Trí Quảng Toàn Tập - Quyển III - Lược Giải Kinh Hoa Nghiêm
Đức Phật tại thế, Ngài là đấng toàn giác, toàn trí, hướng dẫn mọi người thăng hoa tri thức và đạo đức. Sau khi Phật diệt độ, nảy sanh nhiều quan niệm khác nhau về Ngài.
Ở thời Phật giáo Nguyên thủy, khi sanh thân Phật không còn, người ta nghĩ Phật vẫn hiện hữu trong kinh tạng của Ngài lưu lại, gọi là giáo pháp Pháp thân. Quan niệm giáo pháp Pháp thân được Đại chúng bộ triển khai thành Tăng đoàn Pháp thân, nghĩa là Phật vẫn sống trong sinh hoạt của tập thể hòa hợp Tăng. Từ đó, mỗi người tin Phật, học Phật, thể hiện cuộc sống theo Phật thì Phật hiện hữu trong suy tư, trong việc làm của họ. Vì vậy có bao nhiêu người hướng tâm về Ngài, thì có bấy nhiêu Phật, dẫn đến hình thành tư tưởng thiên bá ức hóa thân Phật của Phật giáo Đại thừa.
Theo tinh thần Đại thừa, Đức Phật Thích Ca là một ứng thân ở Ta bà, để khai thị cho chúng sanh con đường vào Phật tri kiến. Sau khi ứng thân Phật Niết bàn, những Tỳ kheo mang hình thức giống Phật và truyền bá chánh pháp, tiêu biểu cho Phật tại trần gian, gọi là hóa Phật.
Tư tưởng hóa Phật được dân Tây Tạng đổi thành Phật sống, người ta tin và gần gũi với Phật sống hơn là Phật vô hình. Theo họ, chỉ có Lạt Ma mới có khả năng tiếp cận với Phật và vị này là nhịp cầu tâm linh truyền thông giữa mọi người và Phật. Vì vậy, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiêu biểu cho Phật tại thế, được kính trọng tuyệt đối.
Mỗi vị Tăng suy nghĩ về Phật, thì hiện hữu Phật; hóa Phật là Phật do chúng ta hình dung, nghĩ tưởng mà có. Từ góc độ ấy, Phật giáo Đại thừa đưa ra quan niệm Báo thân Phật hay thân phước đức trí tuệ của Phật. Báo thân Phật không phải là một thân lạ lùng ở nơi xa xôi nào, nhưng tồn tại ngay trong sanh thân Ngài, được cấu tạo từ sự kết hợp trí tuệ và những việc làm thánh thiện, lợi ích của Ngài đối với đời.
Thật vậy, trên bước đường hoằng hóa độ sanh, với tri kiến thấy đúng như thật, Phật hiểu rõ khả năng, hoàn cảnh của từng người và tùy theo đó mà chỉ dạy; họ đều thăng hoa trên đường đạo hạnh, tăng trưởng phước lạc. Với nhân cách toàn thiện, trí tuệ toàn bích và đạo đức toàn mỹ, Đức Phật dễ dàng thành công trong việc giáo hóa. Báo thân hay hành vi đạo đức, không chút lỗi lầm và trí tuệ siêu tuyệt của Phật đã ảnh hưởng, tác động cho người, xây dựng thành một tập thể xuất gia và tại gia đạo đức, sáng suốt. Hướng dẫn và dung hóa một giáo đoàn gồm mười hai ngàn Tỳ kheo thuộc nhiều trình độ khác nhau, thành phần phức tạp, không phải là điều đơn giản. Trong tám mươi năm trụ thế, Đức Phật cảm hóa từ hàng vua chúa quyền quý, người giàu sang, học thức, cho đến người thứ dân nghèo khổ, thất học, từ người hiền lành đến kẻ sát nhân; tất cả đều được chuyển đổi, thăng tiến tốt đẹp.
Từ Báo thân viên mãn, đầy đủ phước đức, trí tuệ, Đức Phật dùng vốn quý giá ấy để cấu tạo một thân thứ ba gọi là Pháp thân. Pháp thân không phải là cái gì siêu hình, trừu tượng ở trong hư không. Bằng trí tuệ của bậc Chánh Biến Tri, Đức Phật biết rõ và vận dụng được nguyên lý tạo nên con người và thế giới. Từ đó, mọi vật, mọi hiện tượng trong trời đất, mọi việc của các loài đều không chướng ngại đối với Ngài. Và hơn thế nữa, Đức Phật chi phối toàn bộ các pháp, sử dụng chúng một cách tự tại; các pháp trở thành thân của Ngài. Đức Phật sử dụng Pháp thân chuyển hóa xã hội đương thời, lúc ấy sanh thân Phật trở thành Pháp thân, hay được coi là Pháp thân.
Chúng ta cũng có Pháp thân, nhưng vì không có Báo thân viên mãn, tức không đầy đủ trí tuệ, đạo đức nên Pháp thân không hoạt động được, kinh gọi là Như Lai tại triền; ví như vàng bạc có trong quặng mỏ, nhưng không biết khai thác, không dùng được.
Đức Phật cũng mang thân tứ đại ngũ uẩn như mọi người, nhưng Ngài biết dùng sanh thân ấy để tạo thành Pháp thân và Báo thân và đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác. Trong khi chúng sanh phát triển nghiệp và phiền não, đời đời kiếp kiếp trôi lăn trong sanh tử khổ đau.
Trên nền tảng cuộc sống bình thường của sanh thân, Đức Phật phát triển tinh thần, tăng trưởng trí tuệ và đạo đức để nuôi lớn Báo thân. Và từ tinh thần này hội nhập lại sanh thân, tác động đến mọi người, mọi việc. Nói chung là Ngài điều động được các pháp một cách tự tại, tức sử dụng được Pháp thân.
Tuy Phật có ba thân là sanh thân, Báo thân và Pháp thân, nhưng thực sự chỉ là một thân hiện hữu trong con người thật, Thích Ca Mâu Ni, được lịch sử ghi nhận.
Tóm lại, Phật giáo Nguyên thủy quan niệm Đức Phật có sanh thân và Pháp thân.
Phật giáo trong thời kỳ bộ phái lại chủ trương Báo thân và ứng thân.
Sau đó, Phật giáo Đại thừa kết hợp hai tư tưởng này lại để hình thành quan niệm tam thân Phật là ứng hóa thân, Báo thân và Pháp thân. Nghĩa là quan niệm sanh thân của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo thời bộ phái giống nhau, vẫn giữ nguyên, nhưng mang tên khác là ứng hóa thân. Ứng thân chỉ cho Phật Thích Ca, hóa thân là những vị gìn giữ chánh pháp Phật tồn tại trên thế gian.
Ngoài ra, Phật giáo Đại thừa đặt nặng vấn đề tri thức và đạo đức nên lấy Báo thân viên mãn, hay phước đức trí tuệ làm thân. Đây là điểm quan trọng khác biệt giữa Phật và chúng sanh, vì không tu đầy đủ hạnh Bồ tát và tâm đại bi, nên chúng sanh không thể nào đạt quả vị Phật.
Sau cùng, Đại thừa kết hợp giáo pháp Pháp thân của quan niệm Nguyên thủy với Tăng đoàn Pháp thân của thời bộ phái, chuyển đổi thành thanh tịnh Pháp thân. Như vậy, danh từ Pháp thân tuy giống nhau, nhưng tư tưởng cốt lõi bên trong khác nhau.
Theo tinh thần Đại thừa, ngày nay sanh thân Phật vắng bóng trên cuộc đời, tri thức và đạo hạnh của Ngài đã đầu tư cho loài người vẫn là mô hình kiểu mẫu hướng dẫn cho những người đồng hạnh đồng nguyện với Ngài trên khắp năm châu.
Sanh thân không còn hiện hữu mà Pháp thân vẫn thường trụ vĩnh hằng, được vô số tâm hồn lớn nối tiếp, tạo thành mạng mạch Phật giáo lưu truyền, lợi lạc cho chúng hữu tình qua suốt hai mươi lăm thế kỷ.