cool hit counter

Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm


Lời tựa Lược giải Kinh Hoa Nghiêm    11- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Kiến Tỳ kheo
CHƯƠNG I – LỊCH SỬ KINH HOA NGHIÊM
        I - Khái niệm về lịch sử kinh Hoa Nghiêm
   12- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tự Tại Chủ đồng tử
    II - Lịch sử truyền thừa và phát triển kinh Hoa Nghiêm    13- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Cụ Túc Ưu bà di
  III - Nội dung kinh Hoa Nghiêm    14- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Minh Trí
CHƯƠNG II - Ý NGHĨA ĐỀ KINH HOA NGHIÊM    15- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Pháp Bửu Kế
CHƯƠNG III – QUAN NIỆM VỀ ĐỨC PHẬT THEO KINH HOA NGHIÊM
       I - Quan niệm về Đức Phật trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
   16- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Phổ Nhãn
   II - Quan niệm về Đức Phật theo Đại thừa Phật giáo    17- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Vô Yểm Túc
  III - Quan niệm về Đức Phật theo kinh Hoa Nghiêm    18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang
CHƯƠNG IV – BỒ TÁT ĐẠO
      I - Bồ tát Thập Tín
   19- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bất Động Ưu bà di
  II - Bồ tát Thập Trụ    20- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Biến Hành ngoại đạo
 III - Bồ tát Thập Hạnh    21- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Ưu Bát La Hoa
IV - Bồ tát Thập Hồi hướng    22- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thuyền trưởng Bà Thi La
 V - Bồ tát Thập Địa hay Thập Thánh 23.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Vô Thượng Thắng hay Di Lặc Bồ Tát
VI - Bồ tát Thập Định 24- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
VII - Bồ tát Thập Thông 25- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với bà Tu Mật Đa nữ
VIII - Bồ tát Thập Nhẫn 26- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với cư sĩ Tỳ Sắc Chi La
CHƯƠNG V – PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI 28.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Chánh Thu
   1- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Đức Vân Tỳ kheo 27.- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ Tát Quán Tự Tại
   2- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Vân Tỳ kheo 29- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với thần Đại Thiên
   3- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thiện Trụ Tỳ kheo 30- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Địa thần An Trụ
   4- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Di Già 31- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với chủ Dạ thần Bà San Bà Diễn Để
   5- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với trưởng giả Giải Thoát 32- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Dạ thần Khai Phu Nhứt Thiết Thọ Hoa và Đại Nguyện Tinh Tấn Lực Cứu Nhứt Thiết Chúng Sanh
   6- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hải Tràng Tỳ kheo 33- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thọ thần Diệu Đức Viên Mãn
   7- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Hưu Xã Ưu bà di 34- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Bồ tát Di Lặc
   8- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa 35- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
   9- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Thắng Nhiệt Bà la môn 36- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Phổ Hiền Bồ tát
   10- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với Từ Hạnh đồng nữ CHƯƠNG VI – PHẨM NHẬP BẤT TƯ NGHÌ GIẢI THOÁT CẢNH GIỚI – PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

 

   18- Thiện Tài đồng tử cầu đạo với vua Đại Quang

        Thiện Tài học với vua Vô Yểm Túc pháp như huyễn, sử dụng cực hình ác để giáo hóa chúng sanh trong thế giới ác. Nhưng sang học đạo với vua Đại Quang ở thế giới hiền lành, dân chúng toàn người tốt thì thấy cách giáo hóa của vua Đại Quang hoàn toàn khác hẳn Vô Yểm Túc.

Học đạo với một ông hung dữ nhất và ông hiền lành nhất, để nói lên tinh thần Đại thừa không theo mô hình cố định, phải tùy thời, tùy chỗ mà áp dụng pháp thích hợp. Trong trường hợp nào cần hiền như bột cho họ nắn, để họ tu đắc đạo; nhưng gặp cô hồn lộng hành thì phải mặc áo ông Tiêu vô và phun lửa mới trị được chúng. Đến khi xong việc rồi, trở lại vị trí vua Đại Quang, nghĩa là trở lại tâm hiền lành nhất.

Vua Đại Quang cai trị không dùng hình phạt, nhưng quan tâm đến việc giải quyết cơm ăn áo mặc cho người, ai gặp khó khăn, cần gì vua sẵn sàng cho đủ. Điều này gợi ý chúng ta rằng nếu sức cung lớn hơn cầu thì việc giải quyết dễ dàng.

Lịch sử Nhật Bản cho thấy ở thời Minh Trị, tội trộm cắp bị xử phạt rất nặng, nhưng người dân vẫn cứ phạm tội này. Đến khi đất nước họ văn minh rồi, vật chất quá đầy đủ, tự động không ai làm điều xấu ấy.

Vua Vô Yểm Túc quá tàn nhẫn và vua Đại Quang quá đạo đức, hay đó là hai mặt của cuộc đời cho chúng ta bài học phải có phước báu, đạo đức, thông minh tài giỏi mới lo được cho mọi người. Và có như vậy mới chỉ đạo đất nước đi lên, còn chỉ dùng hình phạt suông thì không đủ.

Khi bản thân chúng ta chưa được những điều tốt, giỏi như vua Đại Quang, phải nỗ lực đoạn tuyệt tánh xấu, trau giồi đức tánh tốt, cố gắng làm được những điều khó làm.

Vô Yểm Túc giới thiệu Thiện Tài đến học với vua Đại Quang, cũng có nghĩa là khi xây dựng người, ngăn chặn xấu thì thiện sanh, trấn át được tội lỗi, người mới yên tâm làm ăn, cuộc sống mới chuyển thành tốt, lúc ấy kỷ luật không còn cần thiết nữa. Ai cũng muốn bố thí mà không muốn nhận, làm gì còn trộm cắp.

Xây dựng cho người trở thành tốt, họ tự phấn đấu đi lên, làm cho xã hội an lành. Bằng Từ tâm tam muội mà vua Đại Quang đến với người, nghĩa là tình thương yêu của Bồ tát có sức cảm hóa người. Lúc trước, tình thương của Vô Yểm Túc phải ẩn dấu bên trong và thể hiện ra những hình phạt ác. Nay, mọi người tốt rồi, tình thương của Đại Quang thể hiện thật trong cuộc sống. Đặc biệt là tình thương Bồ tát đạt đến độ cao, tác động cho người tội lỗi nghĩ đến Bồ tát liền phản tỉnh, hồi tâm.

Thực tế lịch sử nước ta cho thấy tấm gương đạo đức của vua Lý Thánh Tông. Ông thương dân như con đẻ. Lòng Từ của vua trải ra cho dân, lấy đức hạnh cảm hóa dân, dẹp bỏ các hình phạt dã man, nâng cao nhân phẩm của người dân. Vua đã xây dựng được đất nước an vui, thuần từ.

Vua Đại Quang dùng đức trị dân vì ông ra đời trong hoàn cảnh tốt, nước giàu, dân tốt, giỏi, phước đức đầy đủ như vậy, mọi việc tự động tốt. Ngược lại, sanh vô thế giới chiến tranh, lạc hậu, nghèo khổ, ác độc thì phải dùng pháp luật để trị cho yên.

Thiện ác, tốt xấu là hai thể tương đối của cuộc đời mà chúng ta cần khéo vận dụng trên bước đường hành Bồ tát đạo. Hai mẫu vua này được kinh Hoa Nghiêm đề ra nhằm dung hóa tốt xấu, cả hai đều là đạo.

Theo tinh thần ấy, chúng ta học với người xuất gia và cả cư sĩ tại gia, thậm chí học với trẻ thơ chưa biết suy tư. Hành đạo theo Hoa Nghiêm, có người đau khổ đến nhờ tôi giải khổ. Tôi dạy họ nên học với đứa trẻ an vui tự tại mà bà đang bồng trên tay. Bà chỉ cần dẹp bỏ ý thức xấu về người chồng là được an lạc liền. Giải thoát và vô minh phiền não cùng ở một chỗ, biết thì giải thoát, không biết thì khổ.

Tóm lại, qua hình ảnh của hai ông vua ác và thiện cho chúng ta ý thức kết hợp thiện và ác, trong ác có thiện và ngược lại trong thiện có ác. Biết như vậy mới có thể tu hành đắc đạo. Thí dụ như có Phật tử tu hành tốt, cúng dường nhiều, nhưng lớn tuổi lại sanh tật, hung dữ, nhiều đòi hỏi thì chết sẽ đọa. Đó là con đường tu cùng tột thiện để trở thành ác. Ngược lại, có người rất ác, nhưng cuối cuộc đời, họ ăn năn hối cải, trở thành thiện và chết sanh Thiên. Vì vậy, Phật dạy chúng ta đã làm thiện, phải cố gắng nuôi dưỡng thiện tâm cho phát triển; nếu không phát huy được thì cũng không nên làm mất tâm tốt.

Theo kinh nghiệm tu hành, tôi lỡ làm gì mất lòng người, thì thường thao thức, suy nghĩ về sự lỡ lầm ác của mình mà nuôi thiện tâm. Ngày nay, chúng ta được duyên lành đến chùa, sống với bạn đạo, nên gieo vào lòng người cảm tình tốt, để đời sau gặp lại nhìn nhau trong thiện cảm, cùng làm thiện nhiều hơn nữa. Cứ như vậy mà tiến tu thì dễ thành Phật.

Chính nhờ quá khứ chúng ta đã xây dựng được việc tốt lành với bạn bè, nên đời này họ mới thương ta, hợp tác với ta; nhưng dại dột đánh mất mối tương quan thiện cảm ấy thì gặp lại trong mối thâm thù, quả là uổng phí và đáng sợ.

Đức Phật dạy rằng tu Bồ tát đạo phải biết tổng hợp để chuyển tất cả thành thiện căn công đức. Theo tinh thần ấy, vua Vô Yểm Túc sống trong nước tội lỗi phải xử trí bằng những hình phạt khủng khiếp để xã hội yên lành. Nhưng mọi việc đều yên ổn rồi, không cần làm như vậy nữa, cộng thêm đức hạnh của vua, không cần làm mà việc thành vì được nhiều người giúp sức, như vua Đại Quang thì càng siêng năng càng dễ thăng hoa.