tại không thấy Phật, nhưng gặp những bậc cao Tăng sống bình dị, mà được mọi người thương kính một cách dễ dàng; là thấy trong họ có cái phi thường mà chúng ta muốn học.

Đến đây cần phân biệt giữa chánh và tà. Trong cuộc sống có rất nhiều người tà, họ có ma thuật, quyền biến. Điểm chính để nhận ra người tà là họ luôn dùng thủ đoạn tính toan, luôn muốn chiếm đoạt, sở hữu; nhưng thực tế cho thấy, việc làm của người tà ác thường không tồn tại lâu dài. Tiếp xúc với họ, chúng ta cảm giác rợn người, ngại sợ. Riêng với các bậc cao Tăng đạo đức có tâm hồn và ngôn ngữ giải thoát, không bận tâm với sự nghiệp vật chất của thế gian. Thế mà họ lại có phước báu lạ lùng, người đến cầu học đều tỏ lòng cung kính và người nào hữu duyên tiếp xúc, thân cận đều được an lành và cuộc sống được thăng hoa. Như vậy là biết người này tu chánh đạo.

Trong thực tế cuộc sống, tà dễ gặp hơn chánh. Tôi cảnh giác quý vị vì chúng ta còn mang thân nghiệp thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến có đủ và tà đạo cũng có đủ những ác xấu này. Trong vô hình, nghiệp của quỷ thần, của tà đạo cũng nhiều và tâm ta còn đầy phiền não; nên ta dễ tiếp cận họ và lực tác động của họ khiến chúng ta cũng có được những điều kỳ bí lạ lùng. Hòa thượng Trí Tịnh thường nói rằng khi mình khởi niệm ác thì thế lực ác xấu có sẵn trong Pháp giới rất nhiều sẽ tác động ta liền. Vì vậy, những người tham sân si lên núi tu dễ trở thành phù thủy và họ cũng có những điều linh nghiệm. Đối với người còn sân, chúng ta tin dè dặt thôi, Hòa thượng nhắc tôi như vậy. Qua kinh nghiệm tranh đấu năm 1963, tôi thấy lời Hòa thượng dạy rất đúng, mình bực tức mà gặp Đạo sư cũng bực tức tác động thêm thì hậu quả không lường được. Vì vậy, gặp Thầy giỏi mà nổi sân, tôi thường bỏ đi.

Vị Đạo sư của chúng ta ít nhất không biểu lộ tham, sân, nhưng biểu lộ giải thoát trong lời nói, trong cuộc sống. Mặc dù ở mặt nào đó, chúng ta thấy việc này tiêu cực, nhưng cũng còn đỡ hơn là tích cực phiền não. Và tiến lên, chúng ta vào đạo qua con đường tích cực giải thoát. Nên đi sâu vào con đường này, thường bắt đầu kết hợp lời Phật dạy với cuộc sống tu hành của chúng ta, từng bước mới hiểu Phật và lời dạy của Ngài, chúng ta mới thăng hoa.

Phẩm Nhập Pháp giới đề cập nhiều đến chuyện thần biến, thần quyền, khiến chúng ta nghĩ là không thật. Ở đây có điều lạ là tất cả người vận dụng được thần bí lại sống đời thường trong xã hội. Nói cách khác, tất cả thành phần xã hội đều có thần bí. Đó là đặc sắc của kinh Hoa Nghiêm không đề cao người nào, thành phần nào, vị Thánh nào. Nhìn đời theo Hoa Nghiêm, tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh khác nhau, hầu như loài nào cũng có điểm cao quý riêng. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm không dùng biểu tượng hoa sen như Pháp Hoa. Hoa Nghiêm chủ trương bình đẳng, tất cả loài hoa từ nhỏ đến lớn, đủ màu sắc, đều có nét đẹp riêng, hương thơm khác nhau. Các loài chúng sanh cũng vậy, loài nào cũng hữu ích cho sự sống trên trái đất này, người nào cũng cần thiết trong một giai đoạn nào đó. Vì vậy, Hoa Nghiêm đa dạng, đa hình, nếu thấy thuần nhất thì rơi vào Nhị thừa. Nhị thừa phải ăn mặc, sinh hoạt giống nhau, nhưng theo Hoa Nghiêm thì tất cả đều khác nhau. Đó là tinh ba của pháp này mà Tăng Ni phải suy nghĩ để quán sát cuộc sống. Và từ góc độ này, chúng ta đi vào Pháp giới sẽ có cái nhìn khác, vượt ngoài lịch sử và xã hội để nhận chân được cái đẹp toàn diện.

Trong pháp hội này, Phật ở rừng Thệ Đa, hay nói rõ là Kỳ Hoàn tịnh xá. Phật cũng thuyết kinh Di Đà ở đây, nhưng kinh diễn tả dưới dạng khác. Tịnh xá Kỳ Hoàn ở Ta bà, nhưng Phật giới thiệu Cực Lạc của Đức Phật Di Đà cách Ta bà mười muôn ức thế giới. Nghĩa là kinh Di Đà muốn tách chúng ta từ thực tế cuộc sống vật chất, hướng lên đời sống tinh thần. Kỳ Hoàn là tịnh xá bình thường và Phật cũng thuyết bình thường, chủ yếu Ngài gọi Xá Lợi Phất để giới thiệu Cực Lạc của Đức Di Đà là một thế giới xa xăm. Vì nếu Phật nói sự thật là Tịch Quang chơn cảnh ở đây, Tịnh độ ở ngay đây thì đại chúng không thể nào thấy được.

Trong kinh Duy Ma, Phật cũng giới thiệu thế giới khác bằng cách nói rằng tâm tịnh là độ tịnh. Xá Lợi Phất mới thắc mắc rằng tâm Thế Tôn thanh tịnh thì tại sao thế giới của Phật Thích Ca lại có hầm hố gai chông. Phật giải thích rằng hầm hố gai chông mà các ông thấy là vì nghiệp thức mà có; còn thế giới của Đức Thích Ca tốt đẹp hơn cả cõi Trời Phạm Thiên. Như vậy, kinh Di Đà nói thế giới Ta bà xấu, Cực Lạc tốt. Nhưng kinh Duy Ma lại nói thế giới này còn tốt hơn thế giới của Phạm Thiên.

Kinh Hoa Nghiêm chủ yếu nói về tâm, tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Các thế giới do vọng thức biến ra, tạo thành sơn hà đại địa, khổ vui trên cuộc đời này. Kinh Hoa Nghiêm muốn diễn tả Kỳ Hoàn tịnh xá là Tịch Quang chơn cảnh của Phật cũng ở ngay vườn của Cấp Cô Độc mà thôi. Học Đại thừa phải nhận thức điều này. Tuy thế giới Phật ở tại đây, nhưng có người thấy, người không thấy, người hiểu, người không hiểu. Phật ví như ánh sáng luôn có, mà người mù không thấy được ánh sáng. Thanh văn cũng như vậy, không thể thấy sinh hoạt của Bồ tát nương theo lực Phật mà giáo hóa chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm diễn tả Bồ tát nghe pháp bằng căn lành của họ đối với Phật, bằng nhân duyên của họ đối với Phật pháp. Phật hành đạo đã giáo hóa các Bồ tát thuần thục, nên thấy Phật là họ kính tín và phát tâm ngay. Ý này muốn đưa chúng ta vào thế giới Hoa Nghiêm ở dạng khác, là ở ngay Ta bà này, nhưng có Phật, Bồ tát, Thiên long Bát bộ hiện hữu để chúng ta so sánh với hai kinh Di Đà và Duy Ma.

Phẩm này phát xuất từ rừng Thệ Đa là rừng của Kỳ Đà, vườn của Cấp Cô Độc, nơi đây có tịnh xá và chư Tăng tu hành, Phật tử đến cúng dường. Đó là thực tế lịch sử của cảnh quan. Nhưng kinh Hoa Nghiêm không chấp nhận cách nhìn đơn giản này, vì cuộc sống bình thường thì không thể nào có được những hiện tượng kỳ vĩ. Thật vậy, nếu nhìn sâu sắc, sẽ thấy thực tế có những bậc cao Tăng mà người kính trọng đến độ dâng cúng cả tài sản hay thân mạng. Như Cấp Cô Độc dùng tất cả vàng để quyết tâm mua cho được khu đất đẹp nhất của thái tử Kỳ Đà để xây tịnh xá cúng Phật. Hoặc kinh Bát Nhã nói đến tiền thân Phật Thích Ca chín mươi kiếp trước làm quốc vương. Ngài thỉnh Phật Nhiên Đăng thuyết pháp và phải mở đường đi về hoàng cung. Nhưng khi đi ngang chỗ có vũng nước, Ngài vội vàng nằm xuống cho Phật Nhiên Đăng bước qua. Ngài được Phật Nhiên Đăng thọ ký chín mươi kiếp sau thành Phật Thích Ca. Người thường thấy Phật là Sa môn bình thường, còn ông vua này lại kính trọng Phật đến mức nằm xuống vũng bùn cho Phật bước đi. Đó là những điều chưa từng có mà người thường không làm nổi. Hoặc ông Cấp Cô Độc có phước báu kỳ diệu là kho vàng của ông lấy đi bao nhiêu cũng đầy trở lại. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Phật sự này. Theo Hoa Nghiêm, Bồ tát đệ Bát địa trở lên mới có được phước báu như vậy, nhằm chỉ cho chúng ta hiểu rằng y báo tùy thuộc chánh báo. Người tu không lo phát huy chánh báo, chỉ lo chăm chút y báo, chẳng hạn như lo kiếm tiền xây chùa, toan tính đủ cách. Nhưng khi chánh báo mất, là đánh mất tâm giải thoát, chỉ còn lo lắng buồn phiền dẫn đến thân bệnh và kết thúc đời mình một cách vô ích.

Tôi nhắc quý vị là phước báu của chúng ta đến mức nào thì sống như vậy, hay sống thấp hơn càng tốt. Có phước báu và tu hành để phát sanh trí tuệ, mới thấy nhân duyên chỗ nào xây chùa được và biết ai là người làm được việc này. Như có một vị phạm Tăng đi ngang khu đất, biết đó là đất Phật và cũng biết là năm trăm năm sau sẽ có Thánh Tăng đến đó xây chùa Tào Khê.

Đức Phật cho biết Trúc Lâm và Kỳ Hoàn tịnh xá là nơi mà ba đời các Đức Phật đều ngự. Quá khứ Phật đã thành đạo, thuyết pháp ở nơi đó, Đức Thích Ca và Phật ở đời sau cũng thành đạo, thuyết pháp nơi đó. Hai khu vườn này rất đẹp, là thánh địa để Phật thuyết pháp, ai làm gì khác không được. Thật vậy, Trúc Lâm tịnh xá ở trong khu vườn mà vua Tần Bà Sa La đã dùng làm vườn thượng uyển vui chơi, nhưng không được. Vì đó là thánh địa nơi Đức Phật thành đạo, thuyết pháp ngày xưa, nên các cung nữ và vua đến đây không còn hứng thú vui chơi trần tục nữa. Theo tôi, khi đức của mình chưa cao thì không nên đến những nơi có người xấu ác, vì sẽ bị họ tác động mình bực bội, phiền não theo. Trái lại, đến những nơi có bậc tu hành giải thoát, chúng ta sẽ tiếp nhận được lực gia bị thánh thiện. Riêng tôi khi chiêm bái nơi Phật Niết bàn, tự nhiên cảm thấy bùi ngùi đến rơi nước mắt. Hòa thượng Thiện Siêu cũng cảm động rơi lệ khi đến Bồ đề đạo tràng. Trên bước đường tu, chúng ta có độ cảm về Phật, đó chính là nhân duyên giúp chúng ta tu được. Nhập Pháp giới hướng chúng ta có độ cảm như vậy.

Từ niềm tin vào đạo, tiến đến dùng tâm vào đạo, an trụ Định để thâm nhập Pháp giới. Vào Pháp giới rồi thì nhìn xã hội ở bề trái, thấy Kỳ Hoàn tịnh xá khác hẳn. Chưa nhập Định thấy đó là khu vườn rất đẹp có tịnh xá để chư Tăng và Phật ngự. Nhưng vào Định, kinh Hoa Nghiêm nói rằng thấy khác là thấy Báo thân viên mãn của Phật, thấy Pháp thân Tỳ Lô Giá Na. Nói cách khác, thấy được thân vô hình của Phật kết tinh bằng phước đức và trí tuệ trọn vẹn. Báo thân và Pháp thân Phật mới nhiếp được toàn bộ Pháp giới và tất cả chúng sanh. Còn sanh thân thì không có khả năng làm như vậy.

Thật vậy, chứng Báo thân viên mãn hay thân đầy đủ phước đức, trí tuệ, Phật mới chi phối trải rộng cho sáu ngàn Tỳ kheo tu ở đây. Thực tế cho thấy nếu chúng ta thân cận vị Thầy có phước đức, trí tuệ sẽ thấy họ tác động tâm đại chúng thanh tịnh hơn, đời sống của chúng tốt hơn. Trái lại, chỉ có nghiệp thân thì làm cho chúng bất an.

Chúng ta thấy Phật không làm gì, nhưng sức chi phối của Ngài vô cùng và trải rộng cả Pháp giới. Nếu trụ Thiền định thì thấy tất cả Bồ tát mười phương đến đây nghe pháp và thấy chư Phậtở quốc độ mình. Các Ngài phóng quang đến Phật Thích Ca và Phật Thích Ca cũng phóng quang đến các Ngài. Đó là sự giao tiếp bằng tâm mà ở trong Thiền định mới nhận ra mối tương quan, tương tác giữa Phật và Bồ tát, giữa Phật và Hộ pháp Long thiên cùng Hộ quốc nhân vương. Lực tương quan siêu hình ấy đã làm cho rừng Thệ Đa sáng lên; nói cách khác, phước đức và trí tuệ của Phật tỏa ra cho các Tỳ kheo ở đây và chi phối cả Pháp giới.

Diễn tả một cách thực tế cho dễ hiểu, lấy cái gần để hiểu việc cao xa nói trên như sau. Thí dụ Hòa thượng Minh Châu có phước đức, trí tuệ lớn. Quan hệ của ngài và các bậc thức giả trên thế giới rộng. Ngài quan hệ với các vị Hòa thượng có tầm cỡ, nổi tiếng trên thế giới. Và các vị này cũng hướng tâm đến Hòa thượng Minh Châu. Vì tầm ảnh hưởng của ngài mạnh như vậy, nên dù ngài bệnh mà khó có người thay thế. Mối quan hệ có được là do công đức tu hành.

Công đức của Phật Thích Ca tỏa sáng mười phương, nên chư Phật mười phương cũng quan tâm đến Ngài và Bồ tát mười phương cũng đến cầu học với Phật Thích Ca. Tại sao Bồ tát phải đến Ta bà học. Vì tu hành cần có môi trường để thực hiện pháp. Trí luôn đối cảnh mới sinh ra. Trí là sự nhận thức; có người hung dữ thì chúng ta mới nhận biết được thế nào là hung dữ. Thế giới Cực Lạc toàn là thượng thiện nhân thì làm sao biết được người xấu ác như thế nào. Các loại hình thế giới Phật mười phương là thanh tịnh nhất như, nên không có những hiện tượng sai biệt như ở Ta bà. Chúng ta ở đây nếm đủ mùi quái ác, nên ngán sợ. Các ngài chưa được thực tập với những thứ này bao giờ, nên đến đây học hỏi, thử nghiệm là điều tất yếu. Chư Phật bảo các vị Bồ tát muốn biết vô số tam muội phải đến Ta bà học với Phật Thích Ca. Cứ đến đây là biết người tham ra sao, ở thế giới Phật muốn gì được nấy thì không thể biết tham là gì.

Kinh Hoa Nghiêm diễn tả rừng Thệ Đa đổi khác, tỏa ánh sáng rực rỡ, vì có chư Phật và Bồ tát mười phương cùng Bát bộ Thiên long, Hộ quốc nhân vương hiện diện đông đủ. Trong thế giới hùng vĩ vô cùng như vậy, các vị Thanh văn cũng có mặt ở đó mà không biết các vị Bồ tát đang kính lễ và sinh hoạt với Phật, không nghe được pháp âm Phật truyền trao cho Bồ tát. Phật thuyết pháp cho Bồ tát không bằng ngôn ngữ, nên vô âm, nhưng Ngài dùng pháp ngữ gọi là pháp âm. Từ tâm thanh tịnh của Phật truyền thẳng đến tâm Bồ tát, nên giữa các Ngài thông nhau, hiểu nhau, không nói. Trong khi pháp Thanh văn phải dùng ngôn ngữ để diễn tả mới nghe được. Còn pháp Bồ tát dùng tâm để cảm. Bồ tát cảm tâm Phật, nên nhận được sự an lành và tự phát triển phước đức, trí tuệ của chính mình.

Cũng là rừng Thệ Đa, nhờ có Phật, Bồ tát gia bị, mới tạo thành sức sống vô hình kỳ diệu. Con người vật chất chúng ta tuy không thấy thế giới vô hình, nhưng có độ cảm với Phật để từ đó bước vào thế giới Tịch Quang chơn cảnh của Ngài, hay là rừng Thệ Đa theo Hoa Nghiêm. Điều này có thể tạm hiểu bằng thí dụ như Hòa thượng Minh Châu sử dụng mạng Internet. Ngài ngồi tại Học viện này và đang tiếp xúc qua mạng với các vị thức giả trên thế giới. Chúng ta cũng đang ở Học viện này mà không nghe, không biết ngài nói gì. Hoặc tôi đang thuyết pháp ở Thiền viện, nhưng người trong thành phố này không nghe được; trong khi những người ở Pháp, Mỹ, Anh, v.v… chẳng hạn, mở mạng vẫn nghe được. Có thể hiểu Phật Thích Ca quan hệ với Phật và Bồ tát mười phương cũng giống như vậy. Lấy thí dụ này để hiểu tại sao Phật ở thế giới này và Phật ở thế giới khác quan hệ với nhau được, còn chúng ta, chúng Thanh văn lại ở ngoài lề. Phật nhập định, dùng tâm liên hệ được với tất cả. Thiết nghĩ ở thời xa xưa mà Đức Phật đã chỉ dạy mối tương quan siêu vật chất như vậy quả thật là vĩ đại vô cùng. Đối với lực tác động của Phật, Bồ tát, chúng ta khó vói tới. Tuy nhiên, bằng niềm tin, chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi của cảnh vật. Tôi thường nhận ra được những thời kinh có hồn, những buổi Thiền định có ý nghĩa. Thời kinh tụng để tụng, không có hồn, người nghe không cảm được. Thiền định có ý nghĩa là tâm thanh tịnh được sẽ tạo cho chúng ta có độ cảm với Phật, Bồ tát. Và tùy theo mức độ cảm tâm cao thấp mà chúng ta vào được dòng Thánh, thấy họ bình thường, nhưng thành tựu những việc phi thường. Học Đại thừa phải tiếp nhận được tinh thần này.

Chúng Thanh văn cũng đang ở trong pháp hội mà không thấy, không biết sự kỳ diệu đang diễn ra. Kinh nói rằng Bồ tát Văn Thù mới khai ngộ cho sáu ngàn Tỳ kheo tham dự pháp hội này qua trung gian Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ nhất thế gian. Văn Thù Sư Lợi là bậc trí tuệ nhất trong hàng Bồ tát. Nghĩa là trí của Thanh văn và trí của Đại thừa cảm nhau được. Vì thế, Xá Lợi Phất thấy Văn Thù, mà các Thanh văn khác không thấy; vì Văn Thù siêu hình.

Dùng trí Thanh văn cảm trí tuệ Đại thừa là từ trí thuần lý do học mà biết, tiến qua trí của Bồ tát do thể nghiệm trong cuộc sống mà có được. Hai trí này khác nhau, nhưng ít nhất cũng phải hiểu biết trên sách vở mới nhận ra được trí thể nghiệm. Có thể nói trí hiểu biết của Xá Lợi Phất là cánh cửa để mở ra cho ngài bước vào Pháp giới.

Văn Thù Bồ tát từ trong lầu các Đại Trang Nghiêm đảnh lễ Phật xong, từ lầu các đi ra và du hóa về phương Nam, thì Xá Lợi Phất thấy Văn Thù. Điều này gợi ý chúng ta rằng Xá Lợi Phất thấy Văn Thù bằng trí tuệ, vì ngài có trí tuệ bậc nhất trong Thanh văn và dùng trí ấy để soi rọi giáo lý Phật, mới phát hiện ra Bồ tát Văn Thù. Thực tế các anh em đọc kinh cảm thấy chán là không thấy Văn Thù. Người đọc thấm thía ý Phật dạy, thì đời sống họ sẽ thăng hoa là hiểu được pháp và gặp được Văn Thù khai ngộ.

Học Đại thừa phải hiểu Văn Thù Sư Lợi là đại trí. Ngài là thầy của ba đời các Đức Phật, không phải là con người thật, nhưng là trí tuệ hay nhân cách hóa trí tuệ thành Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Trí tuệ này chúng ta tìm ở văn, tư, tu, tức có nghe, suy nghĩ và thực hành thì trí tuệ mới phát sanh.

Xá Lợi Phất thấy Văn Thù từ Đại Trang Nghiêm lầu các đi ra và đi về phương Nam. Ở đây, bao hàm ý nghĩa triết học. Lầu các chỉ cho kho pháp bảo, kho tàng trí tuệ. Đức Phật và đạo Phật có giá trị vĩnh hằng, vì hàm chứa trí tuệ tuyệt vời. Văn Thù từ kho trí tuệ đi ra, nghĩa là nương theo kinh điển của Phật giúp chúng ta phát hiện ra cuộc sống bất tử được xây dựng bằng phước đức trọn lành, bằng sự hiểu biết siêu tuyệt. Thí dụ tôi đọc kinh, tâm đắc được điều gì thì cảm thấy sung sướng và việc tự sáng ra, thực hiện đạt kết quả tốt nhất; đó là thấy Văn Thù xuất hiện.

Xá Lợi Phất thấy được Văn Thù và ngài cũng được đại chúng kính trọng, mới bảo các Tỳ kheo nên quán sát Văn Thù Bồ tát, cũng có nghĩa là bảo đại chúng học giáo lý rồi thì phải thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống của chính mình; còn chỉ biết suông thì chưa đủ.

Xá Lợi Phất đã thể nghiệm tinh ba của Phật dạy nên ngài mới nhận ra Văn Thù trước nhất. Ngài bảo đại chúng quán sát Văn Thù là quán sát hành trạng của Văn Thù, hay con đường đi của Văn Thù, viên quang của Văn Thù và quyến thuộc của Văn Thù.

Học Phật, chúng ta so sánh con đường của Văn Thù Bồ tát hay của Phật đi với con đường mà chúng ta đi. Con đường của Phật và của Văn Thù thật là huy hoàng, con đường chúng ta đi sao mà gian lao, thảm hại. Mới tu, tôi đã nhận ra ý này. Các Hòa thượng tu hành được mọi người kính trọng, được mọi thứ phước báu; còn mình tu thì khổ sở quá, cơm không đủ ăn. Nhận ra đời sống của Thanh văn không bằng Bồ tát, chúng ta mới phát Bồ đề tâm.

Con đường của Văn Thù Bồ tát đi là con đường mà Đức Phật đã dạy, là con đường đạo có thể nghiệm mới thấy được. Đường Văn Thù đi huy hoàng sáng lạng, đến đâu cũng làm cho người phát tâm, kính trọng, cúng dường. Văn Thù có trí tuệ và sử dụng ngay trí tuệ để chuyển xấu thành tốt. Trái lại, người vô trí hành sử thì tốt cũng thành xấu. Thực tế người có hoàn cảnh tốt, nhưng tu thế nào mà thành tàn tạ; trong khi người hẩm hiu mà cuộc sống vươn lên được. Cần có trí để thay đổi cách suy nghĩ, cách sống. Người xử sự nông nổi thường buồn phiền, bất mãn. Tuy có chùa cao Phật lớn, nhưng vì vô trí, nổi sân, buồn khổ, bực tức, tham lam, nên đã dẫn họ vào con đường cụt, tự mình hành hạ mình, tự làm khổ mình. Chúng ta tu hành nên đi con đường giải thoát của Phật, đừng đi lạc con đường tham, sân, si. Đi đường giải thoát để tâm chúng ta an lạc, giáo hóa chúng sanh và đến đâu cũng làm cho người phát tâm Bồ đề và quý mến ta. Đó cũng là con đường của Văn Thù. Hoặc đi con đường trí tuệ của Phật, chúng ta nhớ đến Tam minh của Ngài. Nhìn xã hội hay quán sát một người, chúng ta cũng phải thấy theo tinh thần Tam minh mà giải quyết. Tôi gặp một người vô cớ hủy nhục, gây sự với tôi. Tôi tự nghĩ mình là người tu, họ là người đời, mà cãi lý với họ thì ai thiệt đây. Có chút trí tuệ, chúng ta nhận ra ngay, chỉ cần xin lỗi hay cho họ ít tiền là xong. Ít nhất họ cũng nghĩ Thầy chùa tốt! Chúng ta quán nhân duyên thấy họ và ta có nhân duyên quá khứ không lành, thì trả là xong. Thiền sư gặp tên cướp định giết ngài, ngài đưa tiền cho hắn và nói rằng ngài nợ tiền, chớ không nợ mạng. Xử sự của người trí theo cách ấy là yên thân. Con đường của Phật, của Văn Thù, của đại Sa môn rất bằng phẳng, mọi việc giải quyết tốt đẹp bằng trí tuệ sáng suốt, thấy rõ ba đời nhân quả.

Đức Phật không xây dựng sự nghiệp vật chất. Ngài nhìn đối tượng, tùy theo chúng sanh muốn gì, nghĩ gì, thì Ngài giúp để họ phát tâm Bồ đề và sanh thiện cảm với Ngài. Là đệ tử Phật, ta cũng lấy việc giáo hóa chúng sanh làm sự nghiệp của mình. Còn anh em vì quyền lợi mua đất, cất chùa mà lấn ranh là sai lầm quá lớn, không phải hạnh Sa môn, nên bản thân không bao giờ được an ổn. Xây dựng chùa phải kiếm tiền đến mất ăn, mất ngủ, đó không phải là việc của người tu. Phật đã ủy thác việc này cho quốc vương, vương tử, đại thần. Việc xây chùa, làm kinh tế của Phật tử, tôi khẳng định như vậy. Việc của chúng ta là giải thoát. Người đến với tôi, tôi suy nghĩ xem họ muốn gì, với người chỉ cần vài ngàn đồng thì mình cho họ, mình sẽ được yên ổn liền. Con đường giải thoát là vậy, ôm vật chất vô mình nhiều, nó sẽ gây khó khăn cho ta nhiều, không đi xa được. Nhiều việc không đáng, nhưng nó cũng thành vấn đề làm ta khổ, nếu không biết xử sự. Con đường của Văn Thù bằng phẳng đầy hoa thơm; người được bố thí, giúp đỡ thì họ cười là một cánh hoa đã nở rồi đó, dù đó là hoa đói, hoa nghèo, hoa khổ, hoa dại, hoa ăn mày, nhưng cũng là hoa. Đó chính là ý nghĩa chúng hoa của Hoa Nghiêm. Áp dụng tinh thần Hoa Nghiêm, tôi làm một số việc từ thiện xã hội mới thấy ý nghĩa cuộc đời nở hoa như thế nào. Đến nơi nào mà chúng ta đáp ứng được yêu cầu của người thì họ vui ra mặt là hoa nở theo Hoa Nghiêm.

Trở lại kinh Duy Ma, Loa Kế Thiên vương thấy thế giới Phật Thích Ca đẹp hơn cõi Trời Phạm Thiên. Ý này cũng bao hàm tính triết lý. Nói thực tế một chút, chúng ta thấy rõ bước chân du hóa của Đức Phật đẹp hơn tất cả giáo chủ đương thời. Thật vậy, không ai có sức cảm hóa siêu tuyệt như Đức Phật, từ người tốt đến người ác xấu, hại Phật đều quỳ dưới chân Phật để sám hối và xin làm đệ tử. Thế giới của Phật như vậy không đẹp tuyệt vời là gì nữa. Con đường của Phật đi chuyển khổ đau thành an lạc, phước đức. Đường chúng ta đi gian lao quá, phải gõ cửa xin từng người mà cũng không có đủ, nói khô cổ mà cũng không ai cho. Con đường của chúng ta sai lầm nên mới thảm não như vậy, phải thấy để sửa đổi.

Quán sát Văn Thù thấy rõ ngài rất khỏe, còn chúng ta thì ốm yếu, bệnh rề rề. Văn Thù luôn luôn vui tươi; chúng ta thì luôn buồn chán. Văn Thù hiện thân làm đồng tử, nghĩa là thể hiện anh nhi hạnh, sống thanh thản, vui vẻ, làm việc nào cũng tốt; chúng ta thì ngược lại. Thấy trí lực và cuộc sống của Văn Thù để chúng ta phát tâm tu cho đúng Bồ tát pháp. Nếu tu đúng thì viên quang phải sáng; nghĩa là học đạo, trí bừng sáng mới thấy được chân thật tướng của các pháp từ hữu tình vô tình đến hữu vi, vô vi. Mọi người kính trọng Văn Thù vì ngài có viên quang từ đỉnh đầu soi rọi khắp mười phương; nói cách khác là trí tuệ của Văn Thù quá siêu việt. Quán sát thấy Văn Thù rất giống Phật; còn chúng ta giống ai?

Các Tỳ kheo được Xá Lợi Phất chỉ cho thấy Văn Thù Bồ tát, liền đảnh lễ và cầu ngài chỉ dạy. Văn Thù chỉ nói với các Tỳ kheo những pháp mà Đức Phật đã dạy là Tứ Thánh đế, Thập nhị Nhân duyên, Lục Ba la mật. Nói xong, ngài khuyên mọi người cố gắng tu hành và từ giã đại chúng, vì còn bận đi đến Phước Thành để dạy Bồ Tát đạo cho Thiện Tài đồng tử. Điều này nhằm gợi ý rằng hành Bồ tát đạo phải có phước mới làm được. Có năm thứ phước, quan trọng nhất là tâm an lạc, kế đến là sức khỏe, trí sáng suốt, được mọi người thích gần gũi và có nhiều tiền của. Theo tôi, rất cần sức khỏe để chịu đựng. Thật vậy, muốn làm việc lớn, phải lăn lóc gánh chịu những gian khổ mà không tổn hại bản thân mới được. Không có thể lực tốt, không chịu nổi. Phải rèn luyện cho mình thể lực thật tốt. Ngoài ra, phải có tấm lòng khoan dung, người mới thân cận, hợp tác với ta; khó khăn và chấp quá thì ai dám gần.

Văn Thù Bồ tát nhắc các Tỳ kheo phải lo tu ba mươi bảy Trợ đạo phẩm, sáu pháp Ba la mật, mười hai Nhân duyên để tạo phước; không lo thể nghiệm những pháp này, mà lo hỏi chuyện hành Bồ tát đạo lớn lao làm gì. Các Thầy phải làm cho được việc thoát ly sanh tử trước mắt mà Phật đã dạy. Văn Thù chỉ dạy các Tỳ kheo, hay còn có nghĩa là ngài nhắc khéo chúng ta.

Văn Thù sang Phước Thành để dạy Thiện Tài tiếp tục con đường Bồ tát, ở đây bần cùng cô lộ thì sao làm được. Còn ở Phước Thành có Thiện Tài phước báu nhiều nên ngài hiện thân ở đó thì nước này giàu có, trù phú.

Văn Thù dạy chúng ta từ tâm Thanh văn chuyển sang Đại thừa Bồ tát. Nhưng vì chúng ta nghiệp nặng, không hành Bồ tát ngay được, nên phải chuyển đổi bản thân của chúng ta trước. Bệnh hoạn, xấu xí, buồn khổ là do nghiệp của chính mình. Cần phải sám hối cho tiêu nghiệp. Nhận ra ý này, ngày nào tôi cũng lạy sám hối để tiêu ác nghiệp. Và ác nghiệp tiêu được thì đầu tiên là tánh ganh tỵ không còn nữa. Trước kia, thấy người giàu có, hoặc giỏi hơn mình, chúng ta buồn bực, ganh tức. Với tâm xấu như vậy sẽ hiện ra nét mặt khó coi và tác động cho thân chúng ta trở thành bệnh hoạn. Trái lại, nếu lo lạy sám hối, quên hơn thua phải trái, thì Phật sẽ tạm chấp nhận chúng ta. Có thể khẳng định rằng chúng ta không có con đường nào thoát được phiền não, sanh tử bằng con đường Thanh văn; còn việc Bồ tát phải để ngày khác, đời khác có phước báu mới làm được.

Tóm lại, chúng ta từng bước rèn luyện, sửa đổi thân tâm, tu tạo phước đức, trí tuệ để làm hành trang cho việc tiến tu Bồ tát đạo. Riêng đối với Thiện Tài đã có đầy đủ của báu và trí khôn thì việc học đạo, thể hiện Bồ tát hạnh, nhập Pháp giới chắc chắn dễ dàng. Giới thiệu mẫu người Thiện Tài tốt đẹp như vậy cũng nhằm chỉ cho chúng ta Đức Phật siêu tuyệt. Không siêu tuyệt sao được khi Ngài chỉ cần học sáu năm là thành đạt quả vị Vô thượng Bồ đề, thành Phật. Chúng ta học suốt đời mà cái được là bao, chưa nói đến quả vị Hiền Thánh. Thiện Tài tiêu biểu cho Phật đầy đủ tất cả những gì thánh thiện nhất, phước báu nhất, đức hạnh nhất, sáng suốt nhất, v.v… và với hành trang siêu đẳng này mà dấn thân vào đời hành Bồ tát đạo là thành Vô thượng Chánh đẳng giác ngay. Chúng ta tu hành tự biết mình giống như ngựa yếu, ngựa què, thì lết cũng tới, nhưng phải nỗ lực trải qua thời gian khá dài lâu là điều tất yếu. Chỉ cần tinh tấn, phát tâm Bồ đề, nỗ lực tu hành thì có ngày đến được Bảo sở.

Bồ tát đi vào đời dưới dạng Pháp giới được kinh Hoa Nghiêm diễn tả bằng hình ảnh Thiện Tài cầu đạo gặp năm mươi ba thiện tri thức. Tôi đọc phẩm Nhập Pháp giới, suy nghĩ và theo dấu chân Thiện Tài, quan sát xem Thiện Tài làm gì, rồi nhìn kỹ lại mình xem đã học được và có thể làm được gì, để nhắc nhở các pháp lữ cùng nhau tu hành.

Mở đầu hiện tượng nhập Pháp giới, Xá Lợi Phất hướng dẫn sáu ngàn Tỳ kheo đến Bồ đề đạo tràng nghe Phật thuyết pháp, nhưng không thấy Phật, nên đến rừng Thệ Đa, ở Ta La song thọ để tìm.

Từ Bồ đề đạo tràng đến Ta La song thọ gợi cho chúng ta nghĩ về một đời giáo hóa của Đức Phật, nếu nhìn dưới dạng tâm linh sẽ khác với cách nhìn theo lịch sử. Theo lịch sử, sinh hoạt của Phật giáo đạt đến đỉnh cao vào thời điểm mà trưởng giả Cấp Cô Độc đổi vàng lấy đất để xây tịnh xá cúng dường Phật. Hoặc lúc vua Ba Tư Nặc hết lòng hộ đạo, kính trọng Tăng đoàn.

Ngài Hiền Thủ gọi thời kỳ cực thạnh mà mọi người đều quy ngưỡng Đức Phật là "Nhựt thăng phổ chiếu”. Nghĩa là mặt trời lên đến đỉnh đầu sẽ chiếu tận hang cùng ngõ hẻm, ai cũng được hưởng phước lạc của Phật pháp. Nhưng khi có nhiều người đến với Phật đạo vì danh lợi thì đương nhiên nổi lên những thành phần không tốt. Mầm mống suy đồi đã xuất hiện trong thời kỳ vàng son. Điển hình là nhóm lục quần Tỳ kheo chuyên gây rối ở thành Xá Vệ.

Tuy nhiên, theo nhãn quan của Bồ tát thì thấy khác, không thấy tốt xấu như trên. Bồ tát thấy ở dạng siêu hình. Sở dĩ vua chúa phát tâm, hàng trí thức quy ngưỡng và Tỳ kheo theo Phật đông là nhờ lực tác động vô hình của Phật, Bồ tát, chư Thiên, thiện thần ủng hộ. Chính sức mạnh siêu nhiên này mới tạo thành cảnh giới bình yên thực sự cho đại chúng tu học, hình thành Pháp giới của Phật.

Trên bước đường tu, chúng ta cần thấy và phát huy được mặt siêu nhiên của đạo. Nếu chỉ thấy hình thức, chùa cao Phật lớn, thì cách đạo còn xa. Bồ tát thấy thế lực vô hình thu hút vua chúa, trí thức Bà la môn, chư Thiên đến với Phật, hình thành Pháp giới để thâm nhập.

Trong hàng Thanh văn chỉ có Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ bậc nhất mới thấy được thế lực siêu hình của Phật thực sự vô cùng tận, có khả năng che chở cho người phát tâm Bồ đề và nuôi dưỡng mạng mạch Phật pháp. Thật vậy, Xá Lợi Phất biết rõ năng lực của bản thân không làm gì nổi. Việc lớn thì phải nhờ tâm hồn lớn và khả năng lớn mới thực hiện được. Xá Lợi Phất thấy điều ấy bằng tuệ giác và năm trăm La hán cùng đi với ngài, thì thấy bằng niềm tin. Đó là hai cách thấy đạo và thâm nhập đạo.

Trên bước đường tu, khi thấy được đức độ của Phật, ta tin Phật dễ dàng. Nếu không, cũng có thể dùng niềm tin để đến với Phật. Như tôi tin Phật gia bị cho mình thành tựu mọi việc, không phải do tài của tôi. Một số người thường nghĩ tự thắp đuốc đi. Theo tôi, Phật là người cầm đuốc soi đường và ta nương theo ánh đuốc của Ngài, ta tự thắp không được.

Xá Lợi Phất bảo năm trăm La hán nên biết Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cũng như phần lớn các Bồ tát đóng vai cư sĩ, nhưng thực sự các ngài đóng vai trò quan trọng trong việc hộ đạo. Đừng nghĩ rằng cư sĩ không bằng hàng Nhị thừa. Phải thấy từ chư Thiên, chư Thần, nhân vương, người trí thức, người giàu có, thậm chí cả công nhân, thợ thuyền, v.v... Họ đều có thể là Bồ tát hiện thân lại trên cuộc đời để hộ đạo, tạo điều kiện cho các Tỳ kheo tu hành. Như vậy, hàng Nhị thừa đã thọ ơn của Bồ tát. Nhận thức điều này, Hòa thượng Trí Tịnh cho biết ngài rất ngại dự trai tăng, vì sợ rằng trong hàng cư sĩ cúng dường, quỳ lạy, nếu có Bồ tát hiện thân lại, thì ngài bị tổn phước.

Lời Hòa thượng dạy làm chúng ta phải suy nghĩ. Trên thực tế, chúng ta thấy trong giới Phật tử có thành phần trí thức như giáo sư, bác sĩ... trình độ học thức hơn ta và về phước báu, họ cũng giàu có hơn ta, nếu ta không mặc áo tu. Khi thực sự phát Bồ đề tâm, chúng ta phải thấy như vậy.

Ở đây mượn nhân vật Xá Lợi Phất dùng trí tuệ bậc nhất, đưa chúng nhân từ Bồ đề đạo tràng đến Ta La song thọ, không phải nhằm diễn tả việc dẫn đi bằng đường bộ theo động tâm; nhưng hàm ý rằng Xá Lợi Phất dạy các Tỳ kheo nên quan sát, theo dõi bước chân Phật từ thành đạo đến nhập Niết bàn, Đức Phật đã làm gì. Phải nhìn suốt cuộc đời du hóa của Phật để học và làm theo.

Đến rừng Thệ Đa không thấy được Phật đang phô diễn thần lực, nói cách khác, không gặp Phật mà lại gặp Văn Thù Sư Lợi đang giáo hóa chúng sanh. Điều này cũng nhằm chỉ rằng trước kia chúng ta quen quan sát theo lịch sử. Nhưng nay cần quan sát việc làm của Phật ở dạng Văn Thù hay dùng trí tuệ xem Phật xử trí với cuộc đời như thế nào.

Phẩm Nhập Pháp giới phát xuất từ rừng Thệ Đa. Kinh diễn tả do thần lực của Phật mà rừng Thệ Đa rộng lớn bằng vô số quốc độ của Phật. Nơi đó lại có vô lượng hoa báu, đài báu, lưới báu, diệu hương, kỹ nhạc để ca ngợi công đức của Phật.

Theo tôi, mỗi người có cách nhìn riêng về khu vườn này. Người thế gian, ngoại đạo nhìn về khu vườn chắc chắn khác với cái thấy của Tăng Ni, tín đồ. Và hàng Bồ tát sống trong khu vườn lại càng thấy khác hơn nữa. Cảnh là một, nhưng tâm trí khác nhau, nên nhận xét không giống nhau.

Theo sự nhận thức tham vọng của người đời hay ngoại đạo, họ không hiểu tại sao đạo Phật không có giáo quyền, giáo sản, không ép buộc, đe dọa, dụ dỗ, mà lại tồn tại lâu dài, truyền bá rộng rãi. Không hiểu tại sao người giàu có như Cấp Cô Độc lại cúng vàng xây tịnh xá cho Phật mà chẳng thấy ông được quyền lợi gì.

Cách nhìn thứ hai của Thánh chúng thường được diễn tả bằng câu nói rằng chỉ có người uống nước mới cảm nhận được mùi vị như thế nào. Người ngoại cuộc như phàm phu, ngoại đạo mang cặp kính nghiệp thì làm sao biết được. Hàng đệ tử theo bằng chân tình mới hiểu đạo Phật; còn theo do hoàn cảnh thì không thể sống lâu dài trong đạo.

Chỉ người tu chân chính mới thấy Phật và Thánh chúng ngồi yên lặng trong rừng Thệ Đa, không nói, không làm, nghĩa là tu Thiền. Ngồi như vậy, họ hiểu được Phật. Ngồi mà không hiểu thì một lúc chán cũng bỏ đi, ngoại đạo khó thâm nhập Phật đạo là vậy.

Phật và Thánh chúng tọa Thiền tạo thành cuộc sống hỷ lạc, nên ngồi Thiền nhiều năm cũng cảm thấy không đủ, không chán. Thật tu chúng ta dễ hiểu điều này. Người say mê Thiền quán, vui thích chánh pháp mới thấy được những gì khác hơn người thường. Họ đắc đạo nên tâm họ và Phật cảm thông, đó là tâm Phật ấn tâm đại chúng và thần của Phật truyền qua đại chúng, kinh gọi là Phật phóng quang gia bị. Nhờ vậy, tâm họ yên tĩnh lạ lùng, thần họ minh mẫn, sáng thêm. Theo tôi, điểm này quan trọng nhất đối với người tu, nếu không cảm nhận như vậy, e rằng khó tu lâu. Cuộc đời tôi từng kinh nghiệm, khiến tôi nhận chân được giá trị của Phật ấn tâm, Phật hộ niệm. Thật vậy, có những lúc cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, người sợ, nhưng tôi rất tỉnh táo, không cảm thấy sợ bất cứ thế lực nào. Và tôi bình tâm giải quyết thỏa đáng từng việc thích hợp với từng lúc.

Thiết nghĩ, trên bước đường tu, gặp việc vui ta vui, gặp buồn ta buồn, thì dù có khoác áo tu sĩ cũng chưa hẳn là người tu. Vì điểm đặc biệt của người tu là tâm lúc nào cũng bình ổn, hoàn cảnh nào cũng tự tại, lóe lên tia sáng để giải quyết việc khó.

Thánh chúng sống đạm bạc, không có quyền lợi gì, nhưng hoàn toàn an vui. Đó chính là tinh thần Đại thừa phát triển để hình thành thế giới quan của Hoa Nghiêm gọi là Nhập Pháp giới. Tại sao sống hẩm hiu, tu cực khổ nhưng có sức thu hút người tu chịu nổi. Thực tế, người an trú lâu trong đạo có nguồn vui riêng và lý tưởng để sống. Còn người thường không tìm thấy niềm vui đạo, tu một lúc rồi cũng bỏ cuộc.

Người tu sĩ Nhật có câu phương châm: Khi tâm hồn yên tĩnh thì cái thấy của chúng ta sáng ra, thấy cái đẹp. Thế giới của người tu đạt đến trạng thái tâm hồn yên tĩnh, sáng ra là thế giới của Hoa Nghiêm hay Pháp giới. Và với tâm hồn Hoa Nghiêm nhập Pháp giới, phóng khoáng, bao la, dung được các pháp, tất cả đều đẹp. Từ đó, dưới cái nhìn theo Hoa Nghiêm, Thánh chúng ngồi xung quanh Phật dưới gốc cây, tâm hồn nhẹ nhàng, sung sướng, hình thành được thế giới đẹp, trong sáng, từ cọng cỏ, cho đến dòng suối, con cá, con chim, hòn đá... không có gì không đẹp. Hàng trí thức bỏ ngoại đạo trở về theo Phật cũng vì nhận được hạnh phúc vô giá ấy. Họ cảm đức của Phật, nhận được tình thương bao la của Ngài và Thánh chúng tạo thành thế giới an vui giải thoát. Trái lại, theo ngoại đạo, họ luôn kẹt trong tham vọng, nghĩ đến khống chế, mua chuộc người, nên tâm hồn không yên tĩnh thì thế giới của họ luôn đen tối.

Đức Phật không bắt ai theo, người tự nguyện theo Ngài vì họ được an lành, thanh thản. Nhập Pháp giới hay đi vào thế giới bao la của Phật, thế giới của tình thương, của trí tuệ. Bấy giờ, cũng là rừng Thệ Đa mà hàng Nhị thừa và Phật tử thấy nơi đó an lành nhất, hoàn toàn khác với thế giới khổ đau bên ngoài. Đó là cái nhìn về Đức Phật và đạo Phật của người xuất gia và tín đồ.

Tiến hơn một nấc, cái nhìn của bậc cứu thế Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ tát tiêu biểu cho Trí và Hạnh đi vào cuộc đời. Trong thế giới yên tĩnh, tâm sáng, tức trí Văn Thù chỉ đạo, mở ra cho chúng ta thấy nơi có đạo đáng quý hơn bất cứ nơi nào. Và nhìn xa hơn, thấy mọi việc trên cuộc đời tốt đẹp hay không đều do phước đức, trí tuệ quyết định. Thấy như vậy là thấy thế giới Báo thân của Phật hiện ra. Trí Văn Thù hướng dẫn kết hợp với hành động dấn thân vào đời làm lợi ích chúng sanh của hạnh Phổ Hiền, tạo thành kinh Hoa Nghiêm với phần quan trọng là Nhập Pháp giới.

Đức Phật cho biết mười phương Phật thuyết pháp đều phóng quang đến đỉnh đầu của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Văn Thù tiêu biểu cho Trí thân Phật, một thân quan trọng theo kinh Hoa Nghiêm. Nhìn thế giới qua lăng kính của Văn Thù hay trí tuệ, khác với người tham vọng nhìn đời bằng cặp kính hẹp của vô minh.

Người vô minh, chấp trước nghe ai nói động tới là tự ái, nổi giận, mất khôn. Trái lại, người trí thế gian lắng nghe, suy nghĩ xem lời nói của người tác động có hại hay lợi cho họ, theo đó mà giải quyết. Điển hình như các chính khách Nhật gặp việc khó, họ thường tĩnh tâm để sáng suốt, thấy được cách đối phó nào lợi nhất. Đó là người trần gian dùng thủ đoạn chọi với thủ đoạn.

Nhưng cao hơn là cách xử trí của Phật, Bồ tát, thấy rõ mối liên hệ sâu xa của họ và người trong vô lượng kiếp trước và cả đời sau, nên chuyển hóa khổ, ác thành vui, tốt. Muốn như vậy, Đức Phật phải trải qua quá trình tu Bồ tát đạo, chứng được Trí thân, hay trí tuệ viên mãn mới giáo hóa người trở nên sáng suốt, đạo đức và chuyển đổi thế giới trần lao ô nhiễm của họ thành Pháp giới của Phật. Từ Trí thân Phật đầu tư cho hữu tình và vô tình chúng sanh, chuyển đổi tất cả thành một phần tương ưng với Phật, gọi là Pháp thân. Trí thân và Pháp thân ấy hợp lại thành Tỳ Lô Giá Na Phật chi phối và điều động được muôn người, muôn vật trong vũ trụ.

Về phần chúng ta vì vô minh, sống với nghiệp thân, giải quyết theo nghiệp và phiền não, nên phiền não cứ lần lần bao vây, xiết chặt ta lại. Đầu tiên, ta chỉ đối phó với người bên ngoài và với hoàn cảnh xa, nhưng vì vô minh chi phối, lần lần thế lực xấu ác thâm nhập vào gia đình, làm con cháu, phá hại chúng ta đến tàn mạt. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này. Một người mới dựng nghiệp có nhiều quyến thuộc tốt, trung thành, nhưng vì nghiệp ác, khiến họ hành động ngu muội, giết lần những người thân cận giỏi, trung tín. Cuối cùng chỉ còn thế lực ác theo họ và sử dụng việc độc ác để đối phó, chống lại họ.

Đức Phật thì hoàn toàn khác hẳn. Ngài hành động theo trí tuệ và lòng từ bi vô hạn nên càng cứu độ chúng sanh, thì tình thương Ngài càng mở rộng. Người đã thương Ngài thì thương nhiều hơn, người không thương phải thương, người ghét thì thành người thương.

Xá Lợi Phất nhắc đại chúng phải quan sát việc làm của người trí, kinh diễn tả là phải nhìn viên quang của Văn Thù Sư Lợi. Viên quang là trí tuệ tuyệt luân của Văn Thù, ngài hiểu biết mọi việc. Ý này gợi nhắc chúng ta tu hành, phải nhìn lại giới cư sĩ, có người đáng kính trọng là bậc Thầy của ta. Trên thực tế, có cư sĩ Lê Đình Thám là Thầy dạy chư Tăng, nhưng trước khi dạy, ông đảnh lễ chư Tăng. Quả thật, có thể nói trí tuệ và đức hạnh của ta không bằng bác Thám. Tuy nhiên, không phải tất cả cư sĩ đều là Bồ tát. Phải biết rằng Bồ tát hiện thân vào nhân gian thì khác hẳn người thường. Họ giàu sang, thông minh, nhưng rất đức hạnh.

Xá Lợi Phất nhìn thấy viên quang của Văn Thù, tức trí tuệ của Văn Thù vượt hơnThanh văn nhiều. Kinh diễn tả là viên quang bất muội, nghĩa là ánh sáng trí tuệ của Văn Thù không bao giờ tắt, phiền não không bao giờ nổi dậy. Còn nhận định của chúng ta không phải lúc nào cũng sáng suốt, hễ nổi giận là mờ ám ngay.

Trí tuệ của Văn Thù siêu tuyệt, thấy sự việc chính xác, làm việc hoàn hảo. Những thành quả tốt đẹp hoàn toàn do tâm trí chỉ đạo như vậy, ảnh hưởng đến thân tướng, tạo thành thân Bồ tát có tướng hảo trang nghiêm thanh tịnh, không tội lỗi, bợn nhơ, buồn phiền, nhưng đáng quý, đáng nhìn.

Đặc điểm thứ ba là quang võng của Bồ tát Văn Thù bao trùm chúng sanh, tức trítuệ của ngài ảnh hưởng cho chúng sanh được giải thoát. Trong khi trí tuệ của Thanh văn chỉ làm cho bản thân họ được giải thoát mà thôi. Chính nhờ sự tác động của trí Văn Thù phổ cập toàn diện, nên việc giáo hóa chúng sanh của ngài không cùng tận.

Đặc điểm kế tiếp của Bồ tát là có đượcchúng hội đạo tràng khác hẳn chúng hội của Thanh văn. Phần lớn theo Thanh văn đạo, không quan tâm đến vật chất, cơm ăn, chỗ ở. Thực tu như vậy, chúng hội Thanh văn được thanh tịnh, nhưng nghĩ đến vật chất thì phiền phức vô cùng, khó tránh khỏi tranh chấp.

Chúng hội Bồ tát hay quyến thuộc của Văn Thù thì khác, họ là người hằng tâm hằng sản chuyên cúng dường, đầu tư trí tuệ và công sức cho Phật đạo. Chúng hội Thanh văn, sau khi an cư, làm pháp yết ma, phân chia vật dụng. Còn quyến thuộc của Bồ tát thì kết hợp lại để cúng cho Thanh văn hưởng. Người làm, ta hưởng, thì phước sẽ về họ.

Xá Lợi Phất nhắc nhở đồ chúng, hay đó là tinh thần Phật giáo Đại thừa muốn chấn chỉnh việc tu hành của giới xuất gia, không khéo rơi vô tình trạng chỉ tiêu thụ hơn là đóng góp. Hãy quan sát Văn Thù Sư Lợi xây dựng quyến thuộc lo cho đạo, không lo hưởng thụ, mới thành tựu được những Phật sự lớn lao, mới giữ vững được mạng mạch đạo pháp.

Kế đến, Xá Lợi Phất bảo đại chúng nên quan sát con đường đi của Bồ tát Văn Thù khác với đường của Thanh văn đi. Văn Thù Sư Lợi đi đến đâu đều làm lợi ích, cứu khổ ban vui, nghe chỗ nào có nghèo khổ, hoạn nạn thì chuẩn bị cơm áo đến ban phát. Bồ tát bố thí, cúng dường là việc chính, không đến để nhờ vả. Đó là lập trường cố hữu của Phật giáo Đại thừa.

Ngày nay, chúng ta đi theo con đường của Bồ tát Văn Thù là con đường mà không có đường. Nghĩa là mỗi người tự vạch ra con đường cho mình. Tôi gọi đó là đường đời hay cách hành sử khéo léo của chính mình, mọi việc đều nhằm mục tiêu mang an vui hạnh phúc cho đời. Riêng tôi thường quan sát đường đi của Phật, của các bậc cha anh, của đồng bạn, của người thuộc giới khác. Từ đó tự vẽ ra con đường riêng của tôi và điều chỉnh dần cho phù hợp với bước đi của Văn Thù.

Con đường của người chinh lược đầy máu xương, nước mắt. Con đường của Thanh văn tu vất vả khổ cực mà không được gì. Chỉ có con đường của Bồ tát, của Phật quá đẹp, quá trong sáng và vĩnh cửu. Thiết nghĩ đó là khởi niệm của chúng ta cũng như của đại chúng muốn theo Xá Lợi Phất đến gặp Văn Thù Sư Lợi.

Đặc điểm thứ sáu là chỗ đứng của Bồ tát Văn Thù rất dễ thương. Ngài là Thầy của ba đời các Đức Phật, nhưng đến với Phật, tức học trò của Văn Thù, ngài lại đứng chỗ thấp nhất, cung kính cúng dường học trò. Học gương của Văn Thù, khi hành Bồ tát đạo, dù năng lực ta vượt hơn người, nhưng nếu cần làm việc nhỏ có lợi cho đạo, ta cũng không từ chối. Phải khiêm tốn, đừng tự coi mình xuất gia là Thầy của thiên hạ.

Văn Thù Bồ tát đóng vai thấp nhất, nhưng không ai dám xem thường ngài. Chỉ sợ mình đứng trên cao, mà đức hạnh và tài năng không bằng ai, mới đáng hổ thẹn. Tu Đại thừa, phát tâm Bồ đề, làm mọi việc Phật sự, không từ nan. Đứng ở vị trí thấp có cái lợi là luyện được tâm cung kính người khác.

Đặc điểm thứ bảy là hai bên Văn Thù có vô số Bồ tát hết lòng hợp tác với ngàitrong mọi Phật sự. Điều này cho thấy hạnh Bồ tát khác hẳn Thanh văn. Tu hạnh Thanh văn, chỉ lo phần mình, không lo cho người, tất nhiên khó làm được việc.

Văn Thù Bồ tát đã giáo dưỡng đệ tử thành Phật, những người được ngài cưu mang tế độ sẵn sàng đến hợp tác khi ngài cần họ. Văn Thù hành Bồ tát đạo được "Nhứt hô bá ứng”, toàn người giỏi, tốt, đầy quyền uy kính nể, hợp lực với ngài; cho nên việc khó nào mà không thành. Còn ta có một mình, hay chỉ có người ăn hại theo, đành phải thua.

Chẳng những người trí thức, dòng dõi cao quý, trời rồng phủ phục dưới chân Văn Thù, mà còn có chư Thiên đến cúng dường, nhân vương kính trọng. Bồ tát được việc là vậy. Chư Thiên cúng dường nên kho báu của ngài không bao giờ cùng tận. Vua phải kính trọng vì ngài giải quyết được việc cho chúng sanh.

Và đặc điểm thứ mười của Văn Thù Bồ tát là được chư Phật trong mười phương luôn phóng quang gia bị và công nhận Văn Thù là Thầy của các Ngài, thì còn ai dám xem thường Bồ tát này.

Mười đặc điểm nêu trên của Bồ tát Văn Thù có thể tóm gọn thành ba việc chính là sự hiểu biết siêu tuyệt, việc làm lợi ích cho đời và sức tập họp quần chúng.Đó là ba điều mà người tu phải học và thể hiện trong cuộc sống theo Phật giáo Đại thừa.

Xá Lợi Phất thấy thực chất của Văn Thù Bồ tát qua mười điểm nổi bật vừa nêu trên, ngài khai ngộ cho năm trăm Thánh đệ tử, họ mới chịu ra mắt đảnh lễ Bồ tát. Đến đây đưa ra hình ảnh chư Tăng đảnh lễ Văn Thù Bồ tát để cầu học, nhằm chuyển mạch từ tinh thần Tiểu thừa sang Đại thừa, nhắc nhở hàng xuất gia không nên tự ái, nếu sợ xấu hổ, không dám học với cư sĩ, thì không giỏi được.

Đại chúng được Xá Lợi Phất hướng dẫn đến gặp Văn Thù ngầm chỉ rằng trong cuộc sống cần phải có trí tuệ chỉ đạo. Hàng đệ tử Phật tuy đông, nhưng ở đây chỉ nêu sáu ngàn Tỳ kheo do Xá Lợi Phất giáo hóa. Trong lịch sử không thấy điều này, chỉ ghi rằng Xá Lợi Phất có một trăm đồ chúng.

Cần hiểu rằng sáu ngàn Tỳ kheo không phải là người thật, nhưng nhằm nói lên dụng ý từ Tiểu thừa chuyển sang Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, khi lục căn thanh tịnh, hành giả sẽ có được sáu ngàn công đức, cũng muốn chỉ rằng Tỳ kheo thanh tịnh lấy trí tuệ làm sự nghiệp mới theo Xá Lợi Phất đi tìm trí tuệ, hay tìm Văn Thù Sư Lợi.

Nói về trí tuệ, trong hàng Thanh văn, Xá Lợi Phất là người bậc nhất và trong chúng Bồ tát, Văn Thù là nhất. Nói cách khác, nhìn con người ở hai mặt là thế gian và xuất thế gian. Xá Lợi Phất, người bậc nhất của thế gian đi tìm Văn Thù là người bậc nhất của xuất thế.

Sự hiểu biết của cuộc đời dù có giỏi đến đâu cũng có giới hạn, trong khi ngũ trí của Văn Thù là sự hiểu biết trọn vẹn. Vì vậy, theo Phật, không tự mãn, phải đi lên, không bằng lòng với sự hiểu biết thế gian và đi tìm cái cao hơn là sự hiểu biết xuất thế. Điển hình như Đức Phật, 16 tuổi, văn võ toàn tài, không ai có khả năng dạy. Ngài phải tìm cái trên thế gian, gọi là xuất gia học đạo.

Xá Lợi Phất có trí tuệ bậc nhất thế gian, không ai bằng ngài. Ngài dìu dắt được đại chúng rồi mới dẫn dắt họ tiến xa hơn, theo pháp xuất thế. Rõ ràng kinh này muốn đưa ra mẫu người tu lý tưởng tiêu biểu cho vị Đạo sư khả kính không phải là người tu ăn bám.

Sáu ngàn Tỳ kheo đến thăm Bồ tát Văn Thù được ngài dạy điều quan trọng nhất là phát tâm Bồ đề. Bồ đề tức trí giác để thấy được chân thật pháp, thấy được công hạnh của các Đức Phật và việc làm của Bồ tát; từ đó tự xét việc của mình để từng bước làm giống Phật và Bồ tát.

Văn Thù cho biết kinh nghiệm của bản thân nài trong vô lượng kiếp theo Phật tu hành, chỉ làm một việc duy nhất là phát tâm Bồ đề. Và nhờ thành tựu trí tuệ, ngài tạo được muôn ngàn công đức. Tu học Phật theo tinh thần Đại thừa, phải nỗ lực phát huy trí tuệ, vì có trí tuệ là có tất cả. Trên nền tảng quan trọng của trí tuệ, theo Trí Giả đại sư, người có trí mới có Thiền định, có đạo đức. Không trí tuệ, mà có lòng tốt, thì lòng tốt ấy sẽ tác hại cho ta và người, giống như khỉ thương con, ôm con lội qua sông làm cho con chết ngộp.

Ngoài việc phát triển trí tuệ, Văn Thù Sư Lợi khuyên đại chúng phải có sức kham nhẫn, không nên mệt mỏi, buồn phiền, dù Thầy có hành hạ. Giống như Đức Phật trong kiếp quá khứ đã từng khổ cực mà vẫn quyết tâm theo học với Đề Bà Đạt Đa. Tôi cũng có kinh nghiệm về việc học đạo. Khi chúng ta đến học, trước nhất Thầy phải thử xem chúng ta có thông minh không, có sức chịu đựng và có lòng tốt thực sự hay không. Phải vượt qua sự thử thách về trí tuệ, về nghị lực, chứng tỏ chúng ta tốt, hết lòng cầu đạo, Thầy mới truyền pháp. Người chỉ muốn được đề cao, ăn ngon, hưởng thụ, chỉ là hạng giá áo túi cơm, không thể dùng được, chẳng ai muốn dạy cho uổng công.

Hành Bồ tát đạo phải liên tục, không ngừng nghỉ mới thành Phật được. Chư Phật phát tâm Bồ đề dũng mãnh tinh tấn từ đời này sang đời khác. Có thể nói tăng thượng duyên rất quan trọng, dừng lại thì về sau tu rất khó.

Ngoài ra, Văn Thù còn dạy rằng trải qua vô lượng kiếp tu hành, tích lũy công đức, ngài mới được thành quả như ngày nay. Ngài dạy Thiện Tài phải quan sát sự tập họp công đức của chư Phật, vì Phật kết tinh bằng phước đức. Chúng sanh trong địa ngục kết tinh bằng tội lỗi, trần lao nghiệp chướng.

Trên bước đường tu, hơn nhau ở việc tích lũy công đức. Chúng ta thấy rõ quá trình hành đạo của Phật chứa nhóm toàn là phước đức. Đối với việc lành nhỏ bằng cây kim, Ngài không hề từ bỏ và việc ác dù nhỏ như hạt cát, Ngài cũng không làm.

Trong sinh hoạt thực tế, tôi thấy những Thầy đồng tu biết tích lũy phước đức, đều thành tựu nhiều Phật sự. Những Thầy bước đầu có điều kiện vật chất hơn người, nhưng hưởng thụ thì cuộc đời họ dần dần đi xuống; vì phước cạn, đòi hỏi tăng, không đáp ứng được, tất nhiên phải bị suy sụp. Số bạn của tôi không ít người vấp phải sai lầm này, tiêu hết công đức, nhưng tạo thêm nhiều tội ác, khó tiến tu. Thực tế chúng ta thường thấy nhiều Thầy tri sự cực khổ lo cho chư Tăng; dù họ không giỏi, nhưng nhờ tích lũy được công đức, sau cũng làm trụ trì, cũng được kính mến. Còn giỏi mà không làm lợi ích gì, chỉ hưởng thụ thì cuộc đời cũng mai một.

Dứt khoát rằng muốn hành Bồ tát đạo phải tích lũy công đức. Phước đức không có không thể nào cứu giúp người. Thật vậy, chúng sanh nhiều vô cùng và sự đòi hỏi của họ thì vô tận. Điển hình sơ sơ một việc trước mắt như chúng ta đến vùng nghèo khổ, tất yếu phải đem tiền của đến giúp đỡ, xây dựng. Có như vậy mới dễ cảm hóa họ.

Kinh nghiệm bản thân tôi không làm được việc lớn vì phước có giới hạn, nên việc làm cũng giới hạn. Chư Phật thì phước đức vô hạn, vì thế những việc của các Ngài thành tựu thì siêu tuyệt vô tận. Ý thức như vậy, đòi hỏi chúng ta nỗ lực tu tạo nhiều phước đức để sau này dùng phước đức trang nghiêm thân, còn toàn nghiệp chướng thì không tự cứu nổi mình, nói chi đến độ người.

Riêng đối với Văn Thù, công đức lớn nhất của ngài là kính trọng người, không bao giờ ngã mạn, xem thường người, cũng giống như hạnh của Thường Bất Khinh Bồ tát. Có ý niệm hơn người sẽ bị tổn đức, dù hơn thật, huống chi là không hơn.

Hạnh Bồ tát là gieo trồng thiện căn, tích lũy công đức bằng cách làm cho đời càng nhiều càng tốt. Tu Thanh văn mệt mỏi, chán nản thì nghỉ ngơi. Hành Bồ tát đạo không được quyền nghỉ, tất cả công việc bao vây, chúng sanh đòi hỏi. Ra làm việc mới thấy điều này, việc đang chờ mà bỏ hay bệnh là hư việc liền.

Công đức phải tích lũy sẵn, cần tiền chúng ta đáp ứng ngay, cần công sức, chúng ta cũng giúp được. Tu một mình thì khác, nhưng vì đại chúng thì khác, không lo cho họ không được. Bản thân ta không thoái chuyển là việc dễ, làm cho người không thoái chuyển không đơn giản. Vì vậy, dìu dắt họ nên người là tạo được công đức lớn.

Xá Lợi Phất cảm nhận được công ơn giáo hóa của Phật khiến cho ngài đắc quả La hán thật lớn lao vô cùng, nên bạch Phật rằng dù đầu đội, vai mang trải qua vô số kiếp, ngài cũng không đáp đền được ân đức ấy.

Ngày nay, chúng ta chỉ nhìn thành quả của Phật, cho rằng Ngài nói đơn giản vài lời là độ được người. Còn công lao nuôi dưỡng người trải qua nhiều đời của Phật cực lắm, chúng ta đâu thấy. Thử nghĩ một việc nhỏ đối với chúng ta như có một thị giả theo đã phát sanh vấn đề cho ta, có hai thị giả thì vấn đề lại khác nữa.

Kế tiếp, Bồ tát hết lòng thờ kính chư Phật, gần gũi cầu học với Phật để thành người hữu dụng, hiểu biết rộng. Văn Thù Sư Lợi đáng lẽ thành Phật từ lâu, nhưng vì ý thức cầu học mà ngài làm Bồ tát. Ngài cầu pháp không bao giờ mệt mỏi, không thấy đủ; vì theo ngài, sự hiểu biết thì không cùng tận, mỗi ngày có phát minh mới, cần phải cập nhật hóa cho kịp văn minh thời đại.

Văn Thù siêng tu sáu pháp Ba la mật, việc nào cũng nỗ lực đạt đến thành quả cùng tột. Nhưng trên thực tế, mỗi ngày đều có cái mới, không thể làm cho cùng tột được. Vì vậy, Văn Thù chưa trọn vẹn sáu pháp Ba la mật, nên chưa thành Phật. Ý này nhằm nhắc nhở việc làm của chúng ta còn giới hạn, còn nhiều mặt khiếm khuyết, cần trau giồi để thăng hoa, không tự mãn.

Khi hành Bồ tát đạo, tu sáu pháp Ba la mật, Văn Thù nhập Bồ tát Tam ma địa; nghĩa là Bồ tát nhập định trong công việc, làm việc nào trụ tâm trong việc đó. Trong khi Thanh văn nhập định phải ngồi yên nơi thanh vắng.

Bồ tát Định trong công việc, nên càng làm, thì trí Bồ tát càng sáng thêm, tâm càng yên ổn. Bồ tát đi, đứng, thuyết pháp, ăn..., nói chung mọi sinh hoạt đều luôn ở trong Định. Định của Bồ tát là làm cho trí tuệ sáng suốt liên tục. Thanh văn Định thì kéo dài trong khoảng thời gian nhất định nào đó, nên có nhập định, trụ định và xuất định.

Bồ tát nhờ luôn trụ định, nắm vững cả ba thời kỳ quá khứ, hiện tại, vị lai. Đối với Bồ tát, quá khứ không quên, tương lai vẫn thấy để tiến tới tốt đẹp và hiện tại vẫn làm được mọi việc. Một niệm tâm của Bồ tát thông cả quá khứ, hiện tại, vị lai. Thanh văn thì không được như vậy, hễ hướng đến tương lai là quên thực tế hiện tại và nhớ đến quá khứ thì bị nó chi phối, cũng không làm được việc trước mắt.

Bồ tát giáo hóa độ sanh, thâm nhập được tâm chúng sanh và làm cho họ thanh tịnh. Tâm chúng sanh thanh tịnh là tịnh độ của Bồ tát hay Bồ tát nghiêm tịnh Phật độ bằng việc làm cứu giúp người.

Sau khi khuyên các Tỳ kheo, Văn Thù Sư Lợi từ giã Ta La song thọ, đi đến phía Đông Phước Thành, nghĩa là có đầy đủ trí tuệ rồi thì những gì tạo được sau đó, do trí tuệ chỉ đạo, mới thật là phước đức vĩnh viễn của chúng ta. Chưa có trí tuệ mà có phước báu rất nguy hiểm. Vì vậy các Tỳ kheo không được giữ của báu, vì sống rày đây mai đó, không nhà cửa sẽ bị kẻ cướp chiếm đoạt, giết chết.

Từ Ta La song thọ đến Phước Thành tìm Thiện Tài đồng tử, hay tìm người gánh vác tương lai đạo pháp sau Phật Niết bàn. Tất nhiên muốn phú chúc sự nghiệp phải tìm người trẻ khỏe, giỏi. Đạo Phật tồn tại mạnh hay không là tùy ở thành phần thượng tầng kiến trúc nhiều hay ít. Nếu chỉ toàn người già yếu, nghèo khổ, dốt nát theo thì chẳng ai hại, đạo Phật cũng tự chết.

Khi Văn Thù đến Phước Thành, có năm trăm Ưu bà tắc, năm trăm Ưu bà di, năm trăm Đồng tử đứng đầu là Thiện Tài. Khi ông sanh ra, tiền của đầy nhà, vàng bạc châu báu từ đất trồi lên, nên đặt tên ông là Thiện Tài. Đến đây chúng ta bắt đầu nhìn về mặt vô hình của con người có phước báu. Chính vì vậy mà Văn Thù Sư Lợi đang thuyết pháp giáo hóa năm trăm Tỳ kheo ở rừng Thệ Đa, ngài lại bỏ đi để đến thăm cậu bé Thiện Tài vừa chào đời. Kinh Hoa Nghiêm muốn diễn tả Thiện Tài tiêu biểu cho Phật ra đời có phước đức trí tuệ đầy đủ, có sức tập trung các Bồ tát lớn, như Văn Thù Sư Lợi trong pháp hội này là đệ tử của Phật Thích Ca. Nhưng ở trường hợp khác, Văn Thù Sư Lợi là Thầy của ba đời mười phương Phật. Đó là tinh thần phóng khoáng của kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù vừa là Thầy của Phật, vừa là người trợ giúp cho Phật. Kinh Pháp Hoa gọi đó là Bồ tát thị hiện, tức các Bồ tát lớn đã thành Phật, tái sanh lại trợ hóa cho Phật.

Thiện Tài sanh ở Phước Thành là thành được xây dựng trên căn bản phước đức, nên hoàn cảnh tự thay đổi tốt đẹp, sung túc. Nhìn thực tế cuộc sống, chúng ta cũng thấy được điều này. Người có phước đức sinh hoạt ở đâu thì nơi đó trở thành tốt, của cải và may mắn tự đến với họ. Các vị cao Tăng không sở hữu tài sản gì, nhưng có sức tập trung, thuyết phục, đàn việt mang đến cúng dường tạo được chùa lớn. Còn người tham vọng đến chiếm đoạt, nhưng không phước đức thì đến ở, cơ sở bị xuống cấp, không phát triển nổi. Như vậy kết quả lên hay xuống là tùy ở phước báu quyết định, không phải do khôn ngoan, thủ đoạn mà được.

Đức Phật Thích Ca ra đời, dân chúng sống sung túc, mùa màng phát đạt. Đó là nhờ phước Phật quá lớn, được kinh Hoa Nghiêm diễn tả dưới dạng Thiện Tài sanh ra thì bảy báu đầy nhà. Thiện Tài đồng tử xuất hiện là thế giới lý tưởng và đem lý tưởng này đặt vào hiện thực cuộc sống của Đức Phật, theo tôi, hai sự kiện này là một.

Phước thành, nơi sanh của Thiện Tài gợi cho chúng ta ý thức rằng hành Bồ tát đạo cần phải có phước. Tu Thanh văn đạo không cần phước đức, nhưng cần giải thoát. Vì Thanh văn tu hạnh viễn ly, phải xả ly tất cả giàu sang vật chất, mặc áo phấn tảo; tạo phước sẽ thành nghiệp.

Hành Bồ tát đạo đòi hỏi phải có phước, thiếu phước không thể làm đạo. Phước lớn nhất của người tu là tâm. Người xuất gia lấy tâm làm chính, nên phát tâm Đại thừa; nghĩa là phải mở rộng tấm lòng dung được mọi người, dung được tất cả căn tánh hành nghiệp của chúng sanh. Bồ tát chấp nhận được, thương được, dung được mới có thể độ sanh. Tấm lòng hẹp là tiểu thừa, chỉ tu một mình.

Có thể nói tiếp Tăng độ chúng mà không có tấm lòng bao dung thì không được, vì những cái ta muốn không bao giờ theo ý ta. Riêng tôi, biết rằng muốn không được, nên thường lấy ý của người làm ý mình, lấy nghiệp của người làm nghiệp mình, thì dung được. Ngoài ra, hạnh phúc nhất của người tu là có được tâm hoan hỷ, trong sáng, không phiền não. Dù tu Thanh văn hay Bồ tát đạo đều cần phải có tâm hoan hỷ, người dễ chấp nhận, thân thiện với ta.

Có tấm lòng cũng chưa đủ, cần có sức khỏe tốt và ngoại hình dễ coi. Không khỏe không làm việc được. Nhiều sức khỏe, đi nhiều nơi, giải quyết nhiều việc rắc rối cho cuộc đời và có hảo tướng dễ thành công.

Phước báu kế tiếp là cần có quyến thuộc nhiều đời, không phải một đời. Từ quyến thuộc thấp kém, nghèo khó, ta xây dựng cho họ thành giỏi, khá, có nếp sống dư dả không phải là việc đơn giản. Vì hành Bồ tát đạo, tập hợp được người thông minh, giàu có, khỏe mạnh thì dễ làm nhiều việc lớn. Nhưng thành phần tốt như vậy cũng không dễ nghe theo ta, trừ khi ta đã từng cưu mang, cứu giúp họ ở nhiều đời trước, đời này họ mới chấp nhận ta là ân nhân, bằng lòng hợp tác. Muốn như vậy, tất nhiên ta phải giỏi, giàu và tốt hơn họ. Và sau cùng là có đủ phương tiện trong tay, thực tế là tiền bạc. Muốn xây dựng chùa, bố thí, cúng dường hay bất cứ hoạt động nào, tất yếu cũng cần có tiền.

Tu Đại thừa, có đủ các phước vừa kể thì dễ dàng hành đạo. Giỏi là điều cần thiết, nhưng tôi thấy phước quyết định sự thành bại, không phải tài quyết định. Phước cho chúng ta nhiều may mắn trên đường hành đạo, còn tài thì dễ bị người đố kỵ và thường kèm theo tai họa. Nhiều Thầy không giỏi, nhưng làm được nhờ có phước; nhiều người giỏi, nhưng "tài và tai một vần”.

Văn Thù Sư Lợi đưa đại chúng đến Phước Thành quan sát Thiện Tài là người có đủ phước rồi mới hành Bồ tát đạo. Chữ "Thành” (Phước thành) chỉ cho ngũ uẩn thân, chỗ ở của linh hồn. Ngũ uẩn thì giống nhau, nhưng khác nhau ở điểm cấu tạo bằng phước đức, hay bằng trần lao nghiệp chướng. Hành Bồ tát đạo, ta phải từng bước thay đổi cấu trúc bên trong, từ nhà ngũ uẩn trần lao nghiệp chướng chuyển đổi thành nhà phước đức hay vô lậu ngũ uẩn. Để chọn người truyền trao chánh pháp, Văn Thù tìm Thiện Tài có đầy đủ phước đức, tâm hồn phóng khoáng, dễ thương, sức khỏe tốt, ông đến đâu thì của báu tự trồi lên.

Phát xuất từ Phước Thành hay người có phước mới lên được. Với bản chất thông minh và phước đức của Thiện Tài, Văn Thù dạy rằng trên bước đường cầu Vô thượng Bồ đề, đừng bao giờ tự mãn, thấy đủ; học cùng kiếp cho đến khi không có gì không biết, tức thành Phật mới thôi.

Văn Thù cũng nhắc nhở Thiện Tài cầu học với thiện tri thức, đừng vội vã đánh giá họ hay việc làm của họ. Vì họ hơn ta một cái đầu, ta không thể hiểu nổi phương tiện thiện xảo của các thiện tri thức. Thật vậy, kinh nghiệm tôi thuở bé đã từng đi mua rượu thịt cho ông Thầy dạy học, tôi không hề khi dễ ông và học được với ông rất nhiều điều hay. Con đường tu của tôi thăng hoa cũng nhờ đi theo hướng mà ông chỉ dạy.

Các Hòa thượng cũng thường nhắc ta rằng vì viên ngọc quý, đừng chấp cái đãy da, là "Y pháp bất y nhơn”. Ta giận trụ trì, ghét Pháp sư mà không tiến thân được, là tự hại mình. Tôi thấm thía điều này. Mình nhỏ mà thấy những cử chỉ không hay của người lớn, rồi xem thường họ là tự chuốc họa vào thân, vì họ đuổi ta được, hại ta được dễ dàng. Ta chỉ học điều hay của họ thôi. Còn điều dở xấu nhưng họ chưa bị quả báo, thì ta nên suy nghĩ. Họ thọ quả báo, thì ta học và tránh được điều này. Nếu bất mãn, vận động gây uy thế để lật đổ người, rồi cuối cùng phải xách gói ra đi. Theo tôi, thất bại hay thành công của người đều là kinh nghiệm cho ta học, đó là thái độ đúng đắn của người học Phật. Trên bước đường tu, có lúc tôi bỏ đi, nhưng Thầy nhìn nhận rằng nhờ ra đi mà tôi có được thành quả tốt, vẫn lưu lại cảm tình với Thầy.

Chúng ta nên cân nhắc cách xử trí của thiện tri thức, nghĩa là học khôn của người, không phải học chữ nghĩa. Học được tất cả hay dở của thiện tri thức dùng làm kinh nghiệm cho ta và trả ơn rồi thì tạ từ mà đi, đừng ở lâu, mọc gốc rễ. Chùa cao Phật lớn đi không đành là đọa. Văn Thù Sư Lợi nhắc dù khó mấy cũng gắng học cho xong, dù sướng mấy cũng bỏ đi, tất cả đều nhằm tiến đến mục tiêu.

Thiện Tài sanh ra đời, việc đầu tiên là phải gặp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát trước. Thế giới Hoa Nghiêm gợi cho chúng ta rõ điểm này. Chúng ta tu được nhờ nhân duyên căn lành, sanh nơi nào có Bồ tát lớn hiện thân giúp đỡ. Trên bước đường tu, mở đầu không gặp thiện tri thức chỉ dạy, rất khó tu. Thực tế thường thấy có người muốn tu không được vì luôn gặp hoàn cảnh xấu, gặp người xấu dẫn dụ họ theo đường tà.

Nhờ gieo trồng căn lành sâu dày, Thiện Tài được Văn Thù tự tìm đến khai ngộ và khuyên nên đến Đức Vân Tỳ kheo để tu học. Thiện Tài vâng lời, sau khi học đạo với Đức Vân, Thiện Tài tiếp tục xả thân cầu đạo khắp nơi, học hỏi với năm mươi ba vị thiện tri thức. Điều này cho thấy trong quá trình tu, được khai ngộ, cũng chưa đủ, mà còn đòi hỏi chúng ta phải hạ thủ công phu. Không ngại gian lao để tầm sư học đạo và chịu cực khổ rèn luyện đức tánh tốt, trau giồi trí năng mới trở thành mẫu người có khả năng giữ gìn giềng mối đạo pháp.