cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm


Lời tựa Lược giải Kinh Hoa Nghiêm    11- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Kiến Tỳ kheo
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
        I - Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm
   12- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tự Tại Chủ đồng tử
    II - Lịch sử truyền thừa và phát triển kinh Hoa Nghiêm    13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di
  III - Nội dung kinh Hoa Nghiêm    14- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Minh Trí
CHƯƠNG II - Ý NGHĨA ĐỀ KINH HOA NGHIÊM    15- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế
CHƯƠNG III – QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT THEO KINH HOA NGHIÊM
       I - Quan niệm về Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
   16- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Phổ Nhãn
   II - Quan niệm về Đức Phật theo Đại thừa Phật giáo    17- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Vô Yểm Túc
  III - Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm    18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang
CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín
   19- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bất Động Ưu bà di
  II - Bồ tát Thập Trụ    20- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
 III - Bồ tát Thập Hạnh    21- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa
IV - Bồ tát Thập Hồi hướng    22- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La
 V - Bồ tát Thập Địa hay Thập Thánh 23.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
VI - Bồ tát Thập Định 24- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
VII - Bồ tát Thập Thông 25- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với bà Tu Mật Đa nữ
VIII - Bồ tát Thập Nhẫn 26- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI 28.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Chánh Thu
   1- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo 27.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Quán Tự Tại
   2- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Vân Tỳ kheo 29- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thần Đại Thiên
   3- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo 30- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Địa thần An Trụ
   4- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Di Già 31- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với chủ Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
   5- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Giải Thoát 32- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
   6- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo 33- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
   7- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di 34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc
   8- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa 35- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
   9- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn 36- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát
   10- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Từ Hạnh đồng nữ CHƯƠNG VI – PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI – PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

   13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di

        Tự Tại Chủ đồng tử nói ông chỉ biết như vậy, nếu muốn tiếp tục học thì nên đến với Cụ Túc Ưu bà di. Ưu bà di này sống trong thành Thiện Trụ mới có tâm bất động. Thiện trụ nghĩa là khéo tìm pháp để chúng ta an trụ.

Phật khuyên chúng ta tu muốn đạt kết quả tốt cần phải nương pháp Phật, lựa chọn pháp mà chúng ta tâm đắc để sống, hành trì, chúng ta mới thanh tịnh được. Còn rời xa pháp mà vào đời, chắc chắn bị đời lôi kéo, làm ô nhiễm. Đó là phương cách dành cho hàng sơ và trung căn, nên an trụ pháp phương tiện.

Thiện Tài vào nhà Cụ Túc, thấy Ưu bà di này oai đức quang minh, trừ Phật và đại Bồ tát, không ai bằng được. Thiện Tài quan sát thấy nhà của ngài hoàn toàn trống không, tất cả đồ vật cần dùng trong cuộc sống đều không có, trong khi tôn xưng của ngài lại là Cụ Túc, tức đầy đủ.

Cụ Túc ngồi trên tòa báu, tuổi lớn, nhưng xinh đẹp đoan trang. Trước mặt ngài chỉ có một cái bát nhỏ. Lại có mười ngàn đồng nữ xinh đẹp đoan chánh như Thiên nữ vây quanh. Các đồng nữ này đồng hạnh với ngài, thường thân cận, cúi đầu khom mình chờ ngài sai khiến. Nơi thân các đồng nữ tỏa ra mùi hương, ai ngửi thấy đều được bất thoái chuyển, hết giận, hết buồn. Người thấy thân họ đều lìa tham nhiễm, nghe tiếng họ thì đều vui mừng.

Cụ Túc không sở hữu tài sản gì, chỉ có một cái bát nhỏ, nhưng từ nơi bát ấy, ngài có thể ban phát cho chúng sanh tất cả những thứ mà họ ưa thích. Vô số người tu hạnh Thanh văn trong vi trần số thế giới, nếu dùng thức ăn trong bát của ngài thì đều chứng quả A la hán, người tu Duyên giác thì chứng Bích chi Phật và người tu Bồ tát hạnh thì thành Đẳng Chánh giác.

Quan sát dưới dạng bản tâm thanh tịnh mới thấy được sự hành đạo bất khả tư nghì của Cụ Túc và quyến thuộc của ngài. Điều này gợi nhắc chúng ta muốn hiểu được người như thế nào, cần quan sát cuộc sống của họ và của những người xung quanh liên hệ đến họ. Có người nói đủ thứ, nhưng chúng ta thấy cuộc sống của họ không ra chi và quyến thuộc của họ lụn bại, khổ đau, thì ta không nên nghe theo.

Trên bước đường tu, tất cả những gì dễ thương, phước báu hiện ra trên thân tướng, trong cuộc sống của người. Phải biết đó là kết quả của tâm lượng bên trong mà hiện thành bên ngoài là phước tướng, cuộc sống và quyến thuộc tốt lành.

Chánh báo, y báo của Cụ Túc Ưu bà di tạo thành một thế giới quan đặc thù như vậy khiến cho Thiện Tài thắc mắc. Cụ Túc cho biết ngài được Giải thoát Bồ tát Vô tận Công đức Tạng mới có khả năng hành đạo, đáp ứng yêu cầu của chúng sanh một cách tự tại như vậy, tức phải trải qua quá trình tu. Ai cũng tốt, nhưng vì ta chưa tốt đối với họ, nên thường chiêu cảm quả báo xấu.

Trước tiên, ta phải tự tịnh hóa nội tâm, mới có cái nhìn chính xác. Lắng sâu tâm hồn để kiểm tra hành vi tạo tác của ta, cố ý làm khổ người thì không có, nhưng làm sao ta tránh khỏi sự vô tình làm mất lòng người.

Trong quá trình tu hành, phải học với Từ Hạnh đồng nữ, phát tâm Từ bi đi vào đời, luôn tâm niệm sự hiện hữu của ta chỉ nhằm làm vui lòng người. Khi chưa làm được như vậy là ta đã có lỗi, lòng ta không trong sạch nên hiện thân nghiệp chướng khiến người trông thấy phải buồn bực. Ý thức sâu sắc điều ấy, ta nỗ lực tu để xóa dư nghiệp.

Cụ Túc Ưu bà di cũng khởi tu từ chỗ này, sửa đổi ba nghiệp trải qua ba mươi sáu ức hằng hà sa Phật. Mỗi một đời theo Phật, làm được một số việc tốt cho một số người. Và cứ như thế, trong khắp Pháp giới, không có chỗ nào mà ngài không xả thân hành đạo. Từ đó mới kết thành quả báo hiện đời là chỉ trong một cái bát nhỏ mà có đủ sức cung cấp cho tất cả chúng sanh, bằng Từ tâm thông được mọi loài. Ai có nhân duyên căn lành thì tự tìm đến, tập hợp được vô số quyến thuộc đồng hạnh đồng nguyện với ngài.

Khi Cụ Túc nghĩ mời mười ngàn Thiên nữ đến, họ liền có mặt và khi nghĩ có vô số chúng sanh đến thọ thực, họ cũng đến đủ, hình dạng của họ không giống nhau nhưng sở cầu đều mãn nguyện.

Trong nhà Cụ Túc chỉ có một bình bát, nhưng cần thì biến thành đầy đủ vật cho mọi loại khác nhau. Ý này giống như có tính cách phù phép ma thuật, dễ gây hiểu lầm là mê tín dị đoan. Đối với vấn đề pháp thuật, thường được gọi là thần thông, chúng ta đều biết Đức Phật luôn cấm kỵ. Mặc dù Đức Phật sở đắc vô số thần thông, nhưng Ngài không bao giờ dạy đệ tử sử dụng nó, vì tà thuật dễ luyện, nhưng không phải là chánh đạo. Đức Phật e ngại chúng ta còn đầy tham sân phiền não, dễ rớt vào con đường tội lỗi, nên Ngài ngăn cấm tập luyện ma thuật.

Đức Phật dạy chúng ta việc chính yếu là rèn luyện nhân cách trở thành cao thượng trong loài người. Trước nhất, cần phải phát huy lòng từ bi, gánh vác khổ đau và mang niềm vui cho người. Ngoài ra, chúng ta phải phát triển trí tuệ, tức sự hiểu biết càng rộng càng tốt, mới có thể cải thiện đời sống cho người. Việc thứ ba là trang bi dũng lực, gặp việc đáng làm dù khó khăn nguy hiểm đến bản thân, ta cũng không từ chối. Đó là ba đức tính mà hàng đệ tử Phật phải trang nghiêm thân tâm, còn ma thuật thần thông không có giá trị bền chắc và càng tu luyện nó, chúng ta càng rời xa chánh đạo.

Khả năng đáp ứng yêu cầu của chúng sanh do Cụ Túc Ưu bà di thi thố không phải thuộc về tà thuật. Trái lại, đó là một pháp Phật dạy mang ý nghĩa sâu xa mà Phật phải dùng thí dụ nhân duyên để diễn tả cho chúng ta hiểu. Cụ Túc có thần biến và khả năng làm được như vậy, vì đã trải qua nhiều đời trồng căn lành, tu cội phúc, mới kết thành quả báo bất tư nghì.

Thật vậy, công đức của Cụ Túc quá rộng lớn, đầy đủ, nên tuy không chứa nhóm của cải mà tài sản có đầy trong Pháp giới. Trải qua vô lượng kiếp, ngài đã dùng toán pháp của Bồ tát để giáo hóa chúng sanh, mang đến cho họ tri thức và của cải vật chất.

Ân đức giáo hóa của ngài gieo rắc tình cảm tốt đẹp trong lòng họ, tác động họ trở thành pháp lữ đồng hạnh. Họ luôn mong mỏi được ngài giao việc để họ trả ơn giáo dưỡng, thì tất nhiên phương tiện cần có để giáo hóa dù lớn bao nhiêu cũng đủ sức cung ứng vậy. Điều này hiểu theo thời đại ngày nay, chúng ta thấy có nhiều nhà từ thiện trên thế giới không có tiền riêng. Tiền của họ gởi cho chúng sanh trong khắp mười phương là do công đức đã tu Bồ tát đạo, hành sáu pháp Ba la mật nhiều đời.

Khởi đầu của pháp tu Lục độ là trồng căn lành ở các Đức Phật, nghĩa là làm lợi ích cho chúng sanh. Trải qua vô số kiếp, họ đã giáo dưỡng cho người phát tâm Bồ đề, trở thành người tốt, có phước đức, trí tuệ và đào tạo được những nhà trí thức, trưởng giả, quốc vương khắp thế giới. Vì vậy, tuy không nắm giữ tiền, nhưng tiền của họ ở khắp mười phương. Những người giàu có, quyền thế, nói chung không biết bao nhiêu người trên thế gian được họ cứu vớt, giúp đỡ, nghe thấy nhà từ thiện định làm việc gì thì hết lòng tùy hỷ, đóng góp. Nhờ vậy, họ sử dụng được số tiền nhiều không tưởng nổi, sự nghiệp của họ không ai bằng, dù thực sự họ không có tiền.

Cụ Túc Ưu bà di có một vạn quyến thuộc đồng hạnh, gợi cho chúng ta thấy điều này ít có trên thực tế. Phần nhiều người quản lý hay buộc người khác làm theo, nên họ buồn phiền và ít hợp tác lâu dài. Nhất là trong giới phụ nữ, hiếm khi thương yêu tin tưởng nhau thực sự.

Ưu bà di chỉ có một bình bát thôi, nhưng được coi là Cụ Túc, tức đầy đủ tất cả. Đó là điều chúng ta cần học; thực tế thường cho thấy nhiều người có tài sản lớn, nhưng phải khổ sở vì giữ của. Cụ Túc thì chỉ cần một bình bát mà dư đủ, vì những gì làm được trong hạnh Bồ tát, ngài gom lại để trong một bình bát. Người nào có nhân duyên căn lành với ngài, đến học đạo, không đòi hỏi, không mong cầu, nên tranh chấp không xảy ra, tìm thấy sự an lành trong cuộc sống, tri thức tự thăng hoa. Cứ như vậy mà họ đi lên, thỏa mãn được mọi yêu cầu. Trái lại, người có tham vọng tìm đến, không lấy được một xu; vì chỉ có bình bát, có thấy gì đâu mà cướp được. Ý này diễn tả bằng hình ảnh Cụ Túc lấy trong bình bát đưa cho người những gì đều đúng với sự mong muốn của họ.