Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm
Thiện Tài học với tiên nhân Tỳ Mục Cù Sa pháp tu chuyển được tâm của ngoại đạo về với Phật đạo, kế đó vị này chỉ Thiện Tài đến tìm học với ngoại đạo khác là Thắng Nhiệt Bà la môn, vì trong hàng Bà la môn cũng có Bồ tát thị hiện. Vì vậy chỉ tìm học với Thắng Nhiệt, không phải học với tất cả Bà la môn.
Thiện Tài thấy Thắng Nhiệt đang tu khổ hạnh, bốn phía đốt lửa, ngọn cao như núi lớn, ở giữa có núi đao cao nhọn và thấy Thắng Nhiệt leo lên núi đao nhảy vào lửa. Điều này khiến ta hình dung ra mỗi người có pháp tu riêng mang ý nghĩa của nó, nếu ta chỉ bắt chước làm theo, không được chơn truyền thì thân tâm sẽ bị hại hơn là thành công.
Thắng Nhiệt bảo Thiện Tài leo lên núi đao, nhảy vào lửa để Bồ tát hạnh thanh tịnh. Thiện Tài chùn bước vì nghĩ rằng Đức Phật từng dạy thân người khó được, phải chăng đây là ma giả Bồ tát để phá hoại sự tu hành của ông.
Trong lúc đang phân vân, suy nghĩ thì Thiện Tài nghe tiếng của Trời Phạm Thiên bảo rằng: "Thiện nam tử, chớ nghĩ như vậy. Đức Thánh đây đã được Kim cang diệm tam muội quang minh, phát đại tinh tấn độ chúng sanh, tâm không thoái chuyển, muốn cạn tất cả biển tham ái, muốn thiêu tất cả củi phiền não... Ta là Phạm Thiên, tự cho mình là đấng làm ra tất cả, là tối thắng trong thế gian. Khi thấy Bà la môn này dùng năm thứ lửa đốt thân, lòng ta không còn ưa thích cung điện của mình, diệt trừ tất cả kiêu mạn, phát Bồ đề tâm, thường thấy chư Phật, hằng nghe diệu pháp...”
Thiện Tài cũng nghe Tự Tại Thiên vương, Hóa Lạc Thiên vương, Đâu Suất Thiên vương, Đao Lợi Thiên vương, Long vương, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la... và quyến thuộc của họ đều nói rằng họ thấy năm lửa đốt thân thì rời bỏ dục lạc, phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề.
Điều này có nghĩa là nhờ căn lành đời trước nên khi gặp việc khó, ta thường nghe được tiếng nhắc nhở từ trong lòng, sách tấn ta tinh tấn hơn. Mỗi lần được sách tấn, chúng ta lại có sự thay đổi tốt đẹp thêm. Nếu không có sự đánh thức của tự tâm, ta dễ bỏ cuộc lúc gặp chướng nạn.
Ý này cũng gợi chúng ta liên tưởng đến việc thái Tử Tất Đạt Đa định xuất gia thì cảnh vợ đẹp con ngoan hiện ra, nhưng Ngài cũng nghe được Trời Đế Thích trỗi nhạc nhắc nhở rằng nay tuổi đã lớn, sao không sớm quyết định đi tìm đường giải thoát.
Trên bước đường tu, có lúc ta mệt mỏi, không muốn tiếp tục Thánh đạo, nhưng may mắn gặp bạn tốt khuyên nhủ, ta thay đổi được ý định xấu ấy. Nếu không có căn lành, đang chán nản mà gặp bạn ác thúc đẩy thì ta dễ bỏ đạo.
Sự thức tỉnh bên trong và sự trợ lực bên ngoài được kinh diễn tả bằng tiếng nói trong hư không của Trời Phạm Thiên, Đế Thích, Đao lợi, Long vương, Dạ xoa, A tu la… Có sự tĩnh giác của tự thân và được sự trợ lực của thiện tri thức, chúng ta mới vững niềm tin, tiến tu được.
Thiện Tài liền xin sám hối thiện tri thức và trèo ngay lên núi đao, nhảy vào hầm lửa thì liền đắc đạo, chứng được Bồ tát Thiện trụ Tam muội và Bồ tát Tịch tịnh lạc thần thông Tam muội.
Ở đây, không phải núi đao, hầm lửa thật mà các phù thủy luyện tập sử dụng. Leo lên núi đao và nhảy vào hầm lửa tiêu biểu cho hành trình đi vào Pháp giới hay sự tu chứng của tự tâm.
Núi đao mà chúng ta phải vượt qua trên con đường dấn thân vào tự tâm, được diễn tả trong kinh tạng Pali rằng chúng ta hãy mạnh tiến trên đường phạm hạnh, thẳng tiến vào đường giáo mác, gươm đao. Nghĩa là trên đường hành đạo, chắc chắn gặp vô vàn khó khăn chào đón chúng ta, làm ta bị tan thân, mất mạng dễ dàng; nhưng chúng ta vẫn quyết chí vượt qua khó khăn, bất chấp gian nguy thử thách để thực hiện lý tưởng cao cả mà chúng ta đã lựa chọn. Tâm không bao giờ khiếp sợ trước những sự châm chọc, chống phá việc làm của ta.
Một bên là sức mạnh chống phá, một bên là sức cám dỗ của ngũ dục tượng trưng bằng năm thứ lửa. Lửa ngũ dục hay năm điều ham muốn luôn chi phối, đốt cháy con người. Thắng Nhiệt Bà la môn vượt khỏi mọi phiền toái, bức bách của cuộc đời, không bị lửa dục thiêu đốt.
Thắng Nhiệt thành tựu pháp ấy và chỉ dạy Thiện Tài cũng luyện như vậy. Trước Thiện Tài đã gặp thử thách, nhưng đến đây thử thách lớn hơn, cụ thể hóa bằng núi đao và hầm lửa. Thiện Tài vốn có căn lành, từ bỏ những thứ của báu ở đời để xuất gia, nay gặp khó khăn cũng gợn lên trong lòng; Thiện Tài liền nhớ lại chí nguyện hướng thượng. Của cải quý báu của ông trước khi xuất gia so với tạng báu Như Lai hiện nay thì thấm vào đâu mà ham thích. Nhớ lại được như vậy dễ vững tâm tiến bước hành đạo Bồ tát.
Hình ảnh Thắng Nhiệt và Thiện Tài an nhiên ra khỏi núi đao lại gặp hầm lửa nhằm nhắc nhở chúng ta trên bước đường tu, vượt qua khó khăn và thành công rồi, chúng ta lại bị mua chuộc. Nhưng mua chuộc mà ta không sa ngã, gặp chống phá mà không khiếp sợ thì người không thể não hại, ta mới tiến tu đạo nghiệp được.
Theo lời Phật dạy, Thiện Tài từ bỏ lợi danh, tình ái; nhưng nay đến với Thắng Nhiệt Bà la môn thấy ông này đang sống với lợi danh tình ái. Rõ ràng lợi danh tình ái là những thứ gây đau khổ, chết chóc cho người. Vậy mà Thắng Nhiệt luyện tập để những thứ này không lôi cuốn, sát hại được ông.
Bà la môn khác sống với lợi danh tình ái để hưởng thụ rồi sa đọa. Nhưng Thắng Nhiệt thì trái lại, ông không bị lửa tình ái, tham dục thiêu đốt, không bị núi đao danh lợi cắt đứt thân mạng, tức sống giữa bọn gươm giáo ác độc mà chúng không hại được, mới thực sự an lành giải thoát.
Võ Thiếu Lâm của Thiền phái Đạt Ma thể hiện tinh thần này. Vì cuộc đời sử dụng toàn đao kiếm, muốn cứu đời phải mạnh hơn họ, giỏi hơn họ. Từ đó, luyện tập võ Thiếu Lâm để đủ sức chống đỡ tất cả đao kiếm và nhất là có khả năng ngăn chặn tất cả ác hại, nhằm bảo toàn thân mạng mình và cứu người giúp người.
Thiện Tài học được với Thắng Nhiệt, hay cũng nhằm gợi ý cho ta tu tập thế nào để lửa tình ái, tham dục không thiêu đốt, gươm danh lợi không chém chết được. Những cái đáng ham muốn, bực tức, buồn phiền mà ta không ham muốn, bực tức, buồn phiền. Dấn thân vào đời tiếp xúc với mọi thành phần, nhưng ta vẫn là ta, không phạm sai lầm nào cho đến khi đầy đủ Bồ tát hạnh, mang công đức ấy trở về diện kiến Đức Tỳ Lô Giá Na.